Con đi trường học, mẹ ...!


Hơn 30 năm! Vâng, hơn 30 năm kể từ khi theo cha về làm dâu xứ ruộng đồng Tân Bình này, mẹ làm việc quần quật suốt ngày, chưa bao giờ được nghỉ ngơi như những gia đình khá giả khác!
Bốn giờ sáng, sau khi chuẩn bị sẵn nồi cơm cho bốn anh em tôi ăn đi học, mẹ theo cha bơi xuồng ra sông chài lưới. Nhiều khi chúng tôi tan học về gặp mẹ vẫn còn đội thau cá trên đầu đi bán dưới trời nắng chang chang.
Mẹ vốn người thấp nhỏ, thau cá trên đầu thì to, cái nón lá mẹ sợ hư nên không dám đội mà lấy che cho thau cá, sợ cá chết bán không được giá. Bán cá xong, mẹ lại đội thau gạo về với một ít thức ăn cho buổi chiều vì buổi sáng đã có cá vụn rồi. Chúng tôi đã lớn lên cũng như mẹ đã già yếu đi rất nhiều trong nghèo khó và vất vả, đổi cá lấy gạo quanh năm!
Bây giờ, mỗi lần nghe mẹ ngồi võng ru cháu nội của mẹ, tức là con của tôi, rằng “... ầu... ơ... con đi trường học, mẹ đi trường đời”, lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt, câu hát đúng với cuộc đời mẹ quá! Bởi bốn anh em chúng tôi bây giờ học hành đến nơi đến chốn, được đi đây đi đó, nhưng suốt đời mẹ, mẹ có được học chữ nào đâu, chỉ biết có con cá, ngọn rau, đầu trần chân đất, thật thà như tiếng bìm bịp kêu con nước lớn, nước ròng.
Mẹ ít chữ nên quan tâm đến việc học hành của chúng tôi cũng bằng cách riêng của mẹ. Ngày nào mấy anh em tôi đi học về mẹ cũng hỏi: “Bữa nay có đứa nào bị 1 điểm không, đứa nào điểm 10 mai mẹ thưởng cho con tôm lóng”. Nhà nghèo nên mẹ không hơn thua gì với con cái nhà người khác, chỉ mong sao con mình đừng bị điểm kém là mừng rồi.
Phần thưởng của mẹ cho chúng tôi khi có điểm 10 là mỗi đứa một con tôm lóng, chỉ vậy thôi mà anh em chúng tôi mừng lắm. Hôm nào không có tôm lóng, mẹ lại thưởng bằng cách khác, đó là đứa nào được điểm 10 thì tối ngủ mẹ cho nằm gần. Chúng tôi đứa nào cũng muốn được nằm gần mẹ nên đua nhau học.
Nhớ ngày tôi tốt nghiệp đại học, nhà không còn tiền, mẹ đã đi vay nóng bên ngoài được 200.000 đồng rồi đón xe lên thành phố dự lễ phát bằng của tôi. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời mẹ bước ra khỏi kênh rạch, ruộng đồng, “biết được thành phố nó như thế nào rồi” - như lời mẹ nói. Khi tôi đang đứng trên bục nhận bằng, mẹ đã chạy từ dưới hội trường lên ôm tôi khóc thật nhiều mà không thành tiếng.
Khi tôi giải thích xong, cả hội trường lặng im xúc động, một số thầy cô và nhiều bạn bè tôi cũng khóc như tôi! Không ai có thể vui mừng hơn người mẹ khi thấy con mình ăn học nên người, nhất là đối với những gia đình ở nông thôn túng thiếu! Mười mấy năm học hành đỗ đạt là đánh đổi bằng tuổi thọ thiêng liêng của cha mẹ mình, phải giành giật với gian lao và bệnh tật mới có được!
Bây giờ mẹ đã có dâu, có cháu ẵm bồng, nhưng mẹ đã “như chuối chín cây”, mấy anh em tôi dù phụng dưỡng mẹ chu đáo đến đâu cũng không thể bù lại được phần sức khỏe đã mất vì phải làm việc nặng nhọc suốt mấy mươi năm trời để nuôi nấng chúng tôi nên người. Những lúc đứng nhìn mẹ ngồi chải mái tóc bạc phơ, lòng tôi lại lo sợ một cơn gió sẽ “lay mẹ rụng” lúc nào không hay!

Văn Thuận
Theo Báo Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!