Nepal: Sư cô Ani Choying Dolma và tiếng hát làm ấm dịu bao tâm hồn

Sư cô Ani Choying Dolma biểu diễn tại Ba Lan
Sư cô Ani Choying Dolma là một tu sĩ người Nepal. Mặc dù là một tu sĩ Phật giáo, nhưng Sư cô có giọng hát rất tuyệt vời, được khán thính giả người Nepal và nhiều nơi trên thế giới mến mộ. Giọng hát trầm ấm của cô kết hợp với những bài hát giàu xúc cảm, đậm chất liệu yêu thương, những giai điệu tha thiết của các bản nhạc cổ điển, và những bài chú, lời kệ sâu sắc của Phật giáo đã khiến cho không biết bao nhiêu người phải rơi nước mắt, cảm thấy rung động khắp cả châu thân mỗi khi lắng nghe giọng hát của cô.
Cô Ani Choying sinh năm 1971, xuất gia từ lúc cô vừa tròn 13 tuổi, tại Ni viện Nagi Gompa, ở núi Shivapuri, trên sườn phía Bắc của thung lũng Kathmandu. Cô có một tuổi thơ bất hạnh, thường chịu sự đánh đập, hành hạ tàn nhẫn của cha. Theo như lời tâm sự của cô thì tuổi thơ của cô chịu đựng đủ “sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần”. Cô bày tỏ, nếu như cô không được xuất gia tu học dưới sự dẫn dắt của ngài Tulku Urgyen Rinpoche, bậc thầy dẫn đạo và vị cứu tinh vĩ đại của đời cô, thì có lẽ không bao giờ cô thấy được ánh sáng của cuộc đời.
Chân dung Sư cô Ani Choying Dolma
Sư cô Ani Choying Dolma và chư Ni tại Ni viện Nagi Gompa
Quá trình học tập và rèn luyện tâm linh của cô được diễn ra dưới sự chỉ dẫn và giám sát của ngài Tulku Urgyen Rinpoche, một vị thiền sư nổi tiếng ở Nepal. Cô được học thiền, tán tụng, và các nghi thức, nghi lễ trong Phật giáo và sớm trở thành người dẫn chúng trong tất cả các nghi thức, nghi lễ của tu viện. Nhưng sau đó cô xin nghỉ chức vụ này để chăm sóc sức khỏe và làm thị giả cho ngài Tulku Urgyen Rinpoche cho đến khi ngài viên tịch. Nếp sống vị tha, luôn luôn cống hiến vì người khác mà không hề chú trọng đến lợi ích cá nhân của ngài Tulku Urgyen đã tác động mạnh đến sư cô Ani Choying, và đã nuôi lớn tâm nguyện phụng sự của cô, cô nguyện đem tất cả khả năng của mình để làm lợi ích cho mọi người càng nhiều càng tốt. Bởi vì chính ngài Tulku Urgyen đã coi trọng chư Ni như chư Tăng, cho nên sư cô Ani Choying tâm niệm rằng, tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho chư Ni học tập và phát huy những khả năng của họ trong những hoạt động đòi hỏi sự khéo léo và tình thương yêu là cách tốt nhất mà cô có thể đáp lại kỳ vọng của thầy mình đối với cô. Cô Ani Choying đã tận tâm làm những gì có thể để đem đến sự tiến bộ cho chư Ni, không chỉ vì lợi ích của chính họ mà còn là nhằm chuẩn bị tốt hơn cho họ để họ phục vụ và làm lợi ích cho người khác. Cô Ani Choying tin tưởng rằng, các vị nữ tu sĩ Phật giáo luôn có tâm nguyện lớn và có khả năng kiến tạo thế giới, có thể góp phần làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn nếu như họ có được những cơ hội như bao nhiêu người khác.   
Cô Ani Choying hiện được xem như là một ca sĩ có tầm cỡ quốc tế, đặc biệt là về những thể loại tán tụng trong Phật giáo và nhạc cổ điển. Ngoài những chương trình biểu diễn ở Nepal, Sư cô còn được mời đi trình diễn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, như là ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thụy  Sĩ, Ba Lan, Singapore, Hồng Kông… Bên cạnh đó, cô Ani Choying còn tham dự nhiều sự kiện, lễ hội và hội thảo mang tầm quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Về sự nghiệp ca hát, cô Ani Choying đã thu âm nhiều băng đĩa, nhiều bài hát và phát hành ở Nepal cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay Sư cô đã phát hành được 12 Album nhạc. Album đầu tiên của cô được phát hành vào năm 1997, với tựa đề là “Cho” (tiếng Tây Tạng, nghĩa là “chúng sanh”), do Công ty American CD phát hành trên toàn thế giới. Và Album được phát hành gần đây nhất là vào tháng 10/2011, với tựa đề “Mangal Vani” (Sự khởi đầu tốt lành).
Chình vì tâm nguyện của cô là đem tất cả khả năng của mình đề phụng sự chúng sanh, làm lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài, trong đó đối tượng trực tiếp, gần gũi nhất là các vị nữ tu sĩ Phật giáo ở Nepal, phụ nữ và dân nghèo Nepal, cho nên cô đã dùng tất cả những nguồn lợi thu được từ sự nghiệp ca hát của mình vào việc tạo dựng các cơ sở tự viện, trang bị những tiện nghi cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tu học cho chư Ni. Bên cạnh đó cô còn tổ chức nhiều chương trình từ thiện, phúc lợi xã hội để giúp đỡ cho phụ nữ và dân nghèo Nepal có cơ hội phát triển, thoát ra khỏi sự nghèo đói, thất học. Để thực hiện tâm nguyện của mình, cô Ani Choying đã sáng lập Nuns' Welfare Foundation (NWF - Tổ chức từ thiện Phúc lợi của chư Ni) ở Nepal và đã được chính quyền cấp phép hoạt động với tư cách là một tổ chức phi chính phủ vào năm 1998. Nhiệm vụ của tổ chức này là phát triển công tác giáo dục và phúc lợi xã hội cho chư Ni để rồi họ có thể phục vụ cho cộng đồng. Và Trường Arya Tara, dự án quan trọng nhất của NWF, được thành lập vào năm 2000. Trường này giảng dạy cả nội điển lẫn ngoại điển cho hơn 70 Ni sinh trẻ. Năm 2007, Sư cô thành lập Trường Thangka Painting, đây là ngôi trường đầu tiên và duy nhất ở Nepal dạy nghệ thuật vẽ tranh Thangka của người Tây Tạng cho chư Ni ở Nepal. Năm 2006, với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cô Ani Choying đã xây dựng một hồ chứa nước có trữ lượng lên đến 150.000 lít nước ở thôn Seti Devi, Nepal. Hồ chứa nước này được xây tặng cho phụ nữ trong vùng, vì hằng ngày họ phải gánh nước từ những nguồn nước gần đó, nhưng chúng gần như đã bị cạn kiệt.
Không chỉ có thế, Sư cô Ani Choying còn thực hiện nhiều dự án phúc lợi xã hội rất thiết thực khác, chẳng hạn như là dự án hỗ trợ ngân quỹ để xây dựng các công trình tạo khí đốt sinh học cho người dân nghèo; xây dựng trung tâm nuôi dân những trẻ em mà cha mẹ của chúng đang bị ở tù; hỗ trợ và điều hành Ban nhạc Shree Tara, một ban nhạc của các nữ nhạc công chuyên biễu diễn các nhạc cụ truyền thống; xây dựng Bệnh viện Thận (The Kidney Hospital), chuyên điều trị các bệnh về thận cho bênh nhận nghèo ở Nepal; hỗ trợ ngân quỹ cho kênh truyền hình Bodhi TV, một kênh truyền thông Phật giáo chuyên trình chiếu các chương trình về Phật giáo, về những lời Phật dạy, bao gồm cả mọi truyền thống Phật giáo, lâu nay thì kênh truyền thông này chỉ truyền tải qua mạng Internet, nay sư cô Ani Choying hỗ trợ ngân quỹ để phát sóng trên truyền hình quốc gia Nepal. 
Cô Ani Choying đã và đang đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau ở trong các tổ chức của Ni giới và Phật giáo Nepal, cũng như một số tổ chức xã hội của Nepal, chẳng hạn như: Đại sư thân thiện cho Năm du lịch của Nepal 2011, Thành viên Ban tổ chức và tuyển chọn cho “Giải thưởng Hòa bình Quốc tế của Đức Phật Cồ Đàm”, Người bảo trợ cho chiến dịch đẩy lùi bạo lực ở Nepal, Chủ tịch Tổ chức từ thiện Phúc lợi của chư Ni ở Nepal, Chủ tịch Tổ chức từ thiện Arogya, Cố vấn viên của Liên bang Phật giáo Nepal năm 2011…
Mặc dù Sư cô Ani Choying đã làm được rất nhiều việc, đã đem đến lợi ích cho rất nhiều người và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, thế nhưng Sư cô luôn giữ thái độ thân thiện và vô cùng khiêm tốn, luôn luôn sống vì mọi người. Cô tâm sự: "Khi tôi đi trên đường phố, mọi người đi ngang qua tôi và nói: Ồ, cô Ani Choying kìa! Và họ mỉm cười với tôi. Đấy là một niềm vui thực sự vì tôi biết rằng tôi có thể đem đến niềm vui cho ai đó, dù chỉ là trong chốc lát". Như vậy là, nhờ vào chất giọng đặc biệt của mình, sư cô đã đem đến cho khán thính giả những giây phút an bình khi lắng nghe những bản nhạc của cô. Và nguồn lợi thu được từ sự nghiệp ca hát của cô lại làm lợi lạc cho rất nhiều người khác. Thật đáng khâm phục!
Minh Nguyên
(Nguồn: Báo Giác Ngộ số Tân Niên 625-626, ra ngày 25/1/2012)

