Duyên Khởi Và Ý Nghĩa Kiết Hạ An Cư



Mỗi năm, đến mùa sen nở, phượng khoe sắc cũng là mùa chư Tăng kiết hạ An cư. Việc kiết hạ An cư đã có từ thời đức Phật còn tại thế và mãi cho đến nay vẫn được chư Tăng giữ gìn và thực hiện một cách nghiêm túc, nhiệt thành.
Lúc đức Phật còn tại thế, khi ấy đang là mùa mưa, Ngài đang trú tại thành Xá-vệ, trong vườn của ông Cấp Cô Độc, có một số Tỳ kheo vẫn đi khất thực, du hành như mọi khi nên đã vô tình dẫm đạp lên các loài côn trùng đang sinh sôi, nảy nở trên mặt đất. Trước hiện thực ấy, một vài cư sĩ và những người ngoại đạo đã chê trách các vị Tỳ kheo rằng: "Chín mươi sáu loại người xuất gia còn biết An cư, như chim ẩn mình nơi tổ, còn Sa-môn Thích tử tự cho mình là tốt đẹp mà không An cư" . Các vị Tỳ kheo đã đem những lời ấy thưa lại với đức Phật. Nhân đây đức Phật khiển trách các vị Tỳ kheo ấy và chế ra phép An cư trong mùa mưa để không gây tổn hại đến tính mạng của chúng sanh cũng như ngăn ngừa những rũi ro, nguy hiểm đến tánh mạng cho các vị tỳ kheo trong mùa mưa (Ở Ấn Độ, mùa mưa thường là từ tháng 6 đến tháng 9). Như vậy, mặc dù đức Phật chưa chính thức quy định là chư Tăng phải An cư trong mùa mưa, nhưng bởi vì đấy là tục lệ của tất cả các tu sĩ thuộc các giáo phái tôn giáo tại Ấn Độ lúc bấy giờ, nên những vị Tỳ kheo mới bị mọi người chê trách và bị đức Phật khiển trách khi họ không tuân thủ theo tục lệ ấy.
Trước khi vào mùa An cư thì chư Tăng phải làm lễ kiết giới An cư, gọi là kiết hạ. Nghi thức kiết giới này có sự khác nhau giữa Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Tuy nhiên, dù được tiến hành theo truyền thống nào đi nữa thì vẫn không ra ngoài hai vấn đề chính là xác định phạm vi, ranh giới địa lý mà chư Tăng sẽ sống trong ba tháng An cư và nhắc lại những nguyên tắc của phép An cư đã được quy định rõ trong Luật tạng. Hiện nay ở nước ta, Theo Phật giáo Bắc truyền thì thời gian An cư là từ 16/4 đến 16/7 âm lịch, còn theo Phật giáo Nam truyền thì An cư từ 16/6 đến 16/9 âm lịch.
Chình vì duyên khởi của phép An cư là như thế cho nên có một số người cho rằng, trong thời đại ngày nay, dù trời mưa hay nắng, đường sá cũng khá sạch sẽ, các loại côn trùng không dễ dàng sinh sôi nảy nở trên các trục đường giao thông, cho nên chư Tăng không cần phải An cư. Một số người khác thì hơi cứng nhắc hơn, theo họ thì chư Tăng phải An cư vào những tháng mùa mưa ở nước ta mới phù hợp theo 'tinh thần' của lời đức Phật dạy.
Thực ra thì việc An cư không chỉ có ý nghĩa đơn giản như thế. An cư, tiếng Phạn gọi là Vassà, dịch là Hạ hoặc Nhập hạ, nghĩa là trong ba tháng An cư thì chư Tăng phải sống ổn định tại một trú xứ nhất định đã được kiết giới. Theo nghĩa chữ Hán, An có nghĩa là yên ổn, Cư là sống, là ở. An cư là sống yên ổn. Vậy, thế nào là một vị Tỳ kheo sống yên ổn?
Trong kinh Tăng chi bộ, chương Năm pháp, phẩm An ổn trú, đức Phật có dạy: "Này các Tỷ-kheo, có năm an ổn trú này, Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, cả trước mặt và sau lưng; an trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; an trú từ ý nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng; đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng, và đối với tri kiến này, thuộc bậc Thánh đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm an ổn trú" .
Theo nội dung của đoạn kinh này thì sống an ổn (an ổn trú) là giữ gìn ba nghiệp (thân, miệng, ý) thanh tịnh, nghiêm trì giới luật và trau dồi trí tuệ để thành tựu chánh kiến. Một điều hết sức quan trọng trong đời sống của chư Tăng, để có được cuộc sống an ổn thì phải sống hoà hợp với nhau, cư xử với nhau trong tinh thần Lục hoà, điều này được đức Phật nhắc đi nhắc lại trong đoạn Kinh trên qua cụm từ "...đối với các đồng phạm hạnh".
Cũng trong phẩm An ổn trú, đức Phật dạy rằng: "Này Ananda, khi nào vị Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo Tăng sống an ổn trú"
Với đoạn Kinh này thì đức Phật nhấn mạnh đến vấn đề hành trì giới luật, sống an ổn tức là sống đúng với giới pháp mà đức Phật đã chỉ dạy, không làm phiền đến người khác, không gây tổn hại cho các loài chúng sanh. Qua đây cho chúng ta thấy được vai trò vô cùng quan trọng của giới luật đối với đời sống tu hành. Trong Kinh Di giáo đức Phật có dạy: "Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy."
Từ đó cho chúng ta thấy rằng, An cư không chỉ là vì lòng thương tưởng đến các loài côn trùng nhỏ nhít trên mặt đất, không nỡ làm tổn hại đến tính mạng của chúng. An cư còn là dịp để chư Tăng nỗ lực tu tập, nghiêm trì giới luật, trau dồi thêm trí tuệ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tu tập thiền định để có được đạo lực. Trong quá trình hoằng hoá độ sanh, chư Tăng cần phải đi đây đi đó để kết thiện duyên và dẫn dắt mọi người đến với đạo, đến với con đường Chân, Thiện, Mỹ. Muốn công cuộc hoằng háo độ sanh đạt được kết quả tốt đẹp thì chư Tăng phải là người thật sự có sức mạnh tâm linh, có đạo đức tốt và có kiến thức sâu rộng. Vì thế, trong một năm chư Tăng phải có ba tháng An cư để tự củng cố và phát triển nội lực cho mình. Nếu như chư Tăng thực tập phép An cư đúng nghĩa thì sau ba tháng An cư, nội lực sẽ tăng lên đáng kể, sẽ thực sự cảm thấy được trưởng thành hơn và vững chãi hơn nhiều. Chính vì lẽ đó mà chư Tăng được tính thêm một tuổi mới sau ba tháng An cư trọn vẹn (gọi là hạ lạp - tuổi hạ) chứ không phải là tính tuổi như thường tình, mỗi khi Tết đến là thêm một tuổi.
Không những thế, mùa An cư còn là lúc chư Tăng thể hiện tinh thần hoà hợp ở trong tăng đoàn. Hoà hợp là một yếu tố rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Tăng đoàn, của đạo pháp. Trong bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào, sự hoà hợp cũng rất là quan trọng. nếu không hoà hợp thì tổ chức, đoàn thể đó không thể tồn tại lâu dài được. Chư Tăng được xem là biểu tượng của tinh thần hoà hợp, vì thế chư Tăng phải thể hiện tinh thần sống hoà hợp trong Tăng đoàn để nêu gương cho mọi người. Ba tháng an là khoảng thời gian tối thiểu để chư Tăng thể hiện điều đó, cùng sống chung trong ba tháng An cư để nương tựa vào nhau, nương vào uy đức cuả đại chúng, của các bậc trưởng thượng nhằm trưởng dưỡng đạo tâm, phát triển trí lực nhằm có đủ khả năng để vượt qua những nội ma, ngoại chướng trong quá trình hoằng pháp lợi sanh.
Nếu trong ba tháng An cư chư Tăng tu hành trang nghiêm, thanh tịnh thì chẳng những chư Tăng được lợi lạc mà hàng Phật tử tại gia nói riêng và tất cả mọi người nói chúng đều được lợi lạc. Nhờ thấy được đời sống thanh tịnh, hoà hợp của chư Tăng mà đạo tâm của họ thêm kiên cố, giúp họ củng cố, xây dựng niềm tin đối với giáo pháp của đức Phật, đối với Chân, Thiện, Mỹ. Niềm tin đối với chân lý, đối với điều thiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Nếu người nào bị mất niềm tin vào chân lý, không còn tin vào điều thiện thì thật là bất hạnh và khổ đau vô cùng. Đối với họ, chân lý và điều thiện chỉ là những ngôn từ hoa mỹ, họ không tin là chúng có thật, chúng tồn tại trong cuộc sống. Vì thế họ luôn sống trong tâm trạng chán chường, lo âu và bất cần đời. Đời sống thanh tịnh, hoà hợp của chư Tăng là niềm động viên, khích lệ cho mọi người trong cuộc sống, khiến họ thêm kính quí đối với chư Tăng. Cũng chính vì lòng kính quí ấy mà họ phát tâm cúng dường Tam bảo, quy y Tam bảo và đến với chư Tăng để học hỏi giáo pháp của chư Phật và sống theo giáo pháp cao thượng ấy. Nhờ vậy mà cuộc đời của họ có thêm phần phước đức, được an vui, hạnh phúc hơn. Một khi chư Tăng có được sức ảnh hưởng lớn, được mọi người kính quí thì ngày càng có nhiều người hướng về đạo Phật, càng có nhiều người sống hiền thiện và cũng có nghĩa là môi trường xã hội ngày càng lành mạnh, đời sống xã hội ngày thêm an lành, hạnh phúc.
Chính vì những lẽ đó mà chư Tăng cần phải thực hiện phép An cư mỗi năm ba tháng, không thể bỏ qua được. Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện phép An cư có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của Tăng đoàn, của đạo pháp. Ngày nào phép An cư còn được chư Tăng thực hiện một cách nhiệt thành và nghiêm túc thì ngày ấy đạo pháp còn được mọi người quy ngưỡng và còn có ý nghĩa đối với xã hội.
- Quảng Trí -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!