Chùa Đông Đại, nơi đánh dấu sự kết hợp giữa giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản

Đại Phật điện ở chùa Đông Đại
Chùa Đông Đại, tiếng nhật là Todai-ji (Đông Đại Tự - 東大寺), là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Nhật Bản, và là một thắng cảnh, điểm du lịch tâm linh rất quan trọng ở Nara. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 743 và hoàn thành vào năm 751. Giai đoạn này là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh, đạt đến đỉnh cao và giữ vai trò là quốc giáo ở Nhật Bản.
Trong thời kỳ Tempyo, nhân dân đã phải trải qua rất nhiều thiên tai và dịch bệnh. Sau khi hứng chịu hai cơn sống thần, vào năm 741, vua Shomu đã ban hành chiếu chỉ khuyến khích xây dựng những ngôi chùa chính ở các tỉnh, thành trong cả nước (gọi là chùa tỉnh). Chùa Đông Đại được đề cử là ngôi chùa tỉnh của tỉnh Yamato và là trụ sở chính, dẫn đầu tất cả các ngôi chùa tỉnh ở trong nước.  
Vào năm 743, vua Shomu ban hành một sắc lệnh kêu gọi người dân đóng góp để xây dựng một pho tượng Phật, với niềm tin sâu sắc rằng Đức Phật có thể che chở cho mọi người. Ngôi chùa xem như là một phương tiện trấn quốc, đánh dấu sự kết hợp có ý nghĩa lần đầu tiên của giáo quyền và thế quyền ở Nhật Bản. Theo sử liệu ghi chép được lưu giữ tại chùa Đông Đại thì ngài Gyoki và các đệ tử của ngài đã đi đến nhiều tỉnh thành để quyên góp tịnh tài, tịnh vật cho việc tạo một pho tượng Phật vĩ đại. Tổng cộng có hơn 2.600.000 người đã đóng góp trong việc kiến tạo nên pho tượng Phật bằng đồng vĩ đại và ngôi điện Phật tại chùa Đông Đại. Pho tượng Phật bằng đồng ấy cao 16 mét. Pho tượng hoàn tất vào năm 751. Tính tổng chiều dài từ dưới lên, kể cả phần bệ của pho tượng thì có độ cao là 30 mét. Trong ngày lễ khai quang điểm nhãn vào năm 752, có hơn 10.000 người dân đã tham dự lễ lạc thành và khai quang điểm nhãn của pho tượng. Do động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản, cho nên pho tượng ấy cũng đã nhiều lần bị hư hỏng nặng và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Pho tượng trong hiện tại đã được sửa chữa gần đây nhất là vào thời Edo (1615-1867).
Chùa Đông Đại tồn tại gần 1.500 năm, đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa cho nên không còn giữ được sự nguy nga, đồ sộ của ngôi chùa như ở thời kỳ đầu. Trong quần thể kiến trúc lúc ban đầu của chùa Đông Đại có hai tòa nhà cao 100 mét. Vào thời điểm ấy, sau những tòa tháp ở Ai Cập thì đây là hai tòa nhà cao nhất thế giới. Hiện nay thì hai tòa nhà này không còn nữa. Tòa nhà trong hiện tại được trùng tu hoàn thành vào năm 1709 và nhỏ hơn 30% so với tòa nhà trước đó.
Cổng tam quan của chùa Đông Đại (Nandaimon - Nam Đại Môn) được xây dựng từ năm 1199 cũng là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại của chùa. Cổng tam quan hiện tại được tái thiết theo đúng hình dáng cũ. Cổng có 18 cột trụ chống đỡ, mỗi cái cao 20 mét, với đường kính hơn 1 mét.
Một góc chùa Đông Đại
Pho tượng Phật bằng đồng vĩ đại ở chùa Đông Đại
Hai pho tượng Hộ Pháp bằng gỗ đứng hai bên của cổng tam quan của chùa cao gần 8 mét, có tuổi thọ trên 800 năm. Pho tượng được điêu khắc bởi người thợ chạm gỗ bậc thầy là ông Unkei. Tượng được ghép thành từ 3.115 miếng gỗ.
Trong khuôn viên của chùa, trải dài hơn 1 km theo trục Bắc-Nam và Đông-Tây, tính từ Đại Phật điện, là hàng loạt các công trình kiến trúc khác nhau, gồm có các ngôi điện và kho báu, nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia. Trong đó có bảy công trình được công nhận là Di sản Quốc gia. Là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất ở Nhật Bản, chùa Đông Đại sở hữu rất nhiều bảo vật rất có giá trị về văn hóa, lịch sử. Chùa hiện có 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp loại Di sản Quốc gia.
Hiện tại, quần thể kiến trúc chùa Đông Đại gồm có Đại Phật điện, hai tòa tháp 7 tầng, một giảng đường và khu tịnh xá. Bên cạnh đó còn có nhiều công trình lịch sử khác, kể cả tòa điện Shoro (Kho báu Hoàng gia), nơi lưu trữ kho bảo vật của Thiên hoàng Shomu.
Liên Hoa điện hiện hữu trong quần thể kiến trúc chùa Đông Đại hiện tại là một công trình có tuổi thọ lâu đời nhất trong quần thể.
Đặc biệt, chùa hiện lưu giữ được những bức chạm trổ rất tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc gỗ Nhật Bản, những bức tượng cổ bằng đồng cùng hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm. Bên cạnh đó, nghệ thuật vườn cảnh độc đáo và hài hòa với kiến trúc đã tạo cho chùa Đông Đại thành một quần thể di tích lịch sử, tâm linh vô cùng ngoạn mục và tú lệ, có sức thu hút hiếm có, khiến nơi đây trở thành địa danh linh thiêng và hấp dẫn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Minh Nguyên
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ, số 629, ra ngày 18-2-2012)

Núi Mihintale, chiếc nôi của Phật giáo Sri Lanka

Hang động được tạc phía dưới một phiến đá
Vào thập kỷ thứ năm của thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, vua A Dục đã tổ chức Đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba tại kinh đô Pataliputra. Tại đại hội kết tập lần này, những tranh chấp về một số vấn đề trong giáo pháp đã được giải quyết, các vị Tăng sĩ không thanh tịnh đã bị trục xuất khỏi Tăng đoàn và đặc biệt là đưa ra quyết định thành lập những đoàn Tăng sĩ đi truyền bá đạo Phật tại những quốc gia, những vùng lãnh thổ khác nhau. Tôn giả Mahinda, con trai của vua A Dục, đã được chọn làm trưởng đoàn của một đoàn truyền giáo đi đến các khu vực phía Nam. Vị Tăng sĩ hoàng gia này và những người bạn đồng hành đã rời Pataliputra và đi đến Videsha, nơi họ lưu lại trong một thời gian ngắn, có thể là họ đã ở lại tại tu viện lớn ở Sanchi. Theo sử liệu cho biết, phái đoàn có lẽ đã truyền bá Phật giáo một cách tích cực tại Videsha trong một thời gian trước khi đến Sri Lanka. Dù thế nào đi nữa thì phái đoàn chắc chắn đã đến Gokanna (Trincomalee cổ) và cuối cùng dừng lại ở núi Mihintale, cách Anuradhapura 13km về phía Đông.
Tượng Phật trên núi Mihintale
Một góc của ngôi tháp Khantika
Di tích hai phiến đá ở ngay lối vào cửa chánh điện trên núi Mihintale
Vua Devanampiya Tissa cùng với một số cận thần của ông đang đi săn trên núi thì bất ngờ bắt gặp những người lạ mặc áo choàng màu vàng. Nhà vua hơi sửng sốt trước các nhà sư, nhưng tôn giả Mahinda đã trấn an vua: "Tâu đức vua, chúng tôi là tu sĩ, đệ tử của đấng Giác Ngộ. Chúng tôi đến từ Ấn Độ, đến đây với lòng thương yêu đối với đức vua và dân chúng của ngài”. Tâu đức vua với những lời trấn an như thế, rồi tôn giả Mahinda hỏi đức vua một số câu hỏi để dò xét khả năng am tường của vua. Sau đó tôn giả Mahinda giảng dạy cho đức vua và đoàn tùy tùng về những giáo pháp căn bản của đạo Phật. Sau khi lãnh thọ giáo pháp, vua Tissa đã cung thỉnh chư Tăng đến kinh đô Anuradhapura vào ngày hôm sau để giảng dạy giáo pháp cho gia đình hoàng gia. Thể theo lời mời của vua Tissa, ngày hôm sau tôn giả Mahinda cùng chư Tăng đã tiến vào cung điện của vua và truyền dạy giáo pháp cho gia đình hoàng gia.
Tên ban đầu của núi Mihintale là Missaka Pabbata, sau đó thì được gọi là Cetiyagiri (miền núi của những ngôi tháp), và tên hiện tại của nó tất nhiên là có nguồn gốc từ tôn giả Mahinda. Lúc ngài Pháp Hiển đến thăm Mihintale, có 2.000 tu sĩ sống trên núi. Ngài Mahinda đã dành những năm còn lại của cuộc đời mình ở trên núi Mihintale và viên tịch ở đấy vào năm 202 trước Công nguyên. Sau khi tổ chức tang lễ trọng đại, tro cốt của ngài đã được phụng thờ trong các bảo tháp trên khắp đất nước Sri Lanka, và lẽ đương nhiên là có một phần tro cốt được phụng thờ trong một bảo tháp trên núi Mihintale. Nhà vua Devanampiya Tissa đã cho tạo lập 68 hang động trên núi Mihintale để cho chư Tăng tu tập. Điều này được xác nhận trong một bài minh được khắc trên vách của một trong những hang động gần tháp Kantaka.
Trên núi Mihintale hiện còn lại dấu tích của một bệnh viện cổ. Tàn tích ấy hiện được bao quanh bởi những cây xoài xinh tươi. Kiến trúc của di tích cho thấy, cổng vào bệnh viện nằm ở phía Nam, tại đấy có một cái cổng dẫn đến khoảng sân bên ngoài. Bên phải là di tích của những bồn tắm nước nóng hoặc là tắm xông hơi. Theo sử liệu cho biết, bệnh viện này có phòng cho 27 bệnh nhân và bốn phòng lớn hơn được sử dụng vào các mục đích khác được xây dựng xung quanh một cái sân nhỏ, và có một ngôi điện Phật nhỏ ở chính giữa sân. Trong phòng lớn ở phía Đông Bắc là một bồn trị liệu bằng dược thạch. Các bệnh viện như thế này không phải là để phục vụ công chúng mà là để chăm sóc và điều dưỡng cho chư Tăng và những người làm việc trong các tu viện ở đấy.
Trên núi Mihintale có một đường bậc cấp bằng đá dẫn lên núi rất vĩ đại. Đường bậc cấp này dài hơn 300 mét và có đến 1840 bậc cấp. Đây là một trong những đường bậc cấp lớn nhất và ấn tượng nhất mà chúng ta rất hiếm thấy ở những nơi khác. Nhìn những bậc cấp ấy, chúng ta có thể hình dụng được sư gian lao và sức mạnh, cùng trí tuệ của con người đã dày công tạo dựng nên nó. Phía bên trái của đường bậc cấp ấy có nhiều cột trụ của các tu viện bị đổ nát còn lưu lại.  
Đi theo con đường bậc cấp rồi quẹo trái là di tích của khu nhà trù của chư Tăng. Dọc theo bức tường phía Bắc và phía Đông của phòng ăn có hai cái máng cơm bằng đá rất lớn, có chiều dài gần 7 mét. Kích thước của các máng cho thấy rằng chúng đã cung cấp cơm cho một số lượng rất lớn các nhà sư, và chắc hẳn là hai cái máng này có kích thước lớn nên đã không thể đặt trong nhà trù có kích thức khá khiêm tốn tại đấy. Có lẽ là chư Tăng đến nhận thức ăn ở đấy rồi đến một nơi khác để ăn. Trong một ghi chú lịch sử cho biết rằng, có 12 đầu bếp làm việc tại nhà trù này. Bên cạnh đó còn có một người giám sát và một vài người phục dịch có nhiệm vụ cung cấp củi cho nhà bếp.
Từ nhà tru đi theo một đường bậc cấp dẫn trực tiếp đến ngôi chánh điện chính của núi Mihintale. Ở hai bên cửa đi vào chánh điện có hai phiến đá lớn, trên đấy khắc một bài minh dài. Bề mặt của các phiến đá được đánh bóng và những dòng chữ trên đấy được khắc rất đẹp. Bài minh được khắc trên hai phiến đá ấy là do vua Mahinda đệ tứ viết. Đấy là một trong những bài viết dài nhất và hấp dẫn nhất trong thời cổ đại của Sri Lanka hiện còn lưu lại. Bài minh cho chúng ta biết nhiều về đời sống và sinh hoạt của cộng đồng Tăng lữ tại núi Mihintale.
Hồ nước Naga
Bậc cấp dẫn lên đỉnh núi Mihintale
Di tích cái máng chứa cơm dài 7 mét trên núi Mihintale
Dưới chân núi có một bể chứa nước với hình sư tử bằng đá cố định trong tư thế vồ lấy bể chứa nước ở phía trên nó. Hình con sư tử và một phần của bể chứa nước được tạc từ nguyên một phiến đá lớn. Vì phiến đá đã bị cắt một mặt nên không đủ để tạo nên bể chứa nguyên vẹn, do vậy mà một phiến đá khác được ghép vào để tạo nên bể chứa. Phiến đá thứ hai ấy được ghép một cách rất hoàn hảo, cho nên nước không bị rò rỉ ra ngoài. Xung quanh miệng của bể chứa có trang trí, chạm trổ hình ảnh các vũ công, đô vật, voi, các ngôi sao và các nhạc công. Nước được dẫn từ hồ Naga ở trên núi vào bể chứa và từ đó phun ra theo miệng của con sư tử. Nước này không dùng vào việc ăn uống, chỉ dùng vào việc tắm, giặt.
Hồ Naga vốn là một hồ nước tự nhiên nho nhỏ nằm ở trên núi Mihintale. Do nhu cầu về nguồn nước để sử dụng cho sinh hoạt của chư Tăng ở trên núi Mihintale cho nên người ta đã mở rộng và tôn tạo hồ nước tự nhiên ấy bằng cách đắp bờ xung quanh và đào sâu hơn. Ở mặt giáp với vách núi của hồ có tạc hình dạng bảy cái đầu của thần rắn Naga nhô ra khỏi vách núi đá, chính vì vậy mà hồ nước này được gọi là hồ Naga.
Ở trên khuôn viên của núi Mihintale hiện còn có một hang động và người ta cho rằng hang động ấy là nơi mà tôn giả Mahinda đã ở lại đấy trong lần đầu tiên ngài đến Mihintale. Trên nền của cái động ấy có tạc một khối đá hình chữ nhật với ý nghĩa biểu trưng cho cái y được gấp lại và tôn giả Mahinda đã từng nằm trên đó.
Một công trình khác cũng có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng tại núi Mihintale, đó là tháp Khantika. Tháp Khantika cho du khách biết đến một trong những công trình điêu khắc cổ xưa nhất của đất nước Sri Lanka. Người ta không biết chính xác ai là người đã tạo dựng ngôi tháp này và tạo dựng vào lúc nào. Tài liệu đề cập đến ngôi tháp này lần đầu tiên là vào thời Lanjatissa (109-119).
Và như đã nói ở trên, để chuẩn bị cho việc lưu trú của ngài Mahinda và chư Tăng, vua Devanampiya đã cho tạo dựng nhiều hang động ở trên núi Mihintale. Hiện tại thì có nhiều hang động vẫn còn tồn tại và được bảo tồn khá tốt.
Hiện nay, núi Mihintale là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Sri Lanka và là điểm hành hương du lịch thu hút đông đảo khách hành hương trong nước cũng như quốc tế.
Minh Nguyên
(Nguồn: Tuần báo Giác ngộ số 628, ra ngày 11-2-2012)
Tài liệu tham khảo:
Ven. S Dhammika, Mihintale, http://www.buddhanet.net
Aryadasa Ratnasinghe, The arrival of Buddhism in Sri Lanka, http://www.lankalibrary.com
Wilhelm Geiger (translator), Mihintale: The cradle of Buddhism in Sri Lanka, http://www.lankalibrary.com



Mười phương thức chánh niệm khi tham gia các mạng xã hội

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bảo của công nghệ thông tin, sự phổ biến của phương tiện truyền thông internet, các trang mang xã hội, nơi giao lưu, chia sẻ của mọi người, nhất là giới trẻ, ngày càng nở rộ. Trong đó, phổ biến và nổi tiếng nhất là trang Facebook và trang Twitter, gần đây xuất hiện thêm trang Google Plus (Google +). Đấy là chưa kể đến các diễn đàn, các trang mạng xã hội chỉ đơn thuần chia sẻ về hình ảnh, hoặc video clip, và các trang blog cá nhân... Nói chung, các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cập nhật những thông tin sinh hoạt của cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video, kiến thức, quan điểm… đến với bạn bè, người thân và nhiều người khác thông qua mạng lưới liên kết tuyệt vời do các nhà mạng cung cấp. Nhờ các trang mạng xã hội mà nhiều người tìm được niềm vui trong cuộc sống, tìm được bạn bè, thậm chí là tìm được người bạn đời, hoặc người tri âm tri kỷ cho mình… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người gánh chịu phiền lụy khi tham gia các trang mạng xã hội, hoặc là giết hầu hết thời gian trong ngày của cá nhân vào các trang mạng xã hội để rồi bỏ bê công việc, không hoàn thành trách nhiệm, hoặc có người buồn khổ, sầu bi vì những vấn đề ở trên mạng xã hội… Thậm chí có người sử dụng các trang mạng xã hội để phát tán những tài liệu, những thông tin, hình ảnh không lành mạnh. Có thể nói, các trang mạng xã hội như là một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng cách thì nó sẽ đem lại lợi ích rất là nhiều, nếu không biết sử dụng thì nó cũng gây hại không ít. Để nâng cao hiệu quả và phát huy tính tích cực, thế mạnh khi sử dụng, tham gia các trang mạng xã hội. Lori Deschene, người sáng lập trang web Tinybuddha.com và cũng là chủ sở hữu của tài khoản @TinyBuddha trên trang Twitter đã đưa ra mười phương thức để sử dụng các trang mạng xã hội một cách có chánh niệm. Sau đây là nội dung của mười phương thức ấy:
1. Tự biết những chủ ý của mình
Có bảy yếu tố tâm lý mà chúng ta cần phải luôn ghi nhớ trong lòng khi chúng ta đăng nhập vào các trang mạng xã hội, đó là sự hàm ơn, chú ý, tán thành, đánh giá đúng, ca ngợi, tự tin và quán xét toàn diện. Trước khi chúng ta đăng tải thông tin gì đó lên mạng, chúng ta phải tự hỏi chính mình: Có phải mình đang muốn được mọi người biết đến, đang muốn mọi người thừa nhận? Có phải là có nhiều thứ hơn nữa mà mình có thể làm để đạt được nhu cầu đó?
 2. Hãy thể hiện một cách trung thực về bản thân
Trong thời đại của sự quảng bá thương hiệu cá nhân này, hầu hết chúng ta đều có một vị thế mà chúng ta muốn phát triển hoặc duy trì. Những thông tin đăng tải có chịu sự thúc đẩy của tự ngã thường nhắm vào một vấn đề gì đó; tính trung thực thì xuất phát từ trái tim. Hãy bàn về những điều thực sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần lời khuyên hoặc hỗ trợ thì mạnh dạn nêu lên. Chúng ta sẽ dễ dàng thể hiện bản thân hơn khi chúng ta trung thực với chính mình.
3. Tự hỏi chính mình trước khi đăng thông tin
Nếu bạn dự định đăng tải gì đó, bạn phải luôn tự hỏi: Nó có đúng không? Nó có cần thiết không? Nó có phù hợp không?
Đôi khi chúng ta đăng tải những tư tưởng mà chúng ta không hề nghĩ đến vấn đề là liệu những tư tưởng ấy có thể tác động đến toàn bộ khán, thính, độc giả của mình như thế nào. Chúng ta dễ dàng quên đi số lượng bạn bè đang đọc những thông tin đăng tải của mình. Hai trăm người có thể trở thành một đám đông khi họ hiện diện bằng xương bằng thịt, nhưng trên mạng internet thì con số ấy dường như không đáng kể. Cho nên trước khi bạn chia sẻ, hãy tự hỏi: Thứ mình chia sẻ đây có thể gây hại cho ai không?
4. Thỉnh thoảng đăng tải những thông tin về lòng tốt.
Tôi thương tự hỏi khi tôi đăng nhập vào mạng Twitter: "Hôm nay tôi có thể làm gì để giúp đỡ hay hỗ trợ các bạn?”. Sử dụng các trang mạng xã hội là một cách đơn giản để bạn tặng mà không mong đợi đáp trả lại điều gì cả. Thông qua cách tiếp cận để giúp đỡ một người lạ, bạn tạo ra khả năng kết nối mang tính cá nhân với những người đang theo dõi mà bạn có, nếu không thì bạn chỉ biết một cách sơ sài.
5. Trải nghiêm bây giờ, về sau mới chia sẻ
Có một tình trạng phổ biến là mọi người chụp ảnh với điện thoại cá nhân và tải nó lên Facebook hoặc gửi email cho một người bạn liền sau đó. Điều này khiến cho sự trải nghiệm tại một thời điểm của cá nhân và sự chia sẻ chồng chéo lên nhau. Việc làm này còn giảm thiểu sự thân mật, bởi vì toàn bộ những người theo dõi bạn tham gia vào những cuộc hẹn hoặc những cuộc hội ngộ của bạn trong thời gian thực. Như việc chúng ta muốn giảm thiểu các đoạn độc thoại trong tâm để chúng ta tiếp xúc trọn vẹn với thực tại hiện tiền, chúng ta cũng có thể làm tương tự với sự tường thuật bằng các thiết bị kỹ thuật số của mình.
6. Năng động nhưng không phản ứng lại
Bạn có thể nhận email cập nhật thông tin bất cứ khi nào có hoạt động diễn ra trên một trong những tài khoản của bạn ở trên các trang mạng xã hội, hoặc bạn có thể thiết lập cho điện thoại di động của bạn cung cấp cho bạn những lời thông báo. Điều này buộc bạn phải dành nhiều thời gian để phản hồi trở lại trong suốt cả ngày, dù cho bạn có muốn hay không. Có một cách tiếp cận khác là chúng ta chọn thời điểm để gia cuộc đàm luận, và sử dụng thời gian lúc mình không đăng nhập vào các trang mạng xã hội để lựa chọn những giá trị mà ta có thể đem đến cho mọi người.
7. Hãy phản hồi với tất cả sự chú tâm
Mọi người thường chia sẻ những đường liên kết mà không thực sự đọc những thông tin đó, hoặc đưa ra những lời bàn về các thông tin đăng tải khi họ chỉ nhìn lướt qua chúng. Nếu món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho một ai đó là sự chú ý của mình, thì các trang mạng xã hội cho phép chúng ta trở thành một người vô cùng tốt bụng. Chúng ta có thể không đủ sức để phản hồi lại tất cả mọi người, nhưng hãy phản hồi một cách cẩn trọng để có thể tạo ra sự khác biệt.
8. Hạn chế sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị điện tử di động
Trong năm 2009, Trung tâm nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng, có 43% người dùng điện thoại di động truy cập vào mạng lưới internet trên thiết bị của họ nhiều lần trong ngày. Đó là điều mà cựu nhân viên Microsoft, Linda, đã nói đến như là “sự chú tâm khoái chí liên tục” - khi bạn thường xuyên đăng nhập vào các mạng xã hội để chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nếu bạn quyết định hạn chế truy cập internet thông qua điện thoại di động, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội trực tuyến (online), nhưng bạn sẽ không bỏ lỡ những thứ phía trước bạn.
9. Tập bỏ qua
Có thể không tử tế lắm khi không để tâm đến một số thông tin hay sự chia sẻ nào đó, nhưng chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi để tử tế với chính mình. Nên tự cho phép mình để cho những gì thuộc về ngày hôm qua thì cho chúng trôi qua đi. Theo cách này thì bạn sẽ không cần phải “bắt kịp” tất cả những thông tin cập nhật trên mạng xã hội khi mà chúng đã trôi qua, thay vào đó là sự toàn tâm toàn ý vào những cuộc đàm luận hôm nay.
10. Hãy vui thích với các trang mạng xã hội
Đấy chỉ là những gợi ý để cảm nhận sự có mặt trong giây phút hiện tại và có chủ tâm khi sử dụng các trang mạng xã hội, nhưng chúng không phải là quy tắc cứng nhắc và cố định. Hãy làm theo những bản tính tự nhiên của riêng bạn và vui chơi với mạng xã hội. Nếu bạn sống có chánh niệm khi bạn ngắt kết nối với thế giới công nghệ, bạn sẽ có tất cả những công cụ bạn cần để có được sự chánh niệm khi bạn trực tuyến.
Lori Deschene
Minh Nguyên phỏng dịch
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 191, ra tháng 2/2012)

Ngày Xuân về quê đón Tết

Kể từ ngày xa quê cho đến nay tính ra thì đã hơn 15 năm, thế mà mãi cho đến năm nay mình mới được về quê đón tết trọn vẹn. Trước đây, vào dịp tết mình thỉnh thoảng cũng có về quê nhưng chỉ là về đón tết muộn, thường thì mồng ba hay mồng 4 tết mới về. Năm nay, vì trong nhà các anh em đều ở xa, người thì đi xa không về quê được, người thì đã có gia đình riêng nên phải chăm lo cho gia đình, trong nhà chỉ còn có ba với mạ (người Quảng Trị gọi mẹ/má là “mạ”), nên mình quyết định về quê đón tết với ba mạ.
Vì quyết định về quê phụ ba mạ chuẩn bị đón tết nên sáng ngày 27 tháng Chạp mình đã có mặt ở nhà. Trong nhà hiện không còn đông người như trước nên việc chuẩn bị tết cũng đơn giản, không mua sắm gì nhiều. Mạ thì lo việc bếp núc, ba thì lo quét dọn bàn thờ ông bà, mình thì phụ quét dọn nhà cửa và rửa ly tách. Làm vệ sinh xong rồi đến việc dâng hoa quả, bánh trái và các phẩm vật lên cúng Phật, cúng tổ tiên ông bà. Đến ngày 29 (năm nay không có ngày 30/tháng Chạp) là ngày gói bánh chưng bánh tét. Ba gói bánh còn mình thì ngồi buộc bánh và những lúc rãnh tay cũng tập tành gói bánh tét, bánh chưng. Riêng món bánh ít thì khỏi phải tập vì gói rất dễ.
Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi lần tết đến mình cũng phụ gia đình trong việc quét dọn nhà cửa, chùi lư đồng, gói bánh chưng, bánh tét (phụ buộc bánh thì đúng hơn, hihi), nhưng mà lúc đó làm việc không đâu vào đâu, làm một tí là bỏ chạy đi lượm pháo khi nghe nhà hàng xóm đốt pháo tất niên. Hễ nghe ở đâu có tiếng pháo nổ là lũ trẻ trong xóm chúng tôi cùng cắm đầu cắm cổ mà chạy cho kịp, vì nếu không đến kịp thì những đứa trẻ khác lượm hết pháo. Đôi khi có những phong pháo nổ rất dòn và rất tốt nên chỉ còn sót lại vài quả pháo không nổ, đây là điều hơi buồn cho lũ trẻ chạy lượm pháo như chúng tôi. Cứ mỗi lần tết đến nghe pháo nổ vang hết nhà này đến nhà khác, rồi cùng nhau chay đi lượm pháo chưa nổ, rồi sau đó bày ra nhiều trò ngộ nghĩnh, tinh nghịch từ những quả pháo đã lượm được. Chính điều này khiến cho lũ trẻ cùng xóm như chúng tôi thêm gắn kết và thân thiết với nhau hơn. Ngày nay, mỗi khi tết đến, mọi người không còn nghe tiếng pháo nổ ran, lũ trẻ nhà quê ở độ tuổi như chúng tôi ngày xưa không còn có cơ hội chay đi lượm pháo nữa. Tết mà vắng tiếng pháo nổ làm cho không khí tết có vẻ trầm lắng và đượm buồn.
Lúc trước thì rất háo hức chờ đợi đón lễ giao thừa và ngày mồng một tết. Háo hức đón giao thừa để được lượm pháo và được đốt pháo hoa. Pháo đốt vào lễ giao thừa của nhà mình thì chỉ có an hem trong nhà lượm thôi, lũ trẻ hàng xóm không ai chạy đến tranh giành cả và mình cũng không chay đi lượm pháo ở nhà khác, vì cha mạ đã dặn kỹ là không được đi lượm pháo nhà khác trong lễ giao thừa, bởi vì đến lượm pháo như thế có nghĩa là minh đến xông đất nhà người ta, mà lỡ năm đó nhà họ có điều chi xui xẻo thì mình bị mang tiếng. Và lũ trẻ chúng tôi đều chấp hành răm rắp. Một điều háo hức nữa là sau khi cúng giao thừa xong thì được ăn bánh mứt thoải mái, ngày thường làm gì có mà ăn. Rồi sáng mồng một thì háo hức dậy sớm để được mặc quần áo mới, để nhận tiền lì xì. Bắt đầu đầu tháng Chạp là đã đòi ba mạ may quần áo mới, nếu bị từ chối thì mè nheo, khóc lẫy. Nếu không may gia đình năm đó thật sự khó khăn, không có tiền để may áo quần mới cho thì sáng mồng Một mặt buồn xo như nhà có tang, đúng là con nít! Giờ đây thì không còn là trẻ con nữa, nên không có háo hức chờ đón giáo thừa, và cũng không thiết tha gì với việc mặc quần áo mới đầu năm hay là nhận tiền lì xì nữa.
Con đường làng lầy lội
 
Có một điều chưa có thay đổi đó là con đường đất đỏ của làng tôi. Ngày trước, mỗi khi trời mưa thì con đường làng trở nên lầy lội, và trơn trợt. Có những đoạn đường bị nước ứ đọng và người đi lại nhiều khiến trở nên nhão nhẹt như là chè đậu xanh, trông thật ghê. Đường thì lầy lội, lũ trẻ học sinh cấp một cấp hai như chúng tôi thì còn nhỏ, đi bộ thì bị bùn vẫy lên đầy quần áo, đi xe đạp thì chân không đủ dài để chống mỗi khi xe bị xiêu vẹo, bị trợt, thế là hết đứa này “bắt ếch” lại đến đứa khác “bắt ếch” (đi xe mà bị ngã, rồi áo quần bê bết, lấm lem thì chúng tôi gọi đùa là “bắt ếch”). Hiện tại thì con đường làng ấy không có cải thiện gì cả, và thậm chí là năm nay đường càng bẩn và khó đi hơn, vì nhà nước đang có dự án làm đường nhựa, nhưng vì chỉ mới tiến hành thi công gia đoạn đầu là san lấp và giải phóng mặt bằng. Cho nên lớp đất mới đắp ở trên càng trở nên nhão nhẹt và lầy lội. Vì đường quá bẩn nên ai cũng ngại đi ra đường, mình cũng không ngoại lệ. Hy vọng là dự án làm đường sẽ sớm hoàn thành để quê tôi sớm có một con đường làng sạch đẹp, và lũ trẻ ở quê không còn bị “bắt ếch” mỗi khi đi học vào mùa mưa.
Mấy đứa cháu dễ thương, vui vì được diện quần áo mới
Điều khiến mình hạnh phúc nhất trong dịp tết năm nay là được đón giao thừa trọn vẹn cùng với ba mạ, được cùng ba mạ lễ Phật, tụng kinh, làm lễ giao thừa cầu an đầu năm trước bàn thờ Phật của gia đình. Và được cùng với ba mạ, các anh chị em và các cháu nhỏ ăn cơm trong không khí ấm cùng và đoạn tụ của gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Đoàn tụ rồi lại chia ly! Về thăm nhà được có vài hôm rồi cũng phải chia tay, Mạ sụt sùi rơi lệ tiễn biệt con. Người ra đi mà lòng bịn rịn, thương ba mạ vì sau những ngày tết ấm cúng, con cháu sum vầy, chỉ còn lại hai ông bà trong căn nhà quạnh vắng. Thương lắm……..! Cầu chúc ba mạ luôn luôn được an vui, khỏe mạnh để sống mãi với chúng con, để cho anh em chúng con được hạnh phúc mỗi khi về thăm quê. 
Minh Nguyên

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!