Để biết thêm về sư cô, mời ghé thăm website của sư cô: http://www.choying.com/
Và đây là một video clip Sư cô tụng chú, mời mọi ngưởi thưởng thức:


Hàn Quốc: Chùa Bongeun, chốn bình yên cho tâm hồn

Chánh điện chùa Bongeun
Chùa Bongeun hay Bongeun-sa (Chùa Phụng Ân) là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hàn Quốc. Chùa do ngài Yeon-hoe (Quốc sư của vương quốc Silla thời bấy giờ) xây dựng vào năm 794. Lúc đầu chùa có tên là Gyeonseong-sa (Chùa Kiến Tánh - trong tiếng Hàn, chữ “sa” có nghĩa là chùa). Vào năm 1498, chùa được trung tu và lấy tên là Bongeun-sa. Trải qua chiều dài lịch sử trên 1.000 năm, chùa đã được trùng tu và nâng cấp rất nhiều lần.
Chùa Bongeun là trung tâm chính của Thiền tông ở Hàn Quốc. Năm 1902, chùa Bongeun được nhà nước xếp vào một trong mười bốn ngôi chùa chính ở Hàn Quốc. Đến năm 1911, chùa Bongeun trở thành trụ sở chính của Phật giáo, có nhiệm vụ trông coi và điều hành 80 ngôi chùa nhỏ hơn ở thủ đô và khu vực lân cận. Trong những trận lụt lớn vào năm 1922 và 1929, ngài Cheong-ho, trụ trì của chùa, đã cứu sống trên 700 người dân khỏi phải bị đuối trên sông Han, một trong 4 con sông dài nhất ở Hàn Quốc. Để tưởng nhớ những hành động nhân đạo của ngài, người dân đã dựng tượng đài vinh danh ngài.
Tượng Phật Di Lặc tại chùa Bongeun
Năm 1972, viện dịch thuật kinh điển từ tiếng Hán sang tiếng Hàn đã được thành lập tại chùa. Viện dịch thuật này đã sản sinh ra nhiều dịch giả xuất sắc và phát hành rất nhiều bản dịch vô cùng giá trị cho Phật giáo hàn Quốc.
Hiện tại, chùa Bongeun tọa lạc trên diện tích rộng đến cả chục héc-ta, trên sườn núi phía Nam thủ đô Seoul, và là một trong những tự viện lớn nhất ở thủ đô Seoul, với hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ, rất cân đối, hài hòa và thân thiện môi trường. Chùa là nơi tu học của hơn 200.000 tín đồ Phật tử. Bên cạnh đó, chùa còn là một trung tâm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn và ấm cúng đối với tất cả người dân Hàn Quốc cũng như du khách quốc tế.
Trước nhịp sống hối hả, tất bật và rộng ràng của người dân thủ đô, chùa đã tổ chức các khóa tu ngắn ngày (Chương trình Temple Stay) trong khuôn viên yên tĩnh, hài hòa với thiên nhiên của chùa để đem đến cho hành giả những giờ phút yên bình, hạnh phúc trong cuộc sống. Các khóa tu đã thu hút rất nhiều người tham dự, đặc biệt là giới trẻ.
Chùa Bongeun hiện đang lưu giữ 3.438 mộc bản khắc 15 bộ kinh Phật, trong đó có Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Kim Cang. Ngài Yeong-ki và ông Kim Jeong-hui đã chỉ đạo dự án khắc kinh điển này vào năm 1855. Trong đó, bản Kinh Hoa Nghiêm là một tuyệt tác nghệ thuật, là một trong số rất ít những di sản còn lại ở Hàn Quốc, và là một nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, triết học Phật giáo và sự tiến hóa của tiếng Hàn. Hiện tại, ngôi điện Pan-jeon được xây dựng vào năm 1856 để lưu giữ các bản kinh khắc trên gỗ nói trên là công trình kiến trúc cổ nhất tại chùa.
Đại hung Bảo điện là công trình kiến trúc chính của chùa, được trùng tu vào năm 1982. Trong chánh điện thờ ba pho tượng Tam thế Phật. Có một bức thư pháp được treo trong chánh điện là tác phẩm nghệ thuật của ông Kim Jeong-hui, một học giả và nhà thư pháp nổi tiếng dưới triều đại Joseon.
Trong khuôn viên của chùa còn có một pho tượng Phật Di Lặc lộ thiên, cao 23 mét. Đây là pho tượng Phật Di Lặc bằng đá thuần khiết cao nhất ở Hàn Quốc. Công trình này do ngài Young-am xây dựng vào năm 1986, và hoàn thành vào năm 1996, nhằm cầu nguyện cho sự hòa bình và thống nhất của hai niềm Nam - Bắc Hàn. Khi pho tượng được hoàn thành, trong lễ lạc thành có 100.000 lồng đèn đã được treo lên và thắp sáng để đón mừng. Khoảng trống giữa pho tượng và điện Mireuk được dùng để tổ chức các sự kiện văn hóa và các lễ hội Phật giáo.
Hàng năm, chùa tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và lễ hội khác nhau, thu hút đông đảo tín đồ và du khách đến tham dự. Đặc biệt là trong những năm gần đây, chương trình Temple Stay của chùa đã trở thành một chương trình tu học lý tưởng cho rất nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước đến tham gia.
Quảng Trí (Nguồn: Báo Giác Ngộ số Tân Niên 625-626, ra ngày 25/1/2012)

Ấn Độ: Tổ chức Pháp hội Thời Luân Vì Hòa Bình Thế Giới

Pháp hội Thời Luân là một lễ hội lớn được cộng đồng Phật giáo Tây Tạng tổ chức hàng năm, với lượng người tham dự lên đến hàng chục nghìn người. Lần này, để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, muôn dân được an lạc, ngay những ngày đầu tiên của năm mới 2012, Pháp hội Thời Luận được tổ chức tại thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng, thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Pháp hội chính thức diễn ra từ ngày 01/01/2012 cho đến ngày 10/1/2012 dưới sự chứng minh và truyền trao pháp khai tâm của đức Dalai Lama thứ 14. Đây là một diễm phúc lớn cho tín đồ Phật tử.
Kalachakra là một từ tiếng Phạn, dịch là “thời luân”, nghĩa là bánh xe thời gian, hay là những chu kỳ thời gian. Theo truyền thống này thì Kalachakra xoay quanh khái niệm thời gian và các chu kỳ, từ các chu kỳ của các hành tình đến chú kỳ hơi thở của chúng ta và sự thực tập của hành giả trong việc làm chủ những nguồn năng lượng tinh tế nhất ở trong cơ thể chúng ta trên con đướng hướng đến sự giác ngộ. Thần Kalachakra tượng trưng cho sự toàn trí toàn năng; cũng như mọi thứ đều chịu sự ảnh hưởng của thời gian, Ngài là vị thần của thời gian cho nên Ngài biết tất cả. Kalachakra được Đức Phật truyền dạy lần đầu tiên tại Ấn Độ vào kỳ an cư ba tháng mùa Đông lần thứ 15 kể từ khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ-đề.
Kalachakra có ba loại: Kalachakra bên ngoài (external Kalachakra), Kalachakra bên trong (internal Kalachakra) và Kalachakra thay thế (alternative Kalachakra). Kalachakra bên ngoài là nói đến các thế giới hệ, như là sự vận hành của mặt trăng, mặt trời và các chòm sao. Kalachakra bên trong là nói đến cấu trúc nội tại của con người, chẳng hạn như là các kênh thông tin, các nguồn năng lượng và các chất lỏng tái tạo. Kalachakra thay thế là nói đến sự phát sinh và các giai đoạn hoàn thiện trên con đường tâm linh của Kalachakra mà nó tịnh hóa các đối tượng cần được làm cho thanh tịnh, cụ thể trong trường hợp này là Kalachakra bên ngoài và Kalachakra bên trong.
Từ trước đến giờ, trong số các bậc tôn sư Tây Tạng chưa có vị nào chủ trì và truyền trao pháp khai tâm Kalachakra nhiều hơn 4 lần. Riêng với đức Dalai Lama thứ 14 thì đây là lần thứ 32 Ngài chủ trì Pháp hội Kalachakra và truyền trao pháp khai tâm. Sự truyền trao pháp khai tâm nhắm vào việc tịnh hóa thân tâm, nhờ vậy mà tạo ra sự an bình trong tâm hồn cho người tiếp nhận.
Trong suốt 10 ngày diễn ra pháp hội, nhiều nghi thức cầu nguyện và nghi lễ quán đảnh, truyền trao pháp khai tâm được cử hành trọng thể với sự tham gia đông đảo của tín đồ Phật tử đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cụ thể là tín đồ Phật tử Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ, Bhutan, Trung Hoa và một số người đến từ các nước phương Tây. Các nghi thức, nghi lễ ấy đều được diễn ra dưới sự chủ trì, chứng minh của đức Dalai Lama và các vị trưởng lão, tôn sư của Phật giáo Tây Tạng.
Trong chương trình của Pháp hội, Ban tổ chức còn tổ chức đại lễ cầu nguyện cho hòa bình của vũ trụ, của thế giới mà nhân loại đang sống, với sự tham gia của tất cả tín đồ Phật giáo thuộc cả bốn tông phái lớn trong Phật giáo Tây Tạng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn cử hành lễ mừng khánh tuế đức Dalai Lama thứ 14.
Cùng với các nghi thức, nghi lễ tôn giáo, Pháp hội còn có các hoạt động, các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của người Tây Tạng. Và quan trọng hơn, trong chương trình của Pháp hội còn có những thời pháp thoại do các vị tôn sư trong Phật giáo Tây Tạng thuyết giảng. Đây là một cơ hội tốt lành cho tín đồ Phật tử trưởng dưỡng thân tâm dưới sự trợ lực của chư vị tôn sư và là dịp để mọi người hợp sức cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc đến với toàn thể nhân loại. 
Ngài Dalai Lama tiếp xúc với báo giới
Chư Tăng thông dịch ra các ngoại ngữ cho thính chúng
Ngài Dalai Lama chào mừng tín chúng phương Tây
Đức Dalai Lama kính lễ Phật trong tháp Đại Giác

Chư Tăng Tây Tạng gấp gáp phục vụ trà cho người dự lễ

Ngài Dalai Lama kính lễ tháp Đại Giác khi vừa đến Bodh Gaya
Đức Dalai Lama phủ phục đảnh lễ Phật
Chư Tăng biểu diễn điệu múa cổ truyền Tây Tạng
Đức Dalai Lama tiếp xúc với nhà báo Ấn Độ và Richard Gere

Đoàn nghệ thuật Tây Tạng biểu diễn nghệ thuật cúng dường pháp hội
Đức Dalai Lama vẽ nét đầu tiên của Mandala Kalachakra

Hơn 200.000 thính giả tham dự pháp hội
Hương Nghiêm (Theo Kalachakra2012.org)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ số 623, ra ngày 07-1-2012)

Phật giáo Malaysia tổ chức lễ tưởng niệm ngài Ajahn Chah

Để tỏ lòng tôn kính, tri ân đối với Thiền sư Ajahn Chah, Phật tử Malaysia đã lấy ngày 17 tháng 12 hàng năm làm Ngày tưởng nhớ Thiền sư Ajahn Chah (Ajahn Chah Remembrance Day).
Thiền sư Ajahn Chah (17/6/1918 - 16/1/1992) là một trong những bậc thầy vĩ đại trong thời hiện đại của Phật giáo Thái Lan nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung.  Ngài là người đã thành lập tu viện Phật giáo Quốc tế đầu tiên tại Thái Lan dành cho những vị tu sĩ nói tiếng Anh đến tu tập, đó là tu viện Pah Nanachat, hay còn gọi là Tu viện Quốc tế ở rừng (International Forest Monastery). Thầy Sumedho đã hỗ trợ trong việc thành lập tu viện với tư cách là vị trụ trì đầu tiên của tu viện. Thiền sư Ajahn Chah đặc biệt được tôn kính bởi những đóng góp, cống hiến của Ngài trong việc phát triển pháp tu theo “truyền thống ở trong rừng của Phật giáo Thái Lan” (Thai Forest Tradition) ở bên ngoài Thái Lan.
Sự kiện năm này là một trong ba sự kiện quan trọng đươc tổ chức tại Malaysia, và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng vì nó đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày Thiền sư Ajahn Chah qua đời. Lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 12 tại Trường SJK (C) Yuk Chai Taman Megah,  Petaling Jaya. Các vị Tăng sĩ từ Vương quốc Anh, Canada, Australia, New Zealand, Thái Lan… và Malaysia đã đến tham dự buổi lễ.
Thiền sư Ajahn Chah sinh ngày 17 tháng 6 năm 1918 tại một vùng thôn quê gần Ubon Ratchathani, Đông bắc Thái Lan. Gia đinh ngài nhiều đời làm nông. Tuân theo truyền thống văn hóa của người Thái, năm 9 tuổi ngài đã vào chùa tu học. Nhờ 3 năm tu học trong chùa mà Ngài biết đọc và biết viết. Thế rồi Ngài trở về nhà sống đời sống của người bình thường để đi làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình. Một thời gian sau thì Ngài vào chùa tu học trở lại, và ngày 16/4/1939 thì Ngài được thọ giới Tỳ-kheo, trở thành một người tu sĩ đích thực. Đến năm 1946, sau khi thân phụ của Ngài qua đời, Ngài đã xin rời khỏi tu viện đang sống để trở thành một vị du tăng khổ hạnh. Trong số những vị thầy dẫn dắt cho ngài Ajahn Chah lúc bấy giờ có ngài Ajahn Mun, một thiền sư nổi tiến thuộc truyền thống ở trong rừng. Ngài Ajahn Chah đã sống trong những hang động, trong những khu rừng và những khu nghĩa địa trong thời gian theo học với các thiền sư thuộc truyền thống ở trong rừng.
Truyền thống tu tập ở trong rừng của Phật giáo Thái Lan là một trong những chi nhánh của Phật giáo Nguyên thủy, được thực tập ở Thái Lan, Miến Điện và Sri Lanka. Truyền thống này đề cao việc thực tập thiền định, xem đấy là trọng tâm trong đời sống tu tập. Một vi tu sĩ theo truyền thống ở rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt những giới luật mà Đức Phật đã dạy. Họ thực tập hạnh khất thực, chỉ ăn một bữa trong ngày (ngọ thực), ngủ dưới gốc cây hoặc là ở trong rừng rậm hay là ở những bãi tha ma. Họ sống đời sống độc thân và không cất giữ tiền của.
Sau nhiều năm làm du tăng khổ hạnh, ngài Ajahn Chah quyết định trồng những gốc cây ở một khu đất trống gần nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, và năm 1954, tu viện Nong Pah Pong đã được thành lập trên khu đất ấy. Đây là nơi Ngài đã giảng dạy những thủ thuật cơ bản của thiền tập cho mọi người. Dần dần, Ngài đã thu hút được nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, nhiều giới khác nhau theo học với Ngài. Đến năm 1966, một vi tu sĩ phương Tây đầu tiên là thầy Ajahn Sumedho đã đến tu học với Ngài. Năm 1975, tu viện Pah Nanachat (International Forest Monastery) được thành lập và thầy Ajahn Sumedho đảm nhiệm vai trò của vị trụ trì. Đây là tu viện đầu tiên ở Thái Lan do một vi tu sĩ phương Tây làm trụ trì và tu viện này nhắm điệc việc giảng dạy thiền cho những người phương Tây.
Hiện tại thì tu viện Nong Pah Pong có đến hơn 250 chi nhánh trên khắp đất nước Thái Lan và có hơn 15 tu viện liên kết, 10 trung tâm tu học dành cho người cư sĩ ở trên thế giới.
Thiền sư Ajahn Chah viên tịch vào ngày 16/1/1992 trong sự thương tiếc của hàng triệu người. Có hơn một triệu người đã đến tham dự lễ tang của Ngài, trong đó có cả gia đình hoàng gia Thái Lan. Ngài đã để lại một gia sản quý báu cho hậu thế, đó là những bài pháp mà Ngài đã giảng, những người đệ tử do ngài đào tạo và những tu viện do ngài trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập. 
Ngài Ajahn Chah lúc sinh thời
Chư Tăng dự lễ tưởng niệm
 Minh Nguyên (Theo Buddhist Channel)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ số 624, ra ngày 13/1/2012)

Những pho tượng Di Lặc vĩ đại trên thế giới

Tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười đại hoan hỷ được xem là biểu tượng của niềm an vui và hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian thì Phật Di Lặc còn là biểu tượng của sự may mắn. Do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và truyền thống Phật giáo khác nhau, cho nên hình tượng Phật Di Lặc cũng khá đa dạng và mang nhiều sắc tướng khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Ở đây chúng tôi tổng hợp và giới thiệu đến bạn đọc những pho tượng Phật Di Lặc vĩ đại ở một số quốc gia trên thế giới.  
1. Tượng Phật Di Lặc vĩ đại ở Đài Loan
Đây là pho tượng Phật Di Lặc trong tư thế đứng thẳng, cao 72 mét, tạo lạc bên cạnh hồ Emei, ở thị trấn Emei, gần Beipu, thuộc tỉnh Xinzhu, Đài Loan. Trong hiện tại thì pho tượng này là pho tượng Phật Di Lặc cao nhất trên thế giới. Nét đặc biệt ở pho tượng Phật này là có hai dái tai rất là dài, xỏa xuống quá vai và tay phải của ngài thì nâng hình quả địa cầu như là biểu tượng của sự nâng đỡ và cứu khổ nhân sinh.
Pho tượng này là một công trình trong nhiều công trình của Thiên Ân Di Lặc Phật Viện hiện đang trong quá trình xây dựng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10-2002. Thiên Ân Di Lặc Phật Viện là một dự án lớn, bao gồm nhiều hạng mục như là: Phật đường, giảng đường, trường học, bệnh viện, nhà hàng, nhà nghỉ… được xây dựng trên khuôn viên rộng 10 hecta. Sau khi hoàn thành, Thiên Ân Di Lặc Phật Viện sẽ là một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn và còn là một điểm đến du lịch quan trọng ở Đài Loan.

2. Lạc Sơn Đại Phật ở Trung Hoa
Lạc Sơn Ðại Phật còn được gọi là Lăng Vân Ðại Phật, cách thị xã Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 3km về phía Đông. Pho tượng Lạc Sơn Đại Phật là một pho tượng Phật Di lặc rất đặc biệt, được tạc nguyên từ vách núi đá Thê Loan của núi Lăng Vân. Chánh diện của pho tượng hướng ra dòng sông, đây là nơi hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Thanh Y và Ðại Độ.
Lạc Sơn Ðại Phật cao 71 mét, được tạc vào đời Đường Khai Nguyên (713), do hòa thượng Hải Thông, một vị Tăng sĩ Trung Hoa chỉ đạo, kéo dài đến 90 năm mới hoàn thành. Tương truyền, tại ngã ba sông ấy nước chảy cuồn cuộn, thuyền bè qua lại thường gặp nạn, bị đắm chìm, nên ngài Hải Thông phát tâm đi khắp nơi quyên góp để biến núi thành Phật hầu che chở, bảo hộ cho chúng sinh. Từ khi có tượng Phật Di Lặc ngự ở đó thì ngã ba sông trở nên yên bình, thuyền bè qua lại không còn bị nạn nữa.
Đầu của pho tượng cao ngang đỉnh núi, chân đạp trên mặt sông, mắt dài 3,3m, mặt cao 14,7m rộng 10m, tay dài 7m, vai rộng 24m, lỗ tai đứng được 2 người, bàn chân có thể chứa hơn 100 người. Vào năm 1996, UNESCO đã công nhận Lạc Sơn Đại Phật là một trong những di sản văn hóa của thế giới.
3. Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, Trung Hoa
Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa là một pho tượng Phật bằng đồng, trong tư thế ngồi, cao 56,74 mét. Riêng phần thân của Phật cao 33 mét, Phật ngồi trên tòa sen cao 9 mét và phần bệ của pho tượng cao 14,74 mét. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ. Tổng diện tích của khuôn viên tượng Phật là 12.000m2.
Công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2005 và hoàn thành vào tháng 11-2008, với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu nhân dân tệ. Pho tượng được đúc từ 500 tấn đồng, cùng với 400 tấn sắt để tạo cốt sắt ở bên trong.
Kể từ khi khánh thành pho tượng Di Lặc vĩ đại này tại núi Tuyết Đậu, nơi đây trở thành địa điểm tổ chức Lễ hội Văn Hóa Di Lặc hàng năm của Phật giáo Trung Hoa. Pho tượng Di Lặc lộ thiên này là một điểm nhấn quan trọng trong tuyến hành hương du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến Chiết Giang. Pho tượng cùng với những điểm du lịch ở khu vực núi Tuyết Đậu đã đem đến một nguồn doanh thu lớn cho địa phương, lên đến hàng chục triệu Mỹ kim hàng năm.
4. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Beopjusa, Hàn Quốc
Chùa Beopjusa là một trong những ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc. Chùa được thành lập vào năm 553, tính đến nay là đã hơn 1.400 năm tồn tại và phát triển. Chùa tọa lạc trên sườn núi Songnisan. Đây là một ngôi chùa đóng vài trò quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Hàn Quốc nói chung và của pháp phái Tào Khê ở Hàn Quốc nói riêng. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có lúc chùa Beopjusa là nơi lưu trú và tu học của hơn 3.000 vị tăng sĩ, đó là lúc thịnh hành của Phật giáo Hàn Quốc dưới triều đại Goryeo.
Hiện nay, chùa nổi tiếng với pho tượng Phật Di Lặc cao 33 mét. Đây là pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng, được xây dựng từ năm 1986, đến năm 1990 mới hoàn thành. Sau đó pho tượng được phủ một lớp vàng lá và bột màu, cho nên hiện tại pho tượng có màu vàng óng.
5. Tượng Phật Di Lặc ở chùa Intharawihan, Bangkok, Thái Lan
Chùa Intharavihan tạo lạc tại quận Nakhon, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chùa được xây dựng từ thời vương quốc Ayutthaya (1350 - 1767). Chùa có nhiều công trình kiến trúc cổ rất có giá trị. Trong đó, nổi tiếng nhất là pho tượng Phật Di Lặc cao 32 mét tọa lạc trong khuôn viên của chùa. Phải mất hơn 60 năm mới hoàn thành được pho tượng này.
Tượng Phật được khảm bằng những miếng kính và vàng 24 cara. Trong búi tóc của pho tượng có lưu giữ xá lợi Đức Phật Thích Ca được thỉnh về từ Sri Lanka. Nhờ có pho tượng Phật Di Lặc thiêng liêng này mà ngày càng có nhiều khách hành hương trong và ngoài nước đến viếng chùa.
6. Tượng Phật Di Lặc tại thung lũng Nubra, Ladakh, Ấn Độ
Tượng Phật Di Lặc ở thung lũng Nubra cao 32 mét, mặt hướng về phía dòng sông Shyok, một con bắt nguồn từ thượng nguồn Ladakh, Ấn Độ và chảy xuôi dòng về phía Pakistan. Pho tượng tọa lạc trên một đỉnh núi, gần tu viện Diskit. Nhìn từ xa, pho tượng hiện lên uy nghiêm và hùng vĩ giữa bầu trời trong xanh. Pho tượng được xem như là biểu tượng cho sự bình an.
Pho tượng được khởi công xây dựng vào tháng 4/2006 và khánh thành vào ngày 25/7/2010 với sự chứng minh, tham dự của đức Dalai Lama thứ 14. Tất cả kinh phí xây dựng pho tượng là do người dân địa phương hiến cúng. Trong đó, đáng kể nhất là ngài Ganden Thipa, trưởng tông phái Gelupa (là thân tái sinh của ngài Tsongkhapa) và vị trụ trì của tu viện Rizu đã hiến cúng 8kg vàng để làm kinh phí xây dựng pho tượng.
Pho tượng được dựng lên nhằm để bảo vệ vùng quê  Diksit, ngăn chặn cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai với người Pakistan và để củng cố và xây dựng nền hòa bình trên thế giới.
7. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Bính Linh, Trung Hoa
Chùa Bính Linh là một ngôi chùa cổ ở huyện Vĩnh Tĩnh, tỉnh Cam Túc. Chùa có rất nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo trong các hang động tự nhiên rất độc đáo. Các công trình điêu khắc ở chùa Bính Linh tạo thành một chuỗi các hang động với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Những tác phẩm nghệ thuật ấy là kết quả của quá trình sáng tác trong một thời gian rất dài, hơn một thiên niên kỷ. Hang động đầu tiên được điêu khắc là vào khoảng năm 420. Và cứ thế, các tác phẩm điêu khắc tiếp tục được tạo ra trải qua nhiều triều đại khác nhau. Mỗi tác phẩm, công trình nghệ thuật thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của thời đại mà tác phẩm ấy được tạo ra.
Trải qua quá trình hủy hoại của thời gian cùng những tác động của thiên nhiên và con người, nhiều công trình, hang động ở chùa Bính Linh đã bị hư hoại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hang động và nhiều công trình nghệ thuật rất có giá trị. Nổi bật là pho tượng Phật Di Lặc được tạc trực tiếp vào vách núi đá theo phong cách tương tự như của những pho tượng Phật ở thung lũng Bamyan, Afghanistan (đã bị phiến quân Taliban bắn phá vào tháng 4/2001). Pho tượng Phật Di Lặc trên vách núi ở chùa Bính Linh cao 27 mét. Hình dáng của pho tượng hiện còn khá nguyên vẹn.
Nhưng tác phẩm điêu khắc, những công trình tạc tượng và những bức bích họa tại các hang động hiện có ở chùa Bính Linh là những ví dụ điển hình về nghệ thuật Phật giáo và ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan.
8. Tượng Di Lặc tại tu viện Likir, Ladakh, Ấn Độ
Tu viện Likir được xây dựng vào nữa cuối thế kỷ thứ 11, vào khoảng năm 1065, do ngài Lama Duwang Chosje khai sơn. Tu viện này thuộc phái Hoàng Mão (Gelupa), một trong bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng do ngài Tsongkhapa sáng lập. Tu viện Likir nằm cách thị trấn Leh, thủ phủ của Ladakh, khoảng 62km về phía Tây.
Tu viện Likir là nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống hàng năm của người Tây Tạng ở Ladakh. Tại tu viện có nhiều công trình kiến trúc, nhiều pho tượng Phật vĩ đại. Trong số đó, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Di Lặc lộ thiên cao 23 mét. Dưới bệ của pho tượng là một viện bảo tàng nhỏ, nơi lưu trữ và trưng bày những bức tranh Thangka và trang phục truyền thống của người Tạng nói chung, cùng với những pháp phục cổ truyền của Phật giáo Tây Tạng.  
***
Từ những pho tượng Phật Di Lặc được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, cũng là tượng Phật Di Lặc nhưng ở mỗi quốc gia mỗi khác. Tượng Phật Di Lặc của người Trung Hoa khác xa với tượng Phật Di Lặc của người Tây Tạng, càng khác với tượng Phật của người Thái, người Hàn… Tuy nhiên, dù hình tướng khác nhau, nhưng ở đâu tượng Phật Di Lặc cũng đều được xem là biểu tượng của sự bình an và hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ tinh thần “tùy duyên - bất biến” của đạo Phật.
Minh Nguyên

(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ số đặc biệt, Xuân Nhâm Thìn, 2012)
 

 

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!