Sri Lanka: Tăng đoàn đã bảo vệ đất nước trong hơn 2.500 năm qua

Vừa qua, Hội thảo Phật giáo Quốc tế đã được tổ chức tại Đại học Phật giáo Buddhasravaka Bhiksu, Sri Lanka. Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Sri Lank, ông DM Jayaratne đã nhấn mạnh: “Tăng đoàn đã và đang bảo vệ đất nước, dân tộc và tôn giáo trong hơn 2.500 năm qua. Ngày nay, trong tình hình có một thế lực thù địch đang cố gắng mời gọi các thế lực từ nước ngoài vào nhằm thực hiện những mục đích hạn hẹp và bán nước của họ. Tôi, với tư cách là Thủ tướng của Chính phủ, thay mặt cho Tổng thống Mahinda Rajapaksa, kêu gọi chư Tăng nâng cao cảnh giác và thận trọng với các thế lực thù địch ấy".
Ba ngày của Hội thảo Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Conference – IBC) đã được tổ chức tại hội trường khách sạn Dulyana Anuradhapura.
Thủ tướng Jayaratne phát biểu tại hội thảo
IBC được tổ chức và tài trợ bởi Đại học Buddhasravaka Bhiksu, dưới sự chỉ đạo của ngài Thumbulle Seelakkhandha Nayaka Thera, Phó hiệu trưởng của Đại học Buddhasravaka Bhiksu, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Giáo dục Sri Lanka.
Một trăm năm mươi đại biểu Phật giáo nước ngoài, bao gồm cả những nhà trí thức thuộc hai giới tu sĩ và cư sĩ, đại diện cho các trường đại học và các hiệp hội Phật giáo thuộc 15 quốc gia đã tham dự hội nghị. Bên cạnh đó còn có các vị khách mời thuộc phía chính quyền nhà nước và chư Tăng lãnh đạo Tăng già Sri Lanka, cùng đông đảo quan khách trong và ngoài nước đã có mặt tại buổi lễ khai mạc.
Thủ tướng Jayaratne còn cho biết, Tăng đoàn ở Sri Lanka cũng như ở các quốc gia Phật giáo khác đã đóng một vai trò lịch sử quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy Phật giáo tại đất nước mình. Các cư sĩ Phật tử thì nương vào sự dẫn dắt của các vị tu sĩ để giữ gìn sự thuần khiết nguyên sơ của giáo lý Phật giáo. Thông điệp của Đức Phật rất tương hợp với thế giới hiện tại, tuy nhiên chúng ta đang phải đối mặt với nhiều trở ngại quyết định đến sự sống còn của Phật pháp ở các quốc gia Phật giáo.
Thủ tướng Jayaratne nhấn mạnh: Sự nghèo đói ở các nước châu Á đã tạo nhiều cơ hội tốt cho các tôn giáo khác trong việc lôi kéo các cư sĩ Phật tử nghèo của các nước đi theo tôn giáo của họ bằng cách cung cấp các lợi ích vật chất. Điều này đã trở thành một vấn đề đáng báo động, gây thiệt hại cho Phật giáo ở các nước này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông SB Dissanayake, phát biểu rằng: Ông tin chắc rằng, đây là thời điểm thích hợp cho việc cải cách hệ thống giáo dục Tăng sĩ để cho phù hợp với thế giới hiện đại.
Ông còn gợi ý, chúng ta nên nỗ lực tìm hiểu và học hỏi từ sự đa dạng và giàu truyền thống Phật giáo ở các quốc gia khác, chúng ta cần phải nỗ lực để hợp tác với nhau để cùng nhau hướng đến việc truyền bá giáo lý của đạo Phật.
Phó hiệu trưởng Đại học Buddhasravaka Bhiksu, Hòa thượng giáo sư Tumbulle Sri Seelakkhandha Nayake Thera, cũng đã phát biểu trong hội nghị rằng: Đây là một thời điểm vô cùng đặc biệt trong dịp kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo để chúng ta nhìn lại quá trình tiến bộ của Phật giáo từ trước cho đến nay. Sẽ vô cùng lợi ích cho loài người khi chúng ta chẩn đoán một cách đúng đắn những thách thức trên nhiều phương diện mà Phật giáo đã phải đối mặt với cả hai khía cạnh nội tại và ngoại tại trong hơn 2,5 thiên niên kỷ.
Giáo sư Ananda Wehihena Palliya Guruge, giáo sư nghiên cứu Phật giáo và trợ lý đặc biệt cho Hiệu trưởng Đại học Tây Lai, Los Angeles, Hoa Kỳ cho biết trong bài phát biểu của mình rằng, từ trước đến nay cộng đồng Phật giáo quốc tế vẫn chưa nhận ra được sự cần thiết đối với một cơ quan định hướng hành động nhằm khởi xướng và thực hiện sự nỗ lực tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo. Những trường học truyền thống của Phật giáo và các tông phái Phật giáo đã phát triển một cách dân chủ và có tính phân cấp độc lập cao trong suốt chiều dài lịch sử.
Minh Nguyên (Theo Dailynews.lk)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ, số 631, ra ngày 3-3-2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!