Bìa trước của cuốn sách |
Nhân dịp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Thông Tấn đã liên kết với Công ty TNHH Thông tin và Thương mại Á Châu để xuất bản cuốn sách có tựa đề “Di tích và danh thắng Việt Nam 2010”. Thoáng nhìn thì cuốn sách có vẻ rất giá trị, với khổ giấy lớn, chất liệu giấy tốt, trọng lượng của cuốn sách ước chừng gần 3kg, và giá bìa của cuốn sách là 670.000 đồng.
Theo như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thông Tấn: “Cuốn sách là nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về Việt Nam, về lịch sử Việt Nam”. Thế nhưng, thật đáng buồn khi đọc vào nội dung của cuốn sách, nhan nhản các lỗi chính tả, lỗi đánh máy trên từng trang sách, có nhiều sự nhầm lẫn, sai sót trong câu văn, trong cách dùng từ, trong lời chú thích hình ảnh. Một cuốn sách như thế thì có xứng đáng làm tư liệu để tham khảo trong quá trình nghiên cứu, có đáng tự hào để đem ra giới thiệu với bạn bè quốc tế không? Ở đây chúng tôi sẽ chỉ ra một số nhầm lẫn, sai sót trong cuốn sách và lược bàn về chúng để mọi người thấy được tính bất cẩn và thiếu chuyên môn của Ban biên soạn cuốn sách này như thế nào.
Trước hết là nói về tính bất cẩn. Nhan nhản ở hầu hết tất cả các trang sách, thậm chí ngay trong trang đầu tiên của lời giới thiệu, đều có những lỗi đánh máy, lỗi chính tả. Vì quá nhiều lỗi, không thể liệt kê hết được, nên ở đây chúng tôi chỉ đơn cử những lỗi đặc biệt mà thôi. Ngay ở trang 3, trình bày bức thư của Ban biên soạn, ở gốc bên phải phía dưới của bức thư, nơi dành cho vị chủ biên ký tên, dòng chữ “Giám đốc Cty Á Châu” nhưng trong sách để là “Gám đốc Cty Á Châu”, thế mà vị chủ biên vẫn đặt bút vào ký tên đấy bạn ạ.
Ở trang 331, trong một bài viết ngắn giới thiệu về chùa Quỳnh Lâm mà có nhiều lỗi không thể chấp nhận được: Trong cột phía bên trái của trang sách, ở dòng thứ tám từ trên xuống, “nông nô” thì viết là “nông lô”, “nô tỳ” thì trong sách viết là “lô tỳ”, ở dòng thứ tư từ dưới lên, “đất nung” thì sách ghi là “đất lung”. Lỗi này là do sự phát âm không chuẩn của người dân ở một số vùng thuộc miền Bắc, họ phát âm chữ “L” thành chữ “N” và chữ “N” thì phát âm thành chữ “L”. Lỗi được lặp lại với mật độ dày như thế trên một trang giấy, vậy mà Ban biên tập không phát hiện ra. Chưa hết! Cũng ở trang 331, bên cột trái, ở dòng thứ chín từ dưới lên, đúng ra là “Nam thiên tứ đại khí” thì trong sách lại viết là “Thiên nam tứ đại khí”; bên cột phải, ở dòng thứ hai từ trên xuống xuất hiện từ “thứ bốn”. Xưa nay không ai nói “thứ bốn” bao giờ, số ở đây thuộc về số thứ tự, chứ không phải là số đếm, cho nên ở đấy phải biết là “thứ tư”.
Và ở trang 400, khi viết về tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, có đoạn văn cuối như sau: “Năm 2004 đến nay Thượng tọa Minh Tuấn đang cho quy hoạch, kiến thiết, tôn tạo lại tổng thể tu viện theo ý nguyện của Hòa thượng Huyền Quang viên tịch (năm 2008 Mậu Tý) trước khi Ngài đã giao phó”. Đấy là nguyên văn ở trong sách. Ở phần trích dẫn mà chúng tôi cho in nghiêng, câu văn diễn đạt thật là vụng về, tối nghĩa. Ý của câu văn là nói Thượng tọa Minh Tuấn đang làm theo ý nguyện mà Hoa thượng Huyền Quang đã giao phó trước khi ngài viên tích, thế mà trong sách lại viết như thế đấy.
Rồi ở trang 604, khi viết về chùa Thiên Minh, Thừa Thiên Huế, vị trú trì trong hiện tại là Hòa thượng Thích Khế Chơn mà lại viết thành Hòa thượng Thích Thế Chơn. Khi giới thiệu về một ngôi chùa, tên của vị trú trì được in đậm, khá nổi bật trong trang sách, thế mà cũng để sai. Đấy là chưa kể việc trùng lặp nội dung, trùng lặp bài viết. Ở trang 46, chúng ta thấy có bài giới thiệu về chùa Bà Đá (chùa Linh Quang), Hà Nội. Ở trang 73, bài giới thiệu ấy được lặp lại, nội dung bài viết không hề thay đổi, chỉ thay đổi hình thức trình bày, thêm vài tấm hình cỡ lớn. Ở trang 55 có bài giới thiệu về chùa Kim Sơn, Hà Nội, và nội dung bài giới thiệu này được lặp lại ở trang 76, ở đây cũng chỉ thay đổi cách trình bày. Và điều đáng buồn cười là lỗi sai ở cả hai nơi đều như nhau. Ngay trong câu đầu tiên của bài giới thiệu ở trang 55 viết “Chùa Kim Sơn còn có các tên gọi là am Vạn Linh” và ở trang 76 cũng viết y như vậy. Chỉ có một tên gọi khác là am Vạn Linh, thế mà trong sách viết là “còn có các tên gọi”.
Tính cẩu thả thể hiện nghiêm trọng là ở việc sắp xếp hình ảnh và ghi lời chú thích hình ảnh. Nhiều nơi, nội dung viết một đường, hình minh họa một nẻo, hoặc là lời chú hình không đúng, không tương hợp với hình ảnh minh họa. Ở trang 395, khi giới thiệu về chùa Long Khánh, TP. Quy Nhơn, Bình Định, hình mặt tiền chùa thì ghi lời chú thích là “Một góc chùa”, hình chùa Tỉnh hội Bình Định, nằm bên cạnh chùa Long Khánh, thì ghi là “Mặt tiền chùa”, tức ý nói ngôi chùa Tỉnh hội Bình Đinh là mặt tiền của chùa Long Khánh. Trong thực tế thì đây là hai ngôi chùa, hai chánh điện khác nhau, mặc dù nằm gần nhau. Điều ngạc nhiên nữa là chính hình ảnh ngôi chùa Tỉnh hội Bình Định ấy lại lặp lại ở trang 401, trong bài giới thiệu về Tịnh xá Ngọc Nhơn, Bình Định. Ở gốc phải phía trên của trang 401 có hình của ngôi tịnh xá với mô hình bát giác truyền thống, không có chú thích gì, và ở ngay chính giữa của trang, hình và chùa Tỉnh hội Bình Định được đưa vào với lời chú thích hình ảnh là “Mặt tiền chùa”. Thật là một nhầm lẫn khó lòng chấp nhận.
Ở trang 421, hình ảnh minh họa cho bài viết về thành Điện Hải - một khu tường thành được xây dựng từ thời vua Gia Long, tại Đà Nẵng - là hình của một ngôi chùa, không biết là chùa nào. Ở trang 474, hình ảnh tượng Phật Thích Ca trên đỉnh đồi của chùa Long Sơn, TP. Nha Trang thì ghi lời chú thích là “Tượng Quan Âm Bồ Tát”. Lỗi ghi sai lời chú thích, tượng Phật Thích Ca mà ghi là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được lặp lại ở nhiều nơi khác, như là: ở trang 646, trong hình minh họa cho bài giới thiệu về chùa Quảng Trạch, Đắk Lắk; ở trang 684, hình Thích Ca Phật đài tại thiền viện Vạn Hạnh, TP. Đà Lạt cũng được chú thích là “Tượng Quan Thế Âm bồ tát”; ở trang 809, tượng Phật Di Đà cũng được chú thích là “Tượng Quan Thế Âm bồ tát”; ở trang 948, hình Đức Thích Ca đang tọa thiền và có con khỉ đang dâng trái cây được chú thích là “Tượng Quan Thế Âm lộ thiên”; ở trang 1201, tượng Phật Di Đà tại công viên Đức Phật, chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang, được chú thích là “Tượng Quan Thế Âm lộ thiên”; và còn ở một số trang khác nữa, chúng tôi không tiện liệt kê ra hết.
Ở trang 479, hình ảnh vườn Lâm tỳ ni trong khuôn viên tịnh xá Ngọc Tòng, Khánh Hòa được ghi lời chú thích là “Tứ đồng tâm”. Hay như ở trang 954, hình Phật Thích Ca đang nhập định thì ghi là “Tú đồng Tam”. Lỗi này vừa biểu lộ tính bất cẩn của Ban biên soạn, vừa thể hiện tính thiếu chuyên môn. “Tứ động tâm” là một danh từ dùng để chỉ 4 địa điểm quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật Thích Ca, đó là: vườn Lâm tỳ ni, nơi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh; Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo; vườn Lộc Uyển, nơi Đức Phật chuyển pháp luân; và rừng Câu thi na, nơi Đức Phật nhập niết bàn. Thế mà ở đây, chỉ có mô hình của vườn Lâm tỳ ni, hoặc chỉ là hình Đức Phật chuyển pháp luân vẫn được chú thích là Tứ động tâm, và khổ nỗi là không phải ghi đúng chữ “Tứ động tâm” mà lại ghi là “Tứ đồng tâm”, “Tú đồng Tam”. Lỗi này xuất hiện khá nhiều lần.
Và ở trang 593, trong bài viết về Lăng Minh Mạng, ở Huế, hình minh họa cho bài viết không phải là hình lăng Minh Mạng, hay một góc của lăng Minh Mạng, mà là hình chùa Thiên Mụ, chính xác là hình tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ được chụp từ gốc phía trong chùa hướng ra ngoài.
Qua những sai lầm ấy cho chúng ta thấy được sự bất cẩn cả trong quá trình thu thập hình ảnh, dữ liệu cho cuốn sách và cả trong quá trình biên tập sách. Tuy nói là do bất cẩn, nhưng thực ra thì chính trong sự bất cẩn ẩn đã bộc lộc tính thiếu chuyên môn của Ban biên tập. Nếu một người có biết chút ít về đạo Phật, có am hiểu về các hình tượng của đạo Phật thì không thể nào có sự nhầm lẫn giữa tượng Phật Thích Ca và tượng Bồ tát Quan Thế Âm như thế được.
Về tính thiếu chuyên môn cũng được biểu lộ ở nhiều trang sách, thuộc nhiều khía cạnh khác nhau. Ở trang 42, tiêu đề được đặt ra là “Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ”, dưới tiêu đề ấy là phần nội dung giới thiệu về các danh xưng và địa điểm của thủ đô nước Việt qua các thời đại khác nhau, từ thủ đô Phong Châu (Phú Thọ) thời Hùng Vương cho đến thủ đô Hà Nội (Hà Nội) ngày nay. Với nội dung như thế thì tiêu đề “Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ” không phù hợp tí nào cả, mà ở đây phải là “Thủ đô nước Việt qua các thời kỳ”.
Tính thiếu chuyên môn còn thể hiện qua việc sử dụng từ ngữ. Đơn cử như từ “Cổng tam quan”, đây là một từ dùng để chỉ cái cổng với 3 lối đi vào tách biệt nhau (ba ô cửa), một ô cửa lớn ở giữa và hai ô cửa nhỏ bằng nhau ở hai bên. Tam quan là một từ Hán Việt: Tam ở đây có nghĩa là “ba”, quan có nghĩa là “cửa ô”. Như vậy, tam quan được hiểu là cái cổng có ba ô cửa. Thế mà trong sách này, nhiều cái cổng chùa, cổng miếu chỉ có duy nhất một lối đi vào, vẫn được để chú thích là “Cổng tam quan”, ví dụ như cổng tu viện Vĩnh Đức, TP.HCM ở trang 721, cổng miếu An Hòa, TP. HCM ở trang 746, cổng đình Hưng Phú, TP.HCM ở trang 767,… Tiếp theo là từ “lộ thiên”, có nghĩa là phơi bày ra ngoài trời, không có gì che đậy. Nghĩa của nó như thế mà ở trong sách này, có nhiều tượng Quan Thế Âm Bồ tát trong các tòa lầu, trong điện thờ vẫn được ghi dòng chú thích là “Tượng Quan Âm lộ thiên”, như ở trang 480, 488, 995,… Bên cạnh đó còn có nhiều nơi viết về những cái miếu, hình ảnh điện thờ trong miếu mà ghi chú thích là “chánh điện chùa”.
Ở trang 818, viết về chùa Giác Lâm, TP.HCM, dưới hình tượng Đức Phật Thích Ca còn có một dòng chữ chú thích lạ, đó là “Tượng bồ tát bổn sư”. Thật không thể tưởng tượng nổi! Một sự sai lầm quá ư là ngờ nghệch.
Viết về lăng Minh Mạng mà để hính minh họa là cổng Tam quan chùa Thiên Mụ |
Tượng Phật Thích Ca mà chú thích là Tượng Bồ tát Quan Âm |
Còn đây thì chú thích là Tượng Bồ tát Bổn Sư, (Xin Chào Thua!!!) |
Chưa hết, sự thiếu tính chuyên môn của Ban biên soạn còn thể hiện qua những điểm sai lầm khiến người đọc cười ra nước mắt. Ở trang 385, trong bài viết về chùa Ngọc An, TP. Yên Bái, ở dòng thứ 8 từ trên xuống ghi rằng: “… nhân dân địa phương sửa sang thành ngôi chùa nhỏ và cải pháp danh thành Bạch Vân Am”. Pháp danh là tên của người Phật tử được chư Tăng đặt cho khi họ phát tâm thọ trì ba pháp quy y và năm điều cấm giới. Pháp danh có thể hiểu là tên trong đạo của người Phật tử, là chỉ tên người chứ không phải là tên chùa. Cho nên việc đổi tên chùa không thể dùng từ “cải pháp danh” được. Trong trường hợp này thì cứ viết “đổi tên chùa thành Bạch Vân Âm” là được rồi, đâu cần phải dùng từ Hán Việt để rồi trật lất như thế.
Ở trang 934, trong bài giới thiệu về chùa Komphir Sa Kor Prek Chru, Thị xã Bạc Liêu, dòng thứ ba từ dưới lên của cột bên phải, có đoạn ghi: “… Đại đức Thạnh Phước, phó Đại đức Danh Tha và nhiều vị sư khác”. Như vậy là chư Tăng đã được Ban biên soạn cuốn sách “Di tích và danh thắng Việt Nam 2010” đặt thêm cho một danh xưng, một chức danh mới là “Phó Đại đức”. Có lẽ họ nghĩ cũng như các tổ chức, đoàn thể khác, có chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc, cho nên suy diễn ra rằng, trong nhà chùa có Đại đức thì cũng có Phó Đại đức vậy.
Ở trang 984, trong bài viết về chùa Tây Tạng, Bình Dương, đoạn đầu tiên của cột bên phải ghi: “Ngài Tịnh Minh là một nhà sư Việt Nam hiếm hoi được Đại Thượng Tọa LaMa Quốc vương Tây Tạng ngự ý ban cho pháp danh và ứng chứng giáo pháp “Ngoại biệt truyền của Phật giáo Tây Tạng””. Đọc câu văn tiếng Việt như thế này thì thật là dở khóc dở cười. Ở đây, cụm từ “Đại Thượng Tọa LaMa Quốc vương Tây Tạng” là ý muốn nói đến vị Dalai Lama. Dalai Lama là một danh xưng được ghép ghép từ chữ Dalai (tiếng Mông Cổ), có nghĩa là đại dương (ocean); và chữ Lama có nguồn gốc từ chữ Blama trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa là bậc thầy tâm linh (spiritual teacher). Như vậy, hiểu theo nghĩa đen thì cụm từ Dalai Lama có nghĩa là bậc thầy có sở đắc tâm linh sâu thẳm như lòng đại dương. Nhưng thường thì trong bản tiếng Việt, người ta để nguyên danh từ Dalai Lama, hoặc có nơi phiên âm thành Đạt-lai Lạt-ma. Theo truyền thống thì vị Dalai Lama là vị lãnh đạo tinh thần tối cao, về phương diện chính trị thì ngài là vị quốc vương của người dân Tây Tạng. “Đại thượng tọa” là một danh xưng do tác giả của bài viết tự đặt ra chứ không hề có trong Phật giáo. Còn “ngự ý ban cho” ở đây có ý muốn nói ngài Dalai Lama, Quốc vương của Tây Tạng ngự ban, thế mà tác ở đây lại viết thành “ngự ý ban cho”. Và cụm từ “ứng chứng giáo pháp “Ngoại biệt truyền của Phật giáo Tây Tạng”” cho chúng ta thấy sự hiểu biết nông cạn về đạo Phật của tác giả bài viết nói riêng và của Ban biên soạn nói chung. Trong Phật giáo không có “ứng chứng”, mà là “ấn chứng”; và cũng không có “giáo pháp “Ngoại biệt truyền…” mà là “giáo pháp “Giáo ngoại biệt truyền””. “Giáo ngoại biệt truyền” là một cụm từ thường được dùng trong Thiền tông và Mật tông, có nghĩa là giáo pháp được đặc biệt truyền trao vượt ra ngoài kinh điển.
Tại trang 989, viết về chùa Long Sơn, Bình Dương, ở cột bên trái, dòng thứ 5 từ trên xuống, sách viết là “xây dựng ngôi bảo đại khang trang”. Làm gì có ‘ngôi bảo đại’, trong chùa chỉ có ‘ngôi bảo điện” thôi à. Cũng trong trang này, ở cột bên phải, dòng thứ 3 từ dưới lên ghi: “Nội thất chùa tường gạch, mái lợp ngói âm dương…”. Nội thất tức là những thứ trang trí, vật dụng bên trong, chẳng hạn như bàn ghế, tủ, họa tiết hoa văn bên trong ngôi nhà,… Thế mà ở đây lại ghi nội thất của chùa gồm có tường gạch, mái ngói âm dương,… Mà ngay câu văn ấy cũng đã tối nghĩa, không đúng cú pháp.
Chưa hết đâu, còn nhiều lỗi khác nữa, ở đây chúng tôi không thể liệt kê ra hết được, chỉ đưa ra những lỗi điển hình như thế để quý vị có thể cảm nhận và đánh giá cuốn sách. Đấy là chưa bàn đến việc Ban biên soạn chọn và giới thiệu các di tích, danh thắng. Khi đọc cuốn sách thì quý vị sẽ thấy rõ sự bất cập và mập mờ trong việc lựa chọn này. Dẫu biết rằng để thu thập dữ liệu, hình ảnh về những di tích, danh thắng trên khắp cả nước như thế là một công việc khó khăn, rất dễ bị nhẫm lẫn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, không phải vì thế mà biên tập sơ sài, để tồn tại quá nhiều lỗi như vậy được. Nếu như có tái bản, Ban biên soạn cần phải biên tập lại kỷ càng hơn, nhất là trong khâu sửa morat, và nên mời những vị có trình độ am hiểu về Phật giáo tham gia trong công tác biên tập. Vì có đến 2/3 nội dung của cuốn sách là giới thiệu về các ngôi chùa, viết về Phật giáo, nếu để những người thiếu chuyên môn, ít am hiểu về Phật giáo biên tập những nội dung ấy thì khó hoàn thiện được.
Hoàng Minh Phú
(Đăng trong Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số117, ra ngày 15-11-2010)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét