Cộng đồng Phật giáo tổ chức Lễ hội phóng đăng ở Hawai'i, Hoa Kỳ


Lễ hội phóng đăng ở Hawaii (Lantern Floating Hawai'i) là một lễ hội của Phật giáo, khởi phát từ cộng đồng Phật tử người Nhật Bản. Lantern Floating Hawai'i được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999. Bởi những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử, địa lý của Hawai'i, nên từ đó đến nay, lễ hội này đã trở thành một lễ hội thường niên của cư dân địa phương. Năm nay là lần thứ 14 lễ hội được tổ chức, được diễn ra vào chiều tối ngày 28-5, tại công viên ở bãi biển Ala Moana. Lễ hội phóng đăng tại Hawai'i thường thu hút sư tham gia của đông đảo quần chúng và du khách.
Lễ hội phóng đăng ở Hawai'i được tổ chức với ý nghĩa là tưởng nhớ, vinh danh và bày tỏ sự tri ân đối với những người thân, những ân nhân đã quá cố và tưởng nhớ đến tất cả những bậc tiền nhân. Đồng thời, đây là dịp để mọi người làm mới tình thương yêu của mình đối với tất cả mọi người và mọi loài chúng sanh trên thế gian này. Đấy cũng là dịp để mọi người trải nghiệm cảm xúc của tinh thần tập thể, cộng đồng, tại đấy các gia đình, bạn bè, và thậm chí là những người xa lạ cùng nhau tạo lập tình thương yêu, hơi ấm tình người, sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau. Khi mọi người cùng tham gia vào lễ hội, có nghĩa là mọi người đang hỗ trợ lẫn nhau, đang cùng nhau xây dựng sự hiểu biết về những giá trị và những trải nghiệm nhân văn.
Đến với lễ hội, mọi người đều được mời viết những lời tưởng niệm, những lời cầu nguyện và lời bày tỏ tình cảm của cá nhân lên trên các đèn lồng đã được thiết kế một cách đặc biệt cho lễ hội. Những ý nghĩ, những lời cầu nguyện chân thành mà tất cả mọi người thể hiện lên trên những chiếc đèn lồng trong sự kiện đặc biệt này sẽ góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng mà ở đó tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, đẳng cấp, tôn giáo, văn hóa hay lối sống, cùng tồn tại trong hòa hợp. Trong khoảnh khắc ấy, chỉ có duy nhất hơi ấm tình người và sự bình an siêu việt trên tất cả những phân biệt, những ranh giới mà con người thường nghĩ đến, thường vin theo.  
Sau khi đã viết những tâm tư, tình cảm, những lời cầu nguyện lên những chiếc đèn lồng, mọi người cùng nhau thành kính cầu nguyện và thả những chiếc đèn lồng ấy xuống bờ biển hoặc đi trên những chiếc ca-nô để thả trên biển. Mỗi năm, số lượng đèn lồng mội tăng thêm. Năm nay, có hơn 3.000 chiếc đèn lồng đã được chuẩn bị để phục vụ lễ hội. 
Lantern Floating Hawai'i đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt và không chỉ giới hạn trong truyền thống hay cộng đồng Phật giáo, mà đã trở thành một lễ hội của công chúng.  
Đây là một lễ hội đã được sự bảo trợ các tổ chức Phật giáo, cho nên tất cả mọi người đều được chào đón và được tham gia lễ hội hoàn toàn miễn phí. Năm nay, ước tính có đến trên 40.000 người đã tham dự đêm lễ hội. Hình ảnh của đêm lễ hội đã được truyền dẫn trực tiếp trên kênh truyền hình địa phương ở Hawai'i, được phát lại vào các ngày sau đó, và đăng tải trên trang web chính thức của lễ hội.
Minh Nguyên (Theo www.lanternfloatinghawaii.com)



Đài Loan: Việc phóng sanh của Phật tử giết chết hàng triệu sinh vật

Một nhóm Phật tử Đài Loan đang phóng sanh

Vào ngày Chủ nhật, 13-5-2012, cộng đồng Phật giáo Đài Loan đã trọng thể tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Phật. Ngày Phật đản thường được tổ chức tại các nước trong khu vực Đông Nam Á vào ngày thứ tám của tháng thứ tư theo lịch của Trung Hoa. Riêng tại Đài Loan thì ngày Phật đản được ấn định là ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm, trùng với ngày của mẹ (Mother’s Day).
Trong ngày Phật đản, Phật tử Đài Loan thường cùng nhau cầu nguyện rồi làm lễ phóng sanh. Theo các nhà hoạt động bảo vệ động vật, có đến hàng chục triệu động vật, chủ yếu là các loài cá và chim, bị chết mỗi năm tại Đài Loan vì cái gọi là "phóng sanh để tạo phước" của các Phật tử nhằm cải thiện nghiệp báo của họ.
Chính phủ đang lên kế hoạch cấm việc làm này, tại vì nó gây tổn hại đến môi trường và khiến cho hơn 200 triệu sinh vật được phóng sanh mỗi năm bị chết hoặc bị thương do thiếu thực phẩm và môi trường sống.
Hiệp hội Môi trường và động vật của Đài Loan cho hay, có khoảng 750 lễ phóng sanh như vậy được thực hiện ở Đài Loan mỗi năm.
Ông Lin Kuo-chang, một quan chức thuộc Hội đồng Nông nghiệp của chính phủ cho biết, các cuộc đàm phán cho thấy có một số nhóm đồng thuận với sự ngăn chặn việc làm này, nhưng những người khác vẫn chưa đồng thuận với lệnh cấm.
Ông còn cho biết, kiến nghị sửa đổi Luật bảo vệ động vật hoang dã hiện hành sẽ nêu rõ, những người phạm tội phóng sanh trái phép như thế sẽ phải đối mặt với hai năm tù giam hoặc bị phạt đến 2,5 triệu đô-la Đài Loan (85.000 USD).
Nguyên Quý (Theo Straitstimes.com)

Chùa An Linh Hân Hoan đón mừng Phật đản

Hòa cùng không khí hân hoan đón mừng ngày đản sanh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni của hàng triệu tín đồ Phật tử trên khắp năm châu, tại chùa An Linh, một ngôi chùa nhỏ nằm e ấp trong con phố nhỏ tại phường Thạnh Lộc, Q.12, TP. HCM cũng tổ chức tuần lễ Phật đản. 

Mặc dù chùa còn quá đỗi đơn sơ, mộc mạc, tín đồ Phật tử còn thưa thớt, đa phần là công nhân lao động làm thuê, nhưng chùa cũng đã thiết trí lễ đài Phật đản, tổ chức lễ tắm Phật, biểu diễn văn nghệ, lễ Khánh đản và thuyết pháp để cho đồng bào Phật tử trong khu vực được biết và được hiểu ý nghĩa của ngày lễ Phật đản, để giúp họ cảm nhận được không khí của ngày Phật đản, và quan trọng là để hướng họ đến với đao, đến với con đường chân thiện mỹ, và tạo một dấu ấn, một kỷ niệm đẹp trong lòng các em thanh thiếu niên khi các em đến chùa trong tuần lễ Phật đản. Hy vọng rằng, những dấu ấn, những kỷ niệm đẹp đó sẽ theo các em trong suốt cuộc đời. Mai sau, dù cho các em có đi đâu, có ở phương trời nào đi nữa, sẽ có lúc các em hồi tưởng lại những kỷ niệm thời thơ ấu khi các em đến ngôi chùa "quê" đón lễ Phật đản, nhớ đến cảm xúc khi các em được tận tay múc những gáo nước tinh sạch rưới tắm tôn tượng đản sanh của Đức Phật. Chính những dấu ấn, những kỷ niệm đẹp đó sẽ giúp các em thêm tin yêu cuộc sống, sống có thiện chí hơn và an vui hơn trong cuộc sống.

Sau đây là một số hình ảnh và video clip (ở dưới hình ảnh) về lễ Phật đản tại chùa An Linh:
Cư sĩ Minh Kha hát mửng Phật đản

Đạo tràng Phật tử tham dự lễ Phật đản
 

Chư tôn đức cử hành lễ Phật đản tại lễ đài của chùa

Biễu diễn văn nghệ mừng Phật đản
 


Vườn Lâm-tỳ-ni tại chùa
 





Bé Hà Phạm Anh Thu đang tắm Phật
Bé Hà Phạm AnhThái (Em trai của Anh Thư) đang tắm Phật
 






Quan khách và khán giả xem biểu diễn văn nghệ
 











Video Clips:

Bài, ảnh, video clip: Minh Nguyên

Tổ chức và quản lý nhân sự ở Phật Quang Sơn

Vườn tượng tại Phật Quang Sơn - Đài Loan
LTS: Phật Quang Sơn là một tổ chức Phật giáo do Hòa thượng Tinh Vân sáng lập vào năm 1967 ở Đài Loan, có trụ sở chính tại thành phố Cao Hùng. Hiện tại, Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh tự viện và các trung tâm tu học tại nhiều quốc gia trên khắp tất cả các châu lục. Để quản lý một tổ chức lớn mang tầm quốc tế như thế là điều không đơn giản. Hòa thượng Tinh Vân đã từng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý Phật Quang Sơn. Nay Nguyệt san Giác Ngộ giới thiệu đến bạn đọc.
Quản lý và tổ chức nhân sự là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một tổ chức, cơ quan. Nhiều người thường hỏi tôi rằng: "Phật Quang Sơn có hàng trăm ngôi chùa và các tổ chức trực thuộc trên khắp thế giới. Làm thế nào để ngài lãnh đạo và quản lý một tổ chức rộng lớn như thế?”. Với vấn đề này, tôi có một câu trả lời nhất quán rằng: “Tất nhiên là có rất nhiều cách để làm công việc đó”. Sau đây là bốn nguyên tắc cơ bản:
1. Không có sự gắn kết cố định giữa các vị thầy và các đệ tử
Không ai trong số các môn đệ của Phật Quang Sơn là vĩnh viễn gắn kết với bất kỳ một vị sư phụ nào cả. Tất cả những môn đệ của Phật Quang Sơn là thuộc về toàn thể Tăng đoàn. Họ chỉ khác biệt nhau về thời gian gia nhập Tăng đoàn, chẳng hạn như có người thuộc thế hệ thứ nhất, có người thuộc thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba… Bởi vì các môn đệ không theo một vị sư phụ nhất định cho nên không có sự ganh đua hoặc cạnh tranh giữa họ.
2. Không có sở hữu tư nhân về tiền bạc hoặc các ngân quỹ
Không một ai trong Phật Quang Sơn được phép sở hữu tài sản hoặc các ngân quỹ tiết kiệm. Tất cả tiền bạc đều thuộc về Tăng đoàn. Mặc dù các thành viên không có tiền, điều đó không có nghĩa là các nguồn quỹ không sẵn sàng hỗ trợ cho họ. Tăng đoàn thường chăm lo vấn đề thực phẩm, quần áo, đi lại, y tế, chi phí du học ở nước ngoài và thăm viếng, kể cả quà tặng cho cha mẹ của họ trong chuyến thăm gia đình lần đầu tiên của họ sau khi họ xuống tóc xuất gia (để chính thức trở thành người tu). Tại Phật Quang Sơn, tất cả tiền bạc thuộc về Tăng đoàn, không thuộc về cá nhân, nhưng mỗi cá nhân đều vui với sự hỗ trợ tiện dụng dưới một một hệ thống hợp tác tuyệt vời.
3. Bắt buộc phải luân chuyển công việc và vị trí
Theo nguyên tắc "nước sạch chỉ đến từ dòng nước chảy, một hòn đá lăn thì không có rêu bám vào", Phật Quang Sơn thực hiện việc luân chuyển công việc và vị trí của các thành viên. Không có ai "sở hữu" bất kỳ ngôi chùa chi nhánh, nơi thờ tự, hoăc doanh nghiệp trực thuộc nào trong hệ thống Phật Quang Sơn cả. Năm nay, một người có thể là trụ trì của mộ ngôi chùa nào đó, nhưng năm tới thì vị đó có thể được phân công đến một ngôi chùa khác. Có rất nhiều lợi ích từ việc luân chuyển công việc. Trong số đó, phải kể đến là những cơ hội học tập và tăng trưởng, tương tác và kết nối, và để có thêm kinh nghiệm trong tu học và phụng sự.
4. Xây dựng hệ thống đánh giá quá trình thể hiện và sự thăng tiến
Mỗi thành viên trong Tăng đoàn Phật Quang Sơn bắt đầu với danh hiệu “Người thanh lọc”, rồi tiến dần lên danh hiệu “Cử nhân”, “Hành giả”, “Giảng sư”. Sự thăng tiến phụ thuộc duy nhất vào nỗ lực của mỗi cá nhân và sự thể hiện trong học thuật, trong sự thực tập giáo pháp, và trong việc phụng sự cho tổ chức. Nhờ vào hệ thống có trật tự này mà Phật Quang Sơn đã có được sự phát triển thuân tiện và thành công trong những năm qua.
Ngoài ra, các thành viên của Hội Phật giáo Phật Quang Sơn còn được đào tạo và phân bổ để đảm trách các vị trí sau khi những định hướng nghề nghiệp của họ được đánh giá và thẩm định. Ví dụ, các thành viên được phân loại thành những nhóm tài năng như sau:
- Trụ trì/Giám đốc: Yêu cầu phải sống hết mình vì Tăng đoàn, phải có sự trung thành, phải phát nguyện và phải có trách nhiệm. Người giữ những vị trí này phải có khả năng đảm trách cả chức vụ của một người giám sát và người cấp dưới theo phương thức có trí tuệ, có đạo đức, tự tin và tề chỉnh. Vị ấy còn phải làm chủ các phương thức tụng niệm, phải biết tổ chức các nghi thức, nghi lễ và phải biết giảng dạy Phật pháp.
- Quan hệ cộng đồng: Người phù hợp với vai trò trò một người quan hệ cộng đồng cần phải khéo làm chủ cảm xúc của bản thân, giữ được sự điềm tĩnh và bình tĩnh với một diện mạo dễ chịu. Họ còn phải quen thuộc với những phong tục và tập quán của xã hội. Họ phải là những người dễ gần gũi, biết cảm thông, năng động và tích cực. Đồng thời họ còn phải hiểu rõ sứ mệnh và tầm nhìn của Tăng đoàn.
- Nhà giáo dục/Nhà văn: Họ là những người đánh giá cao giá trị nhân văn và không xông xáo theo đuổi danh vọng hay tiền tài. Những người này cần có óc phê phán, hiểu nhiệm vụ giáo dục và biết rõ những phong cách của một vị trụ trì cũng như những nhu cầu của các học viên, không dính líu đến các mâu thuẩn trong các cuộc tranh luận về chính trị hoặc về quyền lợi. Bên cạnh đó, họ cần phải có kỹ năng tóm tắt vấn đề nghiên cứu, có kỹ năng nghiên cứu, phân tích, giảng dạy, tư vấn, và nên cố gắng để có những công trình nghiên cứu được đăng trong các tạp chí chuyên môn.
- Người lập kế hoạch: Những người này có sự sâu sắc, sáng tạo, quen thuộc với việc phân tích dữ liệu, có khả năng giữ bí mật thông tin. Người đó còn biết cách kết hợp giữa Phật pháp và kiến thức bên ngoài và thạo trong giao tiếp bằng ngôn ngữ viết cũng như trong việc bổ sung người hỗ trợ.
- Những nhóm tài năng khác như chuyên gia pháp lý, chuyên gia kế toán, chuyên gia hành chính.
Việc chia sẻ tầm nhìn và các giá trị sống luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong một tổ chức. Các cuộc họp mặt hiệu quả là rất cần thiết để tạo nên sự hội tụ các ý tưởng và quan điểm. Chính vì lý do này, Phật Quang Sơn luôn tổ chức các cuộc họp một cách rất nghiêm túc. Phật Quang Sơn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tạo nên sự đồng thuận và chia sẻ tầm nhìn.
Quản lý nguồn nhân lực là một khía cạnh đầy thách thức trong khoa học quản lý. Theo truyền thống, vấn đề này rất được Phật giáo chú trọng. Dưới đây là một số nguyên tắc về tính nhân văn của Phật giáo và những ứng dụng của chúng trong việc quản lý nguồn nhân lực:
- Xem xét kế hoạch chiến lược của cơ quan một cách tổng thể.
- Phân chia trách nhiệm với những sự mô tả công việc rõ ràng.
- Ý thức rõ tầm quan trọng của sự phối hợp.
- Lập kế hoạch chi tiết với những chủ đích tốt nhất.
- Tiến hành công việc với tất cả sự nỗ lực và quyết tâm.
- Báo cáo thường xuyên và kịp thời để thông báo đến những người giám sát.
- Nhận lãnh trách nhiệm và chịu trách nhiệm về những công việc của mình.
- Đánh giá hiệu suất và theo dõi.
Ngoài ra, giữa cấp trên và cấp dưới cần phải có sự truyền thông trung thực, tôn trọng lẫn nhau, tham gia tích cực, tự phấn đấu và đánh giá một cách chân thành, thẳng thắn, thường xuyên tham khảo ý kiến ​​và phối hợp với nhau, đấy là những vấn đề rất cần thiết trong một cơ quan, tổ chức.
Tôi cũng tin rằng, là một người quản lý hiện đại thì bản thân họ nên tuân thủ theo những phương thức sau đây:
- Luôn giữ được nụ cười trên khuôn mặt, miệng nói lời ca ngợi, trong tâm luôn có những nghi vấn và sự tức giận thì kìm nén vào trong lòng.
- Tránh phản ứng vội vàng và gay gắt, lựa chọn từ ngữ cẩn thận khi đưa ra những lời phê bình về kết quả thấp kém và khi nói lên những nghi ngờ lien quan đến sự phản bội.
- Hãy đối xử với người khác một các khoan dung, nghiêm khắc trong việc quán xét bản thân, tạo uy tín đối với người khác, nhận lãnh trách nhiệm khi có gì đó sai sót.
- Bỏ qua một bên tất cả những lợi ích hoặc mất mát của cá nhân và tiến về phía trước, không được nản lòng hay cố chấp.
- Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, tạo sự hòa hợp với mọi người; để cho kênh thông tin liên lạc trôi chảy lên xuống một cách tự do, phấn đấu để đạt được sự đồng thuận.
- Phục vụ tha nhân, cẩn thận khi nói, nhìn về phía trước và lập kế hoạch, hiểu bản thân và những người khác.
- Điều chỉnh và thích ứng, giữ ý tứ với người khác, tận dụng lợi thế của mọi cơ hội.
- Hài hước, lắng nghe với sự chú tâm, xem xét cẩn thận, phải tôn trọng ý kiến ​​của người khác.
Nhà lãnh đạo cũng cần phải biết làm thế nào để phát triển, huấn luyện và nuôi dưỡng một đội ngũ nhân viên có năng lực. Người lãnh đạo còn phải có khả năng tuyển chọn, huấn luyện, và trao quyền cho những nhân viên có tài năng. Một sai lầm phổ biến trong giới lãnh đạo là thường phê bình cấp dưới của mình mà không đưa ra bất kỳ một sự chỉ dẫn nào. Ngoài ra, một nhà lãnh đạo hay nhà điều hành cao cấp cần phải thường xuyên tự đánh giá bản thân và  nhờ cấp dưới góp ý trong việc đưa ra quyết định. Sự hài hòa giữa cấp quản lý và nhân viên là nguồn lực lượng ổn định cho một tổ chức.
Đại sư Tinh Vân - Minh Nguyên lược dịch
(Theo Management: Fo Guang Shan’s Approach, Đại sư Tinh Vân, dựa trên bản anh ngữ của dịch giả Tiến sĩ Otto Chang)
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 193, tháng 4/2012) 


Để sống có hạnh phúc

 
LTS: Vào ngày 15-3-2012, Tăng đoàn tu viện Namyal - tu viện của Đức Dalai Lama tại Dharamsala, Ấn Độ - do ngài Tu viện trưởng Thamthog Tulku Rinpoche làm trưởng đoàn, đã đến thăm Tòa soạn Báo Giác Ngộ. Trong buổi gặp gỡ ấy, ngài Thamthog đã chia sẻ những kinh nghiệm tu tập để có được sự hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Nay chúng tôi lược ghi lại để giới thiệu cùng bạn đọc.
Mặc dù chúng ta có những nền văn hóa khác nhau, có tông phái và pháp môn tu tập khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, hình thể khác nhau… nhưng trên tất cả, chúng ta đều là đệ tử của Phật, là những người tu học theo giáo lý của Đấng Giác Ngộ, đều hướng đến một mục đích chung là tìm kiếm hạnh phúc, giải thoát cho tự thân và cho tha nhân.
Trong rất nhiều giáo lý mà Đức Phật đã dạy thì giáo lý Duyên khởi là một trong những giáo lý trọng tâm của đạo Phật. Theo tinh thần giáo lý Duyên khởi, tất cả các pháp trên thế gian này đều do các nhân duyên hội tụ mà sinh ra, nương vào nhau mà tồn tại chứ không do một đấng Sáng tạo nào tạo ra cả. Chiến tranh hay hòa bình ở các quốc gia trên thế giới, sự giàu có hay nghèo đói, hạnh phúc hay đau khổ của con người đều do các duyên mà sinh khởi, không phải ngẫu nhiên mà có. Và trong đó, con người là nhân tố đóng vai trò chủ đạo. Có nhiều lúc chúng ta khổ đau mà không hiểu tại sao mình bị khổ đau, không rõ nguyên nhân do đâu, cho nên mình không biết cách giải quyết. Một khi chúng ta đã hiểu được cội nguồn chính yếu của mọi khổ đau của chúng ta là ở nơi chính mình, ở nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, tự mình làm cho mình hạnh phúc và cũng chính mình làm cho mình khổ đau chứ không ai khác, thì chúng sẽ biết phương pháp để đoạn trừ khổ đau và làm tăng trưởng hạnh phúc. Nhờ vậy mà tâm ta được an bình hơn và cuộc sống tươi đẹp hơn.  
Thường thì chúng ta hay đổ thừa trách nhiệm lên người khác đối với những khổ đau của mình. Chúng ta nghĩ do người này làm mình khổ đau, người kia làm cho mình bất an, người nọ làm cho mình nổi cáu… chứ hiếm khi nghĩ là do mình nghĩ bậy, làm bậy, do sự thiếu sáng suốt, do tham sân, chấp ngã trong tâm mình tạo ra; do tâm nghĩ điều xấu, miệng nói lời ác, thân làm việc bất thiện cho nên bây giờ mình chịu quả báo khổ đau. Đến khi nào mình dám nhìn thẳng vào sự thật, dám chịu trách nhiệm về những khổ đau của mình, thấy được những khổ đau ấy là do những bất thiện nghiệp từ thân, khẩu, ý của mình tạo ra thì mình sẽ biết cách điều chỉnh những ý nghĩ, lời nói và hành vi của mình cho phù hợp với Chánh đạo, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức mà Thế Tôn đã dạy, thì lúc đó chúng ta sẽ có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Có một lời dạy hết sức quan trọng mà Đức Phật đã dạy cho tất cả mọi người, đó là: Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng làm lợi ích cho tất cả muôn loài, dù chúng ta làm gì hay trong bất cứ trường hợp nào cũng đều phải nghĩ đến sự an vui, hạnh phúc của người khác. Nếu như chúng ta không thể đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác thì ít nhất là chúng ta không được gây tổn hại đến người khác.
Để hoàn thiện bản thân thì chúng ta phải biết tự kiểm soát chính mình. Từ sáng sớm thức dậy cho đến khi đi ngủ, chúng ta phải nhìn lại xem mình đã có những ý nghĩ gì, đã nói những gì và làm những gì? Xem xem là mình có nói những lời hay, có nghĩ những điều tích cực, có làm những việc tốt không, hay là mình đã nói những lời xấu ác, nghĩ những điều tiêu cực, thâm hiểm và làm những việc gây tổn hại người khác? Chúng ta phải tự quán xét, tự đánh giá mỗi ngày và liên tục như thế thì chúng ta sẽ biết được những gì đem đến hạnh phúc cho mình và người, và những gì gây khổ đau cho mình và người. Và chúng ta cố gắng trong mỗi ngày đều nghĩ những điều tốt, nói những điều hay và làm những việc thiện, loại bỏ dần những nghiệp nhân bất thiện. Đấy chính là phương pháp để chúng ta hành trì. Bởi vì, chỉ có chúng ta mới biết rõ bản thân mình hơn ai hết. Mình nghĩ gì, nói gì và làm gì thì mình đều có thể nhận diện được một cách rõ ràng. Tự kiểm nghiệm bản thân là vấn đề quan trọng nhất để hoàn thiện nhân cách, để tiến triển trong nếp sống tâm linh. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lại xem mình đang nghĩ những gì, những ý nghĩ tốt sinh khởi nhiều hơn hay những ý nghĩ xấu nhiều hơn. Nếu những ý nghĩ xấu nhiều hơn thì chúng ta cần tìm cách giảm thiểu, nếu những ý nghĩ tốt nhiều thì chúng ta tìm cách phát huy. Rồi chúng ta quán sát, nhận diện những lời nói và hành vi của mình để thanh lọc và điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tốt lành. Nếu chúng ta làm được những việc đó mỗi ngày, kéo dài đến một tháng, hai tháng, hay một năm, hai năm thì chúng ta sẽ thấy có một sự thay đổi lớn trong dòng tâm thức của mình, trong lời nói và hành vi của mình. Và lúc đó chúng ta sẽ sống bình an và hạnh phúc hơn, đồng thời chúng ta đem đến lợi ích cho nhiều người hơn.
Ngày nay, toàn thế giới đang chạy theo vấn đề vật chất, ở Việt Nam cũng thế. Bởi nhiều người nghĩ rằng, khi chúng ta dồi dào về vật chất, có đầy đủ các tiện nghi, các phương tiện hiện đại thì chúng ta sẽ có hạnh phúc. Chính vì thế mà nhiều người cố gắng tạo ra thật nhiều của cải vật chất, cố gắng tích góp thật nhiều phương tiện hiện đại, như là nhà lầu, xe hơi, máy bay, các thiết bị điện tử siêu xịn… Thế nhưng, một khi họ có được những thứ đó rồi thì họ vẫn đau khổ như thường, họ vẫn cảm thấy bất an, cảm thấy căng thẳng, cô đơn, âu sầu, phiền muộn… Tại vì, vật chất chỉ có giá trị tương đối mà thôi, nó không phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc của mỗi người. Hạnh phúc hay khổ đau đều do đời sống nội tâm của con người cả. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của vật chất, chúng ta không cố gắng tạo ra của cải, vật chất để đưa xã hội phát triển. Chúng ta vẫn phát triển công nghệ, vẫn sản xuất vật chất, vì vật chất là điều kiện cơ bản để chúng ta có cuộc sống ổn định, là điều kiện cần để có hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành thời gian để chăm lo đời sống tâm linh của mình, phải nuôi dưỡng tâm thức của mình bằng những dưỡng chất thanh cao, tốt đẹp. Chúng ta phải chăm chút cho đời sống nội tâm của mình, để chúng ta có được sự an bình, hạnh phúc. Nhờ vậy mà chúng ta có thể đem lại an bình, hạnh phúc cho những người thân yêu, bạn bè, đồng nghiệp của mình và những người xung quanh. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, nếu tâm chúng ta đầy những khổ đau, muộn phiền thì chúng ta khó lòng đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác. Khi chúng ta dồi dào về vật chất, đầy đủ các tiện nghi hiện đại, nhưng tâm chúng ta đầy sân hận, đầy những tham lam, tật đố, đầy kiêu căng, ngạo mạn thì những thứ của cải, vật chất đó vẫn không giúp ích gì cho ta trong việc chuyển hóa tâm mình, không giúp cho ta có được sự bình an ở trong lòng. Chúng ta chỉ có được hạnh phúc khi những tham lam, sân hận, kiêu căng ở trong lòng được giảm thiểu, được chuyển hóa. Nhờ vào giáo pháp của Phật, chúng ta có thể làm được việc này. Vì những phiền não, những tham, sân, si ấy vốn không phải là bản chất của tâm, chúng do duyên sanh, do các yếu tố bên ngoài góp phần tạo nên. Do vậy, chúng ta có thể chuyển hóa chúng nhờ vào con đường Giới - Định - Tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy. Chúng ta phải nhận diện và chuyển hóa những bất thiện nghiệp khi chúng vừa dấy lên trong tâm mình, đừng để cho chúng bộc phát ra bên ngoài, để rồi làm khổ mình, làm hại người.
Xét về phương diện xã hội, tất cả mọi người trong cuộc đời này đều phụ thuộc vào nhau, nương nhau để tồn tại, chứ không ai có thể tồn tại một cách hoàn toàn độc lập được, bởi vì luật duyên khởi mang tính phổ quát, chi phối đến tất cả mọi người, mọi loài. Cũng chính vì mọi người nương vào nhau để tồn tại cho nên hạnh phúc hay đau khổ của người này có sự ảnh hưởng và tùy thuộc vào hạnh phúc hay khổ đau của người khác. Chúng ta không thể nào có được hạnh phúc khi mà những người thân của mình, những người xung quanh mình đang đau khổ. Cho nên, những bậc hiền trí luôn tìm cách làm lợi ích cho người khác, luôn làm cho người khác được hạnh phúc, và khi người khác có hạnh phúc thì chính bản thân những bậc hiền trí ấy cũng được hạnh phúc theo và khi ấy niềm hạnh phúc của họ được nhân lên rất nhiều. Hơn nữa, bản thân mình chỉ là số ít, và mọi người trong xã hội mới là số đông. Chúng ta hãy sống vì hạnh phúc và lợi ích cho số đông, đấy mới là vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta vì lợi ích cá nhân mà tổn hại đến lợi ích của tâp thể thì chúng ta khó lòng có được hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta lo cho hạnh phúc của số đông thì hạnh phúc của chúng ta sẽ được bền vững hơn, sẽ đến một cách rất tự nhiên và được tăng lên rất nhiều.
Có một thực tế là người nào sống vì cộng đồng, luôn giúp đỡ mọi người, chăm lo cho hạnh phúc của người khác thì người đó thường dễ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Tại vì họ thường giúp đỡ người khác, xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp, cho nên khi họ làm bất cứ việc gì, hoặc cần đến sự giúp đỡ thì đều nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Và những người như thế thì không những hiện tại họ sống hạnh phúc, an vui, thành công trong cuộc sống mà những kiếp sống tương lai của họ cũng sẽ được hạnh phúc. Còn với những người ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì thường khó thành công, khó có được hạnh phúc, và luôn sống trong lẻ loi, đơn độc.
Ngày nay, Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi trên khắp năm châu, rất nhiều người phương Tây quay về nghiên cứu và tu học theo giáo lý của Đức Phật. Và theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, giáo lý của đạo Phật ngày càng thể hiện rõ giá trị và vai trò của mình đối với nhân loại, đối với niềm an lạc và hạnh phúc của mỗi người. Kho tàng giáo lý của Phật giáo trở thành bảo vật vô cùng quý giá của toàn nhân loại. Vì thế, những người con Phật như chúng ta cần phải chuyên tâm tu học, phải hành trì miên mật, phải bảo tồn, phát huy và truyền bá Chánh pháp đến với mọi người, nhất là với thế hệ trẻ, để góp phần đem lại hạnh phúc cho muôn loài và tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
Thamthog Tulku Rinpoche - Quảng Trí lược ghi
(Nguồn: Báo Giác Ngô, số 639, số đặc biệt mừng Phật đản, ra ngày 28-4-2012)              

