Ấn Độ: Hơn 2.000 người Dalit quy y Tam bảo nhân dịp lễ Phật đản

Phật giáo được sinh ra từ Ấn Độ và đã từng rất hưng thịnh tại đấy. Thế nhưng, kể từ đầu thế kỷ thứ 12, khi Hồi giáo vào xâm lược đất nước Ấn Độ, cùng với sự phát triển của đạo Hindu thì Phật giáo bị lụi tàn dần. Cho đến thế kỷ 18, 19 thì Phật giáo gần như bị tuyệt duyệt tại Ấn Độ, tín đồ Phật giáo thì hầu như là không có một người, những ngôi chùa, tháp thì bị hoang tàn, bị vùi lấp trong lòng đất, hoặc bị chiếm dụng.
Đến cuối thế kỷ 19, khi người Anh qua đô hộ Ấn Độ, các nhà khảo cổ Anh phát hiện thấy các chứng tích của Phật giáo, rồi các nhà sư người Tích Lan đến Ấn Độ, điển hình nhất là ngài Anagarika Dharmapala, người đã sáng lập ra hội Đại giác (Maha Boddhi Society), họ nỗ lực khôi phục lại Phật giáo tại Ấn Độ. Vào ngày 14-10-1956, tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar tổ chức lễ quy y, cải đạo cho chính ông và hơn 500.000 người Ấn Độ, phần lớn thuộc tấng lớp Dalit, một tầng lớp tiện dân trong xã hội phân biệt giai cấp Ấn Độ. Buổi lễ quy y diễn ra tại Nagpur, thủ phủ của bang Maharashtra, Ấn Độ. Cho đến ngày nay thì đấy vẫn là một cuộc cải đạo lớn nhất trên thế giới. Tại buổi lễ quy y, tất cả mọi người phát nguyện thọ trì ba pháp quy y và năm điều cấm giới của Phật giáo, và chính thức từ bỏ đạo Hindu cũng như những triết thuyết của đạo Hindu dưới sự chứng minh và truyền giới của chư Tăng. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân thuộc tầng lớp tiện dân trong xã hội Ấn Độ. Tiến sĩ Ambedkar đã giải phóng cho họ khỏi sự áp bức, bất công dưới chế độ phân biệt giai cấp rất hà khắc tại Ấn Độ, đồng thời giải phóng cho họ khỏi bị nô lệ tư tưởng, giúp họ cảm nhận được sự tự do thực sự, nâng cao địa vị của họ trong xã hội. Chính vị vậy mà người dân Dalit ở Ấn Độ rất tôn sùng tiến sĩ Ambedkar. Kể từ đó, hàng năm có đến hơn cả 100.000 người tập trung về Nagpur để kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Theo dữ điều tra kê dân của Ấn Độ vào năm 2001 thì cả nước có khoảng 0,8% người theo Phật giáo.

Đoàn diễu hành rước Đức Phật và tiến sĩ Ambedkar
Nhìn những hình ảnh này thấy họ dễ thương chi lạ!
Tiến sĩ Ambedkar vốn là một người xuất thân từ giai cấp tiện dân, nhờ tài trí và sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã du học ở Anh, sau đó về nước tham gia hoạt động chính trị, trở thành Bộ trưởng Bộ tư Pháp đầu tiên của Ấn Độ và là người đã xây dựng bản hiến pháp cho nước Cộng hòa Ấn Độ.
Năm nay, trong khuôn khổ kỷ niệm Đại lễ Vesak và kỷ niệm 2.600 năm ngày đức Phật Thích Ca thành đạo, vào ngày 24-5, cũng ở Nagpur, tại hội trường Shri Narayana Guru, Hội Abhidhamma Trust, Hội Bauddha Mahasabha và Hội Karnataka Dalit Sangharsh Samiti đồng phối hợp tổ chức Hội Nghị Phật giáo. Một phần rất quan trọng trong chương trình của hội nghị này là buổi lễ quy y Tam bảo cho hơn 2.000 người thuộc giai cấp tiện dân Dalit. Trước khi buổi lễ được diễn ra, Ban tổ chức đã tổ chức một cuộc diễu hành rước Phật và tiến sĩ Ambedkar, khởi hành từ Ambedkar Bhavan đến Hội trường Shri Narayana Guru, ở Bannanje. Dẫn đầu đoàn diễu hành là một chiếc xe tôn trí bức ảnh Đức Phật Thích ca khá lơn. Tiếp đến là xe tôn trí bức ảnh của Tiến sĩ Ambedkar. Trong đoàn diễu hành, ngoài các cấp chính quyền, hàng nghìn người dân và tín đồ Phật giáo, ban trật tự, còn có các ban nhạc công, các đoàn văn nghệ, làm cho đoàn diễu hành thêm sinh động.
Buổi lễ quy y đã được tổ chức một cách trang trọng và thiêng liêng dưới sự chủ trì của chư Tăng và sự tham dự của đông đảo các cấp chính quyền địa phương. Chư tăng đã giảng giải cho mọi người hiểu rõ về ý nghĩa của sự quy y, nội dung của ba pháp quy y và năm điều cấm giới. Sau khi đã giảng giải, chư tăng hướng dẫn cho những người phát tâm quy y thành tâm hướng về Tam bảo để phát nguyện thọ trì Tam quy ngũ giới.
Để đúc kết tinh thần của buổi lễ quy y, sư Manorakkhita Bhanteji khuyến tấn các vị Phật tử tu học và giới thiệu sơ lược về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo cũng như những lợi ích thiết thực của sự thực hành theo lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày, để cho mọi người có được niềm tin sâu sắc hơn vào Phật pháp.
Nguyên Quý (Theo Mangalorean.com)
(Báo Giác Ngộ, số 592, ra ngày 3/6/2011)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!