Thiện và Ác

Đức Thế Tôn còn có danh hiệu là “Vô thượng y vương”, Ngài đã tuỳ theo bệnh của chúng sanh để cho thuốc. Chúng sanh thì vô lượng, bệnh tình cũng vô cùng phức tạp, nên Ngài đã đưa ra rất nhiều phương thuốc để chữa trị cho chúng sanh. Tuy là rất nhiều phương thuốc, nhưng chúng vẫn có sự liên hệ, thông nhất với nhau, có xuất phát điểm như nhau. Đấy cũng chính là điểm cốt tuỷ của giáo lý đạo Phật vậy. Điểm cốt tuỷ này được diễn tả trong bài kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
(Chớ làm các việc ác
Vâng làm các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Đó là lời chư Phật dạy).
Nhưng thế nào là thiện, thế nào là ác? Và giữ tâm ý thanh tịnh là sao? Trong phạm vi bài viết này, người viết xin bàn đến vấn đề thiện ác chứ không kỳ vọng lớn lao.


Nghĩa của chữ thiện và ác:
Có nhiều quan điểm khác nhau về Thiện và Ác. Nếu chỉ nhìn một phía thì không diễn tả được thiện và ác một cách sâu rộng. Nay phân chia ra các khía cạnh khác nhau để nhìn nhận, đánh giá thiện và ác như sau:

Thiện và ác theo phong tục:
Để xét theo phương diện này, thì trước hết nên hiểu phong tục là gì? Phong tục là thói quen đã ăn sâu vào đời sống con người trong xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.
Theo phương diện này thì những gì mà hợp với phong tục, đúng với thói quen của cộng đồng thì được xem là thiện. Còn những gì trái với phong tục, xa lạ với thói quen của cộng đồng thì xem là bất thiện. Như vây, thiện và ác ở đây được xét theo tiêu chuẩn của thói quen chứ không theo chân lý, lẽ phải. Vì thế, dẫu có những điều hợp với chân lý, đúng lẽ phải nhưng trái với phong tục của địa phương, của cộng đồng xã hội thì vẫn không cho đấy là thiện. Chẳng hạn, có cộng đồng người cho rằng, cha mẹ đau là do thần thánh trách phạt, con cái thương cha mẹ thì phải cho cha mẹ nằm giữa đất, không được cho ăn uống gì hết, như thế thì bệnh mới mau lành. Nếu con cái làm như thế mới là con có hiếu, còn không làm như thế là bất hiếu. Hoặc trong xã hội phương Tây hiện nay, lúc cha mẹ về già thì con cái đem cha mẹ đến các viện dưỡng lão. Họ bảo là để cho cha mẹ được an hưởng lúc tuổi già, và đấy là một việc làm chính đáng ở xã hội phương Tây. Là những người Á Đông, khi biết được việc đó thì chúng ta kết luận, nhưng người con đấy là những kẻ bất nhân, bất hiếu. Bởi vì theo phong tục, văn hoá của chúng ta, con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi gia. Chỉ những người già neo đơn, không nơi nương tựa mới đưa vào viện dưỡng lão.
Qua đó cho chúng ta thấy sự đánh giá thiện, ác theo phong tục là không rõ ràng, không minh bạch, không hợp lý. Tại vì mỗi cộng đồng xã hội có phong tục riêng, có nền văn hoá riêng. Có những điều ở xã hội này là thiện, nhưng ở cộng đồng khác thì cho là bất thiện, hoặc ngược lại.
Thiện và ác theo hình luật:
Hình luật là pháp luật do một tổ chức nhà nước đặt ra để đưa đất nước đó phát triển, ổn định. Mỗi đất nước có một chế độ xã hội khác nhau, tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội khác nhau nên pháp luật cũng có những khác biệt nhất định. Hơn nữa, chính trong cùng một đất nước, pháp luật cũng thường có sự thay đổi theo không gian và thời gian nhất định chứ không phải là cố định, bất biến. Những gì đúng theo pháp luật thì cho là thiện, những gì không đúng theo pháp luật thì đấy là ác. Nhưng pháp luật chưa hẳn là chân lý. Vì pháp luật phục vụ cho bộ máy nhà nước, cho chế độ chính trị của nhà nước đó, nên nó có thể có lợi cho đất nước này nhưng lại bất lợi đối với đất nước khác, xã hội khác. Một điều đáng nói nữa là pháp luật chỉ căn cứ trên hiện tượng, trên những bằng chứng rõ ràng, cụ thể chứ không thể căn cứ vào bản chất bên trong của vấn đề, cụ thể là bản chất của người phạm tội. Pháp luật chủ yếu dựa vào bằng chứng, vào pháp lý chứ ít dựa vào tình cảm. Do đó khó làm rõ được tính thiện ác.

Thiện và ác theo Thần giáo:
Các đạo thờ thần rất chú trọng đến vấn đề thiện ác, họ muốn chứa trị tâm bệnh cho nhân loại, muốn cho loài người bớt khổ. Nhưng họ lại ít chú trọng đến pháp hành, ngược lại họ chú trọng rất nhiều đến sự cầu nguyện, sự ban ân, cứu rỗi của thần linh. Đặc biệt họ rất chú trọng đến việc cúng tế. Họ quan niện rằng: “Kính mến các vị thiên thần tạo hoá là thiện, không kính mến các vị ấy là bất thiện”. Mỗi thần giáo có vị thần riêng, vị giáo chủ riêng của mình. Giáo phái A cho việc kính mến, cúng tế thần của mình là thiện, nhưng ai không cúng tế vị thần đó là người bất thiện; giáo phái B cũng cho việc cúng tế thần của mình là thiện, và những người nào không cúng tế là bất thiện. Vậy đâu là tiêu chuẩn để đánh giá thiện ác? Chẳng lẽ những người không cũng tế, không thờ thần đều là bất thiện? Thường thì các tín đồ theo thần giáo, để thể hiện lòng tôn kính đối với vị thần mà họ kính tin, họ thường dùng các tế phẩm để cúng tế. Đôi khi họ bất chấp những thủ đoạn để có được những tế phẩm mà vị thần của họ muốn (những tế phẩm ấy thường được ghi lại trong kinh sách của giáo phái đó). Có những giáo phái, để thể hiện lòng tôn kính đối với vị thần của mình, họ dùng tế phẩm là những đồng nam đồng nữ, có giáo phái lại dùng người thiếu nữ đẹp nhất trong số tín đồ của họ để làm vật tế thần. Những việc làm này, nếu là tín đồ thuần thành của các giáo phái đó thì họ xem đấy là một vinh hạnh, là một việc làm cao cả, là một việc tối thiện cho những ai có được duyên may được chọn làm vật tế thần. Họ nghĩ như vậy đấy, còn chúng ta thì cho đấy là một hành động cuồng tín, một việc làm mất hết tính người. Cho nên đánh giá thiện ác theo quan điểm của thần giáo cũng chưa hợp lý.
Thiện và ác theo Phật giáo:
Trong Phật giáo đại từ điển đã định nghĩa thiện và ác như sau: “Thiện thị thuận lý chi hành, ư hiện tại dĩ tương lai, hưởng lạc chi hành dã. Ác thị quai lý chi hành, ư hiện tại dữ tương lai, chiêu khổ chi hành dã”, (thiện là những việc làm đúng theo chân lý, những việc làm đem đến lợi ích an vui cho mình và người trong hiện tại lẫn tương lai. Ác là những việc làm trái với chân lý, những việc làm đem đến đau khổ cho mình và người trong hiện tại lẫn tương lai).
Chân lý theo lời đức Phật dạy là phải hội đủ 3 yếu tố: Chân - Thiện - Mỹ. Tuy chia làm ba yếu tố nhưng thực tế chúng liên hệ mật thiết với nhau, tồn tại trong nhau. Cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này không có mặt thì cái kia cũng không có mặt. Chẳng hạn như trong câu ca dao:
Đây bát cơm đầy nặng ước mong
Mẹ ơi đây ngọc với đây lòng
Đây tình con nặng trong tha thiết
Ơn nghĩa sinh thành chưa trả xong.
Câu ca dao này chứa đựng đầy đủ cả ba yếu tố chân - thiện - mỹ ở trong nó.
Xét theo phương diện thế gian và xuất thế gian thì có thể chia thiện và ác ra làm ba loại:
Ác hữu lậu: Là những việc làm, những điều trái với chân lý, gây đau khổ cho mình và người trong hiện tại cũng như trong tương lai. Những điều ác này dẫn dắt chủ nhân trôi lăn trong luân hồi sanh tử không biết ngày nào ra khỏi nên gọi là ác hữu lậu. Đấy chính là những người làm năm tội nghịch và mười ác nghiệp.
Hữu lậu thiện: Là những điều lành hợp với chân lý, đem lại an vui và hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại cũng như tương lai. Thiện thì nhiều nhưng không ngoài việc không làm năm điều nghịch và làm mười thiện nghiệp. Thiện ở đây có hai mức độ, đó là chỉ ác và tác thiện. Khi không làm điều ác là thiện rồi và hẳn nhiên khi làm việc thiện là thiện. Tuy nhiên, do còn có sự đối đãi, còn phân biệt giữa mình và người, còn có lòng mong cầu, cho nên việc thiện của họ chỉ đem lại phước quả sung sướng hơn, hạnh phúc hơn ở hiện tại và tương lai, nghĩa là vẫn còn phải bị luân hồi sanh tử chi phối chứ chưa được giải thoát hoàn toàn, cho nên gọi là hữu lậu thiện.
Vô lậu thiện: Là những việc thiện mà người làm không còn có ngã chấp, không mong cầu về phước báo, làm một cách tự nhiên như thói quen đã thuần thục. Nhưng việc thiện vô lậu chỉ có hàng Bồ-tát và chư Phật mới có khả năng để làm. Và phước quả của việc thiện vô lậu là đưa đến giải thoát, Niết-bàn tối thượng, không còn trôi lăn tròn luân hồi sanh tử.
Nhân tố quyết định thiện và ác theo Phật giáo:
Trong kinh Pháp cú, ở phẩm Song yếu đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng theo hinh”. (Pháp cú - 01)
“Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm ô nhiễm thì sự đau khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo con vật kéo”. (Pháp cú - 02)
Như vậy, để đánh giá là thiện hay ác, chúng ta không thể chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài mà bỏ qua việc tìm hiểu tâm ý bên trong. Dẫu là hiện tượng phản ánh bản chất, nhưng vẫn có những hiện tượng xuyên tạc bản chất, trái ngược với bản chất bên trọng. Vì vậy, cơ sở để đánh giá là thiện hay ác nằm ở tấm lòng con người chứ không chỉ là những biểu hiện bề ngoài.
Nhưng mà lòng người thì thật là khó để nhận định, bởi:



“Sông sâu còn có thể dò
Lòng người ai dễ mà đo cho tường”.
Cho nên không thể kết luận một cách vội vàng, máy móc được. Có những hành động hiện ra bên ngoài là hành động ác, nhưng xuất phát từ tấm lòng vị tha, bao dùng quảng đại, như hành động giết mãnh thú để cứu dân thường, trừ bạo chúa để cứu trăm họ,… Ngược lại, có những hành động biểu hiện bên ngoài giống như là thiện, nhưng lại xuất phát từ tấm lòng không trong sạch, vì danh, vì lợi, chẳng hạn như làm từ thiện để được danh thơm, giúp người có quyền thế để được trả ơn hậu hỷ,…
Qua đó cho chúng ta thấy được rằng, thiện ác là một vấn đề không đơn giản chút nào cả. Là người học Phật, chúng ta phải cố gắng gạn lọc thân tâm, để cho lòng mình lúc nào cũng nghĩ đến điều lành, nghĩ đến lợi ích, an vui của mọi người, mọi loài. Và điều khiển thân làm những việc lành, giữ oai nghi tế hạnh; miệng nói những lời hoà nhã, dịu dàng, chân thật, đêm đến lợi ích, an vui cho mình và người. Và khi chúng ta nhìn nhận một vấn đề thì cần phải tìm hiểu cặn kẻ từ bản chất đến hiện tượng, chứ không nên đánh giá hời hợt.
- Minh Nguyên -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!