Làm Sao Để Kiếm Tìm Vị Thầy Tâm Linh ?


“Dựa trên những lời giáo huấn để đánh giá một vị thầy: Đừng có tin một cách mù quáng, nhưng cũng đừng có phê bình mù quáng”. (Dalai Lama)
Chúng ta cần sự hỗ trợ trên con đường tâm linh để giúp chúng ta tìm ra con đường đúng đắn. Rõ ràng, một người tốt nhất để chúng ta đi theo có thể xem như là một hướng dẫn viên du lịch giỏi, người đã đi qua con đường đó một cách thành công. Người ấy có thể giúp ta rút ngắn lộ trình của mình và tránh những chướng ngại trên đường.
Ở phương Tây, vai trò của vị thầy tâm linh thường bị hiểu nhầm, bởi vì người phương Tây đã không còn giữ hệ thống giáo dục cổ điển, học sinh học với một vị thầy giáo trong nhiều năm, chẳng hạn như là việc học các ngành nghề thủ công.
Có nhiều sự hiểu nhầm về các bậc thầy tâm linh. Một số người có thể nghĩ rằng, một vị thầy tâm linh sẽ nhận lãnh toàn bộ trách nhiệm đối với đời sống của một người đệ tử, và xem người đệ tử như là một kẻ biết vâng lời, như một đứa trẻ vô tâm. Như Scott Mandelker nhận định: “Dường như rằng, hầu hết những người đệ tử đều thật sự muốn giữ lại một chút tính trẻ con, và thần tượng hóa người cha, người mẹ tâm linh thiêng linh của mình”.
Tuy nhiên, không ai có thể nhận lãnh trách nhiệm thay cho chính ta, thay cho lối sống của ta, thay cho những hạnh nghiệp mà ta đã làm. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta nhường việc đưa ra một số quyết định lại cho người khác thì chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về những hành động của ta, kể cả khi chúng ta chuyển các quyết định ấy cho người khác.
Chúng ta cần có cái nhìn thiết thực về những vị thầy tâm linh. Nếu chúng ta muốn học điều gì đó thì chúng ta cần một vị thầy, hoặc ít ra thì sẽ rất hữu ích khi chúng ta có một vị thầy chỉ dẫn. Làm sao chúng ta có thể tiến bộ trong việc tập đọc, tập viết khi không có thầy dạy, không có người hướng dẫn? Ngài Zasep Tulku Rinpoche đã dạy: “Nếu bạn học Phật chỉ vì mục đích nghiên cứu, vì muốn phát triển sự hiểu biết của mình về Phật pháp, nếu bạn bạn chỉ học Phật pháp mang tính học thuật, chỉ ở mức độ tri thức thì tôi nghĩ bạn không cần đến mối quan hệ thầy-trò. Và bạn cũng có thể học với tất cả mọi vị thầy. Việc này cũng giống như bạn đến học tại một trường đại học vậy, bạn học với những vị thầy khác nhau, những giáo sư khác nhau và cứ thế bạn tiến về phía trước. Nhưng nếu bạn muốn dấn thân tu theo Phật pháp thì cần phải có vị thầy dẫn dắt, bởi vì chúng ta cần phải biết làm sao để đạt đến sự giải thoát, làm sao để thực tập Chánh pháp”.
Trong đạo Phật, chúng ta cần phải nhận thấy được rằng, vai trò của người thầy tâm linh là vô cùng quan trọng, bởi vì người thầy có thể dẫn dắt chúng ta tìm thấy được trí tuệ bên trong mình, nhận thấy “vị thầy bên trong” của mình. Chúng ta cần phải phát triển trí tuệ và sự thấu hiểu của mình để trở thành một bậc thầy, và cuối cùng là chính ta trở thành một vị Phật. Trong ý nghĩa đó, một vị thầy như là “một người mẹ tâm linh”; ở giai đoạn khởi đầu, chúng ta dường như không có khả năng tự lập, vì thế chúng ta cần nhiều sự giúp đỡ, sự chỉ dẫn; nhưng cuối cùng thì chúng ta cần phải đứng bằng chính đôi chân của mình và có khả năng tự lập. Ngài Lama Thubten Yeshe từng dạy: “Một vị thầy tâm linh là một người thật sự có thể chỉ cho bạn thấy Phật tánh trong tâm của bạn và là người biết những phương thuốc tuyệt hảo để chữa trị những tâm bệnh của bạn. Một người mà không biết tâm của chính họ thì sẽ không bao giờ biết được tâm của người khác, do vậy họ không thể nào làm một vị thầy tâm linh”.  
Trước khi chúng ta quyết đinh đi theo một vị thầy tâm linh, chúng ta cần phải tìm hiểu về vị đó, đây là điều hết sức quan trọng. Có không ít những điều dối trá ở xung quanh ta. Trong truyền thống Ấn Độ cổ, các vị thầy thường được kiểm tra trong vòng 12 năm hoặc hơn trước khi họ được hoàn toàn tin tưởng và giao phó nhiệm vụ làm vị thầy hướng dẫn tâm linh cho học trò. Người ta rất dễ đi theo người khác một cách mù quáng, đặc biệt là với “những người nói rất êm tai” và “những người bán hàng giỏi”. Lý do khiến các vị thầy tâm linh được gọi với những cái danh từ xấu đó là vì nhiều người đã bị lừa bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài. Những người đó không nên tin tưởng một cách mù quáng vào các vị thầy như thế để rồi đi theo họ.
Bạn cần phải có trách nhiệm kiểm tra những cảm nhận của mình một cách nghiêm túc, ngay cả trong những mối quan hệ cá nhân: Kiểm chứng xem những hành vi của họ có hợp với những gì họ nói không? Phải chăng họ thường nhấn mạnh đến những vấn đề đời thường hơn so với con đường tâm linh của họ? Hãy xem những gì mà các vị đệ tử khác nói về thầy của họ; và đương nhiên là cả những điều mà các vị thầy khác nghĩ.
Làm sao để một người có thể chọn cho mình một vị thầy để giảng dạy cho họ các vấn đề tâm linh hoặc là nhận biết một vị thầy đáng tin cậy? Đối với câu hỏi này, Đức Dalai Lama đã dạy: “Điều này nên được tiến hành một cách tương ứng với tính tình và mối quan tâm của bạn, nhưng bạn phải phân tích kỹ lưỡng. Bạn phải kiểm tra trước khi nhận một vị thầy tâm linh để xem vị đó có thật sự có khả năng hay không. Trong kinh điển có dạy rằng, một con cá ẩn nấp dưới nước có thể được nhìn thấy thông qua sự chuyển động của những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước, cũng vậy, những phẩm chất bên trong của một vị thầy, qua thời gian, có thể nhìn thấy một ít thông qua những hành vi của vị đó. Chúng ta cần nhìn vào sự uyên thâm của vị thầy - khả năng giải thích các chủ đề - và xem vị đó có thực hiện những lời họ dạy trong tư cách đạo đức và lối sống của bản thân hay không.
Theo ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye, thật khó để nhận ra một vị thầy chân thực, bởi vì những phẩm chất của một vị thầy đích thực thường nằm ở bên trong. Chúng ta không thể dựa vào những yếu tố bên ngoài được, nhưng những yếu tố bên ngoài là những gì chúng ta có thể thấy. Rất khó nhìn thấy được những phẩm chất bên trong của người khác. Một người kinh doanh có thể thân thiện với chúng ta hơn cả người bạn thân nhất của mình, trong khi động cơ bên trong của anh ta là chỉ để bán được sản phẩm. Tương tự như thế, một vị thầy hành xử với chúng ta bằng một thái độ rất tử tế và đầy yêu thương, nhưng điều đó không hẳn là vị ấy có tâm thương yêu và vị tha, tại vì chúng ta không thể nhìn thấy được động cơ bên trong của người đó. Chúng ta cũng không thể xác định những phẩm chất của một vị thầy dựa trên danh tiếng của họ, hay là dựa trên số lượng đệ tử, học trò của họ.
