Thuở xưa, có một vị quốc vương rất mực hiếu thuận, mọi người trong hoàng gia đều rất thuần tín đối với đạo Phật. Vua thường thỉnh các vị Sa môn vào cung thuyết pháp cho Hoàng thái hậu và cả hoàng tộc nghe.
Vị Sa môn được chúng tăng cử vào cung thuyết pháp là một vị tu hành thanh tịnh, uy đức trang nghiêm, là một vị Tỷ kheo xuất chúng. Hoàng thái hậu cũng như tất cả mọi người trong hoàng tộc đều cung kính vị Sa môn ấy như Phật. Ngọc Phát công chúa đang tuổi còn thơ cũng được mẫu hậu dẫn theo mỗi khi đến nghe pháp, nàng cung kính vị Sa môn như Phật vậy.
Khi công chúa đến tuổi trăng tròn, mẫu hậu không dẫn theo khi đi nghe pháp nữa. Nàng ở riêng trong cung cấm, nhưng phòng nàng cách nơi giảng đạo không xa, nên dù không đến nơi giảng đạo, nàng vẫn nghe được những lời Phật dạy vọng vào qua âm thanh của vị Sa môn ấy.
Lòng kính mến chơn thành và thanh khiết của công chúa đối với vị Sa môn cứ lớn dần theo thời gian cho đến khi công chúa tròn mười tám tuổi. Vì công chúa đã trưởng thành nên vua cha đã tạo dựng cho công chúa một cung son giữa vườn ngự uyển. Thế là nàng không còn ở trong cung, gần nơi thuyết pháp của vị Sa môn, để ngày ngày được nghe những lời dạy vàng ngọc của đức Phật vang lên từ giọng nói trầm hùng và ấm áp của vị Sa môn nữa.
Cung son của công chúa hướng ra vườn thượng uyển, gần với lối đi mà hàng ngày vị Sa môn thường đi ngang qua mỗi khi vào cung thuyết pháp. Ngày ngày, cứ đến giờ công chúa ngồi trước gương để trang điểm thì hình bóng vị Sa môn lại phản chiếu vào trong gương ấy.
Đi trước là một vị Sa môn tay ôm bình bát, với dáng vẻ uy nghi, chân bước nhẹ nhàng và nét mặt bình thản. Theo sau là một đạo đồng có hai trái đào thay mái tóc tơ, vai mang tay nãi. Cái hình ảnh khả kính, quen thuộc, vô tư ấy cứ hiện vào tấm gương của công chúa mỗi ngày. Cho đến một hôm hình bóng vị Sa môn không còn hiện ra trong gương khi công chúa ngồi trang điểm nữa…, Cùng lúc ấy, công chúa biết được một cái tin vô cùng hệ trọng đối với cuộc đời mình: Công chúa sắp được vua cha gã cho một hoàng tử con vua nước bạn. Công chúa đã khóc, nàng khóc rất nhiều… khi nghe cái tin ấy. Nàng cảm thấy trống vắng, hẫng hụt vì không còn thấy hình bóng của vị Sa môn đáng kính. Lòng tự hỏi lòng, phải chăng từ lòng kính trọng thuần khiết đối với vị Sa môn ấy, mình đã bước sang địa hạt của tình yêu, phải chăng mình đã đem lòng yêu thương vị Sa môn ? Mà yêu một vị Sa môn thì thật là ngớ ngẫn! Ai lại đem ái tình buộc cho người ly dục bao giờ? Công chúa biết và hiểu tất cả. Nhưng mà lòng nàng vẫn cứ khổ đau khi nghĩ đến việc phải lập gia đình với vị hoàng tử kia.
Lòng tương tư và sự khổ đau đã khiến cho công chúa bị lâm bệnh nặng. Thấy con gái phát bệnh thình lình, hoàng hậu rất lo ngại. Bà ngồi bên con và ân cần hỏi han, thủ thỉ với con để tìm nguyên do của căn bệnh. Lúc đầu công chúa không dám nói ra sự thật. Nhưng bằng tấm lòng ân cần tha thiết của một người mẫu hậu và bằng nghệ thuật của một người phụ nữ, cuối cùng thì hoàng hậu cũng khiến cho công chúa phải nói lên sự thật. Công chúa không còn biết làm gì khác hơn là cầu cứu sự giúp đỡ của mẫu hậu.
