Đức Dalai Lama chia sẻ với các trẻ em Nhật Bản tại Ishinomaki |
Vào ngày 29-10, Đức Dalai Lama
bắt đầu chuyến viếng thăm và hoằng pháp tại Nhật Bản. Trong chuyến viếng thăm lần
này của mình, Đức Dalai Lama đã có buổi hội đàm và chia sẻ những đau thương, mất
mát với những người dân Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thiên tai gần đây, nhất là những
nạn nhân của trận thiên tai kép - trận động đất, sóng thần vào ngày 11-3-2011. Trong
lời phát biểu của mình trước quần chúng nhân dân Nhật Bản, Đức Dalai Lama, vị
lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đánh giá cao sự dũng cảm và tính kiên
cường của chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong việc khắc phục những hậu quả do
trận động đất, sóng thần kinh hoàng gây ra cho đất nước của họ. Chính phủ và
nhân dân Nhật Bản đã kiên cường và hợp sức để tái thiết đất nước, để xây dựng lại
quốc gia của họ, ngay cả từ đống tro tàn như họ đã làm sau cuộc chiến tranh thế
giới lần thứ hai.
Cũng trong lần viếng thăm này, khoảng
900 người tín đồ Phật tử Nhật Bản đã tham dự lễ quán đảnh và truyền trao năng
lượng của Đức Bồ-tát Bạch Độ Mẫu do Đức Dalai Lama chủ trì, được tổ chức tại hội
trường của trường Đại học Koyasan.
Đức Dalai Lama cũng đã thực hiện
một chuyến hành hương ngắn đến ngôi chùa phụng thờ Đức Đại Nhật Như Lai trên núi
Koya, thuộc vùng Koyasan. Ngôi chùa được kiến tạo giữa rừng cây hết sức kỳ vỹ. Vùng
núi Koya là trung tâm của Chơn Ngôn tông, một trong những tông phái chính của
Phật giáo Nhật Bản.
Đức Dalai Lama nhắc lại rằng, cần
phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo nên sự phát triển tâm linh, để tạo được nội lực
bên trong mỗi cá nhân: "Không chỉ có tiền bạc và quyền lực, mà thái độ tự
cho mình là trung tâm, và chỉ biết suy nghĩ về lợi ích của riêng mình cũng không
có thể đem đến sự bình an và hạnh phúc lâu dài được. Tất cả các cuộc xung đột diễn
ra là đều do thái độ tự cho mình là trung tâm của con người mà ra. Hạnh phúc và
an vui lâu dài chỉ có thể được đạt được thông qua tình thương yêu và sự quan
tâm đến niền an vui, hạnh phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama còn cho biết thêm
rằng, các nhà khoa học đã có sự lưu tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu những cảm
xúc trong việc tạo nên hạnh phúc và đau khổ cho con người. Ngài khẳng định: "Sự
cố gắng để phát triển những tình cảm tích tực trong tâm của mình, chẳng hạn như
lòng từ ái, tính kiên nhẫn, tình thương yêu và lòng tốt sẽ mang lại an lạc và hạnh
phúc cho tự thân và tha nhân".
Trong quá trình truyền trao nguồn
năng lượng khởi nguyên của Bồ-tát Bạch Độ Mẫu, Đức Dalai Lama bảo tín chúng quán
tưởng là tâm trí của họ giống với tâm trí của Bồ-tát, và phát nguyện từ bỏ thái
độ tự cho mình là trung tâm.
Trong buổi thảo luận tại Đại học
Koyasan nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập trường, Đức Dalai Lama đã nói: "Với
tư cách là một người bạn và một người đồng đạo, cùng tu học theo Đức Phật, tôi
cảm thấy vinh dự khi được chia sẻ những tổn thương, mất mát mà quý vị đã chịu đựng
do các thảm họa thiên nhiên gây ra trong thời gian gần đây”.
Trả lời các câu hỏi về lý do tại
sao người dân Nhật Bản lại bị thiên tai như thế, Đức Dalai Lama đề cập đến một
số nguyên nhân như sự vận động liên tục của trái đất, sự nóng lên toàn cầu và những
việc làm tiêu cực trong các kiếp trước. Đức Dalai Lama nhấn mạnh rằng, tăng cường
tạo những công đức tập thể của cộng đồng có thể giúp ngăn chặn việc kết thành
quả báo của những hành động tiêu cực trong quá khứ. Công đức tập thể có thể được
tăng cường thông qua việc nâng cao những giá trị tích cực trong việc quan tâm đến
sự an vui, hạnh phúc của người khác.
Ngài nói thêm: “Tuy nhiên, có một
điều rất rõ rang là tất cả những đau khổ và xung đột trong thế giới này là do
con người tạo ra. Vì vậy, giải pháp cho những vấn đề đó nằm ở nơi chúng ta”.
Đức Dalai Lama cũng đã trả lời
câu hỏi làm sao để đạt được sự an bình và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Ngài
nói: “Cần ý thức được rằng, sự thoải mái thông qua các cảm xúc của các giác
quan và những thú vui vật chất chỉ là tạm bợ. Sự an vui và hạnh phúc đích thực có thể đạt được
thông qua việc sử dụng tích cực của chúng ta về trí thông minh của con người,
và giá trị của tình yêu, lòng từ bi và sự quan tâm đến hạnh phúc an vui, hạnh
phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama đến thăm vùng bị động đất và sóng thần tàn phá tại Ishinomaki |
Để làm sáng tỏ về vấn đề trí
thông minh của con người, Ngài cho biết, con người sẽ có nhiều sức mạnh hơn trong
việc sử dụng khả năng đặc biệt này, chính vì nó mà người ta có xu hướng nhắm đến
những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, như là nghi ngờ và thất vọng. Ngược lại, nếu như
sự thông minh của chúng ta được sử dụng cho sự an vui, hạnh phúc của người khác
thì nó sẽ làm tăng cường sự tự tin của chúng ta để tạo ra hạnh phúc cho chính
mình và cho người khác.
Ngài còn cho biết thêm rằng, kể
từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay, sự quan tâm trong việc nghiên cứu về tâm thức
đang ngày càng tăng lên. Đức Dalai Lama nói rằng, người nào có được tâm bình an
thì người đó được lành mạnh ở mức độ cá nhân, gia đình, xã hội và toàn cầu. Trong
những năm qua, Phật giáo đã được các nhà khoa học xem như là một hình thức khoa
học, và Phật giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra trạng
thái an bình cho tâm thức của con người.
Bằng tình thương yêu, sự quan
tâm chân thành và sự thông thái của mình, qua buổi hội đàm, Đức Dalai Lama đã
giúp cho người dân Nhật Bản giải tỏa được những uẩn khúc trong lòng, cảm thấy
nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
Minh Nguyên (Theo The Tibet Post International)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 615, ra ngày 12/11/2011)
1 nhận xét:
cảm ơn tác giả đã dịch bài này!
Đăng nhận xét