Học và thi Tam tạng, một truyền thống cao quý của Phật giáo Miến Điện

Chân dung Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa - Ảnh: Tuyết Sương
Nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc học hỏi, nghiên cứu và thực tập giáo lý của Đức Phật, và cũng là để gạn lọc, bảo tồn và truyền bá Phật giáo đến cộng đồng thế giới, cho nên ở Miến Điện, hàng năm chinh quyền kết hợp với Giáo hội Phật giáo để tổ thức các kỳ thi Phật pháp để cho chư Tăng cũng như Phật tử tham gia. Có những kỳ thi chỉ dành riêng cho tu sĩ, có những kỳ thi thì dành riêng cho cư sĩ và nữ tu, và có những kỳ thi thì tất cả mọi người đều có quyền tham gia. Trong đó, quan trọng nhất là kỳ thi Tam tạng Thánh điển. Đây là một kỳ thi có nội dung đồ sộ, chuyên sâu và khó khăn nhất. Cho nên những vị đạt kết quả cao trong kỳ thi này được cả nước vinh danh, được mọi người trọng vọng. Đặc biệt là được nhà nước, giáo hội phong tặng danh hiệu cao quý, đó là: Tipitakadhara (Bậc thông thuộc Tam tạng - dành cho người vượt qua được phần tụng đọc thuộc lòng), Tipitakadhara Tipitakakovida (Bậc thấu suốt Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả phần thi tụng đọc và phần thi viết), 3. Maha Tipitakakawida (Bậc đại nhân Bảo tồn Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả hai phần thi một cách mạch lạc), Dhammabhandāgārika (Bậc giữ gìn kho tàng Chánh pháp của Đức Phật). Cũng chính vì thi Tam tạng là một kỳ thi rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn như thế nên vào năm 1949, kỳ thi này được tổ chức riêng biệt.
Vị Tăng sĩ nào muốn tham dự kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư (Tipitakadhara Tipitakakovida Selection Examination) thì ít nhất là phải đậu trong kỳ thi Pathamagyi. Thật ra, kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện khác với các kỳ thi của những tôn giáo khác, bởi vì tại đấy các thí sinh phải tham gia kỳ thi kéo dài trong 33 ngày. Họ phải thi cả hai phần là thi tụng đọc thuộc lòng và thi viết theo quy định. Các thí sinh tham dự kỳ thi này phải tụng đọc Tam tạng Kinh điển bằng tiếng Pali (dày đến 8026 trang giấy, hơn 2.400.000 từ bằng tiếng Pali) và phải viết chính xác hơn 200 quyển kinh sách bằng tiếng Pali. Chỉ những vị nào vượt qua được phần thi tụng đọc và thi viết trong kỳ thi tuyển chọn Tam tạng pháp sư mới dược phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara Tipitakakovida” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng), còn những vị chỉ vượt qua được phần thi tụng đọc thì được tặng danh hiệu là “Tipitakadhara” (Bậc thông thuộc Tam tạng) mà thôi. Theo thống kê, từ năm 1949 đến 2004, trong vòng 56 năm, có hơn 10.000 Tăng sĩ tham dự kỳ thi Tam tạng Pháp sư, nhưng trong số đó chỉ có 11 vị vượt qua được cả kỳ thi đọc tụng và thi viết một cách rành mạch mà thôi. Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư đầu tiên được tổ chức tại Rangoen (nay là Yangon) vào năm 1948, tức là sau ngày Miến Điện giành lại độc lập từ ách thống trị của thực dân Anh. Trong kỳ thi đầu tiên ấy không có vị nào vượt qua được một trong hai phần thi nói trên cả.  
Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện là một kỳ thi dài nhất trên thế giới và toàn bộ một kỳ thi diễn ra trong vòng 5 năm: trong năm đầu và năm thứ hai, các thí sinh được kiểm tra về Luật tạng (gồm 2260 trang), kéo dài trong 20 ngày; trong năm thứ ba thì kiểm tra ba tập của Kinh tạng (gồm 779 trang); trong năm thứ tư va thứ năm thì kiểm tra 5 tập đầu (gồm 1390 trang) và hai tập cuối trong bảy tập của Luận tạng (gồm 3597 trang). Vị Tăng sĩ vượt qua được cả hai nội dung thi, và được phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara” đầu tiên của Miến Điện là ngài Vicittasarabhivamsa, vào năm 1953, lúc đó ngài được 42 tuổi.
Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư được tổ chức gần đây nhất là vào năm 2004. Trong kỳ thi này có tất cả là 184 vị Tăng sĩ đã tham gia, và chỉ có hai người vượt qua được cả phần thì tụng đọc thuộc lòng và thi viết các nội dung kiển điển theo quy định và có một người vượt qua được phần thi tụng đọc thuộc lòng.  
Ở Miến Điện có những trường Phật học chuyên giảng dạy và hướng dẫn cho học viên nội dung và phương pháp học Tam tạng Kinh điển để dự kỳ thi chuyển chọn Tam tạng Pháp sư. Các vị giảng viên tại các trường ấy đa phần là những vị đã từng tham dự các kỳ thi tuyển chọn Tam tạng và có kinh nghiệm học tập, am tường về Tam tạng Kinh điển.
Vừa qua, Phật giáo nước ta được vinh dự cung đón Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa, người đã đạt được danh hiệu Tipitakadhara vào năm 1998, và đạt được danh hiệu Tipitakadhara Tipitakakovida vào năm 2000, lúc ấy Ngài mới 36 tuổi. Năm 2005, chính phủ Miến Điện đã kính dâng Ngài danh hiệu cao quý “Tipitakadhara Tipitakakovida Dhammabhandāgārika” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng, Bậc giữ gìn kho tàng Pháp bảo của Đức Phật). Trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 10/10 - 22/10/2011 của mình, Ngài đã viếng thăm và hoằng pháp tại một số tỉnh thành trong nước, như là: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Huế, Quảng Ninh và Hà Nội. Chuyến viếng thăm và hoằng pháp của Ngài đã đem đến nhiều lợi lạc, Ngài để lại những lời giáo huấn vô cùng quý giá cho tín đồ Phật tử Việt Nam.
Minh Nguyên
(Có tham khảo tài liệu từ trang web Thisismyanmar.com)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ số 613, ra ngày 29/10/2011)

Có phải cái bình của bạn đã đầy?

Một vị giáo sư đứng trên bục giảng của lớp Triết học với một vài món đồ đặt phía trước. Khi lớp học bắt đầu, không nói lời nào, ông cầm lên một cài bình lớn và trống rỗng và bỏ những quả bóng golf vào trong đó. Thế rồi ông hỏi các sinh viên rằng, có phải cái bình đã đầy? Các sinh viên đồng ý là cái bình đã đầy.

Vị giáo sư lại cầm lên một hộp thạch anh và đổ chúng vào trong cái bình. Ông lắc nhẹ cái bình và những hạt thạch anh lăn vào các khoảng trống ở giữa các quả bóng golf. Rồi ông lại hỏi sinh viên là cái bình có đầy không? Họ đều đồng ý là cái bình đã đầy.
Sau đó vị giáo sư cầm một bao cát lên và đổ nó vào trong bình. Lẽ đương nhiên là cát đã lấp đầy mọi thứ khác. Một lần nữa ông lại hỏi sinh viên là cái bình có đầy không? Các sinh viên đều nhất trí là nó đã đầy.
Vị giáo sư lấy ra hai loong nước giải khát từ dưới bàn và rót tất cả vào trong bình, và nó đã lấp đầy khoảng trống giữa các hạt cát một cách hiệu quả. Các sinh viên cười rộ lên.
- Bây giờ – vị giáo sư nói, khi tiếng cười đã lắng xuống – tôi muốn các bạn ý thức được rằng cái bình này miêu tả cuộc sống của chính các bạn. Những quả bóng golf là những thứ quan trọng:  gia đình của bạn, con cái của bạn, sức khỏe của bạn, bạn bè của bạn, và những đam mê của bạn – những thứ mà nếu mọi cái khác bị mất đi thì chỉ còn lại chúng, cuộc sống của bạn vẫn tràn đầy. Những hạt thạch anh là các thứ khác như là nghề nghiệp của bạn, nhà của bạn, xe hơi của bạn… Cát là những thứ khác nữa, những thứ nhỏ nhặt...
Ngừng một chút, ông thong thả nói tiếp:
– Nếu các bạn bỏ cát vào trong cái bình trước tiên, ông ta tiếp tục, thì sẽ không còn chỗ cho những hạt thạch anh và những trái bóng golf. Điều tương tự sẽ xảy ra đối với cuộc sống của bạn. Nếu bạn dành tất cả thời gian và năng lượng của mình vào những thứ nhỏ nhặt, thì bạn sẽ không còn thời gian dành cho những thứ quan trọng đối với bạn nữa. Hãy chú ý đến những thứ trọng yếu đối với niềm hạnh phúc của bạn. Hãy vui đùa với con cái. Dành thời gian để kiểm tra sức khỏe. Dẫn người bạn đời của mình đi ăn bữa tối ở bên ngoài. Dành chút thời gian để dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa những thứ đã bị hỏng ở trong nhà. Trước hết bạn hãy quan tâm đến những quả bóng golf, những thứ thật sự đóng vao trò quan trọng đối với bạn. Thiết lập vị thế ưu tiên cho chúng. Phần còn lại chỉ là cát.
Khi ông đã kết thúc, có một sự yên lặng sâu lắng ở trong lớp học. Thế rồi, một trong số các sinh viên đã đưa tay lên xin hỏi:
– Thưa thầy, vậy thì nước giải khát biểu hiện cho cái gì?
Vị giáo sư mỉm cười:
– Tôi rất vui khi bạn hỏi điều này. Nó chỉ để chỉ cho các bạn thấy rằng, bất luận cuộc sống của bạn dường như đã bận rộn đến mức nào, vẫn luôn có chỗ cho một vài ly nước giải khát.
Tazzy Corner
Source: http://vr–zone.com
Minh Nguyên dịch
Trich từ sách Những Bài Học Bình Dị

Album Nhạc: Vu Lan Báo Hiếu

 Lâu nay MN cứ post những bài gì đâu không, khiến cho mọi người vào đọc mà thêm nhức đầu, nhức mắt. Nay có Album ca nhạc này hay, mời mọi người cùng thưởng thức và thư giản nè:

Steve Jobs, người Phật tử đã làm thay đổi diện mạo thế giới

Chân dung của Steve Jobs trên trang chủ của Apple.com
Thời gian gần đây, hàng triệu người trên thế giới tiếc thương và cảm động trước sự qua đời của ông Steve Jobs. Ngay khi biết tin buồn về sự qua đời của Steve Jobs, rất nhiều mỹ từ đã được nhiều người sử dụng để ca ngợi ông. Sự qua đời của ông được nhiều người xem như là thiệt hại lớn cho nhân loại.

Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955 tại San Francisco, California, Hoa Kỳ. Cha mẹ ruột của Steve Jobs là ông Abdulfattah Jandali và bà Joanne Simpsom. Lúc Steve sinh ra thì hai người này là sinh viên mới ra trường, chưa kết hôn với nhau. Vì cha mẹ của Steve chưa có kết hôn với nhau, cho nên cậu bé Steve Jobs được cho người ta nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi của Steve Jobs là Paul và Clara Jobs. Tuổi thơ của Steve Jobs gắn bó với vùng thung lũng Silicon. Càng lớn, Steve càng tỏ ra tò mò đối với những thiết bị điện tử và tỏ ra có năng khiếu về lĩnh vực này. 

Vào năm 1973, Steve Jobs vào học đại học, được một học kỳ thì ông bỏ học và đi làm. Sau đó, năm 1974, ông cùng một người bạn đi qua Ấn Độ để tầm sự học đạo, tìm cầu sự giác ngộ. Một thời gian sau, Steve trở về lại Hoa Kỳ, tiếp tục công việc trước đó và thường xuyên đến Trung tâm thiền Los Altos (Los Altos Zen Center) để học thiền với Thiền sư Kobun Chino Otogowa. Chính Thiền sư Kobun đã nhìn thấy được khả năng của Steve Jobs trong lĩnh vực công nghệ điện tử nên đã khuyên Steve Jobs theo đuổi công việc của mình chứ không nên xuất gia. Thiền sư Kobun sau này trở thành cố vấn tâm linh chính thức cho Công ty NeXT, và làm lễ hằng thuận cho Steve và Laurene vào năm 1991. Thiền sư Kobun là một trong những người có sự ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách, nếp sống và khả năng sáng tạo của Steve. 
Hình của Steve ẩn trong logo của Apple do Jonathan Mak thiết kế để tưởng nhớ Steve
Vào năm 1975, Steve và một người bạn là Woz đã cho ra đời cái máy vi tính cá nhân đầu tiên, gọi là Apple I. Và kể từ đó tên tuổi của Steve đã gắn liền với những phát minh và những sản phẩm công nghệ cao của Apple. Steve Jobs là người đồng sáng lập của Công ty Apple. Bên cạnh đó, Steve còn giữ các chức vụ chủ chốt trong những công ty lớn khác. Vào năm 1997, Steve trở thành Giám đốc điều hành lâm thời của Apple. Năm 2000 trở về sau, Steve chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Apple, đã lèo lái Apple trở thành một công ty siêu cường và cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao làm thay đổi diện mạo của thế giới. Vào tháng 10/2003, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện một khối u đang lớn dần lên trong tuyến tụy của Steve. Sau khi phát hiện khối u ác tính, trải qua một thời gian dài theo dõi và suy nghĩ, cuối cùng Steve quyết định không giải phẫu mà chỉ thực tập một chế ăn kiêng do ông tự đặt ra. Với chứng bệnh ung thư tuyến tụy như thế thì người bệnh rất mau qua đời. Nhưng đối với Steve thì không. Từ khi phát hiện cho đến năm 2010, Steve vẫn sống và làm việc bình thường. Mãi cho đến tháng 1/2011, do tình trạng sức khỏe không được tốt, Steve đã xin nghỉ phép dài hạn để chữa trị. Vào tháng 8/2011, Steve Jobs đã chính thức gởi thư xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành công ty Apply đến Ban giám đốc và toàn thể nhân viên của công ty. Sau đây là nội dung bức thư xin từ chức của Steve Jobs:

“Kính gởi Ban giám đốc Công ty Apple cùng toàn thể nhân viên của Apply.
Tôi thường hay nói, nếu có một ngày nào đó mà tôi không thể nào đảm trách được những nhiệm vụ, và không thể thực hiện những hoài bão của mình trong vai trò một người Giám đốc điều hành Công ty Apply, thì tôi sẽ là người đầu tiên báo cho mọi người biết. Thật không may là ngày đó đã đến.
Nay tôi viết thư này để xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành của Apple. Nếu Ban giám đốc thấy phù hợp thì tôi xin làm việc cho công ty trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, hoặc là Giám đốc, hay là nhân viên của Apple.

Theo như những gì người kế nhiệm tôi đã thể hiện, tôi đề nghị chúng ta thực hiện kế hoạch kế tiếp của mình và chính thức bầu ông Tim Cook làm Giám đốc điều hành của Apple.

Tôi tin rằng những ngày tươi sáng nhất và đổi mới nhất của Apple đang ở phía trước. Và tôi mong muốn được nhìn nhận, đóng góp vào thành công của công ty trong vai trò mới.

Tôi đã có được những người bạn tốt nhất trong cuộc đời của mình tại Apple, và tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người vì chúng ta đã làm việc cùng nhau trong suốt nhiều năm qua”. 

Đến ngày 05/10/2011, Steve Jobs đã qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Trước sự ra đi của Steve Jobs, rất nhiều người thuộc đủ mọi quốc gia, mọi tầng lớp, sắc tộc, tôn giáo,... đã bày tỏ tình cảm, sự quý mến, cảm phục của mình đối với Steve Jobs theo nhiều cách khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu bày tỏ tâm tư, tình cảm của công chúng đối với Steve Jobs, Apply đã nhanh chóng xây dựng một trang web với tên miền là Prayforsteve.com (Cầu nguyện cho Steve). Trên trang web Allaboutstevejobs.com cũng có tạo trang blog để cho người đọc có thể viết vào đó. Ngay trên trang web của Công ty Apple (apple.com), họ đã dành toàn bộ không gian của trang chủ để đăng hình ảnh và tên tuổi của Steve Jobs như là một cách để tưởng nhớ, để tri ân một người đồng sáng lập công ty, một người đã có những đóng góp tối quan trọng cho sự thành công và nổi danh của Apple. 
Mọi người tưởng nhớ và cầu nguyện cho Steve 
 Trên trang web Bambosi.com có đăng một bài tổng hợp những lời nhận xét, bày tỏ tình cảm đối với Steve Jobs của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Sau đây chúng tôi trích lời của một vài nhân vật:
Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Facebook, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng: "Steve, cảm ơn anh vì anh đã làm một người cố vấn cho tôi và còn là một người bạn. Cảm ơn anh đã cho chúng tôi nhận thấy rằng, những gì anh xây dựng có thể thay đổi thế giới. Tôi sẽ nhớ anh".
Bill Gates, người đồng sáng lập và là Chủ tịch của Microsoft, đã nói trong một bài phát biểu rằng: "Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và đã trở thành các đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh và là những người bạn của nhau trong suốt thời gian dài hơn nửa đời người của chúng tôi. Thế giới hiếm khi thấy một người có tác động sâu sắc như Steve đã làm, những hiệu quả từ những điều mà Steve đã làm sẽ được nhiều thế hệ sau này tiếp tục cảm nhận. Đối với những ai có may mắn được làm việc với anh thì đấy là một vinh dự tuyệt vời".

Bob Iger, Giám đốc điều hành của Công ty Walt Disney, cho biết: "Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là người cố vấn đáng tin cậy. Di sản của anh sẽ được mở rộng xa hơn các sản phẩm mà anh đã tạo ra và cả các doanh nghiệp mà anh đã xây dựng. Steve đã tạo cảm hứng cho hàng triệu người, đã làm thay đổi hàng triệu cuộc sống". 

Michael Bloomberg, Thị trưởng thành phố New York, phát biểu: "Steve Jobs là một thiên tài, là người sẽ được toàn thế giới tưởng nhớ cùng với Edison và Einstein. Những ý tưởng của anh sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ".
Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã nhận định: "Có lẽ không có tặng phẩm nào dành cho Steve vĩ đại hơn so với sự thật là có rất nhiều người trên thế giới đã biết được tin về sự qua đời của anh ngay trên những thiết bị mà anh đã phát minh ra".

Mặc dù Steve rất thành công trong phát minh, sang tạo và trong kinh doanh như thế, nhưng ông không hề tự cao, không cảm thấy tự hào về bản thân, ngược lại ông rất khiêm tốn và biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người, thân thiện với đồng nghiệp và với đối tác của ông. Trong một bài phóng vấn đăng trên báo Businessweek vào năm 2004, Steve đã nói: “Chúng tôi làm những việc mà ở đó chúng tôi thấy mình có thể có sự đóng góp đáng kể. Và mục đích chính của chúng tôi không phải là để trở thành người lớn mạnh nhất và giàu có nhất”. Dù Steve sở hữu một lượng tài sản khổng lồ, nhưng cuộc sống của ông khá đơn giản, như lời John Sculley, Giám đốc marketing của Pepsi, đã phát biểu với báo Businessweek năm 2010: “Steve là một người sống giản dị. Tôi nhớ khi đi tôi vào nhà của Steve, anh hầu như chẳng có bất cứ đồ nội thất nào cả. Anh chỉ có một bức tranh của Einstein, người mà anh vô cùng ngưỡng mộ, một cây đèn tifany, một cái ghế và một cái giường”. 

Steve Jobs là một con người của thời đại, một người Phật tử hiểu đạo và có sự hành trì. Ông đã vượt qua tất cả những chướng ngại trong cuộc sống để cống hiến cho cuộc đời, làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Steve Jobs đã ra đi nhưng những đóng góp của ông vẫn còn đó, hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ về ông, vẫn được lợi lạc từ những phát minh của ông. 

Minh Nguyên

Người Thái và Văn hóa ứng xử đượm nét Phật giáo

Lúc còn đi học, tôi có dịp tiếp xúc và làm quen với một số sinh viên người Thái và một vài vị Tăng sĩ Thái Lan học cùng trường. Tiếp xúc với họ, tôi cảm thấy họ rất thân thiện và chân tình, đặc biệt là họ rất kính trọng các vị tu sĩ Phật giáo. Điều đặc biệt trong cung cách ứng xử của họ là khi gặp một ai đó, không cần biết người đó đến từ đất nước nào, thuộc tôn giáo nào, họ đều chắp hai tay vái chào, một cách chào rất lịch sự và rất Phật giáo. Với các vị Tăng sĩ Thái Lan thì giữa tôi với họ càng thân thiện và cởi mở hơn. Qua các vị đó, tôi được biết thêm những điều thú vị về đất nước Thái, và cũng từ đó mà tôi càng cảm mến con người và đất nước Thái Lan hơn.
Qua các cuộc trò chuyện với những người bạn Thái Lan và từ các trang web của Trung tâm thiền Dhammakaya (Dhammakaya Meditation Center - DMC) mà tôi được biết đến trung tâm, cho nên tôi rất ái mộ mô hình tổ chức và nề nếp sinh hoạt, tu học của trung tâm, cũng như khâm phục trước những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ, và những không gian tịnh tu rất yên tĩnh, hài hòa với thiên nhiên của trung tâm. Vì thế, tôi ước ao sớm có một ngày được đặt chân đến Trung tâm DMC.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, tôi có nhân duyên được tháp tùng một đoàn hành hương từ thiện. Đoàn hành hương có đến hơn 100 người, đa phần là người lớn tuổi. Đúng theo hành trình của đoàn thì chỉ đến thủ đô Bangkok và thăm một số danh lam thắng cảnh ở thủ đô Bangkok mà thôi, không có đến thăm Trung tâm Dhammakaya. Khi được biết lộ trình của đoàn như thế, tôi cảm thấy hơi hụt hẫng và tự nhũ thầm: “Chắc là mình phải tranh thủ tìm cách đến thăm Trung tâm Dhammakaya, nếu không thì chưa biết đến lúc nào mới có dịp đi Thái Lan lại”. 
Bắt đầu chuyến hành trình, tôi thầm dự tính trong đầu về việc tranh thủ thời gian để đi thăm Trung tâm Dhammakaya. Qua tiếp xúc và trò chuyện với một số hành khách trong đoàn thì được biết là trong đoàn cũng có một vài người đang ao ước được đến thăm Trung tâm Dhammakaya như tôi. Đây là một điều không ngờ. Thế là chúng tôi kết hợp với nhau, cùng nhau lên kế hoạch đến thăm Trung tâm thiền Dhammakaya. 
Thiền đường tại DMC
Sau khi thống nhất ý kiến với nhau, từ ga xe lửa Bangkok, chúng tôi đón taxi đến thẳng Trung tâm thiền Dhammakaya, ở Klong Song, huyện Khlong Luang, tỉnh Patumthani, cách thủ đô Bangkok khoảng 80km. Vừa đến trung tâm thiền, gặp các nhân viên tiếp tân, ấn tượng đầu tiên đối với tôi ở Trung tâm DMC là nụ cười thân thiện, sự xá chào kính cẩn của những nhân viên phục vụ tại trung tâm. Ngay cả bộ đồng phục của họ, màu sắc và kiểu dáng thiết kế cũng rất dễ thương, tạo cho người mặc nét thanh lịch, đứng đắn và gọn gang. Sau khi chào hỏi và trình bày mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi, một người nhân viên đứng tuổi tình nguyện dẫn chúng tôi đi tham quan khắp các khu vực, các công trình kiến trúc của trung tâm. Tất cả các công trình kiến trúc ở đấy đều mang những sắc thái, những nét độc đáo rất riêng của trung tâm. Các công trình kiến trúc ở đây đều vĩ đại, riêng có một ngôi điện Phật là hơi khác biệt. Ngôi điện Phật ấy nhỏ và xinh xắn, nằm chính giữa khuôn viên của rừng cây, phía trước là một hồ nước khá lớn. Điện Phật được xây dựng theo mô hình cánh buồm trông thật là thanh thoát. Khu vực hành thiền, các thiền đường tại trung tâm cũng đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai mờ. Bước vào thiền đường, dù ở đấy lúc nào cũng có nhiều người nhưng không hề có sự ồn ào. Chính không gian bài trí và từ trường tâm linh ở đấy đã khiến cho mọi người khi bước chân vào thiền đường đều tự biết giữ im lặng, đi nhẹ nhàng và không gây ra tiếng động làm động tâm người khác. Ở trong đó, nếu mọi người gặp mặt nhau, dù lạ hay quen, đều kính cẩn chắp tay cúi đầu chào nhau, rồi mỗi người tự tìm vị trí thích hợp để tọa thiền hoặc lễ Phật. Mọi việc đều diễn ra trong im lặng, nhẹ nhàng, không làm phiền đến người khác. 
Kính cẩn đặt bát cúng dường chư Tăng
Các tình nguyện viện tại DMC đang lễ Phật
Tạm biệt Trung tâm DMC mà lòng còn luyến tiếc, còn muốn nán lại đôi chút để ngắm nhìn sự nguy nga, tráng lệ của trung tâm, để được hòa mình trong sự yên tĩnh, thanh thoát của những không gian tâm linh ở đấy. Quả là đã không uổng phí công sức khi đến thăm Trung tâm DMC.
Sau khi đi thăm trung tâm DMC, ngày hôm sau nhóm chúng tôi lại tiếp tục tách đoàn để đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở thủ đô Bangkok. Đến đâu chúng tôi cũng đều được đón tiếp và chỉ dẫn tận tình, niềm nở. Tại điểm tham quan cuối cùng trước khi đến sân ga Bangkok để trở về lại Campuchia, khi bước xuống xe taxi để vào tham quan thì không may trong nhóm có người để quên ba-lô hành lý trên xe, cũng may là lúc ngồi trên taxi, có một người trong nhóm đã tiện tay cầm name-card của xe bỏ vào túi áo, nên khi phát hiện đã bỏ quên hành lý trên xe thì người kia liền đưa name-card ấy ra, thế là chúng tôi dựa vào những thông tin trên đó để dò hỏi. Biết chúng tôi bị quên hành lý trên taxi, một số bác tài xế lái xe túc-túc ở đấy đã giúp chúng tôi liên lạc với trung tâm điều hành của hãng xe taxi để nhờ họ tìm kiếm. Họ đã giúp chúng tôi một cách chân thành. Tuy nhiên, vì thông tin trên name-card chưa thật sự chi tiết và đích xác về chiếc xe mà chúng tôi đã đi, nên việc tìm kiếm hơi lâu. Trong lúc chúng tôi ngồi đợi, một số người dân Thái đứng gần đó đến hỏi thăm, chia sẻ. Dù chỉ là những lời hỏi thăm, nhưng sự quan tâm, chia sẻ của họ lúc ấy đã làm cho chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Có người gợi ý là chúng tôi nên đến sở cảnh sát, nhờ cảnh sát tìm kiếm thì sẽ nhanh hơn. Thế là chúng tôi đến sở cảnh sát ở thủ đô Bangkok. Bác lái xe túc-túc đã nhiệt tình dẫn chúng tôi vào sở cảnh sát, gặp trực tiếp vị thủ trưởng cơ quan. Bước vào văn phòng làm việc, chúng tôi chắp tay chào, đáp lại, những cảnh sát viên cùng vị thủ trưởng cũng chắp tay chào chúng tôi một cách thân thiện. Điều khiến cho tôi mến phục ở họ là thái độ thân thiện và sự tôn trọng người khác, bất luận người đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Họ mời chúng tôi ngồi đối diện với vị thủ trưởng và trao đổi trực tiếp với ông, cả bác lái xe túc-túc cũng được mời ngồi đối diện với vị thủ trưởng, và chúng tôi thấy bác tài xế trò chuyện với vị thủ trưởng ấy rất thoải mái, không hề có vẻ khép nép, sợ sệt gì cả. Sau khi chúng tôi trình bày vấn đề và cung cấp những thông tin cần thiết, vị thủ trưởng liền cho những người có trách nhiệm lo việc tìm kiếm.
Trong lúc ngồi đợi kết quả, nhìn xung quanh phòng, chúng tôi thấy có một án thờ Phật ở chính giữa bức tường phía cuối căn phòng làm việc. Án thờ tuy nhỏ nhưng cũng đủ trang nghiêm, tạo cho căn phòng làm việc thêm ấm cúng. Trong một cơ quan cảnh sát mà có án thờ Phật ngay trong phòng làm việc của tập thể là một điều hết sức lạ đối với người Việt chúng ta. Tò mò, chúng tôi dò hỏi thì được biết đấy là một điều rất bình thường ở nước Thái, hầu hết các phòng làm việc trong các cơ quan nhà nước, và trong các công ty, xí nghiệp tư nhân đều có thờ Phật. Vị thủ trưởng còn cho biết thêm là cứ mỗi ngày, trước giờ làm việc, tất cả các thành viên trong cơ quan, khi bước vào văn phòng làm việc đều đến trước án thờ để kính lễ Đức Phật. Và hàng năm thì nhà nước có tổ chức các khóa tu ngắn hoặc dài hạn cho cán bộ, nhân viên trong ngành an ninh, quân đội tham gia. Tại các khóa tu, họ được học Phật pháp và thực hành thiền. Đấy là dịp để cho họ trau dồi và rèn luyện nhân cách và cũng là dịp để họ tạo phước, báo đáp công ơn cha mẹ, tổ tiên ông bà.
Chờ đợi một lúc thì có tin báo là đã tìm được ba-lô hành lý của chúng tôi và anh tài xế taxi đang trên đường đến sở cảnh sát để trao trả ba-lô cho chúng tôi. Thế là cả vị thủ trưởng, các vị nhân viên và chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm, không còn lo ngại gì nữa cả. Trong lúc anh tài xế taxi đi đến sở cảnh sát thì đúng vào giờ cao điểm nên bị tắc nghẽn giao thông, sợ chúng tôi lo lắng nên anh gọi điện báo cho biết là vì kẹt đường nên anh đến hơi chậm. Anh tài xế taxi đúng là rất lịch sự và tử tế. Nhận được ba-lô, chúng tôi cảm ơn anh tài xế taxi và cảm ơn những người trong sở cảnh sát Bangkok đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi, dù lúc chúng tôi đến gặp họ là đúng vào giờ nghỉ trưa. Họ trao ba-lô lại cho chúng tôi mà không hề đòi hỏi bất cứ thứ gì cả. Ngay cả khi chúng tôi muốn gởi họ một ít tiền để bày tỏ lòng cảm ơn họ cũng không chịu nhận.
Rời sở cảnh sát, tạm biệt Thái Lan, tạm biệt những con người thân thiện và tử tế của xứ sở chùa vàng, lòng chúng tôi tràn ngập những cảm xúc: mừng vì đã tìm lại được hành lý bị thất lạc; vui vì đã gặp được những con người tử tế nơi xứ lạ quê người, được biết đến văn hóa ứng xử trong công sở rất nhân văn, thắm được tinh thần Phật giáo của người Thái. Nhờ có người bỏ quên hành lý nên chúng tôi mới có dịp khám phá thêm nhiều điều hay, để cho chuyến đi của chúng tôi càng thêm nhiều ý nghĩa. Cảm ơn những người dân Thái Lan thân thiện, hiền lương, các vị đã cho chúng tôi có thêm niềm tin yêu trong cuộc sống, cho chúng tôi nhận chân được những giá trị của nếp sống Chân-Thiện-Mỹ.
Quảng Trí
(Nguồn: Tuần Báo Giác Ngộ, số 611, ra ngày 15-10-2011)

Nói xấu người khác: Những hậu quả và cách chuyển hóa

“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của người khác”. Trong truyền thống Phật giáo, đây là một trong những lời nguyện của Bồ tát. Đối với những vị tu sĩ thọ Cụ túc giới, một nguyên tắc tương tự được đề cập đến trong lời phát nguyện là không nói lời phỉ báng. Điều này cũng được nhắc đến trong lời khuyên của Đức Phật đối với tất cả mọi người để tránh 10 bất thiện nghiệp, đó là bất thiện nghiệp thứ năm: nói những lời gây bất hòa, chia rẽ.
Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác. Và đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong. Vậy thì động cơ ở đằng sau việc nói lỗi lầm của người khác, đằng sau xu hướng muốn hạ thấp người khác là gì? Một trong số những minh sư của tôi, ngài Ngawang Dhargye đã từng nói: “Quý vị ngồi lại với nhau và nói về lỗi lầm của một người khác, về những việc làm sai trái của người đó. Thế rồi quý vị tiếp tục thảo luận về những sai phạm và những phẩm chất tiêu cực của người khác, bởi vì quý vị tự thừa nhận với nhau rằng quý vị là những người tốt nhất trên thế giới”.
Khi tôi nhìn sâu vào bên trong, tôi nhận thấy rằng ngài Ngawang Dhargye đã nói đúng. Bị nung nấu bởi cảm giác bất an, tôi đã nghĩ sai rằng nếu người khác sai, xấu, đầy khuyết điểm, theo phép so sánh, thì tôi phải là người đúng, tốt và có năng lực. Chiến thuật hạ nhục người khác để tạo dựng lòng tự trọng của mình theo cách này rất khó có kết quả.
Lúc chúng ta tức giận người khác cũng là lúc chúng ta thường nói xấu họ. Trong trường hợp này chúng ta có thể nói lỗi của người khác vì một vài nguyên do khác nhau. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để kéo mọi người đứng về phía mình. Chúng ta nghĩ rằng, nếu ta kể cho mọi người nghe về sự tranh luận giữa ta với anh A rồi thuyết phục mọi người rằng anh A sai và mình đúng. Như thế thì mọi người sẽ đứng về phía chúng ta. Chính vì ý nghĩ rằng: “Nếu mọi người nghĩ mình đúng thì chắc hẳn là mình đúng”. Việc tự nghĩ rằng mình đúng như thế ấy là một việc làm kém cõi trong khi chúng ta không chịu dành thời gian để đánh giá một cách trung thực đối với những việc làm và động cơ của chúng ta.
Có khi chúng ta nói xấu người khác vì chúng ta ganh ghét họ. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao như người kia vậy. Từ trong sâu thẳm chúng ta nghĩ rằng: “Nếu mọi người thấy những phẩm chất xấu của người mà mình nghĩ là tốt hơn mình thì thay vì tôn trọng và giúp đỡ người đó, họ sẽ khen ngợi và hỗ trợ mình”. Chiêu bài mà chúng ta dùng để giành lấy sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác theo cách này có rất khó mang lại hiệu quả.
Nói xấu người khác đem đến những hậu quả gì? Trước hết, chúng ta sẽ được biết đến như là một người thường gây ra sự bất hòa. Người ta sẽ không muốn tâm sự với chúng ta vì họ sợ là chúng ta sẽ nói với người khác, thêm thắt những lời đánh giá của ta khiến cho họ bị xem là không tốt. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng người nào hay nói xấu người khác với tôi thì chắc hẳn họ sẽ đi nói xấu tôi với người khác. Hay nói cách khác, tôi không tin tưởng những ai thường hay phê bình người khác.
Thứ hai, chúng ta phải đối mặt với người bị chúng ta nói xấu khi họ phát hiện ra những gì chúng ta đã nói, và phiền phức hơn là lúc họ nghe được những gì chúng ta đã nói xấu về họ thì những điều đó đã bị phóng đại lên nhiều lần. Người đó có thể nói với người khác về lỗi của mình để trả đũa.
Thứ ba, một số người có thể sẽ bị kích động khi nghe nói về lõi của người khác. Chẳng hạn, nếu một người ở trong văn phòng hoặc trong nhà máy nói xấu sau lưng người khác, mọi người ở tại nơi làm việc có thể sẽ tức giận và công kích người đã bị nói xấu. Điều này có thể sẽ làm dấy lên việc nói xấu sau lưng người khác ở sở làm và gây ra tình trạng bè phái. Điều này gây tổn hại đến một môi trường làm việc hòa hợp.
Thứ tư, chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không có an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt,... thường không có lợi cho tinh thần của chúng ta.
Thứ năm, khi ta nói xấu người khác tức là chúng ta đã gây ra tác nhân để cho người khác nói xấu mình. Điều này có thể xuất hiện ngay trong đời này nếu người mà ta phê bình muốn hạ nhục mình, hoặc có thể xuất hiện trong tương lai khi mình bị người khác buộc tội một cách vô lối hoặc là bị vu oan. Khi chúng ta là người nghe những lời nói thô tục, chúng ta cần nhớ rằng đấy là kết quả từ hành động của chính chúng ta, chúng ta đã tạo ra nhân, nay đã đến lúc phải nhận quả. Chúng ta đã gây ra sự tiêu cực ở trong vũ trụ và trong tâm thức của mình, bây giờ nó trở lại với chúng ta. Không có lý do gì để giận hay buộc tội người khác khi chúng ta là người đã tạo ra nguyên nhân chính yếu đối với rắc rối của mình.
Tuy nhiên, có một số trường hợp có vẻ như là nói lỗi của người khác nhưng lại là cần thiết, nên nói. Mặc dù những trường hợp này rất giống với việc phê bình người khác, nhưng thực ra thì chúng không giống nhau. Điểm khác nhau ở đây là gì? Đấy chính là động cơ của ta. Nói lỗi của người khác thường là có ác tâm ở bên trong và thường bị thúc đẩy bởi động cơ ích kỷ. Bản ngã của ta muốn có được điều gì đó từ việc nói xấu người khác, nó muốn được tốt bằng cách hạ nhục người khác. Ngược lại, sự bàn thảo chính đáng về những lỗi lầm của người khác thường xuất phát từ sự quan tâm giúp đỡ và tâm thương yêu, chúng ta muốn làm rõ sự tình, ngăn chặn nguy hại, hoặc là muốn giúp đỡ. Chẳng hạn như khi chúng ta phải viết thư giới thiệu cho ai đó mà người ấy không được tốt lắm, chúng ta phải trung thực, phải đề cập đến những ưu điểm cũng như nhược điểm của anh ta để cho người chủ tương lai hoặc là chủ nhà của họ có thể quyết định xem người đó có thể làm những gì mà họ mong muốn hay không. Tương tự như vậy, chúng ta có thể phải báo trước về những thói quen của ai đó để cảnh báo những rắc rối có nguy cơ xảy ra. Trong cả hai trường hợp này, động cơ của ta là không phải để phê bình người khác, cũng không phải để thêm thắt những điều mà người đó không có. Chúng ta chỉ muốn đưa ra một lời diễn tả không có thành kiến về những gì chúng ta thấy mà thôi.
Đôi khi ta nghi ngờ rằng việc nhìn nhận của chúng ta về những tiêu cực của một ai đó có thể bị hạn chế, bị định kiến, cho nên ta nói với một người bạn mà người bạn đó không hề biết gì về người kia, nhưng người bạn đó có thể giúp ta nhìn thấy những khía cạnh khác. Điều này đem đến cho ta những ý tưởng, quan điểm có tính xây dựng, tích cực hơn và giúp cho ta biết cách để ứng xử với người kia. Người bạn của ta cũng có thể chỉ cho ta thấy những điểm nút của mình - những sự phản kháng và các vấn đề tế nhị - những điều mà ta đang phóng đại về điểm yếu kém của người khác, nhờ vậy mà ta có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Có khi chúng ta không rõ về những việc người khác làm nên nhờ một người bạn - là bạn của mình và người đó - tư vấn để biết thêm về hoàn cảnh người đó, và từ đó đánh giá, ứng xử với họ một cách hợp lý. Hoặc là chúng ta phải tiếp xúc với một người mà mình nghi là họ có vấn đề, nên mình nhờ đến các chuyên gia tư vấn để biết cách ứng xử với người đó. Trong cả hai trường hợp này, chúng ta phải nói cho người bạn hoặc là chuyên gia nghe về những vấn đề, những việc không tốt của người khác, nhưng động cơ của mình là muốn giúp họ và muốn giải quyết sự khó khăn.
Trong một trường hợp khác, một người quen của mình có thể không biết là họ đang có hành vi gây tổn hại người khác hoặc là hành xử theo lối hạ nhục người khác. Để bảo vệ người ấy khỏi phải tai họa do sự thiếu sáng suốt của chính họ gây ra, chúng ta có thể nói cho họ biết rõ điều mà họ làm. Ở đây chúng ta nói không phải với giọng phê bình hay là thái độ xét nét mà nói với lòng thương yêu, nhằm chỉ ra lỗi lầm hoặc sai phạm của người đó để rồi anh ta có thể khắc phục.
Chúng ta thường có thói quen nói lỗi của người khác. Để từ bỏ thói quen này thì chúng ta phải bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen đánh giá người khác. Thay vì đánh giá, phê bình người khác, chúng ta hãy lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của người khác. Chúng ta cần phải rèn luyên tâm của mình, chỉ nhìn những điểm tốt, những điều tích cực của người khác. Rèn luyện như thế thì sẽ tao nên sự khác biệt giữa niềm hạnh phúc, cởi mở và thương yêu của ta với sự buồn khổ, khó gần và khắt khe.
Chúng ta cần phải cố gắng để trau dồi thói quen chú ý vào những điều tốt đẹp, đáng yêu, đáng quý ở nơi người khác. Nếu chúng ta để ý những thứ đó thì chúng ta sẽ không lưu tâm đến những lỗi lầm của họ. Thái độ vui vẻ và lời nói bao dung xuất phát từ việc này sẽ cải thiện những người xung quanh và sẽ nuôi lớn hạnh phúc, sự mãn nguyện và tình thương yêu ở trong ta. Vì thế, chất lượng cuộc sống của ta tùy thuộc vào việc chúng ta tìm thấy lỗi lầm với kinh nghiệm của mình hay là thấy những gì tốt đẹp ở bên trong nó.
Khi chúng ta nhìn thấy lỗi lầm của người khác là chúng ta bỏ lỡ cơ hội để thương yêu. Nó cũng có nghĩa là chúng ta không có khả năng để nuôi dưỡng bản thân một cách hợp lý với những sự hiểu biết chân tình khi chúng ta đem vào tâm mình những độc tố. Khi chúng ta có thói quen xăm xoi lỗi của người khác thì chúng ta cũng có xu hướng chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những lỗi lầm của bản thân. Điều này có thể đưa chúng ta đến việc làm giảm giá trị toàn bộ cuộc sống của mình. Thật là bi thảm nếu chúng ta bỏ qua những điều quý giá và cơ hội trong cuộc sống của mình, không nhìn thấy khả năng thành Phật trong bản thân mình. Vì thế, chúng ta phải chấp nhận chính mình như những gì mình đang có trong hiện tại, đồng thời chúng ta cố gắng để trở nên những con người tốt hơn trong tương lai. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta làm ngơ trước những lỗi lầm của mình, mà là chúng ta không quá miệt thị về chúng. Chúng ta mừng vì mình được làm người, tự tin về khả năng của mình và tự tin về những giá trị chân thực mà chúng ta đã gầy dựng từ trước đến nay.
Mọi người đều muốn được thương yêu – muốn được mọi người chú ý và thừa nhận những khía cạnh tích cực của bản thân, muốn được quan tâm và tôn trọng. Hầu hết chúng ta đều không muốn bị đánh giá, bị phê bình và từ chối. Việc trau dồi thói quen nhìn thấy những điều tốt đẹp của bản thân và của người khác mà có thể đem lại cho mình và người niềm hạnh phúc, nó cho phép chúng ta cảm nhận và mở rộng tình thương yêu. Từ bỏ thói quen nhìn thấy lỗi lầm sẽ giảm thiểu sự đau khổ cho mình và người. Vấn đề này nên được xem là trọng tâm trong lộ trình tâm linh của chúng ta. Chính vì lý do này mà đức Dalai Lama đã nói: “Tôn giáo của tôi là lòng tốt”. Chúng ta có thể vẫn thấy những điều chưa hoàn thiện của mình và của người khác, nhưng tâm chúng ta hiền dịu hơn, biết chấp nhận và rộng lượng hơn.
Đối lập với việc nói xấu người khác là nói với sự hiểu biết và thương yêu. Những ai đang đi trên lộ trình tâm linh và những ai muốn sống hòa hợp với người khác thì việc phát ngôn với sự hiểu biết và thương yêu là điều rất quan trọng. Khi chúng ta nhìn vào những phẩm chất tốt của người khác, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Việc thừa nhận những phẩm chất tốt của người khác khiến cho lòng mình cảm thấy hạnh phúc, nó còn tạo ra bầu không khí hài hòa và đem đến cho người khác thông tin phản hồi hữu ích.
Khen ngợi người khác là một việc mà chúng ta cần phải thực tập trong quá trình tu tập của mình. Nếu chúng ta thường nghĩ đến những tài năng, những phẩm chất tốt của người khác thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và người khác cũng vậy. Chúng ta sẽ tạo được mối quan hệ tốt đẹp với người khác, và gia đình của chúng ta, môi trường làm việc và hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ hòa hợp hơn. Chúng ta gieo những hạt giống từ những hành vi tích cực ấy ở trong tâm thức của mình, chúng ta sẽ tạo nhân duyên cho những mối quan hệ hòa ái và cho sự thành tựu những mục đích tâm linh cũng như những mục đích trong cuộc sống đời thường. 
Ni sư Thubten Chodron
Quảng Trí dịch 
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 187, ra tháng 10/2011)

Hội Văn bản Pali, nơi lưu trữ và phiên dịch kinh điển quan trọng của Phật giáo

Hội Văn bản Pali (Pali Text Society - PTS) do học giả Thomas William Rhys Davids, một chuyên gia ngôn ngữ người Anh, sáng lập nên vào năm 1881 tại Luân Ðôn, Anh quốc. Mục đích của ông Rhys Davids khi sáng lập hội là để khuyến khích và thúc đẩy việc nghiên cứu các kinh điển bằng tiếng Pali và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy. Hội tiến hành xuất bản kinh điển Pali bằng ký tự La Mã, xuất bản những bản dịch bằng tiếng Anh và những tác phẩm liên quan như là từ điển Pali - Anh, thư mục, và các sách giáo khoa dành cho học viên học tiếng Pali và một tờ tập san của hội.
Pali là một cái tên được đặt cho loại ngôn ngữ dùng để ghi chép các kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy. Tuy nhiên, theo cách lập luận truyền thống của các nhà nghiên cứu thuộc Phật giáo Nguyên thủy thì ngôn ngữ trong kinh điển là tiếng Magadhi, một loại ngôn ngữ đã được chính Đức Phật Thích Ca sử dụng để giảng dạy vào thời bấy giờ. Thuật ngữ “Pali” sơ khởi là dùng để nói đến một bản kinh hay là một đoạn văn chứ không phải là một loại ngôn ngữ. Cách dùng hiện tại của nó là bắt nguồn từ việc hiểu nhầm về nó xuất hiện cách đây vài thế kỷ. Ngôn ngữ trong kinh điển Nguyên thủy là một phiên bản của một loại phương ngữ của vùng Trung Ấn - Aryan, chứ không phải là Magadhi. Ngôn ngữ ấy được tạo ra từ sự đồng hóa các phương ngữ mà ở đấy những lời dạy của Đức Phật được ghi nhớ và truyền lại bằng miệng. Điều này trở nên cần thiết khi Phật giáo đã được truyền bá rộng ra khỏi khu vực khởi thủy của nó, và khi Tăng đoàn tiến hành việc hệ thống hóa kinh điển.
Cho tới nay thì hầu hết các kinh điển và những tác phẩm luận giải đã được hội biên tập và nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh. Hội muốn hầu hết các công trình của hội đều được in ra và mỗi năm thì cho ra đời ít nhất là hai quyển sách mới và một tập san của hội.
Hội Văn bản Pali là một tổ chức phi lợi nhuận, ngân quỹ cho sự hoạt động của hội chủ yếu dựa vào các ấn phẩm xuất bản của hội, vào việc đặt mua dài hạn của các thành viên và dựa vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Cùng với các hoạt động xuất bản, hội còn cấp các suất học bổng cho một vài nghiên cứu sinh nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ Pali ở một số quốc gia. Đồng thời hội cũng hỗ trợ dự án Kinh lá bối, một dự án nhằm nhận dạng và bảo tồn những bản kinh được ghi chép trên lá bối ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á. 
Ông Rhys Davids là một trong ba viên chức của chính quyền Hoàng gia Anh đã được cử qua Tích Lan vào thế kỷ thứ 19. Hai viên chức khác đó là ông George Turnour và ông Robert Caesar Childers (1838–1876). Vào thời bấy giờ, Phật giáo ở Tích Lan đang phải đấu tranh để tồn tại và phát triển trước những áp lực, điều lệ của ngoại bang và trước hoạt động truyền giáo mạnh mẽ của các đoàn truyền đạo Thiên Chúa giáo.
Trong chính sách thống trị của thực dân Anh, có một yêu cầu đối với tất cả người viên chức nhà nước là họ phải làm quen với ngôn ngữ, văn học và văn hóa của vùng đất mà họ được điều đến làm việc. Chính vì chính sách này cho nên ba viên chức trên đã học với các vị Tăng sĩ lỗi lạc ở Tích Lan. Cùng với việc học văn hóa và ngôn ngữ Sinhala, họ còn được học kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pali. Qua đó họ đã hiểu về giáo lý đạo Phật và hứng thú trong việc nghiên cứu và tu học theo Phật giáo.
Chính vì vậy mà vào năm 1881, ông Rhys Davids cùng với vợ là bà Caroline Augusta Davids thành lập Hội Văn bản Pali tại Luân Ðôn. Ðây là một tổ chức Phật giáo đầu tiên tại Anh quốc với sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng ở Âu châu và Á châu.
Ông Rhys Davids có đến bốn bằng tiến sĩ (tiến sĩ triết học, sử học, ngôn ngữ học và văn chương). Kể từ khi thành lập hội, ông đã dành trọn thời gian còn lại của đời mình cho công việc nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành Tam tạng Văn bản Pali (Pali Tipitaka). Ngoài việc tham gia công tác phiên dịch, biên tập…, ông Rhys Davids còn biên soạn những sách Phật giáo có giá trị như: Từ điển Pali - Anh (Pali - English Dictionary), in lần thứ nhất vào năm 1921, được tái bản vào các năm 1925, 1992 và 1995; Những câu hỏi của vua Milinda, phần I (Questions of King Milinda, Part 1), xuất bản năm 1890; Lịch sử và văn học của Phật giáo (The History and Literature of Buddhism) xuất bản năm 1896; Những pháp thoại của Ðức Phật, tập I (Dialogues of The Buddha, V.1), xuất bản năm 1899; Lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ (History of Indian Buddhism), xuất bản năm 1903; Giáo lý về nghiệp trong Phật giáo (The Buddhist Theory of Karma), xuất bản năm 2005; Bí mật của đạo Phật (The Secret of Buddhism), xuất bản năm 2005...
Bên cạnh việc điều hành hoạt động của hội, biên tập, phiên dịch, viết sách báo, ông Rhys Devids còn đi diễn thuyết ở trong nước và ở nước ngoài. Trong đó, Tích Lan và Hoa Kỳ là hai quốc gia mà ông thường xuyên đến. Ông làm việc không biết mỏi mệt cho đến cuối đời và đã ông tạ thế vào năm 1922. Vào thời điểm đó, Hội Văn bản Pali đã in được 70 quyển kinh sách các loại (cả bản gốc Pali và bản dịch).
Cho đến nay, Hội Văn bản Pali đã trải qua hơn 130, và qua chín đời chủ tịch, lần lượt như sau:
1) 1881-1922: Ông Thomas William Rhys Davids (1843-1922) (người sáng lập).
