Kính bạch chư tôn đức, kính thưa các vị đại biểu danh dự,
Chúng tôi xin chúc mừng Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan và tất cả quí vị đại biểu cùng các vị trong Ban tổ chức Đại lễ và Hội thảo Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 8, 2011. Quý vị đã tập trung lại với nhau thành một cộng đồng nhằm vinh danh và cảm nhận tình thân hữu của chúng ta và cũng là để xây dựng tình huynh đệ, tỷ muội. Đấy là sự chứng thực rằng giáo lý và những pháp tu của đạo Phật có thể đóng góp lớn cho đạo đức và tâm linh trên toàn thế giới, và có thể dẫn dắt nhân loại trong thời điểm quan trọng này.
Với những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, cho thấy rõ rằng kỷ nguyên của những quốc gia độc lập với những biên giới và những mối quan tâm riêng lẽ đang dần khép lại; nỗi khổ niềm đau của một quốc gia có sự kết nối mật thiết và được chia sẻ bởi những trái tim của mọi người ở tất cả các quốc gia khác; sự bất ổn và suy yếu của một quốc gia ảnh hưởng đến sự phồn vinh và an ninh của tất cả mọi người trên khắp hành tinh. Trong thời điểm hiện tại của chúng ta, rõ ràng là sự phát triển kinh tế, xã hội và những thách thức đi kèm không còn là những vấn đề của từng cá nhân nữa.
Nhưng chúng ta không phải không còn hy vọng. Những khó khăn mà nhân loại và hành tinh của chúng ta đang phải đương đầu (áp lực môi trường, sự xuống cấp của gia đình và xã hội, sự bất ổn về kinh tế, sự náo loạn về chính trị) đem đến cho chúng ta cơ hội để dừng lại, để nhận diện và đánh giá lại những nguồn gốc khổ đau của chúng ta, và tìm ra con đường có thể đưa chúng ta đến một tương lai tươi sáng hơn và thậm chí là một hiện tại tươi sáng hơn. Đây là công thức căn bản mà Đức Phật đã sử dụng trong suốt quãng đời của Ngài để hướng dẫn tín đồ chuyển hóa khổ đau của họ. Công thức này có thể dẫn lối cho chúng ta ngay bây giờ, cho sự giải thoát của chính chúng ta. Ba phẩm chất đặc thù của Phật giáo: chánh niệm, chánh định và tuệ giác có thể đưa chúng ta đến sự giải thoát này. Vận dụng chúng một cách phù hợp và khéo léo có thể giúp chúng ta khám phá ra một nền đạo đức toàn cầu và một lối sống chánh niệm có khả năng định hướng cho sự phát triển của xã hội nhắm đến một đường hướng lành mạnh hơn.
Chúng ta phải tìm ra phương thức để vận dụng giáo lý đạo Phật - cụ thể là sự thực tập chánh niệm, những lời dạy về khổ đau và hạnh phúc, tuệ giác về sự tồn tại trong nhau, không có phân biệt, năm điều cấm giới, và những giáo lý về bốn loại thức ăn - nhờ đó mà xã hội của chúng ta có thể trở nên chánh niệm hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, nhờ đó mà các công ty, cá nhân có thể ít tạo ra các chất thải độc hại, có nguy cơ tổn tại đến môi trường và tâm thức cộng đồng, và có thể tiêu thụ ít hơn, tiêu thụ những thứ làm giàu cho thân tâm của chúng ta. Chúng ta, với tư cách là những cá nhân và những quốc gia, nên áp dụng những lời Phật dạy về thiểu dục tri túc.
Trong mối quan hệ thân thiết của gia đình, cha con cùng áp dụng lời dạy ấy thì sẽ có nhiều thời gian hơn và có mặt bên người khác nhiều hơn (thay vì luôn ngồi trước màn hình máy tính), và có thể khôi phục mối quan hệ giao tiếp bằng cách lắng nghe một cách sâu sắc và nói năng hòa ái.
Trong những lớp học khô khan, hoặc trong những phòng thí nghiệm lạnh lẽo của các viện nghiên cứu, giáo viên và học viên có thể học cách hỗ trợ người khác như là trong bầu không khí ấm cúng của gia đình, để ít căng thẳng hơn, để thư giãn và chuyển hóa những xúc cảm, tình cảm của mỗi người, để làm việc theo đường lối có ý nghĩa và lành mạnh hơn – những học viên trẻ mới ra trường không chỉ là lực lượng lao động của bộ máy tư bản mà còn là một thế hệ tử tế hơn, tự do hơn, là những người cộng tác hơn là những người phải hoàn thành nhiệm vụ.
Trong những văn phòng điều hành của các công ty và những nơi làm việc chính phủ, đồng nghiệp và những người phụ tá có thể làm việc một cách chánh niệm hơn, thiết lập tình huynh đệ, tỷ muội, nuôi dưỡng tâm từ bi và lòng bao dung, và định hướng xã hội chúng ta theo đường lối của chân hạnh phúc và hòa hợp.
Trong thời hiện đại của chúng ta, khi chúng ta tìm kiếm những mô hình phát triển theo 10 xu hướng, sự tự do phát triển được xem phần thưởng cao quý và được mọi người nhắm đến, nhưng cái giá phải trả đối với thế hệ trẻ và môi trường mong manh của chúng ta và đối với thân tâm của mỗi người cũng như của tập thể thì quả là quá đắt.
Không bao giờ quá muộn để dừng lại và suy ngẫm, để tìm ra những biện pháp có thể khôi phục tinh thần trách nhiệm và hành vi đạo đức trong xã hội, trong các chính phủ, trong gia đình và trong cuộc sống của chúng ta.
Minh Phú chuyển ngữ (Theo Icundv.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét