Người Tạng tham dự lễ hội Sera Bengqin |
Ngày thứ Ba, 01-3, hơn 100.000 người Phật tử Tây Tạng đã tập trung về tu viện Sera ở Lhasa để tham gia lễ hội Phật giáo truyền thống diễn ra trước khi năm mới của người Tây Tạng bắt đầu vào thứ Bảy, ngày 5-3.
Lễ hội Sera Bengqin hàng năm là một sự kiện tôn giáo quan trọng của người dân Tây Tạng. Lễ hội này được tổ chức bốn ngày trước khi bắt đầu một năm mới theo lịch Tây Tạng. Tu viện Sera, một trong ba tu viện hàng đầu tại Lhasa (hai tu viện kia là tu viện Drepung và tu viện Ganden), là nơi độc quyền trong việc tổ chức lễ hội này.
Các Phật tử thuần thành cầm dãy khăn trắng tinh trên tay và chí thành cầu nguyện trong khi di chuyển từ từ theo hàng dọc, dài đến mấy cây số, bên ngoài tu viện Sera, ở khu ngoại ô Lhasa. Theo truyền thống, họ tiến đến để nhận sự ban phúc lành từ cái chùy kim cang, một báu vật của tu viện Sera. Cái chùy này được tôn trí trong một điện thờ và mỗi năm chỉ mở cửa cho công chúng đến chiêm ngưỡng và lễ bái một lần trong ngày lễ Sera Bengqin mà thôi.
Ông Yeshe, năm nay 73 tuổi, đã đi gần 100km từ nhà của ông ở thị trấn Yangbajing, thuộc vùng Dangxiong, cùng với đứa cháu trai của mình để tham gia lễ hội. Ông cho hay: “Hai ông cháu đã đến sắp hàng từ 5 giờ sáng. Hôm nay tôi đến đây để cầu nguyện cho tất cả mọi loài hữu tình đều có được một năm mới an khang và thịnh vượng”.
Tiếp theo sau lễ hội Sera Bengqin là lễ hội đón mừng năm mới. Theo lịch của người Tây Tạng thì năm mới thường rơi vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 Tây lịch. Năm nay thì ngày đầu năm mới của người Tạng rơi vào ngày 5 tháng 3. Người dân Tây Tạng đón mừng năm mới trong suốt 2 tuần lễ. Đón mừng năm mới là một lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Tạng. Họ gọi lễ hội này là Losar. Lễ hội Losar được đánh dấu bởi những lễ nghi cổ điển, thể hiện sự tranh đấu giữa cái thiện và cái ác thông qua việc tụng niệm và chuyền những ngọn đuốc sáng xuyên qua các đám đông. Lễ hội Losar còn đặc trưng bởi những vũ điệu truyền thống, ca hát và làm việc phước thiện.
Trong hai ngày cuối của năm cũ, được gọi là Gutor, người Tây Tạng bắt đầu chuẩn bị cho năm mới. Ngày đầu tiên của Gutor, người dân Tây Tạng làm vệ sinh và trang hoàng lại nhà cửa. Đặc biệt là cái bếp phải được làm vệ sinh vì đấy là nơi chuẩn bị thức ăn cho cả gia đình, cho nên nó là nơi quan trọng nhất trong căn nhà. Ống khói cũng được quét dọn sách sẽ. Những món ăn truyền thống đặc biệt sẽ được nấu. Vào ngày thứ hai của Gutor, người Tây Tạng tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Mọi người đều đi đến các tu viện trong địa phương của mình để lễ bái và cúng dường phẩm vật cho chư Tăng.
Vào ngày đầu năm mới, người dân Tây tạng thường dậy sớm, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo mới rồi cúng bái các vị thần linh bằng cách đặt phẩm vật cúng dường trước bàn thờ của gia đình. Cũng trong ngày này, các thành viên trong gia đình tặng quà cho nhau, rồi sau đó mọi thành viên trong gia đình cùng nhau dự buổi cơm tối đoàn viên. Trong bữa cơm sum họp này thường có một loại bánh được gọi là Kapse và một loại rượu có tên là Chang, người ta uống rượu này vào để giữ ấm cơ thể.
Cũng trong ngày đầu tiên này, các vị Tăng ở trong các tu viện sẽ cử hành các nghi thức tôn giáo để đón mừng năm mới, thường là cúng dường Chư Phật, chư vị Thánh Hiền, tụng kinh cầu nguyên và có bữa tiệc năm mới thịnh soạn.
Vào ngày thứ hai của năm mới, người dân Tây Tạng đến viếng thăm bà con và bạn bè thân hữu. Đêm đến thì họ đốt đuốc trước cửa nhà để xua đuổi các linh hồn xấu xa, bất thiện đi xa.
Đến ngày thứ ba thì họ đến thăm các tu viện trong địa phương, tại đấy họ làm lễ, cầu nguyện và cũng dường chư tăng để tạo phước cho năm mới.
Mặc dù ngày nay xã hội đã đổi thay, cuộc sống của người dân Tây Tạng không còn như xưa nữa, nhưng những lễ hội, nghi thức, tập tục truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được người Tạng duy trì và tiến hành đều đặn vào mỗi dịp năm mới.
Minh Phú tổng hợp (Theo Xinhuanet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét