Đạo Lý Vô Thường




Hầu như tất cả mọi người đều muốn bám víu, nắm chặt lấy những gì đã tạo ra, đã nắm bắt được, và chỉ buông lõng chúng sau khi trút hơi thở cuối cùng. Thật ra thì lúc ấy không phải chúng ta chủ động buông lõng chúng mà tại vì chúng ta không còn đủ sức để nắm giữ nữa. Vì “lực bất tòng tâm” vậy.
Suốt đời chúng ta luôn cố tâm giữ lấy những thứ mà mình sở hữu. Nhưng mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đều ở trong trạng thái động. Chúng luôn luôn vận động, biến đổi và lưu chuyển không ngừng. Mọi thứ có rồi lại không, tụ rồi lại tan, thành rồi lại hoại,… Tất cả như áng mây trôi, như bọt nước nỗi, không có gì là bền vững cả. Phật giáo gọi sự biến đổi ấy là Vô thường.
Vô thường có nghĩa là không thường còn, không mãi ở yên trong một trạng thái nhất định, luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ không trở thành có, rồi từ có trở về không. Theo đạo Phật, những giai đoạn của sự biến đổi ấy là: Thành - trụ - hoại - không (hay là sanh - trụ - dị - diệt). Sự phân định này cũng chỉ có tính tương đối, vì ngay trong từng trạng thái ấy chúng vẫn có sự chuyển động. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do duyên sinh. Khi duyên tập hợp thì chúng được sinh ra và khi các duyên ly tán thì chúng sẽ bị biến hoại. Dù là vật nhỏ như các hạt điên tử, các loại vi khuẩn,… hay lớn như trăng, sao,… đều chịu sự chi phối của luật vô thường.
Vô thường là một qui luật hiển nhiên của vũ trụ. Đức Thế Tôn là người phát hiện ra nó chứ không phải là người sáng tạo ra nó. Dù đức Thế Tôn có nhận ra nó hay không thì luật vô thường vẫn tồn tại và vận động một cách hết sức khách quan. Để hiểu cụ thể hơn về luật Vô thường, chúng ta sẽ tìm hiểu sự biểu hiện của luật vô thường ngay chính trong đời sống của chúng ta, đó là sự biểu hiện của vô thường nơi thân, tâm và hoàn cảnh sống của con người.
Trước hết là sự biểu hiện của luật vô thường trên thân thể con người. Thân thể con người là do tứ đại (đất, nước, gió, lửa; hay kiên, thấp, noãn, động) tạo thành. Có nghĩa là thân người do nhân duyên hoà hợp của tứ đại mà thành. Tuy do tứ đại hợp thành, nhưng chính bốn yếu tố ấy lại luôn luôn có sự đối nghịch với nhau, tác động qua lại với nhau, như trong văn cảnh sách Ngài Quy Sơn đã nói: “Tuy nãi tứ đại phò trì, thường tương vi bội”. Vì thế thân thể con người luôn thay đổi. Khoa học cũng đã chứng minh rằng, thân thể con người là sự cấu tạo của vô số tế bào. Các tế bào ấy lại luôn luôn thay đổi, cái này chết thì cái kia sanh, sanh rồi lại chết và mỗi chu kỳ khoảng 7 năm là các tế bào cũ đã được đổi mới hoàn toàn. Chính sự thay đổi này mà một em bé được lớn lên và nó cũng khiến cho người trưởng thành phải đi dần đến sự già và sự chết. Thân thể năm nay không còn là thân của năm trước, thân ban mai không còn giống với thân lúc chiều tà. Trong từng phút giây, từng sát na, thân ta đã có nhiều sự biến đổi, đã có không ít tế bào bị chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới. Thế mà có người tự cho rằng, tôi luôn luôn mạnh khoẻ, trẻ đẹp mãi, đời tôi mãi là một đoá hoa, là một bài thơ,… Vì nghĩ như thế cho nên khi thân này thay đổi không theo ý muốn thì sanh ra phiền muộn. Câu thơ sau đây của người xưa có thể nói lên sự biến đổi nhanh chóng của thân thể: “Quân bất kiến cao đường minh cảnh bi bạch phát, triêu như thanh ty mộ như tuyết” (Anh không thấy cha già soi gương buồn tóc bạc, sớm còn như tơ xanh, tối đã trắng như tuyết).
Đức Thế Tôn khi còn là một vị thái tử, sống trong nhung gấm lụa là, với vợ đẹp con thơ, nhưng đã có lần Thái tử đã nói với vợ hiền của mình rằng: “Rồi đây chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! mắt xanh của em rồi sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi sẽ úa màu. Ta nghe trong ta, trong em và trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của lưỡi búa thời gian. Tất cả những gì quí giá của đời người, chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, những bảo vật trong ta cũng vậy, chúng ta ôm giữ chúng như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương”. Trí tuệ thay đức Phật! Một người đang sống trong hạnh phúc, đang tràn đầy nhựa sống, ấy vậy mà Ngài vẫn nhận chân được sự vô thường, sự hoại diệt của cuộc sống.
Thân người là vô thường, nó luôn luôn biến đổi, một hơi thở ra không trở vào lại là đã qua đời khác. Tại sao chúng ta không nhân cơ hội khi thân này còn khoẻ mạnh để tu tập, để chuyển hoá thân tâm của mình mà chỉ biết hưởng thụ, lo chải chuốt, bồi bổ, cung phụng thân xác tạm bợ này để đến nỗi gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi.
Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu sự vô thường trong tâm con người. Tâm con người âm thầm thay đổi có phần nhanh chóng hơn và vi tế hơn so với thân thể. Nếu chúng ta không nhìn sâu vào trong tâm thì khó lòng thấy được sự biến đổi đó.
Tâm niệm của chúng ta thay đổi trong từng phút giây. Chúng ta vui đó lại buồn đó, thương đó rồi ghét đó. Phút trước ta nghĩ chuyện này, phút sau lại mơ đến chuyện khác. Hôm qua ta siêng năng, nhiệt tình, hôm nay lại trở nên biếng nhác, uễ oải. Lúc này quyết định làm một công việc gì đấy, nhưng ít phút sau lại từ bỏ quyết định đó. Đức Phật đã diễn tả rất sinh động về sự biến đổi của tâm như sau:
Tâm như vượn chuyền cành
Như ngựa rông nơi đồng nội.
Con vượn nó leo trèo từ cành này sang cành khác, nhảy nhót lung tung, không lúc nào ngừng nghỉ. Ngựa thả nơi đồng nội, hết chạy bên này lại sang bên khác, hết đứng lại đi, hết nằm lại đứng,… Tâm người cũng luôn biến đổi như thế.
Tâm niệm con người biến đổi luôn luôn. Chính vì nó thay đổi nhanh chóng và vi tế như thế cho nên đôi khi con người cứ tưởng là nó không thay đổi, nó bất di bất dịch. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Chính vì tâm như thế cho nên chúng ta có thể làm vơi đi những tâm trạng buồn, hoá giải những nỗi oán hận, thù ghét trong lòng. Chính vì tâm người là vô thường, biến đổi cho nên chúng ta mới có thể tu tập.
Hoàn cảnh sống cũng vô thường. Người xưa đã từng nói: “Thương hải biến vi tang điền” (bãi bể biến thành nương dâu). Câu nói này tưởng chừng là một câu nói bóng bẩy của văn chương. Nhưng thực ra, đấy là một cách nhìn nhận rất đúng với sự thật, đấy là một triết lý. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ có những vật nhỏ mới biến đổi còn những vật lớn như sông, núi,… thì muôn đời vẫn không thay đổi. Nhưng sự thật là sông, núi,… cũng biến đổi không ngừng. Núi có lúc già, lúc trẻ, sông có khi vơi khi đầy, bờ sông có khi lỡ khi bồi. Các nhà địa chất học đã tìm thấy trên những đỉnh núi cao có xác của các loài động, thực vật ở dưới đáy biển như ốc, sò, ngọc trai, san hô,… chứng tỏ những ngọn núi ấy vốn là biển, nhưng do sự biến động địa chất qua nhiều thiên niên kỷ mà trở thành đỉnh núi. Và ngược lại, có những nơi xa xưa là rừng núi thì nay đã biến thành biển cả. Không có thứ gì là vĩnh viễn giữ mãi trạng thái ban đầu của nó cả, cho nên nói “vật đổi, sao dời” là vậy.
Đấy là hoàn cảnh tự nhiên, còn hoàn cảnh xã hội thì sao? Người xưa đã từng nói với nhau rằng: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” Thật vậy, môt đời của chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu sự thăng trầm, vinh nhục của tự thân, chứng kiến không biết bao nhiêu lần biến động, thay ngôi, đổi chủ, sự cách tân của lịch sử xã hội. Giàu nghèo, sang hèn tương tục đổi dời trước mắt chúng ta như bức tranh vân cẩu. Bao nhiêu người trước đây có dinh thự nguy nga, lầu đài tráng lệ, của cải không biết để đâu cho hết, thế mà trải qua một trận binh đao thì mọi thứ đều tan thành mây khói. Có nhiều người quyền cao chức trọng, ra vào nghênh ngang, có kẻ hầu người hạ, thế mà một phút sa cơ bỗng trở thành những kẻ tha hương cầu thực, hoặc lâm vào đường tù tội.
Nhìn vào cuộc sống hiện tại, chúng ta sẽ nhận thấy sự vô thường diễn ra một cách vô cùng nhanh chóng, nhanh đến nổi chống mặt, đôi khi chúng ta không tin vào con mắt của mình nữa. Cả một vùng dân cư đông đúc, hưng thịnh, nhưng một cơn sóng thành ập đến thì tất cả chỉ còn lại một đống vật hoang tàn, đổ nát. Một thành phố nguy nga, tráng lệ, sau một trận động đất thì không còn gì cả. Một vùng quê đang sống yên bình, hạnh phúc, nhưng sau một trận càn quét của giặc thì đâu đâu cũng hiện rõ màu tang tóc. Cha con lúc sáng sớm đang còn tâm sự với nhau, đến trưa đi làm về thì người cha đã thành người thiên cổ vì bị nhồi máu cơ tim,… Hoặc là một người phút trước thì chỉ là một vận động viên bình thường, nhưng chỉ sau một phút thôi, người ấy đã trở thành một người vô địch, nổi danh khắp cả thế giới. Một người thiếu nữ hôm nay chưa được mọi người chú ý nhiều, ít người biết đến, những hôm sau cô ấy là một hoa hậu hoàn vũ, được hàng triệu người ngưỡng mộ và không biết bao nhiêu chàng trai săn đón,… Tất cả đều diễn ra theo luật vô thường.
Vô thường là một qui luật hiển nhiên, nó luôn luôn tồn tại trong thế giới hiện tượng. Vô thường là lẽ sống trong cuộc đời. Không chỉ có đạo Phật mới thấy cuộc sống là vô thường. Các trường phái tư tưởng, tôn giáo khác cũng đã trực tiếp hay gián tiếp đề cập đến sự vô thường trong cuộc sống. Họ cũng thấy được sự biến đổi liên tục của các sự vật, hiện tượng. Đức Khổng Tử đã từng nói: “Thệ giả như tư phù, bất xá trú dạ!” (trôi chảy mãi thế này ư, ngày đêm không ngừng nghỉ!). Hêraclite, một triết gia Hy lạp cổ đại cũng đã nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng nước”. Trong Triết học duy vật biện chứng thì có qui luật vận động, quy luật này cũng đề cập đến sự vận động không ngừng của các sự vật, hiện tượng, cũng nói đến vô thường.
Vậy thì, lý vô thường trong Phật giáo có điểm gì đặc sắc, khác với các quan điểm khác? Đạo Phật cũng chỉ ra sự vận động, biến đổi không ngừng của mọi sự vật, hiện tượng. Song, đạo Phật không cho rằng, chính sự vô thường ấy mà khiến con người khổ đau, không than trời, trách đất, con người không hoàn toàn bị động trước sự vô thường như quan điểm của các tư tưởng hay tôn giáo khác. Theo Phật giáo, vô thường là sự biến đổi khách quan của hiện tượng giới, nó không nhất thiết đưa đến khổ đau hay hạnh phúc. Vô thưởng là đặc tính thực của cuộc sống, hay nói cách khác, vô thường là lẽ sống. Con người đang tham gia tác động vào sự biến đổi ấy và chính con người cũng đang tồn tại trong sự chi phối của luật vô thường. Điều này biểu hiện rất rõ trong sự tác động của con người vào môi trường sống. Chính vì con người không ngừng tàn phá thiên nhiên, đốt rừng làm rẫy khiến cho điều kiện môi trường sống biến đổi nhanh chóng theo chiều hướng xấu và hậu quả là con người phải chịu nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thành,…
Con người có thể nương vào tính vô thường của vạn hữu để tu tập, tạo dựng hạnh phúc cho cuộc sống, xây dựng cuộc sống. Cho nên mới gọi là “đạo lý vô thường”. Khổ đau hay hạnh phúc là do con người quyết định. Do tâm lý muốn nắm giữ, muốn hưởng thụ, muốn bám víu vào những thứ có thể đem lại cho con người niềm vui, sự hãnh diện, sự hạnh phúc,…của con người mà khiến cho con người khổ đau khi những thứ đó biến đổi, hoại diệt. Nếu không có những tâm lý bám víu, nắm giữ và hưởng thụ ấy thì khi chúng đến hay đi ta đều mặc nhiên, không hề bị lệ thuộc bởi chúng. Chính vô thường mới tạo nên sự sống, không có vô thường thị sự sống không thể nào tồn tại được. Ví như một hạt ngô, nhờ vô thường nên hạt ngô mới có thể trở thành cây ngô và đơm hoa, kết trái. Hay như một em bé, nhờ có vô thường nên em bé mới có thể lớn mạnh và trưởng thành. Nếu như cuộc sống là thường hằng, bất biến thì em bé mãi nằm trong nôi chứ không thể nào trở thành những nam thanh nữ tú được. Cũng chính nhờ vô thường mà một bệnh nhân có hy vọng đến ngày lành bệnh, một người chưa tốt mới có thể sửa đổi để trở thành người tốt, hay là có thể thay đổi một chế độ xã hội đã mục nát, có thể tu tập, gạn lọc thân tâm, mới có thể tin tưởng, lạc quan vào sự nghiệp giáo dục.
Như vậy, vạn vật là vô thường mà ta cứ muốn nó là thường hằng nên đôi khi sanh ra khổ đau. Vô thường không phải là nguyên nhân của khổ đau. Khổ đau là do tâm niệm của con người. Quán chiếu về vô thường giúp chúng ta biết quý trọng từng phút giây của sự sống. Khi chúng ta biết vạn hữu đều không có gì là bền vững thì chúng ta sẽ biết cách để bảo vệ sức khoẻ, biết ăn uống và sinh hoạt một cách có điều độ, biết giữ gìn bản thân mình, biết chăm sóc và vun tưới, biết nuôi dưỡng những gì chúng ta đang có, những gì đem đến hạnh phúc cho ta, chúng ta sống trọn vẹn với đời sống hiện tại và luôn ý thức về sự vô thường của vạn hữu. Sống được như thế thì dù cho những thứ ta yêu quý có từ bỏ chúng ta mà ra đi thì chúng ta cũng không vì thế mà khổ đau, hối tiếc. Vì chúng ta biết được đấy là đặc tính của nó, không sớm thì muộn nó cũng sẽ bị tàn hoại, bị ly biệt. Cho dù nó không bị tàn hoại, không bị chia ly thì chính ta cũng phải từ biệt chúng mà thôi.
Trong cuộc sống mà không ý thức được sự vô thường của vạn hữu, không biết bồi đắp và trân quý tình thương yêu và hạnh phúc mà chúng ta đang có thì cái ngày phải nói lời chia ly: “Anh đi đường anh, em đi đường em, tình nghĩa đôi ta có thế thôi” sẽ đến rất nhanh. Nhiều người trong chúng ta đang sống trong hạnh phúc mà không biết mình đang có hạnh phúc, không biết trân quý, không biết sống với niềm hạnh phúc ấy. Đến khi niềm hạnh phúc ấy tuột khỏi tay chúng ta thì lúc ấy mới sực tỉnh, mới hối tiếc và ân hận.
Để giúp cho con người có thể cảm nhận được và sống với niềm hạnh phúc chơn thường trong cuộc sống vô thường này, đức Thế Tôn đã dạy phép quán về vô thường. Quán về vô thường có nghĩa là luôn luôn nhận thức rõ về sự không bền vững, sự vận động của vạn hữu. Các pháp có sinh thì tất sẽ có diệt, có đến thì sẽ có đi, có hợp thì sẽ có tan. Một khi đã quán chiếu được như thế thì chúng ta sẽ không còn bị tâm tham luyến, chấp thủ tác động nữa. Chúng ta sẽ biết trân quý, giữ gìn và nuôi dưỡng những gì đang đem đến hạnh phúc cho mình và cho người trong hiện tại. Đồng thời khi đối diện với những thứ bất như ý, những thứ tiêu cực trong cuộc sống thì cũng không vì thế mà chán nãn, phiền muộn và bi quan. Mọi sự mọi vật đều vô thường, cái gì đến thì nó sẽ đến, không thể nào trốn chạy được. Chỉ có điều là nó đến sớm hay muộn mà thôi. Và điều này thì phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Nếu biết cách chuyển đổi thì những thứ không tốt, những điều đau buồn sẽ được tươi sáng hơn trong nay mai.
Quán chiếu về vô thường sẽ giúp chúng ta thoát ra được sự ràng buộc của lòng tham ái, chấp thủ và mê mờ. Nó giúp cho chúng ta giữ được bình tĩnh, không quá bi lụy, khổ đau trước cảnh tử biệt sinh ly, trước sự mất mát lớn lao của bản thân, trước sự thịnh suy trong cuộc sống. Nhờ quán chiếu về vô thường mà chúng ta chuyên cần luyện tập và quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm của mình, bù đắp lại những lỗi lầm mà mình đã tạo ra.
Cũng nhờ thấy được tính vô thường của vạn hữu mà chúng ta không ngần ngại đem những thứ sở hữu của mình hiến tặng cho người khác để giúp họ có thêm niềm vui, bớt đi những ưu sầu.
Đạo lý vô thường là một giáo lý rất mầu nhiệm, rất hợp với khoa học. Quán chiếu về vô thường sẽ khiến cho hành giả biết sống, biết cảm thụ cuộc sống và nâng đời sống của mình lên một tầm cao mới, có được sự bình tỉnh và an vui trước sự thay đổi, biến dịch của cuộc đời, làm cho niềm hạnh phúc càng thêm dạt dào, càng thêm thắm đượm. Vì thế, mỗi cá nhân nên thực tập vô thường quán để cho cuộc sống của mình được thăng hoa hơn. Phải luôn ý thức được sự vô thường để biết trân quý giây phút hiện tại và sống cho thật trọn vẹn với hiện tại. Nếu không sống trọn vẹn trong hiện tại thì chúng ta sẽ bị niềm hối hận, tiếc nuối dày vò mãi và sẽ đau khổ mãi không thôi.


Minh Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!