Đối với những người mới bước đầu học Phật, họ bắt gặp những lời dạy của Phật, những nội dung trong kinh điển có vẻ như mâu thuẫn, trái ngược nhau, khiến cho họ hoang mang, không biết nên nhận định những vấn đề đó như thế nào. Họ cảm thấy hoài nghi: “Phải chăng giáo lý của đạo Phật thiếu tính nhất quán?”. Sự hoài nghi, hoang mang ấy, nếu không sớm được giải tỏa thì sẽ làm cho họ lung lay niềm tin đối với đạo Phật, với giáo pháp của Phật. Điều này sẽ khiến họ chậm tiến bộ, thậm chí là thoái bộ, trong quá trình tu học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ giúp quý vị hiểu rõ tại sao lại có những lời dạy, những nội dung kinh điển có vẻ như mâu thuẫn, trái ngược nhau như vậy.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, tất cả những lời Đức Phật dạy đều nhắm đến mục đích tối hậu, đó là sự giải thoát khổ đau và đạt được chân hạnh phúc. Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám Pháp, phẩm Lớn, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. Đối tượng giảng dạy chính của Đức Phật là con người trong thế giới này. Vì con người trong xã hội không có ai giống ai, mỗi người có những đặc điểm tâm sinh lý riêng, mỗi người có trình độ và khả năng nhận thức khác nhau, có điều kiện, hoàn cảnh sống khác nhau, cho nên sự chỉ dạy của Đức Phật cũng vì thế mà có sự tùy biến cho phù hợp với từng người. Như nước có đặc tính chung là lỏng và ẩm ướt, tùy thuộc vào hình thù của vật chứa đựng mà nước có nhiều hình dạng khác nhau. Cũng vậy, giáo pháp của Đức Phật tùy theo nhu cầu, đặc điểm của mỗi người mà Đức Phật chỉ dạy những nội dung, phương pháp tu tập khác nhau, nhưng đều hướng đến mục đích giải thoát, giác ngộ.
Suốt quãng đời 49 năm thuyết pháp độ sanh của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã gặp và đã giảng dạy cho không biết bao nhiêu người. Tùy theo đặc điểm, tùy theo tâm bệnh của mỗi người, và thậm chí tùy theo tính chất của vấn đề mỗi cá nhân gặp phải trong những thời điểm khác nhau, để Ngài phân tích, chỉ điểm và giảng dạy pháp tu thích ứng. Chẳng hạn, với người nhiều tham lam thì Phật dạy tu hạnh bố thí, cúng dường; với người nhiều sân hận thì Phật dạy tu tập tâm từ bi; với người nặng lòng luyến ái thì Phật dạy quán bất tịnh; với người nhiều tham chấp thì Phật dạy quán vô ngã; với người thuộc trình độ thấp thì Phật dạy làm phước, tu tập để được sanh lên cõi trời; với người thuộc trình độ cao thì Phật dạy tu tập để vượt thoát sanh tử, những thú vui ở cõi trời, cõi người đều chỉ là giả tạm, ẩn chứa mầm móng của khổ đau… Những lời dạy, những kinh điển mà Đức Phật dạy đã được kết tập lại thành kho tàng Tam tạng kinh điển đồ sộ của Phật giáo. Lúc chúng ta học tập, nghiên cứu những kinh điển ấy, nếu chúng ta chỉ căn cứ trên nội dung của văn bản, không đặt nội dung ấy trong bối cảnh lịch sử, duyên khởi của vấn đề, không xét đến đối tượng tiếp nhận lời dạy ấy thì chúng ta sẽ có cảm tưởng là những lời Phật dạy mâu thuẫn với nhau.
Thực ra, nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ thì những lời Đức Phật dạy không hề mâu thuẫn với nhau. Do trình độ nhận thức và nhu cầu của mọi người không đồng nhau, nên Phật pháp cùng vì thế mà có những nội dung khác nhau. Chúng ta có thể phân chia giáo pháp của Đức Phật ra làm bốn nhóm nội dung khác nhau.
Nhóm nội dung thứ nhất là những giáo lý chú trọng vào vấn đề tạo dựng hạnh phúc và an lạc ngay hiện tại trong phạm vi các mối quan hệ xã hội mà cá nhân đang sống. Mục đích của nhóm nội dung này là chỉ cho mọi người thấy được phương cách sống để có thể sống hài hòa với bản thân cũng như với những người có liên hệ, giúp mọi người hoàn thành tốt những trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, hạn chế bớt những sự đau khổ, mâu thuẫn và bạo lực gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và dẫn đến sự khổ đau cùng cực cho cá nhân, gia đình, xã hội và cả thế giới. Chúng ta dễ dàng thấy được những lời dạy tương ứng với nhóm nội dung này ở trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, đấy là những lời huấn thị về các vấn đề căn bản của đạo đức làm người. Riêng đối với đạo Phật, những lời Đức Phật dạy ở nhóm nội dung này hoàn toàn không dính dáng gì đến thần thánh, chúng được dựa trên hai nền tảng trực tiếp và có thể thẩm định được, đó là: quan tâm đến tính toàn diện và niềm hạnh phúc lâu dài của chính mỗi cá nhân; quan tâm đến lợi ích của những người mà các hành động của cá nhân ấy có thể ảnh hưởng đến. Nội dung tổng quát nhất mà Đức Phật đã chỉ dạy các đệ tử ở nhóm nội dung này là “tránh xa các điều ác, thực hành các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh”. Cụ thể hơn, Đức Phật dạy mọi người thực hành năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện làm mê mờ tâm trí. Hoặc là những lời dạy về cách ứng xử: “Hận thù diệt hận thù, đời này không thể được; Từ bi diệt hận thù, ấy là định luật ngàn thu” (Kinh Pháp Cú, kệ 05, HT. Minh Châu dịch). Những lời Đức Phật đã dạy rất gần gũi và thiết thực cho mọi người. Ngài dạy về nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đề cập đến quan điểm sống, Ngài dạy: “Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm, nên tự nhìn chính mình, có làm hay không làm” (Kinh Pháp Cú, kệ 50, HT. Minh Châu dịch). Nói chung, nhóm nội dung này bao gồm những giáo lý cơ bản, phổ biến, tìm trong kho tàng kinh điển, chúng ta sẽ thấy vô vàn lời dạy tương ứng với nó.
Nhóm nội dung thứ hai, Đức Phật chỉ ra cho mọi người thấy rằng, những chuẩn mực đạo đức không hề trói buộc mọi người, ngược lại, chúng góp phần tạo dựng hạnh phúc cho con người ngay bây giờ và ở đây. Ở nhóm nội dung này, những lời dạy của Đức Phật nhấn mạnh vào vấn đề nhân quả và nghiệp báo, đề cao vấn đề đạo đức, nhân cách của con người và sự ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống của con người trong hiện tại và tương lai. Hễ gieo nhân thì phải gặt quả, nhân thiện thì đưa đến quả báo thiện, nhân bất thiện thì dẫn đến quả báo bất thiện. Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã tạo ra. Những nghiệp nhân từ các lời nói, hành vi và ý nghĩ có chủ ý của cá nhân sẽ tạo nên nghiệp lực tác động và điều khiển trở lại cá nhân ấy. Chính nghiệp lực này là nhân tố chi phối đến chất lượng cuộc sống hiện tại của mỗi người và quyết định cảnh giới tái sanh của mỗi cá nhân trong tương lai. Con người hoàn toàn có khả năng làm chủ vận mệnh của mình chứ không do một năng lực siêu nhiên nào quyết định cả. Muốn có đời sống hạnh phúc, an lạc thì phải tránh gieo những nghiệp nhân bất thiện, phải bỏ ác làm lành. Bằng khả năng tu tập và hướng thiện của bản thân, con người có thể chuyển hóa được những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ, có khả năng giải bớt nghiệp chướng của mình, chứ không phải là hoàn toàn không thể nào sửa đổi những sai lầm, những nghiệp nhân bất thiện mà mình đã gây ra. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp con người lạc quan, tin tưởng để tu tập, để chuyển hóa và thăng hoa cuộc sống.
Những nội dung giáo lý ở nhóm thứ hai này tương tự như ở nhóm thứ nhất, đều đưa ra những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức, khuyên mọi người bỏ ác làm lành. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa hai nhóm nội dung này biểu hiện ở điểm là lập trường quan điểm để đưa ra những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức ấy và mục đích khi đưa ra những nguyên tắc, chuẩn mực ấy. Ở nhóm nội dung thứ hai này, những nguyên tắc đạo đức được chỉ ra với những mối liên kết rộng lớn hơn giữa chúng với vũ trụ, khi chúng được kết nối với một định luật vô hình bao trùm tất cả, liên kết tất cả cuộc sống lại với nhau và tạo nên một vòng quay lặp đi lặp lại trong luân hồi sanh tử. Quy luật ấy vận hành một cách công bằng và tinh tế vô cùng. Nếu mọi người sống theo quy luật ấy thì đưa đến sự thăng hoa trong cuộc sống - phát triển tâm linh, được tái sinh vào những cảnh giới tốt đẹp hơn, có những trải nghiệm dồi dào hơn về niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống; nếu không tuân theo quy luật ấy thì sẽ đưa đến sự sa đọa - tâm thức suy đồi, khổ đau và đọa lạc vào những cảnh giới bất hạnh.
Song, những lời dạy về đạo đức dựa trên sự mong cầu có được an vui, hạnh phúc trong hiện tại và được tái sanh vào những cảnh giới tốt đẹp hơn trong tương lai chưa phải là cái đích cuối cùng mà đạo Phật hướng đến, chưa phải là tất cả những gì Đức Phật đã dạy. Dù cho có được hạnh phúc trong hiện tại, dù được sinh lên cõi người, cõi trời cũng vẫn còn nằm trong vòng luân hồi sinh tử, vẫn tiềm tàng mầm móng của khổ đau. Những hạnh phúc, niềm an vui ấy có tính vô thường, giả tạm chứ không phải là miên viễn. Mục đích tối hậu mà Đức Phật muốn mọi người hướng đến ấy chính là sự thoát ly sinh tử, đạt đến cảnh giới Niết bàn, Vô sanh. Những lời dạy để mọi người hướng đến mục đích lý tưởng và tối hậu này thuộc vào nhóm nội dung thứ ba.
Ở nhóm nội dung thứ ba này, nội dung giáo lý không chỉ dừng lại ở những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống mà mở rộng đến những pháp tu nhằm tịnh hóa thân tâm, khai mở trí tuệ, thăng hoa cuộc sống. Giáo lý cốt lõi ở nhóm nội dung này chính là Tứ diệu đế, là con đường tu tập Giới - Định - Tuệ. Như vậy, ở hai nhóm nội dung đầu Đức Phật chỉ dạy về Giới, ở nhóm nội dung thứ ba này thì Đức Phật không chỉ dừng lại ở Giới mà còn chỉ dạy những pháp tu để phát triển định lực và khai mở tuệ giác vô lậu. Như trong kinh Pháp Cú, kệ 191, Đức Phật dạy: “Thấy khổ và khổ tập, thấy sự khổ vượt qua, thấy đường Thánh tám ngành, đưa đến khổ não tận” (HT. Minh Châu dịch). Với nhóm nội dung này, Đức Phật chỉ ra cho mọi người biết thực trạng khổ đau của cuộc sống, phân tích những cội nguồn chính yếu khiến cho con người khổ đau, chỉ dẫn những con đường để mọi người nương theo đó mà tu tập nhằm chuyển hóa, tiệt triêu những nguyên nhân đưa đến khổ đau, và Ngài cũng đã mở ra một chân trời mới, chân trời của giải thoát, giác ngộ, hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, thoát khỏi khổ đau và có được chân hạnh phúc. Cũng chính vì lẽ này mà ở đây có những lời dạy mang tính phủ nhận, phủ nhận luôn cả những mục đích mà Đức Phật đã chỉ dạy để mọi người hướng đến trong nhóm nội dung thứ nhất và thứ hai. Chẳng hạn, trong kinh Thiện Sanh, khi bàn về mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau, Đức Phật dạy vợ chồng phải thương yêu nhau, tôn trọng nhau, quan tâm chăm sóc đến nhau; thế nhưng trong kinh Pháp Cú, kệ 210 và 211 Đức Phật dạy: “Chớ gần gũi người yêu, trọn đời xa kẻ ác, yêu không gặp là khổ, oán phải gặp cũng đau. Do vậy chớ yêu ai, ái biệt ly là ác, những ai không yêu ghét, không thể có buộc ràng” (HT. Minh Châu dịch). Qua đây cho chúng ta thấy có sự khác biệt giữa hai lời dạy, ở trên thì Phật dạy vợ chồng nên thương yêu nhau, quan tâm chăm sóc với nhau, nhưng ở dưới thì Phật dạy đừng có thương yêu ai cả, thương yêu sẽ đưa đến đau khổ. Hay là như trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy” (HT. Trí Quang dịch); nhưng trong kinh Kim Cang thì Ngài lại dạy: “Này các Tỳ kheo, phải biết pháp của ta nói, dụ như chiếc bè. Chánh pháp còn phải bỏ, huống nữa là không phải chánh pháp” (Thích Duy Lực dịch). Hai lời dạy này cũng có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng sự thực thì không phải thế. Ở kinh Di Giáo, Đức Phật dạy cho các vị Tỳ kheo đang trên đường tu tập, cần phải nương vào giới luật để trau dồi đạo hạnh. Còn ở kinh Kim Cang, đối tượng mà Đức Phật nhắm đến là những người thượng căn, đã có sở đắc tâm linh, nhưng còn vướng chấp (chấp pháp), nên Ngài dạy như thế để đả phá sự chấp trước của họ, vì còn có chấp trước là còn có hệ lụy, khổ đau.
Và ở nhóm nội dung thứ tư là những lời tán dương, ca ngợi của Đức Phật dành cho những ai đã đạt được các quả vị giác ngộ trong tiến trình tu tập, hay là những lời xác chứng về kết quả tu tập của hàng đệ tử. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, có bốn thánh quả mà người đệ tử Phật có thể đạt đến, đó là: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán. Tu-đà-hoàn hay còn gọi là quả Dự lưu hay Thất lai, có nghĩa là đạt được quả vị này là đã được dự vào dòng Thánh, đã phá bỏ ba kiết sử đầu tiên: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ, chỉ còn tái sinh làm người hoặc trong các cõi trời, tối đa là bảy kiếp. Khi sự tham dục (tham đắm vào dục giới) và sân hận được trừ khử một cách đáng kể thì người đó đắc quả Tư-đà-hàm. Quả Tư-đà-hàm còn gọi là Nhất lai, nghĩa là có thể còn tái sinh làm người hoặc trong cõi trời dục giới một lần nữa. Khi hai kiết sử tham dục và sân hận được loại bỏ hoàn toàn, thì người ấy đạt quả vị A-na-hàm, hay còn gọi là Bất lai, nghĩa là không còn tái sanh vào cõi dục giới này nữa. Ðến khi hành giả đã phá tung tất cả mười sợi dây trói buộc, trừ khử mười loại kiết sử ô nhiễm, lậu hoặc đã đoạn tận, tuệ giác khai mở, không còn tạo nghiệp, không còn phải tái sinh, luân hồi nữa thì vị ấy trở thành bậc A-la-hán, đắc đạo quả Niết Bàn, giải thoát rốt ráo tối hậu. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa thì bên cạnh bốn thánh quả như trên, người tu hành còn có thể đạt đến những quả vị khác như là: Duyên Giác, Bồ Tát, Bích Chi Phật, và Phật. Dù được gọi dưới danh từ gì đi nữa thì những người tu tập có sở đắc tâm linh, giải thoát khỏi những ràng buộc khổ đau, không còn ái nhiễm, không còn hệ lụy thì đều được xưng là Thánh nhân. Trong suốt 49 năm hoằng hóa độ sanh, Đức Phật đã rất nhiều lần ca ngợi các bậc Thánh nhân. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật ngợi khen rằng: “Ai nhiếp phục các căn, như đánh xe điều ngự, mạn trừ, lậu hoặc dứt, người vậy chư thiên mến”. Hay là: “Người tâm ý an tịnh, lời an nghiệp cũng an, chánh trí chơn giải thoát, tịnh lạc là vị ấy” (HT. Minh Châu dịch, kệ 94 và 96).
Như vậy, có đến bốn nhóm nội dung trong giáo pháp của Phật. Tuy nhiên, dù thuộc nhóm nội dung nào đi nữa, những giáo pháp mà Đức Phật đã dạy đều nhắm vào ba mục đích chính yếu, đó là: (1) Giúp cho mọi người có được sự bình an và hạnh phúc trong đời sống hiện tại; (2) Để được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp hơn trong tương lai; (3) Hướng dẫn cho mọi người tu tập để đạt đến quả vị giác ngộ tối thượng.
Với bốn nhóm nội dung này, chúng ta dùng chúng để phân loại giáo pháp của Đức Phật và cũng là để xác định khả năng và vị thế của mình nhằm lựa chọn pháp tu cho phù hợp, quan trọng hơn là để chúng ta vững tin vào giáo Pháp của Phật dạy, không còn mơ hồ, hoang mang nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng, việc phân chia làm bốn nhóm nội dung này chỉ có tính tương đối. Có những bài kinh, những lời dạy của Đức Phật mà chúng ta không thể phân biệt rạch ròi là lời dạy ấy thuộc vào một nhóm nội dung nhất định nào cả, lời dạy ấy có thể bao hàm cả hai, ba, hoặc thậm chí là cả bốn nhóm nội dung, tức là dung chứa và tương thích với mọi đối tượng. Và có một điều quan trọng nữa mà mọi hành giả cần phải lưu tâm, đó là tất cả giáo lý mà Đức Phật dạy đều là phương tiện để tu tập. Tùy theo đối tượng, tùy theo hoàn cảnh mà Đức Phật thuyết giảng. Chúng ta là người đến sau, cách xa Đức Phật đến mấy mươi thế kỷ, không đủ duyên để được trực tiếp thọ nhận giáo pháp từ chính kim khẩu của Phật phát ra thì chúng ta cần sáng suốt để lựa chọn pháp tu phù hợp cho bản thân. Vì tất cả đều là phương tiện nên không có pháp nào là tuyệt đối toàn bích, có thể phù hợp với người này nhưng lại không thích hợp với người kia. Vì là phương tiện nên đừng quá cố chấp. Song, cũng cần tranh tình trạng chưa đến bờ mà đã bỏ thuyền. Có một số người chưa đạt đến trình độ vô chấp mà lại sống một cách phóng túng, không tuân theo giới luật, quy củ, không thực tập những chuẩn mực, phép tắc trong cuộc sống. Đây là một hiện trạng đáng buồn, cần phải được chấn chỉnh.
Minh Nguyên (Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 182, ra tháng 5-2011)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét