Người Phật tử phương Tây thực hành giáo pháp

Phật giáo đang ngày càng phát triển mạnh ở phương Tây, cùng với chiều hướng ấy, ngày càng có nhiều người phương Tây tu tập theo đạo Phật, thực hành giáo pháp của Phật trong cuộc sống thường nhật. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những lời chia sẻ, những kinh nghiệm tu tập của hai Phật tử người phương Tây: nữ cảnh sát Mindy Winter và cựu giáo sư luật Toni Bernhard.

Mindy Winter
Chân dung của Mindy Winter
Mindy Winter là một nữ nhân viên cảnh sát thuộc sở cảnh sát Madison, bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Cô Winter tâm sự: “Trong bất kỳ thời điểm nào, nhất là khi mình có kế hoạch bắt giữ ai đó, chắc hẳn mình nghĩ là sự việc sẽ rất xấu và diễn ra rất nhanh. Mình phải sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, mình không thể nào để cho những lo lắng về sự an toàn của mình ảnh hưởng tiêu cực đến cách mình ứng xử với mọi người”.

Winter xác nhận rằng, làm cảnh sát là một công việc đầy căng thẳng. Cho nên, tìm cho mình những lối thoát tích cực là điều rất quan trọng. Không riêng gì đối với cảnh sát mà bất cứ ai, khi giải quyết sự căng thẳng cũng hay dùng những cách thức kém lành mạnh.

Chánh niệm chính là một lối thoát tích cực của Winter. Cô được biết đến pháp tu này cách đây khoảng 7 năm, khi người bạn đời của cô đi tham dự một khóa tu chánh niệm rồi về nhà kể lại cho cô nghe. Bây giờ thì cô thực hành thiền đều đặn bằng cách tập trung vào hơi thở. Đôi khi cô chỉ thực tập trong ít phút, khi đang ngồi trước bàn làm việc vào giữa buổi làm. Vào những lúc khác, khi ở nhà thì cô tọa thiền lâu hơn.

Khoảng 5 năm đầu làm cảnh sát, Winter làm nhiệm vụ tuần tra. Cách đây khoảng một năm, cô trở thành một chuyên viên điều tra tai nạn giai thông, có nghĩa là khi có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong khu vực của cô, cô phải đến hiện trường để điều tra. Winter bày tỏ: “Công việc của tôi phải tiếp xúc và giải quyết các vấn đề với những người đang bị nhiều đau khổ bởi vì người thương yêu của họ mới vừa chết, hoặc là bản thân họ hay là người thân của họ lâm vào tình cảnh nguy kịch, nguy hiểm đến tánh mạng. Cuộc sống của họ bị đảo lộn”.

Sự thương tổn tinh thần do phải nhìn thấy “những thứ nằm dưới tấm ra trải giường” và phải xử lý những thảm kịch mỗi ngày có thể khiến cho một vài cảnh sát trở nên chai lỳ, không còn cảm xúc. Nhưng đối với Winter thì chánh niệm đã cho cô có được sự vững vàng và có thể có mặt trong các tình huống, xử lý công việc và tiếp xúc với mọi người một cách đầy lòng thương yêu hơn. Cô nói: “Chánh niệm giúp cho tôi trở nên kiên nhẫn hơn và sáng suốt hơn so với trước đấy”.

Sở cảnh sát thành phố Madison ủng hộ các nhân viên thực tập và vận dụng chánh niệm vào trong công việc. Năm ngoái, nhóm huấn luyện của cô đã tham dự một khóa tu được tổ chức tại Mandison như là một lựa chọn cho khóa huấn luyện chuyên biệt. Những người tham dự khóa tu đã cùng nhau thảo luận nhóm, thực tập thiền hành, thiền tọa và lắng nghe pháp thoại. Theo cách nói của cô Winter thì “những hoạt động của khóa thiền giữ cho tâm của ta luôn tỉnh giác, đồng thời khiên cho tâm được thư giản”.

Khóa tu đã tạo nguồn cảm hứng cho Winter và một vài thiền sinh khác và họ quyết định tiếp tục gặp nhau. Họ gặp nhau mỗi tháng một lần. Winter cho hay: “Tại sở làm, chúng tôi cùng nhau ăn cơm trưa và cùng thảo luận về thiền. Đây là một nhóm người này rất kỳ lạ. Trước khóa tu, chúng tôi chưa thật sự biết về nhau, nhưng chánh niệm đã tạo cơ hội, làm cầu nối để chúng tôi biết về nhau”.

Toni Bernhard

Toni Bernhard là một cựu giáo sư luật. Để kỷ niệm 20 làm giáo sư luật, Toni Bernhard đã cùng chồng đi du lịch đến Paris. Nhưng ngay từ đầu chuyến du lịch vào năm 2001 ấy, Toni Bernhard cảm thất rất yếu và nằm liệt trên giường, chỉ có thể nhìn lướt qua tháp Eiffel. Theo một vài bác sĩ, có lẽ là trên hành trình của chuyến bay cô đã bị nhiễm phải một loại vi rút và từ đó cô không bao giờ hồi phục được nữa.

Trước khi Bernhard bị bệnh, cô đã tham dự khóa tu thiền 10 ngày và đã thực tập ngôi thiền đều đặn. Mỗi ngày cô ngôi khoảng 45 phút, không bao giờ bỏ, thậm chí là ngay cả những trong ngày đám cưới của con cô. Nhưng sau khi lâm bệnh, sự khó khăn về sinh lý khiến cho cô rất khó ngồi thiền. Cô tâm sự: “Là một người Phật tử, tôi cảm thấy mình bị thất bại. Phải mất vài năm sau tôi mới trở lại với Phật pháp. Dần dần tôi nhận thấy rằng con đường mà Đức Phật dạy không phải là con đường một nhánh, mà là con đường có tám nhánh. Bên cạnh phương pháp tọa thiền còn có nhiều phương pháp thực tập khác”.

Và sự thật là Bernhard đã khám phá ra rằng, trong hiện tại, nhiều phương pháp hành thiền khác vẫn có sự ảnh hưởng sâu sắc đến cô nhiều hơn chúng đã ảnh hưởng lúc cô đang còn khỏe mạnh. Ví dụ, trước khi bị bệnh, cô được học phép quán từ bi bằng cách quán tưởng rằng mình nhận lãnh nỗi đau của người khác mỗi khi thở vào và mỗi khi thở ra thì quán tưởng mình đang đem đến cho người khác sự khuây khỏa. Khi còn là một người mạnh khỏe thì Bernhard hiếm khi thực tập đề mục này, nhưng bây giờ thì cô thực tập nó thường xuyên. Cô chia sẻ: “Khi tôi thở vào, tôi hình dung nỗi đau do bệnh tật của mọi người mất khả năng khuếch tán đến với thân nhân và bạn bè; khi tôi thở ra với tâm từ bi, tôi cảm thấy có một sự kết nối mạnh mẽ với hàng triệu người đang chịu đau khổ bởi những căn bệnh kinh niên”.

Sự nối kết ấy không chỉ làm cho nỗi đau của cô được lắng dịu mà còn tạo cảm hứng để cô giúp đỡ người khác bằng cách chia sẻ với họ về những pháp tu đã giúp cô trong lúc ốm đau. Nằm trên giường, với máy tính xách tay đặt trên bụng, cô đã viết những sự thực tập của mình, cả những phương pháp thuộc truyền thống Phật giáo và những phương pháp do chính cô sáng tạo ra. Mặc dù đôi khi vì căn bệnh hoành hành, suốt mấy tháng trời cô không viết được chữ nào, nhưng cối cùng thì bản thảo của cuốn sách cũng đã hoàn thành. Đấy là cuốn sách: “Làm sao để sống với bệnh tật: Sự hướng dẫn lấy cảm hứng từ đạo Phật cho người mắc bệnh kinh niên và những người chăm sóc”. Cuốn sách đã được nhà xuất bản Wisdom Publications ấn hành vào tháng 9-2010.

Bernhard không thể chỉ ra phương pháp nào là hữu ích nhất đối với cô, cô thực tập nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng có một phương pháp mà mọi người hướng đến đó là nuôi lớn tâm thương yêu đối với thân thể của mình bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ nào đó. Với Bernhard thì cô thường lặp đi lặp lại câu: “Này thân thể đáng yêu của tôi, hãy làm việc tích cực để được khỏe mạnh hơn”. Bernhard chia sẻ thêm: “Thực tập chánh niệm giúp làm nới lỏng những trói chặt do các tư tưởng hay cảm xúc căng thẳng gây nên. Bằng cách đem những trạng thái tâm lý đầy đau khổ ấy đến với sự ý thức có chánh niệm, ta có thể nhìn thấy rõ bộ mặt thật của nó: vô thường và không cố định về mặt định dạng. Ta không chỉ là căn bệnh ấy. Ta không chỉ là sự đau đớn về thể xác này”.

Minh Nguyên
(Theo tạp chí Shambhala Sun, số ra tháng 1-2011)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!