Chùa Pho, ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Thái Lan

Một góc chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Chùa Pho (Wat Pho - từ “wat” trong tiếng Thái nghĩa là “chùa”), hay gọi một cách chính thống và đầy đủ là Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararm Rajwaramahaviharn, có thể gọi tắt là Wat Phra Chetuphon, là một ngôi chùa cổ rất nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chùa tọa lạc trên một khu đất có diện tích rộng đến 8 hecta (20 mẫu Anh), nằm về phía Nam của cung điện hoàng gia.
Wat Pho là ngôi chùa hoàng gia đầu tiên của Thái Lan, được xem như là ngôi chùa quan trọng nhất dưới thời vua Rama đệ I của triều đại Chakri. Sở dĩ chùa Pho có được vị thế quan trọng như thế là vì vào năm 1788, vua Rama đệ I đã cho tiến hành khôi phục lại một ngôi chùa cổ thuộc thời đại Ayudhya có tên là Wat Phodharam, và xác lập nó thành một ngôi chùa hoàng gia nằm gần với cung điện hoàng gia. Đến năm 1801, trong một buổi lễ diễn ra ở chùa, vua Rama đệ I đã đổi tên Wat Phodharam thành Wat Phra Chetuphon Vimolmangklavas, và tên này lại được đổi thành Wat Phra Chetuphon Vimolmangklararm dưới triều đại của vua Rama đệ IV.
Tượng Phật trong chánh điện ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Tượng Phật nhập Niết-bàn vĩ đại ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Những họa tiết trên đôi bàn chân của tượng Phật nhập Niết-bàn - Ảnh: Q.Trí
Một góc chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Tháp chuông trong vườn tháp ở chùa Pho - Ảnh: Q.Trí
Vốn là một ngôi chùa của hoàng gia nên Wat Pho có rất nhiều pho tượng Phật thiêng liêng và quý giá, cùng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Trong đó, độc đáo và nổi tiếng nhất là pho tượng Phật nằm trong tư thế nhập niết bàn rất vĩ đại. Pho tượng đại Phật này có chiều dài đến 46 m, chiều cao 15 m, được đúc bằng thạch cao, phủ lên phần gạch bên trong, bên ngoài được phủ kín bằng vàng lá, và nằm trên một chiếc bệ cũng được dát vàng sáng chói, chung quanh được chạm khắc, trang trí rất công phu, sắc sảo. Phần mắt và chân của tượng Phật được làm bằng gỗ khảm xà cừ. Hai lòng bàn chân của Phật có chiều cao 3 mét và dài 5 mét, trên ấy có những hình tượng hoa văn được khảm ngọc mô tả 108 tướng tốt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hai tròng con mắt của Đức Phật cũng được khảm ngọc trông rất có thần. Các bức tường xung quanh và cả bên trên trần của ngôi điện Phật cũng được trang trí tỉ mỉ, màu sắc hòa hợp với pho tượng Phật, tạo nên một không khí ấm cúng và trang nghiêm. Ánh sáng bên trong điện được điều tiết vừa phải, không quá sáng, tạo nên cảnh khung cảnh huyền ảo.
Công trình kiến trúc phải kể đến tiếp theo là ngôi chánh điện của chùa. Đây là nơi công phu tu tập hằng ngày của chư Tăng và là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo. Chánh điện của chùa là một tác phẩm mỹ thuật rất đặc sắc về nghệ thuật khảm ngọc. Các cửa phía Đông và Tây của chánh điện đều được khảm ngọc, và dọc theo tường của điện Phật đều có hàng loạt những hình chạm khắc phong cảnh trên đá sa thạch rất công phu, tỉ mỉ. Bên trong chánh điện tôn thờ pho tượng Phật lớn trong tư thế tọa thiền nhập định, được tôn trí trên một bệ thờ ba tầng hết sức tôn nghiêm. Bệ thờ được điêu khắc những hoa văn rất tinh xảo. Có một ít tro cốt của vua Rama đệ I được đặt ở dưới bệ của pho tượng Phật này.
Trong khuôn viên của chùa có rất nhiều ngôi tháp, với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau. Có thể nói đây là một vườn tháp có kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo, với những ngọn tháp nhọn cao vút, những cấu trúc, hình dáng và những đường nét hoa văn của các ngôi tháp sắc sảo, tinh tế và đẹp lạ thường. Trong vườn tháp này có một ngôi tháp vô cùng khác biệt so với các ngôi tháp khác, đó là một ngôi tháp chuông, nằm giữa một khoảng sân rộng thênh thang, trên một nền cao khoảng 5 mét được sơn màu trắng thanh khiết, có 12 bậc cấp đi lên. Các trụ và tường bao quanh quả chuông được khảm sành sứ với màu sắc thật hài hòa. Nếu bạn đến thăm Wat Pho vào một buổi sáng trời trong xanh, dịu mát và dạo trong vườn tháp của chùa, ngắm nhìn những mái ngói đỏ tươi, những đường nét hoa văn tinh xảo, những mô hình kiến trúc đọc đáo và những ngọn tháp cao chót vót giữa nền trời xanh trong, thì dù cho bạn là một người khó tính đến đâu, bạn cũng phải thán phục trước tài hoa của những con người đã tạo nên các công trình kiến trúc vô cùng độc đáo này.
Bên cạnh đó, trong khuôn của chùa còn có một khu bảo tàng lớn, là nơi gìn giữ và trưng bày triển lãm những tượng Phật, kinh thư, thư tịch, bích họa, pháp cụ, pháp khí có niên đại cổ xưa, trong đó đáng kể nhất là hơn 350 bức tượng Phật mạ vàng trong tư thế tạo thiền được bố trí theo từng hàng, từng lớp trông thật uy nghi và tuyệt đẹp.
Một điều khá thú vị là trước khi thành lập ngôi chùa này thì khu đất ấy vốn là khuôn viên của một trung tâm giáo dục đào tạo y khoa cổ truyền Thái Lan. Chính vì lý do này mà dưới thời của vua Rama đệ III, các tấm bản khắc ghi những bài học về y khoa được đặt xung quanh chùa. Hiện tại, trên những bức tường chạy dọc theo con đường dẫn đến ngôi điện thờ tượng Phật nhập niết bàn có treo rải rác những thẻ bài ghi tên các vị thuốc chữa các chứng bệnh khác nhau. Điều này xác chứng rằng, y học dân tộc chẳng có gì là bí truyền cả, đó là những bài thuốc hay mà tất cả mọi người đều có thể biết và áp dụng. Wat Chetuphon từng được các vị vua đầu tiên của triều đại Chakri xem là cội nguồn của nền giáo dục phổ thông của vương quốc, nên ngôi chùa này được gọi là "Trường Đại học đầu tiên của Thái Lan".
Với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với những di sản văn hóa, lịch sử có giá trị và đặc biệt là pho tượng Phật trong tư thế nhập Niết-bàn mạ vàng vĩ đại, Wat Pho ngày càng thu hút đông đảo khách hành hương trong và ngoài nước đến tham quan, và trở thành một điểm đến du lịch tâm linh lý tưởng. Khi đặt chân đến xứ sở chùa vàng Thái Lan, nếu muốn được vào viếng thăm các ngôi chùa hay là cung điện Hoàng gia Thái Lan, có một điều mà tất cả mọi du khách đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là tất cả mọi người, dù nam hay nữ, đều phải mặc trang phục chỉnh tề, trang nghiêm và kín đáo. Đấy là một điều được ghi rõ trong bảng nội quy dành cho khách hành hương, du lịch tại các chùa và cung điện hoàng gia, nếu ai không tuân thủ thì sẽ không được vào.
Minh Nguyên (Theo Watpho.com)
(Nguồn: Tuần báo Giác Ngộ, số 630, ra ngày 25-2-2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!