Không có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, nhưng có một vài điều mà chúng ta có thể áp dụng trong việc tìm kiếm cho mình một vị thầy tâm linh. Trước hết, chúng ta cần làm quan với những phẩm chất của một vị thầy tâm linh, đó là: 1. Một vị thầy tâm linh phải có hành vi đạo đức phù hợp, không làm tổn hại người khác mà lại còn giúp đỡ; 2. Có khả năng định tĩnh; 3. Không chấp ngã và không có những ý niệm về tự ngã; 4. Giảng dạy mọi người với tâm thương yêu, không vụ lợi; 5. Có sự hiểu biết, có tri thức phù hợp; 6. Chuyên tâm giảng dạy không biết mệt mõi; 7. Thông thạo nhiều kinh điển; 8. Nghiên cứu sâu và thực chứng nhiều hơn học trò; 9. Khéo thuyết giảng; và 10. Không thất vọng và bỏ rơi học trò khi họ có những biểu hiện chưa tốt. Nếu được thì nên tìm những vị thầy tâm linh hội đủ 10 phẩm chất nói trên, hoặc ít nhất là 5 phẩm chất đầu. Tiếp đến, chúng ta phải duy trì sự tỉnh giác đối với động cơ của chính mình trong quá trình tìm kiếm vị thầy tâm linh. Chúng ta phải luôn tự vấn chính mình: Phải chăng tôi đang tìm kiếm một vị thầy để giúp tôi đạt được sự giác ngộ để rồi làm lợi ích cho chúng sanh, hay là tôi tìm kiếm một vị thầy để thỏa mãn nhu cầu của tôi là có được uy tín khi được ở bên cạnh một vị thầy nổi tiếng, hay chỉ đơn giản là tôi bị thu hút bởi không gian tu tập đẹp đẽ của vị thầy, hay là bị cuốn hút bởi hình ảnh của cộng đồng tu sĩ tân thời…?
Những động cơ của chúng ta rất là quan trọng, chúng góp phần giúp ta tìm được một bậc thầy minh triết thực sự. Bởi vì, vị thầy mà ta tìm thấy có liên hệ với nghiệp của ta, và nghiệp của ta thì lại gắn kết mật thiết với động cơ của mình. May mắn cho chúng ta là còn có những phương pháp giúp ta thanh lọc động cơ của bản thân và tạo ra những điều kiện tương hợp cho việc tìm kiến một vị thầy minh triết. Những phương pháp ấy là: dùng sự tỉnh giác của mình để soi rọi vào những động cơ của bản thân càng nhiều càng tốt, thực tập thiền mỗi ngày, và cầu nguyện Tam bảo gia hộ… Những phương pháp này sẽ giúp ta gặp và nhận ra một vị thầy minh triết thực thụ.
Trong truyền thống tu tập của Phật giáo, Đức Phật đã ví những giáo pháp mà Ngài đã giảng dạy như những vị thuốc, và người thầy tâm linh thực thụ như là những vị bác sĩ giỏi, có khả năng chẩn đoán đúng tâm bệnh của đệ tử để rồi đưa ra những phương thuốc phù hợp giúp chữa lành căn bệnh cho họ. Vì thế, trên con đường tu học, nếu ta gặp được một vị thầy tâm linh thực thụ, một vị thầy với đầy đủ sự minh triết và lòng thương yêu để dẫn dắt chúng ta tu học thì đấy là một diễm phúc lớn, một phước báo lớn của ta.
Rudy Harderwijk - Quảng Trí lược dịch 
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 192, ra tháng 3/2012)

Clip “Thầy trò Đường Toong đi thỉnh … Bao Cao Su”, một sản phẩm không có tính nhân văn

Hình ảnh và bài viết có ý đánh giá cao về clip 
Mấy ngày gần đây trên các kênh truyền hình và rất nhiều trang web phổ biến một video clip với chủ đề “Thầy trò Đường Toong đi thỉnh … Bao Cao Su” kèm theo lời nhận xét về clip:
Khác với những phiên bản chế đang tràn lan trên mạng internet có nội dung chọc phá, clip này chứa đựng một thông điệp ý nghĩa về “Người bạn nổi tiếng” - bao cao su.
Đây là tác phẩm tham dự cuộc thi tìm kiếm thông điệp xuất sắc cho dự án “Friendly Condom” (Bao cao su thân thiện) của Ngôi nhà Tuổi trẻ - trung tâm chăm sóc, tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc Đoàn TNCS HCM.
Với phong cách “chế” hài hước, dí dỏm đậm chất sinh viên, câu chuyện “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... bao cao su” trở thành một phiên bản hoàn toàn mới lạ của tích “Tây du ký”.
Thật là một việc làm quá nông nổi, một sản phẩm văn hóa quá phản cảm. Quả thật không thể nào hiểu nổi lối suy nghĩ “sáng tạo” của các bạn thanh niên đã làm ra clip này, và càng không thể nào chấp nhận được trình độ nhận thức vấn đề của Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi khi họ đánh giá clip này là một clip XUẤT SẮC.
Đường Tăng hay Đường Huyền Trang là một nhân vật lịch sử, là một bậc Cao Tăng, một nhà văn hóa kiệt xuất của Phật giáo Trung Hoa nói riêng và là của Phật giáo nói chung. Và tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân viết về sự tích ngài Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh là một tác phẩm văn học nổi tiếng và đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên cũng rất nổi tiếng. Thế mà các bạn thanh niên ấy đã phù phép, biến một nhân vật lịch sử, một vị ĐƯỜNG TĂNG đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cao cả “ĐI THỈNH KINH” thành một nhân vật “ĐƯỜNG TOONG” “ĐI THỈNH BAO CAO SU”.
Xét về mặt văn hóa, lịch sử, đây là một việc làm vô văn hóa, không tôn trọng lịch sử, không kính trọng các danh nhân văn hóa, và cũng có nghĩa là không tôn trọng các giá trị văn hóa, đạo đức.
Xét về mặt tôn giáo, đây là môt việc làm xúc phạm nghiêm trọng đến Phật giáo, đến sự thiêng liêng và tôn nghiêm của Đức Phật và chư Tăng. Dẫu biết rằng đạo Phật là đạo cứu nhân độ thế và Đức Phật luôn ban vui, cứu khổ cho chúng sanh. Nhưng bên cạnh đó, đạo Phật còn là đạo của sự thanh cao, đức hạnh. Đạo Phật dạy con người sống có đạo đức, sống chung thủy và tiết dục. Nều như để ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS thì đạo Phật khuyên mọi người sống một đời sống đạo đức thanh cao, giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức cơ bản (năm giới), chứ không bao giờ cổ xúy mọi người dùng bao cao su. Bởi vi, cổ xúy cho việc dùng bao cao su chẳng khác gì ngầm khuyến khích mọi người quan hệ tình dục một cách phóng túng, đấy là một việc làm chạy theo phần ngọn, chẳng bao giờ chấm dứt được đại dịch. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Chưa hết! Hình ảnh Đức Phật và chư Tăng được tín đồ đạo Phật xem như là những hình tượng vô cùng thiêng liêng, tôn quý, vậy mà ở đây tác giả của clip này lại gắn kết hai hình ảnh tôn quý đó với vấn đề bao cao su, vấn đề quan hệ tình dục, một vấn đề rất phàm tục, trần tục. Không biết tác giả của clip này có chủ ý muốn bôi nhọ Phật giáo hay không? Nhưng việc làm này đã xúc phạm nghiêm trọng đến niềm tin và tín ngưỡng của người theo đạo Phật.  
Một clip phản cảm, thiếu văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng đến Phật giáo như thế mà lại được Ban giám khảo, những người làm công tác tuyên truyền lối sống văn minh, văn hóa của Đoàn TNCS HCM đánh giá rất cao. Chưa dừng lại ở đó. Clip này lại được dùng để quảng bá cho việc sử dụng bao cao du trong quan hệ tình dục trên các kênh truyền hình và các trang web chính thống của Đoàn TNCS rồi sau đó thì phát tán tràn lan trên internet. Tại sao lại có một sự đồng thuận của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước về một clip phản cảm và xúc phạm Phật giáo như thế? Phải chăng những giá trị văn hóa, đạo đức đã bị mọi người đặt ra ngoài lề và vấn đề quan tâm chính của họ là những thứ khác?

Thiếu gì cách để quảng bá cho việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục. Tại sao lại phải dùng đến những hình ảnh tôn quý của Phật giáo như thế? Tải sao lại sáng tạo, lại đưa ra những ý tưởng mới gây tổn hại đến niềm tin tôn giáo của đa số người Việt, xâm phạm đến uy danh của một tôn giáo đã vào sanh ra tử, đã đi cùng với dòng sinh mệnh của dân tộc Việt Nam hẳng mấy mươi thế kỷ như thế chứ? Nếu như có ai đó sáng chế "hành trình đi tìm đường cứu nước cao cả cua lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc" thành "hành trình đi tìm bao cao su của Nguyễn Ái ... gi do" bằng cách sử dụng những hình ảnh, những âm thanh trong phim tư liệu về cuộc đời cao cả của chủ tịch Hổ Chí Minh thì liệu Ban tổ chức cuộc thi có đánh giá cao tác phẩm đó? Liệu các cơ quan, các phương tiện truyền thông có đăng tải và quảng bá rầm rộ cho clip đó không? Nhưng chắc chắn không ai dám sáng chế theo kiểu này vì họ biết rõ hậu quả của nó nghiêm trọng đến mức nào, vì họ sợ.... Vậy tai sao họ lại làm ra clip “Thầy trò Đường Toong đi thỉnh … Bao Cao Su” chứ? Và lại con được đánh giá cao, có ỳ tưởng sáng tao, thu hút sự quan tâm của giới trẻ, được quảng bá rông rãi trên các phương tiện  truyển thông nữa chứ. Và bây giờ, trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luậnn - cả những người theo đạo Phật và những người theo đạo khác, hoặc những người không theo đạo nhưng có lương tri, có văn hóa - thì Ban tổ chức lại đỗ thừa trách nhiệm cho nhau và nhóm tác giả thì im hơi lặng tiếng, không một lời xin lỗi, và các cơ quan chức năng thì cũng chưa có động thái can thiệp gì cả. Tại sao trong một nước ổn định vá phát triển, như Việt Nam chúng ta, một nước có 4000 năm văn hiến lại có tình trạng này xảy ra chứ? Lương tri của mọi người đâu hết rồi?
Để phát huy nếp sống đạo đức, lành mạnh trong xã hội, để xây dựng lối sống văn minh thì mọi người - nhất là những người làm công tác tuyên truyền, vân động cho đời sống văn minh, văn hóa, đại diện cho một tầng lớp tiên tiến, tinh hoa của nước nhà - cần phải tôn trọng và giữ gìn các giá trị văn hóa, đạo đức, tôn trọng niềm tin tôn giáo của người khác. Mong sao mọi người đều ý thức rõ và tuân thủ nghiêm túc về điều này.

Minh Nguyên
Clip “Thầy trò Đường Toong đi thỉnh … Bao Cao Su”

Một số link để bạn đọc tham khảo thêm:
Clip Đường Tông thỉnh bao cao su không đoạt giải
Clip 'Thầy trò Đường Tông đi thỉnh... Bao cao su'
Vụ clip “Thầy trò Đường Tông đi thỉnh bao cao su”: Ai chịu trách nhiệm?

Sri Lanka: Tăng đoàn đã bảo vệ đất nước trong hơn 2.500 năm qua

Vừa qua, Hội thảo Phật giáo Quốc tế đã được tổ chức tại Đại học Phật giáo Buddhasravaka Bhiksu, Sri Lanka. Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Sri Lank, ông DM Jayaratne đã nhấn mạnh: “Tăng đoàn đã và đang bảo vệ đất nước, dân tộc và tôn giáo trong hơn 2.500 năm qua. Ngày nay, trong tình hình có một thế lực thù địch đang cố gắng mời gọi các thế lực từ nước ngoài vào nhằm thực hiện những mục đích hạn hẹp và bán nước của họ. Tôi, với tư cách là Thủ tướng của Chính phủ, thay mặt cho Tổng thống Mahinda Rajapaksa, kêu gọi chư Tăng nâng cao cảnh giác và thận trọng với các thế lực thù địch ấy".
Ba ngày của Hội thảo Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Conference – IBC) đã được tổ chức tại hội trường khách sạn Dulyana Anuradhapura.
Thủ tướng Jayaratne phát biểu tại hội thảo
IBC được tổ chức và tài trợ bởi Đại học Buddhasravaka Bhiksu, dưới sự chỉ đạo của ngài Thumbulle Seelakkhandha Nayaka Thera, Phó hiệu trưởng của Đại học Buddhasravaka Bhiksu, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Giáo dục Sri Lanka.
Một trăm năm mươi đại biểu Phật giáo nước ngoài, bao gồm cả những nhà trí thức thuộc hai giới tu sĩ và cư sĩ, đại diện cho các trường đại học và các hiệp hội Phật giáo thuộc 15 quốc gia đã tham dự hội nghị. Bên cạnh đó còn có các vị khách mời thuộc phía chính quyền nhà nước và chư Tăng lãnh đạo Tăng già Sri Lanka, cùng đông đảo quan khách trong và ngoài nước đã có mặt tại buổi lễ khai mạc.
Thủ tướng Jayaratne còn cho biết, Tăng đoàn ở Sri Lanka cũng như ở các quốc gia Phật giáo khác đã đóng một vai trò lịch sử quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy Phật giáo tại đất nước mình. Các cư sĩ Phật tử thì nương vào sự dẫn dắt của các vị tu sĩ để giữ gìn sự thuần khiết nguyên sơ của giáo lý Phật giáo. Thông điệp của Đức Phật rất tương hợp với thế giới hiện tại, tuy nhiên chúng ta đang phải đối mặt với nhiều trở ngại quyết định đến sự sống còn của Phật pháp ở các quốc gia Phật giáo.
Thủ tướng Jayaratne nhấn mạnh: Sự nghèo đói ở các nước châu Á đã tạo nhiều cơ hội tốt cho các tôn giáo khác trong việc lôi kéo các cư sĩ Phật tử nghèo của các nước đi theo tôn giáo của họ bằng cách cung cấp các lợi ích vật chất. Điều này đã trở thành một vấn đề đáng báo động, gây thiệt hại cho Phật giáo ở các nước này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông SB Dissanayake, phát biểu rằng: Ông tin chắc rằng, đây là thời điểm thích hợp cho việc cải cách hệ thống giáo dục Tăng sĩ để cho phù hợp với thế giới hiện đại.
Ông còn gợi ý, chúng ta nên nỗ lực tìm hiểu và học hỏi từ sự đa dạng và giàu truyền thống Phật giáo ở các quốc gia khác, chúng ta cần phải nỗ lực để hợp tác với nhau để cùng nhau hướng đến việc truyền bá giáo lý của đạo Phật.
Phó hiệu trưởng Đại học Buddhasravaka Bhiksu, Hòa thượng giáo sư Tumbulle Sri Seelakkhandha Nayake Thera, cũng đã phát biểu trong hội nghị rằng: Đây là một thời điểm vô cùng đặc biệt trong dịp kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo để chúng ta nhìn lại quá trình tiến bộ của Phật giáo từ trước cho đến nay. Sẽ vô cùng lợi ích cho loài người khi chúng ta chẩn đoán một cách đúng đắn những thách thức trên nhiều phương diện mà Phật giáo đã phải đối mặt với cả hai khía cạnh nội tại và ngoại tại trong hơn 2,5 thiên niên kỷ.
Giáo sư Ananda Wehihena Palliya Guruge, giáo sư nghiên cứu Phật giáo và trợ lý đặc biệt cho Hiệu trưởng Đại học Tây Lai, Los Angeles, Hoa Kỳ cho biết trong bài phát biểu của mình rằng, từ trước đến nay cộng đồng Phật giáo quốc tế vẫn chưa nhận ra được sự cần thiết đối với một cơ quan định hướng hành động nhằm khởi xướng và thực hiện sự nỗ lực tổng hợp để thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo. Những trường học truyền thống của Phật giáo và các tông phái Phật giáo đã phát triển một cách dân chủ và có tính phân cấp độc lập cao trong suốt chiều dài lịch sử.
Minh Nguyên (Theo Dailynews.lk)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ, số 631, ra ngày 3-3-2012)

Chùa Pho, ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Thái Lan

Một góc chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Chùa Pho (Wat Pho - từ “wat” trong tiếng Thái nghĩa là “chùa”), hay gọi một cách chính thống và đầy đủ là Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararm Rajwaramahaviharn, có thể gọi tắt là Wat Phra Chetuphon, là một ngôi chùa cổ rất nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chùa tọa lạc trên một khu đất có diện tích rộng đến 8 hecta (20 mẫu Anh), nằm về phía Nam của cung điện hoàng gia.
Wat Pho là ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Thái Lan, được xem như là ngôi chùa quan trọng nhất dưới thời vua Rama đệ I của triều đại Chakri. Sở dĩ chùa Pho có được vị thế quan trọng như thế là vì vào năm 1788, vua Rama đệ I đã cho tiến hành khôi phục lại một ngôi chùa cổ thuộc thời đại Ayudhya có tên là Wat Phodharam, và xác lập nó thành một ngôi chùa hoàng gia nằm gần với cung điện hoàng gia. Đến năm 1801, trong một buổi lễ diễn ra ở chùa, vua Rama đệ I đã đổi tên Wat Phodharam thành Wat Phra Chetuphon Vimolmangklavas, và tên này lại được đổi thành Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararm dưới triều đại của vua Rama đệ IV.
Tượng Phật trong chánh điện ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Tượng Phật nhập Niết-bàn vĩ đại ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Những họa tiết trên đôi bàn chân của tượng Phật nhập Niết-bàn - Ảnh: Q.Trí
Một góc chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Tháp chuông trong vườn tháp ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Vốn là một ngôi chùa của hoàng gia nên Wat Pho có rất nhiều pho tượng Phật thiêng liêng và quý giá, cùng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Trong đó, độc đáo và nổi tiếng nhất là pho tượng Phật nằm trong tư thế nhập niết bàn rất vĩ đại. Pho tượng đại Phật này có chiều dài đến 46 m, chiều cao 15 m, được đúc bằng thạch cao, phủ lên phần gạch bên trong, bên ngoài được phủ kín bằng vàng lá, và nằm trên một chiếc bệ cũng được dát vàng sáng chói, chung quanh được chạm khắc, trang trí rất công phu, sắc sảo. Phần mắt và chân của tượng Phật được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Hai lòng bàn chân của Phật có chiều cao 3 mét và dài 5 mét, trên ấy có những hình tượng hoa văn được khảm ngọc mô tả 108 tướng tốt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hai tròng con mắt của Đức Phật cũng được khảm ngọc trông rất có thần. Các bức tường xung quanh và cả bên trên trần của ngôi điện Phật cũng được trang trí tỉ mỉ, màu sắc hòa hợp với pho tượng Phật, tạo nên một không khí ấm cúng và trang nghiêm. Ánh sáng bên trong điện được điều tiết vừa phải, không quá sáng, tạo nên cảnh khung cảnh huyền ảo.
Công trình kiến trúc phải kể đến tiếp theo là ngôi chánh điện của chùa. Đây là nơi công phu tu tập hằng ngày của chư Tăng và là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo. Chánh điện của chùa là một tác phẩm mỹ thuật rất đặc sắc về nghệ thuật khảm ngọc. Các cửa phía Đông và Tây của chánh điện đều được khảm ngọc, và dọc theo tường của điện Phật đều có hàng loạt những hình chạm khắc phong cảnh trên đá sa thạch rất công phu, tỉ mỉ. Bên trong chánh điện tôn thờ pho tượng Phật lớn trong tư thế tọa thiền nhập định, được tôn trí trên một bệ thờ ba tầng hết sức tôn nghiêm. Bệ thờ được điêu khắc những hoa văn rất tinh xảo. Có một ít tro cốt của vua Rama đệ I được đặt ở dưới bệ của pho tượng Phật này.
Trong khuôn viên của chùa có rất nhiều ngôi tháp, với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Có thể nói đây là một vườn tháp có kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo, với những ngọn tháp nhọn cao vút, những cấu trúc, hình dáng và những đường nét hoa văn của các ngôi tháp sắc sảo, tinh tế và đẹp lạ thường. Trong vườn tháp này có một ngôi tháp vô cùng khác biệt so với các ngôi tháp khác, đó là một ngôi tháp chuông, nằm giữa một khoảng sân rộng thênh thang, trên một nền cao khoảng 5 mét được sơn màu trắng thanh khiết, có 12 bậc cấp đi lên. Các trụ và tường bao quanh quả chuông được khảm sành sứ với màu sắc thật hài hòa. Nếu bạn đến thăm Wat Pho vào một buổi sáng trời trong xanh, dịu mát và dạo trong vườn tháp của chùa, ngắm nhìn những mái ngói đỏ tươi, những đường nét hoa văn tinh xảo, những mô hình kiến trúc đọc đáo và những ngọn tháp cao chót vót giữa nền trời xanh trong, thì dù cho bạn là một người khó tính đến đâu, bạn cũng phải thán phục trước tài hoa của những con người đã tạo nên các công trình kiến trúc vô cùng độc đáo này.
Bên cạnh đó, trong khuôn của chùa còn có một khu bảo tàng lớn, là nơi gìn giữ và trưng bày triển lãm những tượng Phật, kinh thư, thư tịch, bích họa, pháp cụ, pháp khí có niên đại cổ xưa, trong đó đáng kể nhất là hơn 350 bức tượng Phật mạ vàng trong tư thế tạo thiền được bố trí theo từng hàng, từng lớp trông thật uy nghi và tuyệt đẹp.
Một điều khá thú vị là trước khi thành lập ngôi chùa này thì khu đất ấy vốn là khuôn viên của một trung tâm giáo dục đào tạo y khoa cổ truyền Thái Lan. Chính vì lý do này mà dưới thời của vua Rama đệ III, các tấm bản khắc ghi những bài học về y khoa được đặt xung quanh chùa. Hiện tại, trên những bức tường chạy dọc theo con đường dẫn đến ngôi điện thờ tượng Phật nhập niết bàn có treo rải rác những thẻ bài ghi tên các vị thuốc chữa các chứng bệnh khác nhau. Điều này xác chứng rằng, y học dân tộc chẳng có gì là bí truyền cả, đó là những bài thuốc hay mà tất cả mọi người đều có thể biết và áp dụng. Wat Chetuphon từng được các vị vua đầu tiên của triều đại Chakri xem là cội nguồn của nền giáo dục phổ thông của vương quốc, nên ngôi chùa này được gọi là "Trường Đại học đầu tiên của Thái Lan".
Với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với những di sản văn hóa, lịch sử có giá trị và đặc biệt là pho tượng Phật trong tư thế nhập Niết-bàn mạ vàng vĩ đại, Wat Pho ngày càng thu hút đông đảo khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, và trở thành một điểm đến du lịch tâm linh lý tưởng. Khi đặt chân đến xứ sở chùa vàng Thái Lan, nếu muốn được vào viếng thăm các ngôi chùa hay là cung điện Hoàng gia Thái Lan, có một điều mà tất cả mọi du khách đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là tất cả mọi người, dù nam hay nữ, đều phải mặc trang phục chỉnh tề, trang nghiêm và kín đáo. Đấy là một điều được ghi rõ trong bảng nội quy dành cho khách hành hương, du lịch tại các chùa và cung điện hoàng gia, nếu ai không tuân thủ thì sẽ không được vào.
Minh Nguyên (Theo Watpho.com)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ, số 630, ra ngày 25-2-2012)

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!