Trung tâm Dhammakaya, nơi vun đắp nền hòa bình thế giới

Ngôi điện Phật xinh xắn ở DMC
Trung tâm Dhammakaya, gọi đầy đủ là Dhammakaya Meditation Center (DMC), vốn là một ngôi chùa nhỏ do Ni sư Khun Yay thành lập vào năm 1970, tại Klong Song, huyện Khlong Luang, tỉnh Patumthani. Ni sư Khun Yay là vị đệ tử xuất sắc của ngài Phra Monkolthepmuni - một bậc chân sư đã làm sống lại pháp môn Dhammakaya (Pháp thân).
Dưới sự dẫn dắt của Ni sư Khun Yay, pháp môn Dhammakaya ngày càng phát triển mạnh, số lượng hành giả tu tập ngày càng đông, ngôi chùa Phra Dhammakaya nhỏ bé do Ni sư thành lập lúc ban đầu không còn đủ không gian để cho nhiều người đến tu học. Trước tình hình đó, nữ Phật tử Prayat Phaetayapongsa đã hiến cúng 32 hecta (80 mẫu Anh) đất nằm gần với chùa Phra Dhammakaya lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà chùa Phra Dhammakaya đã mở rộng và phát triển dần, trở thành một trung tâm thiền học quốc tế. 
Tôn tượng Ni sư Khun Yay
Trong số những đệ tử của Ni sư Khun Yay có hai người xuất chúng, đó là Tỳ kheo Dhammajayo và Tỳ kheo Dattajivo. Hai vị này đã hỗ trợ đắc lực cho Ni sư trong việc giảng dạy và điều hành hoạt động của trung tâm. Trung tâm càng mở rộng thì chư Tăng Ni và Phật tử về tu tập ngày càng đông, có lúc lên đến vài ngàn người thường trú để tu học. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của pháp môn Dhammakaya, vào năm 1985, diện tích của trung tâm được mở rộng lên đến 400 hecta (1.000 mẫu Anh).
Dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ni sư Khun Yay và sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của sư Dhammajayo, các công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ lần lượt được xây dựng. Phải kể đến đầu tiên đó là ngôi đại tháp Dhammakaya, biểu tượng của nền hòa bình thế giới được thiết lập thông qua sự an bình của nội tâm. Ngôi đại tháp được xây dựng theo hình mái vòm. Vòm tròn trên đỉnh tháp được gắn 300.000 tượng Phật, và mái vòm vòng quanh tháp được gắn 700.000 tượng Phật, tổng cộng là 1.000.000 (một triệu) tượng Phật được gắn xung quanh ngôi tháp. Các tượng Phật ấy được làm bằng hợp chất đồng - silicon đặc biệt nhằm tăng độ bền và sức chịu đựng. Mỗi pho tượng Phật có kích thước cao 15cm, rộng 15cm, riêng cái bệ có bán kính là 18cm, thuần một màu vàng óng ánh. Theo tính toán của các kiến trúc sư, cấu trúc của ngôi đại tháp có tuổi thọ khoảng 1.000 năm, riêng các pho tượng Phật thì có tuổi thọ lên đến 5.000 năm. Tổng thể cấu trúc của ngôi đại tháp gồm có 4 phần: phần thứ 1 là vòm tròn trên đỉnh tháp với 300.000 tượng Phật được gắn xung quanh, tượng trưng cho Phật bảo; phần thứ 2 là mái vòm xung quanh, có gắn 700.000 tượng Phật, tượng trưng cho Pháp bảo; phần thứ 3 là khu vực khoảng trống bao quanh ngôi tháp, dành cho chư Tăng ngồi khi dự lễ, tượng trưng cho Tăng bảo; và phần thứ 4 là khu vực dành cho cư sĩ ngồi dự lễ, bao quanh phía ngoài khu Tăng bảo. Khu vực thứ tư này có không gian rất rộng lớn, đủ chỗ cho hơn 1.000.000 (một triệu) người ngồi dự lễ trong cùng một lúc. Ngôi đại tháp được hoàn thành vào cuối năm 1999.
Tượng Phật được gắn xung quanh mái vòn của đại tháp
Ngôi đại tháp Dhammakaya
 Công trình tiếp theo là Hội trường Dhammakaya, nằm đối diện với ngôi đại tháp. Hội trường được thiết kế theo kiểu đa năng. Đấy là một tòa nhà 2 tầng, phù hợp cho việc tọa thiền, giảng pháp hoặc các hoạt động tôn giáo, các hội nghị, các chương trình tu học,... Hội trường này có sức chức hơn 150.000 người. Công trình này được hoàn tất vào năm 1997.  
Trai đường Khun Yay cũng là một công trình kiến trúc vĩ đại, được xây dựng theo lối kiến trúc mái vòm tròn theo kiểu của ngôi đại tháp Dhammakaya. Trai đường này đủ chỗ cho khoảng 6.000 vị tu sĩ ngồi thọ trai. Hiện tại thì mỗi ngày, tín đồ Phật tử đến trung tâm để cúng dường thực phẩm bữa điểm tâm và ngọ trai cho hơn 1.200 vị tăng sĩ đang tu học và hoằng pháp tại trung tâm. 
Đại sảnh của trai đường ở DMC
Khung cảnh giờ thọ trai
Bên cạnh đó, trong quần thể của Trung tâm Dhammakaya còn có các công trình quan trọng khác, đó là: điện Phật, tháp tưởng niệm Đại sư Phra Monkolthepmuni, và khu vực văn phòng, thiền phòng, tăng xá. Không vĩ đại như các công trình khác, ngôi chánh điện Dhammakaya được xây dựng theo cấu trúc hình cánh buồm, xinh xắn nằm giữa khoảng đất rộng, xung quanh là rừng cây xanh bao bọc. Ngôi điện Phật này dùng để cho chư tăng ni và tín đồ Phật tử vào lễ Phật, tọa thiền và cầu nguyện hằng ngày. Công trình này hoàn thành vào năm 1981.
Trong khi Trung tâm Dhammakaya ngày một phát triển lớn mạnh, trở thành một trung tâm tu học mang tầm quốc tế, thì vào ngày 10/9/2000, Ni sư Khun Yay đã an nhiên thị tịch. Chư tăng và tín chúng đã tổ chức tang lễ của Ni sư vô cùng trọng thể và đã dựng nhà tưởng niệm Ni sư ngay trong khuôn viên của trung tâm, hoàn thành vào năm 2003.
Sau khi Ni sư Khun Ray qua đời, Sư Dhammajayo trở thành người lãnh đạo chủ chốt của trung tâm. Để đẩy mạnh việc truyền bá pháp môn Dhammakaya và phát triển các hoạt động giáo dục, các chương trình phúc lợi xã hội. Sư Dhammajayo đã chính thức thành lập Hiệp hội Dhammakaya. Trụ sở chính của hiệp hội đặt tại Trung tâm Dhammakaya, và có nhiều văn phóng đại diện tại 28 quốc gia trên thế giới, như là: Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thụy Sỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore,...
Quan điểm chính của hiệp hội là thiết lập nền hòa bình trên thế giới thông qua sự an bình của nội tâm mỗi người. Chính vì vậy, hội chú trọng vào việc tổ chức giảng dạy và thực tập thiền cho mọi người. Để thực hiện chương trình này, Hiệp hội Dhammakaya đã thành lập các trung tâm thiền tập tại nhưng nơi khác nhau ở Thái Lan. Gần Trung tâm Dhammakaya cũng có một khu vực dành riêng cho việc tổ chức các khóa tu thiền cho hành giả trong nước cũng như quốc tế tham gia, gồm có các khóa thiền cơ bản và nâng cao theo những khoảng thời gian nhất định. Khu vực dành cho việc tổ chức các khóa tu thiền được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, yên tĩnh, hài hòa với thiên nhiên. Khu vực này được gọi là POP House (Power Of Peace House - Căn nhà Sức mạnh của sự bình an). Ở các trung tâm thiền tập ấy, mỗi tháng đều tổ chức ít nhất là một khóa tu 7 ngày, bên cạnh đó còn có các khóa tu 3 ngày hoặc 1 ngày. Thỉnh thoảng có những khóa tu thiền kéo dài 1 tháng. Thiền sinh đến tham dự các khóa tu có cả người Thái lẫn người ngoại quốc. Riêng trong khuôn viên của Trung tâm Dhammakaya cũng có nhiều gian phòng, nhiều khu vực dành cho việc thực tập thiền. Tất cả các trung tâm tu thiền và các thiền phòng đều được thiết kế và xây dựng rất đặc biệt, phù hợp và trợ duyên rất nhiều cho nếp sống tâm linh. Nhờ vậy mà khi bước vào thiền phòng, hoặc là đi vào các trung tâm thiền, bạn sẽ có được cảm giác của sự bình an, thanh thản, cảm thấy như đã rủ bỏ được những phiền muộn, những lo âu của cuộc sống đời thường. 
Chụp hình lưu niệm trong điện Phật ở DMC
Hội trường ở DMC
Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy giáo lý và hướng dẫn tu tập cho tín đồ, hành giả ở trong nước cũng như quốc tế, để tổ chức các hoạt động, các khóa tu mang tính quốc tế, tất cả các vị tu sĩ đang tu học và hành đạo tại Trung tâm Dhammakaya đều được đào tạo, huấn luyện rất kỹ lưỡng, chuyên sâu về Phật học, về các pháp tu và cả về Anh ngữ.
Bên cạnh việc chú trọng vào chương trình giảng dạy và tổ chức các khóa tu thiền, Hiệp hội Dhammakaya còn tổ chức hoạt động nghiên cứu kinh điển, đào tạo nhân tài cho Phật giáo, giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức các hoạt động phúc lợi xã hội, như cứu trợ người dân bị thiên tai, cứu trợ người nghèo, người bệnh, vận động người dân không hút thuốc lá, bỏ rượu bia, dẹp bỏ các tụ điểm liên quan đến tứ đổ tường, vận động bảo vệ môi trường,...
Vào năm 2002, Hiệp hội Dhammakaya đã xây dựng kênh truyền hình DMC (Dhammakaya Meditation Center). Đây là một kênh truyền hình quốc tế của Hiệp hội Dhammakaya, phát 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, được phiên dịch qua tám thứ tiếng. Thông qua vệ tinh nhân tạo và mạng lưới internet, chương trình truyền hình trên kênh DMC được truyền đến các chi nhánh và các trung tâm của hiệp hội trên toàn cầu. Nội dung của kênh DMC rất phong phú, từ các chương trình giảng dạy giáo lý, hướng dẫn thiền tập, cho đến các phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình Phật giáo, tin tức, thời sự Phật giáo của hiệp hội, của Phật giáo Thái Lan và Phật giáo quốc tế, các chương trình phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh môi trường,... Mỗi ngày, hàng triệu người trên thế giới được nghe pháp, được hành thiền dưới sự hướng dẫn của chư Tăng và sống theo Chánh pháp thông qua kênh truyền hình DMC.
Vào năm 2009, Hiệp hội Dhammakaya đã thành lập Trường Đại học mở Dhammakaya (DOU - Dhammakaya Open University) ở California, Hoa Kỳ. Đây là một trường đại học Phật giáo quốc tế, đào tạo chương trình cử nhân và thạc sĩ Phật học. Trong trường đại học này, bên cạnh việc cung cấp cho người học những kiến thức Phật học, kiến thức xã hội, nhà trường chú trọng đến vấn đề thực hành, ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống thường nhật, nhất là việc thực tập thiền. Các giờ học thiền, thực tập thiền hành, thiền tọa được chính thức đưa vào trong chương trình của khóa học.
Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 8, ngày lễ Dhammachai của Trung tâm Dhammakaya (vào ngày 27/8/1969, sư Dhammajayo chính thức xuất gia), trung tâm thường tổ chức nhiều sự kiện quan trọng để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Nổi bật nhất là sự kiện hàng trăm nghìn người, thậm chí là có lúc lên đến 1 triệu người, gồm có chư Tăng Ni và tín đồ Phật tử, quan khách đến từ khắp nơi trên thế giới, cùng tọa thiền xung quanh ngôi đại tháp Dhammakaya và thắp nến, thả hoa đăng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Khi màn đêm buông xuống, ngôi đại tháp sáng rực trong ánh đèn, xung quanh là hàng trăm nghìn ngọn đèn lung linh bên màu vàng y của chư tăng, màu áo trắng của cư sĩ Phật tử, hòa với lời kinh trầm hung, tạo nên một không gian tâm linh vô cùng huyền ảo, thiêng liêng, mầu nhiệm. 
Khung cảnh lễ Dhammachai thiêng liêng
Đội ngũ nhân viên và những tình nguyện viên phục vụ tại Trung tâm Dhammakaya cũng rất đặc biệt. Tất cả mọi người ở đấy đều làm việc trong tinh thần cống hiến, phụng sự và họ làm việc trong chánh niệm. Mỗi ngày, họ đều được sắp xếp cho tham gia các thời hành thiền, tham dự các khóa tu học dành riêng cho họ. Chính vì được học tập và có thực hành nên mọi người ở đấy đều rất dễ thương, đều có chất liệu an vui trong cuộc sống. Họ đối xử với người khác rất thân thiện. Khi bạn đến thăm trung tâm, điều đầu tiên mà bạn đón nhận đấy là những nụ cười thân thiện và sự tiếp đón ân cần, niềm nở. Khi bạn cần sự hỗ trợ thì họ luôn sẵn lòng trợ giúp cho bạn một cách nhiệt tình.
Hiện tại, Trung tâm Dhammakaya đang kiến tạo theo một mô hình cấu trúc rất nguy nga và hiện đại, nhắm đến việc tổ chức các sự kiện Phật giáo mang tầm quốc tế, với số lượng người tham dự rất lớn, phục vụ các chương trình kiến tạo nền hòa bình của nhân loại thông qua sự tu tập, rèn luyện để có được sự bình an nơi tự thân của mỗi người. Tổng thể của công trình kiến trúc này toát lên ý nghĩa biểu tượng của nền hòa bình trên toàn thế giới. Việc thiết lập nền hòa bình trên toàn thế giới là tiêu chí và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Dhammakaya. Hy vọng với công trình kiến trúc vĩ đại này, cùng những hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa của Hiệp hội Dhammakaya, toàn thể nhân loại trên thế giới sẽ được đánh thức lương tri, sẽ chung tay góp sức để kiến tạo nền hòa bình thế giới, đẩy lùi chiến tranh, bạo động và có thể sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu, hòa hợp.
Mô hình cấu trúc đang kiến thiết tại DMC
 
 Minh Nguyên
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 187, ra tháng 10/2011)

Campuchia: Ngài Som Buntheoun và Trung tâm thiền Vipassana Dhura

Ngài Som Buntheoun là một vị tu sĩ đạo cao đức trọng, một bậc thầy danh tiếng của đất nước Campuchia. Ngài được sinh ra ở tỉnh Takeo, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Campuchia, sau này xuất gia tu học và tốt nghiệp chương trình cao nhất về thiền Vipassana (Minh sát tuệ) ở Campuchia. Lúc sinh thời Ngài đi nhiều nơi trên đất nước Campuchia để giảng dạy thiền học và giúp đỡ dân nghèo. Bên cạnh đó, Ngài còn là nhà hoạt động xã hội, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh để bảo vệ nhân quyền, đòi bình đẳng và xóa đói giảm nghèo.
Ở Campuchia, pháp môn thiền Vipassana khá phát triển. Vào năm 1996, nội các Campuchia và Bộ trưởng Bộ Tôn giáo - Tín ngưỡng đã quyết định thành lập trung tâm thiền Vipassana và đề cử ngài Som Buntheoun làm Giám đốc. Trung tâm thiền lúc ấy được đặt tại chùa Nondamuny, thuộc thủ đô Phnom Penh. Sau đó không lâu thì ngài Som Buntheoun đã xin phép dời trung tâm này về chân núi Adharas, ở xã Phsar Dek, huyện Srok Ponhea Leu, tỉnh Kandal, Campuchia và đặt tên là “Vipassana Dhura Buddhist Meditation Centre of Kingdom of Cambodia” (Trung tâm thiền Phật giáo Vipassana Dhura của Vương quốc Campuchia). Tại chân núi Adharas, với khu đất rộng gần 20 hecta, ngài Som Buntheoun đã tiến hành xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, như là: chánh điện, thiền đường, tăng xá,... Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Hoàng gia Campuchia, ngài Som Buntheoun đã tiến hành xây dựng ngôi tháp thờ xá lợi Phật trên đỉnh núi Adharas, ngôi tháp rất nguy nga, tráng lệ, nằm gần những ngôi tháp cũ ở trên núi Adharas. Trong ngôi tháp ấy tôn thờ xá lợi của Phật và được xem như là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo Campuchia. Vào những dịp lễ lớn thì Vua, hoàng hậu cùng các vị trong hoàng gia thân chinh đến ngôi tháp để đảnh lễ và cầu nguyện. 
Tháp thờ Xá lợi của Phật trên đỉnh núi Adharas

Trung tâm thiền Vipassana Dhura
Phẩm vật cúng dường
Ngôi chánh điện của trung tâm thiền
Một góc của trung tâm thiền trong sáng sớm
Trung tâm thiền Vipassana Dhura này được mở ra với tiêu chí là truyền dạy giáo lý của Đức Phật cho hàng tu sĩ lẫn cư sĩ, đặc biệt chú trọng đến pháp môn thiền Vipassana và các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức theo tinh thần Phật giáo, nhằm giúp cho mọi người có được sự bình ổn tâm lý và tạo dựng một nếp sống hiền thiện, đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Để thực hiện những tiêu chí ấy, trung tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tổ chức các khóa thiền Vipassana để giảng dạy và hướng dẫn Phật tử Campuchia sống và tu tập theo con đường Chân - Thiện - Mỹ mà Đức Phật đã dạy.
2. Tổ chức hệ thống giáo dục cộng đồng để góp phần khôi phục nếp sống đạo đức và văn hóa Phật giáo trong cộng đồng xã hội.
3. Cúng dường và cung cấp thực phẩm đến chư Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử đang tu học tại trung tâm.
4. Xây dựng bệnh viện để chăm sóc và hỗ trợ về vấn đề sức khỏe cho cả những hiệp hội, những cộng đồng dân cư và những đoàn thể ở trong nước cũng như quốc tế, nhằm chữa trị và đảm bảo sức khỏe cho những người muốn tu học Phật pháp.    
5. Thành lập trường đào tạo nhân tài về tiếng Pali và Sanskrit cũng như về văn học.
Trong lúc Trung tâm thiền Vipassana Dhura đang dần hoàn thành và đi vào hoạt động thì một điều không may đã xảy ra, ngài Som Buntheoun đã bị một tay súng của phiến quân giết hại tại chùa Lanka, thủ đô Phnom Penh vào ngày 6/2/2003, và đến ngày 7/2/2003 thì Ngài đã qua đời tại bệnh viện Kalamaet, Phnom Penh. Tuy nhiên, kỳ diệu thay, cho đến nay nhục thân của Ngài vẫn còn nguyên vẹn mà không nhờ đến bất kỳ một loại hóa chất nào, có thể xem như là Ngài đã lưu lại toàn thân xá lợi, và được phụng thờ tại trung tâm thiền. Trong lúc sinh tiền, Ngài luôn cống hiến và làm lợi ích cho đạo pháp, cho quê hương, đặc biệt là dùng uy tín và đạo hạnh của mình để vận động, quyên góp tài vật cho việc truyền bá chánh pháp, đào đạo tăng tài và hỗ trợ cho dân nghèo. Và bây giờ, dù Ngài đã qua đời, nhưng toàn thân xá lợi của Ngài hiện đang được phụng thờ tại trung tâm thiền Vipassana Dhura ở chân núi Adharas cũng vẫn lợi lạc không ít. Khi tín đồ Phật tử trong nước lẫn quốc tế đến thăm trung tâm thiền, họ được chiêm ngưỡng và đảnh lễ toàn thân xá lợi của Ngài, nhờ vậy mà củng cố được lòng tin vào chánh Pháp, vào Tam bảo của họ và phát tâm cúng dường. Số tiền cúng dường ấy trở thành một nguồn tài chính quan trọng để trang trải cho sinh hoạt phí cùng các hoạt động của trung tâm, và thậm chí đôi khi còn dùng để giúp đỡ cho dân nghèo nữa. Quả thật, với các bậc chân tu, dù khi còn sống hay là đã quá vãng, họ vẫn luôn đem đến nhiều lợi lạc cho mọi người. 
Toàn thân xá lợi của ngài Som Buntheoun
Hiện tại, Trung tâm thiền Vipassana Dhura vẫn hoạt động tốt và ngày càng được nhiều người ái mộ, số lượng tu sĩ và cư sĩ quy tụ về tu tập ngày càng đông. Trung tâm thiền trở thành nơi tu học lý tưởng cho tín đồ Phật giáo ở Campuchia (tu sĩ cũng như cư sĩ).
Theo truyền thống của chư Tăng ở Campuchia thì vào mỗi buổi sáng, chư Tăng thường trì bình khất thực và chỉ ăn cơm vào giờ ngọ, nhưng tại trung tâm thiền này, vì lý do đảm bảo an ninh cho hành giả, và do số lượng tu sĩ và cư sĩ tập trung về tu học dài hạn tại trung tâm thường rất đông nên họ không đi khất thực. Thay vì vậy, cứ mỗi ngày, ngay từ lúc tờ mờ sáng, tín đồ Phật tử trong vùng, đủ mọi giới và mọi lứa tuổi, chuẩn bị phẩm vật đem đến trung tâm để cúng dường chư tăng và cư sĩ Phật tử đang tu học tại đấy. Có những người đến từ rất sớm để tham gia tụng kinh cùng các hành giả đang tu học tại trung tâm. Trời càng sáng dần thì lượng người tập trung về trung tâm càng đông. Khi bước vào chánh điện, người Phật tử để phẩm vật của mình vào vị trí đã được sắp đặt sẵn, rồi nhẹ nhàng ngồi vào hàng để lễ Phật và tụng kinh cùng với chư tăng. Cứ thế, mọi người nối nhau ngồi ngay ngắn. Bầu không khí trang nghiêm và lời kinh trầm hùng của đại chúng, hòa với khói hương trầm thoang thoảng tạo nên một không gian tâm linh siêu trần thoát tục, khiến cho lòng người dâng lên niềm cảm xúc và an vui khôn tả.
Kết thúc thời kinh khuya cũng là lúc trời vừa sáng, các hành giả tu học tại trung tâm ngồi vào đúng vị trí của mình, tín đồ Phật tử thứ tự dâng thực phẩm và lễ vật lên chư tăng và các hành giả cư sĩ. Đây là một nếp sinh hoạt thường nhật tại tu viện. Chính sự tu tập tinh chuyên của các hành giả và lòng hộ đạo nhiệt thành của hàng Phật tử tại gia mà trung tâm thiền Vipassana Dhura ngày càng phát triển.     
Minh Nguyên
(Theo Tuần báo Giác Ngộ, số 609, ra ngày 1/10/2011)

Cố đô Sukhothai, cội nguồn của nền văn hóa, nghệ thuật thấm nhuần hương sắc Phật giáo

 Sukhothai là kinh đô của vương quốc đầu tiên của Xiêm La trong thế kỷ 13 và 14, lớn hơn so với đất nước Thái Lan hiện nay. Nó có những công trình lịch sử rất tinh xảo, minh chứng cho sự khởi đầu của nền kiến ​​trúc Thái. Nền văn minh tuyệt vời gắn với Vương quốc Sukhothai đã hấp thụ được nhiều sự ảnh hưởng và các truyền thống cổ đại; đồng hóa nhanh chóng tất cả những yếu tố này để hình thành nên một nét rất riêng, được gọi là 'phong cách Sukhothai’. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu tiên và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên. Ngày nay, Sukhothai chỉ là thủ phủ của tỉnh Sukhothai với diện tích 6.596km2, cách thủ đô Bangkok khoảng 427km về phía bắc. Cố đô Sukhothai được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991. 
Một góc Sukhothai huyền ảo
Người ta tin rằng, người Thái có nguồn gốc cách đây khoảng 4.500 năm ở khu vực núi Ulthai của Mông Cổ ngày nay. Những cuộc di cư diễn ra sau đó đã đưa họ đến vùng phía Nam của Trung Quốc. Tại đấy họ xây dựng một vương quốc gọi là Nanchao, vương quốc này trải dài từ Nam Trung Quốc đến bán đảo Ấn-Trung.
Việc di cư xuống phía Nam có một động lực rõ rệt trong thời của Hốt Tất Liệt, ông là một vị vua đã nhanh chóng mở mang bờ cõi của quốc gia tiến về phía Nam Trung Quốc trong thế kỷ thứ 13. Kết quả là một bộ phận khá đông dân cư Thái Lan đến sinh sống trong một khu vực mà trước đây người Khmer và Mon đã định cư.
Người Thái đã định cư ở những khu vực khác nhau của miền Bắc, khu vực ấy so với các tỉnh thành hiện tại của đất nước Thái Lan thì không có nhiều sự liên hệ với nhau. Vào giữa thế kỷ 13, hai Hoàng tử Thái Lan ở khu vực Sukhothai, Hoàng tử Phor Khun Pha Muang của Muang Rad và Hoàng tử Phor Khun Bang Klang Thao của Muang Banyang, đã kết hợp lực lượng với nhau để đánh đuổi người Khmer, những người kiểm soát một vương quốc rộng lớn trên bán đảo Ấn-Trung thời bấy giờ.
Họ đã đánh đuổi người Khmer ra khỏi Sukhothai rồi xác lập biên giới chính thức của vương quốc Angkor, và chọn Sukhothai làm kinh đô vào năm 1238. Hoàng tử Phor Khun Bang Klang Thao được nhân dân cung thỉnh lên làm vua, và đã chính thức đăng quang với vương hiệu Phor Khun Si Sri Inthrathit. Sukhothai trở thành vương quốc đầu tiên của người Thái, do chính người Thái nắm quyền. Người dân Thái ngày nay xem Sukhothai như là cái nôi của dân tộc Thái.
Vua Phor Khun Si Sri Inthrathit có hai người con trai, đó là Phor Khun Ban Muang và Phor Khun Ramkhamhaeng. Sau khi vua băng hà, người con cả là Hoàng tử Phor Khun Ban Muang đã nối ngôi. Và sau đó thì người em là Hoàng tử Phor Khun Ramkhamhaeng đã lên ngôi vào năm 1278, trị vì trong 40 năm. Vua Phor Khun Ramkhamhaeng là một trong những chiến binh vĩ đại nhất của Thái Lan. Vua đã làm cho Sukhothai trở thành một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn, bao gồm cả nhiều phần lãnh thổ mà ngày nay thuộc về các nước láng giềng.
Chùa Mahathat
Vua Ramkhamhaeng mở quan hệ chính trị trực tiếp với Trung Quốc, chuyến đi Trung Quốc đầu tiên vào năm 1282 để thăm viếng Hoàng đế Hốt Tất Liệt và lần thứ hai vào năm 1300 sau Hốt Tất Liệt băng hà. Từ chuyến thăm thứ hai, vua mời nghệ nhân Trung Quốc về nước, và những nghệ nhân ấy đã dạy người Thái nghệ thuật làm đồ gốm. Ngày nay, đồ gốm Sangkhalok cổ là những thứ mà các nhà sưu tập đồ cổ đang truy lùng.
Người Thái hiện nay có một quan niệm khá lãng mạn về Sukhothai, họ cho rằng Sukhothai là vương quốc của hạnh phúc, từ Sukhothai có nghĩa đen là sự khởi đầu của hạnh phúc. Trên thực tế, nhận thức này là có phần dựa trên các cứ liệu lịch sử. Một phần trên một bản văn khắc trên đá nổi tiếng ghi rằng: "Vùng Muang Sukhothai này rất là tốt. Dưới nước thì có cá, trên đồng ruộng thì có lúa. Nhà vua không đánh thuế vào những đoàn thương gia. Người nào muốn buôn bán ngựa thì cứ buôn bán, ai muốn buôn bán voi thì cứ buôn bán. Ai muốn buôn bán bạc, vàng thì cứ buôn".
Vua Ramkhamhaeng cũng hỗ trợ cho việc phát triển tôn giáo. Nhờ những những nỗ lực của vua mà Phật giáo đã trở nên gắn bó mật thiết với nền văn hóa Thái, sản sinh ra các hình thức cổ điển của nghệ thuật tôn giáo Thái Lan. Những hình tượng của Đức Phật được điêu khắc trong thời kỳ Sukhothai là những bảo vật văn hóa, đem đến cho người xem cảm giác của sự an bình và thanh thản.
Tổng cộng có tám vị vua trị vì Sukhothai. Sự suy thoái dần của Sukhothai diễn ra trong triều đại của hai vị vua cuối cùng. Sự kết thúc của Vương quốc Thái đầu tiên là vào năm 1365. Lúc đó nó bị giáng cấp thành một nước chư hầu của nước Ayutthaya, một nền quyền lực trẻ và đang mở rộng dần về phía Nam.
Sự vĩ đại trước đây của Sukhothai đã được bảo quản trong các di tích kiến ​​trúc. Tàn tích của các cung điện hoàng gia, các ngôi chùa, cổng thành, tường thành, các hào lũy, ao hồ, kênh, rạch và hệ thống thủy lợi, đê điều, những công trình vốn là nền tảng kinh tế của vương quốc Sukhothai đã được Cục Mỹ thuật, với sự hợp tác của UNESCO, phục hồi. Việc làm này không chỉ để phát huy bản sắc dân tộc Thái mà còn bảo vệ một phần quan trọng của di sản văn hóa của nhân loại.
Thị trấn mới của Sukhothai, cách cố đô Sukhothai khoảng vài kilômet, ở đấy hiện nay các khách sạn, nhà hàng và cơ sở hạ tầng khác được xây dựng rất sang trọng và hiện đại.
Ngày nay, du khách đến Sukhothai không thể không viếng thăm cung điện hoàng gia và chùa Mahathat. Cung điện hoàng gia nằm ở trung tâm của phố cổ, với diện tích 160.000m2, chiếm khoảng 1/4 diện tích của phố cổ, nơi được bao quanh bởi các bức tường. Tổng thể cung điện được bao quanh bởi một cái hào và gồm có hai phần chính, nơi ở của hoàng gia và cung điện, chùa Mahathat.
Khu chánh điện của chùa Mahathat nằm về phía tây cung điện hoàng gia. Đây là ngôi chùa lớn nhất ở Sukhothai. Ở đấy hiện còn lại một ngôi bảo tháp chính có hình nụ sen và một ngôi chánh điện đã bị hư hại. Nền của ngôi bảo tháp khắc hình những vị đệ tử của Phật đang kính lễ. Trên bệ là những tượng Phật trong tư thế thiền tọa. Phía trước của ngôi tháp là một ngôi chùa lớn, vốn là nơi tôn thờ một pho tượng Phật ngồi bằng đồng theo phong cách Sukhothai rất đặc biệt, pho tượng do vua Litahi của vương quốc Sukhothai đúc và dựng vào năm 1362. Vào cuối thế kỷ 18, theo lệnh của vua Rama đệ nhất, pho tượng ấy đã được chuyển đến chánh điện Luang của chùa Suthat, tại Bangkok, và từ đó pho tượng được đặt tên là Phra Si Sakaya Muni. Phía trước chánh điện rộng lớn là một chánh điện nhỏ hơn, có lẽ được xây dựng vào thời kỳ Ayutthaya. Pho tượng Phật chính cao 8m được tôn trí bên trong một tòa nhà riêng biệt.
Phía Nam là khuôn viên của một ngôi tháp lớn, ngôi tháp được xây dựng theo dạng bậc cấp. Nền thấp nhất của ngôi tháp được trang trí bởi những hình tượng trát vữa sắc sảo của các loài ma quỷ, voi, sư tử có các thiên thần cưỡi trên lưng. Những bức bích họa điểm tô cho các hố cách của ngôi tháp.
Chùa Si Sawai nằm phía Tây Nam của chùa Mahathat. Ngôi chùa này có bức tường bao quanh. Bên trong bức tường, ngôi tháp ở phía tây nằm tách biệt với ngôi tháp chính được xây dựng theo phong cách Lopburi, hoặc phong cách Ấn giáo. Những ngôi tháp khác bên cạnh chánh điện là theo phong cách Phật giáo. Khu vực này rõ ràng vốn là một đền thờ của Ấn giáo, nhưng sau đó được chuyển đổi thành một tu viện Phật giáo. Đặc biệt, hai ngôi tháp của chùa Si Sawai phản chiếu hình bóng xuống hồ nước lớn nhất của khu vực, trông thật ngoạn mục và đầy ấn tượng.  
Chùa Phra Phai Luang, cách khoảng 500m về phía bắc của cổng San Luang. Ngôi chùa này đã từng là một ngôi đền Ấn giáo của người Khmer, nhưng sau đó đã được chuyển đổi thành một tu viện Phật giáo, được bao quanh bởi một cái hào. Ở Sukhothai, chùa Phra Phai Luang là ngôi chùa quan trọng thứ hai, sau chùa Mahathat.
Công viên lịch sử của Sukhothai rộng 3,38 km2 trở thành một kiệt tác của lối kiến​​ trúc Xiêm đầu tiên. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu tiên và tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên.
Các phòng họp rộng rãi với bức tường lớn được trang trí bằng một bức chân dung Đức Phật thật lớn là mô hình đặc trưng của kiến trúc Sukhothai, và sau đó ảnh hưởng đến tất cả nền nghệ thuật Thái Lan. Trong số các pho tượng, các pho tượng điêu khắc mang phong cách Thái đầu tiên được phân biệt bởi các chi tiết cụ thể trên thân thể của các tượng Phật: có mũi dài và tinh tế, một nhục kế nổi lên giống như ngọn lửa trên đỉnh đầu (ảnh hưởng bởi người Sinhala, Sri Lanka) và một dòng kép quanh miệng (theo truyền thống Khmer). Đức Phật thường được tạc trong tư thế đứng thẳng, quần áo bám sát vào thân thể.
Sukhothai là một cố đo ít chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa. Các di tích lịch sử cùng phong cảnh nơi đây đã trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc Thái Lan. Để ngắm nhìn toàn cảnh cố đô Sukhothai, để có thể cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp huy hoàng và tráng lệ của cố đô Sukhothai, du khách nên đến đó với tâm trạng thoải mái, đừng quá gò bó về thời gian, đừng quá vội vã. Hãy đến đấy và hòa mình vào không gian cố kính, hài hòa với thiên nhiên của Sukhothai để cảm nhận và trải nghiệm những cung bậc cảm xúc trong ta khi ngắm nhìn cố đô Sukhothai.
Minh Nguyên
(Theo Nguyệt san Giác Ngộ số 186 (ra tháng 9 - 2011)

Những bất cập trong bài viết “Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ”.

Vừa qua, trên trang báo điện tử Vietnamnet có đăng bài viết của tác giả Sầm Hoa với tựa đề “Phận những nô lệ tình dục trên chùa Ấn Độ” đã gây xôn xao dư luận trong cộng đồng Phật giáo và tổn hại đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo. Nguồn gốc bài lược dịch này lấy từ đâu? Tính xác thực của nó như thế nào?

Tòa lâu đài cát

Hôm nọ, một người giáo viên nổi tiếng quay trở về nhà sau bài thuyết trình quan trọng mà ông vừa trình bày trước một nhóm các đồng nghiệp đáng kính của mình, đang đi nhưng lòng ông say sưa với những lời tán thưởng mà thính giả đã dành tặng cho ông. Thói quan đã đưa ông đến con đường đi bộ dọc theo bờ biển. Đang tản bộ trên bờ biển thì ông bắt gặp một cậu bé. Em bé đang xây một tòa lâu đài cát trên bãi biển, đấy là tòa lâu đài cát lớn nhất và công phu nhất mà trước giờ người giáo viên chưa từng thấy. Em bé trịnh trọng dùng đôi tay của mình xúc cát lên rồi nắn cát cho thật chắc, sau đó nhẹ nhàng đặt vào vị trí thích hợp. Em bé cẩn thận và miệt mài xây đắp những tòa tháp, những gác canh, đào hào, cắm cờ…

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!