Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật
giáo Tây Tạng, đã từng tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của khoa học và
xã hội. Những đóng góp và sự tham gia ấy vượt xa ngoài truyền thống tôn giáo của
Ngài. Chính điều này mà Ngài trở thành tiếng nói quốc tế về những vấn đề đạo đức
toàn cầu, bất bạo động, và sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới mà không
một ai có thể so sánh được. Cũng chính vì thế mà năm nay, Quỹ John Templeton đã quyết định trao giải thưởng cao
quý của mình cho Ngài Dalai Lama.
Giải thưởng Templeton do nhà đầu tư toàn cầu và nhà
từ thiện John Templeton thành lập vào năm 1972. Giải thưởng là nền tảng của những
nỗ lực quốc tế của Quỹ John Templeton nhằm phục vụ như là một chất xúc tác từ
thiện cho những khám phá liên quan đến các câu hỏi lớn của mục đích con người
và thực tại tối hậu.
Giá trị tiền mặt của giải thưởng được thiết lập luôn
luôn vượt quá Giải thưởng Nobel nhằm nhấn mạnh rằng, lợi ích từ những khám phá
làm sáng tỏ những nghi vấn tâm linh có thể lớn hơn về mặt định lượng so với những
khám phá từ những sự nỗ lực đáng giá khác của con người.
Trong nhiều thập kỷ, Đức Dalai Lama thứ 14, Tenzin
Gyatso, 76 tuổi, đã mạnh mẽ tập trung vào những sự liên kết giữa các truyền thống
nghiên cứu của khoa học và Phật giáo, xem đấy như là một cách tốt hơn để hiểu
và nâng cao những giá trị mà cả Phật giáo và khoa học có thể đóng góp cho thế
giới.
Cụ thể, Ngài khuyến khích việc xem xét và kiểm nghiệm
một cách khoa học và nghiêm túc về sức mạnh của lòng từ bi và tiềm năng rộng lớn
của nó để hướng đến việc giải quyết vấn đề cơ bản của thế giới.
Trong quá trình nghiêm cứu đó, Ngài đặt ra những câu
hỏi lớn, chẳng hạn như: Có thể huấn luyện hay giảng dạy về lòng từ bi cho con
người không? Những câu hỏi ấy phản ánh sự quan tâm sâu sắc của người sáng lập
giải thưởng Templeton, ông John Templeton, trong việc tìm kiếm phương thức để
có thể sử dụng các phương pháp khoa học vào nghiên cứu những lời khẳng định thuộc
về tâm linh, để rồi từ đó có thể thúc đẩy sự tiến bộ tâm linh mà giải thưởng Templeton
đã công nhận trong 40 năm qua.
Văn phòng giải thưởng Templeton của Quỹ John Templeton
ở West Conshohocken, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đã chính thức thông báo về việc
trao giải thưởng Templeton đến Ngài Dalai Lama vào sáng ngày 30-3-2012 trên
trang web www.templetonprize.org, và thông báo qua email đến các nhà báo, và
trên trang mạng xã hội Twitter thông qua tên tài khoản @TempletonPrize.
Giải thưởng sẽ được trao đến Đức Dalai Lama trong một
buổi lễ tại nhà thờ St. Paul ở London vào chiều thứ Hai, ngày 14-5-2012. Một cuộc
họp báo với người đoạt giải thưởng Templeton 2012 sẽ được tổ chức trước khi diễn
ra buổi lễ trao giải. Cả hai sự kiện này sẽ được phát trực tiếp tại trang web
www.templetonprize.org và trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Những
hình ảnh của các sự kiện này cũng được đăng tải trên trang web ấy.
Giải thưởng Templeton trị giá 1,1 triệu bảng Anh
(khoảng 1,7 triệu USA). Đây là giải thưởng hàng năm có giá trị tiền mặt lớn nhất
trên thế giới, trao cho một cá nhân để vinh danh một người đang sống mà đã có
những đóng góp đặc biệt trong việc khẳng định chiều hướng tâm linh của cuộc sống,
hoặc thông qua tuệ giác sâu sắc, hay sự khám phá, hoặc là các công việc thực tế.
Trong lời thông báo, người ta đã ca ngợi những cống hiến
của Đức Dalai Lama trong việc xây dựng những nhịp cầu của sự tin tưởng phù hợp
với lòng mong ước của vô số triệu người trên toàn cầu.
Tiến sĩ John M. Templeton, Chủ tịch Quỹ Templeton
John và là con trai của người sáng lập giải thưởng Templeton, phát biểu: “Cùng
với xu thế ngày càng phụ thuộc vào những tiến bộ công nghệ để giải quyết các vấn
đề của thế giới, nhân loại cũng đang cố gắng có được sự an lòng mà chỉ có sự
tìm kiếm tâm linh mới có thể đáp ứng được. Đức Dalai Lama nói lên tiếng nói toàn
cầu về lòng từ bi, và lòng từ bi ấy được củng cố bằng tình thương yêu và sự tôn
trọng đối với những nghiên cứu khoa học có liên quan đến vấn đề tâm linh và
nghiên cứu đó tập trung vào cá nhân mỗi người”.
Ông John M. Templeton cũng nhấn mạnh rằng, kỷ lục xuất
sắc của Ngài Dalai Lama đối với những phát triển tâm linh, đạo đức và trí tuệ được
thừa nhận bởi chín vị trong Ban khảo xét của giải thưởng, những người đại diện
cho nhiều ngành học, nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Thường
thì mỗi năm có từ 15 đến 20 ứng cử viên được đề cử và sau đó mỗi cá nhân nộp hồ
sơ riêng biệt. Ban khảo xét của giải thưởng đánh giá độc lập với nhau rồi từ đó
tính điểm và quyết định chọn ra một người để trao giải thưởng.
Khi được thông báo là được trao giải thưởng Templeton,
Đức Dalai Lama đã phát biểu một cách khiêm tốn rằng: "Khi tôi nghe quý vị quyết
định trao giải thưởng khá nổi tiếng này cho tôi, tôi thực sự cảm thấy đây là một
dấu hiệu của sự công nhận về những đóng góp nhỏ nhoi của tôi cho nhân loại, chủ
yếu là về vấn đề bất bạo động và sự thống nhất giữa các truyền thống tôn giáo
khác nhau".
Trong đoạn video ngắn trên trang web của giải thưởng,
Đức Dalai Lama đề cập đến các vấn đề quan trọng và Ngài kêu gọi nhân loại hãy nắm
lấy lòng từ bi như là một con đường dẫn đến hòa bình, cả ở cấp độ cá nhân và
trên quy mô toàn cầu, Ngài nói: "Bạn có thể phát triển cảm giác quan tâm đến
hạnh phúc của người khác một cách chân thành, kể cả với kẻ thù của bạn. Lòng từ
bi không thiên vị, không giới hạn đó cần đến sự rèn luyện và sự tỉnh giác".
Mục sư Michael Colclough tại nhà thờ St. Paul hoan
nghênh sự kiện này thông qua lời phát biểu: "Một tiếng nói không bạo lực của
hòa bình và lý trí trong một thế giới thảm họa, Đức Dalai Lama đại diện cho các
giá trị cốt lõi được yêu chuộng bởi nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Giải
thưởng Templeton sẽ được trao đến Đức Dalai Lama dưới mái vòm của nhà thờ St.
Paul. Đấy là như một lời nhắc nhở rằng, việc hướng đến hòa bình và hòa hợp là sự
thách thức thực tế và thuộc về tâm linh đối với tất cả các cộng đồng tôn giáo".
Đức Dalai Lama không có lạ gì với những danh hiệu và
các giải thưởng, với các điểm số đi liền với tên của mình. Năm 1989, Ngài đã được
trao giải Nobel Hòa bình bởi cuộc vận động bất bạo động như là con đường giải
phóng cho đất nước Tây Tạng. Ngài trở thành người thứ hai vừa nhận giải thưởng Templeton
và giải Nobel Hòa bình. Mẹ Teresa đã nhận được giải thưởng Templeton vào năm
1973, sáu năm sau thì bà nhận giải thưởng Nobel.
Trong nhiều nỗ lực, thì sự nỗ lực thành công nhất của
Ngài Dalai Lama là việc thành lập Viện Tâm thức và Đời sống (Mind & Life
Institute), Ngài đồng sáng lập vào năm 1987, nhằm thiết lập sự hợp tác nghiên cứu
giữa khoa học và Phật giáo. Viện tổ chức các hội nghị về những chủ đề như khoa
học thiền quán, những xúc cảm tiêu cực và biện pháp chữa trị, ý thức và sự chết...
Mặc dù khởi sự với những vấn đề hàn lâm khá trầm lắng, nhưng sau đó thì viện đã
phát triển thành những sự kiện quần chúng rất phổ biến.
Năm 2005, sau một loạt các cuộc đối thoại tại Đại học
Stanford giữa Đức Dalai Lama và các nhà khoa học trong các lĩnh vực của khoa học
thần kinh, tâm lý học, y học…, Đại học Stanford đã trở thành địa điểm của Trung
tâm Nghiên cứu, giáo dục lòng từ bi và lòng vị tha. Cuộc đàm luận liên ngành đã
thừa nhận rằng, sự phối hợp giữa khoa học nhận thức và thiền quán truyền thống của
Phật giáo có thể đóng góp vào sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc của con người.
Hiện tại, trung tâm hỗ trợ và tiến hành nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc
về tâm từ bi và hành vi của lòng vị tha.
Nhiều trong số các hội thảo ấy đã dẫn đến sự ra đời
của những cuốn sách bán chạy nhất do Đức Dalai Lama viết hoặc là do Ngài cùng
viết với một số người khác viết, chẳng hạn như Nghệ thuật sống hạnh phúc (The Art of Happiness - 1998), Vũ trụ trong một đơn nguyên tử (The
Universe in a Single Atom - 2005), và Đức
Dalai Lama tại MIT (The Dalai Lama at MIT - 2006). Cho đến nay, Ngài là tác
giả hoặc đồng tác giả của hơn 70 cuốn sách.
Tình yêu khoa học của Đức Dalai Lama cũng được chứng
minh trong Chương trình Khoa học dành cho các Tăng sĩ. Chương trình này được
xây dựng vào năm 2001 nhằm giảng dạy khoa học tại các trung tâm tu viện Phật
giáo nghiên cứu chuyên sâu ở Ấn Độ. Chương trình với sự tham gia của các nhà
khoa học Ấn Độ và phương Tây để khám phá những mối liên hệ giữa các truyền thống
Phật giáo Tây Tạng và khoa học, và dạy phương pháp nghiên cứu khoa học trong vật
lý học, cơ học lượng tử, vũ trụ học, sinh học, khoa học thần kinh và toán học.
Sự cởi mở đối với những ý tưởng mới và những phát minh
tiên tiến khiến cho ngài trở thành một thần tượng hiếm hoi trong cố những nhà
lãnh đạo được tôn trọng trên thế giới, và cũng đã tạo cho Ngài một vị thế đặc
biệt trong lòng những khán thính giả vô thần, không giống như bất kỳ một nhà
lãnh đạo tôn giáo nào khác.
Minh Nguyên lược
dịch (Theo Templetonprize.org)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, Số 636, ra ngày 07/4/2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét