Tâm và Tiền

Tiền là một vấn đề luôn đè năng tâm trí ta. Bất luận là ta đang ở trong tình cảnh nào, mối liên hệ của ta với tiền bạc vẫn thường đè nặng lên ta. Và đối với những người chuyên tâm để sống có chánh niệm như chúng ta thì mối bận tâm về tiền bạc vẫn không giảm đi.
Chánh niệm giúp ta trau dồi những phẩm chất của sự chú ý để ta có thể đón nhận trọn vẹn và sẵn sàng tiếp cận với những gì diễn ra trong cuộc sống của ta. Tuy nhiên, khi chúng ta giáp mặt với những khoảnh khắc quan trọng liên quan đến tài chính, như là: cuốn sổ thanh toán bằng séc đã dùng hết, đưa ra quyết định đầu tư, yêu cầu mượn tiền, mong muốn một cái gì đó vượt ngoài khả năng của ta, hoặc lướt trên thị trường chứng khoán biến động mạnh,… thì những khả năng chánh niệm mà chúng ta có được một cách liên tục trong những lúc khác có thể biến mất. Những lúc như thế, chúng ta có thể dễ dàng chạy theo những cảm xúc vô thức và những hành vi dẫn đến đau khổ.
May mắn thay, cùng một mức độ mà tiền bạc đã đem đến cho cuộc sống của ta đầy những thách thức, khó khăn thì có một con đường có thể đưa chúng ta đến với cái nhìn sâu sắc hơn, giúp chúng ta có được cuộc sống dễ dàng hơn. Trong 25 năm, tôi đã hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hướng đến mối quan hệ dễ chịu và hiệu quả hơn với tiền bạc, tôi nhận ra rằng, mặc dù giữa chúng ta có sự khác biệt lớn, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung về lý do tại sao chúng ta phải vật lộn với tiền bạc và làm sao để chúng ta có thể trải nghiệm sự yên bình sâu sắc hơn về nó. Dưới đây là 3 phần trong sự thực tập mà ta có thể dùng để nâng cao giá trị sống trong mối liên hệ của ta với tiền bạc.
Nhìn vào bên trong
Mỗi người chúng ta có một câu chuyện đặc trưng liên quan đến tiền bạc mà chúng ta mang theo và trình bày với thế giới bằng vô số cách. Những câu chuyện ấy có thể trở thành những mô hình mặc định không được đánh giá và chúng kiểm soát vấn đề tài chính của chúng ta. Để có chánh niệm về tiền bạc có nghĩa là trước hết ta phân tích những nguồn gốc của các câu chuyện mà chúng ta nói với chính mình. Chúng ta không thể nào vượt qua những thứ mà chúng ta không thể nhìn thấy. Hãy xem xét vai trò của những sự ảnh hưởng sau đây:
- Sự thừa kế của ta
Ta là sản phẩm của tổ tiên nhiều đời và gia đình trong hiện tại của mình, và còn là sản phẩm của nền tảng văn hóa và giai cấp, địa vị của ta nữa. Những thông điệp, những câu châm ngôn, và những câu chuyện hoang đường về tiền bạc được truyền đến ta một cách công khai và tinh tế. Có những câu chuyện và những thông điệp mà ta được nghe liên tục khi trưởng thành hay không? Điều mà ta nói “đúng sự thật” về tiền bạc là gì? Bao nhiêu là "đủ" cho gia đình của ta? Ta đã kế thừa được thái độ gì đối tiền bạc từ tầng lớp của ta? Ta đã được dạy những gì về người thuộc các tầng lớp khác? Làm sao ta vẫn có thể bày tỏ sự trung thành với lịch sử này?
- Bản ngã ham muốn của ta
Tất cả chúng ta đều sớm có những niềm tin về tiền bạc mà chúng ta đã chấp nhận chúng một cách dễ dãi. Những niềm tin này có thể điều khiển hành vi của chúng ta, lọc lừa những thứ chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng tạo ra một trạng thái tâm lý khiến chúng ta không quan sát trọn vẹn những thứ diễn ra trong cuộc sống của mình. Lòng tham muốn không biết chán, không biết đủ khiến cho chúng ta dễ bị tổn thương đối với những ước mơ và lời hứa hão huyền về sự sung túc. Sự túng thiếu có thể đưa đến những hình dạng thô tháo của tật háu ăn. Sự ham muốn và sự ác cảm đã thể hiện trong mối quan hệ của ta với tiền bạc như thế nào? Có phải ta đã bị nhận nhầm một số điều ham muốn của mình, xem chúng như là đặc tính của bản thân?
- Cái bản ngã ẩn nấp của ta
Ta đang dấu điều gì trong mối liên hệ với tiền bạc? Sự đánh giá nào làm cho ta sợ? Những người giàu thường che giấu sự giàu có của họ, cũng giống như những người phải vật lộn để mưu sinh thì che dấu nợ nần của họ. Khi chúng ta che giấu sự thật, chúng ta trở thành "hạng người lừa đảo". Trong cả hai phương thức, ta đều có thể xuyên tạc sự thật về tiền bạc trong cuộc sống của ta. Và điều đó khiến ta không có được mối những quan hệ đích thực.
Những câu chuyện về tiền bạc của chúng ta rất là mạnh mẽ, chúng có thể giữ cho chúng ta không bị trói chặt vào trong sự ảo tưởng hoặc hướng chúng ta đến với sự hiểu biết sâu sắc. Hãy dùng ý thức để soi rọi vào những vùng vô thức ấy. Một khi ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ta thì ta có thể bắt đầu hành động với nhận thức sâu sắc hơn. Đôi khi tất cả chúng ta nhầm lẫn giữa câu chuyện của mình với vấn đề chúng ta là ai. ‘Câu chuyện’ được hiểu là đang làm cho người ta tin theo.
Nhìn ra bên ngoài
Những điều kiện bên trong của chúng ta tạo ra những lỗ hổng mà xã hội phương Tây đã đặt ra để giải quyết. Thật khó để không bị chi phối bởi vô số các giải pháp khắc phục khủng hoảng tài chính và các quy định tấn công chúng ta dồn dập từ bên ngoài. Tuy nhiên, những "giải pháp" đó chỉ có thể định hình và củng cố hiện trạng của chúng ta trong phạm vi hạn hẹp mà thôi chứ không thể khuyến khích chúng ta đưa ra vấn đề đối với những giả định đằng sau chúng.
- Những kế hoạch của ta
Các chuyên gia tiền tệ truyền thống khuyên chúng ta thiết lập những mục tiêu đầy tham vọng, đưa ra những ngân sách cụ thể, và phát triển những kế hoạch tài chính dài hạn. Sự chỉ dẫn của họ chú trọng đến việc kinh doanh nhằm chuẩn bị cho một tương lai không biết trước và bỏ qua giây phút hiện tại, và được dựa trên những giả định rằng: Tất cả chúng ta đều muốn được giàu có, muốn nghỉ hưu sớm, và muốn có thật nhiều thứ xa xỉ... mà không phải đóng thuế. Là người trưởng thành có nghĩa là có một danh sách dài về các mục tiêu tập trung vào vấn đề "hơn nữa". Sự an ninh được đo lường hoàn toàn dựa trên tài chính. Ngay cả lời khuyên được cho là "sáng suốt" nhất cũng dựa trên những giả định này.
- Sự chi tiêu của ta
Trong nền văn hóa của chúng ta, có một ít thói quen đã ăn sâu như là: mong muốn thành đạt, và thích thú trong sự ganh đua để có được món hời, đam mê thành công, hoặc đầu tư một cách khôn ngoan. Những cá tính và niềm vui của chúng ta trở nên gắn bó chặt chẽ với nơi mà chúng ta đặt tiền vào và những gì nơi ấy nói về chúng ta. Chúng ta nuôi lớn những thị hiếu mà chúng cần phải được thể hiện và thỏa mãn, và chúng ta thể hiện dấu vân tay độc đáo của mình với thế giới thông qua những thứ chúng ta lựa chọn, bao gồm cả những sự đầu tư của chúng ta. Ngay cả với yoga, thiền định, và sự giản dị cũng đã bị thương mại hóa. Chúng ta cần phải giữ chánh niệm, tiêu thụ là một lĩnh vực mà chúng ta thường thiếu chánh niệm về nó.
- Thu nhập của ta
Chúng ta không phải là những gì chúng ta kiếm được. Bởi vì chúng ta có thể tính phí 100 Mỹ kim một giờ không có nghĩa là chúng ta nên làm, hoặc là chúng ta khó có thể tính phí 100 Mỹ kim một giờ không có nghĩa là chúng ta không nên làm. Nếu có một nhà tuyển dụng có tiềm năng hỏi về mức lương mà chúng ta yêu cầu, thì mức lương thấp nhất mà chúng ta đưa ra là bao nhiều? Chẳng phải một mức lương hàm ý một bậc lương cao nhất sao? Ta có một mức lương cao nhất "vừa đủ" không? Đồng tiền đã bị gắn kết một cách sai lầm với sự thành công, giá trị và quyền được hưởng. Chính từ sự lúng túng này mà chúng ta hiếm khi tư duy một cách rõ ràng về những gì chúng ta thật sự cần và coi trọng.
Cần phải có sự tập trung cao độ để gỡ rối những vấn đề đã khiến cho suy nghĩ và hành vi của chúng ta liên quan đến tiền bạc trở nên phức tạp. Về phương diện lý trí, chúng ta có thể biết rằng sự an ninh không tùy thuộc vào "vật chất", rằng chúng ta không phải là những gì chúng ta sở hữu, và rằng cuộc sống của chúng ta không đo bằng những gì chúng ta kiếm được. Tuy nhiên, điều này ăn sâu và được tăng cường hầu như ở khắp mọi nơi. Chúng ta đang gánh chịu sức ép mạnh mẽ của những áp lực xã hội về tiền bạc, và để thoát ra khỏi sức ép ấy đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ lực mạnh mẽ tương ứng.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh
Thời gian, năng lượng, và tình cảm là những hình thức của tiền tệ, cũng như đồng tiền. Những gì chúng ta làm với những nguồn tài nguyên quý giá này nói lên một điều chắc thật rằng chúng ta là ai và cái gì quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta khẳng định và tái khẳng định chính mình trong việc phân bổ các loại tiền tệ của chúng ta. Những mục đích rõ ràng của chúng ta có thể hình thành một chuẩn mực cho sự tự do tài chính của chúng ta, cũng giống như hơi thở đi vào và đi ra khỏi cơ thể chúng ta có thể là chuẩn mực cho sự thực tập chánh niệm.
- Những giá trị của ta
Cũng giống như cơ thể của chúng ta sắp xếp xung quanh cột sống, Vấn đề tài chính của chúng ta cần phải được sắp xếp theo một bản mẫu về những giá trị của chúng ta. Chúng ta phải luôn khám phá, xác định và kiểm tra các giá trị của mình.
Ta thực sự đại diện cho cái gì? Những nguyên tắc và niềm tin nào ta muốn thể hiện trong cuộc sống của mình? Những nhiệm vụ nào ta muốn ưu tiên? Giới hạn vừa đủ của ta là bao nhiêu? Ta muốn thể hiện những khác biệt gì? Cái giá đích thực về sự nhiều hơn/ít hơn mức vừa đủ đối với cuộc sống, với các mối quan hệ của ta, và với thế giới là gì?
Kết nối những giá trị cốt lõi của chúng ta lại với nhau không phải là một việc đơn giản. Nó đòi hỏi phải có sức mạnh và sự khiêm tốn, và đặt chúng ta vào vị thế phải có tinh thần tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm.
- Tiền bạc của ta
Hãy nhìn rõ ràng vào phương thức mà tiền bạc đã đến với cuộc sống của ta và nơi nó ra đi. Sự thật không trau chuốt về lối mòn tiền bạc của ta nói lên những điều quan trọng. Đấy là những thông tin chi tiết về các vấn đề. Gom mỗi phần phân bổ lại bên mô hình giá trị mẫu của ta và kiểm tra mức độ mâu thuẫn giữa chúng hoặc là xem mức độ tiến triển của các giá trị. Những giá trị của ta hiển thị như thế nào nơi sự thu nhập của cá nhân? Chúng không thể hiện ở điểm nào? Ta có giữ được tiền mà không sợ hãi hay không? Ta có cho đi nhiều hơn ta có thể thực sự đủ khả năng hay không? Có phải ta có nhiều hơn nhu cầu của ta hay không? Hay là ít hơn nhu cầu của ta?
Cuối cùng, liệu pháp đối với việc dễ bị ảnh hưởng trước sự lôi kéo của những vấn đề bên trong của ta và sức hút của các thông điệp về tiền bạc trong xã hội có thể nằm ở nơi việc biết một cách rõ ràng về những gì chúng ta đại diện cho, và sự mong muốn thể hiện điều đó trong mọi quyết định liên quan đến tài chính mà chúng ta đưa ra.
- Sự lựa chọn của ta
Hãy ghi vào những nơi dễ thấy về một vài trong số các giá trị của mình, như là viết chúng trên cuốn sổ séc của ta, trên màn hình máy tính, trên ví tiền và trên thẻ tín dụng. Nhắc nhở chính mình về những gì ta đại diện cho. Hãy thử tạo ra sự cân bằng cho cuốn sổ séc của ta mỗi tháng. Hãy rộng lượng! Hãy ban tặng thứ gì đó có ý nghĩa. Bắt đầu một cuộc trò chuyện tốt đẹp mỗi ngày. Bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những con đường đưa ta đến sự giàu có. Hãy minh bạch với bạn bè, phát triển cộng đồng. Thể hiện lòng từ bi bằng sự đóng góp nhiệt tình. Ta có thể làm gì nữa để khởi đầu sự dịch chuyển tiền của một cách có chánh niệm trong cuộc sống của ta?
Nếu chúng ta xem mối liên hệ có chánh niệm với tiền bạc như là một kênh thông tin để học tập thì chúng ta có thể thân thiện với những gì chúng ta đã làm ngơ, có thể mở ra những chuyện khó tin mà chúng ta đã che dấu và sống một cuộc sống trọn vẹn hơn là những gì ta muốn và thế giới cần. Để cho tiền bạc nằm ở phía trước và trung tâm trong sự chú ý của ta, chúng ta có thể hít một hơi thở sâu mỗi khi chúng ta đối mặt với khoảnh khắc quan trọng liên quan đến tài chính, và khám phá những khả năng mới mà ta hành xử với tiền bạc để minh họa cho những gì ta thực sự muốn thể hiện trong cuộc sống của mình.
Kristi Nelson
Minh Nguyên dịch
(Dịch từ bài Mind over Money, tạp chí Mindful: Living with awareness and compassion, tr.30 - 33)
(Nguồn: Nguyệt San Giác Ngộ, số 189, ra tháng 12/2011)

Phật giáo phương Tây: Những bài học rút ra qua 50 năm phát triển

LTS: Lewis Richmond là một tu sĩ Phật giáo người Hoa Kỳ, và là một vị Giáo thọ sư chuyên giảng dạy và hướng dẫn các khòa tu thiền. Lewis Richmond chủ yếu tu tập và giảng dạy trong cộng đồng Phật giáo Vimala ở vùng San Francisco Bay.
Lewis Richmond còn phối hợp với Lạt-ma Palden Drolma, một vị Lạt-ma người phương Tây được đào tạo theo truyền thống Mahamudra của Phật giáo Tây Tạng, để giảng dạy thiền cho mọi người. 
Bên cạnh đó Lewis Richmond còn là tác giả của những cuốn sách khá nổi tiếng ở Hoa Kỳ, đó là các sách: Work As A Spiritual Practice: A Practical Buddhist Approach to Inner Growth and Satisfaction on the Job (Làm việc như là một sự tu tập: Một phương thức tu tập nhằm thăng hoa và hài lòng trong công việc), do Broadway xuất bản vào năm 2000; Healing Lazarus: A Buddhist’s Journey from Near Death to New Life (Chữa lành Lazarus: Hành trình từ cận tử đến một kiếp sống mới của một người Phật tử), do Atria xuất bản vào năm 2003… Vào 01/2012, Lewis Richmond sẽ cho xuất bản cuốn sách Aging As A Spiritual Practice (Tuổi già như là một sự thực nghiệm tâm linh).  
Lewis Richmond đã đúc kết lại những bài học giá trị đối với Phật giáo phương Tây trong quá trình 50 năm tiếp nhận và phát triển của Phật giáo ở phương Tây, Nguyệt san Giác Ngộ trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.  

Kể từ ngày đầu tiên các vị Thiền sư, các vị Tăng sĩ Phật giáo châu Á đặt chân đến phương Tây cho đến nay đã được 50 năm. Các vị ấy đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam... Nhiều người trong chúng ta đã dành toàn bộ cuộc sống lúc trưởng thành của mình để  thực tập và tiếp thu những gì các vị ấy giảng dạy. Sau 50 năm phát triển, Phật giáo ở phương Tây đã đạt được những gì và những gì cần phải khắc phục? Gần đây tôi suy nghĩ về “những bài học 50 năm” mà chúng tôi đã rút ra được trong lúc này.
Một số những bài học ấy đã được thay đổi, một số khác thì đang làm chán ngán. Nhiều bài học mà trong đó chúng ta đã học được một cách rất khó khăn, chúng ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác (đó là điều mà thầy tôi, ngài Suzuki Roshi, đã nhấn mạnh rằng: Đấy là nét đặc trưng cơ bản trong việc tu tập theo đạo Phật, ngay cả đối với những vị giáo thọ sư). Ở đây tôi muốn trình bày bài học 50 năm của tôi, ít nhất là những gì tôi đã tư duy cho đến nay.
Sự giác ngộ không phải là điều như chúng ta đã nghĩ
Trong những ngày đầu, vào các thập niên 1960 và 1970, khái niệm về sự giác ngộ đến từ ba nguồn chính, đó là: qua sách báo, từ những người rơi vào trạng thái lâng lâng do các chất kích thích gây ra, và từ các vị giáo thọ - có thể tạm sắp xếp theo trật tự đó. Tôi đã viết sách báo trước khi cuốn sách “Những bài luận về thiền của Phật giáo” của Thiền sư DT. Suzuki chính thức sử dụng từ "giác ngộ" (Enlightenment) để mô tả một kinh nghiệm khá đặc biệt đối với mô hình tu tập theo đạo Phật của ngài - Thiền Lâm Tế của Nhật Bản. Sự mô tả của Thiền sư Suzuki có lẽ sẽ không được hấp dẫn trong thời gian gần đây nếu như nó không được mốc nối một cách độc đáo với những trạng thái tâm lý xuất thần mà người ta có được khi sử dụng ma túy. Các vị giáo thọ sư người châu Á đã cố gắng để truyền đạt đến mọi người ý niệm rằng, sự giác ngộ là một lộ trình gian khó, và chúng ta đã gật đầu tin tưởng một cách tín cẩn. Nhưng những kinh nghiệm hình thành lúc ban đầu ấy tồn tại như những dấu ấn mạnh mẽ. Tôi trao đổi với rất nhiều hành giả của Phật giáo, những người đã tu tập hơn 40 năm, họ vẫn đề cập đến những lộ trình gian khó lúc ban đầu của họ, và thậm chí là cả những lộ trình gần đây của họ, xem chúng như là một khía cạnh tất yếu trong sự trải nghiệm trên con đường tâm linh.
Đối với những người Phật tử thuộc thế hệ sau đó, và ngay cả bây giờ, những điều phản văn hóa trong thập niên 1960, và những sự hấp dẫn đã làm thay đổi một số quốc gia, tất cả đều thuộc về lịch sử cổ đại. Những người Phật tử trẻ tạo ra cho họ những mô hình rất khác biệt về sự tham vấn đối với quá trình tìm kiếm tâm linh của họ. Có lẽ bài học đơn giản là “giác ngộ” không phải là một thứ gì đó cần được hiểu hoặc kinh qua mà là thứ cần phải sống với. Điều mà tôi thường nói với mọi người là Phật giáo không phải là những gì bạn tin tưởng, mà là lối sống của bạn và những gì bạn làm. Những kinh nghiệm tâm linh của bạn, dù cho chúng có sâu sắc đến đâu, cũng thực sự không có ý nghĩa gì nhiều cho đến khi nào bạn đích thực sống với chúng trong từng phút giây. Cách đây đã lâu, có lần tôi viết một bài luận có tên "Giác ngộ là hành vi". Và sau đó nó đã gây tranh cãi, và có lẽ hiện nay vẫn còn gây tranh cãi.
Thiền không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề
Tôi không biết tại sao chúng ta lại có ý nghĩ rằng, thiền là toàn năng, là liều thuốc chữa lành mọi chứng bệnh? Sở dĩ chúng ta nghĩ như thế là bởi vì thiền định có vẻ mới mẽ và rất đặc biệt, chúng ta cảm thấy giống như một phương thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề và những nghi vấn của chúng ta. Nhưng điều mà chúng tôi đã khám phá ra là thiền định không thể chữa trị tất cả mọi thứ. Như một vị thầy của tôi đã từng nói: "Đôi khi thiền định không giúp đỡ được. Có những lúc không có thứ gì giúp được cả". Thiền định không nhất thiết là phải giúp ích cho việc hàn gắn các mối quan hệ xã hội, hay là chữa trị những chấn thương sâu sắc và các rối loạn tâm lý. Thiền có thể hoặc không thể giúp ích gì cho những người bị trầm cảm (có một số bằng chứng cho thấy rằng đôi khi thiền giúp chữa lành bệnh trầm cảm); thiền không giúp chúng ta tìm được công việc hay là duy trì công việc của cá nhân. Thiền, tự thân nó là rất đặc biệt, nhưng thiền không phải là cuộc sống. Phật giáo là cuộc sống, thiền định là một trong những công cụ của Phật giáo (và chỉ là một mà thôi).
Khi tôi còn làm việc trong giới kinh doanh, một người quản lý kho hàng đến nói với tôi: "Lew, bạn có biết về thiền chứ? Trong số những nhân viên của tôi có một người là Phật tử, và anh ta làm việc quá chậm. Nếu anh ta không làm việc nhanh hơn thì tôi sẽ phải cho anh ta nghỉ việc". Tôi đã nói chuyện với người nhân viên ấy và anh ta giải thích: "Tôi đang cố gắng để giữ chánh niệm". Tôi nói với anh ta là hãy đi đến một nhà hàng Nhật Bản và xem các đầu bếp sushi tại nơi họ làm việc. Tất cả họ đều có chánh niệm, họ làm việc với những con dao rất sắc bén và làm rất nhanh. Tôi không chắc là anh ta nghe lời khuyên của tôi. Không lâu sau đó thì anh ta đã bị cho nghỉ việc.
Tất nhiên là có cả một loạt các lợi ích mà thiền định có thể mang lại, và chúng đã có được xác minh, được đánh giá bằng những kiểm nghiệm khoa học. Thiền có thể cực kỳ hữu ích. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, thiền chỉ phát huy tác dụng với những gì nó có thể và không thể phát huy tác dụng với những gì nó không thể. Thiền không phải là cuộc sống, cũng không phải là cuộc sống thiền định. Chúng có quan hệ với nhau nhưng lại khác nhau.
Những bất cập trong tôn giáo là vấn đề phổ biến
Đây là một bài học lớn và không dễ chịu mà nhiều người trong cộng đồng Phật giáo vẫn đang học hỏi. Những cuốn sách về đạo Phật, và thậm chí là nhiều vị thầy trong Phật giáo, thường trình bày các nội dung giáo lý được lý tưởng hóa, mà lại bỏ qua thực tế hỗn loạn và không mấy tốt đẹp về cách ứng xử của mọi người, trong đó có cả những người Phật tử, ở trong xã hội. Chúng ta đem những giấc mơ, những ước muốn được lý tưởng hóa của chính mình đến với Phật pháp, vì chúng ta nghĩ rằng Phật pháp có thể làm lắng dịu tất cả mọi sự rối rắm của con người - ít nhất thì Phật giáo cũng tốt hơn nhiều so với các tôn giáo mà lúc nhỏ chúng tôi đã đi theo. Thực tế là trong các vị lãnh đạo của Phật giáo, cả ở châu Á lẫn ở phương Tây, có đủ mọi thành phần, mọi hình dạng, kích thước, trình độ hiểu biết và cả những xu hướng đi chệch khỏi con đường chân chính của đạo Phật.
Thậm chí là sau 50 năm, Phật giáo ở phương Tây vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Dấu vết của các vụ bê bối, những hành vi xấu, sự phản bội và thất vọng đã có từ lâu và hiện đang tiếp tục được phơi bày ra. Những ai chuyên tâm thực tập giáo pháp của Phật thì họ ý thức được rằng, đấy chỉ là một khía cạnh của cuộc sống và họ rút kinh nghiệm từ những gì xảy ra. Thực trạng ấy không hạ thấp giá trị của những chân lý sâu sắc mà giáo pháp mang lại cho nhân sinh. Có rất nhiều cạm bẩy trên con đường tu học của chúng ta, và những người nghiên cứu về những giáo lý của người xưa có thể đoan chắc rằng họ biết tất cả những vấn đề đó, và họ cố gắng để cảnh báo chúng ta. Phật pháp là hiện thực. Chúng ta phải liên tục đối mặt với hiện thực, từ bỏ những gì sai trái và theo đuổi những gì đúng đắn, tuy rằng đấy là việc làm không đơn giản.
Lewis Richmond
(Theo Huffingtonpost.com)
Quảng Trí dịch (Nguồn: Nguyệt San Giác Ngộ, số 189, ra tháng 12/2011)

Đức Dalai Lama nhận giải thưởng Dayawati Modi

Đức Dalai Lama nhận giải thưởng Dayawati Modi
Vào thứ Sáu, ngày 2-12, tại buổi lễ trao giải thưởng Dayawati Modi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đức Dalai Lama đã được vinh danh với giải thưởng Dayawati Modi về Văn hóa, Nghệ thuật và Giáo dục năm 2011 bởi những đóng góp của Ngài trong việc xây dựng nền hòa bình, sự khoan dung và công bằng xã hội trên toàn thế giới.
Giải thưởng Dayawati Modi được thành lập bởi Hội từ thiện Dayawati Modi vì Văn hóa, Nghệ thuật và Giáo dục nhằm tưởng nhớ đến bà Dayawati Modi, một nhà hảo tâm, nhà giáo dục và là vợ của ông Bahadur Gurjar Modi, người sáng lập của Tập đoàn Modi ở Ấn Độ.
Trong những năm qua, bên cạnh những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật và văn hóa Ấn Độ, tổ chức này đã thành lập các trường học, các trường cao đẳng, thư viện và ký túc xá cho sinh viên. 
Tại buổi lễ, Hội từ thiện Dayawati Modi đã vinh danh đức Dalai Lama bằng việc trao giải thưởng Dayawati Modi đến ngài. Giải thưởng bao gồm 250.000 rupee tiền mặt, một cái khiên bằng bạc và một tấm bằng danh dự. Chủ tịch Hội Dayawati Modi, ông Satish Kumar Modi, bày tỏ: "Trao giải thưởng đến đức Dalai Lama để công nhận sự đóng góp trong cuộc đời của Ngài đối với nền hòa bình, sự khoan dung và công bằng xã hội trên toàn thế giới là vinh dự lớn đối với chúng tôi".
Phát biểu tại buổi lễ, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng bày tỏ sự báo động đối với nạn di căn của căn bệnh tham nhũng ở các nước như Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi mong các công dân của Ấn Độ, nơi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngài định cư trong hơn 50 năm qua, cần chú trọng nhiều hơn nữa và có những chính sách nghiêm ngặt hơn nữa để xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, đức Dalai Lama hứa là sẽ hỗ trợ toàn diện cho các phong trào của người dân nhằm mục đích xóa bỏ nạn tham nhũng từ những gốc rễ của nó.
Suy nghĩ về những lần trò chuyện của mình với các sinh viên và các doanh nhân Ấn Độ, đức Dalai Lama cảm thấy xót xa trước một thực trang chung của người dân Ấn Độ, họ chấp nhận tham nhũng như là một phần trong cuộc sống của họ.
Đề cập đến phong trào chống tham nhũng rất phổ biến được dẫn đầu bởi nhà hoạt động xã hội Ấn Độ,  ông Anna Hazare, ngài Dalai Lama ca ngợi phong trào ấy vì nó đã nhắc nhở toàn thể quốc gia và các chính trị gia rằng, tham nhũng là hoàn toàn sai trái.
Đức Dalai Lama kêu gọi: "Xin hãy lưu tâm nhiều hơn nữa", đồng thời khuyến khích dân chúng Ấn Độ đóng góp trong việc xóa bỏ tệ nạn tham nhũng.
Trong ngày 03-12, đức Dalai Lama có buổi pháp thoại về đề tài "Nghệ thuật của hạnh phúc", như là một phần trong chuỗi bài giảng hàng năm của Pengiun tại Trung tâm India Habitat ở New Delhi.
Trong bài pháp thoại của mình, Ngài nhấn mạnh về sự cần thiết phải có một hệ thống giáo dục nhắm đến việc thúc đẩy các giá trị bên trong, như tình thương yêu và trái tim nồng hậu. Ngài nói: "Hệ thống giáo dục hiện đại là một hệ thống giáo dục theo định hướng vật chất, một chiều, chỉ quan tâm đến sự phát triển trí não mà không quan tâm đến sự hình thành một trái tim nồng hậu và ý thức trách nhiệm cho người học. Điều này khởi đầu từ cấp độ gia đình, bởi vì thiếu thốn tình cảm do cạnh tranh nhau giữa các thành viên, đã dẫn đến sự nghi ngờ, mất lòng tin và sự cô đơn. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn trong việc thúc đẩy sự hình thành trái tim nồng hậu từ cấp độ xã hội đên cấp độ toàn cầu".
Ngài nói thêm: "Phụ nữ có tiềm năng bẩm sinh nhiều hơn nam giới trong việc xây dựng một xã hội trên nền tảng của tình thương yêu và lòng từ bi, bởi vì họ giàu lòng thương yêu và từ bi hơn".
Bàn về sức mạnh của người phụ nữ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình và từ bi, đức Dalai Lama nói: "Những người nhận được tình cảm tối đa và tình yêu trong thời thơ ấu của mình có xu hướng có nhiều hạnh phúc hơn và tự tin hơn. Ngược lại, những người thiếu tình cảm và thiếu tình thương yêu sẽ có cảm giác bất an nằm sâu thẳm bên trong tâm thức của họ. Vì vậy, để xây dựng một thế hệ hạnh phúc hơn, các bà mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng".
Trong khi diễn tả những người mẹ như là một nguồn tình cảm và là nền tảng của một gia đình hạnh phúc, đức Dalai Lama nói rằng, phụ nữ nói chung có nhiều tiềm năng cho sự tử tế và nhạy cảm hơn trước nỗi đau của người khác.
Ngài đã thừa nhận là chính mẹ của Ngài đã gieo những hạt giống đầu tiên về lòng từ bi ở nơi Ngài: "Mặc dù không biết chữ, nhưng mẹ tôi không bao giờ thể hiện nét mặt giận dữ đối với chúng tôi. Quá trình đào tạo trong Phật giáo đã giúp cho lòng vị tha của tôi thêm lớn mạnh, nhưng trái tim nồng ấm của mẹ tôi đã khơi nguồn cho tất cả tấm lòng vị tha ấy”.
Và Ngài kết luận: "Đã đến lúc cần phải tạo ra những nỗ lực thực sự trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của tình thương yêu, và trong việc này thì người phụ nữ nên có một vai trò tích cực hơn”.
Giải thưởng Dayawati Modi là một trong những giải thưởng danh dự nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và giáo dục. Những người được nhận giải thưởng này trước đây gồm có cả các vị như: Bharat Ratna, Mẹ Teresa và tiến sĩ Karan Singh.
Học sinh Trường Shiksha Kendra, Delhi cung đón đức Dalai Lama
Đức Dalai Lama chào mừng các học sinh Trường Shiksha Kendra
Minh Nguyên (Theo Thetibetpost.com
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 620, ra ngày 17/12/2011)

Năm Pho Tượng Phật Di Đà Vĩ Đại Trên Thế Giới

Cùng với đà phát triển của xã hội, trên thế giới ngày càng xuất hiện những công trình kiến trúc vĩ đại, trong số đó có những công trình kiến trúc thuộc về tôn giáo, về tâm linh. Ở đây, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những pho tượng Phật Di Đà vĩ đại trên thế giới đã được ghi vào sách kỷ lục thế giới.
1. Pho tượng Ngưu Cửu Đại Phật, Nhật Bản
Pho tượng Phật Di Đà vĩ đại phải kể đến đầu tiên đó là pho tượng Ushiku Daibutsu (Ngưu Cửu Đại Phật). Nếu tính cả 10 mét chiều cao của đài sen và 10 mét chiều cao của phần bệ móng thì tổng chiều cao của pho tượng là 120 mét, nặng 4.000 tấn. Pho tượng vĩ đại này được ghép từ 6.000 phiến đồng thiếc có độ bền cao. Trong thời điểm hiện tại thì đây là pho tượng Phật Di Đà cao nhất thế giới. Pho tượng tọa lạc tại thành phố Ushiku của tỉnh Ibaraki, một tỉnh thuộc phía Đông Bắc của Tokyo, Nhật Bản. Công trình kiến trúc này được xây dựng nhằm kỷ niệm ngày sinh của ngài Thân Loan, vị tổ khai sáng Tịnh Độ Chân Tông ở Nhật Bản, và được hoàn thành vào năm 1993.
Đây là một công trình kiến trúc hiện đại. Bên trong pho tượng có một hệ thống thang máy lên đến độ cao 85m, dùng để đưa du khách lên ngắm cảnh, và một khu bảo tàng rộng lớn, có đến 4 tầng, mỗi tầng có một tên gọi khác nhau:
Tầng 1: Cảnh giới Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ
Tầng 2: Thế giới của sự tri ân và báo ân
Tầng 3: Thế giới Liên Hoa Trang Nghiêm
Tầng 4: Không gian núi Linh Thứu. Tại tầng này, ở phần ngực của tượng Phật, có các cửa sổ để cho du khách có thể nhìn ngắm cảnh quan bên ngoài.
Pho tượng Phật Di Đà này được Tổ chức Xác lập kỷ lục thế giới ghi nhận là pho tượng Phật cao nhất thế giới vào năm 1996.
2. Pho tượng Linh Sơn Đại Phật, Trung Hoa
Linh Sơn Đại Phật (Ling Shan Grand Buddha) là pho tượng Phật Di Đà cao 88 mét. Đây là pho tượng bằng đồng nặng 700 tấn. Pho tượng này tọa lạc trong khuôn viên của Tường Phù cổ tự, một ngôi chùa cổ được xây dựng vào đời Đường (618-907), ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Hoa. Công trình kiến trúc này được hoàn thành vào năm 1996. Vì pho tượng nằm ở vùng núi Linh Sơn nên được gọi là Linh Sơn Đại Phật.
Linh Sơn Đại Phật cao to sng sững, khí thế oai nghiêm, hùng vĩ. Phía Nam của Đại Phật là Thái Hồ, mặt sau tựa vào núi Linh Sơn, bên trái nối liền với Thanh Long, bên phải nối với Bạch Hổ, địa hình hiểm trở, huyền bí, quang cảnh ưu nhã, mỹ lệ. Linh Sơn Đại Phật trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh của tỉnh Giang Tô, thu hút đông dảo khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, lễ bái hàng năm.
3. Pho tượng Phật A Di Đà ở Phật Quang Sơn, Đài Loan
Đây là pho tượng Phật A Di Đà cao 40 mét, nằm trong khuôn viên của tu viện Phật Quang Sơn, thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Phật Quang Sơn là một Hiệp hội Phật giáo lớn mạnh của Trung Hoa, do ngài Tinh Vân sáng lập. Hiện tại, Hiệp hội Phật giáo Phật Quang Sơn có rất nhiều tu viện và các trung tâm tu học, các trung tâm giáo dục, hoạt động xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Trụ sở chính của Phật Quang Sơn đặt ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan.
Tượng Phật A Di Đà tại tu viện Phật Quang Sơn ở Cao Hùng được hoàn thành vào năm 1975. Tại khu vực xung quanh pho tượng Phật lớn này còn có dựng 10.000 pho tượng Phật Di Đà nhỏ, trong tư thế đứng thẳng, tay phải hướng lên trên, tay trái hướng xuống đất, biểu trưng cho ý nghĩa tiếp dẫn chúng sanh về với cảnh giới Cực Lạc của Ngài.
4. Pho tượng Phật Di Đà ở Ulan Bator, Mông Cổ
Pho tượng Phật Di Đà ở thành phố Ulan Bator, Mông Cổ cao 23 mét, được hoàn thành vào năm 2005. Thành phố Ulan Bator là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Mông Cổ. Thành phố Ulan Bator nằm phía Bắc của miền Trung Mông Cổ, có độ cao 1.310 mét so với mực nước biển, trên một thung lũng nằm bên sông Tuul. Thành phố Ulan Bator được hình thành từ năm 1639, với vai trò là một trung tâm Phật giáo và di chuyển dần cùng với những người dân du mục. Năm 1778, Ulan Bator được hình thành một cách cố định tại địa điểm hiện tại, nơi hợp lưu của hai dòng sông Tuul và Selbe. Trong thế kỷ 20, Ulan Bator đã phát triển thành một trung tâm kinh tế của Mông Cổ.
5. Pho tượng Phật Di Đà tại Kamakura, Nhật Bản
Kamakura Đại Phật (Kamakura Daibutsu) là pho tượng Phật Di Đà trong tư thế ngồi kiết già cao 13,5 mét, nặng 121 tấn. Đây là pho tượng Phật bằng đồng lớn thứ hai tại Nhật Bản, và là một pho tượng cổ, được xây dựng hoàn tất vào năm 1252. Pho tượng tọa lạc trong khuôn viên của tu viện Kōtoku (Cao Đức), tại thành phố Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Vào năm 1498, một đợt sóng thần mạnh đã cuốn trôi những công trình kiến trúc của ngôi chùa, chỉ còn trơ trọi nền móng và pho tượng Phật. Kể từ đó đến nay, suốt hơn 500 năm, pho tượng Phật bằng đồng ấy vẫn uy nghi trong nắng gió, tuyết sương.
Vào năm 1960-1961, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành trùng tu pho tượng nhằm gia cố phần cổ và giúp cho thân tượng có thể chuyện động tự do trên nền đá, để tránh bị sụp đổ khi xảy ra động đất.
Hiện nay, Kamakura Đại Phật được xem là một trong những quốc bảo của Nhật Bản. Cũng chính vì lẽ này mà Đại Phật Kamakura cùng với khu di tích thuộc tu viên Cao Đức là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. 
***
Trên đây là năm pho tượng Phật Di Đà vĩ đại nhất trên thế giới. Những công trình kiến trúc ấy đã trở thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong các chuyến hành hương của tín đồ Phật tử và du khách trong nước cũng như quốc tế. Những công trình ấy không chỉ là biểu tượng của lòng tin mà còn là niềm tự hào của tín đồ Phật tử. 
Minh Nguyên
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 617, số đặc biệt nhân vía Di Đà, ra ngày 26/11/2011)

Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức khóa tu dành cho các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ

Trong chuyến hoằng pháp dài ngày, từ ngày 20/10 - 9/11/2011, của Tăng thân Làng Mai tại Hoa Kỳ, chính quyền Hoa Kỳ đã thỉnh mời Thiền sư Nhất Hạnh tổ chức một khóa tu dành cho các dân biểu, các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ. Thể theo lời mời ấy, một khóa tu dành cho các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ đã được diễn ra trong hai ngày, ngày 27 và 28 tháng 10/2011. Đây là một cơ hội hiếm có để Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ và thực tập chánh niệm với các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC.
Mục đích của khóa tu này là để mời gọi các thành viên của quốc hội, vợ/chồng và các thành viên trong gia đình của họ, cùng những nhân viên trong Quốc hội (cả những người đương nhiệm và tiền nhiệm) cùng tham gia thực tập chánh niệm, tỉnh giác, nhằm đem đến cho họ những giây phút thực sự thảnh thơi, an lạc và gieo vào tâm thức họ những chất liệu sống có giá trị.
Trước khi diễn ra khóa tu, vào ngày 26-11-2011, Thiền sư Nhất Hạnh đã có buổi pháp thoại dành riêng cho các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, người thân trong gia đình của họ và cho các nhân viên làm việc trong Quốc hội cùng một số khách mời đặc biệt khác. Buổi pháp thoại đã được tổ chức tại thư viện của Quốc hội với đề tài: “Con đường hướng đến sự hòa bình: Rèn luyện tinh thần minh mẫn, nuôi dưỡng tình thương yêu và phát huy lòng dũng cảm trong đời sống chính trị”.
Do đặc thù của người tham dự khóa tu, họ là những chính trị gia, những dân biểu, những nhà lành đạo,… nhịp sống hằng ngày của họ ở trong văn phòng quốc hội diễn ra rất nhanh, họ phải tiếp chuyện, phải giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp (qua điện thoại, email, fax,…) với rất nhiều dạng người, và ngôn ngữ được sử dụng trong các kênh giao tiếp ấy thường không mấy dễ nghe, cho nên nội dung của khóa tu tập trung vào việc thực tập những lời nói ái ngữ, phương pháp lắng nghe sâu sắc để nâng cao giá trị và chất lượng của sự giao tiếp giữa người với người. 
Cũng trong chuyến hoằng pháp này, Tăng thân Làng Mai còn có một chương trình đặc biệt khác dành cho giới trẻ, đó là chương trình giao lưu, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm tu tập với các bạn học sinh, sinh viên, với tên gọi là “Hành trình đánh thức Hoa Kỳ năm 2011” (Wake Up US Tour 2011). Thiền sư Nhất Hạnh cùng với khoảng 10 vị Tăng Ni trẻ trong Đạo tràng Mai Thôn đã đến các trường đại học, trung học ở Hoa Kỳ, cụ thể là họ đã được mời đến Đại học Harvard, Yale, Brown, Columbia, Georgetown và Pennsylvania. Tại những trường đại học ấy, Tăng thân Làng Mai đã trình bày về pháp tu chánh niệm và có những giờ pháp thoại, pháp đàm để chia sẻ kinh nghiệm tu tập với các bạn học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó họ còn tổ chức phối hợp với các bạn trẻ để đến thăm và chia sẻ với các trại giam, các nhà tù, các bệnh viện ở thành phố New York, Boston, và thủ đô Washington DC.
Qua những lời bình luận, chia sẻ, phát biểu cảm nghĩ, bày tỏ cảm xúc của các bạn trẻ Hoa Kỳ và những người đã có dịp tham dự các khóa tu, các buổi pháp đàm, pháp thoại, chia sẻ kinh nghiệm tu tập ở trên trang web http://us.wkup.org/ và trên trang http://www.plumvillage.org cho thấy chuyến hoằng pháp của Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, tạo được sự ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ Hoa Kỳ cũng như những thành viên, dân biểu trong Quốc hội Hoa Kỳ. Vào xem hai trang web nói trên, bạn sẽ thấy có rất nhiều mỹ từ, nhiều lời khen tặng mà các bạn đọc đã dành cho Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai. Những người được tham dự, được tiếp xúc với Tăng thân Làng Mai trong chuyến hoàng pháp thì cảm thấy rất hạnh phúc, rất vui mừng; một số người không có cơ hội để tham dự, tiếp xúc thì bày tỏ sự tiếc nuối. Trên tất cả là tình cảm quý mến và lòng biết ơn của mọi người dành cho Tăng thân Làng Mai. Thật đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam chúng ta, nơi đã sản sinh ra một bậc chân sư đáng kính mang tầm quốc tế. 
Minh Nguyên (Theo plumvillage.orgus.wkup.org)
(Tuần báo Giác Ngộ số 616, ra ngày 19/11/2011)

Hoàng đế A Dục, một mẫu người dung hòa giữa các tôn giáo trong thời cổ đại

Chân dung vua A Dục
Khi vừa mới nắm được quyền binh, vua A Dục đã tỏ ra là một bạo chúa. Lớn lên trong đẳng cấp chiến binh Kshatriya, hoàng tử trẻ A Dục đã nổi tiếng là một người hung bạo, một chiến binh, một thợ săn tàn nhẫn. Mặc dù là một người trẻ nhất trong số những người con trai của vua Tần Bà Sa La, nhưng hoàng tử A Dục đã tỏ ra là người bảo vệ tốt nhất của cha mình, làm chủ cả hai vấn đề: đàm phán và là bàn tay sắt để giữ cho các vùng hẻo lánh được bình yên. Hoàng tử A Dục đã thuyên chuyển các anh em của mình, thậm chí giết hại một số người, và đã xây dựng lực lượng đồng minh đủ mạnh tại triều đình, cho nên khi vua cha băng hà, người mà vua Tần Bà Sa La mong muốn kế vị đã bị soái ngôi và hoàng tử A Dục đã cướp ngôi. Gần một thập kỷ sau đó, ông đã hành quân qua phía Tây và phía Nam châu Á, trở thành vị vua mạnh mẽ nhất và đáng sợ nhất lúc bấy giờ.
Suốt tám năm, vương triều của vua A Dục đã lặn ngập trong cuộc chiến tranh đẫm máu để chinh phục tiểu quốc Kalinga (tương đương với bang Orissa ngày nay). Theo lời thú nhận của vua A Dục, cuộc chiến này đã khiến cho hơn 150.000 người dân Kalinga bị trục xuất, 100.000 người bị thiệt mạng và rất nhiều người dân Kalinga đã qua đời vì nhiều nguyên nhân khác.
Một sự cải đổi diệu kỳ
Câu chuyện cải đạo của vua A Dục hầu như chưa từng có trong biên niên sử của lịch sử tôn giáo. Trong vòng một năm sau cuộc chiến xâm lược vùng Kalinga, hoàng đế A Dục đã cải đạo, đi theo Phật giáo, quy y Tam bảo và chuyển đổi nhân cách hoàn toàn, từ một vị bạo chúa sang một nhà vua hiền triết, nhân đức. Vua đã thay đổi để xứng đáng là một vị hộ pháp. Vua đã định hình và tạo dựng một nền văn hóa hòa bình, quan tâm và chăm lo cho tất cả chúng sanh. Trên lộ trình đó, vua đã hỗ trợ đắc lực cho việc phát huy và truyền bá đạo Phật ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Điều gì đã tạo ra sự chuyển biến đáng kinh ngạc như thế? Có rất nhiều lời lý giải cho vấn đề này. Có một câu trả lời mang tính huyền thoại nhưng thường được trích dẫn, đó là những lời ăn năn, hối cải của vua: “Tôi đã làm gì? Nếu đây là một chiến thắng, thế thì sự thất bại là gì?  Đây có phải là một sự chiến thắng hay là thất bại? Đây là công bằng hay bất công? Đây là sự dũng cảm hay là sự tháo chạy? Có dũng cảm chăng khi giết hại rất nhiều trẻ em và phụ nữ vô tội? Phải chăng tôi đã làm điều đó để mở rộng lãnh thổ và để được thịnh vượng, hay là để phá hủy vương quốc và sự hưng thịnh của người khác? Nhiều người đã mất chồng, một số thì mất cha, một số người thì mất con, và thậm chí là một số người mất luôn cả những đứa con chưa chào đời.... Những mảnh vụn của các thi thể này là gì? Chúng là dấu hiệu của sự chiến thắng hay thất bại? Những con chim kên kên, quạ, đại bàng kia là sứ giả của thần chết hay là của thế lực ác?”.
Dù chi tiết về nó là gì đi nữa thì tham vọng bạo lực của vua A Dục đã chuyển đổi thành sự hỗ trợ nhân đạo đối với người dân trong nước và những người bên ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Trong suốt 30 năm sau đó, vua đã trở thành một vị vua nhân đức mà người dân hằng mơ ước trong nhiều thế kỷ, chính vì thế mà lịch sử về cuộc đời của vua A Dục đã trở thành một huyền thoại. Tất nhiên, trong gần 2.000 năm, những gì mà chúng ta được biết về vua A Dục là thông qua những văn bản, những kinh sách của Phật giáo được viết vào khoảng 400 hay 600 năm sau khi vua băng hà. Cộng đồng Ấn Độ giáo, tôn giáo mà vua đã từ bỏ, đã không hề quan tâm đến ông, mãi cho đến năm 1915, khi mà vấn đề nan giải về ngôn ngữ đã được giải quyết và di sản lịch sử của vua A Dục cuối cùng cũng đã được nhiều người quan tâm.
Câu chuyện lại quay ngược trở về năm 1828, khi ông James Prinsep, một nhà khảo cổ học, một triết gia lỗi lạc người Ấn-Anh đã tìm ra được cách chuyển dịch ngôn ngữ Brahmi cổ đại. Brahmi là ngôn ngữ đã được sử dụng để khắc ghi trong 33 “sắc lệnh của vua A Dục” mà chúng ta có ngày hôm nay, những sắc lệnh ấy được khắc trên đá, có những trụ đá của vua A Dục nặng đến 50 tấn và cả trên những tảng đá lớn, cũng như trên một số vách động. Một số sắc lệnh thì khá ngắn, nhưng một số khác thì dài đến hàng trăm từ. Chúng được khắc đi khắc lại nhiều nơi trên khắp đất nước. Chẳng hạn như bộ sưu tập 14 sắc lệnh ở Girnar đã được tìm thấy tại năm địa điểm và một phiên bản rút gọn tại hai điểm khác.
Trong các thông điệp mà đức vua gởi đến thần dân đó, chúng đều có tính thân mật hơn là trịnh trọng. Vua A Dục nói đến bản thân mình là “người thân của các vị thần, là vua Piyadasi”, có nghĩa “vua là người quan tâm đến mọi người với tình cảm chân thành”. Mãi cho đến năm 1915, khi những sắc lệnh cuối cùng được phát hiện, chúng ta thấy những bản văn ấy không chỉ nói đến vua Piyadasi, mà còn nói đến vua A Dục, xác nhận sự liên quan của vua đến tất cả những sắc lệnh ấy. Những điều đó đã được đưa vào huyền thoại và được lưu hành trong lịch sử. Vua A Dục nổi tiếng là một nhà lãnh đạo đấu tranh cho bình đẳng và công bằng xã hội, thực hiện chính sách khoan dung với các tôn giáo và hơn thế nữa. HG Wells đã viết: “Giữa hàng chục ngàn tên tuổi của các quốc vương đã tạo thành các dòng lịch sử, quyền lực, sự dũng cảm, sự cao quý và thanh bình của họ, tên tuổi của vua A Dục tỏa sáng, và tỏa sáng như là một ngôi sao đơn lẻ”.
Sự khám phá ấy đã đánh thức dân tộc Ấn Độ, giúp họ biết về kho tàng lịch sử ẩn giấu của họ. Vào giữa thế kỷ 20, danh tiếng của vua A Dục đã vang dội trở lại khắp vùng Nam Á như những gì mà đức vua đã có hơn 2.200 năm trước. Ngay giữa trung tâm của quốc kỳ Ấn Độ là hình bánh xe Pháp luân của vua A Dục, một hình ảnh được tìm thấy trên một số sắc lệnh của vua, biểu trưng cho đức hạnh. Mặc dù đã trở thành một Phật tử, nhưng những thành tựu của vua A Dục trong cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia là niềm tự hào dân tộc của Ấn Độ ngày nay.
Chính các sắc lệnh của vua đã cho chúng ta một cái nhìn sơ bộ về thế giới của vua A Dục, về những gì mà vua mong muốn đem lại cho nhân loại. Chúng hướng đến tính thiết thực. Trong phần đầu của các bia ký ở Girnar có ghi rằng: “Trước đây, trong bếp của “người thân của các vị thần”, vua Piyadasi, mỗi ngày có đến hàng trăm, hàng ngàn động vật bị giết để làm cà-ri. Nhưng bây giờ, nhờ vào những lời dạy của Phật, chỉ có ba sinh vật, hai con công và một con hươu bị chết, và con hươu thì không phải lúc nào cũng có. Và có khi ngay cả ba sinh vật ấy cũng không bị giết”. Vua khuyến khích mọi người tập ăn chay dần dần.
Điều làm cho vua A Dục hấp dẫn một cách kỳ lạ giữa các nhà cải cách vĩ đại trong lịch sử là bởi ông thực sự có sức mạnh để thể hiện tầm nhìn của mình. Một nhà quản lý có tính thực tế, vua đã đưa những hệ thống trách nhiệm vào trong các cải cách của mình. Từ những sắc lệnh của vua chúng ta có thể thấy rõ điều đó.
Vua đã phát huy tinh thần bình đẳng, xây dựng nền hòa bình, công bằng xã hội, tôn trọng quyền phụ nữ, tự do tôn giáo, phát triển giáo dục, khoa học, đối xử nhân đạo với các tù nhân, phát triển bền vững và xây dựng hệ thống chăm sóc y tế miễn phí rộng khắp cho các loài động vật, chim muông, và lẽ đương nhiên là cho cả con người.
Vua phát triển các dự án về công trình công cộng chính yếu, bao gồm bệnh viện, phòng khám và các trường học. Vua còn cho xây dựng các nhà nghỉ giữa những khu dân cư, cùng với những giếng nước, cây ăn quả và cây che mát để cho khách bộ hành dừng chân khi mệt mỏi.
Vua ra lệnh cấm chặt phá rừng, nhất là cấm săn bắn, và tìm cách cải thiện đời sống của người nô lệ.
Đối với xã hội, nhà vua kêu gọi người dân thể hiện thái độ tôn trọng, khoan dung và tiêu xài có điều độ.
Đối với cá nhân, vua chủ trương sống tử tế, tự kiểm điểm, trung thực, biết ơn, trung thành, và tự làm chủ bản thân. Vua khẳng định rằng: Sức mạnh của tình thương yêu vĩ đại hơn sức mạnh của thanh kiếm.
Một đế chế thân thiện với các tôn giáo
Sự cải đạo của vua A Dục đã làm thay đổi cuộc sống của chính vua và của xã hội Ấn Độ. Những sắc lệnh của vua nhắm đến việc bãi bỏ các nghi lễ, giáo điều và hạn chế các lễ hội, phát huy việc vận dụng những giá trị đạo đức của Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày. Chương trình nghị sự rộng lớn của vua đã thể hiện sự hiểu biết của vua về Phật giáo. Về bản chất, Phật pháp dạy mọi người thương yêu tất cả mọi chúng sinh, nói lời chân thật, tôn trọng và bao dung. Để thúc đẩy sự phát triển Phật giáo, vua A Dục đã xây dựng hàng ngàn bảo tháp trên toàn quốc. Vua còn đưa các vị Tăng sĩ, các vị Giáo thọ sư đi đến các vùng như Syria, Iran, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Vua còn đưa con gái của mình là Ni sư Sanghamitta, và con trai là Đại đức Mahinda đến Tích Lan để hoằng dương Phật pháp. Về cơ bản, những nỗ lực truyền giáo của A Dục đã biến Phật giáo truyền thống thành một tôn giáo cải cách trẻ trung, một tôn giáo mang tầm vóc quốc tế.
Ngày nay, việc truyền bá Phật giáo đến nhiều nơi nghe có vẻ bình thường, nhưng sự truyền bá của vua A Dục không giống với định kiến của chúng ta về một nhà truyền giáo. Vua A Dục không phải là một triết gia, cũng không phải là một tu sĩ, nhưng vua vẫn tiến hành việc cải thiện đời sống hằng ngày của nhân dân theo những giá trị của đạo Phật. Đồng thời, vua thực hiện chính sách tôn trọng các tôn giáo khác một cách nghiêm túc như đối với Phật giáo vậy. Vua kêu gọi tất cả mọi người tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tôn giáo. Vua còn khuyến khích những nhà giáo dục không phải là Phật tử, và yêu cầu tất cả các trường học dạy cho học sinh biết đánh giá cao tất cả các tôn giáo. Những người theo Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, và các tôn giáo khác đều được trọng dụng dưới triều đại của vua A Dục ngang bằng với những người Phật tử. Vua nhận định rằng: Làm tổn hại tôn giáo của người khác là tự hủy hoại tôn giáo của chính mình.
Nền văn minh mới mẻ của vua A Dục đã bị phai nhạt dần và trở thành huyền thoại trong vòng 50 năm sau khi vua băng hà. Và Ấn Độ giáo dần dần chiếm ưu thế ở Ấn Độ; Phật giáo thì phát triển bên ngoài biên giới của Ấn Độ, tại những vùng đất mà trước đây vua A Dục đã gửi các đoàn truyền giáo đến.
Và thế rồi, 22 năm sau ngày “Hội nghị Các tôn giáo trên thế giới” tổ chức vào năm 1893, bức màn của lịch sử đã được vén lên sau hơn hai thiên niên kỷ, làm lộ ra một nhà lãnh đạo toàn cầu, người đã xây dựng được một nền văn hóa hòa bình, có tính xây dựng và tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của các tôn giáo kéo dài gần một thế kỷ. Thành tựu của vua A Dục là sự thúc đẩy cho những ai có những ước mơ tương tự về tương lai của nhân loại. Tất cả chúng ta đều cần phải học tập các sắc lệnh của vua A Dục. 
Harish Singhal và Paul Chaffee (Theo The Interfaith Observer, 10-2011)
Minh Nguyên dịch
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 188, ra tháng 11/2011)

Sáu thủ thuật làm chủ thời gian theo lời Phật dạy

Hầu như tất cả mọi người đều than phiền là họ không có đủ thời gian. Nhưng tất cả thời gian đã tiêu tốn vào đâu? Tại sao những công cụ tiết kiệm sức lao động và các phương tiện đi lại, truyền thông nhanh hơn của nhân loại không giải phóng chúng ta? Hoặc ít nhất là cung cấp cho chúng ta khoảng thời gian rảnh rỗi để thực hiện những điều mà chúng ta muốn và cần phải làm, hoặc chỉ đơn giản là làm chậm lại và tận hưởng những gì chúng ta đã làm việc rất khó khăn để tạo ra chúng, tại sao lại không được? Thực ra, không phải chúng ta thiếu thời gian, mà là thiếu sự tập trung, sự tỉnh giác và không biết thiết lập tính ưu tiên. Chúng ta phải thay đổi không gian trong nhịp sống của mình - đánh thức mình bằng cách chuyển sang một cách tồn tại khác. Chúng ta có tất cả các thời gian trên thế giới. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta, tùy vào cách chúng ta chọn để sử dụng nó ra sao.
Tạo ra không gian trong nhịp sống của mình
 Chánh niệm là nhân tố cốt lõi trên con đường đưa đến sự giác ngộ, tỉnh thức của Đức Phật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đề cao bản thân hoặc là sự thoái lui trước sự tự ý thức của một thiếu niên về câu hỏi “Với tôi thì sao?”; mà là sự nhớ đến việc ghi nhớ và luôn sống trong sự ý thức về những gì chúng ta thật sự đang làm ngay trong giây phút này.
Căn bệnh thời gian (time-sickness) là một căn bệnh phổ biến hiện nay. Mọi người nói rằng họ muốn sống chậm lại, muốn sống hài hòa với thiên nhiên hơn và muốn sống khỏe, sống một cách lành mạnh. Nhưng ai là người biết cách để thực sự sống được như thế? Ai có sẵn liều thuốc thời gian (time-medicine), và ai là người đã sẵn sàng, sẵn lòng và có thể sống như thế? Sự tỉnh thức là nhân tố thiết yếu trong cuộc hành trình tuyệt vời này, nó sẽ đem đến cho chúng ta một bức tranh lớn hơn, cũng như những chi tiết trong từng phút giây trên lộ trình ấy.
Nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ ta
Annie Dillard đã viết: “Cách chúng ta sử dụng thời gian trong ngày chính là cách chúng ta sống trong cuộc đời”. Sự lựa chọn là hoàn toàn tùy thuộc ở ta. Chúng ta có thể học cách nắm giữ bản thân trước khi những thứ khác nắm giữ và trói buộc ta. Hãy cố gắng thực tập chánh niệm - nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng một cách có ý thức và không hề đánh giá, phê phán - đối với mọi thứ ta làm, ta nói và ta suy nghĩ trước khi ta phản ứng một cách mù quáng.
Nói cách khác, hãy tạm dừng lại và xem xét. Bạn có thực sự muốn chơi trò chơi Angry Birds (một trò chơi điện tử trên máy vi tính), hoặc là chơi đùa với các con trong năm phút? Bạn có thực sự xem chiếu lại của một chương trình truyền hình hay mà không phải là lần đầu tiên xem, hoặc dành một nửa giờ đồng hồ để thực tập thiền? Vùi đầu vào mạng internet, hoặc gối đầu trên gối và có được một giấc ngủ ngon? Với chỉ một khoảnh khắc của sự chú ý sáng suốt, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống trong mỗi phút, mỗi giờ, và cuối cùng là toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Định hình lại ý thức của mình
Đôi khi chỉ cần sự định hình lại quan điểm, ý nghĩ của chúng ta một cách đơn giản là đã có thể làm thay đổi cuộc sống của ta. Tôi nhớ rõ rằng, khi tôi có ý thức và tập trung chuyển đổi công việc thật là chán phèo, dắt chó đi dạo hai lần một ngày, thành một khoảng thời gian đáng sống, và thế là nó đã trở thành khoảng thời gian tốt đẹp nhất trong ngày của tôi. Con chó Lili lông vàng, người bạn đồng hành trung thành của tôi đã giúp tôi định hình lại việc dắt chó đi bộ như là việc thiền hành. Tôi có thể chan hòa với thiên nhiên, hòa mình vào thế giới, chan hòa với những người hàng xóm của tôi, và với bản thân tôi, phát triển một thái độ bao dung hơn, và thậm chí là có được một bài tập thể dục nhẹ. Tất cả những thứ đó chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ trong ý thức và quan điểm của ta mà thôi. Tôi gọi điều này là “định hình lại ý thức”. Đấy là một việc làm khá dễ dàng, thoải mái và cực kỳ bổ ích.
Làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm
Học để biết sử dụng cái mà tôi gọi là “cái nêm của sự tỉnh giác”. Đưa sự tỉnh thức của ta vào giữa những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình - những kích thích bên ngoài - và sự phản ứng bên trong của ta. Nếu có ai đó làm cản trở bạn trong lúc đi đường, hãy dừng lại một cách có ý thức và để cho nó qua đi, đừng bám víu vào cơn thịnh nộ khi bạn lái xe và đừng để cho hành động của người khác đánh cắp thời gian của bạn. Đây là sự thực tập đơn giản về sự không chấp thủ - nó giống như việc quay trở về với hơi thở một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa trong thiền định - có thể rất là hữu ích, bởi vì nó giải thoát chúng ta khỏi sự tức giận, hối tiếc và cảm giác tội lỗi, và cuối cùng là giải phóng thời gian của chúng ta. Đấy chính là trọng tâm của điều mà tôi gọi là “làm chủ cơn giận một cách có chánh niệm”, và có thể được áp dụng để ứng xử với bất kỳ loại cảm xúc nào.
Tự hỏi: Liệu nó có xứng đáng để tôi dành thời gian không?
Đây là một câu hỏi đơn giản, nhưng tự hỏi như thế sẽ giúp ta chuyển đổi thời gian bị lãng phí thành thời gian được sử dụng một cách hữu ích. Tại sao chúng ta không tiết kiệm và đầu tư thời gian một cách cẩn thận như chúng ta đã làm đối với tiền bạc, vì thời gian có giá trị hơn và không thể thay thế được? Thay vì thế, chúng ta thường cho thời gian trôi qua. Chúng ta phí phạm, lãng phí và giết chết nó. Tất cả chúng ta đều làm tốt trong việc xem xét sự cân bằng giữa nhu cầu thực tế của mình và sự tham lam, niềm đam mê. Chúng ta có thường trả lời ‘vâng’ đối với những thứ mà chúng ta không muốn không? Thay vì nói ‘vâng’ với chính mình, chúng ta nói ‘không’ một cách khéo léo đối với những nhu cầu và những mong muốn vô lý.
Thời gian là thứ mà chúng ta tạo ra. Thời gian của ta là thuộc của riêng ta. Việc xem vô tuyến hay lướt net hàng giờ có thực sự làm cho ta hạnh phúc hơn hay tốt hơn không? Chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều thông tin, nhưng biết về thế giới và người khác chỉ là kiến ​​thức, biết về chính mình mới là trí tuệ. Hãy quán xét và tìm hiểu sâu hơn.
Dùng thời gian để tạo ra thời gian
Tôi nhận thấy rằng tôi có thể có tất cả thời gian trên thế giới nếu và khi tôi tập trung và chú ý đến những thứ quan trọng nhất và thực sự cần phải được thực hiện, và duy trì sự tỉnh thức cao độ trong quá trình thực hiện. Cho nên khi người ta hỏi tôi, tôi thường khuyên họ dùng thời gian để tạo ra thời gian cho bản thân họ và cho những giá trị chân chính và những thứ ưu tiên của họ. Sự chủ định là tất cả mọi thứ: chú tâm một cách có chủ ý. Nên biết rõ ta đang ở đâu và nơi ta không trú ở - ở quá khứ và tương lai. Thời gian là một đầy tớ tuyệt vời, nhưng lại là một vị chủ tồi tệ, bạn phải dùng thời gian để tạo ra thời gian, bằng cách chú tâm tạo ra không gian trong nhịp sống của mình. Hoặc là ngay bây giờ hay là không bao giờ, luôn như thế. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi? Tốt hơn chúng ta nên tỉnh thức đối với cuộc sống của mình, bằng cách tham gia một cách trọn vẹn vào những gì chúng ta đang làm ngay bây giờ, tỉnh giác đối với những lời nói, suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Sống một cách có chủ ý với sự tỉnh thức có thể là một điều khó khăn, nhưng lại là một sự khó khăn hữu ích. Quay trở về với lối sống chạy theo thói quen thì dễ dàng hơn nhiều. Thật là hữu ích nếu ta thực tập nhớ về sự ghi nhớ, nhớ lại những thứ ta đang làm trong khi ta đang thực sự tiến hành. Hãy dành ra một hơi thở để nghỉ ngơi nhằm làm tươi mới sự tỉnh thức đối với hiện tại, trở về với giây phút hiện tại và bắt đầu trở lại - tỉnh táo, sáng suốt, tập trung, bình tĩnh và tràn đầy sinh lực.
Sử dụng các phương pháp tỉnh thức với giây phút hiện tại đã giúp tôi tỉnh giác và tìm thấy chính mình trong lĩnh vực thiêng liêng trong chuẩn mực thời gian của Đức Phật, hiện tại thiêng liêng, và nhiều hơn nữa mỗi ngày. Chúng cũng có thể giúp ích cho bạn, ngay bây giờ. Ai có thể có đủ khả năng để chờ đợi?
Lama Surya Das - Minh Phú dịch
(Theo Huffington Post)
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 188, ra tháng 11-2011)

Đức Dalai Lama đến hoằng pháp và chia sẻ với người dân Nhật Bản

Đức Dalai Lama chia sẻ với các trẻ em Nhật Bản tại Ishinomaki
Vào ngày 29-10, Đức Dalai Lama bắt đầu chuyến viếng thăm và hoằng pháp tại Nhật Bản. Trong chuyến viếng thăm lần này của mình, Đức Dalai Lama đã có buổi hội đàm và chia sẻ những đau thương, mất mát với những người dân Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thiên tai gần đây, nhất là những nạn nhân của trận thiên tai kép - trận động đất, sóng thần vào ngày 11-3-2011. Trong lời phát biểu của mình trước quần chúng nhân dân Nhật Bản, Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đánh giá cao sự dũng cảm và tính kiên cường của chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong việc khắc phục những hậu quả do trận động đất, sóng thần kinh hoàng gây ra cho đất nước của họ. Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã kiên cường và hợp sức để tái thiết đất nước, để xây dựng lại quốc gia của họ, ngay cả từ đống tro tàn như họ đã làm sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Cũng trong lần viếng thăm này, khoảng 900 người tín đồ Phật tử Nhật Bản đã tham dự lễ quán đảnh và truyền trao năng lượng của Đức Bồ-tát Bạch Độ Mẫu do Đức Dalai Lama chủ trì, được tổ chức tại hội trường của trường Đại học Koyasan.
Đức Dalai Lama cũng đã thực hiện một chuyến hành hương ngắn đến ngôi chùa phụng thờ Đức Đại Nhật Như Lai trên núi Koya, thuộc vùng Koyasan. Ngôi chùa được kiến tạo giữa rừng cây hết sức kỳ vỹ. Vùng núi Koya là trung tâm của Chơn Ngôn tông, một trong những tông phái chính của Phật giáo Nhật Bản.
Đức Dalai Lama nhắc lại rằng, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo nên sự phát triển tâm linh, để tạo được nội lực bên trong mỗi cá nhân: "Không chỉ có tiền bạc và quyền lực, mà thái độ tự cho mình là trung tâm, và chỉ biết suy nghĩ về lợi ích của riêng mình cũng không có thể đem đến sự bình an và hạnh phúc lâu dài được. Tất cả các cuộc xung đột diễn ra là đều do thái độ tự cho mình là trung tâm của con người mà ra. Hạnh phúc và an vui lâu dài chỉ có thể được đạt được thông qua tình thương yêu và sự quan tâm đến niền an vui, hạnh phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama còn cho biết thêm rằng, các nhà khoa học đã có sự lưu tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu những cảm xúc trong việc tạo nên hạnh phúc và đau khổ cho con người. Ngài khẳng định: "Sự cố gắng để phát triển những tình cảm tích tực trong tâm của mình, chẳng hạn như lòng từ ái, tính kiên nhẫn, tình thương yêu và lòng tốt sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và tha nhân".
Trong quá trình truyền trao nguồn năng lượng khởi nguyên của Bồ-tát Bạch Độ Mẫu, Đức Dalai Lama bảo tín chúng quán tưởng là tâm trí của họ giống với tâm trí của Bồ-tát, và phát nguyện từ bỏ thái độ tự cho mình là trung tâm.
Trong buổi thảo luận tại Đại học Koyasan nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập trường, Đức Dalai Lama đã nói: "Với tư cách là một người bạn và một người đồng đạo, cùng tu học theo Đức Phật, tôi cảm thấy vinh dự khi được chia sẻ những tổn thương, mất mát mà quý vị đã chịu đựng do các thảm họa thiên nhiên gây ra trong thời gian gần đây”.  
Trả lời các câu hỏi về lý do tại sao người dân Nhật Bản lại bị thiên tai như thế, Đức Dalai Lama đề cập đến một số nguyên nhân như sự vận động liên tục của trái đất, sự nóng lên toàn cầu và những việc làm tiêu cực trong các kiếp trước. Đức Dalai Lama nhấn mạnh rằng, tăng cường tạo những công đức tập thể của cộng đồng có thể giúp ngăn chặn việc kết thành quả báo của những hành động tiêu cực trong quá khứ. Công đức tập thể có thể được tăng cường thông qua việc nâng cao những giá trị tích cực trong việc quan tâm đến sự an vui, hạnh phúc của người khác.
Ngài nói thêm: “Tuy nhiên, có một điều rất rõ rang là tất cả những đau khổ và xung đột trong thế giới này là do con người tạo ra. Vì vậy, giải pháp cho những vấn đề đó nằm ở nơi chúng ta”.
Đức Dalai Lama cũng đã trả lời câu hỏi làm sao để đạt được sự an bình và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Ngài nói: “Cần ý thức được rằng, sự thoải mái thông qua các cảm xúc của các giác quan và những thú vui vật chất chỉ là tạm bợ.  Sự an vui và hạnh phúc đích thực có thể đạt được thông qua việc sử dụng tích cực của chúng ta về trí thông minh của con người, và giá trị của tình yêu, lòng từ bi và sự quan tâm đến hạnh phúc an vui, hạnh phúc của người khác”.
Đức Dalai Lama đến thăm vùng bị động đất và sóng thần tàn phá tại Ishinomaki
Để làm sáng tỏ về vấn đề trí thông minh của con người, Ngài cho biết, con người sẽ có nhiều sức mạnh hơn trong việc sử dụng khả năng đặc biệt này, chính vì nó mà người ta có xu hướng nhắm đến những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, như là nghi ngờ và thất vọng. Ngược lại, nếu như sự thông minh của chúng ta được sử dụng cho sự an vui, hạnh phúc của người khác thì nó sẽ làm tăng cường sự tự tin của chúng ta để tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.
Ngài còn cho biết thêm rằng, kể từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay, sự quan tâm trong việc nghiên cứu về tâm thức đang ngày càng tăng lên. Đức Dalai Lama nói rằng, người nào có được tâm bình an thì người đó được lành mạnh ở mức độ cá nhân, gia đình, xã hội và toàn cầu. Trong những năm qua, Phật giáo đã được các nhà khoa học xem như là một hình thức khoa học, và Phật giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra trạng thái an bình cho tâm thức của con người.
Bằng tình thương yêu, sự quan tâm chân thành và sự thông thái của mình, qua buổi hội đàm, Đức Dalai Lama đã giúp cho người dân Nhật Bản giải tỏa được những uẩn khúc trong lòng, cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn.
Minh Nguyên (Theo The Tibet Post International)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 615, ra ngày 12/11/2011)

Gặp em tôi nhớ về tôi năm nào

Huynh đệ trong ngày giỗ tổ
Cuối tuần qua, trong chuyến đi cứu trợ lũ lụt cho đồng bào ở xã Tân Hộ Cơ, một xã thuộc vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, trên đường trở về, tôi cùng với đoàn ghé thăm chùa Tâm Thành, tỉnh Đồng Tháp. Chùa Tâm Thành là một ngôi chùa nghèo, trong trận lũ lụt vừa qua, chùa cũng đã bị thiệt hại khá nặng, bị tốc mấy mái tôn của nhà tăng và nhà khách. 
 
Tuy nhiên, điều để lại dấu ấn trong lòng tôi không phải là khung cảnh ngôi chùa, mà là hình ảnh mấy chú tiểu dễ thương ở trong chùa. Thấy đoàn chúng tôi vào thăm chùa, các em bước ra, kính cẩn chắp tay vái chào, miệng niệm danh hiệu Phật trông thật dễ thương làm sao! Sau khi chào đón khách, các em tự động đi lấy ly tách, pha nước mời khách. Nhìn điệu bộ dễ thương và những cử chỉ nhẹ nhàng, ngăn nắp của các em, bỗng hình bóng của tôi ngày xưa hiện về trong tâm trí. Tôi thấy trong các em có hình bóng của tôi. Phải rồi! Tôi ngày xưa cũng nhỏ nhắn, cũng có chỏm tóc xinh xắn trên đầu, cũng kính cẩn chắp tay chào mỗi khi khách đến thăm và cũng lon ton đi pha nước mời khách. Lúc đó đời sống sinh hoạt trong chùa của tôi khó khăn lắm, tuy là ở thành phố nhưng vì ở Huế rất nhiều chùa nên năm thì mười họa, khi gia đình Phật tử hữu sự họ mới đến chùa thăm hoặc là mời quý thầy đi tụng kinh, làm lễ. Còn nhỏ như những chú tiểu của chúng tôi thì chỉ có ở nhà giữ chùa, quét dọn, chứ không ai mời đi ăn kỵ, ăn giỗ gì cả, hihi. Sau khi quý thầy đi làm lễ cho gia đình họ xong, Phật tử đến chùa lễ tạ thì chỉ là nãi chuối, bó hoa, gia đình nào khá giả lắm thì cũng dường đôi ba trăm bạc, và số tiền đó thì dùng vào các sinh hoạt phí hằng ngày của chùa. Còn việc Phật tử đến thăm chùa mà cho các chú tiểu như tôi đôi bà đồng bạc để gọi là “Mua sách vở, bút mực” hay là “ăn quà, uống nước khi đi học - vì chúng tôi còn nhỏ tuổi mà” thì đấy là chuyện “Xưa thật là xưa!”. Do vậy, mọi chi phí cá nhân, tuy chỉ là những nhu cầu rất khiêm tốn, như là may áo quần mỗi khi áo quần đã bị cũ rách, mua dép mỗi khi dép đứt, mua kem bóp đánh răng, bột giặt đều phải xin tiền ba mẹ. Nhưng hầu hết các chú tiểu ở Huế như chúng tôi đều được sinh ra “trên cục đất cày”, đều xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo, cho nên ba mẹ cũng đâu có khá giả để chu cấp đầy đủ cho chúng tôi.
Giờ nhìn các em, tôi nhớ lại cuộc sống của mình ngày xưa, khiến trong lòng trào dâng niềm thương yêu vô hạn. Tôi biết các em đang chịu nhiều thiếu tôn, khổ cực, tôi biết các em thiếu tình thương, cũng như tôi ngày xưa vậy. Tôi bây giờ đã đủ lớn, đã có thể sống tự lập, không còn xin tiền ba mẹ nữa. Tuy không có gì đáng tự hào, nhưng ít ra thì tôi cũng có thể trang trãi những sinh hoạt phí bằng chính khả năng và sức lao động chân chính của mình, không còn làm phiền ba mẹ, không chiều lụy hay lệ thuộc vào ai, đấy là một điều hạnh phúc! Chính vì cảm thương các em, và cũng là cảm thương với chính tôi ngày xưa, nên tôi đã đến bên các em, hỏi thăm và động viên các em và không quên thể hiện tình thương ấy bằng một món quà nho nhỏ, xem như là món quà tình thần của tôi dành cho các em.
Cầu chúc các em luôn được bình an, gặp nhiều thuận duyện trong cuộc sống và có đủ nghị lực, đủ kiên định để vượt qua những chông gai, những chướng duyên trong cuộc sống tu hành của mình.
Thương các em nhiều!
Minh Nguyên

Học và thi Tam tạng, một truyền thống cao quý của Phật giáo Miến Điện

Chân dung Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa - Ảnh: Tuyết Sương
Nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc học hỏi, nghiên cứu và thực tập giáo lý của Đức Phật, và cũng là để gạn lọc, bảo tồn và truyền bá Phật giáo đến cộng đồng thế giới, cho nên ở Miến Điện, hàng năm chinh quyền kết hợp với Giáo hội Phật giáo để tổ thức các kỳ thi Phật pháp để cho chư Tăng cũng như Phật tử tham gia. Có những kỳ thi chỉ dành riêng cho tu sĩ, có những kỳ thi thì dành riêng cho cư sĩ và nữ tu, và có những kỳ thi thì tất cả mọi người đều có quyền tham gia. Trong đó, quan trọng nhất là kỳ thi Tam tạng Thánh điển. Đây là một kỳ thi có nội dung đồ sộ, chuyên sâu và khó khăn nhất. Cho nên những vị đạt kết quả cao trong kỳ thi này được cả nước vinh danh, được mọi người trọng vọng. Đặc biệt là được nhà nước, giáo hội phong tặng danh hiệu cao quý, đó là: Tipitakadhara (Bậc thông thuộc Tam tạng - dành cho người vượt qua được phần tụng đọc thuộc lòng), Tipitakadhara Tipitakakovida (Bậc thấu suốt Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả phần thi tụng đọc và phần thi viết), 3. Maha Tipitakakawida (Bậc đại nhân Bảo tồn Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả hai phần thi một cách mạch lạc), Dhammabhandāgārika (Bậc giữ gìn kho tàng Chánh pháp của Đức Phật). Cũng chính vì thi Tam tạng là một kỳ thi rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn như thế nên vào năm 1949, kỳ thi này được tổ chức riêng biệt.
Vị Tăng sĩ nào muốn tham dự kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư (Tipitakadhara Tipitakakovida Selection Examination) thì ít nhất là phải đậu trong kỳ thi Pathamagyi. Thật ra, kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện khác với các kỳ thi của những tôn giáo khác, bởi vì tại đấy các thí sinh phải tham gia kỳ thi kéo dài trong 33 ngày. Họ phải thi cả hai phần là thi tụng đọc thuộc lòng và thi viết theo quy định. Các thí sinh tham dự kỳ thi này phải tụng đọc Tam tạng Kinh điển bằng tiếng Pali (dày đến 8026 trang giấy, hơn 2.400.000 từ bằng tiếng Pali) và phải viết chính xác hơn 200 quyển kinh sách bằng tiếng Pali. Chỉ những vị nào vượt qua được phần thi tụng đọc và thi viết trong kỳ thi tuyển chọn Tam tạng pháp sư mới dược phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara Tipitakakovida” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng), còn những vị chỉ vượt qua được phần thi tụng đọc thì được tặng danh hiệu là “Tipitakadhara” (Bậc thông thuộc Tam tạng) mà thôi. Theo thống kê, từ năm 1949 đến 2004, trong vòng 56 năm, có hơn 10.000 Tăng sĩ tham dự kỳ thi Tam tạng Pháp sư, nhưng trong số đó chỉ có 11 vị vượt qua được cả kỳ thi đọc tụng và thi viết một cách rành mạch mà thôi. Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư đầu tiên được tổ chức tại Rangoen (nay là Yangon) vào năm 1948, tức là sau ngày Miến Điện giành lại độc lập từ ách thống trị của thực dân Anh. Trong kỳ thi đầu tiên ấy không có vị nào vượt qua được một trong hai phần thi nói trên cả.  
Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện là một kỳ thi dài nhất trên thế giới và toàn bộ một kỳ thi diễn ra trong vòng 5 năm: trong năm đầu và năm thứ hai, các thí sinh được kiểm tra về Luật tạng (gồm 2260 trang), kéo dài trong 20 ngày; trong năm thứ ba thì kiểm tra ba tập của Kinh tạng (gồm 779 trang); trong năm thứ tư va thứ năm thì kiểm tra 5 tập đầu (gồm 1390 trang) và hai tập cuối trong bảy tập của Luận tạng (gồm 3597 trang). Vị Tăng sĩ vượt qua được cả hai nội dung thi, và được phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara” đầu tiên của Miến Điện là ngài Vicittasarabhivamsa, vào năm 1953, lúc đó ngài được 42 tuổi.
Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư được tổ chức gần đây nhất là vào năm 2004. Trong kỳ thi này có tất cả là 184 vị Tăng sĩ đã tham gia, và chỉ có hai người vượt qua được cả phần thì tụng đọc thuộc lòng và thi viết các nội dung kiển điển theo quy định và có một người vượt qua được phần thi tụng đọc thuộc lòng.  
Ở Miến Điện có những trường Phật học chuyên giảng dạy và hướng dẫn cho học viên nội dung và phương pháp học Tam tạng Kinh điển để dự kỳ thi chuyển chọn Tam tạng Pháp sư. Các vị giảng viên tại các trường ấy đa phần là những vị đã từng tham dự các kỳ thi tuyển chọn Tam tạng và có kinh nghiệm học tập, am tường về Tam tạng Kinh điển.
Vừa qua, Phật giáo nước ta được vinh dự cung đón Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa, người đã đạt được danh hiệu Tipitakadhara vào năm 1998, và đạt được danh hiệu Tipitakadhara Tipitakakovida vào năm 2000, lúc ấy Ngài mới 36 tuổi. Năm 2005, chính phủ Miến Điện đã kính dâng Ngài danh hiệu cao quý “Tipitakadhara Tipitakakovida Dhammabhandāgārika” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng, Bậc giữ gìn kho tàng Pháp bảo của Đức Phật). Trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 10/10 - 22/10/2011 của mình, Ngài đã viếng thăm và hoằng pháp tại một số tỉnh thành trong nước, như là: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Huế, Quảng Ninh và Hà Nội. Chuyến viếng thăm và hoằng pháp của Ngài đã đem đến nhiều lợi lạc, Ngài để lại những lời giáo huấn vô cùng quý giá cho tín đồ Phật tử Việt Nam.
Minh Nguyên
(Có tham khảo tài liệu từ trang web Thisismyanmar.com)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ số 613, ra ngày 29/10/2011)

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!