Cây Nêu Ngày Tết


Trước đây, cứ mỗi độ xuân về, cùng với việc chuẩn bị cổ bàn, làm bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa và bàn thờ gia tiên, đưa ông táo về trời,... ông bà chúng ta còn trồng cây nêu trước cổng nhà. Sự kiện này đã để lại dấu ấn trong kho tàng ca dao Việt Nam:
“Thịt mở, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Cây nêu là một cây tre cao khoảng 5-6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép bằng giấy (để Táo quân dùng làm phương tiện về trời), giải cờ vải điều (màu đỏ), đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai... Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu, cộng thêm tiếng động của những khánh đất là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nhà đã có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để cho tổ tiên, ông bà biết đường mà về nhà đón Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch (đêm giao thừa) còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp, là ngày Táo quân về trời. Người dân quan niệm rằng, chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mồng bảy tháng giêng thì cây nêu được hạ xuống.
Chuyện kể rằng, ngày trước, ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của loài quỷ. Loài người phải ăn nhờ ở đậu trên đất đai của quỷ và hằng năm đều phải nộp thuế cho chúng. Lũ quỷ vô cùng hiểm độc, chúng bày lắm mưu nhiều kế hòng chiếm đoạt công sức lao động của con người. Số thuế phải nộp ngày càng tăng lên, chúng tác oai tác quái, làm khổ con người. Chúng đã đặt ra những điều lệ hết thức vô lý, chúng dùng bạo lực buộc con người phải tuân thủ điều lệ “ăn ngọn cho gốc” (nghĩa là chúng lấy phần ngọn còn phần gốc để lại cho người). Thế là sau vụ lúa năm ấy, mọi người đành chịu đói khổ, ngậm ngùi nhìn lũ quỷ đánh chén no nê. Thấy cảnh tượng đói khổ của con người, đức Phật động mối từ tâm, hiện đến giúp người dân thoát khỏi sự hà hiếp của lũ quỷ. Đức Phật dạy người dân trồng cây khoai lang, đến mùa thu hoạch, cứ theo qui định đã đưa ra, lũ quỷ lấy phần ngọn còn phần gốc là của con người. Thế là người dân được một vụ mùa bội thu còn lũ quỉ thì ngán ngẫm nhìn đống dây và lá khoai khô héo. Sau đó chúng lại đổi điều lệ thành “ăn gốc cho ngọn”. Đức Phật lại dạy người dân chuyển trồng khoai sang trồng lúa. Cuối mùa, lũ quỷ lại một phen ngậm ngùi cay đắng. Chúng lại đặt ra điều lệ mới là “ăn cả ngọn lẫn gốc”. Chúng tưởng rằng như thế là chúng nắm chắc phần lợi trong tay, nhưng đức Phật đã dạy người dân trồng ngô. Vụ mùa đến, người dân thu hoạch ngô đem về nhà, còn lũ quỷ thì lại bị một vố cay chua, tức tối. Cuối cùng lũ quỷ thu hồi lại tất cả đất đai, chúng thà không có gì cả chứ không chịu để loài người ăn một mình. Trước tình hình đó, đức Phật bảo người dân đến điều đình với quỷ, cho tậu một miếng đất rộng bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là con ngư¬ời sẽ trồng một cây tre, trên ngọn tre sẽ treo một chiếc áo cà sa, bóng của nó phủ được bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì số đất đó là đất con người sử dụng. Ban đầu quỷ không chấp thuận, nh¬ưng sau chúng nó suy tính thấy bóng của một chiếc áo cà sa chẳng đáng là bao nên bèn nhận lời. Khi người dân trồng xong cây tre, đức Phật đứng trên ngọn tre và tung chiếc áo cà sa ra, cây tre càng lúc càng cao, áo cà sa càng lúc càng rộng, bóng của chiếc áo phủ đến đâu là lũ quỷ phải rút lui đến đấy. Cuối cùng chiếc áo che phủ tất cả đất đai, lũ quỷ không còn đất để ở, phải rút ra biển.
Bị mất hết đất đai, quỷ vừa tiếc vừa hậm hực tức giận, chúng chiêu tập binh mã vào cướp lại. Nhờ có sự giúp đỡ của đức Phật nên người dân đã đánh bại tất cả những đợt tấn công của lũ quỷ. Lũ quỷ nhận thấy không thể nào đánh thắng loài người, nên đành quỳ xuống van xin đức Phật rũ lòng thương, mỗi năm vào những ngày tết cho chúng được vào đất liền để thăm mồ mả tổ tiên. Phật thương tình hứa khả. Nhưng để lũ quỷ không vào quấy nhiễu người dân, đức Phật đã dạy người dân trồng cây nêu vào dịp tết để xua đuổi chúng.
Những tình tiết trên đây có vẻ hoang đường, mê tín. Chính vì thế đã có không ít người cho đó là hủ tục. Hãy khoan! Chúng ta đừng vội quy kết. Hãy gạt qua những gì gọi là mê tín, là hoang đường kia để nhìn sâu vào những ý nghĩa hàm chứa đằng sau những hình tượng ấy, chúng ta sẽ cảm nhận được tính nhân văn, nhân đạo và ý nghĩa cao quý của tập tục trồng cây nêu ngày tết của tổ tiên.
Trước hết chúng ta hãy bàn đến những chất liệu dùng để làm cây nêu. Cây nêu được làm bằng tre. Tại sao không phải là một thứ cây khác mà lại là cây tre? Cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để buộc các vật dụng, đồng thời có thể dùng để khiêng, để chống đỡ nhà cửa. Với bộ rễ cần cù, bám sâu vào lòng đất, hút chất dinh dưỡng để nuôi thân, nên dù mọc ở nơi đâu tre cũng đều xanh tươi, đều phát triển thành thành, thành lũy. Do vậy, tre biểu hiện cho tính kiên cường, bất khuất, cần cù, chịu thương chịu khó, và biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, và cây tre còn biểu trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa cương và nhu. Đấy chính là tính cách của người Việt Nam chúng ta vậy.
Trồng tre vào đầu năm mới để thể hiện tinh thần của người Việt. Và trồng tre trước cửa nhà trong những ngày đầu năm còn để đánh dấu những ngày vui, ngày hạnh phúc nhất trong năm. Đồng thời cũng để nhắc nhở rằng, dù sống trong ấm no hạnh phúc vẫn không quên những khó khăn, gian khổ đã trải qua, cũng như những thử thách, cam go sẽ phải vượt qua trong nay mai, để tự nhủ với lòng mình là phải cố gắng hơn nữa trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trồng tre với ước mong sẽ có nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn trong năm mới.
Không chỉ có thế, trên cây nêu, ông cha chúng ta còn treo đèn lồng vào buổi tối với ý nghĩa là để soi đường cho ông bà, tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng với cháu con. Thật là một việc làm hết sức có ý nghĩa, hàm chứa tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đấng sinh thành. Đấy cũng là một phương cách giáo dục, gợi cho con cháu trong gia đình nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, nhắc họ nhớ đến bổn phận cũng như trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống.
Đồng thời, qua sự tích về cây nêu ngày tết cho chúng ta thấy được tính nhập thế, cứu khổ độ sanh của đạo Phật. Từ khi đạo Phật xuất hiện ở cõi đời này cho đến nay và cả mai sau, thời não cũng vậy, đạo Phật luôn luôn gần gũi và đồng hành cùng với người dân, đi sâu vào trong đời sống thường nhật của con người và sẽ chia những khổ đau cũng như hạnh phúc của người dân. Đây chính là đặc tính của đạo Phật nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Và cũng chính nhờ đặc tính này mà dẫu đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến thiên của lịch sử, dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng đạo Phật vẫn không bị tuyệt diệt, vẫn hàm tàng sức mạnh, vẫn đơm hoa kết trái và dâng hương cho đời, tô điểm thêm cho cuộc sống mỗi khi hội đủ duyên lành. Đức Phật không những chỉ dạy cho mọi người những đạo lý làm người, những chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống, mà còn chỉ dạy cho dân cả những phương pháp làm kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi,… và cả những chiến lược trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi của nước nhà. Ở đâu có đau khổ thì ở đó có đức Phật thị hiện để cứu khổ độ sinh. Hay nói cách khác, ở đâu có khổ đau, ở đó cần có sự hiện diện của đạo Phật, cần có những con người xiển dương giáo lý của đạo Phật, và mọi người cần được thấm nhuần giáo lý của đức Phật.
Trong sự tích ấy có một tính cách rất riêng, rất cao thượng mà đức Phật đã chỉ dạy cho ông cha ta, đó là lòng khoan dung, độ lượng. Khi đối phương đã thất bại, đã đầu hàng thì hãy mở cho họ một con đường sống, hãy khoan thứ cho họ, đừng dồn họ vào bước đường cùng. Tính cách này đã đi vào trong từng huyết mạch của con người Việt Nam, được lưu truyền qua bao thế hệ và đã được thể hiện rất sinh động qua lịch sử các cuộc kháng chiến chống quân thù của nhân dân ta. Chính điều này đã khiến cho kẻ thù của chúng ta phải nễ phục, chuyển thù thành bạn, biến hận thù thành cảm kích sâu sắc.
Qua đây cho chúng ta thấy ý nghĩa thiết thực của đạo Phật đối với con người, thấy được vai trò của Phật giáo trong đời sống của xã hội. Chư Phật và chư tổ đã đem đạo Phật đi vào cuộc đời, thể hiện một cách triệt để tinh thần nhập thế của đạo Phật. Chúng ta, những người Phật tử, học theo hạnh của Phật, gánh vác sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, phải cố gắng làm sao để không phụ lòng mong mỏi của tiền nhân và không hỗ thẹn với hậu thế.
Tục trồng cây nêu trong ngày tết mang những ý nghĩa hết sức cao đẹp như thế đấy. Vậy mà ngày nay, trong mỗi dịp xuân về, tết đến, hầu như không còn thấy bóng dáng của một cây nêu nào cả. Có chăng chỉ còn được nhắc đến trong văn học, nghệ thuật mà thôi. Đây quả thật là một sự mất mát không nhỏ trong nền văn hóa của người Việt, là một thiệt thòi lớn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

- Minh Nguyên -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!