Hoàng hậu đã sững sốt trước sự thật trớ trêu, trước một mối tình éo le của con gái. Song, nếu không tìm cách giải cứu kịp thời thì e là con bà phải ôm mối tình si xuống tận dưới cửu tuyền. Thật là nan giải!…
Hoàng hậu chưa dám nói sự tình ấy cho đức vua nghe, vì bà đang tìm cách giải quyết. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, Hoàng hậu thấy chỉ còn một cách khả dĩ yên ổn là mời vị Sa môn ấy đến thọ trai một bữa ở hoàng cung, rồi bà đem hết nỗi niềm của công chúa bộc bạch cùng với Thầy, hy vọng với đạo hạnh cao thâm, giới đức thanh tịnh, lòng từ bi bao la của Thầy, Thầy sẽ tìm được phương thuốc giải cứu cho công chúa thoát khỏi cái chết uất hận, đau thương.
Buổi ngọ trai được sắp đặt trọng thể trong một cung điện riêng. Công chúa nhờ "thần dược" của mẫu hậu, nàng đã ngồi dậy được và ẩn mình sau bức rèm thưa.
Vị Sa môn đến thọ trai, Thầy như pháp chú nguyện cho thí chủ rồi thọ trai. Công chúa ngồi sau bức rèm nhìn sững, nàng đã không hề bỏ sót một cử chỉ nhỏ nhặt nào của vị Sa môn. Vị Sa môn không hề hay biết gì về việc nhìn lén của công chúa. Từng cử chỉ uy nghi của Thầy đã làm cho Ngọc Phát công chúa cảm mễn đến ngây ngất. Công chúa nhìn say sưa cho đến khi vị Sa môn thọ trai xong, đổ nước vào bình bát để tráng bát. Thầy tráng rất kỹ nên chất nước trong lúc đầu đã trở thành một màu đục ngầu, thầy nhẹ nhang rót nước ấy vào trong ly pha lê, chất pha lê trong suốt càng làm rõ sắc nước đục ngầu ngầu, Thầy từ từ bưng lên chú nguyện rồi uống một cách bình thản trong chánh niệm.
Trước hành động ấy, công chúa vô cùng cảm động, nàng đã khẽ thốt lên rằng: Trời ơi! Một bữa ăn, cái gì cũng cầu cho chúng sanh, nguyện cho chúng sanh, cả một chút dư vị ở trong bát cũng không quên ơn chúng sanh, không bỏ phí, ta làm sao nỡ cướp mất đi của chúng sanh một vị Sa môn đức hạnh vẹn toàn, một vị Phật tương lai!
Giấc mơ trần tỉnh hẳn, công chúa đã thoát ra khỏi mối tình si. Mặc dù vị Sa môn không nói với công chúa một lời nào, nhưng bằng uy đức và từ tâm của mình, đỉnh điểm là qua một ly nước rửa bát, Thầy đã chuyển hoá được công chúa, thầy đã dắt công chúa ra khỏi một mối tình éo le. Công chúa đã bình phục trở lại và đang chuẩn bị cho ngày hạ giá (đi lấy chồng).
Nhưng từ đây, vào mỗi tối, công chúa thường quỳ thật lâu trước bàn thờ của đức Từ Phụ, nàng chí thành thầm bạch với đức Như Lai rằng:
Lành thay đức Thế tôn! Chỉ một ly nước rửa bát của Thế tôn cũng đủ rửa sạch lòng cấu nhiễm của con, một chút nước rữa bát của Từ Phụ đã rữa sạch trọng tôi A tỳ địa ngục cho con. Một tý nữa thôi là con đã làm hại một vị Phật tương lai, một tý nữa thôi là con đã cướp đi của chúng sanh một vị Sa môn thanh tịnh.
Nhiệm mầu thay đức Thế Tôn! Chút nước rửa bát của Ngài đã giải thoát cho con một mối tình ích kỷ, tội lỗi. Vì nếu con lấy được chàng thì chắc con không để cho chàng được tự do trên con đường phụng sự chúng sanh như khi chàng còn là một vị Sa môn vô nhiễm, thoát tục.
Kính lạy đức Thế Tôn, vì con là một chúng sanh còn ngu muội và hẹp hòi. Yêu chàng, con cứ sợ mất chàng. Từ nay con sẽ không như thế nữa, sẽ con không làm chuyện của một người dại dột nữa.
Mong Ngài tha thứ cho lỗi lầm của con!!!
- Minh Nguyên phỏng thuật -
Xin gởi đến những người hữu duyên!
Xin gởi đến những người hữu duyên!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét