LTS: Vào ngày 15-3-2012, Tăng đoàn tu viện Namyal - tu viện của Đức
Dalai Lama tại Dharamsala, Ấn Độ - do ngài Tu viện trưởng Thamthog Tulku
Rinpoche làm trưởng đoàn, đã đến thăm Tòa soạn Báo Giác Ngộ. Trong buổi gặp gỡ ấy,
ngài Thamthog đã chia sẻ những kinh nghiệm tu tập để có được sự hạnh phúc ngay
trong cuộc sống hiện tại. Nay chúng tôi lược ghi lại để giới thiệu cùng bạn đọc.
Mặc dù chúng ta có những nền
văn hóa khác nhau, có tông phái và pháp môn tu tập khác nhau, ngôn ngữ khác
nhau, hình thể khác nhau… nhưng trên tất cả, chúng ta đều là đệ tử của Phật, là
những người tu học theo giáo lý của Đấng Giác Ngộ, đều hướng đến một mục đích
chung là tìm kiếm hạnh phúc, giải thoát cho tự thân và cho tha nhân.
Trong rất nhiều giáo lý mà Đức
Phật đã dạy thì giáo lý Duyên khởi là một trong những giáo lý trọng tâm của đạo
Phật. Theo tinh thần giáo lý Duyên khởi, tất cả các pháp trên thế gian này đều
do các nhân duyên hội tụ mà sinh ra, nương vào nhau mà tồn tại chứ không do một
đấng Sáng tạo nào tạo ra cả. Chiến tranh hay hòa bình ở các quốc gia trên thế
giới, sự giàu có hay nghèo đói, hạnh phúc hay đau khổ của con người đều do các
duyên mà sinh khởi, không phải ngẫu nhiên mà có. Và trong đó, con người là nhân
tố đóng vai trò chủ đạo. Có nhiều lúc chúng ta khổ đau mà không hiểu tại sao
mình bị khổ đau, không rõ nguyên nhân do đâu, cho nên mình không biết cách giải
quyết. Một khi chúng ta đã hiểu được cội nguồn chính yếu của mọi khổ đau của
chúng ta là ở nơi chính mình, ở nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, tự mình
làm cho mình hạnh phúc và cũng chính mình làm cho mình khổ đau chứ không ai
khác, thì chúng sẽ biết phương pháp để đoạn trừ khổ đau và làm tăng trưởng hạnh
phúc. Nhờ vậy mà tâm ta được an bình hơn và cuộc sống tươi đẹp hơn.
Thường thì chúng ta hay đổ thừa
trách nhiệm lên người khác đối với những khổ đau của mình. Chúng ta nghĩ do người
này làm mình khổ đau, người kia làm cho mình bất an, người nọ làm cho mình nổi
cáu… chứ hiếm khi nghĩ là do mình nghĩ bậy, làm bậy, do sự thiếu sáng suốt, do
tham sân, chấp ngã trong tâm mình tạo ra; do tâm nghĩ điều xấu, miệng nói lời
ác, thân làm việc bất thiện cho nên bây giờ mình chịu quả báo khổ đau. Đến khi
nào mình dám nhìn thẳng vào sự thật, dám chịu trách nhiệm về những khổ đau của
mình, thấy được những khổ đau ấy là do những bất thiện nghiệp từ thân, khẩu, ý
của mình tạo ra thì mình sẽ biết cách điều chỉnh những ý nghĩ, lời nói và hành
vi của mình cho phù hợp với Chánh đạo, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức mà
Thế Tôn đã dạy, thì lúc đó chúng ta sẽ có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Có một lời dạy hết sức quan trọng
mà Đức Phật đã dạy cho tất cả mọi người, đó là: Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng
làm lợi ích cho tất cả muôn loài, dù chúng ta làm gì hay trong bất cứ trường hợp
nào cũng đều phải nghĩ đến sự an vui, hạnh phúc của người khác. Nếu như chúng
ta không thể đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác thì ít nhất là chúng ta
không được gây tổn hại đến người khác.
Để hoàn thiện bản thân thì
chúng ta phải biết tự kiểm soát chính mình. Từ sáng sớm thức dậy cho đến khi đi
ngủ, chúng ta phải nhìn lại xem mình đã có những ý nghĩ gì, đã nói những gì và
làm những gì? Xem xem là mình có nói những lời hay, có nghĩ những điều tích cực,
có làm những việc tốt không, hay là mình đã nói những lời xấu ác, nghĩ những điều
tiêu cực, thâm hiểm và làm những việc gây tổn hại người khác? Chúng ta phải tự
quán xét, tự đánh giá mỗi ngày và liên tục như thế thì chúng ta sẽ biết được những
gì đem đến hạnh phúc cho mình và người, và những gì gây khổ đau cho mình và người.
Và chúng ta cố gắng trong mỗi ngày đều nghĩ những điều tốt, nói những điều hay
và làm những việc thiện, loại bỏ dần những nghiệp nhân bất thiện. Đấy chính là
phương pháp để chúng ta hành trì. Bởi vì, chỉ có chúng ta mới biết rõ bản thân
mình hơn ai hết. Mình nghĩ gì, nói gì và làm gì thì mình đều có thể nhận diện
được một cách rõ ràng. Tự kiểm nghiệm bản thân là vấn đề quan trọng nhất để
hoàn thiện nhân cách, để tiến triển trong nếp sống tâm linh. Mỗi buổi sáng thức
dậy, chúng ta nhìn lại xem mình đang nghĩ những gì, những ý nghĩ tốt sinh khởi
nhiều hơn hay những ý nghĩ xấu nhiều hơn. Nếu những ý nghĩ xấu nhiều hơn thì
chúng ta cần tìm cách giảm thiểu, nếu những ý nghĩ tốt nhiều thì chúng ta tìm
cách phát huy. Rồi chúng ta quán sát, nhận diện những lời nói và hành vi của
mình để thanh lọc và điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tốt lành. Nếu chúng
ta làm được những việc đó mỗi ngày, kéo dài đến một tháng, hai tháng, hay một
năm, hai năm thì chúng ta sẽ thấy có một sự thay đổi lớn trong dòng tâm thức của
mình, trong lời nói và hành vi của mình. Và lúc đó chúng ta sẽ sống bình an và
hạnh phúc hơn, đồng thời chúng ta đem đến lợi ích cho nhiều người hơn.
Ngày nay, toàn thế giới đang chạy
theo vấn đề vật chất, ở Việt Nam cũng thế. Bởi nhiều người nghĩ rằng, khi chúng
ta dồi dào về vật chất, có đầy đủ các tiện nghi, các phương tiện hiện đại thì
chúng ta sẽ có hạnh phúc. Chính vì thế mà nhiều người cố gắng tạo ra thật nhiều
của cải vật chất, cố gắng tích góp thật nhiều phương tiện hiện đại, như là nhà
lầu, xe hơi, máy bay, các thiết bị điện tử siêu xịn… Thế nhưng, một khi họ có
được những thứ đó rồi thì họ vẫn đau khổ như thường, họ vẫn cảm thấy bất an, cảm
thấy căng thẳng, cô đơn, âu sầu, phiền muộn… Tại vì, vật chất chỉ có giá trị tương
đối mà thôi, nó không phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc của mỗi người. Hạnh
phúc hay khổ đau đều do đời sống nội tâm của con người cả. Nói như thế không có
nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của vật chất, chúng ta không cố gắng
tạo ra của cải, vật chất để đưa xã hội phát triển. Chúng ta vẫn phát triển công
nghệ, vẫn sản xuất vật chất, vì vật chất là điều kiện cơ bản để chúng ta có cuộc
sống ổn định, là điều kiện cần để có hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành
thời gian để chăm lo đời sống tâm linh của mình, phải nuôi dưỡng tâm thức của
mình bằng những dưỡng chất thanh cao, tốt đẹp. Chúng ta phải chăm chút cho đời
sống nội tâm của mình, để chúng ta có được sự an bình, hạnh phúc. Nhờ vậy mà
chúng ta có thể đem lại an bình, hạnh phúc cho những người thân yêu, bạn bè, đồng
nghiệp của mình và những người xung quanh. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, nếu
tâm chúng ta đầy những khổ đau, muộn phiền thì chúng ta khó lòng đem đến an
vui, hạnh phúc cho người khác. Khi chúng ta dồi dào về vật chất, đầy đủ các tiện
nghi hiện đại, nhưng tâm chúng ta đầy sân hận, đầy những tham lam, tật đố, đầy
kiêu căng, ngạo mạn thì những thứ của cải, vật chất đó vẫn không giúp ích gì
cho ta trong việc chuyển hóa tâm mình, không giúp cho ta có được sự bình an ở
trong lòng. Chúng ta chỉ có được hạnh phúc khi những tham lam, sân hận, kiêu
căng ở trong lòng được giảm thiểu, được chuyển hóa. Nhờ vào giáo pháp của Phật,
chúng ta có thể làm được việc này. Vì những phiền não, những tham, sân, si ấy vốn
không phải là bản chất của tâm, chúng do duyên sanh, do các yếu tố bên ngoài
góp phần tạo nên. Do vậy, chúng ta có thể chuyển hóa chúng nhờ vào con đường Giới
- Định - Tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy. Chúng ta phải nhận diện và chuyển hóa những
bất thiện nghiệp khi chúng vừa dấy lên trong tâm mình, đừng để cho chúng bộc
phát ra bên ngoài, để rồi làm khổ mình, làm hại người.
Xét về phương diện xã hội, tất
cả mọi người trong cuộc đời này đều phụ thuộc vào nhau, nương nhau để tồn tại,
chứ không ai có thể tồn tại một cách hoàn toàn độc lập được, bởi vì luật duyên
khởi mang tính phổ quát, chi phối đến tất cả mọi người, mọi loài. Cũng chính vì
mọi người nương vào nhau để tồn tại cho nên hạnh phúc hay đau khổ của người này
có sự ảnh hưởng và tùy thuộc vào hạnh phúc hay khổ đau của người khác. Chúng ta
không thể nào có được hạnh phúc khi mà những người thân của mình, những người
xung quanh mình đang đau khổ. Cho nên, những bậc hiền trí luôn tìm cách làm lợi
ích cho người khác, luôn làm cho người khác được hạnh phúc, và khi người khác
có hạnh phúc thì chính bản thân những bậc hiền trí ấy cũng được hạnh phúc theo
và khi ấy niềm hạnh phúc của họ được nhân lên rất nhiều. Hơn nữa, bản thân mình
chỉ là số ít, và mọi người trong xã hội mới là số đông. Chúng ta hãy sống vì hạnh
phúc và lợi ích cho số đông, đấy mới là vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta vì lợi
ích cá nhân mà tổn hại đến lợi ích của tâp thể thì chúng ta khó lòng có được hạnh
phúc. Ngược lại, nếu chúng ta lo cho hạnh phúc của số đông thì hạnh phúc của
chúng ta sẽ được bền vững hơn, sẽ đến một cách rất tự nhiên và được tăng lên rất
nhiều.
Có một thực tế là người nào sống
vì cộng đồng, luôn giúp đỡ mọi người, chăm lo cho hạnh phúc của người khác thì người
đó thường dễ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Tại vì họ thường
giúp đỡ người khác, xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp, cho nên khi
họ làm bất cứ việc gì, hoặc cần đến sự giúp đỡ thì đều nhận được sự giúp đỡ của
nhiều người. Và những người như thế thì không những hiện tại họ sống hạnh phúc,
an vui, thành công trong cuộc sống mà những kiếp sống tương lai của họ cũng sẽ
được hạnh phúc. Còn với những người ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì
thường khó thành công, khó có được hạnh phúc, và luôn sống trong lẻ loi, đơn độc.
Ngày nay, Phật giáo đã được
truyền bá rộng rãi trên khắp năm châu, rất nhiều người phương Tây quay về nghiên
cứu và tu học theo giáo lý của Đức Phật. Và theo đà phát triển của khoa học kỹ
thuật, giáo lý của đạo Phật ngày càng thể hiện rõ giá trị và vai trò của mình đối
với nhân loại, đối với niềm an lạc và hạnh phúc của mỗi người. Kho tàng giáo lý
của Phật giáo trở thành bảo vật vô cùng quý giá của toàn nhân loại. Vì thế, những
người con Phật như chúng ta cần phải chuyên tâm tu học, phải hành trì miên mật,
phải bảo tồn, phát huy và truyền bá Chánh pháp đến với mọi người, nhất là với
thế hệ trẻ, để góp phần đem lại hạnh phúc cho muôn loài và tạo dựng nền hòa
bình cho thế giới.
Thamthog
Tulku Rinpoche - Quảng Trí lược ghi
(Nguồn: Báo Giác Ngô, số 639, số đặc biệt mừng Phật đản, ra ngày 28-4-2012)
1 nhận xét:
Phiền não biết, phiền não đoạn.
Tham sân biết, tham sân dứt.
Vui buồn biết, buồn vui dừng.
Thiện ác biết, thiện ác bặt.
Từng sát na biết, còn gì dính mắc ?
Tự tại vĩnh hằng.
Trời xanh mây trắng bay.
TKN.Thích Nữ Chân Liễu
Đăng nhận xét