Nhật Bản: Câu chuyện cảm động về một người làm việc mai táng

Người dân Nhật thành tâm tưởng niệm các nạn nhân
Đang khổ dau tìm kiếm thi thể của mẹ tại một nhà xác tạm thời trong thành phố Kamaishi, nơi vừa bị sóng thần tàn phá vào ngày 11-3-2011, cô Fumie Arai bỗng cảm thấy dễ chịu trước một sự phát hiện nhỏ nhưng đáng ngạc nhiên rằng, phần thân thể của mẹ cô thì bị bầy nhầy bởi bùn đất, nhưng khuôn mặt của mẹ cô thì đã được ai đó cẩn thận làm vệ sinh sạch sẽ.
Lúc ấy cô Arai không biết ai đã làm việc đó, nhưng đấy là công việc của một người Nhật làm việc mai táng đã nghỉ hưu, ông ta cũng rất thông thạo trong các nghi lễ Phật giáo cổ truyền trong khâu chuẩn bị cho việc hỏa táng và chôn cất người chết. Người làm việc mai táng ấy là ông Atsushi Chiba, người chăm sóc cho gần 1.000 thi thể tại tỉnh Kamaishi. Và bây giờ ông đã trở thành một vị anh hùng hết sức đặc biệt trong cộng đồng những người đang cố gắng chữa lành những đau thương sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng tàn phá bờ biển Đông Bắc của Nhật Bản cách đây đúng một năm.
Cô Arai, 36 tuổi, cho biết: “Tôi sợ tìm thấy cơ thể của mẹ tôi nằm một mình trên nền đất lạnh giữa đám người lạ. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt sạch sẽ và yên bình của mẹ mình, tôi biết một người nào đó chăm sóc cho thi thể của mẹ tôi cho đến khi tôi tìm thấy. Điều đó đã cứu tôi".
Câu chuyện của ông Chiba đã trở nên bất hủ trong một cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản, đã bán được hơn 40.000 bản và đang được tái bản lần thứ 11.
Tác giả của cuốn sách, ông Kota Ishii, người đã trải qua ba tháng ở Kamaishi và vùng phụ cận của khu vực bị thiên tai, người ghi chép lại công việc của ông Chiba, đã viết: "Các thi thể là một vấn đề đáng lo ngại nhất của bất kỳ thảm họa nào, và một số người có thể không muốn nhớ về chúng. Nhưng đây là câu chuyện hết sức đặc biệt về một hành vi nhỏ của sự tử tế có thể đua đến tính nhân văn nho nhỏ, ngay cả trong một thảm kịch vượt ra ngoài tất cả sức tưởng tượng của con người".
Những ngọn sóng cao gần 10 mét đã quét vào Kamaishi ngay sau cơn động đất mạnh 9.0 độ richter vào ngày 11 tháng 3, chúng đã phá hũy hầu hết các khu vực, các công trình quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, có một pho tượng Quan Thế Âm lộ thiên màu trắng ở trên một ngọn đồi của thành phố hướng ra biển thì không tổn hại gì.
Sau khi nước đen rút đi, đội cứu hộ tiến vào những tuyến phố bị tàn hoại trong thành phố để cứu hộ và dọn dẹp. Họ bắt đầu kéo những thi thể từ các đống đổ nát đưa lên xe tải để chuyến đến một trường trung học còn sót lại sau trận thiên tai. Phòng tập thể dục của trường trong chốc lát đã trở thành một nhà xác lớn.
Ông Chiba, đã ngoài thất tuần, cùng người thân trong gia đình cũng được thoát nạn, đã chạy đến phòng tập thể dục của trường sau trận thiên tai một ngày để tìm người thân và bạn bè, nhưng đã bị chấn động trước số lượng thi thể nạn nhân càng lúc càng tăng ở đó. Hầu hết các thi thể đều vẫn còn phủ trong quần áo lấm lem bùn đất và được bọc trong túi ni-lon, chân tay cứng nhắc của họ thì nhô ra và khuôn mặt thì bầm tím, trầy xước và méo mó trong trạng thái đau đớn.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Chiba đã bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng, nếu các thi thể vẫn giữ nguyên trạng thái đó thì khi người thân của họ đến tìm kiếm và xác nhận, người ta không thể nào chịu đựng nổi trước cảnh tượng đó. Vâng, họ đã chết. Nhưng ở Nhật Bản, chúng ta vẫn đối xử với người chết một cách tôn trọng, như thể là họ vẫn còn sống. Đó cũng là một cách để an ủi người sống”.
Chính vì suy nghĩ như thế nên ông Chiba quyết định làm việc. Ông trở thành một người gắn bó với nhà xác, ông nói chuyện với những thi thể khi ông làm vệ sinh cho họ nhằm chuẩn bị cho việc nhận dạng và hỏa táng. Ông đã nói: "Chắc hẳn bạn rất lạnh và cô đơn, nhưng gia đình của bạn sẽ sớm đến với bạn, cho nên bạn nên suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói với họ khi họ đến".
Ông cũng hướng dẫn các công nhân của thành phố làm việc tại nhà xác về cách làm mềm tứ chi đã bị cứng đờ của thi thể, ông còn chỉ cho các công nhân cách mát-xa để cho thi thể ít bị méo mó, vặn vẹo hơn. Ông Chiba còn sử dụng các nghi lễ Phật giáo trong việc chăm sóc cho gần 1.000 thi thể, vì theo ông: "Đó là một cách để an ủi người sống”. Thậm chí ông Chiba còn trang điểm cho một số thi thể nếu người thân của họ cần.
Những nỗ lực để tôn vinh người chết của ông Chiba nhanh chóng được nhiều người tán trợ và làm theo. Các công nhân kê những cái bàn của trường học cũ lại với nhau để tạo nên một bàn thờ Phật. Họ đặt thi thể của các cặp vợ chồng và các thành viên trong gia đình gần với nhau. Mỗi khi một thi thể được đưa ra, các công nhân xếp hàng và cúi đầu để tỏ lòng tôn kính lần cuối đối với thi thể ấy.
Và theo lời kêu gọi của ông Chiba, Kamaishi, một trong những thành phố bị tàn hại nặng nề nhất, trở thành thành phố duy nhất tiến hành hỏa thiêu tất cả những thi thể của nạn nhân, để làm được điều này họ đã nhờ đến sự hỗ trợ của các lò thiêu ở Akita, cách đó khoảng 100 dặm.
Chỉ riêng thành phố Kamaishi, thảm họa kinh hoàng vào ngày 11-3-2011 đã giết chết 888 người trong tổng số gần 40.000 cư dân, bên cạnh đó còn có hơn 158 người bị mất tích và coi như đã chết. Trận sóng thần đã tàn phá gần như một nữa thành phố.
Trong lúc thành phố Kamaishi chuẩn bị lễ tưởng niệm để đánh dấu lần tưởng niệm đầu tiên của trận thảm họa, thầy Enou Shibasaki, một vị tu sĩ Phật giáo, đã vinh danh sự đóng góp của ông Chiba trong việc khôi phục cảm xúc của thành phố.

Chư Tăng cầu nguyện cho các nạn nhân tại bờ biển Kitaizumi, Fukushima
Thầy Enou Shibasaki chia sẻ: "Cho dù bạn là người theo tôn giáo hay không, lo tang lễ cho người quá cố là một nhu cầu căn bản. Việc lo tang lễ bắt đầu bằng cách chăm sóc thi thể người chết. Đấy là lần cuối cùng bạn nhìn thấy người thân yêu của mình và bạn muốn ghi nhớ họ bằng một hình ảnh đẹp như họ có khi còn sống".
Minh Nguyên (Theo New York Times)
(Nguồn: Báo Giác Ngộ, Số 633, ra ngày 17/3/2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!