Heraclite, một triết gia Hy Lạp cổ đại đã bảo rằng: “Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông”. Điều này nói lên rằng, tất cả các sự vật, hiện tượng từ vật chất đến tinh thần trong kiếp sống nhân sinh, vũ trụ này luôn vận động không ngừng. Sự vận động ấy không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên, cũng không phải do một đấng siêu nhiên nào đấy làm chủ guồng máy. Sự vận động ấy được diễn ra theo một định luật, một nguyên lý hoàn toàn khách quan và công bằng, đó là định luật nhân quả. Vậy, nhân quả là gì?
Theo quan điểm của đạo Phật, nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Nếu không có nhân thì không có quả, không có quả thì cũng không có nhân. Để tạo được kết quả thì thường do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chính và nguyên nhân phụ, nguyên nhân chính gọi là nhân còn nguyên nhân phụ gọi là duyên. Vì thế, nhân quả nói một cách đầy đủ là Nhân - Duyên - Quả.
Như vậy, nhân quả là một định luật khách quan chi phối đến tất cả các lĩnh vực trong hiện tượng giới.
1. Các đặc tính của nhân quả:
Theo đạo Phật, định luật Nhân Quả có những đặc tính sau:
Nhân quả có cùng chủng loại: Nhân và quả thường có chung một chủng loại, không có sự lẫn lộn chủng loại với nhau. Hay nói cách khác, nhân nào thì sinh ra quả nấy. Con gà thì chỉ sinh ra trứng gà chứ nó không thể sinh ra trứng vịt được, cây cam thì sinh ra quả cam chứ không thể sinh ra quả mít hay quả đu đủ được,...Nhân với quả bao giờ cũng có chung một chủng loại với nhau, nhân thay đổi thì quả cũng thay đổi.
Một nhân không thể sinh ra quả: Tất cả các sự vật trong vũ trụ này đều là sự tổ hợp của nhiều yếu tố mà thành. Vì thế, một nhân không thể sinh ra quả, hay một quả không chỉ có một nhân tạo nên. Để có thể tạo nên kết quả thì cần phải có nhiều nguyên nhân tham gia, trong đó có nguyên nhân chính gọi là Nhân và các nguyên nhân phụ gọi là duyên. Cho nên, luật nhân quả nói một cách đầy đủ là Nhân - Duyên - Quả. Nói rằng, hạt lúa sinh ra cây lúa, đây là cách nói giản đơn. Thực ra, hạt lúa chỉ là nguyên nhân chính để sinh ra cây lúa. Nếu hạt lúa ấy không được ủ, không được đem gieo trên đất ẩm, không có nước, không được sự chăm sóc của con người, không có ánh nắng mặt trời,... thì hạt lúa ấy khó có thể phát triển thành cây lúa. Các yếu tố đất, nước, nhiệt độ, độ ẩm, sự chăm sóc của con người,...là các duyên cần thiết để hạt lúa phát triển thành cây lúa.
Bởi vì giữa nhân và quả còn có các duyên tham gia, nên quả tuy cùng loại với nhân nhưng vẫn khác với nhân, tuỳ thuộc vào sự can thiệp mạnh hay yếu, thuận hay nghịch của các duyên đối với nhân mà quả có thể hình thành sớm hay muôn, hoặc có thể là không thể nào kết thành quả. Khi quả đã kết thành rồi thì việc đón nhận nó là tuỳ thuộc vào điều kiện tâm lý của người đón nhận. Có thể cùng một kết quả nhưng ở mỗi người thì có mỗi sự cảm nhận khác nhau, chẳng hạn: Cùng bị giam trong tù nhưng người A thì cảm thấy vô cùng túng quẩn, nhưng với người B, tuy có hơi không được tự do, anh ta vẫn cảm thấy không đến nỗi quá tuyệt vọng vì đấy là cơ hội tốt để anh ta có thể suy ngẫm về cuộc sống của mình, là điều kiện để anh ta có thể tiếp xúc những con người không bình thường trong xã hội để có thể hiểu hơn về họ, cảm thông và chia sẻ với họ,...Cũng như một nắm muối, nếu bỏ vào trong một chậu nước thì độ mặn của nước đó sẽ cao hơn khi ta bỏ nắm muối vào trong một hồ nước.
Trong nhân có quả và trong quả có nhân: Nói đến nhân quả là nói đến sự tương quan, tương quan này là mối tương quan vòng tròn (hay xoắn ốc), có nghĩa là trong nhân có quả và trong quả có nhân. Chính trong nhân hiện tại đã hàm chứa quả vị lai, và chính trong quả hiện tại đã ẩn chứa hình dáng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến thành cái quả mà ta quan niệm; một sự vật mà ta gọi là quả khi nó đã biến thành trạng thái mà ta quan niệm. Một vật đều có nhân và quả: Đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và quả đắp đổi cho nhau, tiếp nối nhau không bao giờ dứt. Nhờ sự liên tục ấy mà trong một hoàn cảnh nhất định, người ta có thể đoán biết được tương lai của một sự vật hay của một người. Cũng chính điều này mà con người ta có thể hoạch định kế hoạch cho tương lai của mình, chuẩn bị trước những gì cần thiết cho ngày mai.
2. Phân loại nhân quả:
Tuỳ thuộc vào các tiêu chí để phân loại mà có thể phân nhân quả thành nhiều loại khác nhau. Có hai cách phân loại nhân quả phổ biến như sau:
a.Cách phân loại thứ nhất: Căn cứ vào thời gian, người ta đã phân nhân quả thành các loại là:
- Nhân quả đồng thời: Là loại nhân quả mà từ nhân đi đến quả rất nhanh. Ví dụ: ăn thì liền no, uống nước thì hết khát, nóng giận thì liền sinh buồn phiền,...
- Nhân quả khác thời: Là loại nhân quả mà từ nhân đi đến quả có một khoảng thời gian nhất định. Và khoảng thời gian đó được chia thành ba loại như sau:
+ Hiện báo: Có nghĩa là từ nguyên nhân tạo ra trong đời này thì đưa đến kết quả ngay trong đời này. Ví dụ: Tuổi nhỏ chăm lo học tập, rèn luyện nhân cách nên khi lớn được thành đạt.
+ Sinh báo: Nghĩa là tạo nhân trong đời này nhưng đến đời sau mới nhận quả báo. Như trong kinh đức Phật thường dạy, đời này bỏn xẻn thì đời sau gặp cảnh nghèo khó, đời này hay mắng nhiếc người khác thì đời sau sẽ bị người khác làm nhục,...
+ Hậu báo: Nghĩa là tạo nhân trong đời này nhưng đến nhiều đời sau mới nhận quả báo.
Quan niệm ba đời nhân quả này giúp chúng ta có thể hiểu được phần nào sự sai biệt giữa người này và người khác trong xã hội. Tại sao có người sinh ra thì được sống trong giàu sang, phú quý nhưng cũng có người vừa sinh ra thị phải chịu cảnh nghèo cùng, khốn khổ ? Tại sao có người làm lành mà lại bất hạnh, có người làm ác mà lại được may mắn ?
Tuy nhiên cách phân loại trên đây vẫn chưa đủ khả năng để gói gọn mọi trường hợp nhân quả. Có trường hợp do yếu tố tâm lý và vật lý tác động mạnh vào quá trình biểu hiện của kết quả nên khiến kết quả không hình thành hoặc hình thành nhưng dưới một tính chất khác xa so với nguyên nhân tạo ra nó. Cho nên mới có cách phân loại thứ hai.
b. Cách phân loại thứ hai: Cách phân loại thứ hai này nói lên sự biểu hiện của kết quả thông qua thái độ tiếp nhận nó, và sự biểu hiện của kết quả ở hai lĩnh vực: thế giới sinh, vật lý và cảnh giới tâm lý. Nhân quả biểu hiện ở mặt sinh, vật lý gọi là nhân quả ngoại giới, nhân quả biểu hiện ở mặt tâm lý gọi là nhân quả nội tâm.
Trong đời sống thực tế chúng ta thường nghe nói: “Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột”. Cái đứt tay nhè nhẹ của người giàu sang họ cảm thấy đau đớn vô cùng, và sự đau đớn do đứt tay của người giàu ví bằng sự đau đớn khi kẻ ăn mày bị đổ ruột, còn với người ăn mày, dứt tay chẳng là gì cả. Như vậy là, cùng một kết quả như nhau nhưng có thái độ tâm lý khác nhau nên sự cảm nhận về kết quả đó cũng không giống nhau.
Hay như trường hợp Bác Hồ của chúng ta, khi bị cầm tù, Bác đã nói: “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao”. Như vậy là Bác chỉ bị tù về thể xác còn tinh thần của Bác thì không hề bị tù, cái quả tù đày chỉ xảy ra với thân của Bác còn với tâm thì không.
3. Sự vân hành của nhân quả trong thực tế:
Như các phần trên đã nói, nhân quả chi phối tất cả các hiện tượng giới trong vũ trụ, không có một sự vật, hiện tượng nào từ thực vật đến động vật, vật chất hay tinh thần nào mà có thể thoát ra ngoài sự vận hành của luật nhân quả.
Nhân quả nó biểu hiện cả trong những vật vô tri vô giác, nước bị lửa đốt thì nóng, bị lạnh thì đóng băng,...Trong các loài thực vật, luật nhân quả cũng tác động đến, giống ngọt thì sinh ra quả ngọt, giống chua thì sinh ra quả có vị chua, giống đắng thì sinh ra quả có vị đắng,...giống nào thì sinh ra quả ấy. Cho đến các loài động vật cũng chịu sự chi phối của luật nhân quả, loài chim sinh ra trứng, nếu ta gọi trứng là nhân thì khi trứng nở ra thành con non, con non đó là quả của trứng, đến khi con chim non ấy trưởng thành và là nhân nó khi sinh ra qủa trứng, ...
Luật nhân quả tác chi phối đến cả con người. Ở đây chia làm hai phương diện vật chất và tinh thần để phân tích.
a. Nhân quả trong phương diện vật chất : Hình hài của người con là do bẩm thụ khí huyết của cha mẹ, do hoàn cảnh nuôi dưỡng, giáo dục. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối như vậy mãi, nhân sanh quả, quả trở lại làm nhân rồi sinh ra quả khác không bao giờ dứt.
b. Nhân quả trong phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi của bản thân đã tạo trong quá khứ sẽ tác động đến một mức độ nhất định đến nếp sống tinh thần trong hiện tại. Tính tình và nếp sống ngày nay làm nhân để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai.
Phương diện tinh thần hay phương diện nội tâm này là một vấn đề quan trọng và cũng từ vấn đề này thường nảy sinh những hoài nghi, thắc mắc cho nhiều người.
- Trước hết chúng ta phân tích nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt: Những hành vi và tư tưởng không tốt, không lành mạnh thường đem đến những kết quả không tốt cho người tạo ra nó.
Tham lam: Thấy tiền bạc của người khác mà sanh lòng tham lam, muốn chiếm đoạt làm của riêng mình, dẫn đến hành vi trộm cắp hoặc giết người cướp của là nhân; bị chủ đánh đập hoặc chém giết, phải mang tật bệnh, hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị bắt giam, bị tra tấn đau khổ là quả.
Sân hận: Người quá nóng giận hay đánh đập vợ con, phá hại nhà cửa, chém giết người khác không ghê tay là nhân; khi hết giận, đau đớn khi nhìn thấy vợ con tàn tật, bệnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, pháp luật trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ cực là quả.
Si mê: Người mê đắm trong sắc dục không biết chán chường, không biết dừng lại, không biết kiềm chế bản thân, bất chấp cả luân thường đạo lý là nhân; làm cho thân thể suy nhược, bệnh tật liên miên, vợ chồng bất hoà, con cái bơ vơ không nơi nương tựa, bà con thân thích ghét bỏ, xóm làng chê cười,...là những khổ quả mà họ phải gánh chịu.
Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh chê người khác, chà đạp nhân phẩm của mọi người, tỏ thái độ hách dịch là nhân; bị người xa lánh, ghét bỏ, sống một cuộc sống cô độc, lẻ loi là quả.
Dối trá: Người hay dối trá, lừa gạt người khác thì kết quả là không được mọi người tin tưởng, nói ra điều gì cũng không được sự tán thành của người khác, mọi người luôn đề cao cảnh giác đối với họ và xa lánh họ.
Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người khác muốn hốt về cho mình, đắm đuối quanh năm suốt tháng theo các trò may rủi, theo cờ bạc là nhân; đến lúc của hết, nhà tan, nợ nần vây kéo, con cái hư hỏng, thiếu trước hụt sau là quả.
Nghiện rượi trà, các chất kích thích: Chung nhau tiền bạc, ăn nhậu cho thoả thích, hoặc mua vui, tìm nguồn cảm hứng trong các chất kích thích như: thuốc phiện, ma túy, hồng phiến,...để đến nỗi sa vào nghiện ngập là nhân; kết quả của những việc làm ấy là tan gia bại sản, ẩu đả chém giết lẫn nhau, làm các việc mất hết nhân tính, thân thể suy nhược trầm trọng, lâm vào vòng tù tội.
- Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt:
Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng và hành vi không tốt đem đến cho con người những kết quả đen tối, nhục nhã, xấu xa. Ngược lại, những tư tưởng và hành vi tốt đẹp sẽ tạo ra cho con người những kết quả sáng lạng, vinh quang và an vui, hạnh phúc.
Người không có tính tham lam, bỏn xẻn thì tất sẽ không bị tiền của trói buộc, luôn được được thảnh thơi. Người ít nóng giận, tất sẽ được sống trong cảnh thuận hoà, gia đình êm ấm. Người không mê đắm theo sắc dục thì sẽ được mọi người kính nễ, vợ con quí chuộng, thân thể khoẻ mạnh,... Người không nghiện ngập, không say mê cờ bạc thì gia đình được hạnh phúc, không đến nỗi phải túng thiếu, không trở thành người bất nhân bất nghĩa.
Hằng ngày, chung quanh chúng ta những cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không phải là ít. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cuộc sống đời thường, đâu đâu cũng nhan nhãn những biểu hiện về kết quả của những nhân bất thiện. Thế nhưng, tình trạng ấy không có sự giảm sút, ngược lại, chúng đang có chiều hướng ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Họ cứ nghĩ rằng, họ luồn lách khỏi sự kiểm soát của pháp luật, che được mắt người khác là coi như không có gì xảy ra. Họ không biết rằng, luật nhân quả không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào cả dù cho người dó là ai. Dân gian ta cũng thường nói: “Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà chẳng lọt”. Những gì họ đã gây ra thì sẽ có một ngày họ sẽ phải gánh chịu tất cả. Và ngay trong hiện tại, toà án lương tâm cũng đang hành phạt họ mỗi khi họ làm những điều bất chính.
4. Nghiệp: Trong vấn đề nhân quả của con người, có một vấn đề khác được đặt ra, đó là nghiệp, là nói về tính chất thiện ác trong nhân quả. Trong lĩnh vực này thì luật nhân quả được gọi là nghiệp báo (nghiệp nhân và quả báo). Vậy, nghiệp là gì? Nghiệp là sức mạnh do những hành động, lời nói mà cá nhân tạo ra khi có sự tham gia của ý thức. Những hành động, lời nói mà không có sự tham gia của ý thức thì không gọi là nghiệp. Sức mạnh ấy khi đã được tạo ra rồi thì nó trở thành động lực tác động trở lại chủ nhân của nó, cho nên thường gọi là nghiệp lực. Ý thức đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó quyết định tính chất của nghiệp. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy: “Chư pháp ý tiên đạo, ý chủ, ý tạo tác, nhược dĩ nhiễm ô ý, hoặc ngôn hoặc hành nghiệp, thị tắc khổ tuỳ bỉ, như luân tuỳ thú túc” (Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác. Nếu nói năng và hành động với ý nhiễm ô thì sự khổ não sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo). Và “Chư pháp ý tiên đạo, ý chủ, ý tạo tác, nhược dĩ thanh tịnh ý, hoặc ngữ hoặc hành nghiệp, thị tắc lạc tuỳ bỉ, như ảnh bất ly hình” (Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác. Nếu nói năng và hành động với ý thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng không rời hình). Chính vì ý quyết định tính chất của nghiệp, nên nhiều khi cùng một hành động như nhau nhưng kết quả lại khác nhau vì ở mỗi người có sự phát khởi ý nghĩ không giống nhau. Chẳng hạn, cùng đem tài vật cho người khác, nhưng một người thì đem cho với lòng mưu cầu danh lợi, còn một người thì đem cho với lòng thương tưởng đến nỗi khổ của người được cho, muốn cho họ bớt khổ đau, chính vì thế nên kết quả đến với hai người không giống nhau.
Nghiệp do ta tạo ra, ta là chủ nhân của nghiệp và chính ta phải lãnh phần trách nhiệm về những nghiệp nhân mà ta đã tạo ra và nhận lấy những quả báo an vui hay đau khổ trong hiện tại. Chính ta tạo thiên đường cho ta và cũng chính ta tạo địa ngục cho ta chứ không ai khác. Con người hoàn toàn tự chủ, con người nắm quyền quyết định trong việc tạo lập cuộc sống hiện tại cũng như trong việc xây dựng tương lai của mình. Điều này thể hiện tính nhân bản của đạo Phật.
Nói như thế không có nghĩa là nghiệp đã tạo ra là hoàn toàn không thể nào thay đổi được. Như ở trước đã nói, giữa nhân và quả còn có yếu tố duyên xen vào nữa. Ở đây cũng vậy, tuỳ những gì chúng ta tạo ra trong hiện tại mà những nghiệp nhân trong quá khứ có thể thay đổi tính chất về quả báo của nó từ xấu trở nên tốt, nặng thành nhẹ, hoặc là tốt trở thành không tốt, hoặc là quả báo đến chậm hơn hay nhanh hơn,...Nghiệp đã tạo ra vẫn có khả năng chuyển nghiệp chứ không phải là bất di bất dịch.
Hơn nữa, nghiệp không phải tác động một cách riêng lẽ mà có sự pha lẫn giữa thiện nghiệp và ác nghiệp dẫn đến thiện quả và ác quả cũng có sự pha trộn lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ trong đời sống của con người, đời sống của con người không phải chỉ thuần khổ, thuần vui, hoặc thuần không khổ không vui, mà cuộc sống của con người luôn có buồn vui lẫn lộn. Và tất cả những gì đang diễn ra với con người trong hiện tại không phải là hoàn toàn do nghiệp nhân trong quá khứ mà còn do những nghiệp nhân mà con người đã tạo ra trong kiếp sống hiện tại nữa, nghiệp nhân trong quá khứ chỉ tác động ở một phạm vi nhất định mà thôi. Nghiệp là do ta tạo ra và ta vẫn có thể biến chuyển tính chất của nghiệp đã tạo ra trong quá khứ bằng chính đời sống hiện tại của ta. Đây là mấu chốt của giáo lý nhân quả trong đạo Phật để con người có thể đi tìm hạnh phúc và an vui, để con người có thể tu tập, hoàn thiện bản thân mình.
Từ đó cho chúng ta thấy rằng, luật nghiệp nhân - quả báo trong đạo Phật khác xa thuyết định mệnh hay thuyết về đấng tạo hoá chứ không giống nhau như một vài người lầm tưởng. Theo thuyết định mệnh hay thuyết về đấng tạo hoá thì con người hoàn toàn thụ động, hoàn toàn không có tự do để có thể cải thiện đời sống của mình, không còn tự do để suy nghĩ hay hành động nữa, tất cả đã được định sẵn rồi, đã được an bài rồi, có cố gắng cũng chỉ vô ích mà thôi, không thể nào thay đổi được.
Hơn nữa, đạo Phật không cho rằng, tất cả đều do nơi nhân quả, nhân quả không phải là nguyên do duy nhất tạo nên sự khác biệt, chênh lệch, vận hành của hiện tượng giới. Nhân quả chỉ là một trong năm định luật tham gia vào lịch trình vận hành của hiện tượng. Năm định luật đó là:
Thứ nhất là định luật liên quan đến sự tiến triển của vật lý thuộc loại không cơ thể như hiện tượng thay đổi thời tiết, khí hậu, mưa gió,...
Thứ hai là định luật liên quan đến sự tiến triển của sinh, vật lý thuộc loại hữu cơ. Hiện tượng âm dương hoà hợp, thụ phấn, thụ thai, di truyền, sinh trưởng,... đều do qui luật này chi phối.
Thứ ba là luật nhân quả, tức là sự tiến triển từ nguyên nhân đến kết quả. Đã tạo ra nghiệp nhân và các duyên thì tất yếu là sẽ có nghiệp quả tương xứng.
Thứ tư là định luật của hiện tượng giới, như lực vạn vật hấp dẫn, lực hút của trái đất,...và những định luật khác trong vũ trụ đều thuộc vào loại này.
Thứ năm là định luật tâm lý như lịch diễn tiến của tâm thức, những yếu tố cấu tạo nên tâm thức, những năng lực của tâm như thần giao cách cảm, trực giác, thôi miên, năng lực tiên tri, và những hiện tượng tương tự mà khoa học hiện đại chưa giải thích được.
Năm định luật này chi phối sự vận hành của vật chất cũng như tinh thần.
Có người lại cho rằng, thuyết nhân quả trong đạo Phật là một loại nha phiến để xoa dịu và ru ngủ người xấu số bằng những luận điệu như sau: “Bây giờ anh phải chịu nghèo hèn vì anh đã tạo nghiệp xấu trong quá khứ, anh hãy cam tâm chịu lấy số phận của mình và cố gắng tạo nghiệp tốt để được hạnh phúc trong đời sau”. Đức Phật không hề dạy như thế. Thuyết nhân quả trong đạo Phật không bao giờ chấp nhận một cuộc phán xử sau liếp sống, không hứa hẹn hạnh phúc hảo huyền trong tương lai. Theo luật nhân quả, chúng ta không nhất định bị trói buộc trong một hoàn cảnh nào cả, chúng ta luôn có khả năng chuyển nghiệp và loại bỏ những nghiệp nhân đã tạo ra bằng chính hành động, lời nói và ý nghĩ của bản thân ngay trong đời sống hiện tại.
5. Ý nghĩa của đạo lý nhân quả:
Đạo lý nhân quả là một nội dung giáo lý thuộc vào lĩnh vực luân lý, đạo đức trong hệ thống giáo lý của đạo Phật, giáo lý này có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống của cá nhân và xã hội.
Trước hết, đạo lý nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, hiện tượng, không có gì là mơ hồ, bí hiểm. Nó vén lên tất cả những bức màn đen tối, phỉnh phờ của mê tín, dị đoan đang bao trùm lên cuộc sống. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương vạn vật do một đấng siêu nhiên sinh ra và có quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu đúng luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại nơi thần quyền, không lo sợ, hoang mang, cũng không đổ lỗi, không trốn tránh.
Luật nhân quả nghiêm chỉnh đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của con người, bởi con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ nhận lãnh những nghiệp quả do chính mình tạo ra, chứ không ai khác. Không có trách nhiệm cá nhân thì nhân quả không được thành lập. Cũng vậy, không có trách nhiệm cá nhân thì luật pháp xã hội cũng không được thành lập, hoặc giả có được thành lập thì cũng không có cơ sở để thi hành. Xã hội không có pháp luật thì xã hội sẽ bị đại loạn! Ở lãnh vực đạo đức, con người được đánh giá là con người trưởng thành khi con người đó có trách nhiệm cao đối với tự thân và xã hội. Như vậy, giáo lý nhân quả vừa nâng cao ý thức trách nhiệm nơi mỗi người, vừa chỉ rõ con đường đau khổ để con người tránh xa, khích lệ con người biết sống thiện, tránh xa lối sống không lành mạnh, vô bổ. Chính ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với đời sống tâm thức của mình làm cho con người tự nguyện lánh xa mọi điều xấu xa, chứ không phải vì sợ hình phạt, sợ chỉ trích, hoặc vì khen chê,...Con người khôn ngoan có thể trốn tránh hoặc qua mặt được lưới pháp luật, và đánh lừa dư luận nhưng không thể chạy trốn lương tâm và nghiệp quả được.
Đạo lý nhân quả còn đem lại cho con người lòng tin tưởng vào chính mình. Khi biết cuộc sống của mình là do chính mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo thì con người trở nên tự tin ở chính mình hơn. Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quý báu, làm cho con người dám hành động, dám hy sinh, sẵn sàng tiếp nhận tất cả và hăng hái làm điều tốt.
Đạo lý nhân quả còn làm cho con người ta không bị chán nản, không trách móc. Người hay chán nản, trách móc là người không tin tưởng vào chính mình, có thói quen ỷ lại vào người khác, luôn luôn hướng ngoại. Ngược lại, người hiểu và tin nhân quả sẽ luôn phấn đấu vươn lên, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh.
Không những thế, đạo lý nhân quả còn giúp con người biết hoạch định tương lai cho mình, chuẩn bị những gì cần thiết cho cuộc sống ngày mai. Và khi làm việc gì con người đều nghĩ đến hậu quả của nó, do vậy mà họ không dám làm càn, không dám làm ẩu.
Đạo lý nhân quả nâng cao ý thức trách nhiệm nơi mỗi cá nhân, dạy con người biết sống thiện, sống hữu ích, tích cực vươn lên trong cuộc sống. Cho nên, nếu hiểu và tin nhân quả thì con người sẽ tự giác thực hiện pháp luật của nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, thực hiện tốt các nội quy mà tập thể đặt ra, hoàn thành tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, sống một đời sống đạo đức. Nhờ vậy mà trật tự xã hội được giữ vững, các giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống của xã hội ngày được nâng cao, gia đình được hạnh phúc, ấm no.
- Quảng Trí -
0 nhận xét:
Đăng nhận xét