Những pho tượng Di Lặc vĩ đại trên thế giới

Tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười đại hoan hỷ được xem là biểu tượng của niềm an vui và hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian thì Phật Di Lặc còn là biểu tượng của sự may mắn. Do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và truyền thống Phật giáo khác nhau, cho nên hình tượng Phật Di Lặc cũng khá đa dạng và mang nhiều sắc tướng khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Ở đây chúng tôi tổng hợp và giới thiệu đến bạn đọc những pho tượng Phật Di Lặc vĩ đại ở một số quốc gia trên thế giới.  
1. Tượng Phật Di Lặc vĩ đại ở Đài Loan
Đây là pho tượng Phật Di Lặc trong tư thế đứng thẳng, cao 72 mét, tạo lạc bên cạnh hồ Emei, ở thị trấn Emei, gần Beipu, thuộc tỉnh Xinzhu, Đài Loan. Trong hiện tại thì pho tượng này là pho tượng Phật Di Lặc cao nhất trên thế giới. Nét đặc biệt ở pho tượng Phật này là có hai dái tai rất là dài, xỏa xuống quá vai và tay phải của ngài thì nâng hình quả địa cầu như là biểu tượng của sự nâng đỡ và cứu khổ nhân sinh.
Pho tượng này là một công trình trong nhiều công trình của Thiên Ân Di Lặc Phật Viện hiện đang trong quá trình xây dựng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10-2002. Thiên Ân Di Lặc Phật Viện là một dự án lớn, bao gồm nhiều hạng mục như là: Phật đường, giảng đường, trường học, bệnh viện, nhà hàng, nhà nghỉ… được xây dựng trên khuôn viên rộng 10 hecta. Sau khi hoàn thành, Thiên Ân Di Lặc Phật Viện sẽ là một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn và còn là một điểm đến du lịch quan trọng ở Đài Loan.

2. Lạc Sơn Đại Phật ở Trung Hoa
Lạc Sơn Ðại Phật còn được gọi là Lăng Vân Ðại Phật, cách thị xã Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 3km về phía Đông. Pho tượng Lạc Sơn Đại Phật là một pho tượng Phật Di lặc rất đặc biệt, được tạc nguyên từ vách núi đá Thê Loan của núi Lăng Vân. Chánh diện của pho tượng hướng ra dòng sông, đây là nơi hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Thanh Y và Ðại Độ.
Lạc Sơn Ðại Phật cao 71 mét, được tạc vào đời Đường Khai Nguyên (713), do hòa thượng Hải Thông, một vị Tăng sĩ Trung Hoa chỉ đạo, kéo dài đến 90 năm mới hoàn thành. Tương truyền, tại ngã ba sông ấy nước chảy cuồn cuộn, thuyền bè qua lại thường gặp nạn, bị đắm chìm, nên ngài Hải Thông phát tâm đi khắp nơi quyên góp để biến núi thành Phật hầu che chở, bảo hộ cho chúng sinh. Từ khi có tượng Phật Di Lặc ngự ở đó thì ngã ba sông trở nên yên bình, thuyền bè qua lại không còn bị nạn nữa.
Đầu của pho tượng cao ngang đỉnh núi, chân đạp trên mặt sông, mắt dài 3,3m, mặt cao 14,7m rộng 10m, tay dài 7m, vai rộng 24m, lỗ tai đứng được 2 người, bàn chân có thể chứa hơn 100 người. Vào năm 1996, UNESCO đã công nhận Lạc Sơn Đại Phật là một trong những di sản văn hóa của thế giới.
3. Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, Trung Hoa
Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa là một pho tượng Phật bằng đồng, trong tư thế ngồi, cao 56,74 mét. Riêng phần thân của Phật cao 33 mét, Phật ngồi trên tòa sen cao 9 mét và phần bệ của pho tượng cao 14,74 mét. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ. Tổng diện tích của khuôn viên tượng Phật là 12.000m2.
Công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2005 và hoàn thành vào tháng 11-2008, với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu nhân dân tệ. Pho tượng được đúc từ 500 tấn đồng, cùng với 400 tấn sắt để tạo cốt sắt ở bên trong.
Kể từ khi khánh thành pho tượng Di Lặc vĩ đại này tại núi Tuyết Đậu, nơi đây trở thành địa điểm tổ chức Lễ hội Văn Hóa Di Lặc hàng năm của Phật giáo Trung Hoa. Pho tượng Di Lặc lộ thiên này là một điểm nhấn quan trọng trong tuyến hành hương du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến Chiết Giang. Pho tượng cùng với những điểm du lịch ở khu vực núi Tuyết Đậu đã đem đến một nguồn doanh thu lớn cho địa phương, lên đến hàng chục triệu Mỹ kim hàng năm.
4. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Beopjusa, Hàn Quốc
Chùa Beopjusa là một trong những ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc. Chùa được thành lập vào năm 553, tính đến nay là đã hơn 1.400 năm tồn tại và phát triển. Chùa tọa lạc trên sườn núi Songnisan. Đây là một ngôi chùa đóng vài trò quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Hàn Quốc nói chung và của pháp phái Tào Khê ở Hàn Quốc nói riêng. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có lúc chùa Beopjusa là nơi lưu trú và tu học của hơn 3.000 vị tăng sĩ, đó là lúc thịnh hành của Phật giáo Hàn Quốc dưới triều đại Goryeo.
Hiện nay, chùa nổi tiếng với pho tượng Phật Di Lặc cao 33 mét. Đây là pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng, được xây dựng từ năm 1986, đến năm 1990 mới hoàn thành. Sau đó pho tượng được phủ một lớp vàng lá và bột màu, cho nên hiện tại pho tượng có màu vàng óng.
5. Tượng Phật Di Lặc ở chùa Intharawihan, Bangkok, Thái Lan
Chùa Intharavihan tạo lạc tại quận Nakhon, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chùa được xây dựng từ thời vương quốc Ayutthaya (1350 - 1767). Chùa có nhiều công trình kiến trúc cổ rất có giá trị. Trong đó, nổi tiếng nhất là pho tượng Phật Di Lặc cao 32 mét tọa lạc trong khuôn viên của chùa. Phải mất hơn 60 năm mới hoàn thành được pho tượng này.
Tượng Phật được khảm bằng những miếng kính và vàng 24 cara. Trong búi tóc của pho tượng có lưu giữ xá lợi Đức Phật Thích Ca được thỉnh về từ Sri Lanka. Nhờ có pho tượng Phật Di Lặc thiêng liêng này mà ngày càng có nhiều khách hành hương trong và ngoài nước đến viếng chùa.
6. Tượng Phật Di Lặc tại thung lũng Nubra, Ladakh, Ấn Độ
Tượng Phật Di Lặc ở thung lũng Nubra cao 32 mét, mặt hướng về phía dòng sông Shyok, một con bắt nguồn từ thượng nguồn Ladakh, Ấn Độ và chảy xuôi dòng về phía Pakistan. Pho tượng tọa lạc trên một đỉnh núi, gần tu viện Diskit. Nhìn từ xa, pho tượng hiện lên uy nghiêm và hùng vĩ giữa bầu trời trong xanh. Pho tượng được xem như là biểu tượng cho sự bình an.
Pho tượng được khởi công xây dựng vào tháng 4/2006 và khánh thành vào ngày 25/7/2010 với sự chứng minh, tham dự của đức Dalai Lama thứ 14. Tất cả kinh phí xây dựng pho tượng là do người dân địa phương hiến cúng. Trong đó, đáng kể nhất là ngài Ganden Thipa, trưởng tông phái Gelupa (là thân tái sinh của ngài Tsongkhapa) và vị trụ trì của tu viện Rizu đã hiến cúng 8kg vàng để làm kinh phí xây dựng pho tượng.
Pho tượng được dựng lên nhằm để bảo vệ vùng quê  Diksit, ngăn chặn cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai với người Pakistan và để củng cố và xây dựng nền hòa bình trên thế giới.
7. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Bính Linh, Trung Hoa
Chùa Bính Linh là một ngôi chùa cổ ở huyện Vĩnh Tĩnh, tỉnh Cam Túc. Chùa có rất nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo trong các hang động tự nhiên rất độc đáo. Các công trình điêu khắc ở chùa Bính Linh tạo thành một chuỗi các hang động với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Những tác phẩm nghệ thuật ấy là kết quả của quá trình sáng tác trong một thời gian rất dài, hơn một thiên niên kỷ. Hang động đầu tiên được điêu khắc là vào khoảng năm 420. Và cứ thế, các tác phẩm điêu khắc tiếp tục được tạo ra trải qua nhiều triều đại khác nhau. Mỗi tác phẩm, công trình nghệ thuật thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của thời đại mà tác phẩm ấy được tạo ra.
Trải qua quá trình hủy hoại của thời gian cùng những tác động của thiên nhiên và con người, nhiều công trình, hang động ở chùa Bính Linh đã bị hư hoại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hang động và nhiều công trình nghệ thuật rất có giá trị. Nổi bật là pho tượng Phật Di Lặc được tạc trực tiếp vào vách núi đá theo phong cách tương tự như của những pho tượng Phật ở thung lũng Bamyan, Afghanistan (đã bị phiến quân Taliban bắn phá vào tháng 4/2001). Pho tượng Phật Di Lặc trên vách núi ở chùa Bính Linh cao 27 mét. Hình dáng của pho tượng hiện còn khá nguyên vẹn.
Nhưng tác phẩm điêu khắc, những công trình tạc tượng và những bức bích họa tại các hang động hiện có ở chùa Bính Linh là những ví dụ điển hình về nghệ thuật Phật giáo và ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan.
8. Tượng Di Lặc tại tu viện Likir, Ladakh, Ấn Độ
Tu viện Likir được xây dựng vào nữa cuối thế kỷ thứ 11, vào khoảng năm 1065, do ngài Lama Duwang Chosje khai sơn. Tu viện này thuộc phái Hoàng Mão (Gelupa), một trong bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng do ngài Tsongkhapa sáng lập. Tu viện Likir nằm cách thị trấn Leh, thủ phủ của Ladakh, khoảng 62km về phía Tây.
Tu viện Likir là nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống hàng năm của người Tây Tạng ở Ladakh. Tại tu viện có nhiều công trình kiến trúc, nhiều pho tượng Phật vĩ đại. Trong số đó, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Di Lặc lộ thiên cao 23 mét. Dưới bệ của pho tượng là một viện bảo tàng nhỏ, nơi lưu trữ và trưng bày những bức tranh Thangka và trang phục truyền thống của người Tạng nói chung, cùng với những pháp phục cổ truyền của Phật giáo Tây Tạng.  
***
Từ những pho tượng Phật Di Lặc được trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, cũng là tượng Phật Di Lặc nhưng ở mỗi quốc gia mỗi khác. Tượng Phật Di Lặc của người Trung Hoa khác xa với tượng Phật Di Lặc của người Tây Tạng, càng khác với tượng Phật của người Thái, người Hàn… Tuy nhiên, dù hình tướng khác nhau, nhưng ở đâu tượng Phật Di Lặc cũng đều được xem là biểu tượng của sự bình an và hạnh phúc. Điều này thể hiện rõ tinh thần “tùy duyên - bất biến” của đạo Phật.
Minh Nguyên

(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ số đặc biệt, Xuân Nhâm Thìn, 2012)
 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!