Lược Sử Chùa Kim Tiên, Huế

Tổ đình Kim Tiên tọa lạc trên đỉnh đồi Bình An, thuộc phường Trường An, TP.Huế. Đây là một ngôi chùa cổ gắn liền với những sự tích huyền nhiệm. Tương truyền rằng, xưa kia chùa Kim Tiên chỉ là một thảo am nhỏ ẩn khuất trên đồi cây rậm rạp với nhiều loài thú dữ. Một buổi chiều nọ, trời bỗng trở nên mát mẻ, từng đợt gió mơn man thổi như có một điều gì khác lạ. Nơi khe suối phía cổng chùa, người ta nhìn thấy 3 thiếu nữ xinh đẹp với xiêm y lộng lẫy đang vui đùa trong dòng nước mát trong. Khi những người đi đường nhìn thấy và tiến lại gần, ba thiếu nữ nhẹ nhàng bay lên hư không và mất hút trong bầu trời xanh thẳm, chỉ để lại những hương thơm kỳ lạ thoảng bay trong gió. Từ đấy, câu chuyện 3 tiên nữ xuống tắm nơi dòng suối phía trước cổng chùa được lưu truyền trong dân gian. Và có lẽ đấy cũng là nhân duyên để sau này chùa mang tên là Chùa Kim Tiên.
Ngày nay dòng suối đó không còn nữa, nhưng người xưa đã tạo lập ở nơi đó một cái giếng sâu, nước rất trong và ngọt. Thơ ca vẫn lưu truyền rằng:
Kim Tiên giếng ngọc trong dòng nước
Bảo tháp chùa xưa thoảng khói trầm
Vườn tịnh gió chiều reo ngõ trúc
Gậy thiền thanh thản dạo đường trăng.
Chùa Kim Tiên xuất hiện trên đất Thuận Hoá từ năm nào không ai nhớ rõ. Nhưng theo một số nhà sử học có uy tín, chùa Kim Tiên tồn tại đến nay đã hơn 300 năm lịch sử, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Theo các long vị đang phụng thờ ở bàn thờ Tổ của chùa thì có một long vị đề: “Sắc tứ Từ Giác trùng kiến Kim Tiên Tự, Lâm Tế tam thập tứ thế hiệu Bích Phong Việt Lão Hoà Thượng giác linh”. Theo sử liệu đời thứ 34 của dòng thiền Lâm Tế thì Ngài này cùng một thời với ngài Minh Hoằng Tử Dung, vị tổ khai sơn chùa Từ Đàm, một trong những ngôi chùa xất hiện sớm nhất ở đất Thuận Hoá.
Chùa Kim Tiên được Hoà thượng Bích Phong trùng tu lần đầu tiên, đến đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát được trùng tu lại một lần nữa (1774). Đợt trùng tu này theo như sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “...Chúa đi tới, thấy nơi có di tích xưa: một ngôi chùa trên đồi cây rậm, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng. Thấy vậy, Chúa có ý muốn tu sửa lại; bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, sơn son thiếp vàng; phụng thờ các vị Phật và Bồ Tát để cầu phúc cho dân. Chỉ sau vài tháng chùa đã làm xong, quy mô rất tráng lệ...”
Vào thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, chùa đã bị chiếm dụng làm nơi ở cho Ngọc Hân Công Chúa và làm kho chứa vũ khí. Theo lệnh của Nguyễn Huệ lúc bấy giờ, các chùa làng đều bị triệt hạ và chỉ giữ lại những ngôi chùa lớn ở huyện. Cũng trong thời gian ấy, các tượng Phật bằng đồng, các loại chuông và pháp khí bằng đồng của chùa đều bị chiếm đoạt để đúc vũ khí phục vụ cho quân đội. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao với đầy lòng oán trách:
Vì ai nên nổi nước này
Chùa Tiên vắng vẻ điệu thầy xa nhau.
Dưới triều nhà Nguyễn, từ đời Vua Gia Long đến trước đời vua Tự Đức, chùa cũng đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo và đã được các vị Hoà thượng: Tế Quảng, Đại Quán, Đạo Thành, Tánh Thông, Hải Thuận, Hải Từ, Thanh Đức kế tục đảm nhiệm trụ trì. Bẵng đi một thời gian khá dài, chùa không có người xuất gia trụ giữ vì chiến tranh loạn lạc, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vào khoảng những thập niên 50 - 60 của thế kỷ XX, chùa được Hoà Thượng Hưng Mãn làm trụ trì. Năm 1964, sau khi Hoà Thượng Hưng Mãn viên tịch, sơn môn Tổ đình Báo Quốc quyết định cử Hoà thượng Hưng Dụng tiếp nối sư huynh (Hòa thượng Hưng Mãn) làm trụ trì Tổ đình Kim Tiên. Nhưng do Hòa thượng còn nặng gánh trách nhiệm đối với Phật giáo tỉnh Quảng Trị, nên Ngài tạm thời giao trách nhiệm trông coi chùa cho đệ tử lớn của mình là Hòa thượng Thích Chánh Trực, lúc bấy giờ giữ nhiệm vụ Đặc ủy Thanh niên của Ban đại diện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên.
Đến năm 1968, Hòa thượng Chánh Trực được bổ nhiệm giữ chức Chánh đại diện của Phật giáo tỉnh Quảng Trị thì Hòa thượng Hưng Dụng mới an tâm vào Huế trực tiếp đảm nhận công việc trú trì tổ đình Kim Tiên. Hoà Thượng đã có nhiều thay đổi lớn lao đối với diện mạo cũng như vị trí của chùa. Năm 1997, lúc này tuổi Ngài đã cao, nhưng với trách nhiệm và tâm huyết của đối với ngôi chùa cổ, người đã cùng môn đệ và các đệ tử xuất gia cũng như tại gia ra sức trùng tu lại ngôi chùa với một quy mô khá lớn, lần trùng tu này ngôi chánh điện được xây mới lại hoàn toàn với ba căn hai chái rất uy nghiêm và tráng lệ.
Năm Mậu Dần (1998), sau khi Hoà thượng Hưng Dụng viên tịch, Môn đồ pháp quyến đã giao trọng trách nặng nề này cho Thượng Toạ Thích Giác Đạo. Từ khi kế tục sự nghiệp của liệt vị Tổ Sư, nhờ hồng ân Tam bảo và nhờ sự gia hộ của giác linh nhị vị Hòa thượng, ngôi Tổ đình đã được lần lượt trùng tu, từ Hậu đường, điện Di Lặc, Hương Nghiêm đường cho đến phòng Tăng.
Ngày nay Kim Tiên là một ngôi cổ tự ở Huế được khá nhiều người biết đến. Có một bài thơ ca ngợi về chùa Kim Tiên được khắc ghi trên bia đá tại ngôi tháp cổ trong vườn chùa cũng khá nổi tiếng:
Đơn sơ thanh đạm có chi mô
Giếng cổ chùa Tiên cảnh nhiệm mầu
Bia sử chép ghi công giới hạnh
Tháp mồ thầm chứa đức dài lâu
Đỗ môn bích lý cây cành gãy
Đạo chủng thuyền lâm cội rễ sâu
Quả thấu nhơn tròn sen chín phẩm
Trăng vàng sáng tỏ giữa đêm thâu.
Không những thế, chùa Kim Tiên còn được biết đến như là một miền đất trại của GĐPT. Ký ức về những đợt trại huấn luyện thường gắn liền với những kỷ niệm đẹp tại ngôi chùa Kim Tiên được lưu giữ mãi trong tâm trí của thanh niên Phật tử. Có thể nói rằng, chùa Kim Tiên xứng đáng là một ngôi cổ tự, là chốn Già lam trang nghiêm, thanh tịnh, rất thuận tiện cho đời sống tu hành của Tăng chúng cũng như hàng Phật tử, và cũng là điểm đến cho những ai muốn viếng thăm chùa Huế.
----------------------------------------------------------------------
(Tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu)


Tình Ca Muôn Thuở

Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó,
rồi trăng sao
sẽ đưa lối em về;
Quê cũ - đường xưa
đôi hàng trúc biếc;
Vườn cà - ruộng lúa
mấy rặng tùng xanh.

Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó,
dáng mẹ gầy
vì mắt mẹ đăm chiêu;
vì mắt mẹ
là tình yêu muôn thuở,
là sông xanh
em tắm giữa trưa hè.

Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó;
vì quê mình
còn vọng tiếng chuông khuya;
Dân tộc - chùa thiêng
sương trăng kỳ diệu
Đạo vàng - đất thánh
thảo mộc đơm hoa.

Em hãy hát đi,
mùa xuân còn đó;
Vườn hoa nhưng nụ,
mây trắng chiều bay;
Trẻ mục đồng
tìm trâu theo dấu cũ,
lùa trâu về
thổi tiếng sáo vô thanh.

Em hãy hát đi,
đời không cô quạnh;
Gọi bình minh về
nắng ấm vườn hoa;
Đàn bướm nhỏ
hồn nhiên đôi cánh vỗ,
trong vườn thiền
còn mấy nụ hoa tươi.

Em hãy hát đi,
hát khi chiều xuống;
Gọi nhau về
với nguồn cội xa xưa!
Đừng đi nữa,
chim bay về tổ cũ,
vì muôn đời
nhật nguyệt mọc phương đông.

Em hãy hát đi,
lời ca thanh thản;
Giữa ngược xuôi,
giữa cay đắng phũ phàng;
Hãy an nhiên,
em hãy hát ca đi,
Sự sống - tình người
mùa xuân còn mãi...

- Tuệ Nguyên-
(Source: www.phatviet.com)

Sầu Vương Mớ Tóc

Mưa thu rả rích, trời thu ảm đạm một màu, thỉnh thoảng một trận gió ào ào lùa qua khóm lá. Con đường mòn dẫn đến đỉnh núi gập ghềnh, khúc khuỷu, nằm im lìm giữa những lùm cây rậm rạp. Một người lữ hành, đầu đội chiếc nón lá, đang lủi thủi bước những bước nặng nề đi lên. Bốn bề vắng lặng, những hạt mưa đập vào nón chàng, phát ra những tiếng lộp độp buồn tẻ.
Vóc người chàng cao và gầy, chiếc nón trùm lên đầu chàng và che luôn cả tuổi tác, nên người ta không nhận ra chàng là một ông già hay một người trẻ tuổi. Người ta chỉ biết chàng đang dầm mưa nhắm thẳng ngôi chùa trên đỉnh núi tiến lên. Ròng rã hai mươi năm qua, chàng đã đặt chân đến nhiều cảnh chùa, ai ngờ một người kép hát lại có thể là một tín đồ Phật giáo kiền thành, song vẫn chưa ai hiểu được nguyên nhân thầm kín khác.
Chàng bỏ chiếc nón xuống, để lộ ra một mái tóc ngắn, mượt và đã gần trở thành mầu hoa râm. Chàng kính cẩn đến quỳ trước Phật đài, chắp tay nhìn lên Đức Từ Tôn và đôi môi chàng khẽ rung rung.
Khoảng năm phút sau, chàng từ từ đứng dậy, đi đến chỗ để quyển sổ ghi công đức và nâng cây bút lên, chàng đề tên mình vào cuốn sổ. Buông cây bút xuống, chàng đưa mắt nhìn lơ đãng, cặp mắt sáng đẹp như có sức thu hút người ta, nhưng cũng chứa đựng một nỗi u buồn khó tả.
Rồi như không để ý đến mưa gió, chàng nhấc chiếc nón lên, nhưng bỗng mắt chàng dừng lại trên hình tượng Đức Phật một lần nữa. Chàng tiến đến Ngài, đăm đăm nhìn Ngài và đưa ngón tay dài nhỏ sờ vào bàn tay của Ngài. Một lát sau, chàng từ từ rút tay ra. Khi quay lại, chàng thấy một ni cô đang đứng sau chờ chàng lui ra để vào thắp hương. Chàng vừa đi được mấy bước thì bỗng nhiên như có sức gì lôi chàng ngoảnh lại : Hai cặp mắt nhìn nhau kinh ngạc, chiếc nón rơi khỏi tay chàng, chàng xăm xăm bước tới quỳ xuống bên chân ni cô :
- Lan Hương ! Lan Hương ! Đã hai mươi năm rồi, bây giờ anh mới tìm thấy em.
Ni cô lùi lại mấy bước, cau mặt nhíu mày và cố trấn tĩnh. Một hồi lâu, với giọng chìm và nặng, ni cô khẽ nói :
- Con người tất cả đều do duyên nghiệp định đoạt, chúng ta hãy vui vẻ nhận lấy. Anh … đi mau đi !
- Không ! Không ! Sao em tàn nhẫn thế ? Em có thể đuổi anh đi ? Anh tìm em đã hai mươi năm trời, thời gian hai mươi năm ngắn ngủi lắm sao ? Lan Hương, em còn nhớ rặng tre năm xưa không ? Em quên phiến đá ấy rồi à ? Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã ngồi và nô đùa trên phiến đá ấy. Và cũng bên cạnh phiến đá ấy, chúng ta đã nguyện ước trăm năm …
- Tôi đã hiến thân cho Phật pháp, đã hiểu rõ lý duyên sinh. Tôi đã phát nguyện noi theo tinh thần đại từ đại bi của Đức Phật, làm việc cứu độ mọi người, mở rộng lòng thương yêu tất cả … Hai mươi năm qua, tôi vẫn còn cất giữ một vật nhỏ, hôm nay có thể đưa cho anh mang về và coi như mối trần duyên của chúng ta đến đây là chấm dứt ! Nói xong, ni cô phủi áo và nhẹ nhàng lướt vào hậu cung. Chừng mười phút sau, ni cô trở ra, tay cầm một gói giấy, phía ngoài buộc bằng một sợi băng lụa màu lam. Ni cô trao cho chàng :
- Đây là vật ngày trước anh muốn và tôi cũng đã bằng lòng cho anh. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn giữ bên mình. Hôm nay, điều ước mong duy nhất của tôi đã đến, đó cũng là nhờ sức giúp đỡ của các vị bồ tát. Song tôi xin anh về đến chỗ trọ hãy mở ra xem. Anh có bằng lòng thế không ? Giọng ni cô bình tĩnh và nghiêm trang. Chàng gật đầu và run rẩy, lòng chàng se lại. Chàng đưa tay ra đỡ lấy gói giấy :
- Lan Hương, hãy về với anh ! Chúng ta không nên chối bỏ hạnh phúc để rước lấy khổ đau. Chúng ta còn có hy vọng, có tình yêu và tương lai của chúng ta còn dài. Em đừng vội chán nản cuộc đời.
- Tôi đã tin chư Phật và Bồ tát, tin luật nhân quả. Tôi sẽ vui lòng nhận tất cả những gì rủi ro và đau khổ. Trước kia, tôi cũng như anh, thường phán đoán một cách nông nổi và chủ quan. Tôi cũng đã cho rằng những người “ đem mình gởi chốn am mây ” là những người ru hồn trong cõi mộng, là những kẻ chán đời và trốn tránh thực tế. Nhưng nhờ sự học hỏi, tìm hiểu và sống theo giáo lý trong hai mươi năm qua, tôi thấy rằng đạo Phật không phải là đạo chán đời như người ta thường lầm tưởng, mà trái lại những người tu theo Phật giáo Đại Thừa là những người yêu đời vô cùng ! Nếu nói đạo Phật chán đời thì chưa đủ. Phải nói rằng đạo Phật chán cuộc đời nhơ nhớp xấu xa, cuộc đời ích kỷ đê hèn và tham lam ngu dại; song đối với cuộc đời trong sạch sáng suốt, cuộc đời vị tha cao cả thì đạo Phật rất thiết tha yêu mến. Thôi đến giờ rồi, xin phép anh tôi đi vào.
Dứt lời, ni cô chắp tay chào chàng, rồi cúi đầu đi vào phía sau Phật điện. Chàng bước theo :
- Đừng ! Lan Hương ! Anh van em, hãy về với anh !
- Tuấn Khanh ! Tôi đã nói duyên phận của chúng ta đã hết, tất cả đều qua rồi !
- Không thể qua được ! Em hãy nghe anh nói đây …
- Nói gì ? Thôi, sáng mai anh trở lại vậy, lúc đó hãy nói ! Giọng ni cô lạnh nhạt.
- Anh không thể đợi đến ngày mai, anh đã sống trong đau khổ và sầu muộn qua bao nhiêu cái ngày mai rồi ! Lan Hương ! Giọng chàng cảm động. Ròng rã hai mươi năm trời, có lúc nào em nghĩ đến cuộc sống của anh ra sao không ? Anh cũng chỉ tin tưởng ở Phật và Bồ tát, tin ở nghiệp duyên. Anh đã theo gánh hát đi khắp các thành thị. Anh chú ý đến từng người qua lại, song không có em, lúc đó em ở đâu ? Lan Hương, cuối cùng anh chỉ còn biết đến các chùa lễ bái, xin chư Phật và Bồ tát chứng giám tấm lòng thành khẩn của anh. Giờ đây, anh đã tìm được em, sao em nỡ hắt hủi anh như thế ?
Ni cô mím chặt đôi môi khô héo và đứng lặng người dưới bóng hình tượng Đức Phật.
- Lan Hương, hãy theo anh về, anh chỉ muốn lúc nào cũng được sống bên em, thế là đủ rồi ! Hiện giờ, không còn ai ngăn trở chúng ta nữa. Anh sẽ đưa em đi lễ Phật, đi du ngoạn các nơi. Chúng ta sẽ ngồi trên phiến đá nhẵn bóng ấy để nói chuyện và cười đùa như những năm xưa. Lan Hương, hãy nói đi, tại sao em cứ yên lặng ?
Đứng trước mặt người yêu đã xa cách hai mươi năm trường, tình cảm trong lòng chàng dào dạt như sóng biển.
Cõi lòng của ni cô như một quả núi, không một sức gì của người đời có thể làm rung động. Ni cô khẽ đáp :
- Độ mười giờ sáng mai, anh trở lên đây, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Giờ xin lỗi anh cho tôi đi vào.
Dứt lời, ni cô chuyển bước, lách mình qua cửa nách phía sau Phật điện để xuống nhà dưới. Chàng vội đi theo, nhưng vừa đến cửa thì một vị sư ni già bỗng xuất hiện.
- Đàng sau không tiện vào, xin ông dừng lại ! Giọng vị ni già nghiêm nghị và như ra lệnh.
- Tôi vào tìm Lan Hương. Lan Hương là em họ của tôi.
- Người tu hành có bổn phận riêng. Mời ông hãy ra ngồi phía ngoài uống nước.
Vị sư già gầy guộc đứng chắn ngang lối đi của chàng như một bức tường sắt. Chàng đành nén tình cảm xúc động và ôm niềm hy vọng chờ đến ngày mai. Chàng nắm chặt lấy gói giấy, lặng lẽ bước ra khỏi Phật điện và thất thểu đi xuống núi. Chàng quên cả chiếc nón, quên cả mưa dầm. Tâm hồn chàng lúc ấy đã hoàn toàn bị hình ảnh của người mặc chiếc áo mầu khói hương ngự trị, hình ảnh trang nghiêm và lãnh đạm làm sao !
Về đến nhà trọ, chàng vào thẳng phòng, đóng chặt cửa lại rồi hồi hộp cởi dải băng lụa buộc ngoài gói giấy. Chàng dần dần nhận ra đó là vật mà hai mươi năm về trước chàng đã tặng nàng nhân dịp sinh nhật mười tám tuổi. Tim chàng bắt đầu đập mạnh, bàn tay chàng run rẩy mở từng vòng băng lụa mầu lam cũ kỹ, những vòng lụa xổ ra đến đâu thì chàng có cảm tưởng như từng khúc ruột của chàng cũng đang đứt theo. Cuối cùng, gói giấy được mở tung ra, trong đó có một lọn tóc dài cuộn tròn kèm theo một hàng chữ nhỏ : “ Đây là mái tóc của em, nếu có ngày nào được giao đến tận tay anh thì coi đó là chút duyên phận cuối cùng của chúng ta ”. Chàng bùi ngùi đau đớn nhìn lọn tóc và hàng chữ. Những việc quá khứ lại lần lượt diễn ra trong ký ức của chàng.
Hồi ấy, chàng mới mười hai tuổi và vẫn còn học tiểu học. Một lần hết niên học, nhà trường tổ chức một buổi kịch nghệ. Lan Hương, bạn cùng lớp và cũng là em con cô con cậu của chàng, kéo chàng đi để cùng đóng vai tiên nữ với nàng, vì đến giờ trình diễn thì trong số nữ diễn viên thiếu một người bạn gái của nàng. Song một việc không ngờ đã xảy ra là chàng cải trang trông rất đẹp. Trên sân khấu, chàng nhảy múa mềm mại, uyển chuyển giống hệt như một cô con gái. Từ thầy giáo và phụ huynh cho đến các học sinh trong trường đều vỗ tay hoan hô khen ngợi chàng, chàng cảm thấy niềm sung sướng tràn ngập lòng. Từ đó, đối với những động tác và phục sức của phái đẹp, chàng càng ngày càng có hứng thú. Ai có ngờ đâu buổi biểu diễn tình cờ ấy đã quyết định lẽ sống và nghề nghiệp của đời chàng. Hai năm sau, cha mẹ chàng kế tiếp nhau qua đời. Một mình côi cút, không nơi nương tựa, chàng được đưa đến một đoàn hát lưu động để chính thức xin học nghề. Nhờ thông minh và có biệt tài, thêm vào đó là nhờ có cảm hứng và sức cố gắng nên chỉ trong vòng năm năm, chàng đã trở thành một nghệ sĩ rường cột của đoàn và đi trình diễn khắp nơi.
Song tính tình chàng trở nên trầm mặc. Mỗi khi tan buổi hát, chàng thường ngồi một mình suy nghĩ đăm chiêu như thả hồn vào cõi mộng. Trong những giờ phút ấy, cõi lòng chàng là một bãi sa mạc hoang vu trống lạnh. Người duy nhất có thể mang sinh thú đến cho chàng là Lan Hương. Nàng yêu chàng, hiểu chàng, an ủi chàng và sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành trên con đường đời của chàng sau này, nhưng liệu chàng có xứng đáng không ? Một anh kép hát có thể nào kết hôn với một nữ sinh trung học con nhà giàu có ? Tuy cha mẹ Lan Hương là cậu mợ của chàng, song từ khi chàng gia nhập đoàn hát để kiếm miếng ăn, họ đã khinh rẻ chàng, thậm chí còn tỏ ra không muốn cho chàng đi lại với Lan Hương, nhưng chàng và nàng không thể chịu đựng được ! Trái lại, nếu có cơ hội gặp gỡ, họ không bao giờ bỏ qua. Do đó, họ càng lén lút hẹn hò nhau. Nỗi khổ tâm của họ càng sâu xa thấm thía, càng đau khổ bao nhiêu thì tình cảm của họ càng trở nên chân thành bấy nhiêu ! Họ yêu đương trong một hoàn cảnh cực kỳ tàn ác.
Một buổi chiều mùa hạ, chàng vừa vượt qua hai trăm cây số từ một thành thị nọ trở về. Chàng không đi đâu, chỉ đến thẳng rặng tre xanh bên bờ sông, ngồi trên phiến đá để đợi chờ. Chàng không dám về nhà cậu mợ. “ Con gái tôi đâu có thể lấy một thằng kép hát ”, câu nói ấy đã như một mũi kim xuyên vào trái tim chàng từ lâu và hiện giờ vẫn còn đau nhói. Chàng ngồi trên phiến đá, hy vọng được gặp Lan Hương để trao tận tay nàng một vật mà chàng mang về tặng nàng nhân dịp sinh nhật, rồi lại lên đường trở về đoàn hát, trở về với ánh đèn mầu trên sân khấu. Chàng hồi hộp phóng tầm mắt nhìn đám nữ sinh đang từ xa tiến tới. Chàng thấy Lan Hương khoác tay bạn nàng, nói cười vui vẻ. Ánh chiều tà còn rớt lại rọi vào mặt nàng, làm cho cặp má tròn trĩnh của nàng ửng hồng như trái dâu mọng đỏ; mái tóc dài, óng mượt, đen huyền chảy xuống hai bờ vai; chiếc mũi cao, thẳng; đôi mắt trong sáng và thân hình uyển chuyển. Tất cả đã tạo nên cho nàng một vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ. Chàng nhìn Lan Hương chằm chặp, nhìn ý trung nhân của nàng; chàng có cảm tưởng như tình yêu và hạnh phúc đã tuột khỏi tay chàng, đã rời xa chàng và người nắm bắt được Lan Hương, hình ảnh của hạnh phúc, nhất định sẽ không phải là chàng. Chàng, một anh kép hát chỉ mơ ước viển vông mà thôi !
Tà áo thướt tha và cặp mắt đen láy đã hiện ra gần trước mặt chàng, lòng chàng rạo rực, không che dấu được niềm hân hoan vui sướng, chàng khẽ cất tiếng gọi một cách bẽn lẽn :
- Lan Hương !
- Ai gọi ? A , Tuấn Khanh ! Lan Hương buông tay bạn ra, rồi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng, chạy đến trước chàng : Sao anh lại về vào giờ này ? Sao không viết thơ cho em biết trước ?
- Anh không kịp viết thơ, nhưng thế này không thích hơn à ?
Chàng nhoẻn miệng cười, duyên dáng như một cô con gái. Song khi chàng vừa ngẩng đầu nhìn lên thì vẻ tươi vui trên khuôn mặt chàng vụt biến mất. Chàng thấy các bạn của Lan Hương đứng xa xa cười cợt và chế giễu. Chàng nghe thấy tiếng họ văng vằng :
- Anh kép hát, bạn trai thân nhất của con Lan Hương đó !
- Nghe đâu tụi nó có họ hàng với nhau mà! Từ nhỏ đến lớn, hai đứa vẫn sống chung với nhau thôi !
- Con Lan Hương thật vớ vẩn ! Sao lại đi làm bạn với một anh kép hát thế không biết, hay là mê anh ta rồi ?
- Anh sao vậy, Tuấn Khanh ?
Lan Hương thấy vẻ buồn hiện lên nét mặt chàng, nhưng khi nàng quay lại nhìn về phía các bạn, nàng mới hiểu rõ nguyên nhân, liền mỉm cười âu yếm :
- Đi, chúng ta đến ngồi trên phiến đá !
- Lan Hương, anh thấy khó chịu lắm ! Chàng có ý đi sau nàng mấy bước, chứ không dám đi song song với nàng.
- Sao mà khó chịu ? Chúng nó nói đùa cho vui đấy mà ! Em vẫn thường chẳng nói đùa với chúng nó là gì ?
- Anh phải về ngay tối nay.
Lan Hương trố mắt nhìn chàng :
- Chiều nay anh về gặp em với mục đích là báo cho em biết anh phải trở về ngay tối nay?
Chàng ấp úng đáp :
- Anh … anh … Lan Hương, em hiểu cho lòng anh là đủ rồi !
Nàng cười :
- Vậy anh không hiểu lòng em à ? Thôi đi! Đến ngồi trên phiến đá nói chuyện cho mát.
Nàng cầm lấy tay chàng kéo đi.
Chẳng ai biết là người nào đã đưa phiến đá ấy đặt bên rặng tre xanh, mà cũng không biết nó đã nằm đấy từ đời kiếp nào. Nó đã sáng bóng và nhẵn thín vì bao nhiêu người qua lại đều ngồi trên phiến đá ấy để nghỉ chân. Nhất là bọn trẻ con, lúc thì chúng ngồi, lúc chúng nằm, có lúc chúng lại lấy nó làm nơi ẩn nấp trong khi chơi trò “ ẩn bắt ”. Bọn trẻ ấy đều lớn khôn cả rồi, nhưng phiến đá thì vẫn thế, cứ nằm trơ trơ ở chỗ cũ, không hề xê dịch. Tuấn Khanh và Lan Hương cũng đã từng qua những ngày ấu thơ bên cạnh phiến đá ấy, họ ngồi trên phiến đá nô đùa vui vẻ; cũng có khi họ hờn dỗi, giận dữ; lại có lúc họ mơ màng tưởng tượng họ đang ngồi trên một con thuyền nhỏ, lặng lẽ theo dòng nước biếc đi đến một cõi thần tiên nào … Nhưng thời gian qua, họ đã lớn khôn, họ không còn mơ tưởng thế nữa mà mơ ước một cảnh giới yêu đương, trong đó họ sẽ hoạch định cuộc sống tương lai.
- Bây giờ em hỏi anh, anh có thể ở lại đây được mấy ngày ?
Lan Hương ngồi xuống phiến đá trước, đặt chiếc cặp sách một bên, đó là cử động quen thuộc của nàng đã bao năm qua.
Tuấn Khanh cũng ngồi theo nàng :
- Có thể ở lại ba ngày, nhưng …
Lan Hương sung sướng nắm lấy tay chàng:
- Thế thì được rồi, ngày mai là thứ bảy, chỉ học có nửa buổi; ngày kia là chủ nhật, thứ hai em xin nghỉ, thế là được chơi với anh ba hôm, có được không nào ?
- Anh rất tiếc vì hoàn cảnh mà phải bỏ học để đi làm cái nghề hát xướng này, không được mở mặt với đời !
- Cần gì phải mở mặt với đời ? Hãy mở mặt với chính mình đi, mở mặt với em mà không đủ à ? Nàng siết chặt tay chàng, tỏ dấu hiệu an ủi, khích lệ và cũng để bày tỏ lòng nàng.
- Còn cậu mợ …
Nói đến cậu mợ, chàng phát run.
- Cậu mợ cũng sẽ bằng lòng, vì người thương em lắm ! Chỉ cần …
Nàng nhìn chàng bằng cặp mắt tràn đầy tình cảm và bỏ lửng câu nói.
- Chỉ cần sao ? Em nói đi !
Tay chàng cũng nằm chặt trong tay nàng và chàng có cảm giác hồi hộp.
- Chỉ cần anh cố gắng hơn nữa trong nghề nghiệp, đừng tưởng thế đã là hoàn toàn rồi !
Chàng trút một hơi thở nhẹ nhõm :
- Chỉ cần có em, anh sẽ hết sức cố gắng là một ngôi sao chói rạng nhất trong đám tài tử. Hát xướng không phải là một nghề hèn hạ !
- Tối nay, anh về nhà em ngủ ?
- Không được ! Anh đã có chỗ ngủ. Ngày mai, anh sẽ đến chúc mừng em.
- Chúc mừng ? Lan Hương mở to cặp mắt, hỏi.
- Mai là sinh nhật của em, em quên à ?
- À, nàng cười, thế mà chẳng thấy má nhắc gì đến cả !
- Nhất định mợ đã sắp đặt rồi. Sinh nhật thứ mười tám của em mà mợ quên sao được ?
Vừa nói, chàng vừa móc trong túi ra một cái hộp nhỏ bằng nhung trông rất xinh xắn và trao cho nàng :
- Anh tặng em cái này !
- Ái chà ! Anh còn mang quà về cho em kia à ? Cái gì đây ? Nàng hớn hở đỡ lấy cái hộp.
- Em mở ra coi !
Nàng sung sướng mở chiếc hộp ra, thấy trong đựng một chiếc nhẫn và một dải băng lụa màu lam để buộc tóc.
- A, chiếc nhẫn đẹp quá ! Nàng thích thú ướm chiếc nhẫn vào ngón tay.
- Em hãy buộc thử dải băng xem nào !
- Được !
Rồi như một cô bé, nàng xỏa mái tóc xuống và cầm lấy dải băng.
- Thong thả. Chàng không thể tự nén được tình cảm, đưa tay vuốt mái tóc đen dài và mềm mại như nhung tơ của nàng. Để tóc dài xuống trông thướt tha và mơ mộng lắm !
- Anh thích để dài xuống ? Nàng ngả đầu vào chàng.
Chàng đưa tay véo yêu trên má nàng :
- Lan Hương, anh xin em đừng bao giờ uốn tóc cả.
Nàng cười :
- Không uốn để nó dài quét đất thì sao ?
- Quét đất trông càng đẹp. Em cứ để dài đi !
- Được rồi ! Nhưng giả sử có ngày em cắt đi thì sao ?
- Thì cất để dành cho anh.
- Thế hả ? Cho anh, song em nhất định cứ nuôi cho thật dài, dài đến chừng nào anh ghét thì thôi !
Nàng nũng nịu ngả đầu sát vào má chàng. Mùi thơm phưng phức từ mái tóc nàng toát ra, chàng thì thầm bên tai nàng :
- Với em, không bao giờ anh biết ghét là cái gì ! Anh chỉ tự ghét cái phận nghèo của anh.
- Anh biết em ghét ai nhất không ?
- Ghét anh ?
- Đúng rồi, em ghét anh lắm ! Ghét người hay có tính tự ti mặc cảm, không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt ai.
- Lan Hương ! Chàng cúi đầu.
Nàng quay đi và hạ giọng nói :
- Ghét anh, nhưng em vẫn cứ yêu anh.
Chàng ngẩng đầu lên và mắt rướm lệ :
- Em cứ yêu anh ?
Nàng gật đầu.
- Cậu mợ không cho thì sao ?
- Thì em đi !
- Đi theo anh ?
- Không ! Em muốn sống cuộc đời tự lập, làm bất cứ việc gì cũng được và sẽ không bao giờ trở về.
- Em nhẫn tâm bỏ cậu mợ ?
- Trừ khi nào ba má bằng lòng thì lúc đó em mới về.
- Em cũng không cho anh biết ?
- Không ! Em không muốn người ta cho là em đi theo trai. Em muốn anh không mang tiếng và em cũng không mang tiếng.
- Thế em sẽ không nghĩ gì đến anh ? Tay chàng lại siết chặt lấy tay nàng.
- Mà sao cứ nói những chuyện hão huyền vậy ? Em biết ba má thương em lắm mà !
Nàng nhoẻn miệng cười, rồi đưa tay lên tết nút băng lụa trên đầu thành hình con bướm. Dải băng mầu lam càng làm cho mái tóc mềm mại và óng ả của nàng thêm vẻ khả ái. Nàng hỏi :
- Thế nào ?
- Trông thật thướt tha và đẹp lắm ! Chàng ngây ngất nhìn nàng và suối tóc mơ mộng của nàng.
- Ai mượn anh khen ? Nàng nở một nụ cười quyến rũ.
- Lan Hương, thật em có định … ?
- Định gì ?
- Kết hôn với anh ?
- Trừ khi em đi tu thì thôi !
- Lan Hương, thật anh cảm động vô cùng!
Nàng rũ tóc một cái rồi cầm lấy cặp sách đứng dậy :
- Thôi, ta đi về đi !
Chàng cũng đứng dậy theo :
- Anh đưa em đến gốc cây kia.
- Thật anh không về nhà em à ?
Chàng đau khổ lắc đầu :
- Em vẫn chưa hiểu rõ hoàn cảnh ? Ngày mai, anh đến mừng em.
- Thôi được, mai em đợi anh, nhưng phải đến sớm kia đấy !
Lan Hương sửa lại mái tóc, vuốt lại tà áo, rồi xua tay cười :
- Vậy khỏi phải tiễn chân em nữa !
Chàng đứng nhìn theo cho đến khi hình ảnh lả lướt của nàng đã khuất sau lũy tre trong ngõ vắng ngập bóng hoàng hôn, lúc ấy chàng mới thơ thẩn ra về.
Thật ra, cha mẹ Lan Hương đã ngầm chuẩn bị bữa tiệc sinh nhật của nàng rất lớn. Tại sao lại làm lớn ? Chắc cũng có lý do gì trong đó ! Thôi thì mua thứ này, sắm thứ nọ và cho phép Lan
Hương được tự do mời các bạn bè đến dự tiệc.
Cặp mắt nàng sáng lên :
- Má cho phép con được tự do mời các bạn con, hả má ?
Mẹ nàng cười :
- Ai nói dối con ?
- Vậy con sẽ mời Phương Thảo và Tuyết Anh, có được không ạ ?
- Dĩ nhiên !
- Lại còn anh Phác và … và …
Nàng ngần ngừ một lát rồi nói :
- Và anh Tuấn Khanh
Đôi má của mẹ nàng xị xuống, song bà vẫn mỉm cười :
- Những người kép hát nay đây mai đó, biết đâu mà tìm mà bảo ?
Lan Hương dò xét :
- Nếu anh ấy về kịp ?
- Thì cũng được chớ sao ! Nhưng chắc nó không muốn đến đâu. Thôi, con vào mặc thử bộ đồ mới xem, má còn nhiều việc khác.
Mẹ nàng dắt nàng đến cửa phòng, bà nở một nụ cười bí ẩn :
- Lan Hương, hôm nay là ngày tốt lành của con, hãy vào trang điểm đi !
Lan Hương bắt đầu lục soát trong ký ức của nàng, nàng nhận thấy chưa có sinh nhật nào mẹ nàng đã nói với nàng câu ấy. Bởi thế, nàng ngạc nhiên hỏi :
- Năm nào cũng có sinh nhật, chứ có gì mà là ngày tốt lành ạ ?
- Lát nữa, tự nhiên con sẽ rõ !
Mẹ nàng nói xong, liền quay trở ra. Lan Hương vẫn cứ thắc mắc, song nàng cũng vào phòng mặc thử áo mới.
Đặc biệt năm nay khách đến dự lễ sinh nhật của nàng đông hơn mọi năm. Điều đó làm nàng cảm thấy thích thú và hãnh diện.
Nàng mặc bộ đồ mới, mầu hồng nhạt, rồi đeo chiếc nhẫn của Tuấn Khanh tặng và buộc dải lụa mầu lam trên đầu. Nàng cười tươi tắn, nhìn những quà tặng và đi cảm ơn từng người. Nhưng người khách mà nàng trông mong nhất vẫn chưa thấy đến, điều đó khiến nàng có cảm giác ray rứt. Chốc chốc nàng lại ngó ra ngoài cửa sổ để lắng nghe bước đi quen thuộc và tiếng gọi hiền dịu ấy. Song đến đúng giờ bữa tiệc được bắt đầu, nàng vẫn chưa thấy chàng tới. Nàng thấy nóng ruột, bồn chồn và hồi hộp; nhưng nàng cố che giấu để tiếp đãi bè bạn niềm nở.
Sau mấy tuần rượu, thực khách nói cười vui vẻ, cha nàng coi bộ cũng đã ngà ngà, ông ngỏ lời cảm tạ mọi người, rồi ông vui miệng tuyên bố luôn :
- Hôm nay cũng là ngày đại sự trăm năm của con cháu bé …
Đôi đũa rơi khỏi tay Lan Hương, nàng hoàn toàn kinh ngạc.
Ông thân nàng lại nói tiếp :
- Ba thay con chọn ngày hôm nay làm ngày vui mừng nhất trong đời con. Như thế, ba cũng được trọn bổn phận làm cha.
- Thưa ba, con còn ít tuổi, hơn nữa học hành còn dở dang. Việc đính hôn, xin ba hãy để một vài năm nữa cũng được !
Lan Hương rưng rưng ngấn lệ và dùng hết sức can đảm để khẩn cầu cha nàng.
Cha nàng mỉm cười :
- Ba nghĩ trước thế cho chu đáo thôi ! Còn việc cưới xin thì dĩ nhiên là phải đợi sau khi con học hết trung học.
Khách khứa đều hoan hô :
- Hai tin mừng đến một lúc ! Xin mời các ngài cạn ly.
Lan Hương đứng dậy giữa những tiếng hoan hô, nàng nghẹn ngào van xin cha nàng một lần nữa :
- Thưa ba, vậy xin ba để con học xong trung học, rồi đính hôn cũng chưa muộn.
Mặt cha nàng bỗng biến sắc :
- Con phải vâng lời cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu thì phải ngồi đấy, không được lôi thôi chi hết !
- Song đây là việc của con kia mà !
- Mầy dám bảo là việc của mầy hả ? Mỗi đốt xương, mỗi sợi tóc của mầy đều là của cha mẹ.
Mầy dám chống lời cha mẹ hả ?
Cha nàng bất chấp cả bạn bè thân hữu, ông hầm hầm nổi nóng :
- Tất cả các việc khác, con xin vâng theo lời ba má. Nhưng việc này …
- Việc này lại càng phải vâng lời ba má mới được. Con hãy xin lỗi ba con đi !
Mẹ nàng thấy tình hình bất ổn, liền vội dàn xếp. Bà không muốn chồng bà nóng giận trước mặt tân khách và cũng không muốn con gái bị mắng trước nhiều người.
Lan Hương đỏ mặt và tức khí bốc lên trong lòng nàng :
- Con không thể chịu được việc đó !
- Không chịu thì cút đi ! Đồ bất hiếu ! Cha nàng thét lên.
Thế là như một trận gió, Lan Hương lướt ra khỏi cửa và chạy mất hút.
Mẹ nàng kinh hãi, gọi giật lại :
- Lan Hương ! Lan Hương ! Con điên à ?
Lan Hương vừa mở cánh cổng thì thấy Tuấn Khanh đang đứng phía ngoài, chàng dang tay cản nàng lại.
- Anh …
Nàng chỉ thốt được có thế ! Hai người đều xúc động, không biết xử trí ra sao khi vận mệnh đã đến. Nhưng không còn thì giờ để nói gì hơn, nên nàng vùng vẫy đẩy chàng ra, rồi phóng đi như một mũi tên.
Không ai đuổi theo nàng, kể cả Tuấn Khanh.
***************************
Từ đấy, người ta không còn thấy hình bóng Lan Hương nữa. Trên phiến đá nhẵn bóng ấy, vẫn có trẻ con ngồi, nằm và nô đùa cười cợt.
Tuấn Khanh theo đoàn hát đi khắp đó đây. Hy vọng duy nhất của đời chàng là tìm nàng. Nhưng nàng ở đâu, biết tìm đâu ?
Thời gian lặng lẽ trôi qua, đã hai mươi năm trời xa vắng, không một tin tức gì về nàng! Hiện giờ, chàng chỉ còn biết nhờ vào sức ủng hộ của chư vị Bồ tát.
Tuấn Khanh, một chàng nghệ sĩ trẻ tuổi và đẹp trai, là thần tượng của khách mộ điệu và là túi tiền của đoàn hát; song riêng chàng vẫn mang nặng một tâm tư sầu muộn. Trên sân khấu, chàng đã làm cho bao nhiêu người sống những giờ phút say sưa, thích thú và vui tươi. Người ta không thể quên được giọng hát và điệu cười của chàng. Nhưng khi tan buổi hát, chàng lại vẫn ôm mối sầu hoài vạn cổ, cất bước ra đi và đặt chân đến khắp các cảnh chùa, nguyện cầu và khẩn đảo.
Song hai mươi năm qua, chàng vẫn sống trong trống lạnh và thương đau.
- Đây cũng thật là sự an bài của các vị Bồ tát ! Nhờ sức giúp đỡ của các ngài, cuối cùng mình đã … cuối cùng …
Tay Tuấn Khanh run run nâng niu lọn tóc dài mềm mại rồi khẽ đặt lên môi. Hai hàng lệ ứa ra và tràn xuống hai gò má xanh xao của chàng. Chàng cố nén tình cảm xúc động, chờ đợi đến ngày mai. Ngày mai, chàng sẽ ai cầu ni cô đi với chàng đến một nơi thâm sơn cùng cốc nào để sống cho qua những ngày còn lại.
Chàng cứ nắm chặt lấy lọn tóc trong suốt đêm. Đợi khi trời vừa hừng hừng sáng, chàng đã vội lên đường. Chàng không thể giữ đúng lời ni cô hẹn là mười giờ sáng. Chàng phải đi sớm, gặp ni cô sớm và đưa ni cô đi ngay.
Chàng theo con đường mòn lên núi hãy còn ngập trong sương đêm. Chàng thấy tim đập nhanh hơn, xúc động, phấn khởi, sung sướng, hồi hộp và bao nhiêu tình cảm lẫn lộn. Bất giác, chàng lại thấy mấy giọt lệ lăn theo sống mũi. Hoài vọng hai mươi năm qua chắc chắn sẽ được thỏa mãn trong buổi sớm mờ sương này. Khi chàng lên tới đỉnh núi, tính ra còn sớm hơn giờ đã định ba tiếng đồng hồ.
Người ra tiếp chàng vẫn lại là vị sư ni già gầy guộc và nghiêm khắc đã chặn ngang đường tiến của chàng hôm qua. Vị sư già lạnh lùng nói với chàng :
- Tối hôm qua, ni cô đã rời khỏi nơi này.
- Đi đâu ? Lan Hương đi đâu ? Chàng quỳ phục xuống bên chân vị sư ni già.
- Ni cô đi vân du.
- Vân du ! Vân du ! Lan Hương đi vân du rồi !
Chàng ngửa mặt lên trời, nước mắt lại trào ra ràn rụa. Từng trận gió thu đưa những áng mây mù buổi sáng đang vèo vèo lướt qua. Giọng chàng yếu ớt :
Vân du … Vân du … Lan Hương ! Lan Hương đi vân du …
( trích tác phẩm Dưới Mái Chùa Hoang – của HT. T. Quảng Độ dịch )

Ngôi Chùa Trong Tâm Tưởng

NGÔI CHÙA TRONG TÂM TƯỞNG
hay MỘT THOÁNG CỦA MÙA XUÂN VĨNH CỬU
THÍCH PHƯỚC AN
- I -

Dạo đó là vào những năm 1956 hay 1957 gì đó, nghĩa là sau khi đất nước bị chia cắt khoảng hai hoặc ba năm. Làng quê tôi và có lẽ nhiều làng quê khác cũng vậy. Sau gần hơn nửa thế kỷ sống trong chiến tranh và ly loạn, nên mặc dù còn nghèo khổ mà chừng như người dân ai cũng tha thiết với cuộc sống họ vừa tìm lại được.

Chúc Mừng Năm Mới


Chúc Bạn Ngày Xuân
***
Muôn hoa khoe sắc đón chào
Đây lời chúc bạn gởi vào giấy hoa
Chúc sao gian khổ vượt qua
Chúc sao sóng gió vẫn là vững tâm
Sớm hôm vun tưới xuân mần
Non mòn biển cạn vẫn tầm chơn hương
Dắt nhau thoát bước đoạn trường
Cùng nhau sống giữa tình thương chan hòa.

Và đây là một món quà ngộ nghĩnh mến gởi đến mọi người nhân dịp đầu năm.



Nếu muốn download mà không tải trực tiếp được ở đây thì bạn có thể Click Here để tải file gốc của nó nè.
Enjoy your time !!!

- Minh Nguyên -

Cây Nêu Ngày Tết


Trước đây, cứ mỗi độ xuân về, cùng với việc chuẩn bị cổ bàn, làm bánh chưng, bánh tét, quét dọn nhà cửa và bàn thờ gia tiên, đưa ông táo về trời,... ông bà chúng ta còn trồng cây nêu trước cổng nhà. Sự kiện này đã để lại dấu ấn trong kho tàng ca dao Việt Nam:
“Thịt mở, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Bát Nước Nhiệm Mầu




Thuở xưa, có một vị quốc vương rất mực hiếu thuận, mọi người trong hoàng gia đều rất thuần tín đối với đạo Phật. Vua thường thỉnh các vị Sa môn vào cung thuyết pháp cho Hoàng thái hậu và cả hoàng tộc nghe.
Vị Sa môn được chúng tăng cử vào cung thuyết pháp là một vị tu hành thanh tịnh, uy đức trang nghiêm, là một vị Tỷ kheo xuất chúng. Hoàng thái hậu cũng như tất cả mọi người trong hoàng tộc đều cung kính vị Sa môn ấy như Phật. Ngọc Phát công chúa đang tuổi còn thơ cũng được mẫu hậu dẫn theo mỗi khi đến nghe pháp, nàng cung kính vị Sa môn như Phật vậy.
Khi công chúa đến tuổi trăng tròn, mẫu hậu không dẫn theo khi đi nghe pháp nữa. Nàng ở riêng trong cung cấm, nhưng phòng nàng cách nơi giảng đạo không xa, nên dù không đến nơi giảng đạo, nàng vẫn nghe được những lời Phật dạy vọng vào qua âm thanh của vị Sa môn ấy.
Lòng kính mến chơn thành và thanh khiết của công chúa đối với vị Sa môn cứ lớn dần theo thời gian cho đến khi công chúa tròn mười tám tuổi. Vì công chúa đã trưởng thành nên vua cha đã tạo dựng cho công chúa một cung son giữa vườn ngự uyển. Thế là nàng không còn ở trong cung, gần nơi thuyết pháp của vị Sa môn, để ngày ngày được nghe những lời dạy vàng ngọc của đức Phật vang lên từ giọng nói trầm hùng và ấm áp của vị Sa môn nữa.
Cung son của công chúa hướng ra vườn thượng uyển, gần với lối đi mà hàng ngày vị Sa môn thường đi ngang qua mỗi khi vào cung thuyết pháp. Ngày ngày, cứ đến giờ công chúa ngồi trước gương để trang điểm thì hình bóng vị Sa môn lại phản chiếu vào trong gương ấy.
Đi trước là một vị Sa môn tay ôm bình bát, với dáng vẻ uy nghi, chân bước nhẹ nhàng và nét mặt bình thản. Theo sau là một đạo đồng có hai trái đào thay mái tóc tơ, vai mang tay nãi. Cái hình ảnh khả kính, quen thuộc, vô tư ấy cứ hiện vào tấm gương của công chúa mỗi ngày. Cho đến một hôm hình bóng vị Sa môn không còn hiện ra trong gương khi công chúa ngồi trang điểm nữa…, Cùng lúc ấy, công chúa biết được một cái tin vô cùng hệ trọng đối với cuộc đời mình: Công chúa sắp được vua cha gã cho một hoàng tử con vua nước bạn. Công chúa đã khóc, nàng khóc rất nhiều… khi nghe cái tin ấy. Nàng cảm thấy trống vắng, hẫng hụt vì không còn thấy hình bóng của vị Sa môn đáng kính. Lòng tự hỏi lòng, phải chăng từ lòng kính trọng thuần khiết đối với vị Sa môn ấy, mình đã bước sang địa hạt của tình yêu, phải chăng mình đã đem lòng yêu thương vị Sa môn ? Mà yêu một vị Sa môn thì thật là ngớ ngẫn! Ai lại đem ái tình buộc cho người ly dục bao giờ? Công chúa biết và hiểu tất cả. Nhưng mà lòng nàng vẫn cứ khổ đau khi nghĩ đến việc phải lập gia đình với vị hoàng tử kia.
Lòng tương tư và sự khổ đau đã khiến cho công chúa bị lâm bệnh nặng. Thấy con gái phát bệnh thình lình, hoàng hậu rất lo ngại. Bà ngồi bên con và ân cần hỏi han, thủ thỉ với con để tìm nguyên do của căn bệnh. Lúc đầu công chúa không dám nói ra sự thật. Nhưng bằng tấm lòng ân cần tha thiết của một người mẫu hậu và bằng nghệ thuật của một người phụ nữ, cuối cùng thì hoàng hậu cũng khiến cho công chúa phải nói lên sự thật. Công chúa không còn biết làm gì khác hơn là cầu cứu sự giúp đỡ của mẫu hậu.
Hoàng hậu đã sững sốt trước sự thật trớ trêu, trước một mối tình éo le của con gái. Song, nếu không tìm cách giải cứu kịp thời thì e là con bà phải ôm mối tình si xuống tận dưới cửu tuyền. Thật là nan giải!…
Hoàng hậu chưa dám nói sự tình ấy cho đức vua nghe, vì bà đang tìm cách giải quyết. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, Hoàng hậu thấy chỉ còn một cách khả dĩ yên ổn là mời vị Sa môn ấy đến thọ trai một bữa ở hoàng cung, rồi bà đem hết nỗi niềm của công chúa bộc bạch cùng với Thầy, hy vọng với đạo hạnh cao thâm, giới đức thanh tịnh, lòng từ bi bao la của Thầy, Thầy sẽ tìm được phương thuốc giải cứu cho công chúa thoát khỏi cái chết uất hận, đau thương.
Buổi ngọ trai được sắp đặt trọng thể trong một cung điện riêng. Công chúa nhờ "thần dược" của mẫu hậu, nàng đã ngồi dậy được và ẩn mình sau bức rèm thưa.
Vị Sa môn đến thọ trai, Thầy như pháp chú nguyện cho thí chủ rồi thọ trai. Công chúa ngồi sau bức rèm nhìn sững, nàng đã không hề bỏ sót một cử chỉ nhỏ nhặt nào của vị Sa môn. Vị Sa môn không hề hay biết gì về việc nhìn lén của công chúa. Từng cử chỉ uy nghi của Thầy đã làm cho Ngọc Phát công chúa cảm mễn đến ngây ngất. Công chúa nhìn say sưa cho đến khi vị Sa môn thọ trai xong, đổ nước vào bình bát để tráng bát. Thầy tráng rất kỹ nên chất nước trong lúc đầu đã trở thành một màu đục ngầu, thầy nhẹ nhang rót nước ấy vào trong ly pha lê, chất pha lê trong suốt càng làm rõ sắc nước đục ngầu ngầu, Thầy từ từ bưng lên chú nguyện rồi uống một cách bình thản trong chánh niệm.
Trước hành động ấy, công chúa vô cùng cảm động, nàng đã khẽ thốt lên rằng: Trời ơi! Một bữa ăn, cái gì cũng cầu cho chúng sanh, nguyện cho chúng sanh, cả một chút dư vị ở trong bát cũng không quên ơn chúng sanh, không bỏ phí, ta làm sao nỡ cướp mất đi của chúng sanh một vị Sa môn đức hạnh vẹn toàn, một vị Phật tương lai!
Giấc mơ trần tỉnh hẳn, công chúa đã thoát ra khỏi mối tình si. Mặc dù vị Sa môn không nói với công chúa một lời nào, nhưng bằng uy đức và từ tâm của mình, đỉnh điểm là qua một ly nước rửa bát, Thầy đã chuyển hoá được công chúa, thầy đã dắt công chúa ra khỏi một mối tình éo le. Công chúa đã bình phục trở lại và đang chuẩn bị cho ngày hạ giá (đi lấy chồng).
Nhưng từ đây, vào mỗi tối, công chúa thường quỳ thật lâu trước bàn thờ của đức Từ Phụ, nàng chí thành thầm bạch với đức Như Lai rằng:
Lành thay đức Thế tôn! Chỉ một ly nước rửa bát của Thế tôn cũng đủ rửa sạch lòng cấu nhiễm của con, một chút nước rữa bát của Từ Phụ đã rữa sạch trọng tôi A tỳ địa ngục cho con. Một tý nữa thôi là con đã làm hại một vị Phật tương lai, một tý nữa thôi là con đã cướp đi của chúng sanh một vị Sa môn thanh tịnh.
Nhiệm mầu thay đức Thế Tôn! Chút nước rửa bát của Ngài đã giải thoát cho con một mối tình ích kỷ, tội lỗi. Vì nếu con lấy được chàng thì chắc con không để cho chàng được tự do trên con đường phụng sự chúng sanh như khi chàng còn là một vị Sa môn vô nhiễm, thoát tục.
Kính lạy đức Thế Tôn, vì con là một chúng sanh còn ngu muội và hẹp hòi. Yêu chàng, con cứ sợ mất chàng. Từ nay con sẽ không như thế nữa, sẽ con không làm chuyện của một người dại dột nữa.
Mong Ngài tha thứ cho lỗi lầm của con!!!
- Minh Nguyên phỏng thuật -
Xin gởi đến những người hữu duyên!

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!