Người Thái Nói Không Với Rượu Bia Trong Ba Tháng An Cư

Bộ Sức khỏe cộng đồng của Thái Lan đang phát động chiến dịch kêu gọi mọi người dân Thái trên toàn quốc không uống rượu bia trong suốt ba tháng an cư của đạo Phật, bắt đầu từ ngày 16-6 cho đến ngày 15-9-2011.

Phó thư ký thường trực của Bộ Sức khỏe cộng đồng, Tiến sĩ Siriwat Tiptharada, đã khởi động chiến dịch “Ngày đất nước không rượu bia năm 2011”, trong sự phối hợp với “Mạng lưới Từ bỏ rượu bia của Thái Lan” và “Văn phòng quản lý Thức uống có cồn của quốc gia”, nhằm hướng đến việc khuyến khích lối sống lành mạnh, không rượu bia trong cộng đồng người Thái trong mùa an cư của đạo Phật năm nay.
Theo Tiến sĩ Siriwat, hoạt động này cũng là một phần trong những nỗ lực của chính phủ Thái Lan nhằm hạn chế những vấn đề rắc rối liên quan đến việc sử dụng rượu bia, bao gồm hơn 60 loại bệnh tật liên quan, trong đó có cả bệnh ung thư, bệnh xơ gan và bệnh tiểu đường.
Việc hạn chế sử dụng rượu bia cũng sẽ đẩy lùi những vấn đề khó khăn ở trong gia đình và ngoài xã hội, kể cả vấn đề nợ nần.
Những thông tin thống kê chính thức của chính quyền Thái Lan cho thấy rằng, khoảng 48% tai nạn giao thông ở Thái Lan trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2009 là do say xỉn khi lái xe, khiến cho khoảng 13.000 người chết và hơn 100.000 người bị thương.
Trong khi đó, khoảng 45% người bệnh bị thương ở các bệnh viện và khoảng 35% phần trăm phạm nhân bị bắt do lạm dụng tình dục là có liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Những biểu đồ thống kê chính thức cũng chỉ ra rằng, bạo hành trong các gia đình có người nghiện rượu cao gấp 4 lần so với những gia đình không có người sử dụng rượu bia. Và 100.420 trường hợp ly dị ở Thái Lan trong năm 2007, tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm, cũng có liên quan đến việc sử dụng rượu bia.
Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy nói chung và của Phật giáo Thái Lan nói riêng, hàng năm chư Tăng thường kiết giới an cư trong suốt ba tháng, từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 15 tháng 9. Ba tháng này gọi là Ba tháng “an cư mùa mưa”. Trong ba tháng này thì chư Tăng thường cấm túc để chuyên tâm tu hành ở trong chùa hoặc tu viện của mình. Họ không được phép đi lại bất cứ nơi nào và cũng không được phép trở về sống cuộc sống của người tại gia cư sĩ. Sở dĩ có quy định là không được phép trở về sống đời sống của người cư sĩ tại gia là vì ở Thái Lan có truyền thống xuất gia gieo duyên. Hầu hết người nam ở Thái Lan đều phải xuất gia, sống đời sống của người Tăng sĩ ít nhất là 3 tháng, sau khi mãn thời hạn phát tâm xuất gia gieo duyên thì vị ấy được phép trở lại sống đời sống của người tại gia, và được xã hội tôn trọng. Người nào phát tâm xuất gia gieo duyên càng lâu thì càng được mọi người quý trọng khi họ trở về làm người cư sĩ tại gia.
Theo những ghi chép trong kinh điển thì vào thời Đức Phật còn tại thế, thời gian đầu các vị đệ tử của Phật không có dừng việc đi khất thực, hoằng pháp trong mùa mưa và người ta đã chỉ trích rằng, khi đi như vậy thì những vị ấy dẫm đạp lên các ruộng lúa và có thể tổn hại cây giống hoặc là các loài côn trùng ở trong các đám ruộng. Nghe lời chỉ trích này, Đức Phật đã chế giới an cư mùa mưa: Trong suốt ba tháng mùa mưa, chư Tăng không được rời khỏi tự viện của mình, mà ở tại trú xứ để chuyên tâm nghiên cứu giáo lý và thực hành thiền định, trau dồi giới đức.  
Trong thời gian ba tháng an cư này, người Phật tử tại gia nương theo chư Tăng để tu tập, giữ gìn năm giới căn bản của người Phật tử: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Cũng trong thời gian này, một số Phật tử dành nhiều thời gian cho việc tạo phước, bố thí, cúng dường, để hồi hướng công đức cho người thân đã quá cố. Đây cũng là thời điểm có nhiều người phát tâm thọ trì giới pháp của Phật, và là thời gian để cho người nam xuất gia gieo duyên trong một thời gian ngắn trước khi họ kết hôn.
Thái Lan là một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, với gần 95% dân số là người theo đạo Phật (theo thống kế dân số năm 2000 của Thái Lan), nên kêu gọi mọi người tiết chế việc sử dụng rượu bia trong ba tháng an cư là điều hợp lý và có tính khả thi cao. Sự thành công của chiến dịch “Nói không với rượu bia” trong ba tháng an cư là nhờ vào tinh thần tự giác, tự nguyện của người dân chứ không hề có sự ép buộc, không có một chế tài nào cả. Cũng chính nhờ vào ý thức tự giác, tự nguyện của mọi người cho nên từ các cơ sở sản xuất rượu bia, các nơi phân phối và tiêu thụ rượu bia cho đến người dân đều thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là một nét đẹp trong văn hóa, nếp sống của người Thái. Qua đây cho chúng ta thấy sự đóng góp tích cực của giáo lý đạo Phật trong việc xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh cho cá nhân, gia đình và cho toàn xã hội.
Minh Nguyên (Theo Bernama)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 597, ra ngày 9-6-2011)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!