LTS: Lewis Richmond là một tu sĩ Phật giáo người Hoa Kỳ, và là một vị
Giáo thọ sư chuyên giảng dạy và hướng dẫn các khòa tu thiền. Lewis Richmond chủ
yếu tu tập và giảng dạy trong cộng đồng Phật giáo Vimala ở vùng San Francisco
Bay.
Lewis Richmond còn phối hợp với Lạt-ma Palden Drolma, một vị Lạt-ma người
phương Tây được đào tạo theo truyền thống Mahamudra của Phật giáo Tây Tạng, để
giảng dạy thiền cho mọi người.
Bên cạnh đó Lewis Richmond còn là tác giả của những cuốn sách khá nổi
tiếng ở Hoa Kỳ, đó là các sách: Work As A Spiritual Practice: A Practical
Buddhist Approach to Inner Growth and Satisfaction on the Job (Làm việc như là một sự tu tập: Một phương
thức tu tập nhằm thăng hoa và hài lòng trong công việc), do Broadway xuất bản
vào năm 2000; Healing Lazarus: A Buddhist’s Journey from Near Death to New
Life (Chữa lành Lazarus: Hành trình từ cận
tử đến một kiếp sống mới của một người Phật tử), do Atria xuất bản vào năm 2003…
Vào 01/2012, Lewis Richmond sẽ cho xuất bản cuốn sách Aging As A Spiritual
Practice (Tuổi già như là một sự thực
nghiệm tâm linh).
Lewis Richmond đã đúc kết lại những bài học giá trị đối với Phật giáo
phương Tây trong quá trình 50 năm tiếp nhận và phát triển của Phật giáo ở
phương Tây, Nguyệt san Giác Ngộ trân
trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Kể từ ngày đầu tiên các vị Thiền
sư, các vị Tăng sĩ Phật giáo châu Á đặt chân đến phương Tây cho đến nay đã được
50 năm. Các vị ấy đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam... Nhiều người
trong chúng ta đã dành toàn bộ cuộc sống lúc trưởng thành của mình để thực tập và tiếp thu những gì các vị ấy giảng dạy.
Sau 50 năm phát triển, Phật giáo ở phương Tây đã đạt được những gì và những gì
cần phải khắc phục? Gần đây tôi suy nghĩ về “những bài học 50 năm” mà chúng tôi
đã rút ra được trong lúc này.
Một số những bài học ấy đã được
thay đổi, một số khác thì đang làm chán ngán. Nhiều bài học mà trong đó chúng
ta đã học được một cách rất khó khăn, chúng ta đi từ sai lầm này đến sai lầm
khác (đó là điều mà thầy tôi, ngài Suzuki Roshi, đã nhấn mạnh rằng: Đấy là nét
đặc trưng cơ bản trong việc tu tập theo đạo Phật, ngay cả đối với những vị giáo
thọ sư). Ở đây tôi muốn trình bày bài học 50 năm của tôi, ít nhất là những gì tôi
đã tư duy cho đến nay.
Sự giác ngộ không phải là điều như chúng ta đã nghĩ
Trong những ngày đầu, vào các
thập niên 1960 và 1970, khái niệm về sự giác ngộ đến từ ba nguồn chính, đó là: qua
sách báo, từ những người rơi vào trạng thái lâng lâng do các chất kích thích
gây ra, và từ các vị giáo thọ - có thể tạm sắp xếp theo trật tự đó. Tôi đã viết
sách báo trước khi cuốn sách “Những bài luận về thiền của Phật giáo” của Thiền
sư DT. Suzuki chính thức sử dụng từ "giác ngộ" (Enlightenment) để mô
tả một kinh nghiệm khá đặc biệt đối với mô hình tu tập theo đạo Phật của ngài -
Thiền Lâm Tế của Nhật Bản. Sự mô tả của Thiền sư Suzuki có lẽ sẽ không được hấp
dẫn trong thời gian gần đây nếu như nó không được mốc nối một cách độc đáo với
những trạng thái tâm lý xuất thần mà người ta có được khi sử dụng ma túy. Các vị
giáo thọ sư người châu Á đã cố gắng để truyền đạt đến mọi người ý niệm rằng, sự
giác ngộ là một lộ trình gian khó, và chúng ta đã gật đầu tin tưởng một cách
tín cẩn. Nhưng những kinh nghiệm hình thành lúc ban đầu ấy tồn tại như những dấu
ấn mạnh mẽ. Tôi trao đổi với rất nhiều hành giả của Phật giáo, những người đã
tu tập hơn 40 năm, họ vẫn đề cập đến những lộ trình gian khó lúc ban đầu của họ,
và thậm chí là cả những lộ trình gần đây của họ, xem chúng như là một khía cạnh
tất yếu trong sự trải nghiệm trên con đường tâm linh.
Đối với những người Phật tử thuộc
thế hệ sau đó, và ngay cả bây giờ, những điều phản văn hóa trong thập niên
1960, và những sự hấp dẫn đã làm thay đổi một số quốc gia, tất cả đều thuộc về lịch
sử cổ đại. Những người Phật tử trẻ tạo ra cho họ những mô hình rất khác biệt về
sự tham vấn đối với quá trình tìm kiếm tâm linh của họ. Có lẽ bài học đơn giản
là “giác ngộ” không phải là một thứ gì đó cần được hiểu hoặc kinh qua mà là thứ
cần phải sống với. Điều mà tôi thường nói với mọi người là Phật giáo không phải
là những gì bạn tin tưởng, mà là lối sống của bạn và những gì bạn làm. Những kinh
nghiệm tâm linh của bạn, dù cho chúng có sâu sắc đến đâu, cũng thực sự không có
ý nghĩa gì nhiều cho đến khi nào bạn đích thực sống với chúng trong từng phút
giây. Cách đây đã lâu, có lần tôi viết một bài luận có tên "Giác ngộ là
hành vi". Và sau đó nó đã gây tranh cãi, và có lẽ hiện nay vẫn còn gây
tranh cãi.
Thiền không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề
Tôi không biết tại sao chúng ta
lại có ý nghĩ rằng, thiền là toàn năng, là liều thuốc chữa lành mọi chứng bệnh?
Sở dĩ chúng ta nghĩ như thế là bởi vì thiền định có vẻ mới mẽ và rất đặc biệt,
chúng ta cảm thấy giống như một phương thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn
đề và những nghi vấn của chúng ta. Nhưng điều mà chúng tôi đã khám phá ra là
thiền định không thể chữa trị tất cả mọi thứ. Như một vị thầy của tôi đã từng
nói: "Đôi khi thiền định không giúp đỡ được. Có những lúc không có thứ gì giúp được cả".
Thiền định không nhất thiết là phải giúp ích cho việc hàn gắn các mối quan hệ
xã hội, hay là chữa trị những chấn thương sâu sắc và các rối loạn tâm lý. Thiền
có thể hoặc không thể giúp ích gì cho những người
bị trầm cảm (có một số bằng chứng cho thấy rằng đôi khi thiền giúp chữa lành bệnh
trầm cảm); thiền không giúp chúng ta tìm được công việc hay là duy trì công việc
của cá nhân. Thiền, tự thân nó là rất đặc biệt, nhưng thiền không phải là cuộc
sống. Phật giáo là cuộc sống, thiền định là một trong những công cụ của Phật
giáo (và chỉ là một mà thôi).
Khi tôi còn làm việc trong giới
kinh doanh, một người quản lý kho hàng đến nói với tôi: "Lew, bạn có biết
về thiền chứ? Trong số những nhân viên của tôi có một người là Phật tử, và anh
ta làm việc quá chậm. Nếu anh ta không làm việc nhanh hơn thì tôi sẽ phải cho
anh ta nghỉ việc". Tôi đã nói chuyện với người nhân viên ấy và anh ta giải
thích: "Tôi đang cố gắng để giữ chánh niệm". Tôi nói với anh ta là
hãy đi đến một nhà hàng Nhật Bản và xem các đầu bếp sushi tại nơi họ làm việc. Tất
cả họ đều có chánh niệm, họ làm việc với những con dao rất sắc bén và làm rất
nhanh. Tôi không chắc là anh ta nghe lời khuyên của tôi. Không lâu sau đó thì
anh ta đã bị cho nghỉ việc.
Tất nhiên là có cả một loạt các
lợi ích mà thiền định có thể mang lại, và chúng đã có được xác minh, được đánh
giá bằng những kiểm nghiệm khoa học. Thiền có thể cực kỳ hữu ích. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, thiền chỉ
phát huy tác dụng với những gì nó có thể và không thể phát huy tác dụng với những
gì nó không thể. Thiền không phải là cuộc sống, cũng không phải là cuộc sống
thiền định. Chúng có quan hệ với nhau nhưng lại khác nhau.
Những bất cập trong tôn giáo là vấn đề phổ biến
Đây là một bài học lớn và không
dễ chịu mà nhiều người trong cộng đồng Phật giáo vẫn đang học hỏi. Những cuốn sách về đạo Phật, và thậm
chí là nhiều vị thầy trong Phật giáo, thường trình bày các nội dung giáo lý được lý tưởng hóa, mà
lại bỏ qua thực tế hỗn loạn và không mấy tốt đẹp về
cách ứng xử của mọi người, trong đó có cả những người Phật tử, ở trong xã hội.
Chúng ta đem những giấc mơ, những ước muốn được lý tưởng hóa của chính mình đến
với Phật pháp, vì chúng ta nghĩ rằng Phật pháp có thể làm lắng dịu tất cả mọi sự
rối rắm của con người - ít nhất thì Phật giáo cũng tốt hơn nhiều so với các tôn
giáo mà lúc nhỏ chúng tôi đã
đi theo. Thực tế là trong các vị lãnh đạo của Phật giáo, cả ở châu Á lẫn ở phương
Tây, có đủ mọi thành phần, mọi hình dạng, kích thước, trình độ hiểu biết và cả
những xu hướng đi chệch khỏi con đường chân chính của đạo Phật.
Thậm chí là sau 50 năm, Phật
giáo ở phương Tây vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Dấu vết của các vụ bê bối, những
hành vi xấu, sự phản bội và thất vọng đã có từ lâu và hiện đang tiếp tục được
phơi bày ra. Những ai chuyên tâm thực tập giáo pháp của Phật thì họ ý thức được
rằng, đấy chỉ là một khía cạnh của cuộc sống và họ rút kinh nghiệm từ những gì
xảy ra. Thực trạng ấy không hạ thấp giá trị của những chân lý sâu sắc mà giáo pháp mang lại cho nhân sinh. Có rất
nhiều cạm bẩy trên con đường
tu học của chúng ta, và những người nghiên cứu về những giáo lý của người xưa
có thể đoan chắc rằng họ biết tất cả những vấn đề đó, và họ cố gắng để cảnh báo
chúng ta. Phật pháp là hiện thực. Chúng ta phải liên tục đối mặt với hiện thực,
từ bỏ những gì sai trái và theo đuổi những gì đúng đắn, tuy rằng đấy là việc làm không đơn
giản.
Lewis Richmond
(Theo Huffingtonpost.com)
Quảng Trí dịch (Nguồn: Nguyệt San Giác Ngộ, số 189, ra tháng 12/2011)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét