Thiệp Mừng Vu Lan




Mùa Vu Lan lại trở về, trái tim của những người học Phật, của những người con hiếu thảo đang rung lên những nhịp điệu vô cùng đặc biệt, những nhịp điệu của tình thương yêu, của lòng hiếu kính, của tấm lòng tri ân và báo ân đối với hai đấng sinh thành, người đã suốt đời yêu thương, bảo bộc, tận tuy, hy sinh vì con.
Nhân ngày lễ hết sức đặc biệt này, MN kính chúc mọi người, dù còn cha còn mẹ hay là không còn, đều đón mùa Vu Lan thật là hạnh phúc. Xin gởi tặng mọi người tấm thiệp Vu Lan này làm món quà tinh thần nhân mùa Vu Lan.

Ân Nghĩa Sanh Thành

Tình thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quả thật là vô cùng vô tận. Tình thương và sự hy sinh đó thể hiện một phần qua việc mang thai con và sinh nở. Bởi những ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được sự khổ nhọc và nguy hiểm vô cùng trong thời kỳ này, từ đó sẽ cảm thông và hoài niệm ân đức sâu dày của người mẹ đối với bản thân mình.

Sự khó khổ và nguy hiểm của người mẹ trong thời kỳ khi mang thai và sanh nở như thế nào? Người mẹ mang thai con trong chín tháng mười ngày, thân thể nặng nề mỏi nhọc, tợ như người mang đá nặng ngàn cân bên mình. Trong mỗi hành động đi, đứng, nằm, ngồi của người mẹ đều không được tự nhiên. Khi đi thì chậm chạp, khi đứng bứt rứt khó chịu, khi nằm không được như ý, khi ngồi thật khó khăn. Còn nỗi khổ về ăn uống của người mẹ thì vô tận, có những thức ăn lúc bình thường người mẹ không muốn ăn, nhưng nếu thức ăn đó có lợi cho thai nhi mẹ hiền chẳng từ nan. Hay ngược lại có những thức ăn thường ngày người mẹ rất thích, nhưng nếu thức ăn ấy có hại cho thai nhi mẹ hiền sẵn lòng cam chụi, ân đức nuốt đắng nhổ ngọt của người mẹ quả thật là vô vàn.

Khi thai nhi ngày một lớn người mẹ càng khó khổ. Những lúc thai nhi vùng vẫy người mẹ tợ thấy như có ai lấy cây đánh mạnh vào bụng. Khi thai nhi đói khát cấu xé, người mẹ dường như rách nát tâm can. Trong thời gian mang thai, người mẹ luôn canh cánh nỗi sợ hãi bên lòng, đêm đêm như bịnh nặng ngày ngày tợ hoàng hôn, thận trọng trong mỗi hành động, sợ làm tổn hại đến con mình.

Đó mới chỉ là nỗi khổ về sinh lý, còn nỗi khổ về mặt tâm lý của người mẹ lại càng bội phần. Kể từ khi mang thai con, tâm người mẹ có những biến chuyển rõ rệt. Do sức nghiệp cảm của thai nhi tác động, người mẹ sanh tâm tham đắm các mùi vị bất tịnh, thích ăn những thức ăn cấu bẩn. Do tâm sân của thai nhi ảnh hưởng khiến người mẹ có những cơn nóng giận vô cớ. Do tâm tham dục của thai nhi, trong thời gian mang thai tâm sinh lý của người mẹ có những khát khao hơn lúc bình thường. Tóm lại trong giai đoạn này, tâm người mẹ hay sanh ra sự gắt gỏng, nóng nảy hoặc những tâm tham lam vụng vặt… Lại có nhiều người mẹ trong khi mang thai ưa thích những cảnh ma quái, cảnh đâm chém lẫn nhau, và trong thời gian này thường có vô số ác quỷ đoanh vây phá hại người mẹ.

Đó là những nỗi khổ đau của người mẹ trong mười tháng mang thai, còn nỗi nguy hiểm của người mẹ khi sanh nở lại càng bội phần. Tục ngữ Việt Nam có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ý câu tục ngữ nhằm nói lên sự cô độc, sự đau đớn và nguy hiểm vô cùng của người mẹ khi sanh con. Bởi không có sự nguy hiểm nào sánh bằng nỗi nguy hiểm tánh mạng ngàn cân treo sợi tóc của người mẹ lúc đang sanh nở. Không chỉ là nỗi đau và sự nguy hiểm vô cùng đe dọa thể xác, người mẹ còn phải chịu sự bấn loạn, sự lo âu hốt hoảng tột cùng của tinh thần.

Mang thai đến tháng thứ mười, là lúc hài nhi lộn ngược, đầu hướng xuống sản môn hình chất lần lần to lớn, thời gian này người mẹ luôn ở trong trạng thái hồi hộp khó thở, ăn không ngon miệng, ngủ không an giấc và không dám đi xa. Trước giờ chuyển bụng, người mẹ đau đớn vô vàn, khuôn mặt nhợt nhạt, mồ hôi tuôn trào, ruột gan cảm nhận dường như bị ai cấu xé, thân thể như bị ai phanh ra. Những cơn co thắt trong ruột, làm người mẹ đứng nằm không yên.

Lại, tư thế người mẹ lúc sanh con thật là bất tiện. Khi đứa con từ từ sinh ra, người mẹ cảm thấy như bị ai banh thịt, đau đớn vạn trạng máu huyết dầm dề. Toàn thân người mẹ co giật, nghe trong người các cơ thịt co rút, lại mỗi lần sanh nở người mẹ phải mất biết bao nhiêu máu và tủy, khiến cơ thể yếu đi và các đốt xương đen và dễ gãy. Vì thế trong kinh Báo hiếu, Phật dạy tôn giả A-nan muốn phân biệt được đâu là xương đàn ông và đâu là xương đàn bà, thì hãy xem xương nào trắng mà nặng là của đàn ông, xương nào đen mà nhẹ là của đàn bà.

Có điều, người mẹ nếu sanh nở dễ dàng, đứa con thuận chiều mà sanh thì nỗi đau vừa phải, còn gặp phải những đứa con khó sanh hay sanh ngược, người mẹ lại càng đau đớn bội phần rên la không xiết, v.v… Đó là nỗi đau sinh lý, còn về tâm lý người mẹ lúc sanh nở, tinh thần người mẹ luôn căng thẳng, luôn sống trong trạng thái đau đớn hoảng loạn tinh thần, sống chết không hay, chỉ mong cầu sao cho mẹ tròn con vuông.

Cảnh tượng lúc sanh nở cả mẹ lẫn con thật hãi hùng. Quả thật đây là ranh giới giữa sống và chết, là nơi biểu hiện cao tột của tình thương và sự hy sinh của người mẹ. Trong khi sanh nở, thậm chí có trường hợp phải mổ người mẹ để cứu hài nhi, có trường hợp hy sinh con để cứu sống mẹ, hay ngược lại hy sinh mẹ để cứu sống con, có trường hợp cả mẹ lẫn con đều chết trên giường sanh. Cảnh đau đớn vạn trạng và nhuốn đầy màu tang tóc lúc người mẹ sanh nở quả thật đáng kinh đáng sợ biết dường nào.

Bởi không có nỗi đau và sự nguy hiểm nào bằng nỗi đau và sự nguy hiểm của người mẹ khi mang thai và sanh nở như thế, nên trong An sĩ toàn thơ quyển Tây quy trực chỉ, phần Khái tín tạp thuyết có bài văn ngắn tựa là “Đại hiếu bất nguyện nhập thai” (Người đại hiếu không nguyện vào thai mẹ) trong đó có đoạn: “Thần thức con người khi gá vào thai mẹ, không những tự mình thọ khổ mà còn làm cho mẫu thân bị đại khổ… Con đường tự tử chính giờ phút này, cơ duyên giết mẹ cũng từ nơi đó… Lúc sanh ra hài nhi chịu khổ đã đành, mà người mẹ cũng muôn vàn thống khổ. Từng phút từng phút gắn liền với cái chết, mỗi niệm mỗi niệm sợ sanh khó được, khi sanh nở bao nhiêu tinh huyết hao mòn, nỗi khổ của từ mẫu nói sao cho hết”.

Ngày nay trên khắp nẽo đường vô số kẻ qua người lại tấp nập như thoi đưa, nhưng trong số người đông đảo đó có được mấy ai biết báo đáp ân đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết được sự khó khổ và nguy hiểm khi người mẹ mang thai và sanh nở mình! Suy nghĩ cho kỹ, trong vòng luân hồi bất tận này, nếu chúng ta thác thai một lần là làm khổ lụy cha mẹ một đời, thác thai ngàn lần làm khổ lụy cha mẹ ngàn đời.

Vì thế, hôm nay chúng ta đã có duyên lành học Phật pháp, được đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ bi thương xót đặc biệt chỉ dạy cho pháp môn niệm Phật, nếu hiện tại chúng ta một lòng niệm Phật A-di-đà, cầu nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương, thì khi lâm chung sẽ được Phật A-di-đà hiện thân tiếp dẫn. Một khi đã được sanh về Tây phương Tịnh độ, gá sanh nơi hoa sen ở ao Liên Trì thì tự mình tránh khỏi hoạn nạn về sanh khổ, mà đối với cha mẹ vĩnh viễn không làm khổ nhọc và nguy hiểm tánh mạng cho cha mẹ.

Sau khi được vãng sanh về Tây phương Cực lạc, lần hồi tu tập chứng được Vô sanh pháp nhẫn, chúng ta lại thừa nguyện tái lai hồi nhập Ta-bà, cỡi thuyền đại nguyện cứu độ cha mẹ. Như vậy, nếu chúng ta phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, há chẳng phải là đang thực hành hiếu đạo xuất thế hay sao.

Nguyên Liên

Nguồn: Tập san Pháp Luân số 05

Vu Lan Nhạc Khúc


Nhân mùa Vu Lan đến, mời mọi người lắng lòng thưởng thức những 'Vu Lan Nhạc Khúc'. Thân chúc mọi người đón mùa Vu Lan thật tràn đầy hạnh phúc. Xin bạn hãy nhận nơi đây một tấm lòng chia sẽ những niềm vui cũng như những nỗi buồn của bạn.


Nuớc mắt mẹ rơi thành trái tim hồng


Mỗi người con khi rời xa gia đình, đều mang theo mình là cả một trời thân thương trong lời ru, trong tình thương, trong ánh mắt, trong trái tim bà mẹ. Có thể vì cuộc sống quay cuồng trong cơm ăn, áo mặc, danh vọng, tiền tài và những gì xẩy ra trước mắt… làm cho chúng ta quên dần những hình ảnh ấn tượng năm xưa, dù đôi lần trong cuộc đời, khi nghĩ đến, nhớ đến, trong tâm vẫn tuôn tràn những dáng đẹp của kỷ niệm.

Nhưng đối với mẹ, dù con đã lớn khôn, dù con đã thành danh, có gia đình, con cái… nhưng suốt đời của mẹ, dưới ánh mắt, trong trái tim của mẹ, con vẫn còn là đứa bé của năm nào. Nước mắt mẹ bao lần tuôn chảy xuống vì con, cũng là bao nhiêu lần nước mắt đó ẩn chứa và biến thành trái tim hồng thương yêu.

Ngày xưa, lúc con đi
Nhìn mắt mẹ đỏ hoe
Con biết rằng mẹ khóc
quặn thắt bước chân con

Từng hạt nước mắt mẹ
đã nhỏ xuống cuộc đời
nước mắt hoá trái tim
ghi khắc bầu trời thương

Mẹ ơi, con nhớ mẹ
nhớ từng lời yêu thương
nhớ ngày mẹ xoa đầu
mẹ yêu con nhiều lắm

Từng lời thương trời biển
con chép thành bài thơ
mỗi khi đời sương gió
con đọc để vững lòng

Trăm năm, ngàn sau nữa
dù đời có đổi thay
dù tâm người không còn
vẫn còn trái tim mẹ….

Cư sĩ Liên Hoa
Nguồn: http://quangduc.com/VuLan/2009/

Lời Phi Lộ

Quý đọc giả thân mếm!
Blog “Hoa Ngọc Lan” là một blog cá nhân. Nhưng nó không chỉ chuyển tải những tâm tư, tình cảm, những lời tâm sự và chia sẻ của cá nhân mà còn có cả những bài viết chuyển tải nội dung về giáo lý của đạo Phật, những bài viết về Tâm lý, đạo đức. Bản thân chúng tôi là những người học Phật, những người nguyện sống và cống hiến theo tinh thần giáo lý của đức Phật. Giáo lý của đức Phật là giáo lý hiền thiện, hướng con người đến một cuộc sống an lành, hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai. Những lời đức Thế Tôn dạy cách đây hơn 2000 năm thế nhưng chúng vẫn còn nguyên giá trị, vẫn thấm đượm tính nhân văn, và không thiếu tính khoa học. Với nền văn minh của nhân loại, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của xã hội hiện tại, giá trị của những lời đức Phật đã dạy càng được nâng cao, càng được giới học giả, các nhà khoa học, tầng lớp lãnh đạo xã hội chú ý nhiều hơn và đánh giá cao hơn. Chính vì giá trị thiết thực và tính chân-thiện-mỹ của giáo lý đạo Phật như thế cho nên những người con Phật luôn muốn tất cả mọi người đều có cơ duyên tiếp cận với kho tàng giáo lý ấy, để học hỏi và áp dụng vào trong đời sống của bản thân. Đấy cũng chính là một trong những lý do để cho blog “Hoa Ngọc Lan” được ra đời.
Chúng tôi mượn blog này làm phương tiện để chia sẻ cùng mọi người về những hiểu biết của mình, những tâm tư, tình cảm, cũng như những trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng chúng tôi thật sự không muốn mọi người đọc nội dung ở blog này và nghe theo một chiều. Chúng tôi muốn mọi người đọc qua những giáo lý của đạo Phật, rồi tự mình tư duy, dùng trí tuệ và kinh nghiệm sống của mình để nhận định, đánh giá và rồi hãy vận dụng vào trong đời sống của mình những gì bạn cho là phù hợp và có lợi ích cho bản thân và cho những người xung quanh.
Bởi vì blog này không chỉ đơn thuần chuyển tải những tâm tư tình cảm của riêng blogger, cho nên chúng tôi rất muốn nhận được sự đóng góp bài vở và sự chia sẽ kinh nghiệm, thảo luận của tất cả mọi người, để cho nội dung blog thêm phong phú và càng có ý nghĩa hơn.
Thân chúc tất cả những người có duyên ghé thăm blog này có đủ khả năng để chọn cho mình một lối sống có ý nghĩa và luôn có được an lành, hạnh phúc trong cuộc sống.
Thân mến,
Minh Nguyên
--------------------------
Bài vở đóng góp cho blog và chia sẻ, góp ý, xin gởi về email: vnminhnguyen@yahoo.com

Ý nghĩa Rằm Tháng Bảy



Rằm tháng bảy là một trong những ngày lễ lớn trong đạo Phật, dân gian Việt Nam gọi ngày này là ngày xá tội vong nhân. Vậy, ngày rằm tháng bảy bao gồm những ý nghĩa gì?
Thứ nhất, ngày rằm tháng bảy là ngày Phật hoan hỷ. Gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, vì đây là ngày mà chư Tăng mãn hạn sau ba tháng tịnh tu, nghiêm trì giới luật, trưởng dưỡng định lực, trau dồi trí tuệ đã viên mãn. Cũng trong ba tháng này, hàng Phật tử có điều kiện gần gũi chư Tăng để tu học, để phụng sự Tam bảo, nhờ vậy mà đạo tâm thêm kiên cố, phươc huệ thêm lớn, nhân cách được hoàn thiện hơn. Chính vì ngày này đánh dấu sự trưởng thành của những người đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia như thế, cho nên đức Phật rất vui mừng, vì thế mới gọi là ngày Phật hoan hỷ.

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!