Ông Subhash Chandra sinh ngày
30-11-1950 tại Hissar, Haryana, Ấn Độ. Ông là người sáng lập Zee TV, kênh truyền
hình tư nhân đầu tiên của Ấn Độ. Chandra là người đầu tiên ở Ấn Độ đã tìm cách
để khai thác tiềm năng kinh doanh to lớn của các kênh truyền hình vệ tinh và
sau đó đã trở thành ông trùm trong lĩnh vực truyền thông ở Ấn Độ. Ông Subhash
Chandra là chủ tịch của tập đoàn Essel, một tập đoàn kinh doanh và hoạt động
trong nhiều lĩnh vực khác nhau: truyền thông, công nghệ, giải trí, giáo dục, vận
chuyển, xây dựng và từ thiện. Theo thống kê của tạp chí Forbes, trong thời điểm
hiện tại, tổng giá trị tài sản của ông Subhash Chandra là 1,8 tỉ đô-la.
Chân dung tỷ phú Subhash Chandra |
Vào năm 1998, tập đoàn Essel đã
đưa vào hoạt động hai khu vui chơi, giải trí lớn vào bậc nhất ở châu Á, đó là
Esselworld và Water Kingdom, tọa lạc tại Gorai, khu vực ngoại ô ven bờ biển của
thành phố Mumbai, Ấn Độ. Hai khu vui chơi, giải trí này đã thu hút một lượng lớn
du khách đến Gorai. Vào năm 2008, tại Gorai có một ngôi chùa vĩ đại được xây dựng
với cấu trúc hình tháp cao vút. Chùa được sơn thuần bằng màu vàng nên được gọi
nôm na là chùa vàng. Tên chính thức của nó là Dhamma Pattana Vipassana Centre,
một trung tâm thiền Vipassana (thiền Minh sát tuệ). Từ khi trung tâm thiền này
được thành lập, lượng người đến Gorai đã tăng gấp vài lần. Trong đó, có khoảng
10.000 người đến Gorai để thực tập thiền Vipassana, một phương pháp hành thiền
của Phật giáo đang được hồi sinh mạnh mẽ ở Ấn Độ trong những năm gần đây.
Mặc dù là tín đồ của đạo Hindu,
nhưng vào thập niên 1990, ông Subhash Chandra đã tham gia nhiều khóa thiền Vipassana
do Thiền sư Goenka hướng dẫn. Và ông Subhash Chandra khẳng định rằng, chính việc
thực tập thiền Vipassana đã góp phần không nhỏ trong sự thành công của ông, và
người thầy mà ông kính trọng, mang ơn chính là Thiền sư Goenka.
Dhamma Pattana Vipassana Centre tại Gorai, Mumbay, Ấn Độ |
Dhamma Pattana Vipassana Centre lung linh lúc đêm về |
Để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với
ân sư của mình và cũng là để xiển dương phương pháp thiền Vipassana, vào năm
1997, ông Subhash Chandra đã hiến tặng cho Thiền sư Goenka hơn 5 héc-ta đất ở
khu vực Gorai để xây dựng trung tâm thiền Vipassana. Tất cả mọi kinh phí xây dựng
trung tâm thiền ấy cũng do chính ông Subhash Chandra cúng dường. Mặc dù ông
Subhash Chandra không hề cho khắc ghi tên tuổi của mình ở bất cứ nơi nào tại
trung tâm, thế nhưng mọi người đều biết nhà tài trợ chính của Dhamma Pattana
Vipassana Centre không ai khác ngoài ông Subhash Chandra. Vào thời điểm ông hiến
tặng, thì khu đất ấy đáng giá 5 triệu đô-la, và đến nay thì có lẽ giá của nó đã
tăng lên gấp đôi.
Dhamma Pattana Vipassana Centre
còn có một tên gọi khác là Global Vipassana Pagoda (Thiền viện Vipassana toàn cầu).
Trung tâm này được xây dựng trong vòng 11 năm, cao 97,3 mét (325 feet), được
sơn thuần một màu vàng sáng, là một bản sao của ngôi chùa vàng Shwedagon ở
Myanmar. Đây là một công trình hết sức đặc biệt, với mái vòng rỗng được tạo nên
từ những phiến đá và không hề sử dụng một cột trụ nào để chống đỡ cả. Trung tâm
thiền được xây dựng theo những kỷ thuật truyền thống, dùng các khối đá sa thạch
đỏ chèn vào nhau, mỗi phiến đá nặng khoảng 7 tạ, và chúng được kết dính với
nhau bằng vôi vữa. Khoảng 2,5 triệu tấn đá sa thạch được khai thác từ
Rajasthan, cách Gorai khoảng 620 km, để phục vụ cho việc xây dựng trung tâm thiền
này. Ông Chandra nói: "Đây là một công trình kiến trúc rất độc đáo. Có thể
tồn tại đến 2.000 năm”. Và ông chia sẻ thêm: "Tôi đã được hưởng nhiều lợi
ích từ thiền Vipassana. Tôi nhận thấy thiền Vipassana rất hữu ích và cần phải tạo
điều kiện để cho nhiều người có thể cảm nhận và chia sẻ kinh nghiệm thực hành
thiền Vipassana cũng như có được những lợi ích từ việc hành thiền Vipassana”.
Khi tiến hành xây dựng trung
tâm thiền, chính ông Chandra trực tiếp giám sát công trình. Ông yêu cầu bên thi
công báo cáo tiến độ thi công cho ông mỗi ngày, và ông lái xe hai tiếng đồng hồ
từ trụ sở làm việc của mình đến trung tâm hai lần mỗi tuần để kiểm tra. Mặc dù
ông Chandra không tiết lộ chính xác là cá nhân ông đã đóng góp bao nhiêu cho việc
xây dựng trung tâm, nhưng ông thừa nhận rằng, dự án xây dựng trung tâm thiền ấy
tốn gấp mười lần so với ước tính ban đầu là 2 triệu đô-la.
Trong lễ khánh thành trung tâm
thiền cách đây 4 năm, ông Chandra đóng vai trò trung tâm trong buổi lễ an vị Phật
và tôn trí xá-lợi. Ông Chandra kính cẩn bưng một cái hộp bằng ngọc bích đựng những
viên xá-lợi xương của Phật và đặt vào gần trên đỉnh của mái vòm đầu tiên. Ông
Chandra chia sẻ: “Thiền Vipassana dạy cho tôi biết cách giữ được tâm buông xả
trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong
công việc, nhất là trong những lúc khó khăn”.
Ông Chandra cũng đã từng gặp
nhiều khó khăn trong cuộc sống, từng bị khủng hoảng về tài chính. Ông được sinh
ra trong một gia đình kinh doanh và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Ấn
Độ. Khi ông vừa mới lớn thì gia đình rơi vào cảnh nợ nần và chia ly. Ông đã phải
bỏ học đại học để đi làm việc kiếm sống và phụ giúp gia đình. Không có đủ một
đô-la dính túi, người thanh niên Chandra đã chuyển đến Delhi để tìm cách giúp
gia đình trả hết nợ. Cuối cùng, ông đã kiếm tiền được khá nhiều tiền trong việc
kinh doanh lúa gạo. Rồi ông chuyển đến Mumbai và khuếch trương sự nghiệp của
mình.
Những năm đầu thập niên 1990, từ
kênh truyền hình Zee TV, ông gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chánh, ông đốt
hơn 6 triệu đô-la mỗi tháng cho kênh truyền hình này. Chính vì vậy mà ông bị khủng
hoảng tinh thần. Trong khoảng thời gian này, một người quen đã dẫn ông đến gặp
Thiền sư Goenka, và thiền sư đã thuyết phục ông Chandra tham dự khóa thiền
Vipassana. Và vợ của ông Chandra, bà Sushila, cũng khuyến khích chồng tham dự
khóa thiền Vipassana, xem như đấy là một liệu pháp cho sự căng thẳng hiện tại của
ông. Vợ ông chia sẻ: “Ngay cả trong hiện tại, bất cứ lúc nào anh ấy gặp rắc rối
trong công việc, tôi đều nhắc anh trở về với nội tâm, thực tập thiền
Vipassana”.
Ngay trong lần tham dự đầu tiên,
thiền Vipassana đã cho thấy rằng, nó không chỉ đơn thuần là một phương thức giải
tỏa stress mà còn hơn thế nữa. Khi ông Chandra trở lại làm việc sau một khóa tu
mười ngày, đồng nghiệp của ông nhận xét rằng, tâm trí của ông trở nên "sắc
bén như dao". Khi bảo ông diễn tả về những kinh nghiệm khi hành thiền
Vipassana, ông nói: "Điều đó không thể nào giải thích chính xác được. Nhưng
có thể nói rằng, sự hồi sinh trong khoảng thời gian tôi tham dự khóa thiền là rất
lớn. Vô lượng vô biên!".
Khi các vấn đề trở nên căng thẳng
hơn với Chandra, ông lại tiếp tục tham dự các khóa thiền Vipassana một cách thường
xuyên. Từ khi biết thiền Vipassana đến nay, ông Chandra đã tham dự 17 khóa thiền.
Khoảng thời gian của các khóa thiền thì có khác nhau, ít nhất là 3 ngày, và nhiều
nhất là 25 ngày. Ông Chandra chia sẻ thêm: "Tôi thường xuyên bị những áp lực
công việc và cuộc sống ngăn cản, nhưng tôi vẫn đi tham dự khóa thiền".
Ông Chandra cố gắng hướng các
thành viên trong gia đình mình thực tập thiền Vipassana, nhưng chưa thành công
lắm. Nhân viên của kênh truyền hình Zee TV được nghỉ phép có trả lương để họ
tham dự các khóa thiền Vipassana.
Ông Chandra nói: "Tôi nhận
thấy phương pháp thiền này là rất khoa học. Và tôi thấy nó là con đường đúng đắn
để tôi đi".
Thiền Vipassana có nguồn gốc từ
Ấn Độ, nơi Đức Phật từng giảng dạy và thực tập thiền Vipassana cách đây hơn 2.500
năm. Sau đó, thiền Vipassana được truyền sang các nước láng giềng như Myanmar
và Sri Lanka và cuối cùng biến mất khỏi Ấn Độ. Thiền Vipassana được hồi sinh tại
Ấn Độ vào năm 1969, khi Thiền sư Goenka, lúc đó đang sống ở Myanmar, trở về quê
hương Ấn Độ của mình để giới thiệu về thiền Vipassana. Viện Nghiên cứu thiền Vipassana
là một tổ chức phi lợi nhuận, do thiền sư Goenka thành lập. Mỗi năm có đến hàng
chục nghìn người tình nguyện tham dự các khóa thiền tại 163 trung tâm trên 90
quốc gia.
Các khóa thiền Vipassana đều miễn
phí. Nguồn kinh phí duy nhất là nhờ vào sự cúng dường của các thiền sinh đã từng
tham dự trước đó. Để biết phương pháp thiền Vipassana thì hành giả bắt đầu với một
khóa thiền mười ngày. Trong các khóa thiền, học viên ngồi thiền mười giờ mỗi
ngày, bắt đầu từ 4 giờ sáng; và phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghiêm
ngặt, bao gồm cả việc không nói dối, không trộm cắp và không quan hệ nam nữ. Các học viên phát nguyện giữ im lặng, không đọc,
không viết, không xem tivi, không nói chuyện qua điện thoại. Và còn các quy định
cũng như các nguyên tắc khác nữa.
Năm 2009, ông Subhash Chandra
thành lập Global Vipassana Foundation (Hội từ thiện Vipassana toàn cầu), một tổ
chức từ thiện nhằm hỗ trợ mọi người thực hành thiền Vipassana và thúc đẩy sự
hòa hợp giữa các nền văn minh cũng như giữa các tôn giáo. Hiện ông Chandra đang
giữ chức chủ tịch của hội này. Và ông vẫn luôn thực tập thiền mỗi ngày, thực
tâp mọi lúc, mọi nơi.
Naazneen Karmali - Minh Nguyên
dịch
(Theo tạp chí Forbes)
(Nguồn: bào Giác Ngộ, Số 634, ra ngày 24/3/2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét