Hầu hết mọi người đều dành phần lớn thời gian trong ngày ở nơi làm việc. Vì thế, hợp nhất sự thực hành giáo pháp với hoạt động lao động hằng ngày của chúng ta là vấn đề quan trọng. Chúng ta có thể làm điều này theo những cách thức sau: Phát khởi động cơ tốt, ý thức rõ về cách chúng ta giao tiếp với người khác, và loại bỏ những hành vi bất thường, những thói quen cũ.
Phát khởi động cơ tốt
Động cơ làm việc của chúng ta đóng vai trò hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự lựa chọn của chúng ta, quyết định giá trị đạo đức hay tính chất của những việc mà chúng ta làm, và tác động đến việc chọn cái gì để làm và làm như thế nào. Ở đây chúng ta cần phải suy xét một vài điều: Động cơ đích thực thúc đẩy chúng ta làm việc là gì? Có phải là để kiếm tiền? Hay là để được nổi tiếng trong lĩnh vực của mình? Hoặc là để được khen ngợi về kỹ năng, kiến thức, tính sáng tạo của chúng ta? Để cảm thấy rằng mình có giá và thành công? Hay là để tranh đua với ai khác? Trong khi làm việc có thể đem đến những kết quả ấy, chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu, tự hỏi rằng lợi ích thiết thực của sự làm việc trong nhiều tiếng đồng hồ là gì? Tình trạng này xuất hiện bởi vì những động cơ kể trên là chủ yếu nhắm vào cái Tôi và cái Của Tôi.
Tưởng tượng đến việc nới rộng động cơ làm việc của mình bằng cách nghĩ rằng: Hôm nay tôi sẽ làm việc để phục vụ cho các thân chủ, các khách hàng và đồng nghiệp của tôi, và đem niềm hạnh phúc đến cho họ. Tôi chào đón họ với sự thân thiện, nói với họ những lời chân tình, đối xử với họ một cách trung thực và kính trọng họ, bởi vì tôi muốn đem sự hòa hợp đến cho cuộc sống của họ và của chính tôi. Tôi sẽ làm việc để đóng góp cho phúc lợi xã hội bằng cách sử dụng những kỹ năng của tôi với từ bi và trí tuệ. Cầu chúc cho những ai nhận được những hàng hòa và dịch vụ được cung cấp bởi sức lao động của tôi đều được hạnh phúc, bình an và lại tiếp tục làm lợi ích cho những người khác. Về lâu dài, cầu nguyện cho những cố gắng của tôi sẽ giúp cho tất cả mọi chúng sanh đều đạt được quả vị giác ngộ.
Dành thời gian cho việc suy niệm về ý nghĩa của động cơ này để cho nó có thể tồn tại mãi trong tâm của bạn suốt ngày. Khi chúng ta vừa thức dậy vào buổi sáng, tập phát khởi động cơ này và để ý xem nó ảnh hưởng như thế nào đến công việc trong ngày của chúng ta, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa ta với những người ở nơi làm việc và trong gia đình.
Ý thức rõ về cách chúng ta giao tiếp với người khác
Thế rồi, suốt ngày đó, chúng ta tập chú ý đến cách chúng ta nói và hành xử với người khác. Ý thức về những ý định nằm sau những hành vi đó. Nếu chúng ta nhận thấy rằng tâm của mình đang bị khích động, bị khó chịu, bực mình, ganh tị hoặc kiêu căng, hãy dừng lại và thở. Quay về với động cơ đẹp đẽ và đầy cảm hứng mà chúng ta đã phát khởi lúc sáng sớm và nhớ đến lý do khiến chúng ta làm việc.
Một yếu tố quan trọng trong việc tao dựng các mối quan hệ tốt đẹp ở nơi làm việc, đấy là lòng trung thực. Nhiều doanh nhân hỏi rằng, làm sao họ có thể tránh nói dối mà vẫn tạo ra lợi nhuận? Tôi đã đáp lại rằng, nếu họ nói dối hoặc lừa gạt các khách hàng và thân chủ của họ thì những người ấy thế nào cũng sẽ nhận ra điều đó và không tiếp tục kinh doanh với họ nữa. Ngược lại, nếu khách hàng biết rằng các doanh nhân là trung thực chứ không phải chỉ biết cố gắng thu lợi nhuận một cách ích kỷ bằng mọi khả năng có thể, thì họ sẽ tiếp tục quay trở lại công ty của bạn và làm ăn với các bạn. Vì thế, về lâu dài, công ty của bạn sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Hơn nữa, sẽ không có bầu không khí ngờ vực và lừa dối ở nơi làm việc, và điều này sẽ tạo ra bầy không khí dễ chịu, khích lệ tinh thần để mọi người làm việc hết sức mình.
Nói một cách khác, vấn đề cơn bản là biết quan tâm đến người khác thay vì chỉ biết đến tiền bạc và danh tiếng. Có đúng vậy không nào? Phải chăng con người không quan trọng hơn tiền bạc và danh dự? Con người có cảm xúc, họ muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ. Họ làm rất nhiều để giúp đỡ chúng ta. Trong khi đó, tiền bạc chỉ đơn giản là những mảnh giấy, và danh dự, tiếng tăm là không gì khác hơn ngoài những ý nghĩ không xác thực và phù phiếm của người khác về chúng ta.
Loại bỏ những hành vi bất thường và những thói xấu lâu ngày
Chúng ta thường xuyên bị kẹt vào những hành vi thuộc về thói quan mà chúng ta không nhận ra chúng, ngay cả khi chúng cản trở việc tạo ra một môi trường tốt đẹp ở nơi làm việc của chúng ta. Ví dụ, chúng ta thường hay phòng thủ; chúng ta tìm cách để có được sự tín nhiệm trong công việc của nhóm trong khi cố gắng làm càng ít càng tốt; chúng ta nói xấu sau lưng và đổ lỗi cho đồng nghiệp của mình. Những hành vi bất thường ấy trông ra sao và chúng ta có thể làm gì với chúng khi nhận thấy rằng chính mình đang hành xử theo những cách đó?
Đôi khi cấp trên hoặc đồng nghiệp chỉ hỏi chúng ta một câu (khi nào thì công việc đó hoàn thành, hoặc bạn có kế hoạch gì cho nhiệm vụ đó?) và chúng ta nghĩ ngay rằng: “Oh không! Họ đang phê bình tôi!”. Và tiếp theo đó là lời giải thích dài lòng thòng, rằng: “Tôi đã làm việc này vì tôi nghĩ như thế và tôi chờ đợi một thứ khác. Tôi không thể thực hiện nó nhanh hơn được nữa bởi vì…”, đem đến cho người hỏi một lượng lớn thông tin mà họ không muốn nghe hoặc không cần thiết phải nghe. Trong khi đó người kia có thể không đủ kiên nhẫn, bởi vì họ chỉ muốn một câu trả lời trực tiếp, ngắn gọn, chuyển tải đủ thông tin cần thiết. Vấn đề gì đang diễn ra trong tâm của chúng ta vào những lúc như thế? Chúng ta muốn được khen và muốn có danh tiếng, chúng ta bảo vệ cái ngã của mình. Chúng ta chỉ muốn nghe những lời nói tốt về mình, không muốn nghe bất cứ điều gì không tốt về bản thân chúng ta cả, và chúng ta có thói quen cho rằng bất kỳ câu hỏi nào hay thậm chí là một lời bình luận nhỏ, cũng đều là lời phê bình chúng ta. Sự quá nhạy cảm này dựa trên ý tưởng rằng chúng ta là người rất quan trọng. Đấy là sự hoạt dụng của tư tưởng cho rằng mình là trung tâm, là kẻ thù phá hoại sự an bình và hạnh phúc của chúng ta. Quán chiếu vào những điều bất lợi của sự bám víu vào danh dự, tiếng tăm và vào những sai lầm của tư tưởng cho rằng mình là trung tâm sẽ giúp chúng ta điều chỉnh được điều này. Và nhờ vậy, mỗi khi có ai hỏi chúng ta một câu, chúng ta sẽ trả lời trực tiếp và súc tích, và nếu chúng ta làm sai thì chúng ta thừa nhận lỗi lầm ấy và tìm cách sửa đổi.
Một thói quen xấu khác của chúng ta là khi chúng ta làm công việc chung với nhóm, chúng ta tìm cách làm càng ít việc càng tốt nhưng khi công việc đạt năng suất cao thì chúng ta lại muốn giành uy tín về mình. Và lẽ đương nhiên, nếu như có chút sơ suất gì đó trong công việc thì chúng ta đổ lỗi cho các thành viên khác trong nhóm. Hay nói cách khác, chúng ta muốn được khen tặng trong khi chúng ta không có tinh thần trách nhiệm gì cả. Điều này tạo ra những cảm giác không tốt ở nơi làm việc, khiến cho chúng ta lúng túng khi những người khác nói rằng, họ gặp khó khăn khi làm việc chung với chúng ta. Đây là một sự hoạt dụng khác của thái độ cho rằng mình là trung tâm. Giải pháp cho thói quen xấu này là hãy quan tâm đến những thành viên khác ở trong nhóm, quan tâm đến những người đã đem lại kết quả cao trong công việc của nhóm. Với thái độ hào hiệp, chúng ta sẽ làm tròn phần việc của mình với tính thần trách nhiệm cao.
Hành vi xấu thứ ba mà chúng ta thường mắc phải ở nơi công sở ấy là nói xấu sau lưng và đổ lỗi cho người khác, những điều này thường xuất phát từ cảm giác bất an của chúng ta. Thiếu tự tin, chúng ta tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác và nghĩ rằng, bằng cách làm cho một ai đó trong cơ quan, hay trong xí nghiệp bị xem là xấu thì những người còn lại đều là người tốt. Ý nghĩ xấu xa này được đặt trên nền tảng của sự oán giận và những ý định đen tối. Bằng việc xúi giục mọi người nói xấu sau lưng và đổ lỗi cho người khác, chúng ta đang khiến cho chính mình trở thành đối tượng của những hành vi xấu xa ấy, mọi người sẽ phê phán, nói xấu chúng ta khi chúng ta không có mặt.
Mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra ở nơi làm việc, chúng ta chỉ nên nói với những người có liên quan chứ không nên kéo tất cả mọi người trong cơ quan, xí nghiệp vào vấn đề mà họ không hề dính líu đến. Nếu chúng ta gặp rắc rối cá nhân với một ai đó, chúng ta nên đến gặp họ và trò chuyện một cách riêng tư với họ để giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương, chúng ta có thể mời một người khác ngồi nghe cuộc trò chuyện và làm trung gian để tạo thuận lợi cho sự giao tiếp.
Nói tóm lại, để gieo những hạt nhân của hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, chúng ta hãy hợp nhất sự thực hành giáo pháp của chúng ta với công việc ở nơi làm việc. Phát khởi những động cơ tốt vào mỗi buổi sáng; ý thức rõ về những gì chúng ta nói, làm, và suy nghĩ khi tiếp xúc với người khác; và vận dụng những giải pháp để loại trừ những thói quen, những hành vi không tốt là biện pháp tốt để tạo dựng hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại cũng như tương lai.
Ni sư Thubten Chodron
Hoàng Minh Phú dịch
[*] Đây là nội dung bài tham luận “Bring harmony to the workplace”, đã được Ni sư Chodron trình bày tại Hội nghị Phật giáo Thế giới năm 2010 về chủ đề “Sống hòa hợp khi mọi thứ đang bị đổ vỡ”, diễn ra vào ngày 25-26/9 ở Kuala Lumpur, Malaysia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét