Lược Sử Chùa Kim Tiên, Huế

Tổ đình Kim Tiên tọa lạc trên đỉnh đồi Bình An, thuộc phường Trường An, TP.Huế. Đây là một ngôi chùa cổ gắn liền với những sự tích huyền nhiệm. Tương truyền rằng, xưa kia chùa Kim Tiên chỉ là một thảo am nhỏ ẩn khuất trên đồi cây rậm rạp với nhiều loài thú dữ. Một buổi chiều nọ, trời bỗng trở nên mát mẻ, từng đợt gió mơn man thổi như có một điều gì khác lạ. Nơi khe suối phía cổng chùa, người ta nhìn thấy 3 thiếu nữ xinh đẹp với xiêm y lộng lẫy đang vui đùa trong dòng nước mát trong. Khi những người đi đường nhìn thấy và tiến lại gần, ba thiếu nữ nhẹ nhàng bay lên hư không và mất hút trong bầu trời xanh thẳm, chỉ để lại những hương thơm kỳ lạ thoảng bay trong gió. Từ đấy, câu chuyện 3 tiên nữ xuống tắm nơi dòng suối phía trước cổng chùa được lưu truyền trong dân gian. Và có lẽ đấy cũng là nhân duyên để sau này chùa mang tên là Chùa Kim Tiên.
Ngày nay dòng suối đó không còn nữa, nhưng người xưa đã tạo lập ở nơi đó một cái giếng sâu, nước rất trong và ngọt. Thơ ca vẫn lưu truyền rằng:
Kim Tiên giếng ngọc trong dòng nước
Bảo tháp chùa xưa thoảng khói trầm
Vườn tịnh gió chiều reo ngõ trúc
Gậy thiền thanh thản dạo đường trăng.
Chùa Kim Tiên xuất hiện trên đất Thuận Hoá từ năm nào không ai nhớ rõ. Nhưng theo một số nhà sử học có uy tín, chùa Kim Tiên tồn tại đến nay đã hơn 300 năm lịch sử, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Theo các long vị đang phụng thờ ở bàn thờ Tổ của chùa thì có một long vị đề: “Sắc tứ Từ Giác trùng kiến Kim Tiên Tự, Lâm Tế tam thập tứ thế hiệu Bích Phong Việt Lão Hoà Thượng giác linh”. Theo sử liệu đời thứ 34 của dòng thiền Lâm Tế thì Ngài này cùng một thời với ngài Minh Hoằng Tử Dung, vị tổ khai sơn chùa Từ Đàm, một trong những ngôi chùa xất hiện sớm nhất ở đất Thuận Hoá.
Chùa Kim Tiên được Hoà thượng Bích Phong trùng tu lần đầu tiên, đến đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát được trùng tu lại một lần nữa (1774). Đợt trùng tu này theo như sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “...Chúa đi tới, thấy nơi có di tích xưa: một ngôi chùa trên đồi cây rậm, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng. Thấy vậy, Chúa có ý muốn tu sửa lại; bèn sai thợ mộc làm lại điện thờ, gác chuông, lầu trống, sơn son thiếp vàng; phụng thờ các vị Phật và Bồ Tát để cầu phúc cho dân. Chỉ sau vài tháng chùa đã làm xong, quy mô rất tráng lệ...”
Vào thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, chùa đã bị chiếm dụng làm nơi ở cho Ngọc Hân Công Chúa và làm kho chứa vũ khí. Theo lệnh của Nguyễn Huệ lúc bấy giờ, các chùa làng đều bị triệt hạ và chỉ giữ lại những ngôi chùa lớn ở huyện. Cũng trong thời gian ấy, các tượng Phật bằng đồng, các loại chuông và pháp khí bằng đồng của chùa đều bị chiếm đoạt để đúc vũ khí phục vụ cho quân đội. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao với đầy lòng oán trách:
Vì ai nên nổi nước này
Chùa Tiên vắng vẻ điệu thầy xa nhau.
Dưới triều nhà Nguyễn, từ đời Vua Gia Long đến trước đời vua Tự Đức, chùa cũng đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo và đã được các vị Hoà thượng: Tế Quảng, Đại Quán, Đạo Thành, Tánh Thông, Hải Thuận, Hải Từ, Thanh Đức kế tục đảm nhiệm trụ trì. Bẵng đi một thời gian khá dài, chùa không có người xuất gia trụ giữ vì chiến tranh loạn lạc, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vào khoảng những thập niên 50 - 60 của thế kỷ XX, chùa được Hoà Thượng Hưng Mãn làm trụ trì. Năm 1964, sau khi Hoà Thượng Hưng Mãn viên tịch, sơn môn Tổ đình Báo Quốc quyết định cử Hoà thượng Hưng Dụng tiếp nối sư huynh (Hòa thượng Hưng Mãn) làm trụ trì Tổ đình Kim Tiên. Nhưng do Hòa thượng còn nặng gánh trách nhiệm đối với Phật giáo tỉnh Quảng Trị, nên Ngài tạm thời giao trách nhiệm trông coi chùa cho đệ tử lớn của mình là Hòa thượng Thích Chánh Trực, lúc bấy giờ giữ nhiệm vụ Đặc ủy Thanh niên của Ban đại diện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên.
Đến năm 1968, Hòa thượng Chánh Trực được bổ nhiệm giữ chức Chánh đại diện của Phật giáo tỉnh Quảng Trị thì Hòa thượng Hưng Dụng mới an tâm vào Huế trực tiếp đảm nhận công việc trú trì tổ đình Kim Tiên. Hoà Thượng đã có nhiều thay đổi lớn lao đối với diện mạo cũng như vị trí của chùa. Năm 1997, lúc này tuổi Ngài đã cao, nhưng với trách nhiệm và tâm huyết của đối với ngôi chùa cổ, người đã cùng môn đệ và các đệ tử xuất gia cũng như tại gia ra sức trùng tu lại ngôi chùa với một quy mô khá lớn, lần trùng tu này ngôi chánh điện được xây mới lại hoàn toàn với ba căn hai chái rất uy nghiêm và tráng lệ.
Năm Mậu Dần (1998), sau khi Hoà thượng Hưng Dụng viên tịch, Môn đồ pháp quyến đã giao trọng trách nặng nề này cho Thượng Toạ Thích Giác Đạo. Từ khi kế tục sự nghiệp của liệt vị Tổ Sư, nhờ hồng ân Tam bảo và nhờ sự gia hộ của giác linh nhị vị Hòa thượng, ngôi Tổ đình đã được lần lượt trùng tu, từ Hậu đường, điện Di Lặc, Hương Nghiêm đường cho đến phòng Tăng.
Ngày nay Kim Tiên là một ngôi cổ tự ở Huế được khá nhiều người biết đến. Có một bài thơ ca ngợi về chùa Kim Tiên được khắc ghi trên bia đá tại ngôi tháp cổ trong vườn chùa cũng khá nổi tiếng:
Đơn sơ thanh đạm có chi mô
Giếng cổ chùa Tiên cảnh nhiệm mầu
Bia sử chép ghi công giới hạnh
Tháp mồ thầm chứa đức dài lâu
Đỗ môn bích lý cây cành gãy
Đạo chủng thuyền lâm cội rễ sâu
Quả thấu nhơn tròn sen chín phẩm
Trăng vàng sáng tỏ giữa đêm thâu.
Không những thế, chùa Kim Tiên còn được biết đến như là một miền đất trại của GĐPT. Ký ức về những đợt trại huấn luyện thường gắn liền với những kỷ niệm đẹp tại ngôi chùa Kim Tiên được lưu giữ mãi trong tâm trí của thanh niên Phật tử. Có thể nói rằng, chùa Kim Tiên xứng đáng là một ngôi cổ tự, là chốn Già lam trang nghiêm, thanh tịnh, rất thuận tiện cho đời sống tu hành của Tăng chúng cũng như hàng Phật tử, và cũng là điểm đến cho những ai muốn viếng thăm chùa Huế.
----------------------------------------------------------------------
(Tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!