Tổ chức và quản lý nhân sự ở Phật Quang Sơn

Vườn tượng tại Phật Quang Sơn - Đài Loan
LTS: Phật Quang Sơn là một tổ chức Phật giáo do Hòa thượng Tinh Vân sáng lập vào năm 1967 ở Đài Loan, có trụ sở chính tại thành phố Cao Hùng. Hiện tại, Phật Quang Sơn có đến 200 chi nhánh tự viện và các trung tâm tu học tại nhiều quốc gia trên khắp tất cả các châu lục. Để quản lý một tổ chức lớn mang tầm quốc tế như thế là điều không đơn giản. Hòa thượng Tinh Vân đã từng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý Phật Quang Sơn. Nay Nguyệt san Giác Ngộ giới thiệu đến bạn đọc.
Quản lý và tổ chức nhân sự là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một tổ chức, cơ quan. Nhiều người thường hỏi tôi rằng: "Phật Quang Sơn có hàng trăm ngôi chùa và các tổ chức trực thuộc trên khắp thế giới. Làm thế nào để ngài lãnh đạo và quản lý một tổ chức rộng lớn như thế?”. Với vấn đề này, tôi có một câu trả lời nhất quán rằng: “Tất nhiên là có rất nhiều cách để làm công việc đó”. Sau đây là bốn nguyên tắc cơ bản:
1. Không có sự gắn kết cố định giữa các vị thầy và các đệ tử
Không ai trong số các môn đệ của Phật Quang Sơn là vĩnh viễn gắn kết với bất kỳ một vị sư phụ nào cả. Tất cả những môn đệ của Phật Quang Sơn là thuộc về toàn thể Tăng đoàn. Họ chỉ khác biệt nhau về thời gian gia nhập Tăng đoàn, chẳng hạn như có người thuộc thế hệ thứ nhất, có người thuộc thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba… Bởi vì các môn đệ không theo một vị sư phụ nhất định cho nên không có sự ganh đua hoặc cạnh tranh giữa họ.
2. Không có sở hữu tư nhân về tiền bạc hoặc các ngân quỹ
Không một ai trong Phật Quang Sơn được phép sở hữu tài sản hoặc các ngân quỹ tiết kiệm. Tất cả tiền bạc đều thuộc về Tăng đoàn. Mặc dù các thành viên không có tiền, điều đó không có nghĩa là các nguồn quỹ không sẵn sàng hỗ trợ cho họ. Tăng đoàn thường chăm lo vấn đề thực phẩm, quần áo, đi lại, y tế, chi phí du học ở nước ngoài và thăm viếng, kể cả quà tặng cho cha mẹ của họ trong chuyến thăm gia đình lần đầu tiên của họ sau khi họ xuống tóc xuất gia (để chính thức trở thành người tu). Tại Phật Quang Sơn, tất cả tiền bạc thuộc về Tăng đoàn, không thuộc về cá nhân, nhưng mỗi cá nhân đều vui với sự hỗ trợ tiện dụng dưới một một hệ thống hợp tác tuyệt vời.
3. Bắt buộc phải luân chuyển công việc và vị trí
Theo nguyên tắc "nước sạch chỉ đến từ dòng nước chảy, một hòn đá lăn thì không có rêu bám vào", Phật Quang Sơn thực hiện việc luân chuyển công việc và vị trí của các thành viên. Không có ai "sở hữu" bất kỳ ngôi chùa chi nhánh, nơi thờ tự, hoăc doanh nghiệp trực thuộc nào trong hệ thống Phật Quang Sơn cả. Năm nay, một người có thể là trụ trì của mộ ngôi chùa nào đó, nhưng năm tới thì vị đó có thể được phân công đến một ngôi chùa khác. Có rất nhiều lợi ích từ việc luân chuyển công việc. Trong số đó, phải kể đến là những cơ hội học tập và tăng trưởng, tương tác và kết nối, và để có thêm kinh nghiệm trong tu học và phụng sự.
4. Xây dựng hệ thống đánh giá quá trình thể hiện và sự thăng tiến
Mỗi thành viên trong Tăng đoàn Phật Quang Sơn bắt đầu với danh hiệu “Người thanh lọc”, rồi tiến dần lên danh hiệu “Cử nhân”, “Hành giả”, “Giảng sư”. Sự thăng tiến phụ thuộc duy nhất vào nỗ lực của mỗi cá nhân và sự thể hiện trong học thuật, trong sự thực tập giáo pháp, và trong việc phụng sự cho tổ chức. Nhờ vào hệ thống có trật tự này mà Phật Quang Sơn đã có được sự phát triển thuân tiện và thành công trong những năm qua.
Ngoài ra, các thành viên của Hội Phật giáo Phật Quang Sơn còn được đào tạo và phân bổ để đảm trách các vị trí sau khi những định hướng nghề nghiệp của họ được đánh giá và thẩm định. Ví dụ, các thành viên được phân loại thành những nhóm tài năng như sau:
- Trụ trì/Giám đốc: Yêu cầu phải sống hết mình vì Tăng đoàn, phải có sự trung thành, phải phát nguyện và phải có trách nhiệm. Người giữ những vị trí này phải có khả năng đảm trách cả chức vụ của một người giám sát và người cấp dưới theo phương thức có trí tuệ, có đạo đức, tự tin và tề chỉnh. Vị ấy còn phải làm chủ các phương thức tụng niệm, phải biết tổ chức các nghi thức, nghi lễ và phải biết giảng dạy Phật pháp.
- Quan hệ cộng đồng: Người phù hợp với vai trò trò một người quan hệ cộng đồng cần phải khéo làm chủ cảm xúc của bản thân, giữ được sự điềm tĩnh và bình tĩnh với một diện mạo dễ chịu. Họ còn phải quen thuộc với những phong tục và tập quán của xã hội. Họ phải là những người dễ gần gũi, biết cảm thông, năng động và tích cực. Đồng thời họ còn phải hiểu rõ sứ mệnh và tầm nhìn của Tăng đoàn.
- Nhà giáo dục/Nhà văn: Họ là những người đánh giá cao giá trị nhân văn và không xông xáo theo đuổi danh vọng hay tiền tài. Những người này cần có óc phê phán, hiểu nhiệm vụ giáo dục và biết rõ những phong cách của một vị trụ trì cũng như những nhu cầu của các học viên, không dính líu đến các mâu thuẩn trong các cuộc tranh luận về chính trị hoặc về quyền lợi. Bên cạnh đó, họ cần phải có kỹ năng tóm tắt vấn đề nghiên cứu, có kỹ năng nghiên cứu, phân tích, giảng dạy, tư vấn, và nên cố gắng để có những công trình nghiên cứu được đăng trong các tạp chí chuyên môn.
- Người lập kế hoạch: Những người này có sự sâu sắc, sáng tạo, quen thuộc với việc phân tích dữ liệu, có khả năng giữ bí mật thông tin. Người đó còn biết cách kết hợp giữa Phật pháp và kiến thức bên ngoài và thạo trong giao tiếp bằng ngôn ngữ viết cũng như trong việc bổ sung người hỗ trợ.
- Những nhóm tài năng khác như chuyên gia pháp lý, chuyên gia kế toán, chuyên gia hành chính.
Việc chia sẻ tầm nhìn và các giá trị sống luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong một tổ chức. Các cuộc họp mặt hiệu quả là rất cần thiết để tạo nên sự hội tụ các ý tưởng và quan điểm. Chính vì lý do này, Phật Quang Sơn luôn tổ chức các cuộc họp một cách rất nghiêm túc. Phật Quang Sơn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tạo nên sự đồng thuận và chia sẻ tầm nhìn.
Quản lý nguồn nhân lực là một khía cạnh đầy thách thức trong khoa học quản lý. Theo truyền thống, vấn đề này rất được Phật giáo chú trọng. Dưới đây là một số nguyên tắc về tính nhân văn của Phật giáo và những ứng dụng của chúng trong việc quản lý nguồn nhân lực:
- Xem xét kế hoạch chiến lược của cơ quan một cách tổng thể.
- Phân chia trách nhiệm với những sự mô tả công việc rõ ràng.
- Ý thức rõ tầm quan trọng của sự phối hợp.
- Lập kế hoạch chi tiết với những chủ đích tốt nhất.
- Tiến hành công việc với tất cả sự nỗ lực và quyết tâm.
- Báo cáo thường xuyên và kịp thời để thông báo đến những người giám sát.
- Nhận lãnh trách nhiệm và chịu trách nhiệm về những công việc của mình.
- Đánh giá hiệu suất và theo dõi.
Ngoài ra, giữa cấp trên và cấp dưới cần phải có sự truyền thông trung thực, tôn trọng lẫn nhau, tham gia tích cực, tự phấn đấu và đánh giá một cách chân thành, thẳng thắn, thường xuyên tham khảo ý kiến ​​và phối hợp với nhau, đấy là những vấn đề rất cần thiết trong một cơ quan, tổ chức.
Tôi cũng tin rằng, là một người quản lý hiện đại thì bản thân họ nên tuân thủ theo những phương thức sau đây:
- Luôn giữ được nụ cười trên khuôn mặt, miệng nói lời ca ngợi, trong tâm luôn có những nghi vấn và sự tức giận thì kìm nén vào trong lòng.
- Tránh phản ứng vội vàng và gay gắt, lựa chọn từ ngữ cẩn thận khi đưa ra những lời phê bình về kết quả thấp kém và khi nói lên những nghi ngờ lien quan đến sự phản bội.
- Hãy đối xử với người khác một các khoan dung, nghiêm khắc trong việc quán xét bản thân, tạo uy tín đối với người khác, nhận lãnh trách nhiệm khi có gì đó sai sót.
- Bỏ qua một bên tất cả những lợi ích hoặc mất mát của cá nhân và tiến về phía trước, không được nản lòng hay cố chấp.
- Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, tạo sự hòa hợp với mọi người; để cho kênh thông tin liên lạc trôi chảy lên xuống một cách tự do, phấn đấu để đạt được sự đồng thuận.
- Phục vụ tha nhân, cẩn thận khi nói, nhìn về phía trước và lập kế hoạch, hiểu bản thân và những người khác.
- Điều chỉnh và thích ứng, giữ ý tứ với người khác, tận dụng lợi thế của mọi cơ hội.
- Hài hước, lắng nghe với sự chú tâm, xem xét cẩn thận, phải tôn trọng ý kiến ​​của người khác.
Nhà lãnh đạo cũng cần phải biết làm thế nào để phát triển, huấn luyện và nuôi dưỡng một đội ngũ nhân viên có năng lực. Người lãnh đạo còn phải có khả năng tuyển chọn, huấn luyện, và trao quyền cho những nhân viên có tài năng. Một sai lầm phổ biến trong giới lãnh đạo là thường phê bình cấp dưới của mình mà không đưa ra bất kỳ một sự chỉ dẫn nào. Ngoài ra, một nhà lãnh đạo hay nhà điều hành cao cấp cần phải thường xuyên tự đánh giá bản thân và  nhờ cấp dưới góp ý trong việc đưa ra quyết định. Sự hài hòa giữa cấp quản lý và nhân viên là nguồn lực lượng ổn định cho một tổ chức.
Đại sư Tinh Vân - Minh Nguyên lược dịch
(Theo Management: Fo Guang Shan’s Approach, Đại sư Tinh Vân, dựa trên bản anh ngữ của dịch giả Tiến sĩ Otto Chang)
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 193, tháng 4/2012) 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!