Tu viện Paro Taktsang, thánh địa linh thiêng nhất tại Bhutan

Tu viện Paro Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan. Gọi một cách đầy đủ là tu viện Taktsang Palphug, còn được biết đến dưới tên tiếng Anh là The Tiger's Nest Monastery (Tu viện Hang Cọp). Tu viện tọa lạc trên một vách núi đá granit cao ngất giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro, có độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, khoảng 900m so với thung lũng Paro. Nơi này được tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan đặc biệt tôn kính bởi vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh).
Lần đầu tiên ngài Liên Hoa Sinh đến Bhutan là vào năm 746. Lúc ấy ngài đang ở Ấn Độ và được vua Sindhu Raja mời đến Bumthang để trị bệnh cho vua, vì nhà vua đang lâm trọng bệnh. Sau khi ngài đến Bhutan, ngài đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và từ đó nhà vua phát tâm quy y theo Phật. Chữa bệnh và quy y cho nhà vua xong thì ngài quay trở lại Ấn Độ và hứa là sẽ trở lại Bhutan để hoằng truyền Chánh pháp, giáo hóa cho người dân Bhutan.
Một năm sau (năm 747), ngài Liên Hoa Sinh được vua Thrisong Deutsen thỉnh đến Tây Tạng để hỗ trợ cho đức vua trong việc xây dựng tu viện Samye. Rồi từ Tây Tạng, ngài quyết định sang thăm Bhutan. Trong chuyến thăm Bhutan lấn thứ hai này, ngài đã đi hoằng hóa khắp đất nước Bhutan và chúc phúc cho nhân dân. Trong khi ngài đang ở Singye Dzong inKurtoe, Bhutan, người ta cho rằng ngài đã bay đến Paro Taktsang dưới hình dạng hóa thân của thần Dorji Drolo cưỡi trên lưng con hổ cái. Thần Dorji Drolo được xem là một trong tám hóa thân của ngài.
Truyện kể rằng, trước khi ngài đến, khắp đất nước Bhutan bị khống chế bởi những linh hồn tàn ác. Khi ngài đến thì ngài đã chế ngự được những linh hồn tàn ác đó và khuyến hóa chúng để chúng không quấy nhiễu nhân dân nữa, chúng lại còn phát nguyện làm những vị thần bảo hộ cho đất nước Bhutan.
Khi ngài Liên Hoa Sinh đến Paro Taktsang, ngài đã hành thiền trong các hang động tại đấy trong vòng ba tháng và ngài còn xác chứng Paro Taktsang là nơi thiêng liêng nhất trong những thánh địa ở Bhutan. Ngài Liên Hoa Sinh được xem là vị tổ khai sinh của Phật giáo Bhutan và cũng là vị thần bảo hộ của nhân dân Bhutan.
Tu viện Paro Taktsang được xây dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup, nơi được cho là ngài Liên Hoa Sinh đã tọa thiền trong vòng ba tháng lúc ngài đến tịnh tu tại Paro Taktsang vào thế kỷ thứ VIII.
Đến thế kỷ thứ 11, nhiều cao tăng người Tây Tạng đã đến núi Taktsang để hành thiền. Từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 17, nhiều vị Lama Tây Tạng đã đến Bhutan và rồi sáng lập ra nhiều tu viện tại đấy. Ngôi điện Phật đầu tiên được xây dựng ở khu vực Paro Taktsang là vào thế kỷ thứ 14, do ngài Sonam Gyeltshen tạo dựng. Ngài Sonam Gyeltshen là một vị chân sư Mật tông Tây Tạng, thuộc nhánh Kathogpa. Tuy nhiên, đến nay thì ngôi điện Phật ấy không còn dấu vết nào cả.
Vào năm 1692, trong chuyến viếng thăm thánh tích Paro Taktsang, ngài Druk Desi Tenzin Rabgye đệ tứ đã đặt nền móng xây dựng một tu viện tại Paro Taktsang để tưởng niệm ngài Liên Hoa Sinh. Từ đó trở đi, tu viện Paro Taktsang đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Vào ngày 19-4-1998, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi điện chính của quần thể tu viện Paro Taktsang. Nhiều bức tranh, bức tượng giá trị và một số cổ vật khác cũng bị ngọn lửa thiêu đốt. Sau cơn hỏa hoạn, quốc vương Bhutan, vua Jigme Singye Wangchuck, cùng với chính phủ Bhutan đã chỉ đạo công việc trùng tu Tu viện Paro Taktsang. Công việc trùng tu được hoàn thành vào năm 2005.
Hiện tại, quần thể tu viện Paro Taktsang trông rất hùng vĩ, bề thế ở trên vách núi đá. Vách núi hết sức cheo leo, có thể nói là dựng đứng. Quần thể tu viện gồm có bốn ngôi điện chính và những khu nhà ở được thiết kế một cách khéo léo, tùy biến theo địa thế của các vách núi đá, các hang động. Xung quanh khu vực của tu viện Paro Taktsang hiện có tám hang động, trong đó có bốn cái thì dễ dàng vào thăm, bốn cái kia thì khó hơn. Tu viện dựng cheo leo trên vách núi và được ví “như là hình ảnh con tắc kè đang bám vào vách núi”. Các ngôi điện của tu viện được nối với nhau bằng những bậc cấp và những lối đi được lát bằng đá. Bên cạnh đó, trên các lối đi còn có một vài cây cầu bằng gỗ yếu ớt. Xung quanh mỗi ngôi điện còn có những ban công, đấy là nơi lý tưởng cho du khách ngắm nhìn thung lũng Paro tuyệt đẹp ở phía dưới.
Có một vài con đường khác nhau dẫn lên tu viện Paro Taktsang. Xung quanh tu viện là cả một rừng thông bạt ngàn. Một nét rất đặc trưng của các tu viện Mật tông Tây Tạng là có rất nhiều dây cờ phướn màu sắc sặc sỡ, in những lời kinh cầu nguyện, những câu thần chú, được giăng xung quanh tu viện cũng như trên lối đi dẫn lên tu viện. Có những ngày, toàn bộ tu viện Paro Taktsang và ngọn núi Taktsang chìm vào trong những đám mây, tạo nên một không gian u tịch, huyền diệu. Nếu ai đến thăm tu viện vào những dịp ấy thì sẽ có cảm giác như là đang lạc vào một cảnh giới u huyền, thâm hiểm nào đó vậy.
Trên con đường dẫn lên tu viện Paro Taktsang, có ngôi làng Lakhang và ngôi chùa Urgyan Tsemo tọa lạc một khu núi đá khá bằng phẳng. Từ địa điểm này mà nhìn thì những ngôi điện của tu viện Paro Taktsang nằm ở vách núi đối diện. Đấy là một nơi lý tưởng để cho du khách thỏa sức ngắm nhìn tu viện Paro Taktsang và cảnh núi non hùng vĩ, cùng lắng nghe tiếng thác đổ như phá tan sư yên tĩnh của núi rừng. Dọc lối mòn dẫn lên tu viện Paro Taktsang có một thác nước có độ cao 60m và đổ vào một cái hồ thiêng, người ta đã bắc một cây cầu để đi qua hồ này. Đường đi chấm dứt tại ngôi điện chính của tu viện. Tại đấy, mọi người có thể nhìn thấy hang động mà năm xưa ngài Liên Hoa Sinh đã hành thiền trong ba tháng. Động này chỉ mở cửa cho du khách vào chiêm bái mỗi năm một lần duy nhất mà thôi. Đấy là vào dịp lễ hội hàng năm vào tháng thứ năm theo lịch của người Bhutan. Lễ hội này kéo dài trong vòng 21 ngày.
Tại tu viện Paro Taktsang còn có những thứ mà du khách đáng lưu tâm, cần chiêm ngưỡng, đó là những bức tranh vẽ, những bức tranh Thangka được treo xung quanh tường của các ngôi điện, và những bức bích họa trên các vách động, vách núi. Những bức tranh, những bức bích họa ấy miêu tả chân dung ngài Liên Hoa Sinh, sự tu hành và hoằng hóa của ngài, có cả những vị Phật, Bồ-tát, những vị thần trong Phật giáo và trong văn hóa dân gian Bhutan.
Người ta tin rằng, nếu chúng ta hành thiền tại tu viện Paro Taktsang trong vòng một phút thì thành quả đạt được có thể bằng so với khi chúng ta hành thiền mấy tháng liền ở những nơi khác. Paro Taktsang là một thánh địa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người dân Bhutan trong suốt chiều dài lịch sử mười mấy thế kỷ qua và có lẽ là mãi mãi về sau.
Ngày nay, khi chính sách ngoại giao và du lịch của Bhutan đang dần mở cửa, ngày càng có nhiều du khách đến thăm tu viện Paro Taktsang và chiêm bái hang động tu hành của ngài Liên Hoa Sinh. Tu viện Paro Taktsang trở thành một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua đối với khách hành hương khi họ đến Bhutan. 
Quảng Trí 
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 194, ra tháng 5-2012)

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!