Tu viện Paro Taktsang là một
trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan. Gọi một cách đầy đủ là tu
viện Taktsang Palphug, còn được biết đến dưới tên tiếng Anh là The Tiger's Nest
Monastery (Tu viện Hang Cọp). Tu viện tọa lạc trên một vách núi đá granit cao
ngất giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro, có độ cao hơn 3.000m so với mực
nước biển, khoảng 900m so với thung lũng Paro. Nơi này được tín đồ Phật giáo và
người dân Bhutan
đặc biệt tôn kính bởi vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Padmasambhava
(Liên Hoa Sinh).
Lần đầu tiên ngài Liên Hoa Sinh
đến Bhutan
là vào năm 746. Lúc ấy ngài đang ở Ấn Độ và được vua Sindhu Raja mời đến Bumthang để trị bệnh cho vua, vì nhà vua
đang lâm trọng bệnh. Sau khi ngài đến Bhutan,
ngài đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và từ đó nhà vua phát tâm quy y theo Phật. Chữa
bệnh và quy y cho nhà vua xong thì ngài quay trở lại Ấn Độ và hứa là sẽ trở lại
Bhutan để hoằng truyền Chánh
pháp, giáo hóa cho người dân Bhutan.
Một năm sau (năm 747), ngài
Liên Hoa Sinh được vua Thrisong Deutsen
thỉnh đến Tây Tạng để hỗ trợ cho đức vua trong việc xây dựng tu viện Samye. Rồi từ Tây Tạng, ngài quyết định sang thăm Bhutan.
Trong chuyến thăm Bhutan lấn
thứ hai này, ngài đã đi hoằng hóa khắp đất nước Bhutan và chúc phúc cho nhân dân. Trong
khi ngài đang ở Singye Dzong inKurtoe, Bhutan, người ta cho rằng ngài đã
bay đến Paro Taktsang dưới hình dạng hóa thân của thần Dorji Drolo cưỡi
trên lưng con hổ cái. Thần Dorji Drolo được xem là một trong tám hóa thân của
ngài.
Truyện kể rằng, trước khi ngài
đến, khắp đất nước Bhutan
bị khống chế bởi những linh hồn tàn ác. Khi ngài đến thì ngài đã chế ngự được
những linh hồn tàn ác đó và khuyến hóa chúng để chúng không quấy nhiễu nhân dân
nữa, chúng lại còn phát nguyện làm những vị thần bảo hộ cho đất nước Bhutan.
Khi ngài Liên Hoa Sinh đến Paro
Taktsang, ngài đã hành thiền trong các hang động tại đấy trong vòng ba tháng và
ngài còn xác chứng Paro Taktsang là nơi thiêng liêng nhất trong những thánh địa
ở Bhutan.
Ngài Liên Hoa Sinh được xem là vị tổ khai sinh của Phật giáo Bhutan và cũng là vị thần bảo hộ của nhân dân Bhutan.
Tu viện Paro Taktsang được xây
dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup, nơi được cho là ngài Liên Hoa Sinh
đã tọa thiền trong vòng ba tháng lúc ngài đến tịnh tu tại Paro Taktsang vào thế
kỷ thứ VIII.
Đến thế kỷ thứ 11, nhiều cao
tăng người Tây Tạng đã đến núi Taktsang để hành thiền. Từ thế kỷ thứ 12 đến thế
kỷ thứ 17, nhiều vị Lama Tây Tạng đã đến Bhutan và rồi sáng lập ra nhiều tu
viện tại đấy. Ngôi điện Phật đầu tiên được xây dựng ở khu vực Paro Taktsang là
vào thế kỷ thứ 14, do ngài Sonam Gyeltshen tạo dựng. Ngài Sonam Gyeltshen là một
vị chân sư Mật tông Tây Tạng, thuộc nhánh Kathogpa. Tuy nhiên, đến nay thì ngôi
điện Phật ấy không còn dấu vết nào cả.
Vào năm 1692, trong chuyến viếng
thăm thánh tích Paro Taktsang, ngài Druk Desi Tenzin Rabgye đệ tứ đã đặt nền
móng xây dựng một tu viện tại Paro Taktsang để tưởng niệm ngài Liên Hoa Sinh. Từ
đó trở đi, tu viện Paro Taktsang đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Vào ngày 19-4-1998, một vụ hỏa
hoạn đã thiêu rụi ngôi điện chính của quần thể tu viện Paro Taktsang. Nhiều bức
tranh, bức tượng giá trị và một số cổ vật khác cũng bị ngọn lửa thiêu đốt. Sau
cơn hỏa hoạn, quốc vương Bhutan,
vua Jigme Singye Wangchuck, cùng với chính phủ Bhutan đã chỉ đạo công việc trùng
tu Tu viện Paro Taktsang. Công việc trùng tu được hoàn thành vào năm 2005.
Hiện tại, quần thể tu viện Paro
Taktsang trông rất hùng vĩ, bề thế ở trên vách núi đá. Vách núi hết sức cheo
leo, có thể nói là dựng đứng. Quần thể tu viện gồm có bốn ngôi điện chính và những
khu nhà ở được thiết kế một cách khéo léo, tùy biến theo địa thế của các vách
núi đá, các hang động. Xung quanh khu vực của tu viện Paro Taktsang hiện có tám
hang động, trong đó có bốn cái thì dễ dàng vào thăm, bốn cái kia thì khó hơn. Tu
viện dựng cheo leo trên vách núi và được ví “như là hình ảnh con tắc kè đang
bám vào vách núi”. Các ngôi điện của tu viện được nối với nhau bằng những bậc cấp
và những lối đi được lát bằng đá. Bên cạnh đó, trên các lối đi còn có một vài
cây cầu bằng gỗ yếu ớt. Xung quanh mỗi ngôi điện còn có những ban công, đấy là
nơi lý tưởng cho du khách ngắm nhìn thung lũng Paro tuyệt đẹp ở phía dưới.
Có một vài con đường khác nhau
dẫn lên tu viện Paro Taktsang. Xung quanh tu viện là cả một rừng thông bạt
ngàn. Một nét rất đặc trưng của các tu viện Mật tông Tây Tạng là có rất nhiều
dây cờ phướn màu sắc sặc sỡ, in những lời kinh cầu nguyện, những câu thần chú,
được giăng xung quanh tu viện cũng như trên lối đi dẫn lên tu viện. Có những
ngày, toàn bộ tu viện Paro Taktsang và ngọn núi Taktsang chìm vào trong những
đám mây, tạo nên một không gian u tịch, huyền diệu. Nếu ai đến thăm tu viện vào
những dịp ấy thì sẽ có cảm giác như là đang lạc vào một cảnh giới u huyền, thâm
hiểm nào đó vậy.
Trên con đường dẫn lên tu viện
Paro Taktsang, có ngôi làng Lakhang và ngôi chùa Urgyan Tsemo tọa lạc một khu
núi đá khá bằng phẳng. Từ địa điểm này mà nhìn thì những ngôi điện của tu viện
Paro Taktsang nằm ở vách núi đối diện. Đấy là một nơi lý tưởng để cho du khách
thỏa sức ngắm nhìn tu viện Paro Taktsang và cảnh núi non hùng vĩ, cùng lắng
nghe tiếng thác đổ như phá tan sư yên tĩnh của núi rừng. Dọc lối mòn dẫn lên tu
viện Paro Taktsang có một thác nước có độ cao 60m và đổ vào một cái hồ thiêng,
người ta đã bắc một cây cầu để đi qua hồ này. Đường đi chấm dứt tại ngôi điện
chính của tu viện. Tại đấy, mọi người có thể nhìn thấy hang động mà năm xưa
ngài Liên Hoa Sinh đã hành thiền trong ba tháng. Động này chỉ mở cửa cho du khách
vào chiêm bái mỗi năm một lần duy nhất mà thôi. Đấy là vào dịp lễ hội hàng năm
vào tháng thứ năm theo lịch của người Bhutan. Lễ hội này kéo dài trong
vòng 21 ngày.
Tại tu viện Paro Taktsang còn
có những thứ mà du khách đáng lưu tâm, cần chiêm ngưỡng, đó là những bức tranh
vẽ, những bức tranh Thangka được treo xung quanh tường của các ngôi điện, và những
bức bích họa trên các vách động, vách núi. Những bức tranh, những bức bích họa ấy
miêu tả chân dung ngài Liên Hoa Sinh, sự tu hành và hoằng hóa của ngài, có cả
những vị Phật, Bồ-tát, những vị thần trong Phật giáo và trong văn hóa dân gian
Bhutan.
Người ta tin rằng, nếu chúng ta
hành thiền tại tu viện Paro Taktsang trong vòng một phút thì thành quả đạt được
có thể bằng so với khi chúng ta hành thiền mấy tháng liền ở những nơi khác.
Paro Taktsang là một thánh địa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người
dân Bhutan
trong suốt chiều dài lịch sử mười mấy thế kỷ qua và có lẽ là mãi mãi về sau.
Ngày nay, khi chính sách ngoại
giao và du lịch của Bhutan
đang dần mở cửa, ngày càng có nhiều du khách đến thăm tu viện Paro Taktsang và
chiêm bái hang động tu hành của ngài Liên Hoa Sinh. Tu viện Paro Taktsang trở
thành một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua đối với khách hành hương khi họ
đến Bhutan.
Quảng
Trí
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 194, ra tháng 5-2012)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét