Tu Tập theo hạnh ngài Quán Âm


Bồ-tát Quán Thế Âm là vị Bồ-tát rất gần gủi với tất cả mọi người Phật tử Việt Nam. Ngài là hình tượng biểu trưng cho lòng từ bi, thương yêu, bảo bộc và che chở cho tất cả mọi loài. Hình tượng cùng với những hạnh nguyện của Ngài đã in sâu vào lòng người dân Việt Nam, nhất là những người Phật tử. Ngài như là người mẹ hiền với lòng thương yêu vô bờ bến và có đầy đủ năng lực, luôn dang rộng vòng tay để đón lấy những người con thương yêu đang trong lúc khủng hoảng, đang gặp những bất hạnh, khổ đau, đang lầm đường lạc lối, là nơi cho con thơ trở về nương tựa trong cơn “dông bão” của cuộc đời. Chính vì vậy, Ngài được người đời xưng tụng là Mẹ hiền Quán Thế Âm, một danh xưng vô cùng gần gủi, thân thương, và cũng rất đỗi thiêng liêng, cao quý.
Bồ-tát Quán Thế Âm đã trải qua nhiều kiếp tu hành theo hạnh nguyện cứu khổ, độ sanh. Ngài có rất nhiều công hạnh cao quý và những lời nguyện rộng lớn. Là những người sống theo con đường hướng thiện và hướng thượng, luôn chí thành kính ngưỡng đối với ngài Quán Thế Âm, chúng ta còn đợi gì nữa mà không tu học theo những hạnh nguyện của Ngài. Hạnh nguyện tiêu biểu nhất là tâm từ bi của Ngài đối với muôn loài chúng sanh và hạnh nhẫn nhục Ba la mật. Nếu chúng ta tu tập theo hai công hạnh ấy thì chắc chắn đời sống của chúng ta sẽ được thăng hoa, sẽ có nhiều sự chuyển hóa diễn ra trong thân tâm của chúng ta. Tuy nhiên, để có thể tu tập theo hạnh nguyện của Ngài thì chúng ta phải hiểu biết về những hạnh nguyện ấy.
Trước hết là tâm từ bi, có nhiều người thường giải thích rằng từ là ban vui, bi là cứu khổ, giải thích theo lối này nghe có vẻ suôn tai nhưng nó không chuyển tải hết ý nghĩa của hai từ này. Từ (tiếng Phạn là Maitri) có nghĩa là lòng thương yêu. Bi (tiếng Phạn là Karuna) là lòng thương xót. Từ và bi cùng với hỷ và xã là bốn đức tính cao đẹp mà đạo Phật gọi là Tứ vô lượng tâm. Phải là những tâm vô lượng tại vì chúng sanh vô lượng nên bốn đức tính này cần phải tỏa đến khắp mọi chúng sinh. Không phải chỉ thương yêu vài người thân trong gia đình, bạn bè, quyến thuộc mà phải thương yêu tất cả chúng sinh. Không phải chỉ thương xót một nhóm người hay đồng bào trong một quốc gia mà phải thương xót tất cả mọi người, mọi loài trên trái đất. Song đấy chỉ là trên phương diện chữ nghĩa. Để thực hành được bốn đức tính này một cách trọn vẹn quả là không phải dễ, phải tập dần dần từng bước từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa. Muốn mở rộng lòng thương yêu đến với người khác thì mình phải thương yêu chính bản thân mình. Mình không thương yêu bản thân mình thì mình không thể nào thương yêu được người khác. Nghe qua điều này có người cảm thấy ngồ ngộ, nhưng đấy là sự thật. Thương yêu bản thân mình ở đây không phải là thương yêu bản ngã của mình mà là thương hết toàn thân tâm của mình. Không nên lầm lẫn giữa cái ngã và con người. Thương yêu bản thân mình có nghĩa là nhận diện được con người thật của mình và đón nhận tất cả những gì hoàn thiện và chưa hoàn thiện của mình. Đối với những gì chưa hoàn thiện thì không vì thế mà buồn khổ, không vì thế mà chán ghét, né tránh; đối với những gì hoàn thiện thì cũng không vì thế mà sinh lòng tự cao, ái ngã. Thí dụ tôi có đầu tóc quăn, cái ngã của tôi muốn thấy tôi có đầu tóc thẳng, nhưng đầu tóc thật của tôi lại là tóc quăn nên tôi thường phải đội mũ để che đi đầu tóc mà tôi cho là không đẹp ấy. Khi đội mũ vào và soi gương, tôi thấy tôi đẹp hơn và tôi yêu tôi hơn, đó là tôi đang yêu cái ngã của tôi. Khi bỏ mũ xuống, soi gương thấy tóc quăn nên tôi không yêu đầu tóc của tôi nữa. Nếu tôi biết thương tôi thì tôi đón nhận tất cả mọi thứ đẹp xấu trong tôi, đó gọi là bình đẳng. Có nhiều người chỉ thích người khác khen mình tốt đẹp, đạo đức, không thích nghe nói đến khuyết điểm, tật xấu của mình. Ðó là ái ngã, yêu cái ngã của mình chứ chưa thương yêu mình. Đối với những khuyết điểm của mình mà mình còn ghét bỏ, chưa thể dung hòa để rồi chuyển hóa dần thì làm sao có thể cảm thông với những khuyết điểm của người khác được? Vì thế, để thương yêu mọi người thì mình phải tập thương yêu mình trước đã. Có thương yêu mình thì mình mới có thể phát huy được những ưu điểm của mình và khắc phục dần những nhược điểm. Thương mình thì mới hoàn thành tốt bổn phận và trách nhiệm của mình, mới hoàn thiện được mình. Tiếp theo chúng ta tập mở rộng lòng thương yêu của mình đến những người thân thuộc của mình, cha mẹ, anh em, thầy bạn của mình, trải rộng tình thương yêu đến với tất cả mọi người, mọi loài, kể cả những người đã từng có oán kết với mình. Hơn nữa, khi chúng ta thương yêu chính mình thì cũng đồng thời chúng ta đã phần nào thể hiện tình thương yêu của mình đối với những người xung quanh. Tại sao lại như thế? Cuộc sống vốn là một chuỗi của những mắc xích, là sự tương duyên và tương tồn. Một khi mình làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình thì mình sẽ đảm bảo được sự ổn định trong đời sống sinh hoạt của gia đình, cái con được ấm no, hạnh phúc, vợ hiền được quan tâm, thương yêu, gia đình được hòa thuận, an vui. Và như thế tức là mình đã đem tình thương yêu đến cho những người thân của mình. Khi mình làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo đối với cha mẹ, chúng ta chuyên tâm học tập, làm việc để giúp đỡ cha mẹ, không la cà đình đám, không đam mê cờ bạc, rượu chè, không đi theo những người bạn bất lương để làm những việc tồi bại, như thế là chúng ta đã khiến cho cha mẹ vui lòng, không phải lao tâm khổ trí đối với chúng ta, không phải mất ăn mất ngủ vì chúng ta, vậy là chẳng phải chúng ta đã thương yêu cha mẹ rồi đó sao? Hay là với vị trí là một nhân viên trong công ty, mình thương yêu bản thân, có trach nhiệm với bản thân, với công việc của mình, và luôn cố gắng học tập để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, nhờ vậy mà chúng ta đạt được những thành quả tốt trong lao động, đẩy mạnh dây chuyền hoạt động trong công ty, đưa ra những sáng kiến trong công việc nhờ vậy mà đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty, và lương công nhân trong công ty được nâng lên, đời sống của công nhân viên nhờ đó mà cũng được thuận tiện hơn. Vậy là đồng thời với sự thương yêu chính mình, chúng ta đã thể hiện lòng thương yêu và giúp đỡ mọi người trong công ty.
Tuy nhiện, Tình thương mà người viết muốn nói ở đây là từ bi, là tình thương yêu không phân biệt, không đi đôi với những điều kiện và không có giới hạn chứ không phải là tình yêu nam nữ, hay là tình bạn hoặc tình thương cha mẹ dành cho con cái. Ðương nhiên những thứ tình cảm kia cũng là những thứ tình cảm đáng quý, nó là một phần của tình thương yêu, là hạt nhân khơi nguồn cho lòng Đại Từ, Đại Bi, và là một đề tài bất tận cho những nhà văn nghệ sĩ.
Với tâm bi, tâm hỷ và tâm xả cũng thực tập tương tự như thế. Tuy là có bốn đức tính, nhưng có thể khẳng định rằng, chỉ cần có tình thương yêu thì bạn đã có đủ cả ba đức tính kia. Có thương người thì đương nhiên sẽ cảm thấy xót xa khi người gặp hoạn nạn, khó khăn. Bạn thương cha mẹ bạn, khi cha mẹ bạn ốm đau thì chắc chắn bạn cảm thấy xót xa và tìm cách cứu chữa cho cha mẹ sớm lành bệnh. Có thương yêu thì mới có sự cảm thông, có cảm thông thì mới có thể chung vui cùng với người khác. Mình qúi người bạn của mình, khi thấy bạn mình thành đạt thì mình sẽ vô cùng vui mừng chứ không hề ganh tỵ. Có thương yêu thì mới có thể đối xử bình đẳng với mọi người được. Bởi vậy chỉ cần làm sao khơi dậy và làm tăng trưởng tình thương thì ba đức tính kia sẽ tự nhiên có mặt. Một khi chúng ta biết thương yêu người khác thì niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được tăng lên nhiều lần vì chúng ta không chỉ hạnh phúc khi mình có hạnh phúc mà chúng ta còn hạnh phúc khi người khác có hạnh phúc.
Tình thương ở đây không là lý thuyết suông mà phải thể hiện cụ thể trong cuộc sống của mình. Đối với bản thân mình thì không ngừng hoàn thiện phẩm chất đạo đức cùng với những năng lực để có thể giúp đỡ mọi người. Đối với mọi người thì luôn quan tâm, giúp đỡ, cảm thông và chia sẻ. Với lòng thương yêu chúng sanh không bờ bến, Bồ-tát Quán Thế Âm đã dày công tu tập trong vô lượng kiếp để có thể nhìn thấu được tận đáy lòng của chúng sanh và hóa hiện ra khắp mười phương để cứu độ và nhiếp hóa chúng sanh. Trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp hoa, đức Phật đã nói với Bồ-tát Vô Tận Ý về hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm:

“Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chỗ
Thệ rộng sâu như biển
Nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn
Hầu nhiều nghìn đức Phật
Phát nguyện thanh tịnh lớn”.
Ngài đã phát nguyện rộng lớn, nơi nào có chúng sanh đau khổ là ngài thị hiện đến để cứu giúp, làm cho chúng sanh không còn lo sợ. Ngài đã dùng ánh mắt từ ái để nhìn tất cả chúng sanh (từ nhãn thị chúng sanh), lắng nghe tất cả những nỗi lòng của chúng sanh. Học theo hạnh của ngài Quán Âm, chúng ta phải biết dùng ánh mắt thương yêu để nhìn tất cả mọi người, dù người đó là thân hay sơ, bạn hay thù, không thể nhìn người khác với ánh mắt khinh miệt, kỳ thị và ác cảm được. Tập lắng nghe người khác nói với tất cả tâm hồn mình để có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của người đang nói chuyện với mình. Nếu biết lắng nghe thì chúng ta không chỉ hiểu những điều người ta nói ra mà còn có thể hiểu được cả những điều thầm kín chưa được nói ra. Nhờ vậy mà chúng ta biết được những vướng mắc của họ và có thể giúp đỡ họ. Và đôi khi chỉ cần lắng nghe người khác giải bày tâm sự thôi cũng là đã giúp người ấy, đã làm cho người ấy cảm thấy nhẹ nhõm, cảm thấy ấm lòng rồi.
Đối với hạnh nhẫn nhục của Ngài, lúc còn tu tập theo hạnh Bồ-tát, Ngài đã từng nếm trải nhiều nỗi oan trái, vô vàn nghịch duyên. Nhờ tâm nhẫn nhục, Ngài đã vượt qua, đã chuyển hóa tất cả. Trong kho tàng văn học Việt Nam, hạnh nhẫn nhục của Bồ-tát Quán Thế Âm đã được diễn tả rất sinh động dưới những cốt truyện ly kỳ như là truyện Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện,… Trong truyện Quan Âm Thị Kính, nàng Kính Tâm đã chịu nhiều nỗi trái ngang. Lúc còn sống với chồng thì bị mẹ chồng vu oan là muốn ám sát chồng, một nỗi oan không biết biện bạch cùng ai, không còn con đường nào khác, nàng Kính Tâm đã phải bỏ quê hương để ra đi. Chán ngán cuộc sống trần tục, nàng cải trang làm nam nhi và xin vào chùa xuất gia tu tập. Nhưng dòng đời lắm nỗi oan khiên, trong hình tướng của một vị tăng, nàng đã lọt vao mắt xanh của cô Thị Mầu, cô này đã đem lòng yêu thầm nhớ trộm chú tiểu Kính Tâm, càng ngày càng say đắm. Trong lúc mơ màng, nhìn thấy người đầy tớ trai đi qua mà cớ ngỡ là Kính Tâm nên nàng ta đã tỏ tình và đã đánh mất tiết hạnh của mình. Đến khi tỉnh lại thì chuyện đã rồi. Sau hôm đó nàng ta đã mang trong mình cốt nhục của người đầy tớ trai. Yêu không được nên Thị Mầu trở lại hận Kính Tâm, muốn làm nhục Kính Tâm. Thế là không biết cách nào để lý giải cho cái bụng ngày càng lớn của mình, Thị Mầu đã vu oan cho Kính Tâm là tác giả của thai nhi trong bụng nàng. Kính Tâm bị vu oan, nhưng nếu như minh chứng cho sự trong sạch của mình thì nàng không thể tiếp tục đời sống tu hành được, và Thị Mầu sẽ bị hành xử, sẽ không còn lối thoát. Một lần nữa nàng Kính Tâm lại cam chịu nỗi hàm oan để tiếp tục đời sống tu hành, để cho Thị Mầu còn có lối thoát thân. Trong truyện Quan Âm Diệu Thiện, Diệu Thiện công chúa cũng phải nếm trải không biết bao nhiêu là nỗi oan khiên.
Tu tập theo hạnh nhẫn nhục của Ngài, chúng ta phải giữ tâm bình lặng trước mọi tình huống đến với mình, dù là thuận cảnh hay nghịch duyên, dù là may mắn hay rủi ro chứ không chỉ nhẫn trước những những nghịch cảnh, oan trái như mọi người thường hiểu về hạnh nhẫn nhục. Tại sao phải tập nhẫn trước cả những thuận cảnh? Trước những thuận cảnh như được mọi người tôn kính, được mọi người ca ngợi, được cung phụng thì lòng người thường sinh ngã mạn, tự mãn, đấy là những tâm lý tiêu cực, có hại cho sự tu hành, làm suy thoái đạo đức cho nên chúng ta phải nhẫn, không để cho tâm kiêu căng, tự đắc phát sinh. Xưa kia, ngài Ngộ Đạt quốc sư trong lúc nhận được sự cung phụng của vua quan và tín đồ, vì một lúc không làm chủ được tâm mình, để cho tà niệm khởi lên mà đã phải mang họa vào thân, bị oan hồn của Triệu Thố báo thù, hiện hình mụt ghẻ mặt người ở chân của ngài rất là ghê sợ, nhức nhối và đau khổ vô vàn.
Khi tu tập hạnh nhẫn nhục, chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ nhẫn nhục với các hiện tượng tâm lý khác mà có biểu hiện gần giống với nó, đó là lòng thâm hiểm, nhu nhược. Người có lòng thâm hiểm cũng có khả năng giữ lòng bình tĩnh, thản nhiên trước sự làm nhục, xâm phạm của người khác, xem như không có gì xảy ra. Nhưng sự thực trong lòng họ vô cùng căm phẫn, đang mưu toan để trả thù. Hai câu thơ miêu tả về tính cách của Hoạn Thư trong Truyện kiều có thể cho chúng ta thấy được bản chất của lòng thâm hiểm này:
“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Sự nhu nhược cũng có biểu hiện bình lặng khi bị người khác xúc phạm, họ cam chịu chứ không giám phản đối lại, tại vì họ yếu đuối, không có khả năng chống đối. Nếu như họ có khả năng thì họ sẽ chống trả quyết liệt chứ không bao giờ chịu đựng như vậy.
Người có lòng cầu cạnh cũng có những biểu hiện tương tự như là nhẫn nhục. Họ lân la đến những người giàu có, những người có uy quyền để có thể cậy nhờ. Dù bị người ta sai bảo, làm nhục, bị hành hạ cũng mỉn cười làm vui để được lòng người ta. Vì lòng tham mà họ cam chịu tất cả.
Nhẫn nhục cũng là giữ tâm bình lặng trước mọi điều đến với mình. Nhưng khi nhẫn nhục thì trong lòng không hề có sự oán ghet, không tham lam, ích kỷ, không có sự dồn nén, hay gồng ép mà luôn cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, tràn ngập lòng bao dung, thương yêu và tha thứ.
Ở đây người viết đã tách biệt giữa lòng thương yêu và hạnh nhẫn nhục, nhưng nếu như xét kỷ thì giữa chúng có sự tương quan mật thiết với nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai, trong thương yêu đã có nhẫn nhục và trong nhẫn nhục đã có chất liệu thương yêu. Điều này càng khẳng định tính tương quan mật thiết với nhau trong giáo lý của đức Phật. Đồng thời còn thể hiện tính nhất quán, trăm sông đều đổ về biển cả, tất cả giáo lý đều hướng con người đến sự an lạc, hạnh phúc.
Nhân dịp kỷ niệm ngày vía đản sanh của mẹ hiền Quán Thế Âm, những người con Phật chúng ta đều hướng tâm về Ngài, đều quy kính ngài và cảm niệm ân đức của Ngài. Tu tập theo hạnh nguyện của Ngài là chúng ta đã bày tỏ tấm lòng qui kính của mình đối với ngài một cách cao quí nhất và đầy ý nghĩa nhất. Cầu chúc mọi người cảm nhận được nguồn phúc lạc vô biên trong ánh từ quang của Bồ-tát Quán Thế Âm.


- Quảng Trí -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!