Khúc hát Quê Hương

Dữ liệu ở đây được truyền từ một nguồn khác, vì thế nếu bạn có đường truyền internet yếu thì vui lòng chờ trong giây lát. Sau khi nó truyền dữ liệu xong, bạn nhấp chuột vào nút play để thưởng thức. Chúc mọi điều an lành.

Hiểu và Cảm Thông



Hiểu nhau và cảm thông cho nhau trong các mối quan hệ xã hội là một vấn đề rất quan trọng. Nó góp phần giữ gìn và phát triển các mối quan hệ ấy ngày càng tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn và đem lại nhiều niềm an vui và hạnh phúc hơn cho mọi người. Ngược lại, nếu mọi người không chịu hiểu và không cảm thông cho nhau gì chỉ làm cho nhau thêm đau khổ và dẫn đến sự đổ vỡ, chia lìa trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm với nhóm cũng như giữa tập thể này với tập thể kia mà thôi.
Trong thực tế của cuộc sống thường nhật, có đôi khi chỉ vì sự thiếu hiểu biết và không đủ cảm thông của người này đối với một vấn đề không quan trọng, một lầm lỗi nhỏ nhặt của người kia mà đã dẫn đến nhiều sự đổ vỡ không đáng có trong các mối quan hệ. Nguyên nhân là do họ thiếu sự khéo léo trong cách ứng xử, đã khiến cho một vẫn đề nhỏ trong mối quan hệ với người khác trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo thói thường, một khi người A có lỗi lầm hay có điều gì đó làm cho người B không hài lòng thì người B sẽ làm ngơ, và tỏ ra không cần đến người A nữa. Những biểu hiện thường thấy của sự làm ngơ này là không muốn tiếp chuyện, miễn cưỡng đáp lại khi rơi vào tình thế ép buộc phải tiếp chuyện với người A, gặp nhau thì mặt lạnh như tiền, người A gọi điện thoại thì không thèm bắt máy, nhắn tin thì không nhắn lại, gởi thư/email cũng không thèm trả lời. Người ta thường làm ngơ với nhiều dụng ý khác nhau. Có khi làm ngơ để đợi chờ một lời xin lỗi của người kia. Có khi làm ngơ để cho người A nhận thấy được vai trò của người B đối với người A, ý thức được sự trống vắng, hụt hẫng khi không có người B. Cũng có khi làm ngơ để cho người A học cách sống tự lập, tự chủ. Cũng có khi làm ngơ để thử lòng người kia đối với mình. Đôi khi làm ngơ để được dỗ dành, được chiều chuộng, điều này đặc biệt xảy ra đối với phái nữ. Và đôi khi làm ngơ chỉ để cho người kia nhìn lại bản thân họ, thấy được lỗi lầm của họ mà thôi, không cần họ phải nói lời xin lỗi. Cách ứng xử này cũng có có tác dụng nhất định của nó. Nhưng nó không phải là một biện pháp thần diệu, đúng trong mọi trường hợp, mọi đối tượng và mọi thời điểm. Nó chỉ có tính tương đối mà thôi. Chúng ta phải khóe léo trong cách vận dụng nó mới được.
Tùy theo đối tượng, tùy theo tình huống để sử dụng. Mức độ và thời gian của sự làm ngơ ấy cũng không kém phần quan trọng. Có khi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà mình làm ngơ nặng quá, lạnh lùng quá cũng không hay. Có khi sự làm ngơ ấy đem lại kết quả trong thời gian đầu, nhưng nếu kéo dài mãi thì sẽ không tốt, nó sẽ phản tác dụng. Vì như chúng ta đã biết, sức chịu đựng và sự nhẫn nại của con người cũng có hạn mà thôi. Nếu sự làm ngơ của chúng ta vượt quá giới hạn nhẫn nại của người kia thì sẽ không có ích lợi gì. Điều này đúng với các mối quan hệ trong gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội. Chẳng hạn như trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi con có điều gì đó lầm lỗi thì cha mẹ thường hay bỏ mặc, không chăm lo cho người con ấy, con xin tiền cho những việc chính đáng vẫn không cho, đôi khi còn dùng lời bất nhã để mắng nhiếc con, đuổi con ra khỏi nhà. Họ làm vậy với dụng ý là muốn cho con nên người. Nếu đấy là một người con có hiếu, thương yêu cha mẹ thì người đó sẽ cố gắng chịu đựng, và cố gắng sửa đổi, chuộc lại lỗi lầm mà mình đã phạm. Trong trường hợp này thì sự lạnh lùng của cha mẹ đã có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không hiểu được tấm lòng của người con, cứ mãi lạnh lùng thì người con ấy sẽ cảm thấy tủi thân, nghĩ là cha mẹ không thương yêu mình, ghét bỏ mình, vậy thì sự tồn tại của mình trong gia đình này đâu có ý nghĩa gì đối với cha mẹ đâu, chi bằng minh ra đi để cho cha mẹ không phải khó chịu mỗi khi thấy mặt mình, hay là mình chết đi cho rồi,… Bạn thấy đấy, nếu sự lạnh lùng của cha mẹ cứ kéo dài mãi, người con không thể nào chịu dựng được nữa. Đến lúc đó thì những ý nghĩ tiêu cực sẽ nảy sinh, và rất dễ dẫn đến những kết quả bất hạnh cho cả con cái lẫn cha mẹ. Vì cha mẹ cũng đâu có muốn con bỏ nhà ra đi, đâu muốn ép con vào con đường cùng. Nhưng vì không biết điểm để dừng lại mà đã dẫn đến kết quả khổ đau.
Có một điều rất quan trọng, không biết mọi người khi làm ngơ đối với người khác có lưu tâm đến không, đó là tâm trạng và những suy nghĩ, cảm xúc của người bị làm ngơ. Một điều thường hay có đối với những người bị làm ngơ đấy là sự tổn thương, dù là họ có lỗi hay không có lỗi. Làm sao không tổn thương được khi mình bị người khác không thèm quan tâm, khi nhận sự đối xử thiếu nhã nhặn của người khác. Nếu là họ có lỗi thì họ sẽ chấp nhận sự tổn thương đó và cố gắng hàn gắn lại vết nứt trong mối quan hệ ấy. Còn nếu họ nhận thấy là họ không có lỗi, hoặc là vấn đề mà họ đã tạo ra không quá nghiêm trọng, không đáng để bị đối xử một cách thiếu nhã nhặn đến vậy, thì sự tổn thương ấy sẽ lớn dần cùng với thời gian họ bị làm ngơ. Nếu người kia dừng lại kịp thời thì may ra còn có thể hàn gắn được. Còn nếu không thì đến một lúc nào đó vết thương ấy sẽ không thể nào chữa lành lại được nữa. Đồng thời, khi bị làm ngơ thì đấy cũng là lúc để cho người bị làm ngơ đánh giá lại mối quan hệ giữa họ với người kia. Nhiều câu hỏi sẽ nảy sinh trong đầu họ. Tại sao người kia lại lạnh lùng với mình đến thế? Điều mà mình đã gây ra có đáng bị đối xử như thế không? Không có biện biện pháp nào khác cho vấn đề bất hòa này hay sao mà phải dùng biện pháp làm ngơ? Quan hệ tốt đẹp của mình với người kia bấy lâu nay chẳng lẽ chỉ vì một lần lầm lỗi, sơ ý của mình là người kia có thể xóa hết tất cả, quên đi tất cả hay sao? Quan hệ của người kia đối với mình là quan hệ thế nào đây, là chân thật hay chỉ là không chân thật? Mình có nên nhẫn nại và cố gắng để hàn gắn lại vết nứt này không và nếu mình nên nhẫn nại và chủ động hàn gắn thì nhẫn nại bao lâu là vừa?...
Thế đấy, có rất nhiều điều khiến cho người bị đối xử lạnh lùng phải suy nghĩ, và họ cũng không vui vẻ, hạnh phúc gì khi bị đối xử lạnh lùng, bị làm ngơ. Và chắc chắn là chính người làm ngơ cũng đâu có hạnh phúc gì. Qua đó chứng tỏ rằng làm ngơ không phải là biện pháp tốt để giải quyết vấn đề bất hòa trong các mối quan hệ xã hội. Có lẽ mọi người đều nhận thấy được điều đó. Vậy mà không hiểu tại sao nhiều người vẫn cứ dùng đến nó? Phải chăng là vì lòng tự tôn to lớn ở trong mỗi người? Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết mọi vấn đề là phải hiểu rõ vấn đề đó. Đối với sự bất hòa trong các mối quan hệ xã hội cũng không ngoại lệ. Muốn hiểu nhau thì phải lắng nghe nhau, cởi mở giải bày với nhau chứ không phải là làm ngơ, không tiếp chuyện. Để nhanh chóng giải quyết những khúc mắc, khó chịu ở trong lòng, thì không phải là người A chủ động nói chuyện, mà, ngược lại, người B nên chủ động nói chuyện với người A, chủ tìm hiểu nguyên nhân để hiểu và có thể cảm thông, chia sẽ với cho người A. Như thế thì những khúc mắc của vấn đề sẽ nhanh chóng được tháo gỡ. Nếu khi đã hiểu mà không thể nào cảm thông được thì lại là chuyện khác, và lúc đó người B muốn làm ngơ cũng đâu có muộn. Ví dụ như bạn của mình vừa mới có chuyện buồn ở trong lòng và mình đến gặp bạn, thường thì người bạn ấy đối xử với mình không tệ, nhưng lúc ấy do nỗi buồn trong lòng của bạn chưa vơi, vô tình bạn ấy trút luôn nỗi buồn đó lên bản thân mình, đối xử lạnh lùng, thiếu nhã nhặn với mình. Nếu vì sự đối xử không nhã nhặn đó của bạn mà sau đó mình trở mặt làm ngơ thì vô tình mình trút thêm gánh nặng ưu sầu lên vai của bạn, làm cho bạn đã khổ lại càng khổ hơn. Còn nếu như sau đó mình chủ động hỏi bạn, tại sao lại có thái độ như vậy? và lắng nghe bạn giải bày tâm sự thì mình sẽ hiểu được bạn, thông cảm với bạn nhiều hơn và giúp bạn nhang chóng gạt bỏ được nỗi niềm buồn khổ kia. Như thế thì chẳng những không làm cho quan hệ bị rạn nứt, đổ vỡ, mà còn làm cho nó càng thêm bền chặt, thắm thiết. Một trường hợp khác là lúc bạn của mình đang bận tâm vì một vấn đề gì đó và bỗng dưng mình đến gặp bạn, vì sự tế nhị nên bạn vẫn tiếp chuyện với mình. Nhưng vì tâm trí của bạn đang tập trung vào vấn đề mà bạn ấy đang quan tâm nên nói chuyện một cách lơ đãng, không đâu vào đâu. Thế là mình quy cho bạn cái tội không tôn trọng mình, không quan tâm đến mình. Và rồi trở mặt làm ngơ với bạn. Thật là tội cho người bạn ấy! Vì vị ấy đâu có phải là một người vô tâm, đâu phải là không tôn trọng người bạn kia. Chỉ tại nhất thời họ chưa gạt bỏ được mối bận tâm của bản thân mà thôi. Nếu người B không khéo léo thì mối quan hệ này khó lòng hàn gắn lại, tại vì vấn đề đơn giản mà đã bị người B biến thành chuyện lớn, không sớm bỏ qua cho người A.
Về biện pháp và sự khéo léo đối với việc giải quyết những bất hòa, rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội thì không có tính cố định, tùy theo đối tượng, tình huống và thời điểm mà chọn những giải pháp thích hợp. Cốt tủy của vấn đề là ở tấm lòng và khả năng nhận thức của mỗi người. Khả năng nhận thức ở đây không phải là đòi hỏi phải có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn giỏi, mà là ở sự cởi mở, biết lắng nghe, biết chắt lọc thông tin và độ nhạy bén, tinh tế trong giao tiếp của mỗi người. Còn tấm lòng ở đây là muốn nhấn mạnh đến tình cảm và tính chân thật của mối quan hệ. Khi cả hai bên đều thật sự quý mến và thương yêu nhau (như cha mẹ thương yêu con cái - con cái hiếu thảo với cha mẹ, thầy thương yêu trò – trò kính mếm thầy, bạn bè thương mến nhau, đồng nghiệp quý trọng nhau,…) thì họ sẽ không nỡ làm cho nhau phải đau khổ. Nếu có lỡ người này làm cho người kia không vừa lòng, với tình cảm chân thành và sự cởi mở thì họ sẽ sớm cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc ở trong lòng.
Hiểu biết và thương mến nhau là hai nhân tố vô cùng quan trọng trong các mối quan hệ xã hội để mọi người có thể cảm thông cho nhau, cùng nhau xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, đầy ý nghĩa và cùng nhau sống trong an vui, hạnh phúc. Khi đã hội đủ sự hiểu biết và thương yêu nhau thì mọi người rất dễ cảm thông cho nhau, bỏ qua những lầm lỡ của nhau, giúp nhau cùng hoàn thiện bản thân. Chỉ có dùng sự hiểu biết và tình thương yêu lẫn nhau mới có thể nhanh chóng hàn gắn lại những rạn nứt trong tất cả các mối quan hệ xã hội mà thôi. Làm ngơ ít khi đem lại kết quả như ý muốn lắm, mà có hàn gắn lại chăng nữa thì cũng chỉ là tương đối, gượng ép mà thôi. Để cho sự hàn gắn đem lại từ việc làm ngơ này hoàn toàn lành lặn thì cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa. Vì thế, chúng ta nên hạn chế việc sử dụng biện pháp làm ngơ để giải quyết những điều không vừa ý xảy ra trong các mối quan hệ xã hội. Hãy gạt bớt đi tính tự tôn, sĩ diện của bản thân mình, hãy đến với nhau và cởi mở giải bày cho nhau hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình khi có vấn đề bất thường xảy ra trong các mối quan hệ xã hội để xây dựng mối quan hệ ấy ngày càng hoàn thiện hơn, có ý nghĩa hơn. Có được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống ngắn ngũi này là một diễm phúc lớn, không dễ gì có được. Hãy cùng nhau trân trọng và giữ gìn nó, đừng để phải đổ vỡ vì một điều không đáng vào đâu.

Minh Nguyên

Nỗi Lòng Tu Đi


Sư thượng đường kể:
Ngày xưa, có một con chó bị bệnh ghẻ lác, nên bị chủ quăng bỏ ra ngoài bờ sông. Cạnh bờ sông có một vị sư già sống trong một am cốc nghèo nàn, ngày ngày đi khất thực để sống. Trông thấy con chó đói bệnh, vị sư động lòng từ mẫn, đem về săn sóc, chia sớt cho nó phần ăn hàng ngày sư xin được, tắm rửa, xức thuốc cho nó. Chẳng bao lâu nhờ sự tấn tâm của sư mà con chó khỏi bệnh, lông lá mọc lại trên thân, trở thành một anh chó bảnh bao, dễ nhìn. Nhà sư đặt tên nó là "Tu Ði", có ý muốn thọ ký nó phát tâm tu hành để chuyển nghiệp chó.
Nhưng từ khi khỏi bệnh, Tu Ði đâm ra ưa lêu lổng. Nó tìm gặm những cục xương của người ta vứt bên bờ sông, và bỗng thấy hết ưa mùi vị tương chao của nhà sư tốt bụng, người đã cứu tử nó. Ngày ngày nó đi tìm ăn những cơm thừa cá vụn nên đâm ra quen mùi trần tục. Một hôm nó đang ngồi bên bờ sông nghễnh mõm nhìn móng sang bên kia bờ, bỗng một làn gió từ bên ấy tắt qua, thơm phức mùi thịt xào hành mỡ. Nó tung mình nhảy xuống sông lội về hướng ấy. Khi nó lội đến giữa dòng thì nhà sư cũng vừa về tới am, không thấy Tu Ði ngài ra sông tìm. Thấy con chó thân yêu đang chới với giữa dòng theo tiếng gọi của dục vọng, nhà sư tha thiết gọi nó quay về:
-Tu Ði! Con nỡ nào bỏ thầy già yếu cho đành? Con hãy mau quay về với thầy. Tu Ði, Nào có mùi vị gì nơi một mảnh xương khô của trần tục, con chỉ tự ăn nước bọt chính con tiệt ra đấy mà thôi. Hãy quay về, hỡi Tu Ði!
Con chó nghe lời thầy gọi vội vã quay trở lại, nhưng nó vừa quay lưng với bờ kia thì bỗng một làn gió từ bên ấy hắt lại, tạt mùi thịt ngon lành vào mũi nó. Không cưỡng được, nó lại bơi trở lui về hướng thịt xào. Bên bờ này vị sư lại thiết tha khuyên nhủ. Con chó cầm lòng không đậu cũng quay lại, nhưng vừa muốn quay lại với thầy, thì gió lại đưa mùi thịt xào đến mũi nó, cứ thế Tu Ði quay qua lộn lại giữa giòng sông không thể quyết định được. Và cuối cùng nó bị chết chìm ngay giữa giòng.
Kể xong câu chuyện, sư lui về tịnh thất nghỉ. Các đệ tử ngồi lại kháo nhau:
- Huynh cho câu chuyện ấy có nghĩa gì?
Một người nói:
- Ðó là cái chết thảm khốc của một kẻ bội bạc, phận chủ.
Người thứ hai:
- Tai họa xẩy đến cho những kẻ nào không quyết đoán.
Người thứ ba:
- Các huynh nói đều đúng cả, nhưng theo tôi thì, thầy mình có ngụ ý. Con chó tượng trưng cho người khởi sự tu tập, tại gia hay xuất gia. Vị thầy là Phật tánh, lương tri sẵn có nơi mỗi người. Mùi thịt xào với làn gió là sự cám dỗ mời gọi của sắc thanh hương vị xúc pháp, tức sáu trần. Giòng sông tượng trưng cho sanh tử. Người nào đã thấm nhuần chút đạo lý, thì đạo lý ấy trong họ trở thành một thứ đại bổ hoặc kịch độc. Ðại bổ là khi sống thuận theo ánh sáng mình đã thấy, kịch độc là khi mình không cưỡng nỗi tiếng gọi của sắc trần mà quay lưng với đạo, chạy theo thanh sắc. Thỉnh thoảng tiếng gọi của lương tri nổi dậy, nên người ấy không thể nào dứt khoát chạy theo thanh sắc như người thế tục chưa từng biết đạo, mà cũng không thể quay về, cho nên phải chết chìm giữa giòng sông sanh tử.

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải
Nguồn: Trích từ tập truyện "Đường vào nội tâm" Của Ni sư Trí Hải

Trái Tim Của Mẹ


Ngày xưa, có một cậu bé ở với mẹ trong một túp lều ven rừng. Ngày ngày cậu đi vào rừng hái củi bán để nuôi mẹ. Mẹ cậu ở nhà nấu cơm, vá áo, chăm sóc những luống rau. Hai mẹ con sống nghèo nàn hẩm hút, nhưng không kém vẻ đầm ấm, bởi vì tình thương của mẹ vốn đã là điều kiện cần và đủ cho một con người.

Nhưng cậu bé lớn dần và bắt đầu đi xa hơn trong những buổi kiếm củi. Hồn cậu cũng bay xa hơn trong những mộng ước, mong chờ. Cho đến một chiều nọ, trên đường hái củi cậu bắt gặp một bóng hồng thiếu nữ bên suối biếc. Kể từ hôm ấy, bát cơm nguội trên tay mẹ âu yếm đưa cho cậu ăn đỡ đói lòng mỗi khi trở về, không còn hương vị nữa. Cậu bắt đầu tiếc nhớ bâng khuâng, người trở nên thờ thẫn, mất hồn. Bà mẹ lo lắng hỏi han, cậu gắt gỏng với mẹ. Tình yêu hay đúng hơn, sự mê gái, đã làm cậu lú lẫn mê muội rồi. Mẹ càng chăm sóc ân cần, cậu càng khó chịu, muốn bỏ nhà ra đi... theo bóng hồng bên suối biếc.

Ối, phải chăng nàng là tiên nữ giáng trần? Cậu cảm như chưa bao giờ thấy một người con gái đẹp đến thế. Mỗi đáng vẻ, động tác của nàng đều làm cho cậu mê mẩn tâm thần:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh.

Huống chi nàng lại đứng bên bờ suối phận chiếu ánh trời chiều long lanh với muôn màu sắc: màu xanh của mây, màu vàng, đỏ, tím của hoa rừng, màu lục biếc của cây lá ...Giữa thiên nhiên kỳ tuyệt ấy, nàng nổi bật như một đóa hoa vương giả khoe tươi.

"Thầm yêu trộm nhớ bấy lâu đã chồn"... Thanh niên đánh bạo đến gần người đẹp. Thiếu nữ vừa trông thấy cậu đã khóc òa:

- Chàng ôi! Thiếp không còn sống được bao lâu nữa nếu ....

Giọng oanh vàng nấc nghẹn. Thanh niên hỏi dồn:

- Tại sao, tại sao, nàng hỡi! Tôi sẽ làm bất cứ gì để đem lại sự sống cho nàng, dù có phải mất mạng.

Thiếu nữ mở lớn đôi mắt bồ câu xinh:

- Thật không, ồ xin chàng hãy cứu thiếp! Thiếp đau bệnh nan y, thầy thuốc bảo chỉ có nuốt vào mình trái tim nóng hổi của một người mới tắt thở, họa may hết bệnh. Nếu chàng cứu thiếp, thiếp xin hứa sẽ trọn đời sửa túi nâng khăn.

- Xin nàng hãy đứng chờ.

Thanh niên chạy như bay một mạch về túp lều. Bà mẹ tựa cửa trông con, trong chỗ tranh sáng tranh tối, cậu va cái cốc vào đầu mẹ. Tiến thể, cậu rút ngay con dao ở vách lều, thọc vào ngực bà, moi ra trái tim còn nóng hổi. Cậu bưng trái tim mẹ hối hả chạy ngược trở lại bờ suối.

Mặt trời đã lặn khuất sau đồi. Bóng lá cây đen dầy che rợp lối đi. Ba bốn lần cậu suýt vấp ngã vì vội vàng hấp tập. Bỗng nghe một tiếng nói hiền từ đâu đây vọng lại:

- Con ơi, chạy chậm bước lại kẻo té, con ạ!

Cậu giật mình đứng lại ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng cậu chợt hiểu. Thì ra tiếng nói kia vang lên từ trong hai lòng tay cậu, từ TRÁI TIM CỦA MẸ!

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải
Nguồn: Trích từ tập truyện "Đường vào nội tâm" Của Ni sư Trí Hải



Người Ngày Xưa

Sinh là một anh học trò nghèo kiết xác tha phương cầu học. Anh ở trọ trong một ngôi chùa, ngày đêm dùi mài kinh sử để ứng thí. Quan huyện sở tại cũng là người xứ khác bổ nhiệm đến, thường lui tới chùa vì quan rất mộ đạo. Quan có một cô con gái tuổi độ trăng tròn, nhan sắc mỹ miều diễm lệ. Một hôm nhân ngày lễ Vu lan, cô gái theo cha đến chùa. Vừa trông thấy người ngọc, Sinh ôm lòng thầm yêu trộm nhớ. Nhưng chàng đã có vợ con ở quê nhà, lại thuộc gia đình nghèo khó, mà nàng thì đang độ xuân xanh, lá ngọc cành vàng. Chuyện lương duyên thật khó nỗi ước mơ. Mối tình bị chướng duyên ngăn trở càng thêm nồng nàn thắm thiết, mặc dù chưa một lời trao đổi, tình yêu chỉ đơn phương. Chàng đành nuốt nước bọt ngâm câu "tình tuyệt vọng":
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Nàng thoáng hiện tới chùa một lần rồi không bao giờ trở lại. Con "người gieo thảm" đó để lại trong lòng Sinh một mối tương tư cay đắng, vì không thể nào trăm năm tính cuộc vuông tròn. Hình ảnh nàng đang ám ảnh Sinh một cách mãnh liệt, thì bỗng một hôm, chàng nghe tin nàng đã chết. Ôi! Rõ thật là: Ngày xuân xanh sơ ngộ để thiên thu."
Mới thấy nàng có một lần, nhưng Sinh lăn khóc thảm thiết khi hay tin nàng lìa trần. May thay, tục lệ lúc bấy giờ ưa chôn người chết ở nguyên quán, nên quan huyện ướp xác quàng thây nàng tại ngôi chùa Sinh trú ngụ, chờ ba năm sau sẽ đưa về cố quận. Từ đó Sinh được đêm ngày gần gũi người đẹp... trong quan tài. Mối tình si vẫn nồng đượm, có lẽ còn mặn mà hơn xưa, bởi lẽ giờ đây không còn gì ngăn cách. Cái chết xóa tan mọi bất bình đẳng giữa con người, phá đổ mọi ranh giới tài sản, địa vị, giai cấp... Mỗi bữa ăn, Sinh đặt một mâm cơm trên nắp quan tài cúng cho vong linh hưởng xong, chàng mới chịu hạ xuống ăn. Chàng kể lể với người trong quan tài như sau: "Ối nàng ơi! Âm dương đôi ngã, nàng có thấu cho lòng tôi không? Khi nàng còn sống, nàng là lá ngọc cành vàng, tôi chỉ là một kẻ thư sinh bần hàn ăn nhờ ở đậu, có khi nào đài gương soi đến đậu bèo! Nhưng tôi yêu nàng tha thiết, tình riêng luống ra ngẩn vào ngơ. Hình bóng nàng đậm nét trong tim tôi. Bây giờ, nàng nằm đó, tôi đứng đây, cách nhau có một tấm ván quan tài, chỉ trong gang tấc vậy mà thành ra biết mấy trùng quan san! Ôi! Sao con tạo khéo trêu người dường bấy! Khi tôi được hân hạnh gần gũi nàng, thì nàng đã hóa ra người thiên cổ, thành cái xác không hồn! Ước sao nàng hãy sống lại, tôi xin đổi bất cứ gì để đôi ta được tái ngộ trên dương trần! Xin nàng chứng giám cho lòng tôi."
Bữa ăn nào cũng vậy, việc cúng cơm và đọc văn tệ than khóc người đẹp trở thành một tục lệ bất biến trong đời chàng thư sinh. "Hữu cầu tất ứng", lời cầu nguyện của chàng chẳng bao lâu cảm ứng được vong hồn người chết. Một đêm nàng hiện về thỏ thẻ: "Cảm tấm tình si của chàng, em đã xin với Diêm vương cho em được tái sinh vào ngôi nhà số 555, đường Nguyễn Văn Trổi, thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm sau đúng vào ngày rằm tháng bảy, chàng hãy đến tìm em ở đó, chúng ta sẽ gặp gỡ để vầy mối lương duyên. Nhưng chàng ôi, Diêm vương có ra một điều kiện. Muốn tái sinh, em phải nhờ người thân chí thành tụng một Tạng Kinh Kim Cương thì mới được như ý. Vậy, nếu chàng có lòng, xin chàng hãy tụng kinh cho em."
Sinh tỉnh dậy mừng rỡ, ghi rõ ngày tháng nàng đã hẹn lên vách, ghi luôn cả địa chỉ mới của cô gái. Từ đó chàng xếp bút nghiên, chuyên chú tụng Kim cương đến sáu ngàn lần như nàng dặn, phải hết mất ba năm. Năm đó chàng đã bốn mươi lăm tuổi. Còn những mười hai năm nữa mới gặp lại người đẹp ngày xưa! Sinh vẫn ôm lòng chờ đợi, hình ảnh yêu kiều của nàng mỗi ngày một đậm nét trong trí tưởng.
Về phần cô gái, quả nhiên thần thức cô đã thác sinh vào một gia đình thường dân ở địa chỉ trên, để đáp lại tấm tình si của anh học trò. Cô mang hình đáng một cô gái nhu mì dễ yêu, nhưng không có gì gọi là cá lặn chim sa cho lắm. Mối tình đeo đẳng từ lúc còn nằm trong quan tài, khiến tiềm thức cô vẫn một mực đợi chờ anh chàng thư sinh mặt trắng. Với tình yêu mới nở, cô tưởng tượng hình dung của anh chàng ít ra cũng bằng chàng Kim:
"Phong tư tài mạo tuyệt vời.
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa."
Ngày tháng thoi đưa, sắp đến ngày hẹn. Chàng thư sinh bây giờ tuổi đã xấp xỉ lục tuần, râu tóc hoa râm, sắm mặt phong trần vì nỗi đời mưa nắng. Nhưng mối tình thì vẫn tươi trẻ như thuở ban đầu, vì nó vô hình vô tướng nên không có già bệnh như cái thể xác của anh. Tình yêu đã không đổi, nên hình ảnh nàng trong tim anh không chút đổi thay, đó là nét đẹp đắm nguyết say hoa của một lần sơ ngộ. Anh yêu, là yêu cái hình bóng của nàng thì đúng hơn. Vì nếu nàng còn sống thì chắc chắn bây giờ nàng cũng không còn như hình bóng anh tôn thờ.
Cái ngày hẹn hò đã đến. Anh chàng thắng bộ y phục mới tinh, chải lại mái tóc nửa đen nửa bạc không biết bao nhiêu lần, cố che dấu càng nhiều tóc bạc càng hay. Anh cũng không quên bôi dầu láng mượt như thời trang dạo đó. Nhưng làm gì thì làm, không thể hóa trang cái già thành trẻ. Không thể nào xóa hết những vết hận năm tháng khắc sâu trên vừng trán nhăn nheo.
"Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này."
Huống chi là con người, dù nó có nỗ lực bao nhiêu để xóa bỏ vết tích thời gian trên thân thể. Nhưng tâm hồn của chàng, mối tình si của chàng vẫn không chịu già theo tuổi tác, mà nó vẫn là mối tình đầu của tuổi đôi mươi, của cái lần sơ ngộ. Cho nên anh chàng hăng hái, hăm hở thuê xe tắc xi đến địa chỉ nàng hẹn để gặp lại tình xưa. Phần nàng cũng vậy, con tim rộn rã với tình yêu, với mộng đẹp và với hình ảnh chàng thư sinh khả ái. Chắc hẳn mặt chàng phải đẹp như mối tình của chàng! Chắc hẳn chàng phải tươi trẻ như hoa xuân phong nhụy! Ôi, cảm động làm sao sẽ là cái phút giây gặp gỡ! Ngàn năm hồ dễ đã ai quên.
...Mỗi người sống trong tâm tưởng hình ảnh tuyệt vời của người kia, và của mối tình, tưởng tượng đến cái lúc gặp gỡ mà suýt chết ngất người vì sung sướng. Chiếc xe tắc xi đã dừng lại trước một ngôi nhà chúng cư dơ dáy. Nàng con gái đã ra đứng tựa cửa trông chờ. Mà nào thấy đâu bóng hình "hoàng tử của lòng em"? Chỉ là một cụ già trông càng già hơn do bởi nỗ lực làm cho có vẻ trẻ. Cô gái buột miệng hỏi:
- Ông kiếm ai?
- Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm nhà tiểu thư...
- Ông là ai?
- Tôi là thư sinh ở trọ chùa Bà Ðầm. Xin cô cứ thưa lại với tiểu thư như vậy.
Cô gái òa khóc, nói trong tức tưởi:
- Không phải, không phải! Trời ôi! Chàng đã phụ tình, đã lừa dối ta! Chàng đã si mê người khác, nên đưa ông già này đến thay! Chàng lừa dối ta! Thật chàng khinh ta quá mức!
Nàng ôm mặt bỏ chạy một mạch vào nhà trong. Cụ thư sinh lủi thủi lê bước trên đường về. Chàng như bừng tỉnh cơn trường mộng: hình ảnh cô tiểu thư đã chết thật rồi, nhờ chàng vừa tai nghe mắt thấy. Vâng, nhờ thấy người con gái sống, mà chàng chết được trong tim hình ảnh người con gái chết. Bấy lâu hồn ma vẫn sống mãnh liệt trong lòng chàng dưới hình ảnh một cô nương hoa nhường nguyết thẹn. Nhưng bây giờ, sau mười lăm năm chờ đợi, chàng chỉ bắt gặp một cô gái nhan sắc tầm thường như trăm ngàn cô gái khác, nào có gì đâu?
Chàng trở về, giở lại Kinh Kim Cương ra tụng, đến câu kết:
Hết thảy pháp hữu vi
Như mộng huyễn ảo ảnh
Như sương và như chớp
Hãy quán sát như vậy.
Chàng tỉnh ngộ, thầm nhủ:
"Cám ơn nàng. Nàng đã đem lại cho ta SỰ THẬT. Nàng đã cho ta thấy cái phi lý của tưởng tượng. Ta sẽ không còn ôm giữ một hình ảnh nào, vì Phật đã dạy: Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp. Nhan sắc nàng, cái nhan sắc mà mười lăm năm nay ta từng say đắm, đã không thực, huống chi là hình ảnh, hoài niệm về nhan sắc ấy. Cái thực đã không thực, huống hồ là mộng tưởng trong tâm."

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải
Nguồn: Trích từ tập truyện "Đường vào nội tâm" Của Ni sư Trí Hải

Tình Thương Yêu

Xã hội hiện tại không chỉ có vật chất dồi dào, mà còn có cả những người trí thức tiến bộ, những nhà văn kiệt xuất, những diễn giả tài năng, những triết gia, những chuyên gia tâm lý, những nhà khoa học, những bậc chân tu làm cố vấn, những nhà thơ tài hoa và những nhà lãnh đạo rất tài ba. Mặc dù vậy, thế giới hiện tại vẫn chưa có được sự thanh bình và an vui thực sự. Một vài thứ vẫn bị thiếu thốn. Thứ đang thiếu ấy là lòng thương yêu và sự thiện chí ở trong tâm mỗi người.

Khúc Ruột Đau Thương













Ôi, đau thương khúc ruột miền Trung!
Nắng cháy, mưa dầm, bão lụt luôn.
Hôm nay cơn bão ngoài khơi ấy
Đã nhấn chìm biết mấy ngư dân.

Khi đoàn thuyền cứu nạn tiến vào bờ
Khắp bến cảng ngập tràn trong nước mắt
Khóc mừng vui vì người thân còn sống
Lệ tuôn trào trong đau khổ biệt ly.

Vợ tìm chồng, con tìm cha, tuyệt vọng.
Mẹ tìm con trong tiếng khóc nghẹn ngào.
Đau thương ấy, ai cầm được nước mắt?
Mất mát này sao bù đắp, người ơi?!

Anh đi rồi để lại vạn sầu thương,
Đàn con côi phải dầm sương dãi nắng,
Và vợ hiền, ôi! cay đắng ngậm ngùi.
Còn mẹ cha cùng đàn em thơ dại
Biết nhờ ai chăm sóc, tựa nương?

Đoạn trường kiếp sống bi thương quá!
Bao giờ hết khổ, hởi miền Trung?!

- Minh Nguyên -
Gởi đến những nạn nhân của cơn bảo lớn ở miền Trung, 05/2006

Đạo Lý Vô Thường




Hầu như tất cả mọi người đều muốn bám víu, nắm chặt lấy những gì đã tạo ra, đã nắm bắt được, và chỉ buông lõng chúng sau khi trút hơi thở cuối cùng. Thật ra thì lúc ấy không phải chúng ta chủ động buông lõng chúng mà tại vì chúng ta không còn đủ sức để nắm giữ nữa. Vì “lực bất tòng tâm” vậy.
Suốt đời chúng ta luôn cố tâm giữ lấy những thứ mà mình sở hữu. Nhưng mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đều ở trong trạng thái động. Chúng luôn luôn vận động, biến đổi và lưu chuyển không ngừng. Mọi thứ có rồi lại không, tụ rồi lại tan, thành rồi lại hoại,… Tất cả như áng mây trôi, như bọt nước nỗi, không có gì là bền vững cả. Phật giáo gọi sự biến đổi ấy là Vô thường.

Giận: Một Sức Mạnh Để Chuyển Đổi


Trong muôn vàn những cảm xúc phức tạp lẫn tinh tế của con người, thật khó có thể tìm thấy một xúc cảm nào gây xáo động hơn sự tức giận. Trong công việc của một nhà trị liệu, tôi thường nghe những mâu thuẫn trong tư tưởng về sự tức giận mỗi ngày. Người ta nói rằng: “Tôi cảm thấy giận chồng/vợ tôi, tôi cảm thấy giận bạn tôi, giận con tôi, giận ông chủ của tôi,…”. Và “tôi đã đọc những cuốn sách tôn giáo, trong đó dạy rằng chúng ta không nên tức giận, tức giận là phiền não, là độc tố, là tội lỗi. Hoặc, tức giận là một sự che đậy cho những cảm xúc thực của chúng ta, như là sự lo sợ. Đúng ra tôi không nên tức giận. Nhưng tôi đã tức giận”.
Thật là quá gò ép khi cảm thấy rằng có những điều lẽ ra chúng ta không nên để cho nó xảy ra. Sự thật là chúng ta không thể điều khiển được những xúc cảm của ta, cũng như chúng ta không thể điều khiển được thời tiết. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách khéo léo hơn để hành xử với cơn giận?
Tôi tin rằng mọi xúc cảm xuất hiện trong ta đều muốn nói với chúng ta những điều gì đó quan trọng, về nội tâm của chúng ta cũng như về ngoại cảnh. Tức giận là một sự khôn khéo của chúng ta để cho chúng ta biết rằng có một vài thứ cần phải thay đổi. Sự tức giận là một phần không thể thiếu trong hệ điều khiển cảm xúc mà tất cả mọi người đều đã được trang bị sẳn.
Với tư cách là một nhà tâm lý liệu pháp đã được tu học giáo lý của đạo Phật, tôi muốn trình bày một quan điểm hơi khác lạ, rằng sự tức giận là một xúc cảm mạnh mẽ, sâu sắc và hoàn toàn thật, nó có giá trị riêng của nó. Giận là một phản ứng trung thực trước những tình huống mà ở đó bản chất của tính chính trực trong chúng ta bị xâm phạm, và nó giúp cho chúng ta có thêm nghị lực để thiết lập lại những ranh giới đã bị xâm hại ấy. Giận là một sức mạnh mà chúng ta cần để thiết lập ranh giới, tạo ra những giới hạn và để hành động. Nó là một sức mạnh để chúng ta làm những điều gì đó khác hơn.
Carolyn là một thiếu nữ ở tuổi 30. Cô ta thông minh, xinh đẹp nhưng lại phiền muộn. Cô ấy bảo rằng, tính tình của mẹ cô ta thật đáng chán, và cô cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của bản thân. Nấp dưới những cảm xúc đó là sự giận giữ mà đôi khi nó bộc phát giữ dội không thể lường được. Bởi vì người phụ nữ thuộc thế hệ mẹ của cô ấy là những người nhu mì, họ dễ dàng chấp nhận tất cả, không hề đòi hỏi hay đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Một người con gái hiền lành thì chỉ có thể buồn chứ không nên giận hờn. Carolyn là một cô gái hiền lành. Và cô ấy đang bị kẹt, đang không có hạnh phúc. Song cô ta đủ sáng suốt để nhìn nhận sự khó chịu của cơn giận bị kìm nén, và đủ dũng khí để tiếp tục làm điều đó.
Tôi bảo với cô ta rằng, sự tức giận ấy có một sức mạnh giúp thay đổi cuộc sống của bạn. Hãy nhìn vào nó, thử xem xét kích cỡ của nó. Theo dõi bằng cảm tính xem nó tạo ra những cảm giác như thế nào bên trong bạn. Và cô ấy đã thốt lên trong sự ngạc nhiên rằng, tôi cảm thấy nó lớn dần lên rất nhiều. Theo kinh nghiệm của mình, tôi nói tiếp, giận là một nguồn năng lượng lớn mạnh, nó có thể làm thay đổi thế giới. Có lẽ bạn đã sớm gạt bỏ năng lượng ấy qua một bên, nhưng bây giờ bạn cần đến nó để tiến xa hơn.
Hành xử với cơn giận theo cách này đòi hỏi chúng ta phải có sự nhận thức rõ ràng về những diễn biến trong thân thể ta - cảm nhận một cách chính xác về sự trổi dậy của năng lượng, từ đỉnh đầu cho đến những ngón chân. Chú ý ngậm miệng lại, nắm chặt nắm tay và làm cho nguồn năng lượng ấy lớn dần lên trong khi vẫn bám giữ lấy nó. Chúng ta có thể dùng những cảm nhận thuần túy về sự tức giận để hiểu thêm về chính mình - biết được những điều rất quan trọng như là chúng ta đang có mặc cảm tội lỗi hoặc là chúng ta đang bị lôi kéo. Ngay cả với những tình huống đã xảy ra cách đấy vài năm, chúng vẫn có thể được cảm nhận một cách rõ ràng về những điều mà cơ thể chúng ta đã gợi nhắc cho chúng ta biết trong khoảng thời gian đó.
Cách làm này có thể tạo nên sức mạnh để chọc thủng những ‘bức màn’ xúc cảm về sự thất vọng và chán nãn mà chúng thường thể hiện ra bên ngoài khi sự tức giận bị kìm nén, chúng là sự trá hình của cơn giận. Sự tức giận có đủ năng lượng để thay đổi cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta khéo léo hành xử với nó. Và những thay đổi ấy không phải diễn ra một cách khó chịu hay thô tháo, chúng diễn ra một cách rõ ràng và hùng mạnh.
Thường thì những người nổi giận họ biểu lộ những vấn đề ấy theo cách ngược lại. Chúng ta luôn cảm nhận được sự tức giận chứ không phải là không, công việc vẫn là nhận diện sự tức giận và bám theo những xúc cảm của nó, thay vì chìm vào trong cơn giận dữ nguy hại, kìm giữ lấy nó chứ không phản ứng hay khấy động nó. Nhiệm vụ ở đây là tập trung chú ý vào sức mạnh của cơn giận và để cho nó tác động lên bạn, củng cố những ranh giới của chính bạn thay vì để mặc cho ngoại cảnh xâm hại.
Khi sự mâu thuẩn xuất hiện, bạn có những sự lựa chọn. Bạn có thể tác động ngược trở lại, nhưng việc làm này sẽ gây ra nhiều nguy hại. Bạn cũng có thể dừng lại, và bỏ lỡ cơ hội như đã được đề cập đến. Hoặc là bạn có thể phản ứng một cách trung thực bằng cách tập trung và theo dõi những sức mạnh đang lớn dần lên bởi cơn tức giận và chúng đang vận hành trong từng huyết quản của bạn: Bạn nhận ra được rằng: “Tôi bị tổn thương bởi những gì anh đã gây ra. Điều đó không dễ chịu đối với tôi”. Sự tức giận giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình, giúp ta làm sáng tỏ những điều bị lu mờ bởi sự che lấp của vô thức.
Bây giờ chúng ta chý ý xem cách mà cơn giận dùng để thiết lập ranh giới rõ ràng, nó bảo rằng, bạn không được vượt qua giới tuyến này, bạn không được bóp méo tôi, không được phá hỏng tôi. Đây là không gian của tôi và kia là của bạn. Đấy không phải là ích kỷ, nó chỉ mang một ý nghĩa thông thường và cũng là để tôn trọng chính mình và người khác. Ưu điểm của sự tức giận là ở nơi khả năng tạo ra những ranh giới và phân định rạch ròi về những điểm khác nhau. Đấy chính là mục đích của nó và chúng ta thật là phụ bạc với mục đích ấy khi chúng ta vứt bỏ nó, không thèm để ý đến nó.
Sự tức giận có một giá trị bền vững không thể nào thay đổi, và nó đã được biểu tượng hóa thành những vị thần Phẫn nộ trong Phật giáo Tây Tạng. Họ không phải là những yêu ma độc ác, họ là những vị Phật đã giác ngộ, là những hóa thân của lòng từ bi với tâm tỉnh giác trong việc sử dụng một cách khéo léo năng lượng thuần khiết của sự tức giận để phá tan những tâm trạng căng thẳng và bi quan. Tất cả chúng ta có thể đã dùng đến một số năng lượng của sự phẫn nộ ấy trong cuộc sống của chúng ta để nhằm vào những chướng ngại bên trong cũng như bên ngoài. Tinh thần vô úy và tính thuần khiết của sự tức giận, như đã được diễn tả một cách hình tượng bằng những vị thần Phẫn nộ, khẳng định rằng, khả năng tiềm ẩn của sự tức giận có thể tạo ra được những năng lực mạnh mẽ và tinh tế cho sự thăng hoa của cuộc sống.

- Kerry Moran-
Minh Nguyên dịch

Giận: Một sức mạnh để chuyển đổi


Trong muôn vàn những cảm xúc phức tạp lẫn tinh tế của con người, thật khó có thể tìm thấy một xúc cảm nào gây xáo động hơn sự tức giận. Trong công việc của một nhà trị liệu, tôi thường nghe những mâu thuẫn trong tư tưởng về sự tức giận mỗi ngày. Người ta nói rằng: “Tôi cảm thấy giận chồng/vợ tôi, tôi cảm thấy giận bạn tôi, giận con tôi, giận ông chủ của tôi,…”. Và “tôi đã đọc những cuốn sách tôn giáo, trong đó dạy rằng chúng ta không nên tức giận, tức giận là phiền não, là độc tố, là tội lỗi. Hoặc, tức giận là một sự che đậy cho những cảm xúc thực của chúng ta, như là sự lo sợ. Đúng ra tôi không nên tức giận. Nhưng tôi đã tức giận”.
Thật là quá gò ép khi cảm thấy rằng có những điều lẽ ra chúng ta không nên để cho nó xảy ra. Sự thật là chúng ta không thể điều khiển được những xúc cảm của ta, cũng như chúng ta không thể điều khiển được thời tiết. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách khéo léo hơn để hành xử với cơn giận?
Tôi tin rằng mọi xúc cảm xuất hiện trong ta đều muốn nói với chúng ta những điều gì đó quan trọng, về nội tâm của chúng ta cũng như về ngoại cảnh. Tức giận là một sự khôn khéo của chúng ta để cho chúng ta biết rằng có một vài thứ cần phải thay đổi. Sự tức giận là một phần không thể thiếu trong hệ điều khiển cảm xúc mà tất cả mọi người đều đã được trang bị sẳn.
Với tư cách là một nhà tâm lý liệu pháp đã được tu học giáo lý của đạo Phật, tôi muốn trình bày một quan điểm hơi khác lạ, rằng sự tức giận là một xúc cảm mạnh mẽ, sâu sắc và hoàn toàn thật, nó có giá trị riêng của nó. Giận là một phản ứng trung thực trước những tình huống mà ở đó bản chất của tính chính trực trong chúng ta bị xâm phạm, và nó giúp cho chúng ta có thêm nghị lực để thiết lập lại những ranh giới đã bị xâm hại ấy. Giận là một sức mạnh mà chúng ta cần để thiết lập ranh giới, tạo ra những giới hạn và để hành động. Nó là một sức mạnh để chúng ta làm những điều gì đó khác hơn.
Carolyn là một thiếu nữ ở tuổi 30. Cô ta thông minh, xinh đẹp nhưng lại phiền muộn. Cô ấy bảo rằng, tính tình của mẹ cô ta thật đáng chán, và cô cảm thấy lo ngại cho sức khỏe của bản thân. Nấp dưới những cảm xúc đó là sự giận giữ mà đôi khi nó bộc phát giữ dội không thể lường được. Bởi vì người phụ nữ thuộc thế hệ mẹ của cô ấy là những người nhu mì, họ dễ dàng chấp nhận tất cả, không hề đòi hỏi hay đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Một người con gái hiền lành thì chỉ có thể buồn chứ không nên giận hờn. Carolyn là một cô gái hiền lành. Và cô ấy đang bị kẹt, đang không có hạnh phúc. Song cô ta đủ sáng suốt để nhìn nhận sự khó chịu của cơn giận bị kìm nén, và đủ dũng khí để tiếp tục làm điều đó.
Tôi bảo với cô ta rằng, sự tức giận ấy có một sức mạnh giúp thay đổi cuộc sống của bạn. Hãy nhìn vào nó, thử xem xét kích cỡ của nó. Theo dõi bằng cảm tính xem nó tạo ra những cảm giác như thế nào bên trong bạn. Và cô ấy đã thốt lên trong sự ngạc nhiên rằng, tôi cảm thấy nó lớn dần lên rất nhiều. Theo kinh nghiệm của mình, tôi nói tiếp, giận là một nguồn năng lượng lớn mạnh, nó có thể làm thay đổi thế giới. Có lẽ bạn đã sớm gạt bỏ năng lượng ấy qua một bên, nhưng bây giờ bạn cần đến nó để tiến xa hơn.
Hành xử với cơn giận theo cách này đòi hỏi chúng ta phải có sự nhận thức rõ ràng về những diễn biến trong thân thể ta - cảm nhận một cách chính xác về sự trổi dậy của năng lượng, từ đỉnh đầu cho đến những ngón chân. Chú ý ngậm miệng lại, nắm chặt nắm tay và làm cho nguồn năng lượng ấy lớn dần lên trong khi vẫn bám giữ lấy nó. Chúng ta có thể dùng những cảm nhận thuần túy về sự tức giận để hiểu thêm về chính mình - biết được những điều rất quan trọng như là chúng ta đang có mặc cảm tội lỗi hoặc là chúng ta đang bị lôi kéo. Ngay cả với những tình huống đã xảy ra cách đấy vài năm, chúng vẫn có thể được cảm nhận một cách rõ ràng về những điều mà cơ thể chúng ta đã gợi nhắc cho chúng ta biết trong khoảng thời gian đó.
Cách làm này có thể tạo nên sức mạnh để chọc thủng những ‘bức màn’ xúc cảm về sự thất vọng và chán nãn mà chúng thường thể hiện ra bên ngoài khi sự tức giận bị kìm nén, chúng là sự trá hình của cơn giận. Sự tức giận có đủ năng lượng để thay đổi cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta khéo léo hành xử với nó. Và những thay đổi ấy không phải diễn ra một cách khó chịu hay thô tháo, chúng diễn ra một cách rõ ràng và hùng mạnh.
Thường thì những người nổi giận họ biểu lộ những vấn đề ấy theo cách ngược lại. Chúng ta luôn cảm nhận được sự tức giận chứ không phải là không, công việc vẫn là nhận diện sự tức giận và bám theo những xúc cảm của nó, thay vì chìm vào trong cơn giận dữ nguy hại, kìm giữ lấy nó chứ không phản ứng hay khấy động nó. Nhiệm vụ ở đây là tập trung chú ý vào sức mạnh của cơn giận và để cho nó tác động lên bạn, củng cố những ranh giới của chính bạn thay vì để mặc cho ngoại cảnh xâm hại.
Khi sự mâu thuẩn xuất hiện, bạn có những sự lựa chọn. Bạn có thể tác động ngược trở lại, nhưng việc làm này sẽ gây ra nhiều nguy hại. Bạn cũng có thể dừng lại, và bỏ lỡ cơ hội như đã được đề cập đến. Hoặc là bạn có thể phản ứng một cách trung thực bằng cách tập trung và theo dõi những sức mạnh đang lớn dần lên bởi cơn tức giận và chúng đang vận hành trong từng huyết quản của bạn: Bạn nhận ra được rằng: “Tôi bị tổn thương bởi những gì anh đã gây ra. Điều đó không dễ chịu đối với tôi”. Sự tức giận giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình, giúp ta làm sáng tỏ những điều bị lu mờ bởi sự che lấp của vô thức.
Bây giờ chúng ta chý ý xem cách mà cơn giận dùng để thiết lập ranh giới rõ ràng, nó bảo rằng, bạn không được vượt qua giới tuyến này, bạn không được bóp méo tôi, không được phá hỏng tôi. Đây là không gian của tôi và kia là của bạn. Đấy không phải là ích kỷ, nó chỉ mang một ý nghĩa thông thường và cũng là để tôn trọng chính mình và người khác. Ưu điểm của sự tức giận là ở nơi khả năng tạo ra những ranh giới và phân định rạch ròi về những điểm khác nhau. Đấy chính là mục đích của nó và chúng ta thật là phụ bạc với mục đích ấy khi chúng ta vứt bỏ nó, không thèm để ý đến nó.
Sự tức giận có một giá trị bền vững không thể nào thay đổi, và nó đã được biểu tượng hóa thành những vị thần Phẫn nộ trong Phật giáo Tây Tạng. Họ không phải là những yêu ma độc ác, họ là những vị Phật đã giác ngộ, là những hóa thân của lòng từ bi với tâm tỉnh giác trong việc sử dụng một cách khéo léo năng lượng thuần khiết của sự tức giận để phá tan những tâm trạng căng thẳng và bi quan. Tất cả chúng ta có thể đã dùng đến một số năng lượng của sự phẫn nộ ấy trong cuộc sống của chúng ta để nhằm vào những chướng ngại bên trong cũng như bên ngoài. Tinh thần vô úy và tính thuần khiết của sự tức giận, như đã được diễn tả một cách hình tượng bằng những vị thần Phẫn nộ, khẳng định rằng, khả năng tiềm ẩn của sự tức giận có thể tạo ra được những năng lực mạnh mẽ và tinh tế cho sự thăng hoa của cuộc sống.

- Kerry Moran-
Minh Nguyên dịch

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!