Chiến Đấu Để Được Là Chính Mình


Quá trình đánh mất mình dường như bắt đầu từ lúc tôi mới sinh ra. Sự sinh sản đưa tôi đến với thế giới này, nơi đây tôi cần được giúp đỡ và không được tự do. Tôi đến với cuộc đời mà không có tự ngã và cả nhân dạng cũng không. Ở thời kỳ ‘môi miệng’, tôi bị trói buộc vào mẹ tôi. Tôi với mẹ tôi là một. Cuộc sống của mẹ tôi quay tròn xung quanh tôi. Mẹ tôi sống để làm hài lòng tôi và tôi sống để hài lòng với bản thân. Tôi sống vì những thỏa mãn của thân xác và tôi thường nghĩ đến những nhu cầu của tôi. Khi tôi không thỏa mãn được những nhu cầu ấy, tôi tỏ ra khó chịu để cho mẹ tôi biết điều đó. Mẹ tôi luôn giúp tôi và chiều theo những nhu cầu của tôi, và mẹ tôi cảm thấy vui khi đáp ứng những nhu cầu của tôi. Tôi thật là vĩ đại. Tôi có thể tự đi, tôi có thể làm mình ướt, làm bẩn và đùa nghịch với phân của mình. Tôi với thân thể tôi là một và thân thể tôi là nhất. Thân thể tôi không gây rắc rối gì cho tôi. Tôi chấp nhận với hiện thực tôi đang có.

Nhưng giai đoạn hạnh phúc này không kéo dài, không phải tại tôi và cũng không phải do mẹ tôi. Khi tôi bước sang thời kỳ ‘hậu môn’ và tiếp tục hành xử theo cách mà tôi đã từng dùng trong giai đoạn môi miệng, tôi nhận thấy dấu hiệu trái ngược hẳn trong thái độ mẹ tôi đối với tôi. Mẹ tôi không bằng lòng khi tôi luôn đái dầm và đùa nghịch với phân. Thực sự mẹ tôi thấy những điều ấy là ghê tởm, tôi nhận ra điều đó mỗi khi mẹ tôi tắm rửa và thay tả lót cho tôi. Mẹ tôi khiến tôi cảm thấy rằng mẹ không vui tí nào cả. Tôi bắt đầu nhận ra rằng, tôi không thể làm hài lòng bản thân và làm hài lòng mẹ trong cùng một lúc. Tôi cảm thấy tôi không điều khiển được mẹ tôi. Mẹ tôi muốn có sự tự do và muốn tách khỏi tôi. Nhưng tôi thì vẫn cần đến mẹ, nên tôi phải tự điều chỉnh, tức là tôi phải làm chủ cơ thể. Thân thể của tôi không phải là tôi. Từ đó bản ngã của tôi được thành hình.

Tôi trở thành một con người của xã hội. Tôi phải sống theo những chuẩn mực của xã hội. Tôi bắt đầu tiếp nhận những chuẩn mực của xã hội. Tôi sống theo một xu hướng khác. Người ta nói cho tôi biết những gì tôi nên làm, những gì là tốt cho tôi. Và tôi theo họ vì tôi cần đến họ, cần tình thương yêu và sự chấp thuận của họ.

Quá trình đánh mất mình

Tôi thích đùa nghịch với dương vật của mình. Tôi nhận thấy sự sảng khoái trong việc làm này. Nhưng mẹ tôi bảo rằng: Một bé trai tốt không bao giờ làm việc đó. Nếu tôi không vâng lời thì mẹ tôi sẽ phạt tôi. Tôi thích kéo tóc của chị tôi. Khi tôi kéo tóc thì làm cho chị tôi khóc và tôi vui với việc làm cho chị khóc. Nhưng mẹ tôi lại mắng tôi là đứa trẻ hư và phạt tôi. Và rồi đến lúc tôi phải đi học. Ngay trước khi tôi ra khỏi cái vỏ bọc của mình, cha mẹ tôi bắt đầu chỉ bảo cho tôi để tôi có thể tranh đua với những đứa trẻ khác và trở thành một người nổi tiếng ở trường mẫu giáo. Nếu tôi không làm được điều đó thì sẽ khiến cha mẹ tôi mất thể diện. Những thử thách tương tự sẽ đến với tôi khi tôi vào trường Trung học, Cao đẳng và Đại học. Tôi phải làm cho cha mẹ tôi được nổi danh. Và khi tôi đối diện với việc lựa chọn những ngành mà tôi muốn học, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Tôi phải chọn những ngành mà cha mẹ đã chọn cho tôi. Ví dụ, tôi muốn trở thành họa sĩ, tôi có năng khiếu về lĩnh vực đó. Cha mẹ tôi thì muốn tôi trở thành bác sĩ. Tôi ghét ngành y, tôi không có năng khiếu về nó. Nhưng không sao, tôi làm theo những gì mà cha mẹ tôi muốn. Và rồi tôi bị hỏng trong kỳ thi tuyển. Cha mẹ tôi cảm thấy thất vọng, còn tôi cảm thấy mình đáng trách. Đến khi tôi có bạn gái. Cô gái mà tôi yêu thì cha mẹ tôi không thích, vì cha mẹ tôi thấy cô ấy không giàu có và xinh đẹp. Thế là tôi phải chia tay người con gái mà tôi yêu. Khi tôi đi làm, điều đó cũng không có gì cải thiện. Tôi phải làm việc cho cha tôi, tôi phải làm việc kinh doanh của gia đình. Bản thân tôi không hề có tự do trong sự nghiệp của mình. Tôi không có cuộc sống riêng. Tôi sống để làm hài lòng cha mẹ tôi.

Đương nhiên là cha mẹ tôi có ý định tốt. Cha mẹ bảo với tôi là tất cả những gì họ làm đều là vì tôi. Họ làm thế bởi vì họ thương yêu tôi. Họ không muốn tôi phạm sai lầm vì tôi thiếu kinh nghiệm. Họ bảo với tôi rằng, một người con hiếu thảo là biết vâng lời cha mẹ. Tôi tin những điều họ nói và tôi cố gắng làm hài lòng cha mẹ. Tôi trở thành nạn nhân của những ý định tốt của họ.

Tôi mất đi sự tự do để được là tôi. Tôi đánh mất nó vì tôi chiều theo những giá trị của cha mẹ tôi không một chút hồ nghi. Và tôi tuân theo những giá trị của họ vì tôi phụ thuộc vào họ, tôi cần tình thương yêu và sự chấp thuận của họ. Sự trở mặt với chính mình để làm hài lòng cha mẹ đã khiến tôi dằn vặt và khổ đau. Tôi không hề hài lòng với chính mình. Và tôi không thể tiếp tục sống theo cách ấy. Tôi phải làm sao đây? Sống theo những giá trị của riêng tôi và làm buồn lòng cha mẹ chăng? Điều này cũng có thể làm cho tôi day dứt khôn nguôi. Tôi phải chọn một cách sống khác. Tôi làm thế nào để có thể được là chính mình? Điều mà tôi phải làm là làm sao phá vỡ được những phép tắc mà lòng không bị dằn vặt, và tôi có thể làm được điều đó nếu tôi học được cách từ bỏ.

Học cách từ bỏ: Quá trình tìm lại chính mình

Khi tôi trưởng thành và bắt đầu suy xét về những điều mà cha mẹ đã dạy tôi, tôi so sánh những điều đó với kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy những điều mà cha mẹ tôi dạy cho tôi nó trái ngược với kinh nghiệm của tôi.

Trong trường hợp này có sự mâu thuẩn giữa những giá trị mà tôi tiếp nhận với những giá trị vốn có trong tôi. Tôi phải làm gì? Tôi nên tin vào đâu? Cha mẹ hay những cảm nhận của mình? Nếu tôi tin vào những cảm nhận của mình và bắt đầu hành động theo chúng tức là tôi bắt đầu học cách từ bỏ. Học cách từ bỏ giúp tôi có thể làm những gì mà tôi cảm thấy tốt cho tôi. Theo cách ấy, những xu hướng, định kiến,… những thứ mà tôi có được trong quá trình trưởng thành có thể bị thay đổi khi tôi đối chiếu chúng với kinh nghiệm của bản thân, tôi bắt đầu tin vào kinh nghiệm của mình và hành động theo nó. Chẳng hạn như những định kiến về sắc tộc, tôn giáo. Cha mẹ tôi đã dạy tôi là không nên kết giao với những người không cùng sắc tộc, không cùng tôn giáo. Nhưng khi tôi kết giao với họ, tôi nhận thấy họ là những người tốt, đôi khi họ còn tốt hơn cả những người có cùng sắc tộc, cùng tôn giáo với tôi nữa. Vì thế tôi loại bỏ dần những điều tôi đã học trước đây. Tôi bắt đầu hành động theo kinh nghiệm của tôi. Tôi không bị ràng buộc bởi những xu hướng và định kiến của tôi nữa. Cuộc sống của tôi trở nên có ý nghĩa hơn. Tôi phải đấu tranh để đạt được điều đó. Quả là không đơn giản. Tôi cần sự hiểu biết và sự ủng hộ.

Khi ấy tôi nhận ra rằng, việc tiếp nhận điều gì đó mà không hề suy xét là không tốt cho tôi. Tôi thấy sự tiến bộ và phát triển là kết quả của quá trình không ngừng suy xét và chấp nhận. Vấn đề tình dục đã từng là điều cấm kỵ. Nhưng nay thì không như vậy nữa, nó đã được đem ra nghiên cứu cặn kẻ. Điều đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về nó và không còn mê tín nữa, đồng thời nó đã giúp cho nhiều người có được cuộc sống hạnh phúc hơn. Vả lại, tôi phải biết rằng, không phải tôi loại bỏ những cái cũ bởi vì nó cũ hay tiếp nhận những cái mới bởi vì nó mới, mà là tôi loại bỏ những thứ không giúp ích cho sự trưởng thành của tôi và tiếp nhận những gì làm cho tôi được tiến bộ. Và tôi thành thật với chính mình khi tôi làm điều đó.

Tôi biết là cha mẹ tôi đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tôi vạch ra hướng đi cho bản thân. Họ có thể làm được điều đó nếu họ ghi nhớ và tuân theo câu châm ngôn rằng: “Cha mẹ sống vì con cái, nhưng con cái không hoàn toàn sống vì cha mẹ”, tức là con cái có cuộc sống riêng của nó và cha mẹ phải tạo điều kiện cho chúng được sống cuộc sống riêng. Một khi cha mẹ tôi tuân theo câu châm ngôn này thì họ sẽ khuyến khích tôi sống đúng với chính tôi, bởi vì họ chấp nhận tôi như tôi đang là. Họ sẽ hạnh phúc khi tôi có hạnh phúc, tức là khi tôi được làm những gì mà tôi biết rõ là điều đó thích hợp với tôi. Và đương nhiên là lúc ấy tôi vô cùng cảm kích đối với những gì mà cha mẹ tôi làm cho tôi, và tôi sẽ nỗ lực hết mình để trở thành người con hiếu thảo của cha mẹ.

Cyril Sirirol
Minh Nguyên dịch
(Nguồn: sách Ethics, Towards a richer life)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!