Hoàng đế A Dục, một mẫu người dung hòa giữa các tôn giáo trong thời cổ đại

Chân dung vua A Dục
Khi vừa mới nắm được quyền binh, vua A Dục đã tỏ ra là một bạo chúa. Lớn lên trong đẳng cấp chiến binh Kshatriya, hoàng tử trẻ A Dục đã nổi tiếng là một người hung bạo, một chiến binh, một thợ săn tàn nhẫn. Mặc dù là một người trẻ nhất trong số những người con trai của vua Tần Bà Sa La, nhưng hoàng tử A Dục đã tỏ ra là người bảo vệ tốt nhất của cha mình, làm chủ cả hai vấn đề: đàm phán và là bàn tay sắt để giữ cho các vùng hẻo lánh được bình yên. Hoàng tử A Dục đã thuyên chuyển các anh em của mình, thậm chí giết hại một số người, và đã xây dựng lực lượng đồng minh đủ mạnh tại triều đình, cho nên khi vua cha băng hà, người mà vua Tần Bà Sa La mong muốn kế vị đã bị soái ngôi và hoàng tử A Dục đã cướp ngôi. Gần một thập kỷ sau đó, ông đã hành quân qua phía Tây và phía Nam châu Á, trở thành vị vua mạnh mẽ nhất và đáng sợ nhất lúc bấy giờ.
Suốt tám năm, vương triều của vua A Dục đã lặn ngập trong cuộc chiến tranh đẫm máu để chinh phục tiểu quốc Kalinga (tương đương với bang Orissa ngày nay). Theo lời thú nhận của vua A Dục, cuộc chiến này đã khiến cho hơn 150.000 người dân Kalinga bị trục xuất, 100.000 người bị thiệt mạng và rất nhiều người dân Kalinga đã qua đời vì nhiều nguyên nhân khác.
Một sự cải đổi diệu kỳ
Câu chuyện cải đạo của vua A Dục hầu như chưa từng có trong biên niên sử của lịch sử tôn giáo. Trong vòng một năm sau cuộc chiến xâm lược vùng Kalinga, hoàng đế A Dục đã cải đạo, đi theo Phật giáo, quy y Tam bảo và chuyển đổi nhân cách hoàn toàn, từ một vị bạo chúa sang một nhà vua hiền triết, nhân đức. Vua đã thay đổi để xứng đáng là một vị hộ pháp. Vua đã định hình và tạo dựng một nền văn hóa hòa bình, quan tâm và chăm lo cho tất cả chúng sanh. Trên lộ trình đó, vua đã hỗ trợ đắc lực cho việc phát huy và truyền bá đạo Phật ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Điều gì đã tạo ra sự chuyển biến đáng kinh ngạc như thế? Có rất nhiều lời lý giải cho vấn đề này. Có một câu trả lời mang tính huyền thoại nhưng thường được trích dẫn, đó là những lời ăn năn, hối cải của vua: “Tôi đã làm gì? Nếu đây là một chiến thắng, thế thì sự thất bại là gì?  Đây có phải là một sự chiến thắng hay là thất bại? Đây là công bằng hay bất công? Đây là sự dũng cảm hay là sự tháo chạy? Có dũng cảm chăng khi giết hại rất nhiều trẻ em và phụ nữ vô tội? Phải chăng tôi đã làm điều đó để mở rộng lãnh thổ và để được thịnh vượng, hay là để phá hủy vương quốc và sự hưng thịnh của người khác? Nhiều người đã mất chồng, một số thì mất cha, một số người thì mất con, và thậm chí là một số người mất luôn cả những đứa con chưa chào đời.... Những mảnh vụn của các thi thể này là gì? Chúng là dấu hiệu của sự chiến thắng hay thất bại? Những con chim kên kên, quạ, đại bàng kia là sứ giả của thần chết hay là của thế lực ác?”.
Dù chi tiết về nó là gì đi nữa thì tham vọng bạo lực của vua A Dục đã chuyển đổi thành sự hỗ trợ nhân đạo đối với người dân trong nước và những người bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Trong suốt 30 năm sau đó, vua đã trở thành một vị vua nhân đức mà người dân hằng mơ ước trong nhiều thế kỷ, chính vì thế mà lịch sử về cuộc đời của vua A Dục đã trở thành một huyền thoại. Tất nhiên, trong gần 2.000 năm, những gì mà chúng ta được biết về vua A Dục là thông qua những văn bản, những kinh sách của Phật giáo được viết vào khoảng 400 hay 600 năm sau khi vua băng hà. Cộng đồng Ấn Độ giáo, tôn giáo mà vua đã từ bỏ, đã không hề quan tâm đến ông, mãi cho đến năm 1915, khi mà vấn đề nan giải về ngôn ngữ đã được giải quyết và di sản lịch sử của vua A Dục cuối cùng cũng đã được nhiều người quan tâm.
Câu chuyện lại quay ngược trở về năm 1828, khi ông James Prinsep, một nhà khảo cổ học, một triết gia lỗi lạc người Ấn-Anh đã tìm ra được cách chuyển dịch ngôn ngữ Brahmi cổ đại. Brahmi là ngôn ngữ đã được sử dụng để khắc ghi trong 33 “sắc lệnh của vua A Dục” mà chúng ta có ngày hôm nay, những sắc lệnh ấy được khắc trên đá, có những trụ đá của vua A Dục nặng đến 50 tấn và cả trên những tảng đá lớn, cũng như trên một số vách động. Một số sắc lệnh thì khá ngắn, nhưng một số khác thì dài đến hàng trăm từ. Chúng được khắc đi khắc lại nhiều nơi trên khắp đất nước. Chẳng hạn như bộ sưu tập 14 sắc lệnh ở Girnar đã được tìm thấy tại năm địa điểm và một phiên bản rút gọn tại hai điểm khác.
Trong các thông điệp mà đức vua gởi đến thần dân đó, chúng đều có tính thân mật hơn là trịnh trọng. Vua A Dục nói đến bản thân mình là “người thân của các vị thần, là vua Piyadasi”, có nghĩa “vua là người quan tâm đến mọi người với tình cảm chân thành”. Mãi cho đến năm 1915, khi những sắc lệnh cuối cùng được phát hiện, chúng ta thấy những bản văn ấy không chỉ nói đến vua Piyadasi, mà còn nói đến vua A Dục, xác nhận sự liên quan của vua đến tất cả những sắc lệnh ấy. Những điều đó đã được đưa vào huyền thoại và được lưu hành trong lịch sử. Vua A Dục nổi tiếng là một nhà lãnh đạo đấu tranh cho bình đẳng và công bằng xã hội, thực hiện chính sách khoan dung với các tôn giáo và hơn thế nữa. HG Wells đã viết: “Giữa hàng chục ngàn tên tuổi của các quốc vương đã tạo thành các dòng lịch sử, quyền lực, sự dũng cảm, sự cao quý và thanh bình của họ, tên tuổi của vua A Dục tỏa sáng, và tỏa sáng như là một ngôi sao đơn lẻ”.
Sự khám phá ấy đã đánh thức dân tộc Ấn Độ, giúp họ biết về kho tàng lịch sử ẩn giấu của họ. Vào giữa thế kỷ 20, danh tiếng của vua A Dục đã vang dội trở lại khắp vùng Nam Á như những gì mà đức vua đã có hơn 2.200 năm trước. Ngay giữa trung tâm của quốc kỳ Ấn Độ là hình bánh xe Pháp luân của vua A Dục, một hình ảnh được tìm thấy trên một số sắc lệnh của vua, biểu trưng cho đức hạnh. Mặc dù đã trở thành một Phật tử, nhưng những thành tựu của vua A Dục trong cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia là niềm tự hào dân tộc của Ấn Độ ngày nay.
Chính các sắc lệnh của vua đã cho chúng ta một cái nhìn sơ bộ về thế giới của vua A Dục, về những gì mà vua mong muốn đem lại cho nhân loại. Chúng hướng đến tính thiết thực. Trong phần đầu của các bia ký ở Girnar có ghi rằng: “Trước đây, trong bếp của “người thân của các vị thần”, vua Piyadasi, mỗi ngày có đến hàng trăm, hàng ngàn động vật bị giết để làm cà-ri. Nhưng bây giờ, nhờ vào những lời dạy của Phật, chỉ có ba sinh vật, hai con công và một con hươu bị chết, và con hươu thì không phải lúc nào cũng có. Và có khi ngay cả ba sinh vật ấy cũng không bị giết”. Vua khuyến khích mọi người tập ăn chay dần dần.
Điều làm cho vua A Dục hấp dẫn một cách kỳ lạ giữa các nhà cải cách vĩ đại trong lịch sử là bởi ông thực sự có sức mạnh để thể hiện tầm nhìn của mình. Một nhà quản lý có tính thực tế, vua đã đưa những hệ thống trách nhiệm vào trong các cải cách của mình. Từ những sắc lệnh của vua chúng ta có thể thấy rõ điều đó.
Vua đã phát huy tinh thần bình đẳng, xây dựng nền hòa bình, công bằng xã hội, tôn trọng quyền phụ nữ, tự do tôn giáo, phát triển giáo dục, khoa học, đối xử nhân đạo với các tù nhân, phát triển bền vững và xây dựng hệ thống chăm sóc y tế miễn phí rộng khắp cho các loài động vật, chim muông, và lẽ đương nhiên là cho cả con người.
Vua phát triển các dự án về công trình công cộng chính yếu, bao gồm bệnh viện, phòng khám và các trường học. Vua còn cho xây dựng các nhà nghỉ giữa những khu dân cư, cùng với những giếng nước, cây ăn quả và cây che mát để cho khách bộ hành dừng chân khi mệt mỏi.
Vua ra lệnh cấm chặt phá rừng, nhất là cấm săn bắn, và tìm cách cải thiện đời sống của người nô lệ.
Đối với xã hội, nhà vua kêu gọi người dân thể hiện thái độ tôn trọng, khoan dung và tiêu xài có điều độ.
Đối với cá nhân, vua chủ trương sống tử tế, tự kiểm điểm, trung thực, biết ơn, trung thành, và tự làm chủ bản thân. Vua khẳng định rằng: Sức mạnh của tình thương yêu vĩ đại hơn sức mạnh của thanh kiếm.
Một đế chế thân thiện với các tôn giáo
Sự cải đạo của vua A Dục đã làm thay đổi cuộc sống của chính vua và của xã hội Ấn Độ. Những sắc lệnh của vua nhắm đến việc bãi bỏ các nghi lễ, giáo điều và hạn chế các lễ hội, phát huy việc vận dụng những giá trị đạo đức của Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày. Chương trình nghị sự rộng lớn của vua đã thể hiện sự hiểu biết của vua về Phật giáo. Về bản chất, Phật pháp dạy mọi người thương yêu tất cả mọi chúng sinh, nói lời chân thật, tôn trọng và bao dung. Để thúc đẩy sự phát triển Phật giáo, vua A Dục đã xây dựng hàng ngàn bảo tháp trên toàn quốc. Vua còn đưa các vị Tăng sĩ, các vị Giáo thọ sư đi đến các vùng như Syria, Iran, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Vua còn đưa con gái của mình là Ni sư Sanghamitta, và con trai là Đại đức Mahinda đến Tích Lan để hoằng dương Phật pháp. Về cơ bản, những nỗ lực truyền giáo của A Dục đã biến Phật giáo truyền thống thành một tôn giáo cải cách trẻ trung, một tôn giáo mang tầm vóc quốc tế.
Ngày nay, việc truyền bá Phật giáo đến nhiều nơi nghe có vẻ bình thường, nhưng sự truyền bá của vua A Dục không giống với định kiến của chúng ta về một nhà truyền giáo. Vua A Dục không phải là một triết gia, cũng không phải là một tu sĩ, nhưng vua vẫn tiến hành việc cải thiện đời sống hằng ngày của nhân dân theo những giá trị của đạo Phật. Đồng thời, vua thực hiện chính sách tôn trọng các tôn giáo khác một cách nghiêm túc như đối với Phật giáo vậy. Vua kêu gọi tất cả mọi người tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tôn giáo. Vua còn khuyến khích những nhà giáo dục không phải là Phật tử, và yêu cầu tất cả các trường học dạy cho học sinh biết đánh giá cao tất cả các tôn giáo. Những người theo Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, và các tôn giáo khác đều được trọng dụng dưới triều đại của vua A Dục ngang bằng với những người Phật tử. Vua nhận định rằng: Làm tổn hại tôn giáo của người khác là tự hủy hoại tôn giáo của chính mình.
Nền văn minh mới mẻ của vua A Dục đã bị phai nhạt dần và trở thành huyền thoại trong vòng 50 năm sau khi vua băng hà. Và Ấn Độ giáo dần dần chiếm ưu thế ở Ấn Độ; Phật giáo thì phát triển bên ngoài biên giới của Ấn Độ, tại những vùng đất mà trước đây vua A Dục đã gửi các đoàn truyền giáo đến.
Và thế rồi, 22 năm sau ngày “Hội nghị Các tôn giáo trên thế giới” tổ chức vào năm 1893, bức màn của lịch sử đã được vén lên sau hơn hai thiên niên kỷ, làm lộ ra một nhà lãnh đạo toàn cầu, người đã xây dựng được một nền văn hóa hòa bình, có tính xây dựng và tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của các tôn giáo kéo dài gần một thế kỷ. Thành tựu của vua A Dục là sự thúc đẩy cho những ai có những ước mơ tương tự về tương lai của nhân loại. Tất cả chúng ta đều cần phải học tập các sắc lệnh của vua A Dục. 
Harish Singhal và Paul Chaffee (Theo The Interfaith Observer, 10-2011)
Minh Nguyên dịch
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 188, ra tháng 11/2011)

Sáu thủ thuật làm chủ thời gian theo lời Phật dạy

Hầu như tất cả mọi người đều than phiền là họ không có đủ thời gian. Nhưng tất cả thời gian đã tiêu tốn vào đâu? Tại sao những công cụ tiết kiệm sức lao động và các phương tiện đi lại, truyền thông nhanh hơn của nhân loại không giải phóng chúng ta? Hoặc ít nhất là cung cấp cho chúng ta khoảng thời gian rảnh rỗi để thực hiện những điều mà chúng ta muốn và cần phải làm, hoặc chỉ đơn giản là làm chậm lại và tận hưởng những gì chúng ta đã làm việc rất khó khăn để tạo ra chúng, tại sao lại không được? Thực ra, không phải chúng ta thiếu thời gian, mà là thiếu sự tập trung, sự tỉnh giác và không biết thiết lập tính ưu tiên. Chúng ta phải thay đổi không gian trong nhịp sống của mình - đánh thức mình bằng cách chuyển sang một cách tồn tại khác. Chúng ta có tất cả các thời gian trên thế giới. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta, tùy vào cách chúng ta chọn để sử dụng nó ra sao.
Tạo ra không gian trong nhịp sống của mình
 Chánh niệm là nhân tố cốt lõi trên con đường đưa đến sự giác ngộ, tỉnh thức của Đức Phật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đề cao bản thân hoặc là sự thoái lui trước sự tự ý thức của một thiếu niên về câu hỏi “Với tôi thì sao?”; mà là sự nhớ đến việc ghi nhớ và luôn sống trong sự ý thức về những gì chúng ta thật sự đang làm ngay trong giây phút này.
Căn bệnh thời gian (time-sickness) là một căn bệnh phổ biến hiện nay. Mọi người nói rằng họ muốn sống chậm lại, muốn sống hài hòa với thiên nhiên hơn và muốn sống khỏe, sống một cách lành mạnh. Nhưng ai là người biết cách để thực sự sống được như thế? Ai có sẵn liều thuốc thời gian (time-medicine), và ai là người đã sẵn sàng, sẵn lòng và có thể sống như thế? Sự tỉnh thức là nhân tố thiết yếu trong cuộc hành trình tuyệt vời này, nó sẽ đem đến cho chúng ta một bức tranh lớn hơn, cũng như những chi tiết trong từng phút giây trên lộ trình ấy.
Nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ ta
Annie Dillard đã viết: “Cách chúng ta sử dụng thời gian trong ngày chính là cách chúng ta sống trong cuộc đời”. Sự lựa chọn là hoàn toàn tùy thuộc ở ta. Chúng ta có thể học cách nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ và trói buộc ta. Hãy cố gắng thực tập chánh niệm - nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng một cách có ý thức và không hề đánh giá, phê phán - đối với mọi thứ ta làm, ta nói và ta suy nghĩ trước khi ta phản ứng một cách mù quáng.
Nói cách khác, hãy tạm dừng lại và xem xét. Bạn có thực sự muốn chơi trò chơi Angry Birds (một trò chơi điện tử trên máy vi tính), hoặc là chơi đùa với các con trong năm phút? Bạn có thực sự xem chiếu lại của một chương trình truyền hình hay mà không phải là lần đầu tiên xem, hoặc dành một nửa giờ đồng hồ để thực tập thiền? Vùi đầu vào mạng internet, hoặc gối đầu trên gối và có được một giấc ngủ ngon? Với chỉ một khoảnh khắc của sự chú ý sáng suốt, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống trong mỗi phút, mỗi giờ, và cuối cùng là toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Định hình lại ý thức của mình
Đôi khi chỉ cần sự định hình lại quan điểm, ý nghĩ của chúng ta một cách đơn giản là đã có thể làm thay đổi cuộc sống của ta. Tôi nhớ rõ rằng, khi tôi có ý thức và tập trung chuyển đổi công việc thật là chán phèo, dắt chó đi dạo hai lần một ngày, thành một khoảng thời gian đáng sống, và thế là nó đã trở thành khoảng thời gian tốt đẹp nhất trong ngày của tôi. Con chó Lili lông vàng, người bạn đồng hành trung thành của tôi đã giúp tôi định hình lại việc dắt chó đi bộ như là việc thiền hành. Tôi có thể chan hòa với thiên nhiên, hòa mình vào thế giới, chan hòa với những người hàng xóm của tôi, và với bản thân tôi, phát triển một thái độ bao dung hơn, và thậm chí là có được một bài tập thể dục nhẹ. Tất cả những thứ đó chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ trong ý thức và quan điểm của ta mà thôi. Tôi gọi điều này là “định hình lại ý thức”. Đấy là một việc làm khá dễ dàng, thoải mái và cực kỳ bổ ích.
Làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm
Học để biết sử dụng cái mà tôi gọi là “cái nêm của sự tỉnh giác”. Đưa sự tỉnh thức của ta vào giữa những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình - những kích thích bên ngoài - và sự phản ứng bên trong của ta. Nếu có ai đó làm cản trở bạn trong lúc đi đường, hãy dừng lại một cách có ý thức và để cho nó qua đi, đừng bám víu vào cơn thịnh nộ khi bạn lái xe và đừng để cho hành động của người khác đánh cắp thời gian của bạn. Đây là sự thực tập đơn giản về sự không chấp thủ - nó giống như việc quay trở về với hơi thở một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa trong thiền định - có thể rất là hữu ích, bởi vì nó giải thoát chúng ta khỏi sự tức giận, hối tiếc và cảm giác tội lỗi, và cuối cùng là giải phóng thời gian của chúng ta. Đấy chính là trọng tâm của điều mà tôi gọi là “làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm”, và có thể được áp dụng để ứng xử với bất kỳ loại cảm xúc nào.
Tự hỏi: Liệu nó có xứng đáng để tôi dành thời gian không?
Đây là một câu hỏi đơn giản, nhưng tự hỏi như thế sẽ giúp ta chuyển đổi thời gian bị lãng phí thành thời gian được sử dụng một cách hữu ích. Tại sao chúng ta không tiết kiệm và đầu tư thời gian một cách cẩn thận như chúng ta đã làm đối với tiền bạc, vì thời gian có giá trị hơn và không thể thay thế được? Thay vì thế, chúng ta thường cho thời gian trôi qua. Chúng ta phí phạm, lãng phí và giết chết nó. Tất cả chúng ta đều làm tốt trong việc xem xét sự cân bằng giữa nhu cầu thực tế của mình và sự tham lam, niềm đam mê. Chúng ta có thường trả lời ‘vâng’ đối với những thứ mà chúng ta không muốn không? Thay vì nói ‘vâng’ với chính mình, chúng ta nói ‘không’ một cách khéo léo đối với những nhu cầu và những mong muốn vô lý.
Thời gian là thứ mà chúng ta tạo ra. Thời gian của ta là thuộc của riêng ta. Việc xem vô tuyến hay lướt net hàng giờ có thực sự làm cho ta hạnh phúc hơn hay tốt hơn không? Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều thông tin, nhưng biết về thế giới và người khác chỉ là kiến ​​thức, biết về chính mình mới là trí tuệ. Hãy quán xét và tìm hiểu sâu hơn.
Dùng thời gian để tạo ra thời gian
Tôi nhận thấy rằng tôi có thể có tất cả thời gian trên thế giới nếu và khi tôi tập trung và chú ý đến những thứ quan trọng nhất và thực sự cần phải được thực hiện, và duy trì sự tỉnh thức cao độ trong quá trình thực hiện. Cho nên khi người ta hỏi tôi, tôi thường khuyên họ dùng thời gian để tạo ra thời gian cho bản thân họ và cho những giá trị chân chính và những thứ ưu tiên của họ. Sự chủ định là tất cả mọi thứ: chú tâm một cách có chủ ý. Nên biết rõ ta đang ở đâu và nơi ta không trú ở - ở quá khứ và tương lai. Thời gian là một đầy tớ tuyệt vời, nhưng lại là một vị chủ tồi tệ, bạn phải dùng thời gian để tạo ra thời gian, bằng cách chú tâm tạo ra không gian trong nhịp sống của mình. Hoặc là ngay bây giờ hay là không bao giờ, luôn như thế. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi? Tốt hơn chúng ta nên tỉnh thức đối với cuộc sống của mình, bằng cách tham gia một cách trọn vẹn vào những gì chúng ta đang làm ngay bây giờ, tỉnh giác đối với những lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Sống một cách có chủ ý với sự tỉnh thức có thể là một điều khó khăn, nhưng lại là một sự khó khăn hữu ích. Quay trở về với lối sống chạy theo thói quen thì dễ dàng hơn nhiều. Thật là hữu ích nếu ta thực tập nhớ về sự ghi nhớ, nhớ lại những thứ ta đang làm trong khi ta đang thực sự tiến hành. Hãy dành ra một hơi thở để nghỉ ngơi nhằm làm tươi mới sự tỉnh thức đối với hiện tại, trở về với giây phút hiện tại và bắt đầu trở lại - tỉnh táo, sáng suốt, tập trung, bình tĩnh và tràn đầy sinh lực.
Sử dụng các phương pháp tỉnh thức với giây phút hiện tại đã giúp tôi tỉnh giác và tìm thấy chính mình trong lĩnh vực thiêng liêng trong chuẩn mực thời gian của Đức Phật, hiện tại thiêng liêng, và nhiều hơn nữa mỗi ngày. Chúng cũng có thể giúp ích cho bạn, ngay bây giờ. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi?
Lama Surya Das - Minh Phú dịch
(Theo Huffington Post)
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 188, ra tháng 11-2011)

Đức Dalai Lama đến hoằng pháp và chia sẻ với người dân Nhật Bản

Đức Dalai Lama chia sẻ với các trẻ em Nhật Bản tại Ishinomaki
Vào ngày 29-10, Đức Dalai Lama bắt đầu chuyến viếng thăm và hoằng pháp tại Nhật Bản. Trong chuyến viếng thăm lần này của mình, Đức Dalai Lama đã có buổi hội đàm và chia sẻ những đau thương, mất mát với những người dân Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thiên tai gần đây, nhất là những nạn nhân của trận thiên tai kép - trận động đất, sóng thần vào ngày 11-3-2011. Trong lời phát biểu của mình trước quần chúng nhân dân Nhật Bản, Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đánh giá cao sự dũng cảm và tính kiên cường của chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong việc khắc phục những hậu quả do trận động đất, sóng thần kinh hoàng gây ra cho đất nước của họ. Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã kiên cường và hợp sức để tái thiết đất nước, để xây dựng lại quốc gia của họ, ngay cả từ đống tro tàn như họ đã làm sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Cũng trong lần viếng thăm này, khoảng 900 người tín đồ Phật tử Nhật Bản đã tham dự lễ quán đảnh và truyền trao năng lượng của Đức Bồ-tát Bạch Độ Mẫu do Đức Dalai Lama chủ trì, được tổ chức tại hội trường của trường Đại học Koyasan.
Đức Dalai Lama cũng đã thực hiện một chuyến hành hương ngắn đến ngôi chùa phụng thờ Đức Đại Nhật Như Lai trên núi Koya, thuộc vùng Koyasan. Ngôi chùa được kiến tạo giữa rừng cây hết sức kỳ vỹ. Vùng núi Koya là trung tâm của Chơn Ngôn tông, một trong những tông phái chính của Phật giáo Nhật Bản.
Đức Dalai Lama nhắc lại rằng, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo nên sự phát triển tâm linh, để tạo được nội lực bên trong mỗi cá nhân: "Không chỉ có tiền bạc và quyền lực, mà thái độ tự cho mình là trung tâm, và chỉ biết suy nghĩ về lợi ích của riêng mình cũng không có thể đem đến sự bình an và hạnh phúc lâu dài được. Tất cả các cuộc xung đột diễn ra là đều do thái độ tự cho mình là trung tâm của con người mà ra. Hạnh phúc và an vui lâu dài chỉ có thể được đạt được thông qua tình thương yêu và sự quan tâm đến niền an vui, hạnh phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama còn cho biết thêm rằng, các nhà khoa học đã có sự lưu tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu những cảm xúc trong việc tạo nên hạnh phúc và đau khổ cho con người. Ngài khẳng định: "Sự cố gắng để phát triển những tình cảm tích tực trong tâm của mình, chẳng hạn như lòng từ ái, tính kiên nhẫn, tình thương yêu và lòng tốt sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và tha nhân".
Trong quá trình truyền trao nguồn năng lượng khởi nguyên của Bồ-tát Bạch Độ Mẫu, Đức Dalai Lama bảo tín chúng quán tưởng là tâm trí của họ giống với tâm trí của Bồ-tát, và phát nguyện từ bỏ thái độ tự cho mình là trung tâm.
Trong buổi thảo luận tại Đại học Koyasan nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập trường, Đức Dalai Lama đã nói: "Với tư cách là một người bạn và một người đồng đạo, cùng tu học theo Đức Phật, tôi cảm thấy vinh dự khi được chia sẻ những tổn thương, mất mát mà quý vị đã chịu đựng do các thảm họa thiên nhiên gây ra trong thời gian gần đây”.  
Trả lời các câu hỏi về lý do tại sao người dân Nhật Bản lại bị thiên tai như thế, Đức Dalai Lama đề cập đến một số nguyên nhân như sự vận động liên tục của trái đất, sự nóng lên toàn cầu và những việc làm tiêu cực trong các kiếp trước. Đức Dalai Lama nhấn mạnh rằng, tăng cường tạo những công đức tập thể của cộng đồng có thể giúp ngăn chặn việc kết thành quả báo của những hành động tiêu cực trong quá khứ. Công đức tập thể có thể được tăng cường thông qua việc nâng cao những giá trị tích cực trong việc quan tâm đến sự an vui, hạnh phúc của người khác.
Ngài nói thêm: “Tuy nhiên, có một điều rất rõ rang là tất cả những đau khổ và xung đột trong thế giới này là do con người tạo ra. Vì vậy, giải pháp cho những vấn đề đó nằm ở nơi chúng ta”.
Đức Dalai Lama cũng đã trả lời câu hỏi làm sao để đạt được sự an bình và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Ngài nói: “Cần ý thức được rằng, sự thoải mái thông qua các cảm xúc của các giác quan và những thú vui vật chất chỉ là tạm bợ.  Sự an vui và hạnh phúc đích thực có thể đạt được thông qua việc sử dụng tích cực của chúng ta về trí thông minh của con người, và giá trị của tình yêu, lòng từ bi và sự quan tâm đến hạnh phúc an vui, hạnh phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama đến thăm vùng bị động đất và sóng thần tàn phá tại Ishinomaki
Để làm sáng tỏ về vấn đề trí thông minh của con người, Ngài cho biết, con người sẽ có nhiều sức mạnh hơn trong việc sử dụng khả năng đặc biệt này, chính vì nó mà người ta có xu hướng nhắm đến những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, như là nghi ngờ và thất vọng. Ngược lại, nếu như sự thông minh của chúng ta được sử dụng cho sự an vui, hạnh phúc của người khác thì nó sẽ làm tăng cường sự tự tin của chúng ta để tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.
Ngài còn cho biết thêm rằng, kể từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay, sự quan tâm trong việc nghiên cứu về tâm thức đang ngày càng tăng lên. Đức Dalai Lama nói rằng, người nào có được tâm bình an thì người đó được lành mạnh ở mức độ cá nhân, gia đình, xã hội và toàn cầu. Trong những năm qua, Phật giáo đã được các nhà khoa học xem như là một hình thức khoa học, và Phật giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra trạng thái an bình cho tâm thức của con người.
Bằng tình thương yêu, sự quan tâm chân thành và sự thông thái của mình, qua buổi hội đàm, Đức Dalai Lama đã giúp cho người dân Nhật Bản giải tỏa được những uẩn khúc trong lòng, cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
Minh Nguyên (Theo The Tibet Post International)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 615, ra ngày 12/11/2011)

Gặp em tôi nhớ về tôi năm nào

Huynh đệ trong ngày giỗ tổ
Cuối tuần qua, trong chuyến đi cứu trợ lũ lụt cho đồng bào ở xã Tân Hộ Cơ, một xã thuộc vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, trên đường trở về, tôi cùng với đoàn ghé thăm chùa Tâm Thành, tỉnh Đồng Tháp. Chùa Tâm Thành là một ngôi chùa nghèo, trong trận lũ lụt vừa qua, chùa cũng đã bị thiệt hại khá nặng, bị tốc mấy mái tôn của nhà tăng và nhà khách. 
 
Tuy nhiên, điều để lại dấu ấn trong lòng tôi không phải là khung cảnh ngôi chùa, mà là hình ảnh mấy chú tiểu dễ thương ở trong chùa. Thấy đoàn chúng tôi vào thăm chùa, các em bước ra, kính cẩn chắp tay vái chào, miệng niệm danh hiệu Phật trông thật dễ thương làm sao! Sau khi chào đón khách, các em tự động đi lấy ly tách, pha nước mời khách. Nhìn điệu bộ dễ thương và những cử chỉ nhẹ nhàng, ngăn nắp của các em, bỗng hình bóng của tôi ngày xưa hiện về trong tâm trí. Tôi thấy trong các em có hình bóng của tôi. Phải rồi! Tôi ngày xưa cũng nhỏ nhắn, cũng có chỏm tóc xinh xắn trên đầu, cũng kính cẩn chắp tay chào mỗi khi khách đến thăm và cũng lon ton đi pha nước mời khách. Lúc đó đời sống sinh hoạt trong chùa của tôi khó khăn lắm, tuy là ở thành phố nhưng vì ở Huế rất nhiều chùa nên năm thì mười họa, khi gia đình Phật tử hữu sự họ mới đến chùa thăm hoặc là mời quý thầy đi tụng kinh, làm lễ. Còn nhỏ như những chú tiểu của chúng tôi thì chỉ có ở nhà giữ chùa, quét dọn, chứ không ai mời đi ăn kỵ, ăn giỗ gì cả, hihi. Sau khi quý thầy đi làm lễ cho gia đình họ xong, Phật tử đến chùa lễ tạ thì chỉ là nãi chuối, bó hoa, gia đình nào khá giả lắm thì cũng dường đôi ba trăm bạc, và số tiền đó thì dùng vào các sinh hoạt phí hằng ngày của chùa. Còn việc Phật tử đến thăm chùa mà cho các chú tiểu như tôi đôi bà đồng bạc để gọi là “Mua sách vở, bút mực” hay là “ăn quà, uống nước khi đi học - vì chúng tôi còn nhỏ tuổi mà” thì đấy là chuyện “Xưa thật là xưa!”. Do vậy, mọi chi phí cá nhân, tuy chỉ là những nhu cầu rất khiêm tốn, như là may áo quần mỗi khi áo quần đã bị cũ rách, mua dép mỗi khi dép đứt, mua kem bóp đánh răng, bột giặt đều phải xin tiền ba mẹ. Nhưng hầu hết các chú tiểu ở Huế như chúng tôi đều được sinh ra “trên cục đất cày”, đều xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo, cho nên ba mẹ cũng đâu có khá giả để chu cấp đầy đủ cho chúng tôi.
Giờ nhìn các em, tôi nhớ lại cuộc sống của mình ngày xưa, khiến trong lòng trào dâng niềm thương yêu vô hạn. Tôi biết các em đang chịu nhiều thiếu tôn, khổ cực, tôi biết các em thiếu tình thương, cũng như tôi ngày xưa vậy. Tôi bây giờ đã đủ lớn, đã có thể sống tự lập, không còn xin tiền ba mẹ nữa. Tuy không có gì đáng tự hào, nhưng ít ra thì tôi cũng có thể trang trãi những sinh hoạt phí bằng chính khả năng và sức lao động chân chính của mình, không còn làm phiền ba mẹ, không chiều lụy hay lệ thuộc vào ai, đấy là một điều hạnh phúc! Chính vì cảm thương các em, và cũng là cảm thương với chính tôi ngày xưa, nên tôi đã đến bên các em, hỏi thăm và động viên các em và không quên thể hiện tình thương ấy bằng một món quà nho nhỏ, xem như là món quà tình thần của tôi dành cho các em.
Cầu chúc các em luôn được bình an, gặp nhiều thuận duyện trong cuộc sống và có đủ nghị lực, đủ kiên định để vượt qua những chông gai, những chướng duyên trong cuộc sống tu hành của mình.
Thương các em nhiều!
Minh Nguyên

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!