Vào đêm cuối cùng của năm 2010, tại Trung tâm thiền Shambhala Vancouver, nhiều Phật tử cùng đông đảo người phương Tây đã tập trung để chuẩn bị đón giao thừa. Nghi thức đón giao thừa được bắt đầu với khóa tọa thiền từ 8 giờ tối, tiếp theo đó là khóa tụng niệm theo nghi thức của Phật giáo Tây Tạng và đúng vào lúc giao thừa, họ đã đánh lên 108 tiếng chuông để đón mừng năm mới 2011.
Trung tâm thiền Shambhala Vancouver tọa lạc tại đường Heather, thuộc đại lộ thứ 17 của thành phố Vancouver, Canada. Trung tâm thường không tổ chức đón giao thừa theo tết Dương lịch, mà chỉ tổ chức đón mừng năm mới theo lịch của Tây Tạng. Nếu tính theo Dương lịch thì năm mới theo lịch Tây Tạng sẽ bắt đầu từ ngày 5 tháng 3 của năm 2011. Việc đánh 108 tiếng chuông có sự liên quan đến số lượng hạt trong xâu chuỗi của người Tây Tạng (một xâu chuỗi của người Tây Tạng thường có 108 hạt). 108 hạt trong một xâu chuỗi có ý nghĩa biểu trưng cho quá trình tu tập cầu chứng 108 phép tam muội và dứt trừ 108 phiền não.
Trong khi nhiều người đếm ngược thời gian cho đến thời khắc bắt đầu của năm 2011 với nhiều nhạc cụ và ca hát náo nhiệt, một nhóm nhỏ biệt lập của người dân thành phố Vancouver đón mừng năm mới trong sự tọa thiền tĩnh lặng cùng với tiếng tụng niệm thanh thoát theo nghi thức Phật giáo Tây Tạng.
Đây là lần đầu tiên công chúng được tham dự cùng với các thành viên của Trung tâm thiền Shambhala Vancouver để đón giao thừa thông qua những nghi thức, phương pháp tu tập của Phật giáo. Đấy là những nghi thức, phương pháp tu tập được tiến hành đều đặn vào ngày rằm và ngày mồng một mỗi tháng tại trung tâm.
Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện đón năm mới này được tổ chức cho các thành viên của trung tâm. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành từ trung tâm này và họ muốn cảm nhận thời khắc giao thừa của văn hóa đón mừng năm mới nhưng vẫn thực tập thiền theo truyền thống của Shambhala.
Trung tâm thiền Shambhala Vancouver có một tòa nhà thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, đây là nơi tổ chức khóa thiền miễn phí vào mỗi tối thứ Tư hang tuần. Theo lời của ông Susan Chapman, vị giáo thọ của trung tâm, khóa thiền của trung tâm ngày càng được nhiều người quan tâm, cụ thể là đối với những người đang tìm kiếm các phương pháp để thư giản và giải tỏa những căng thẳng từ cuộc sống quá nhiều bận rộng và áp lực hiện tại. Trung tâm có khoảng 100 thành viên tham gia thường xuyên. Với những sự kiện tổ chức ngoài trời thì có nhiều người tham gia hơn. Thông qua những khóa tu học này, mọi người sẽ biết cách để thực tập thiền một cách đúng đắn.
Ông Chapman nói thêm: “Trung tâm dạy cho mọi người những phương pháp hành thiền đơn giản, nhưng sự hướng dẫn ấy giúp họ biết cách để quán chiếu nội tâm của mình, tiếp xúc và làm chủ tâm thức của mình, không để cho tâm bị chạy theo những dòng tư tưởng hoặc những cảm xúc”.
Trung tâm thiền Shambhala Vancouver là một phần trong hệ thống những trung tâm thiền tập của cộng đồng Shambhala Quốc tế. Cộng đồng này được Thiền sư Chogyam Trungpa Rinpoche, người Tây Tạng, thành lập vào năm 1973. Hiện này thì cộng đồng này đang được Thiền sư Sakyong Mipham Rinpoche lãnh đạo. Đường hướng của Shambhala được xây dựng dựa trên trí tuệ, từ bi và tỉnh thức, ba phẩm chất có được từ pháp tu chánh niệm tỉnh giác.
Ông Chapman bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng nhiều người đang khám phá sự chánh niệm và họ nhận thấy rằng chánh niệm đem đến cho họ những cảm nhận ý nghĩa hơn và tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống mà trước đây, với lối sống hời hợt họ chưa bao giờ tiếp xúc được. Thực tập chánh niệm và tỉnh giác là một phương pháp ngập tràn niềm vui, đánh thức tâm hồn con người và khiến cho mọi người hạnh phúc, an vui hơn trong cuộc sống.
Nguyên Quý (Theo Vancouver Sun)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét