Rằm tháng bảy là một trong những ngày lễ lớn trong đạo Phật, dân gian Việt Nam gọi ngày này là ngày xá tội vong nhân. Vậy, ngày rằm tháng bảy bao gồm những ý nghĩa gì?
Thứ nhất, ngày rằm tháng bảy là ngày Phật hoan hỷ. Gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, vì đây là ngày mà chư Tăng mãn hạn sau ba tháng tịnh tu, nghiêm trì giới luật, trưởng dưỡng định lực, trau dồi trí tuệ đã viên mãn. Cũng trong ba tháng này, hàng Phật tử có điều kiện gần gũi chư Tăng để tu học, để phụng sự Tam bảo, nhờ vậy mà đạo tâm thêm kiên cố, phươc huệ thêm lớn, nhân cách được hoàn thiện hơn. Chính vì ngày này đánh dấu sự trưởng thành của những người đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia như thế, cho nên đức Phật rất vui mừng, vì thế mới gọi là ngày Phật hoan hỷ.
Thứ hai, ngày Tăng Tự tứ. Tự tứ là thỉnh cầu người khác tự ý nói lên những sai phạm của mình mà người đó đã thấy, đã nghe và đã biết, rồi mình đối trước chúng Tăng mà sám hối. Nghĩa là trong ngày rằm tháng bảy, sau ba tháng tịnh tu, chư Tăng vân tập lại và thỉnh cầu những vị tỳ kheo khác chỉ lỗi cho mình để mình biết mà sám hối, sửa đổi. Vì chư Tăng là những người đang trên đường tu tập nên không thể nào tránh khỏi những khuyết điểm, sai phạm trong cuộc sống. Nhiều lúc mình phạm lỗi nhưng mình không thấy được lỗi, cho nên đức Phật đã dạy pháp Tự tứ. Đây là một điều rất đặc biệt trong sinh hoạt của Tăng đoàn. Vì thông thường, những người phạm lỗi luôn tìm cách che dấu, né tránh. Nhưng chư Tăng chẳng những không che dấu, né tránh mà còn thỉnh cầu người khác chỉ bày lỗi của mình, đây là một thái độ rất cao thượng, có chí cầu tiến rất lớn mới vượt qua được lòng tự ái thường tình của con người.
Thứ ba, rằm tháng bảy là ngày Tăng thọ tuế. Thọ tuế tức là nhận tuổi. Thường thì cứ sang năm mới là người đời thêm một tuổi mới, nhưng trong Luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật không tính tuổi theo năm tháng kiểu đó, mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Ai đã thọ Cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ. Tại sao như thế? Tại vì phải có an cư kiết hạ thì vị tỳ kheo mới có thể tăng trưởng về đạo tâm và đạo lực, mới có sự trưởng thành hơn trước. Chính sự trưởng thành này là nhân tố quyết định vị đó lớn hơn trước, tuổi vị đó được tăng thêm.
Còn một ý nghĩa hết sức quan trọng của ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu Lan, đó là ngày báo hiếu công ơn cha mẹ. Ý nghĩa này bắt nguồn từ việc báo hiếu mẫu thân của Tôn giả Mục-kiền-liên. Xưa kia, khi ngài Mục Liên tu chứng được lục thông, Ngài đi khắp nơi để tìm kiếm mẹ hiện, thật là đau khổ ki Ngài thấy mẹ mình bị đọa trong địa ngục, phải chịu nhiều cực hình khổ sở, nhưng Ngài vận hết khả năng của mình cũng không thể nào cứu được mẹ. Ngài về bạch với đức Phật và đức Phật đã dạy Ngài pháp Vu Lan Bồn để cứu mẹ. Những ai là người con hiếu thảo thì trong ngày chúng tăng tự tứ, hãy sắm lễ vật cúng dường Tam Bảo để nhờ sức chú nguyện của chư Tăng thanh tịnh mà cầu cho cha mẹ cùng những người đang bị đạo đày, đau khổ được giải thoát, như thế là đã thực hành theo pháp Vu Lan Bồn vậy.
Tuy nhiên, thực hành theo pháp Vu Lan Bồn chỉ là một khía cạnh trong hiếu đạo của phận làm con mà thôi. Điều quan trọng là người con phải hiếu thảo ngay lúc cha mẹ còn sống. Công ơn của cha mẹ thật như trời cao, biển rộng khó nghĩ tận cùng, không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Người xưa đã ví:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghia mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Nghia mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Cha mẹ đã nhọc nhằn, lao khổ để lo cho con, nuôi dạy con nên người, cha mẹ đã tận tuy hôm sớm vì con, đã hy sinh trọn đời mình cho con. Vì thế, phận làm con thì phải hiếu thảo với cha mẹ. Đấy là nhân tính, là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất mà mỗi người con phải thực hiện để không hổ danh là một con người. Đức Phật đã dạy rằng: "Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế" (cha mẹ còn sinh tiền cũng như Phật còn tại thế). Qua đây cho chúng ta thấy sự hiện diện của cha mẹ là một điều hết sức quý và thiêng liêng vô cùng. Vì thế người con phải biết quý kính và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ còn sống và làm việc phước thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ khi đã quá vãng. Chúng ta không chỉ báo hiếu cho cha mẹ trong ngày Vu lan mà trong suốt cả cuộc đời mình. Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ra ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần.
Về phương diện vật chất, phận làm con phải chăm sóc cho cha mẹ, thay cha mẹ làm các việc khó nhọc, không để cho cha mẹ thiếu thốn, phiền lòng. những lúc cha mẹ ốm đau thì phải lo chữa trị, săn sóc, phải sắm thăm tối viếng, đừng để cho cha mẹ quạnh hiu lúc tuổi già. Một yếu tố rất quan trọng là người con phải đem lòng thành kính, thương yêu mà chăm sóc cha mẹ chứ đừng lạnh lùng, hất hủi mẹ cha. Đây là điều tối kỵ, người lớn tuổi rất dễ than thân tủi phận. Dù có đem đến cho cha mẹ mân cao cỗ đây, nhung gấm lụa là nhưng mà lạnh nhạt thì cha mẹ vẫn cảm khổ đau như thường. Tuy nhiên, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ, như sát nhân, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất. Làm như thế không phải là báo hiếu mà chính là bất hiếu, vì đã gây tạo tội lỗi thêm cho cha mẹ và cho chính mình.
Về phương diện tinh thần, người con phải làm sao cho tinh thần của cha mẹ được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Vật chất chỉ là thứ giả tạm, chỉ có giá trị nhất thời, tinh thần mới là quan trọng, là nhân tố quyết định khổ đau hay hạnh phúc trong đời này và đời sau. Nếu cha mẹ chưa từ bỏ bớt những tham lam, sân hận và si mê trong lòng thì dù cho con cái có phụng dưỡng đầy đủ đến đâu, chu toàn đến đâu vẫn không thể làm vừa lòng cha mẹ được. Vì thế, là người đệ tử Phật, chúng ta phải khuyên cha mẹ tin nhân quả tội phước và quy kính Tam Bảo, làm lành lánh giữ, giữ gìn giới luật và tu nhơn giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phước báo, và được sinh về cảnh giới an lành. Như vậy mới là cách báo hiếu trọn vẹn nhất.
Và ngày rằm tháng bảy là một dịp tốt để cho những người con hiếu thảo báo đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Vu lan đến như là lời nhắn nhũ đến những ai đang còn cha còn mẹ thì hãy biết trân quý, biết thương yêu và phụng dưỡng cha mẹ, đừng để rồi khi cha mẹ mất lại hối hận, thở than như thầy Tử Lộ:
"Mộc dục tịnh nhi phong bất đình !
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại".
(Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ đã qua đời).
Tử dục dưỡng nhi thân bất tại".
(Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ đã qua đời).
Đối với những ai không còn diễm phúc có cha mẹ trên cõi đời thì nhân cơ hội này mà cúng dường Tam bảo để hồi hướng phước đức cho cha mẹ. Và đối với những kẻ lạc loài, chưa từng nghĩ đến cha mẹ, chưa hề có ý niệm báo hiếu cha mẹ việc tổ chức lễ Vu lan của chúng ta sẽ đánh thức lương tâm của họ, sẽ đưa họ trở về với chính mình, về với cội nguồn huyết thống, từ đó mà nhân tính trong họ được hồi sinh.
Nếu người Tây Phương tự hào về ngày "Mother's Day" truyền thống của họ, thì chúng ta, người Việt Nam nói chung, cũng có niềm tự hào không kém về ngày lễ Vu-lan của mình. Ngày lễ Vu Lan hội đủ mọi điều kiện để xứng đáng là ngày cho mọi người hướng nguồn cội, hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Là người Phật tử, chúng ta phải đón nhận ngày lễ Vu-lan như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Mong sao ngày Vu Lan sẽ là ngày BÁO ÂN, là NGÀY CỦA MẸ truyền thống thiêng liêng, cao đẹp và sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm hồn những người con đất Việt.
- Minh Nguyên -
- Minh Nguyên -
0 nhận xét:
Đăng nhận xét