2) 1922-1942: Bà Caroline Augusta Foley Rhys Davids (1857-1942) (vợ của ông Rhys Devids).
3) 1942-1950: Ông William Henry Denham Rouse (1863-1950)
4) 1950-1958: Ông William Stede (1882-1958)
5) 1959-1981: Bà Isaline Blew Horner (1896-1981)
6) 1981-1994: Ông Kenneth Roy Norman (1925)
7) 1994-2002: Ông Richard Francis Gombrich (1937)
8) 2002-2003: Ông Lance Selwyn Cousins
9) 2003-hiện tại: Ông Rupert Mark Lovell Gethin (1957)
Với tôn chỉ phi lợi nhuận, ngay từ những ngày đầu của hội, ông Davids đã nhanh chóng tập hợp được một nhóm học giả, các chuyên gia ngôn ngữ học để biên tập lại Tam tạng kinh điển tiếng Pali. Nổi bật trong nhóm này có các vị như R. Morris, E. Hardy, M. Hunt, E. Muller, J. Minayeff, E. R. Gooneratne, J. E. Carpenter, E. Windisch, W. Trenckner, R. Chalmers, L. Feer, H. Bode, H. Oldenberg, Wilhelm Geiger, E. B. Cowell, P. S. Jaini, E. W. Burlingame, James Gray, J. S. Speyer, Pe Paung Tin… đồng thời công bố danh sách các mạnh thường quân trên khắp thế giới tài trợ cho công trình vĩ đại này, một trong những nhà tài trợ chính cho hội lúc bấy giờ là vua của Thái Lan. Công việc của hội khởi đầu được chia thành hai phần: Một là in lại toàn bộ Tam tạng Pali để bảo tồn giá trị nguyên thủy của nó và hai là chuyển ngữ ra tiếng Anh để cho thế giới phương Tây tiện bề học hỏi. Ðể cho mọi giới biết rõ mục đích của Hội, vào năm 1882, ông Rhys Davids đã cho xuất bản tập san của hội (Journal of the Pali Text Society), tờ báo đã nhanh chóng thu hút giới trí thức ở châu Âu.
Vào năm 1994, Hội Văn bản Pali đã khởi động dự án Kinh lá bối. Đây là một dự án nhằm phân loại và bảo tồn những bản kinh Phật giáo được chép trên lá bối ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á. Trước khi biết đến việc in ấn và những kỹ thuật in ấn trên giấy của phương Tây, những văn bản ở Đông Nam Á, bao gồm cả những bản kinh bằng tiếng Pali, đã được bảo tồn một cách đặc biệt bằng việc ghi lại trên lá được lấy từ cây cọ dừa. Những chiếc lá ấy được kết lại với nhau để tạo nên một bản thảo hoàn chỉnh.
Mặc dù việc ghi chép trên lá bối chắc chắn đã được sử dụng trước thế kỷ thứ 5, nhưng những bản mẫu hiện còn chỉ có niên đại từ thế kỷ thứ 18 hoặc sau đó, với một số lượng lớn được tạo ra trong suốt thế kỷ thứ 19. Bởi vì chất liệu được dùng để ghi chép là lá bối, và do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, những bản thảo từ thời kỳ đầu phần lớn không còn được nguyên vẹn, nhiều bản văn bị hư hại nghiêm trọng. Trong thời kỳ thuộc địa, nhiều bản văn trên lá bối đã bị tháo gỡ và phá hủy, một số trang trong các văn bản đã bị gỡ bán làm đồ trang trí nghệ thuật cho những người sưu tầm đồ cổ ở phương Tây.
Hội Văn bản Pali đã xây dựng dự án Kinh điển lá bối để thu thập, phân loại và bảo tồn những kinh điển trên lá bối, bao gồm cả việc scan những bản kinh ấy sang phiên bản điện tử để cho các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận và tránh nguy cơ bị hư hại. Vào năm 2001, dự án này đã được đăng ký chính thức như là một tổ chức phi lợi nhuận ở Thái Lan. Hiện tại, trong bộ sưu tập của tổ chức này có hơn 5.000 bản thảo với hơn 10.000 đề tài khác nhau. Các bản thảo này đang được scan với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Quốc tế Lumbini, Nepal. Việc nhập cơ sở dữ liệu thì được Hội Văn bản Pali hỗ trợ.
Theo thông báo chính thức trên trang web của hội, hiện tại Hội Văn bản Pali đã in và phát hành nhiều nội dung thuộc Kinh, Luật, Luận bằng tiếng Pali. Bên cạnh đó, hội cũng đã tiến hành chuyển ngữ sang tiếng Anh, và đã xuất bản nhiều kinh điển giá trị, điển hình như là: “Trường Bộ Kinh” (3 tập),  “Trung Bộ Kinh” (3 tập), “Tăng Chi Bộ Kinh” (5 tập), “Tương Ưng Bộ Kinh” (5 tập), “Tiểu Bộ Kinh”, “Chuyện tiền thân của Đức Phật” (6 tập), “Thắng pháp tập yếu luận”, “Pháp Cú sớ giải” (5 tập); “Kinh Bổn Sám” (6 tập), “Truyện cổ Phật giáo” (3 tập), “Kinh Pháp Cú” (tập 1), “Kinh Na Tiên Vấn Đáp” (2 tập), “Luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni”, “Luận giải về luật tạng”, “Lịch sử Đức Phật Thích Ca”... Đồng thời hội đã tiến hành xuất bản được 28 số tạp chí của hội và nhiều sách tham khảo, sách giáo khoa có giá trị, như là: “Từ điển Pali-Anh”, “Từ điển tiếng Pali”, “Từ điển những danh từ riêng trong tiếng Pali”,...
Hiện tại, hội đang đẩy mạnh việc phát triển và mở rộng chi nhánh của hội ở khắp nơi trên thế giới. Hiện nay hội đã có các văn phòng đại diện ở Mỹ, New Zealand, Thái Lan, Ấn Ðộ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với những thành quả đáng khâm phục sau 130 năm hoạt động như thế, cho nên mọi thành viên của Hội Văn bản Pali tại Anh quốc luôn nhìn về tương lai, với một niềm tin lớn lao trong quá trình đóng góp công sức của hội vào việc truyền bá lời Phật dạy đến cho nhân loại, đặc biệt là đến với người phương Tây. Hội Văn bản Pali đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền bá đạo Phật ở phương Tây cũng như trong việc bảo tồn và lưu giữ kinh điển bằng tiếng Pali.
Minh Nguyên
(Nguồn: Nguyệt San Giác Ngộ số 186, ra tháng 9/2011)
Tài liệu tham khảo:
1. About The Pali Text Society, www.palitext.com.
2. Palitext Society, www.wikipedia.com
3. Lindsay Jones (Editor in Chief), Encyclopedia of Religion, Second Edition, Thomson Gale, 2005, Pali Text Society, Grace G. Burford (2005), tr.6955-6957.

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!