Hang động được tạc phía dưới một phiến đá |
Vào thập kỷ thứ năm của thế kỷ
thứ 2 trước Công nguyên, vua A Dục đã tổ chức Đại hội kết tập kinh điển lần thứ
ba tại kinh đô Pataliputra. Tại đại hội kết tập lần này, những tranh chấp về một
số vấn đề trong giáo pháp đã được giải quyết, các vị Tăng sĩ không thanh tịnh
đã bị trục xuất khỏi Tăng đoàn và đặc biệt là đưa ra quyết định thành lập những
đoàn Tăng sĩ đi truyền bá đạo Phật tại những quốc gia, những vùng lãnh thổ khác
nhau. Tôn giả Mahinda, con trai của vua A Dục, đã được chọn làm trưởng đoàn của
một đoàn truyền giáo đi đến các khu vực phía Nam. Vị Tăng sĩ hoàng gia này và
những người bạn đồng hành đã rời Pataliputra và đi đến Videsha, nơi họ lưu lại
trong một thời gian ngắn, có thể là họ đã ở lại tại tu viện lớn ở Sanchi. Theo
sử liệu cho biết, phái đoàn có lẽ đã truyền bá Phật giáo một cách tích cực tại
Videsha trong một thời gian trước khi đến Sri Lanka. Dù thế nào đi nữa thì phái
đoàn chắc chắn đã đến Gokanna (Trincomalee cổ) và cuối cùng dừng lại ở núi Mihintale,
cách Anuradhapura 13km về phía Đông.
Tượng Phật trên núi Mihintale |
Một góc của ngôi tháp Khantika |
Di tích hai phiến đá ở ngay lối vào cửa chánh điện trên núi Mihintale |
Vua Devanampiya Tissa cùng với
một số cận thần của ông đang đi săn trên núi thì bất ngờ bắt gặp những người lạ
mặc áo choàng màu vàng. Nhà vua hơi sửng sốt trước các nhà sư, nhưng tôn giả Mahinda
đã trấn an vua: "Tâu đức vua, chúng tôi là tu sĩ, đệ tử của đấng Giác Ngộ.
Chúng tôi đến từ Ấn Độ, đến đây với lòng thương yêu đối với đức vua và dân
chúng của ngài”. Tâu đức vua với những lời trấn an như thế, rồi tôn giả Mahinda
hỏi đức vua một số câu hỏi để dò xét khả năng am tường của vua. Sau đó tôn giả
Mahinda giảng dạy cho đức vua và đoàn tùy tùng về những giáo pháp căn bản của đạo
Phật. Sau khi lãnh thọ giáo pháp, vua Tissa đã cung thỉnh chư Tăng đến kinh đô
Anuradhapura vào ngày hôm sau để giảng dạy giáo pháp cho gia đình hoàng gia. Thể
theo lời mời của vua Tissa, ngày hôm sau tôn giả Mahinda cùng chư Tăng đã tiến
vào cung điện của vua và truyền dạy giáo pháp cho gia đình hoàng gia.
Tên ban đầu của núi Mihintale
là Missaka Pabbata, sau đó thì được gọi là Cetiyagiri (miền núi của những ngôi
tháp), và tên hiện tại của nó tất nhiên là có nguồn gốc từ tôn giả Mahinda. Lúc
ngài Pháp Hiển đến thăm Mihintale, có 2.000 tu sĩ sống trên núi. Ngài Mahinda
đã dành những năm còn lại của cuộc đời mình ở trên núi Mihintale và viên tịch ở
đấy vào năm 202 trước Công nguyên. Sau khi tổ chức tang lễ trọng đại, tro cốt của
ngài đã được phụng thờ trong các bảo tháp trên khắp đất nước Sri Lanka, và lẽ
đương nhiên là có một phần tro cốt được phụng thờ trong một bảo tháp trên núi Mihintale.
Nhà vua Devanampiya Tissa đã cho tạo lập 68 hang động trên núi Mihintale để cho
chư Tăng tu tập. Điều này được xác nhận trong một bài minh được khắc trên vách
của một trong những hang động gần tháp Kantaka.
Trên núi Mihintale hiện còn lại
dấu tích của một bệnh viện cổ. Tàn tích ấy hiện được bao quanh bởi những cây
xoài xinh tươi. Kiến trúc của di tích cho thấy, cổng vào bệnh viện nằm ở phía Nam,
tại đấy có một cái cổng dẫn đến khoảng sân bên ngoài. Bên phải là di tích của
những bồn tắm nước nóng hoặc là tắm xông hơi. Theo sử liệu cho biết, bệnh viện
này có phòng cho 27 bệnh nhân và bốn phòng lớn hơn được sử dụng vào các mục
đích khác được xây dựng xung quanh một cái sân nhỏ, và có một ngôi điện Phật nhỏ
ở chính giữa sân. Trong phòng lớn ở phía Đông Bắc là một bồn trị liệu bằng dược
thạch. Các bệnh viện như thế này không phải là để phục vụ công chúng mà là để
chăm sóc và điều dưỡng cho chư Tăng và những người làm việc trong các tu viện ở
đấy.
Trên núi Mihintale có một đường
bậc cấp bằng đá dẫn lên núi rất vĩ đại. Đường bậc cấp này dài hơn 300 mét và có
đến 1840 bậc cấp. Đây là một trong những đường bậc cấp lớn nhất và ấn tượng nhất
mà chúng ta rất hiếm thấy ở những nơi khác. Nhìn những bậc cấp ấy, chúng ta có
thể hình dụng được sư gian lao và sức mạnh, cùng trí tuệ của con người đã dày
công tạo dựng nên nó. Phía bên trái của đường bậc cấp ấy có nhiều cột trụ của
các tu viện bị đổ nát còn lưu lại.
Đi theo con đường bậc cấp rồi
quẹo trái là di tích của khu nhà trù của chư Tăng. Dọc theo bức tường phía Bắc và
phía Đông của phòng ăn có hai cái máng cơm bằng đá rất lớn, có chiều dài gần 7
mét. Kích thước của các máng cho thấy rằng chúng đã cung cấp cơm cho một số lượng
rất lớn các nhà sư, và chắc hẳn là hai cái máng này có kích thước lớn nên đã
không thể đặt trong nhà trù có kích thức khá khiêm tốn tại đấy. Có lẽ là chư
Tăng đến nhận thức ăn ở đấy rồi đến một nơi khác để ăn. Trong một ghi chú lịch
sử cho biết rằng, có 12 đầu bếp làm việc tại nhà trù này. Bên cạnh đó còn có một
người giám sát và một vài người phục dịch có nhiệm vụ cung cấp củi cho nhà bếp.
Từ nhà tru đi theo một đường bậc
cấp dẫn trực tiếp đến ngôi chánh điện chính của núi Mihintale. Ở hai bên cửa đi
vào chánh điện có hai phiến đá lớn, trên đấy khắc một bài minh dài. Bề mặt của
các phiến đá được đánh bóng và những dòng chữ trên đấy được khắc rất đẹp. Bài minh
được khắc trên hai phiến đá ấy là do vua Mahinda đệ tứ viết. Đấy là một trong
những bài viết dài nhất và hấp dẫn nhất trong thời cổ đại của Sri Lanka hiện
còn lưu lại. Bài minh cho chúng ta biết nhiều về đời sống và sinh hoạt của cộng
đồng Tăng lữ tại núi Mihintale.
Hồ nước Naga |
Bậc cấp dẫn lên đỉnh núi Mihintale |
Di tích cái máng chứa cơm dài 7 mét trên núi Mihintale |
Dưới chân núi có một bể chứa nước
với hình sư tử bằng đá cố định trong tư thế vồ lấy bể chứa nước ở phía trên nó.
Hình con sư tử và một phần của bể chứa nước được tạc từ nguyên một phiến đá lớn.
Vì phiến đá đã bị cắt một mặt nên không đủ để tạo nên bể chứa nguyên vẹn, do vậy
mà một phiến đá khác được ghép vào để tạo nên bể chứa. Phiến đá thứ hai ấy được
ghép một cách rất hoàn hảo, cho nên nước không bị rò rỉ ra ngoài. Xung quanh miệng
của bể chứa có trang trí, chạm trổ hình ảnh các vũ công, đô vật, voi, các ngôi sao
và các nhạc công. Nước được dẫn từ hồ Naga ở trên núi vào bể chứa và từ đó phun
ra theo miệng của con sư tử. Nước này không dùng vào việc ăn uống, chỉ dùng vào
việc tắm, giặt.
Hồ Naga vốn là một hồ nước tự
nhiên nho nhỏ nằm ở trên núi Mihintale. Do nhu cầu về nguồn nước để sử dụng cho
sinh hoạt của chư Tăng ở trên núi Mihintale cho nên người ta đã mở rộng và tôn
tạo hồ nước tự nhiên ấy bằng cách đắp bờ xung quanh và đào sâu hơn. Ở mặt giáp
với vách núi của hồ có tạc hình dạng bảy cái đầu của thần rắn Naga nhô ra khỏi
vách núi đá, chính vì vậy mà hồ nước này được gọi là hồ Naga.
Ở trên khuôn viên của núi
Mihintale hiện còn có một hang động và người ta cho rằng hang động ấy là nơi mà
tôn giả Mahinda đã ở lại đấy trong lần đầu tiên ngài đến Mihintale. Trên nền của
cái động ấy có tạc một khối đá hình chữ nhật với ý nghĩa biểu trưng cho cái y
được gấp lại và tôn giả Mahinda đã từng nằm trên đó.
Một công trình khác cũng có giá
trị lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng tại núi Mihintale, đó là tháp Khantika.
Tháp Khantika cho du khách biết đến một trong những công trình điêu khắc cổ xưa
nhất của đất nước Sri Lanka. Người ta không biết chính xác ai là người đã tạo dựng
ngôi tháp này và tạo dựng vào lúc nào. Tài liệu đề cập đến ngôi tháp này lần đầu
tiên là vào thời Lanjatissa (109-119).
Và như đã nói ở trên, để chuẩn
bị cho việc lưu trú của ngài Mahinda và chư Tăng, vua Devanampiya đã cho tạo dựng
nhiều hang động ở trên núi Mihintale. Hiện tại thì có nhiều hang động vẫn còn tồn
tại và được bảo tồn khá tốt.
Hiện nay, núi Mihintale là một
trong những di tích lịch sử quan trọng của Sri Lanka và là điểm hành hương du lịch
thu hút đông đảo khách hành hương trong nước cũng như quốc tế.
Minh Nguyên
(Nguồn: Tuần báo Giác ngộ số 628, ra ngày 11-2-2012)
Tài liệu tham khảo:
Ven. S Dhammika, Mihintale, http://www.buddhanet.net
Aryadasa Ratnasinghe, The arrival of Buddhism in Sri Lanka, http://www.lankalibrary.com
Wilhelm Geiger (translator), Mihintale: The cradle of Buddhism in Sri
Lanka, http://www.lankalibrary.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét