Để sống có hạnh phúc

 
LTS: Vào ngày 15-3-2012, Tăng đoàn tu viện Namyal - tu viện của Đức Dalai Lama tại Dharamsala, Ấn Độ - do ngài Tu viện trưởng Thamthog Tulku Rinpoche làm trưởng đoàn, đã đến thăm Tòa soạn Báo Giác Ngộ. Trong buổi gặp gỡ ấy, ngài Thamthog đã chia sẻ những kinh nghiệm tu tập để có được sự hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Nay chúng tôi lược ghi lại để giới thiệu cùng bạn đọc.
Mặc dù chúng ta có những nền văn hóa khác nhau, có tông phái và pháp môn tu tập khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, hình thể khác nhau… nhưng trên tất cả, chúng ta đều là đệ tử của Phật, là những người tu học theo giáo lý của Đấng Giác Ngộ, đều hướng đến một mục đích chung là tìm kiếm hạnh phúc, giải thoát cho tự thân và cho tha nhân.
Trong rất nhiều giáo lý mà Đức Phật đã dạy thì giáo lý Duyên khởi là một trong những giáo lý trọng tâm của đạo Phật. Theo tinh thần giáo lý Duyên khởi, tất cả các pháp trên thế gian này đều do các nhân duyên hội tụ mà sinh ra, nương vào nhau mà tồn tại chứ không do một đấng Sáng tạo nào tạo ra cả. Chiến tranh hay hòa bình ở các quốc gia trên thế giới, sự giàu có hay nghèo đói, hạnh phúc hay đau khổ của con người đều do các duyên mà sinh khởi, không phải ngẫu nhiên mà có. Và trong đó, con người là nhân tố đóng vai trò chủ đạo. Có nhiều lúc chúng ta khổ đau mà không hiểu tại sao mình bị khổ đau, không rõ nguyên nhân do đâu, cho nên mình không biết cách giải quyết. Một khi chúng ta đã hiểu được cội nguồn chính yếu của mọi khổ đau của chúng ta là ở nơi chính mình, ở nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, tự mình làm cho mình hạnh phúc và cũng chính mình làm cho mình khổ đau chứ không ai khác, thì chúng sẽ biết phương pháp để đoạn trừ khổ đau và làm tăng trưởng hạnh phúc. Nhờ vậy mà tâm ta được an bình hơn và cuộc sống tươi đẹp hơn.  
Thường thì chúng ta hay đổ thừa trách nhiệm lên người khác đối với những khổ đau của mình. Chúng ta nghĩ do người này làm mình khổ đau, người kia làm cho mình bất an, người nọ làm cho mình nổi cáu… chứ hiếm khi nghĩ là do mình nghĩ bậy, làm bậy, do sự thiếu sáng suốt, do tham sân, chấp ngã trong tâm mình tạo ra; do tâm nghĩ điều xấu, miệng nói lời ác, thân làm việc bất thiện cho nên bây giờ mình chịu quả báo khổ đau. Đến khi nào mình dám nhìn thẳng vào sự thật, dám chịu trách nhiệm về những khổ đau của mình, thấy được những khổ đau ấy là do những bất thiện nghiệp từ thân, khẩu, ý của mình tạo ra thì mình sẽ biết cách điều chỉnh những ý nghĩ, lời nói và hành vi của mình cho phù hợp với Chánh đạo, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức mà Thế Tôn đã dạy, thì lúc đó chúng ta sẽ có được hạnh phúc trong cuộc sống.
Có một lời dạy hết sức quan trọng mà Đức Phật đã dạy cho tất cả mọi người, đó là: Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng làm lợi ích cho tất cả muôn loài, dù chúng ta làm gì hay trong bất cứ trường hợp nào cũng đều phải nghĩ đến sự an vui, hạnh phúc của người khác. Nếu như chúng ta không thể đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác thì ít nhất là chúng ta không được gây tổn hại đến người khác.
Để hoàn thiện bản thân thì chúng ta phải biết tự kiểm soát chính mình. Từ sáng sớm thức dậy cho đến khi đi ngủ, chúng ta phải nhìn lại xem mình đã có những ý nghĩ gì, đã nói những gì và làm những gì? Xem xem là mình có nói những lời hay, có nghĩ những điều tích cực, có làm những việc tốt không, hay là mình đã nói những lời xấu ác, nghĩ những điều tiêu cực, thâm hiểm và làm những việc gây tổn hại người khác? Chúng ta phải tự quán xét, tự đánh giá mỗi ngày và liên tục như thế thì chúng ta sẽ biết được những gì đem đến hạnh phúc cho mình và người, và những gì gây khổ đau cho mình và người. Và chúng ta cố gắng trong mỗi ngày đều nghĩ những điều tốt, nói những điều hay và làm những việc thiện, loại bỏ dần những nghiệp nhân bất thiện. Đấy chính là phương pháp để chúng ta hành trì. Bởi vì, chỉ có chúng ta mới biết rõ bản thân mình hơn ai hết. Mình nghĩ gì, nói gì và làm gì thì mình đều có thể nhận diện được một cách rõ ràng. Tự kiểm nghiệm bản thân là vấn đề quan trọng nhất để hoàn thiện nhân cách, để tiến triển trong nếp sống tâm linh. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lại xem mình đang nghĩ những gì, những ý nghĩ tốt sinh khởi nhiều hơn hay những ý nghĩ xấu nhiều hơn. Nếu những ý nghĩ xấu nhiều hơn thì chúng ta cần tìm cách giảm thiểu, nếu những ý nghĩ tốt nhiều thì chúng ta tìm cách phát huy. Rồi chúng ta quán sát, nhận diện những lời nói và hành vi của mình để thanh lọc và điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, tốt lành. Nếu chúng ta làm được những việc đó mỗi ngày, kéo dài đến một tháng, hai tháng, hay một năm, hai năm thì chúng ta sẽ thấy có một sự thay đổi lớn trong dòng tâm thức của mình, trong lời nói và hành vi của mình. Và lúc đó chúng ta sẽ sống bình an và hạnh phúc hơn, đồng thời chúng ta đem đến lợi ích cho nhiều người hơn.
Ngày nay, toàn thế giới đang chạy theo vấn đề vật chất, ở Việt Nam cũng thế. Bởi nhiều người nghĩ rằng, khi chúng ta dồi dào về vật chất, có đầy đủ các tiện nghi, các phương tiện hiện đại thì chúng ta sẽ có hạnh phúc. Chính vì thế mà nhiều người cố gắng tạo ra thật nhiều của cải vật chất, cố gắng tích góp thật nhiều phương tiện hiện đại, như là nhà lầu, xe hơi, máy bay, các thiết bị điện tử siêu xịn… Thế nhưng, một khi họ có được những thứ đó rồi thì họ vẫn đau khổ như thường, họ vẫn cảm thấy bất an, cảm thấy căng thẳng, cô đơn, âu sầu, phiền muộn… Tại vì, vật chất chỉ có giá trị tương đối mà thôi, nó không phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc của mỗi người. Hạnh phúc hay khổ đau đều do đời sống nội tâm của con người cả. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hoàn toàn giá trị của vật chất, chúng ta không cố gắng tạo ra của cải, vật chất để đưa xã hội phát triển. Chúng ta vẫn phát triển công nghệ, vẫn sản xuất vật chất, vì vật chất là điều kiện cơ bản để chúng ta có cuộc sống ổn định, là điều kiện cần để có hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta phải dành thời gian để chăm lo đời sống tâm linh của mình, phải nuôi dưỡng tâm thức của mình bằng những dưỡng chất thanh cao, tốt đẹp. Chúng ta phải chăm chút cho đời sống nội tâm của mình, để chúng ta có được sự an bình, hạnh phúc. Nhờ vậy mà chúng ta có thể đem lại an bình, hạnh phúc cho những người thân yêu, bạn bè, đồng nghiệp của mình và những người xung quanh. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, nếu tâm chúng ta đầy những khổ đau, muộn phiền thì chúng ta khó lòng đem đến an vui, hạnh phúc cho người khác. Khi chúng ta dồi dào về vật chất, đầy đủ các tiện nghi hiện đại, nhưng tâm chúng ta đầy sân hận, đầy những tham lam, tật đố, đầy kiêu căng, ngạo mạn thì những thứ của cải, vật chất đó vẫn không giúp ích gì cho ta trong việc chuyển hóa tâm mình, không giúp cho ta có được sự bình an ở trong lòng. Chúng ta chỉ có được hạnh phúc khi những tham lam, sân hận, kiêu căng ở trong lòng được giảm thiểu, được chuyển hóa. Nhờ vào giáo pháp của Phật, chúng ta có thể làm được việc này. Vì những phiền não, những tham, sân, si ấy vốn không phải là bản chất của tâm, chúng do duyên sanh, do các yếu tố bên ngoài góp phần tạo nên. Do vậy, chúng ta có thể chuyển hóa chúng nhờ vào con đường Giới - Định - Tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy. Chúng ta phải nhận diện và chuyển hóa những bất thiện nghiệp khi chúng vừa dấy lên trong tâm mình, đừng để cho chúng bộc phát ra bên ngoài, để rồi làm khổ mình, làm hại người.
Xét về phương diện xã hội, tất cả mọi người trong cuộc đời này đều phụ thuộc vào nhau, nương nhau để tồn tại, chứ không ai có thể tồn tại một cách hoàn toàn độc lập được, bởi vì luật duyên khởi mang tính phổ quát, chi phối đến tất cả mọi người, mọi loài. Cũng chính vì mọi người nương vào nhau để tồn tại cho nên hạnh phúc hay đau khổ của người này có sự ảnh hưởng và tùy thuộc vào hạnh phúc hay khổ đau của người khác. Chúng ta không thể nào có được hạnh phúc khi mà những người thân của mình, những người xung quanh mình đang đau khổ. Cho nên, những bậc hiền trí luôn tìm cách làm lợi ích cho người khác, luôn làm cho người khác được hạnh phúc, và khi người khác có hạnh phúc thì chính bản thân những bậc hiền trí ấy cũng được hạnh phúc theo và khi ấy niềm hạnh phúc của họ được nhân lên rất nhiều. Hơn nữa, bản thân mình chỉ là số ít, và mọi người trong xã hội mới là số đông. Chúng ta hãy sống vì hạnh phúc và lợi ích cho số đông, đấy mới là vấn đề quan trọng. Nếu chúng ta vì lợi ích cá nhân mà tổn hại đến lợi ích của tâp thể thì chúng ta khó lòng có được hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta lo cho hạnh phúc của số đông thì hạnh phúc của chúng ta sẽ được bền vững hơn, sẽ đến một cách rất tự nhiên và được tăng lên rất nhiều.
Có một thực tế là người nào sống vì cộng đồng, luôn giúp đỡ mọi người, chăm lo cho hạnh phúc của người khác thì người đó thường dễ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Tại vì họ thường giúp đỡ người khác, xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội tốt đẹp, cho nên khi họ làm bất cứ việc gì, hoặc cần đến sự giúp đỡ thì đều nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Và những người như thế thì không những hiện tại họ sống hạnh phúc, an vui, thành công trong cuộc sống mà những kiếp sống tương lai của họ cũng sẽ được hạnh phúc. Còn với những người ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân thì thường khó thành công, khó có được hạnh phúc, và luôn sống trong lẻ loi, đơn độc.
Ngày nay, Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi trên khắp năm châu, rất nhiều người phương Tây quay về nghiên cứu và tu học theo giáo lý của Đức Phật. Và theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, giáo lý của đạo Phật ngày càng thể hiện rõ giá trị và vai trò của mình đối với nhân loại, đối với niềm an lạc và hạnh phúc của mỗi người. Kho tàng giáo lý của Phật giáo trở thành bảo vật vô cùng quý giá của toàn nhân loại. Vì thế, những người con Phật như chúng ta cần phải chuyên tâm tu học, phải hành trì miên mật, phải bảo tồn, phát huy và truyền bá Chánh pháp đến với mọi người, nhất là với thế hệ trẻ, để góp phần đem lại hạnh phúc cho muôn loài và tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
Thamthog Tulku Rinpoche - Quảng Trí lược ghi
(Nguồn: Báo Giác Ngô, số 639, số đặc biệt mừng Phật đản, ra ngày 28-4-2012)              

Tu viện Paro Taktsang, thánh địa linh thiêng nhất tại Bhutan

Tu viện Paro Taktsang là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan. Gọi một cách đầy đủ là tu viện Taktsang Palphug, còn được biết đến dưới tên tiếng Anh là The Tiger's Nest Monastery (Tu viện Hang Cọp). Tu viện tọa lạc trên một vách núi đá granit cao ngất giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro, có độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, khoảng 900m so với thung lũng Paro. Nơi này được tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan đặc biệt tôn kính bởi vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh).
Lần đầu tiên ngài Liên Hoa Sinh đến Bhutan là vào năm 746. Lúc ấy ngài đang ở Ấn Độ và được vua Sindhu Raja mời đến Bumthang để trị bệnh cho vua, vì nhà vua đang lâm trọng bệnh. Sau khi ngài đến Bhutan, ngài đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và từ đó nhà vua phát tâm quy y theo Phật. Chữa bệnh và quy y cho nhà vua xong thì ngài quay trở lại Ấn Độ và hứa là sẽ trở lại Bhutan để hoằng truyền Chánh pháp, giáo hóa cho người dân Bhutan.
Một năm sau (năm 747), ngài Liên Hoa Sinh được vua Thrisong Deutsen thỉnh đến Tây Tạng để hỗ trợ cho đức vua trong việc xây dựng tu viện Samye. Rồi từ Tây Tạng, ngài quyết định sang thăm Bhutan. Trong chuyến thăm Bhutan lấn thứ hai này, ngài đã đi hoằng hóa khắp đất nước Bhutan và chúc phúc cho nhân dân. Trong khi ngài đang ở Singye Dzong inKurtoe, Bhutan, người ta cho rằng ngài đã bay đến Paro Taktsang dưới hình dạng hóa thân của thần Dorji Drolo cưỡi trên lưng con hổ cái. Thần Dorji Drolo được xem là một trong tám hóa thân của ngài.
Truyện kể rằng, trước khi ngài đến, khắp đất nước Bhutan bị khống chế bởi những linh hồn tàn ác. Khi ngài đến thì ngài đã chế ngự được những linh hồn tàn ác đó và khuyến hóa chúng để chúng không quấy nhiễu nhân dân nữa, chúng lại còn phát nguyện làm những vị thần bảo hộ cho đất nước Bhutan.
Khi ngài Liên Hoa Sinh đến Paro Taktsang, ngài đã hành thiền trong các hang động tại đấy trong vòng ba tháng và ngài còn xác chứng Paro Taktsang là nơi thiêng liêng nhất trong những thánh địa ở Bhutan. Ngài Liên Hoa Sinh được xem là vị tổ khai sinh của Phật giáo Bhutan và cũng là vị thần bảo hộ của nhân dân Bhutan.
Tu viện Paro Taktsang được xây dựng xung quanh động Taktsang Senge Samdup, nơi được cho là ngài Liên Hoa Sinh đã tọa thiền trong vòng ba tháng lúc ngài đến tịnh tu tại Paro Taktsang vào thế kỷ thứ VIII.
Đến thế kỷ thứ 11, nhiều cao tăng người Tây Tạng đã đến núi Taktsang để hành thiền. Từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 17, nhiều vị Lama Tây Tạng đã đến Bhutan và rồi sáng lập ra nhiều tu viện tại đấy. Ngôi điện Phật đầu tiên được xây dựng ở khu vực Paro Taktsang là vào thế kỷ thứ 14, do ngài Sonam Gyeltshen tạo dựng. Ngài Sonam Gyeltshen là một vị chân sư Mật tông Tây Tạng, thuộc nhánh Kathogpa. Tuy nhiên, đến nay thì ngôi điện Phật ấy không còn dấu vết nào cả.
Vào năm 1692, trong chuyến viếng thăm thánh tích Paro Taktsang, ngài Druk Desi Tenzin Rabgye đệ tứ đã đặt nền móng xây dựng một tu viện tại Paro Taktsang để tưởng niệm ngài Liên Hoa Sinh. Từ đó trở đi, tu viện Paro Taktsang đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Vào ngày 19-4-1998, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi điện chính của quần thể tu viện Paro Taktsang. Nhiều bức tranh, bức tượng giá trị và một số cổ vật khác cũng bị ngọn lửa thiêu đốt. Sau cơn hỏa hoạn, quốc vương Bhutan, vua Jigme Singye Wangchuck, cùng với chính phủ Bhutan đã chỉ đạo công việc trùng tu Tu viện Paro Taktsang. Công việc trùng tu được hoàn thành vào năm 2005.
Hiện tại, quần thể tu viện Paro Taktsang trông rất hùng vĩ, bề thế ở trên vách núi đá. Vách núi hết sức cheo leo, có thể nói là dựng đứng. Quần thể tu viện gồm có bốn ngôi điện chính và những khu nhà ở được thiết kế một cách khéo léo, tùy biến theo địa thế của các vách núi đá, các hang động. Xung quanh khu vực của tu viện Paro Taktsang hiện có tám hang động, trong đó có bốn cái thì dễ dàng vào thăm, bốn cái kia thì khó hơn. Tu viện dựng cheo leo trên vách núi và được ví “như là hình ảnh con tắc kè đang bám vào vách núi”. Các ngôi điện của tu viện được nối với nhau bằng những bậc cấp và những lối đi được lát bằng đá. Bên cạnh đó, trên các lối đi còn có một vài cây cầu bằng gỗ yếu ớt. Xung quanh mỗi ngôi điện còn có những ban công, đấy là nơi lý tưởng cho du khách ngắm nhìn thung lũng Paro tuyệt đẹp ở phía dưới.
Có một vài con đường khác nhau dẫn lên tu viện Paro Taktsang. Xung quanh tu viện là cả một rừng thông bạt ngàn. Một nét rất đặc trưng của các tu viện Mật tông Tây Tạng là có rất nhiều dây cờ phướn màu sắc sặc sỡ, in những lời kinh cầu nguyện, những câu thần chú, được giăng xung quanh tu viện cũng như trên lối đi dẫn lên tu viện. Có những ngày, toàn bộ tu viện Paro Taktsang và ngọn núi Taktsang chìm vào trong những đám mây, tạo nên một không gian u tịch, huyền diệu. Nếu ai đến thăm tu viện vào những dịp ấy thì sẽ có cảm giác như là đang lạc vào một cảnh giới u huyền, thâm hiểm nào đó vậy.
Trên con đường dẫn lên tu viện Paro Taktsang, có ngôi làng Lakhang và ngôi chùa Urgyan Tsemo tọa lạc một khu núi đá khá bằng phẳng. Từ địa điểm này mà nhìn thì những ngôi điện của tu viện Paro Taktsang nằm ở vách núi đối diện. Đấy là một nơi lý tưởng để cho du khách thỏa sức ngắm nhìn tu viện Paro Taktsang và cảnh núi non hùng vĩ, cùng lắng nghe tiếng thác đổ như phá tan sư yên tĩnh của núi rừng. Dọc lối mòn dẫn lên tu viện Paro Taktsang có một thác nước có độ cao 60m và đổ vào một cái hồ thiêng, người ta đã bắc một cây cầu để đi qua hồ này. Đường đi chấm dứt tại ngôi điện chính của tu viện. Tại đấy, mọi người có thể nhìn thấy hang động mà năm xưa ngài Liên Hoa Sinh đã hành thiền trong ba tháng. Động này chỉ mở cửa cho du khách vào chiêm bái mỗi năm một lần duy nhất mà thôi. Đấy là vào dịp lễ hội hàng năm vào tháng thứ năm theo lịch của người Bhutan. Lễ hội này kéo dài trong vòng 21 ngày.
Tại tu viện Paro Taktsang còn có những thứ mà du khách đáng lưu tâm, cần chiêm ngưỡng, đó là những bức tranh vẽ, những bức tranh Thangka được treo xung quanh tường của các ngôi điện, và những bức bích họa trên các vách động, vách núi. Những bức tranh, những bức bích họa ấy miêu tả chân dung ngài Liên Hoa Sinh, sự tu hành và hoằng hóa của ngài, có cả những vị Phật, Bồ-tát, những vị thần trong Phật giáo và trong văn hóa dân gian Bhutan.
Người ta tin rằng, nếu chúng ta hành thiền tại tu viện Paro Taktsang trong vòng một phút thì thành quả đạt được có thể bằng so với khi chúng ta hành thiền mấy tháng liền ở những nơi khác. Paro Taktsang là một thánh địa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người dân Bhutan trong suốt chiều dài lịch sử mười mấy thế kỷ qua và có lẽ là mãi mãi về sau.
Ngày nay, khi chính sách ngoại giao và du lịch của Bhutan đang dần mở cửa, ngày càng có nhiều du khách đến thăm tu viện Paro Taktsang và chiêm bái hang động tu hành của ngài Liên Hoa Sinh. Tu viện Paro Taktsang trở thành một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua đối với khách hành hương khi họ đến Bhutan. 
Quảng Trí 
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ số 194, ra tháng 5-2012)

Chùa Kyaiktiyo, kỳ quan huyền bí của Phật giáo Myanmar

Chùa Kyaiktiyo (còn gọi là chùa Đá Vàng) là một trong 3 điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Myanmar (hai điểm kia là chùa Shwedagon và chùa Mahamuni). Chùa Kyaiktiyo chỉ là một ngôi chùa nhỏ, cao 7,3m, tọa lạc trên đỉnh của một tảng đá lớn được phủ bởi các miếng vàng lá do khách hành hương dán lên khi mỗi đến viếng thăm chùa. Cả ngôi chùa và tảng đá đều nằm cheo leo trên đỉnh của ngọn núi Kyaiktiyo. Núi Kyaiktiyo có độ cao là 1.100m so với mực nước biển, nằm gần thị trấn Kyaiktiyo, quận Thaton, tỉnh Mon, Myanmar.
Theo truyền thuyết, trong một lần đến thăm Myanmar, Đức Phật đã tặng một sợi tóc của  mình cho vị ẩn sĩ tên là Taik Tha. Vị ẩn sĩ này đã giữ gìn sợi tóc của Phật rất cẩn thận. Trước khi qua đời, ông trao sợi tóc lại cho người con nuôi là vua Tissa, vị vua cai trị Myanmar vào thế kỷ thứ XI, với lời trăn trối: Hãy cất giữ xá lợi ấy trong một hòn đá có hình dáng như đầu của vị ẩn sĩ. Vâng lời cha và nhờ sự giúp đỡ của các thần linh, vua Tissa đã tìm thấy tảng đá vàng nằm trên đỉnh núi Kyaiktiyo, và vua đã xây một ngôi chùa trên đỉnh của tảng đá để tôn thờ xá lợi Phật. Người ta tin rằng, chính nhờ có sợi tóc của Đức Phật mà tảng đá này vẫn nằm yên bất động trong một vị thế hết sức cheo leo qua hàng mấy thiên niên kỷ. Tảng đá cheo leo ấy như thách thức trước lực hút của trái đất và trước quy luật thăng bằng của tự nhiên, như thể là có một năng lực siêu nhiên nào đó đang chống đỡ, đang giữ thăng bằng cho tảng đá. Chính vì điều này mà người ta đã gọi tảng đá này là “Tảng Đá Thiêng” và tất cả mọi khách hành hương mỗi khi đến thăm chùa Kyaiktiyo đều phủ phục kính lễ trước tảng đá thiêng liêng này.
Khoảng thời gian kỳ ảo nhất trên đỉnh núi là lúc ánh tà dương sắp tắt và lúc ánh bình minh vừa ló dạng. Những lúc ấy, ánh mặt trời rực rỡ chiếu vào tảng đá, tạo nên một không gian tâm linh vô cùng huyền ảo và thiêng liêng. Những lúc ấy cũng là lúc mà rất nhiều người đến cầu nguyên và kính lễ xung quanh tảng đá thiêng. Từ chân núi Kyaiktiyo có những con đường khác nhau dẫn lên chùa Kyaiktiyo. Lên gần đến đỉnh núi thì có hình hai con sư tử lớn án ngự hai bên lối đi vào chùa. Từ vị trí này, tất cả các du khách, tín đồ Phật tử đều phải cởi giáy dép và leo bộ lên núi bẳng đôi chân trần. Theo truyền thống của Phật giáo Myanamr, chỉ có người nam mới được phép đến gần khu vực tảng đá vàng để có thể chạm vào tảng đá hoặc dát những lá vàng miếng lên tảng đá, hoặc áp đầu vào tảng đá và cầu nguyện. Còn người nữ thì không được đi vào khu vực tảng đá vàng, nên họ chỉ có thể lặng lẽ dâng vật cúng lên các bàn thờ rồi đứng từ xa để chiêm ngưỡng, kính lễ và cầu nguyện.
Ngày nay, chùa Kyaiktiyo không chỉ điểm hành hương nổi tiếng của tín đồ Phật giáo ở tỉnh Mon, Myanmar, mà còn là điểm đến quan trọng trong lộ trình hành hương của du khách trong nước cũng như quốc tế. Chùa Kyaiktiyo ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hành hương, du lịch. Và tảng đá thiêng càng trở nên kỳ bí hơn đối với khách thập phương.

Quảng Trí
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ số 637, ra ngày 14-4-2012)


Đức Dalai Lama được trao giải thưởng Templeton 2012


Đức Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo Tây Tạng, đã từng tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của khoa học và xã hội. Những đóng góp và sự tham gia ấy vượt xa ngoài truyền thống tôn giáo của Ngài. Chính điều này mà Ngài trở thành tiếng nói quốc tế về những vấn đề đạo đức toàn cầu, bất bạo động, và sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới mà không một ai có thể so sánh được. Cũng chính vì thế mà năm nay, Quỹ John  Templeton đã quyết định trao giải thưởng cao quý của mình cho Ngài Dalai Lama.
Giải thưởng Templeton do nhà đầu tư toàn cầu và nhà từ thiện John Templeton thành lập vào năm 1972. Giải thưởng là nền tảng của những nỗ lực quốc tế của Quỹ John Templeton nhằm phục vụ như là một chất xúc tác từ thiện cho những khám phá liên quan đến các câu hỏi lớn của mục đích con người và thực tại tối hậu.
Giá trị tiền mặt của giải thưởng được thiết lập luôn luôn vượt quá Giải thưởng Nobel nhằm nhấn mạnh rằng, lợi ích từ những khám phá làm sáng tỏ những nghi vấn tâm linh có thể lớn hơn về mặt định lượng so với những khám phá từ những sự nỗ lực đáng giá khác của con người.
Trong nhiều thập kỷ, Đức Dalai Lama thứ 14, Tenzin Gyatso, 76 tuổi, đã mạnh mẽ tập trung vào những sự liên kết giữa các truyền thống nghiên cứu của khoa học và Phật giáo, xem đấy như là một cách tốt hơn để hiểu và nâng cao những giá trị mà cả Phật giáo và khoa học có thể đóng góp cho thế giới.
Cụ thể, Ngài khuyến khích việc xem xét và kiểm nghiệm một cách khoa học và nghiêm túc về sức mạnh của lòng từ bi và tiềm năng rộng lớn của nó để hướng đến việc giải quyết vấn đề cơ bản của thế giới.
Trong quá trình nghiêm cứu đó, Ngài đặt ra những câu hỏi lớn, chẳng hạn như: Có thể huấn luyện hay giảng dạy về lòng từ bi cho con người không? Những câu hỏi ấy phản ánh sự quan tâm sâu sắc của người sáng lập giải thưởng Templeton, ông John Templeton, trong việc tìm kiếm phương thức để có thể sử dụng các phương pháp khoa học vào nghiên cứu những lời khẳng định thuộc về tâm linh, để rồi từ đó có thể thúc đẩy sự tiến bộ tâm linh mà giải thưởng Templeton đã công nhận trong 40 năm qua.
Văn phòng giải thưởng Templeton của Quỹ John Templeton ở West Conshohocken, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ đã chính thức thông báo về việc trao giải thưởng Templeton đến Ngài Dalai Lama vào sáng ngày 30-3-2012 trên trang web www.templetonprize.org, và thông báo qua email đến các nhà báo, và trên trang mạng xã hội Twitter thông qua tên tài khoản @TempletonPrize.
Giải thưởng sẽ được trao đến Đức Dalai Lama trong một buổi lễ tại nhà thờ St. Paul ở London vào chiều thứ Hai, ngày 14-5-2012. Một cuộc họp báo với người đoạt giải thưởng Templeton 2012 sẽ được tổ chức trước khi diễn ra buổi lễ trao giải. Cả hai sự kiện này sẽ được phát trực tiếp tại trang web www.templetonprize.org và trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Những hình ảnh của các sự kiện này cũng được đăng tải trên trang web ấy.
Giải thưởng Templeton trị giá 1,1 triệu bảng Anh (khoảng 1,7 triệu USA). Đây là giải thưởng hàng năm có giá trị tiền mặt lớn nhất trên thế giới, trao cho một cá nhân để vinh danh một người đang sống mà đã có những đóng góp đặc biệt trong việc khẳng định chiều hướng tâm linh của cuộc sống, hoặc thông qua tuệ giác sâu sắc, hay sự khám phá, hoặc là các công việc thực tế.
Trong lời thông báo, người ta đã ca ngợi những cống hiến của Đức Dalai Lama trong việc xây dựng những nhịp cầu của sự tin tưởng phù hợp với lòng mong ước của vô số triệu người trên toàn cầu.
Tiến sĩ John M. Templeton, Chủ tịch Quỹ Templeton John và là con trai của người sáng lập giải thưởng Templeton, phát biểu: “Cùng với xu thế ngày càng phụ thuộc vào những tiến bộ công nghệ để giải quyết các vấn đề của thế giới, nhân loại cũng đang cố gắng có được sự an lòng mà chỉ có sự tìm kiếm tâm linh mới có thể đáp ứng được. Đức Dalai Lama nói lên tiếng nói toàn cầu về lòng từ bi, và lòng từ bi ấy được củng cố bằng tình thương yêu và sự tôn trọng đối với những nghiên cứu khoa học có liên quan đến vấn đề tâm linh và nghiên cứu đó tập trung vào cá nhân mỗi người”.
Ông John M. Templeton cũng nhấn mạnh rằng, kỷ lục xuất sắc của Ngài Dalai Lama đối với những phát triển tâm linh, đạo đức và trí tuệ được thừa nhận bởi chín vị trong Ban khảo xét của giải thưởng, những người đại diện cho nhiều ngành học, nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Thường thì mỗi năm có từ 15 đến 20 ứng cử viên được đề cử và sau đó mỗi cá nhân nộp hồ sơ riêng biệt. Ban khảo xét của giải thưởng đánh giá độc lập với nhau rồi từ đó tính điểm và quyết định chọn ra một người để trao giải thưởng.
Khi được thông báo là được trao giải thưởng Templeton, Đức Dalai Lama đã phát biểu một cách khiêm tốn rằng: "Khi tôi nghe quý vị quyết định trao giải thưởng khá nổi tiếng này cho tôi, tôi thực sự cảm thấy đây là một dấu hiệu của sự công nhận về những đóng góp nhỏ nhoi của tôi cho nhân loại, chủ yếu là về vấn đề bất bạo động và sự thống nhất giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau".
Trong đoạn video ngắn trên trang web của giải thưởng, Đức Dalai Lama đề cập đến các vấn đề quan trọng và Ngài kêu gọi nhân loại hãy nắm lấy lòng từ bi như là một con đường dẫn đến hòa bình, cả ở cấp độ cá nhân và trên quy mô toàn cầu, Ngài nói: "Bạn có thể phát triển cảm giác quan tâm đến hạnh phúc của người khác một cách chân thành, kể cả với kẻ thù của bạn. Lòng từ bi không thiên vị, không giới hạn đó cần đến sự rèn luyện và sự tỉnh giác".
Mục sư Michael Colclough tại nhà thờ St. Paul hoan nghênh sự kiện này thông qua lời phát biểu: "Một tiếng nói không bạo lực của hòa bình và lý trí trong một thế giới thảm họa, Đức Dalai Lama đại diện cho các giá trị cốt lõi được yêu chuộng bởi nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Giải thưởng Templeton sẽ được trao đến Đức Dalai Lama dưới mái vòm của nhà thờ St. Paul. Đấy là như một lời nhắc nhở rằng, việc hướng đến hòa bình và hòa hợp là sự thách thức thực tế và thuộc về tâm linh đối với tất cả các cộng đồng tôn giáo".
Đức Dalai Lama không có lạ gì với những danh hiệu và các giải thưởng, với các điểm số đi liền với tên của mình. Năm 1989, Ngài đã được trao giải Nobel Hòa bình bởi cuộc vận động bất bạo động như là con đường giải phóng cho đất nước Tây Tạng. Ngài trở thành người thứ hai vừa nhận giải thưởng Templeton và giải Nobel Hòa bình. Mẹ Teresa đã nhận được giải thưởng Templeton vào năm 1973, sáu năm sau thì bà nhận giải thưởng Nobel.
Trong nhiều nỗ lực, thì sự nỗ lực thành công nhất của Ngài Dalai Lama là việc thành lập Viện Tâm thức và Đời sống (Mind & Life Institute), Ngài đồng sáng lập vào năm 1987, nhằm thiết lập sự hợp tác nghiên cứu giữa khoa học và Phật giáo. Viện tổ chức các hội nghị về những chủ đề như khoa học thiền quán, những xúc cảm tiêu cực và biện pháp chữa trị, ý thức và sự chết... Mặc dù khởi sự với những vấn đề hàn lâm khá trầm lắng, nhưng sau đó thì viện đã phát triển thành những sự kiện quần chúng rất phổ biến.
Năm 2005, sau một loạt các cuộc đối thoại tại Đại học Stanford giữa Đức Dalai Lama và các nhà khoa học trong các lĩnh vực của khoa học thần kinh, tâm lý học, y học…, Đại học Stanford đã trở thành địa điểm của Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục lòng từ bi và lòng vị tha. Cuộc đàm luận liên ngành đã thừa nhận rằng, sự phối hợp giữa khoa học nhận thức và thiền quán truyền thống của Phật giáo có thể đóng góp vào sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc của con người. Hiện tại, trung tâm hỗ trợ và tiến hành nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc về tâm từ bi và hành vi của lòng vị tha.
Nhiều trong số các hội thảo ấy đã dẫn đến sự ra đời của những cuốn sách bán chạy nhất do Đức Dalai Lama viết hoặc là do Ngài cùng viết với một số người khác viết, chẳng hạn như Nghệ thuật sống hạnh phúc (The Art of Happiness - 1998), Vũ trụ trong một đơn nguyên tử (The Universe in a Single Atom - 2005), và Đức Dalai Lama tại MIT (The Dalai Lama at MIT - 2006). Cho đến nay, Ngài là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 70 cuốn sách.
Tình yêu khoa học của Đức Dalai Lama cũng được chứng minh trong Chương trình Khoa học dành cho các Tăng sĩ. Chương trình này được xây dựng vào năm 2001 nhằm giảng dạy khoa học tại các trung tâm tu viện Phật giáo nghiên cứu chuyên sâu ở Ấn Độ. Chương trình với sự tham gia của các nhà khoa học Ấn Độ và phương Tây để khám phá những mối liên hệ giữa các truyền thống Phật giáo Tây Tạng và khoa học, và dạy phương pháp nghiên cứu khoa học trong vật lý học, cơ học lượng tử, vũ trụ học, sinh học, khoa học thần kinh và toán học.
Sự cởi mở đối với những ý tưởng mới và những phát minh tiên tiến khiến cho ngài trở thành một thần tượng hiếm hoi trong cố những nhà lãnh đạo được tôn trọng trên thế giới, và cũng đã tạo cho Ngài một vị thế đặc biệt trong lòng những khán thính giả vô thần, không giống như bất kỳ một nhà lãnh đạo tôn giáo nào khác.
Minh Nguyên lược dịch (Theo Templetonprize.org)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, Số 636, ra ngày 07/4/2012)

Nepal: Bảo tháp Boudhanath, điểm du lịch tâm linh lý tưởng tại Kathmandu


Bao tháp Boudhanath lung linh lúc đêm về
Bảo tháp Boudhanath là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo quan trọng nhất tại Nepal và là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại thung lũng Kathmandu.
Bảo tháp Boudhanath nằm ở vùng ngoại ô thủ đô Kathmandu, thuộc về phía Đông của trung tâm thành phố. Bảo tháp Boudhanath và đỉnh tháp màu trắng cao 36 mét của nó có thể nhìn thấy từ xa.
Tương tự như hầu hết các công trình kiến ​​trúc tôn giáo có từ thời cổ đại khác, các công trình ấy đều được gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ, bảo tháp Boudhanath  cũng thế. Theo truyền thuyết, bảo tháp Boudhanath được cho là được xây dựng trên tuyến đường thương mại cổ đại từ Nepal đến Tây Tạng, tại địa điểm mà các thương nhân hay dừng chân để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Và truyền thuyết khẳng định rằng, bảo tháp Boudhanath có từ thế kỷ thứ V.
Truyền thuyết liên quan đến sự ra đời của bảo tháp Boudhanath kể lại rằng: Có một người phụ nữ xin vua hiến đất để xây dựng một bảo tháp. Nhà vua hứa sẽ cho cô một khu đất rộng trong phạm vi bao phủ của một tấm da trâu. Và người phụ nữ ấy đã cắt một miếng da trâu thành các sợi mỏng và nối chúng lại với nhau. Rồi dùng sợi dây đó để kéo thành vòng tròn bao lấy một khu đất rộng lớn. Giữ đúng lời hứa, nhà vua đã cấp khu đất đó để xây dựng bảo tháp. Bảo tháp ấy chính là bảo tháp Boudhanath. Và trong tháp đó có chứa hài cốt của một nhà hiền triết.
Ngôi tháp có đường kính trên 100 mét và chiều dài từ bức tường này đến bức tường kia gần bằng chiều dài của một sân bóng đá. Boudhanath là một trong những ngôi tháp lớn nhất thế giới, và chắc chắn nó là ngôi tháp lớn nhất ở Nepal. Ngôi tháp được cấu trúc theo mô hình các hình vuông và hình tròn đan xen nhau, thể hiện mô hình của một mạn-đà-la ba chiều. Mỗi phần của ngôi tháp đều có ý nghĩa biểu trưng nhất định. Ở phần trên của thân tháp có hình đôi mắt của Đức Phật rất lớn, và được vẻ trên cả bốn phía của ngọn tháp. Phần giữa của đôi mắt còn có thêm chữ số “Một” (theo tiếng Nepali), với ý nghĩa biểu tượng cho sự hợp nhất. Phía trên của đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ, trí tuệ nhờ tu tập nội quán mà có được. Bên trên phần thân tháp hình vuông là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng. Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia.
Bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu, Nepal
Bao tháp Boudhanath, tranh vẽ của Thubten Yeshe Sherpa
Xung quanh ngôi tháp được giăng rất nhiều dây cờ Phật giáo và những dây cờ cầu nguyện có màu sắc sặc sỡ, với nhiều bài kinh, câu chú được in trên đó.
Viền quanh ngôi tháp còn có 108 hình tượng hóa thân của Bồ-tát Quan Thế Âm, vị Bồ-tát gắn liền với lịch sử của ngôi bảo tháp. Những luân xa cầu nguyện xung quanh ngôi tháp cũng được khắc câu thần chú của Bồ-tát Quan Thế Âm, Om Mani Padme Hum.
Một trong những lễ hội lớn nhất được tổ chức ở Boudhanath là lễ Losar, lễ đón mừng năm mới của người Tây Tạng, thường rơi vào tháng Hai. Vào mùa lễ hội Losar, bảo tháp Boudhanath thường thu hút hàng chục ngàn khách hành hương. Sau năm 1959, nhiều người dân Tây Tạng đã đến định cư ở khu vực xung quanh bảo tháp Boudhanath. Và ngày nay, cộng đồng người Tây Tạng phát triển khá lớn mạnh ở khu vực lân cận bảo tháp Boudhanath tại Kathmandu, cùng với đó là sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng, nhiều tu viện và các trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng được thành lập. Xung quanh bảo tháp Boudhanath còn có rất nhiều cửa hàng bán những tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức và hàng thủ công mỹ nghệ của Tây Tạng.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để thăm bảo tháp Boudhanath là vào lúc hoàng hôn, khi hàng trăm tín đồ đi nhiễu thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ xung quanh bảo tháp, cùng nhau trì chú và quay bánh xe cầu nguyện khi họ đi qua chúng để phát ra những lời cầu nguyện. Nhiều khách hành hương thực hiện sự cung kính theo truyền thống của họ xung quanh ngôi bảo tháp, họ quỳ kính khánh nguyện hoặc lễ lạy sát đất.
Trong nhiều thế kỷ qua, bảo tháp Boudhanath đã trở thành một điểm đến quan trọng trong lộ trình hành hương của người dân Tây Tạng và Nepal. Cùng với khu thánh tích Swayambhunath, Boudhanath là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất tại Kathmandu. Vào năm 1979, Boudhanath đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội, sự phát triển của ngành du lịch, bảo tháp Boudhanath ngày càng được nhiều người biết đến và lượng khách đến hành hương, chiêm bái bảo tháp ngày càng tăng lên; không chỉ có người dân địa phương mà lượng khách quốc tế cũng tăng lên đáng kể.
Quảng Trí
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, Số 635, ra ngày 31/3/2012)

Ấn Độ: Tỷ phú Subhash Chandra thực tập thiền Vipassana

Ông Subhash Chandra sinh ngày 30-11-1950 tại Hissar, Haryana, Ấn Độ. Ông là người sáng lập Zee TV, kênh truyền hình tư nhân đầu tiên của Ấn Độ. Chandra là người đầu tiên ở Ấn Độ đã tìm cách để khai thác tiềm năng kinh doanh to lớn của các kênh truyền hình vệ tinh và sau đó đã trở thành ông trùm trong lĩnh vực truyền thông ở Ấn Độ. Ông Subhash Chandra là chủ tịch của tập đoàn Essel, một tập đoàn kinh doanh và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau: truyền thông, công nghệ, giải trí, giáo dục, vận chuyển, xây dựng và từ thiện. Theo thống kê của tạp chí Forbes, trong thời điểm hiện tại, tổng giá trị tài sản của ông Subhash Chandra là 1,8 tỉ đô-la.
Chân dung tỷ phú Subhash Chandra
Vào năm 1998, tập đoàn Essel đã đưa vào hoạt động hai khu vui chơi, giải trí lớn vào bậc nhất ở châu Á, đó là Esselworld và Water Kingdom, tọa lạc tại Gorai, khu vực ngoại ô ven bờ biển của thành phố Mumbai, Ấn Độ. Hai khu vui chơi, giải trí này đã thu hút một lượng lớn du khách đến Gorai. Vào năm 2008, tại Gorai có một ngôi chùa vĩ đại được xây dựng với cấu trúc hình tháp cao vút. Chùa được sơn thuần bằng màu vàng nên được gọi nôm na là chùa vàng. Tên chính thức của nó là Dhamma Pattana Vipassana Centre, một trung tâm thiền Vipassana (thiền Minh sát tuệ). Từ khi trung tâm thiền này được thành lập, lượng người đến Gorai đã tăng gấp vài lần. Trong đó, có khoảng 10.000 người đến Gorai để thực tập thiền Vipassana, một phương pháp hành thiền của Phật giáo đang được hồi sinh mạnh mẽ ở Ấn Độ trong những năm gần đây.
Mặc dù là tín đồ của đạo Hindu, nhưng vào thập niên 1990, ông Subhash Chandra đã tham gia nhiều khóa thiền Vipassana do Thiền sư Goenka hướng dẫn. Và ông Subhash Chandra khẳng định rằng, chính việc thực tập thiền Vipassana đã góp phần không nhỏ trong sự thành công của ông, và người thầy mà ông kính trọng, mang ơn chính là Thiền sư Goenka.
Dhamma Pattana Vipassana Centre tại Gorai, Mumbay, Ấn Độ
Dhamma Pattana Vipassana Centre lung linh lúc đêm về
Để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với ân sư của mình và cũng là để xiển dương phương pháp thiền Vipassana, vào năm 1997, ông Subhash Chandra đã hiến tặng cho Thiền sư Goenka hơn 5 héc-ta đất ở khu vực Gorai để xây dựng trung tâm thiền Vipassana. Tất cả mọi kinh phí xây dựng trung tâm thiền ấy cũng do chính ông Subhash Chandra cúng dường. Mặc dù ông Subhash Chandra không hề cho khắc ghi tên tuổi của mình ở bất cứ nơi nào tại trung tâm, thế nhưng mọi người đều biết nhà tài trợ chính của Dhamma Pattana Vipassana Centre không ai khác ngoài ông Subhash Chandra. Vào thời điểm ông hiến tặng, thì khu đất ấy đáng giá 5 triệu đô-la, và đến nay thì có lẽ giá của nó đã tăng lên gấp đôi.
Dhamma Pattana Vipassana Centre còn có một tên gọi khác là Global Vipassana Pagoda (Thiền viện Vipassana toàn cầu). Trung tâm này được xây dựng trong vòng 11 năm, cao 97,3 mét (325 feet), được sơn thuần một màu vàng sáng, là một bản sao của ngôi chùa vàng Shwedagon ở Myanmar. Đây là một công trình hết sức đặc biệt, với mái vòng rỗng được tạo nên từ những phiến đá và không hề sử dụng một cột trụ nào để chống đỡ cả. Trung tâm thiền được xây dựng theo những kỷ thuật truyền thống, dùng các khối đá sa thạch đỏ chèn vào nhau, mỗi phiến đá nặng khoảng 7 tạ, và chúng được kết dính với nhau bằng vôi vữa. Khoảng 2,5 triệu tấn đá sa thạch được khai thác từ Rajasthan, cách Gorai khoảng 620 km, để phục vụ cho việc xây dựng trung tâm thiền này. Ông Chandra nói: "Đây là một công trình kiến trúc rất độc đáo. Có thể tồn tại đến 2.000 năm”. Và ông chia sẻ thêm: "Tôi đã được hưởng nhiều lợi ích từ thiền Vipassana. Tôi nhận thấy thiền Vipassana rất hữu ích và cần phải tạo điều kiện để cho nhiều người có thể cảm nhận và chia sẻ kinh nghiệm thực hành thiền Vipassana cũng như có được những lợi ích từ việc hành thiền Vipassana”.
Khi tiến hành xây dựng trung tâm thiền, chính ông Chandra trực tiếp giám sát công trình. Ông yêu cầu bên thi công báo cáo tiến độ thi công cho ông mỗi ngày, và ông lái xe hai tiếng đồng hồ từ trụ sở làm việc của mình đến trung tâm hai lần mỗi tuần để kiểm tra. Mặc dù ông Chandra không tiết lộ chính xác là cá nhân ông đã đóng góp bao nhiêu cho việc xây dựng trung tâm, nhưng ông thừa nhận rằng, dự án xây dựng trung tâm thiền ấy tốn gấp mười lần so với ước tính ban đầu là 2 triệu đô-la.
Trong lễ khánh thành trung tâm thiền cách đây 4 năm, ông Chandra đóng vai trò trung tâm trong buổi lễ an vị Phật và tôn trí xá-lợi. Ông Chandra kính cẩn bưng một cái hộp bằng ngọc bích đựng những viên xá-lợi xương của Phật và đặt vào gần trên đỉnh của mái vòm đầu tiên. Ông Chandra chia sẻ: “Thiền Vipassana dạy cho tôi biết cách giữ được tâm buông xả trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống. Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong công việc, nhất là trong những lúc khó khăn”.
Ông Chandra cũng đã từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, từng bị khủng hoảng về tài chính. Ông được sinh ra trong một gia đình kinh doanh và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Ấn Độ. Khi ông vừa mới lớn thì gia đình rơi vào cảnh nợ nần và chia ly. Ông đã phải bỏ học đại học để đi làm việc kiếm sống và phụ giúp gia đình. Không có đủ một đô-la dính túi, người thanh niên Chandra đã chuyển đến Delhi để tìm cách giúp gia đình trả hết nợ. Cuối cùng, ông đã kiếm tiền được khá nhiều tiền trong việc kinh doanh lúa gạo. Rồi ông chuyển đến Mumbai và khuếch trương sự nghiệp của mình.
Những năm đầu thập niên 1990, từ kênh truyền hình Zee TV, ông gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chánh, ông đốt hơn 6 triệu đô-la mỗi tháng cho kênh truyền hình này. Chính vì vậy mà ông bị khủng hoảng tinh thần. Trong khoảng thời gian này, một người quen đã dẫn ông đến gặp Thiền sư Goenka, và thiền sư đã thuyết phục ông Chandra tham dự khóa thiền Vipassana. Và vợ của ông Chandra, bà Sushila, cũng khuyến khích chồng tham dự khóa thiền Vipassana, xem như đấy là một liệu pháp cho sự căng thẳng hiện tại của ông. Vợ ông chia sẻ: “Ngay cả trong hiện tại, bất cứ lúc nào anh ấy gặp rắc rối trong công việc, tôi đều nhắc anh trở về với nội tâm, thực tập thiền Vipassana”.
Ngay trong lần tham dự đầu tiên, thiền Vipassana đã cho thấy rằng, nó không chỉ đơn thuần là một phương thức giải tỏa stress mà còn hơn thế nữa. Khi ông Chandra trở lại làm việc sau một khóa tu mười ngày, đồng nghiệp của ông nhận xét rằng, tâm trí của ông trở nên "sắc bén như dao". Khi bảo ông diễn tả về những kinh nghiệm khi hành thiền Vipassana, ông nói: "Điều đó không thể nào giải thích chính xác được. Nhưng có thể nói rằng, sự hồi sinh trong khoảng thời gian tôi tham dự khóa thiền là rất lớn. Vô lượng vô biên!".
Khi các vấn đề trở nên căng thẳng hơn với Chandra, ông lại tiếp tục tham dự các khóa thiền Vipassana một cách thường xuyên. Từ khi biết thiền Vipassana đến nay, ông Chandra đã tham dự 17 khóa thiền. Khoảng thời gian của các khóa thiền thì có khác nhau, ít nhất là 3 ngày, và nhiều nhất là 25 ngày. Ông Chandra chia sẻ thêm: "Tôi thường xuyên bị những áp lực công việc và cuộc sống ngăn cản, nhưng tôi vẫn đi tham dự khóa thiền".
Ông Chandra cố gắng hướng các thành viên trong gia đình mình thực tập thiền Vipassana, nhưng chưa thành công lắm. Nhân viên của kênh truyền hình Zee TV được nghỉ phép có trả lương để họ tham dự các khóa thiền Vipassana.                                               
Ông Chandra nói: "Tôi nhận thấy phương pháp thiền này là rất khoa học. Và tôi thấy nó là con đường đúng đắn để tôi đi".
Thiền Vipassana có nguồn gốc từ Ấn Độ, nơi Đức Phật từng giảng dạy và thực tập thiền Vipassana cách đây hơn 2.500 năm. Sau đó, thiền Vipassana được truyền sang các nước láng giềng như Myanmar và Sri Lanka và cuối cùng biến mất khỏi Ấn Độ. Thiền Vipassana được hồi sinh tại Ấn Độ vào năm 1969, khi Thiền sư Goenka, lúc đó đang sống ở Myanmar, trở về quê hương Ấn Độ của mình để giới thiệu về thiền Vipassana. Viện Nghiên cứu thiền Vipassana là một tổ chức phi lợi nhuận, do thiền sư Goenka thành lập. Mỗi năm có đến hàng chục nghìn người tình nguyện tham dự các khóa thiền tại 163 trung tâm trên 90 quốc gia.
Các khóa thiền Vipassana đều miễn phí. Nguồn kinh phí duy nhất là nhờ vào sự cúng dường của các thiền sinh đã từng tham dự trước đó. Để biết phương pháp thiền Vipassana thì hành giả bắt đầu với một khóa thiền mười ngày. Trong các khóa thiền, học viên ngồi thiền mười giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 4 giờ sáng; và phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt, bao gồm cả việc không nói dối, không trộm cắp và không quan hệ nam nữ. Các  học viên phát nguyện giữ im lặng, không đọc, không viết, không xem tivi, không nói chuyện qua điện thoại. Và còn các quy định cũng như các nguyên tắc khác nữa.
Năm 2009, ông Subhash Chandra thành lập Global Vipassana Foundation (Hội từ thiện Vipassana toàn cầu), một tổ chức từ thiện nhằm hỗ trợ mọi người thực hành thiền Vipassana và thúc đẩy sự hòa hợp giữa các nền văn minh cũng như giữa các tôn giáo. Hiện ông Chandra đang giữ chức chủ tịch của hội này. Và ông vẫn luôn thực tập thiền mỗi ngày, thực tâp mọi lúc, mọi nơi.
Naazneen Karmali - Minh Nguyên dịch
(Theo tạp chí Forbes)
(Nguồn: bào Giác Ngộ, Số 634, ra ngày 24/3/2012)

Nhật Bản: Câu chuyện cảm động về một người làm việc mai táng

Người dân Nhật thành tâm tưởng niệm các nạn nhân
Đang khổ dau tìm kiếm thi thể của mẹ tại một nhà xác tạm thời trong thành phố Kamaishi, nơi vừa bị sóng thần tàn phá vào ngày 11-3-2011, cô Fumie Arai bỗng cảm thấy dễ chịu trước một sự phát hiện nhỏ nhưng đáng ngạc nhiên rằng, phần thân thể của mẹ cô thì bị bầy nhầy bởi bùn đất, nhưng khuôn mặt của mẹ cô thì đã được ai đó cẩn thận làm vệ sinh sạch sẽ.
Lúc ấy cô Arai không biết ai đã làm việc đó, nhưng đấy là công việc của một người Nhật làm việc mai táng đã nghỉ hưu, ông ta cũng rất thông thạo trong các nghi lễ Phật giáo cổ truyền trong khâu chuẩn bị cho việc hỏa táng và chôn cất người chết. Người làm việc mai táng ấy là ông Atsushi Chiba, người chăm sóc cho gần 1.000 thi thể tại tỉnh Kamaishi. Và bây giờ ông đã trở thành một vị anh hùng hết sức đặc biệt trong cộng đồng những người đang cố gắng chữa lành những đau thương sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng tàn phá bờ biển Đông Bắc của Nhật Bản cách đây đúng một năm.
Cô Arai, 36 tuổi, cho biết: “Tôi sợ tìm thấy cơ thể của mẹ tôi nằm một mình trên nền đất lạnh giữa đám người lạ. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt sạch sẽ và yên bình của mẹ mình, tôi biết một người nào đó chăm sóc cho thi thể của mẹ tôi cho đến khi tôi tìm thấy. Điều đó đã cứu tôi".
Câu chuyện của ông Chiba đã trở nên bất hủ trong một cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản, đã bán được hơn 40.000 bản và đang được tái bản lần thứ 11.
Tác giả của cuốn sách, ông Kota Ishii, người đã trải qua ba tháng ở Kamaishi và vùng phụ cận của khu vực bị thiên tai, người ghi chép lại công việc của ông Chiba, đã viết: "Các thi thể là một vấn đề đáng lo ngại nhất của bất kỳ thảm họa nào, và một số người có thể không muốn nhớ về chúng. Nhưng đây là câu chuyện hết sức đặc biệt về một hành vi nhỏ của sự tử tế có thể đua đến tính nhân văn nho nhỏ, ngay cả trong một thảm kịch vượt ra ngoài tất cả sức tưởng tượng của con người".
Những ngọn sóng cao gần 10 mét đã quét vào Kamaishi ngay sau cơn động đất mạnh 9.0 độ richter vào ngày 11 tháng 3, chúng đã phá hũy hầu hết các khu vực, các công trình quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, có một pho tượng Quan Thế Âm lộ thiên màu trắng ở trên một ngọn đồi của thành phố hướng ra biển thì không tổn hại gì.
Sau khi nước đen rút đi, đội cứu hộ tiến vào những tuyến phố bị tàn hoại trong thành phố để cứu hộ và dọn dẹp. Họ bắt đầu kéo những thi thể từ các đống đổ nát đưa lên xe tải để chuyến đến một trường trung học còn sót lại sau trận thiên tai. Phòng tập thể dục của trường trong chốc lát đã trở thành một nhà xác lớn.
Ông Chiba, đã ngoài thất tuần, cùng người thân trong gia đình cũng được thoát nạn, đã chạy đến phòng tập thể dục của trường sau trận thiên tai một ngày để tìm người thân và bạn bè, nhưng đã bị chấn động trước số lượng thi thể nạn nhân càng lúc càng tăng ở đó. Hầu hết các thi thể đều vẫn còn phủ trong quần áo lấm lem bùn đất và được bọc trong túi ni-lon, chân tay cứng nhắc của họ thì nhô ra và khuôn mặt thì bầm tím, trầy xước và méo mó trong trạng thái đau đớn.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Chiba đã bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng, nếu các thi thể vẫn giữ nguyên trạng thái đó thì khi người thân của họ đến tìm kiếm và xác nhận, người ta không thể nào chịu đựng nổi trước cảnh tượng đó. Vâng, họ đã chết. Nhưng ở Nhật Bản, chúng ta vẫn đối xử với người chết một cách tôn trọng, như thể là họ vẫn còn sống. Đó cũng là một cách để an ủi người sống”.
Chính vì suy nghĩ như thế nên ông Chiba quyết định làm việc. Ông trở thành một người gắn bó với nhà xác, ông nói chuyện với những thi thể khi ông làm vệ sinh cho họ nhằm chuẩn bị cho việc nhận dạng và hỏa táng. Ông đã nói: "Chắc hẳn bạn rất lạnh và cô đơn, nhưng gia đình của bạn sẽ sớm đến với bạn, cho nên bạn nên suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói với họ khi họ đến".
Ông cũng hướng dẫn các công nhân của thành phố làm việc tại nhà xác về cách làm mềm tứ chi đã bị cứng đờ của thi thể, ông còn chỉ cho các công nhân cách mát-xa để cho thi thể ít bị méo mó, vặn vẹo hơn. Ông Chiba còn sử dụng các nghi lễ Phật giáo trong việc chăm sóc cho gần 1.000 thi thể, vì theo ông: "Đó là một cách để an ủi người sống”. Thậm chí ông Chiba còn trang điểm cho một số thi thể nếu người thân của họ cần.
Những nỗ lực để tôn vinh người chết của ông Chiba nhanh chóng được nhiều người tán trợ và làm theo. Các công nhân kê những cái bàn của trường học cũ lại với nhau để tạo nên một bàn thờ Phật. Họ đặt thi thể của các cặp vợ chồng và các thành viên trong gia đình gần với nhau. Mỗi khi một thi thể được đưa ra, các công nhân xếp hàng và cúi đầu để tỏ lòng tôn kính lần cuối đối với thi thể ấy.
Và theo lời kêu gọi của ông Chiba, Kamaishi, một trong những thành phố bị tàn hại nặng nề nhất, trở thành thành phố duy nhất tiến hành hỏa thiêu tất cả những thi thể của nạn nhân, để làm được điều này họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của các lò thiêu ở Akita, cách đó khoảng 100 dặm.
Chỉ riêng thành phố Kamaishi, thảm họa kinh hoàng vào ngày 11-3-2011 đã giết chết 888 người trong tổng số gần 40.000 cư dân, bên cạnh đó còn có hơn 158 người bị mất tích và coi như đã chết. Trận sóng thần đã tàn phá gần như một nữa thành phố.
Trong lúc thành phố Kamaishi chuẩn bị lễ tưởng niệm để đánh dấu lần tưởng niệm đầu tiên của trận thảm họa, thầy Enou Shibasaki, một vị tu sĩ Phật giáo, đã vinh danh sự đóng góp của ông Chiba trong việc khôi phục cảm xúc của thành phố.

Chư Tăng cầu nguyện cho các nạn nhân tại bờ biển Kitaizumi, Fukushima
Thầy Enou Shibasaki chia sẻ: "Cho dù bạn là người theo tôn giáo hay không, lo tang lễ cho người quá cố là một nhu cầu căn bản. Việc lo tang lễ bắt đầu bằng cách chăm sóc thi thể người chết. Đấy là lần cuối cùng bạn nhìn thấy người thân yêu của mình và bạn muốn ghi nhớ họ bằng một hình ảnh đẹp như họ có khi còn sống".
Minh Nguyên (Theo New York Times)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, Số 633, ra ngày 17/3/2012)

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!