Tứ nhiếp pháp

I. Dẫn nhập
Thái tử Tất-đạt-đa tuy sống trong nhung lụa, vàng son, sống trong cung điện của bậc vương giả, nhưng lòng thái tử luôn thao thức vì sự thật đau khổ của cuộc đời. Ngài muốn xuất gia để tìm chân lý và cứu khổ cho nhân sinh. Nhưng vì thái tử là bậc tôn quí, là đông cung thái tử nên vua cha đã không chấp thuận chí nguyện của thái tử, và đã trói buộc thái tử bằng sợi dây tình ái. Vì tình thương yêu vô bờ bến luôn trào dâng trong lòng thái tử, và sự xót xa vì chúng sanh đang khổ đau mạnh hơn cả vị ngọt của tình yêu nam nữ nên thái tử đã thảo bỏ được sợi dây ái tình, lên đường tìm đạo, cứu khổ cho muôn loài. Vì chí nguyện cứu độ chúng sanh nên cả cuộc đời Ngài luôn vì chúng sanh, phục vụ chúng sanh, hướng dẫn cho chúng sanh quay về nẻo thiện, xa rời đường mê. Cũng chính vì vậy mà Ngài đã nêu ra những phương châm của cuộc sống cho mọi người thực tập theo: “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Ngài đã vận dụng rất nhiều cách để nhiếp hóa chúng sanh, trong đó điển hình nhất Tứ nhiếp pháp. Tứ nhiếp pháp là một bài giáo lý rất thiết thực về việc đối nhân xử thế, về ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, nhắm giúp nhau cùng tiến bộ, cùng sống thánh thiện hơn.
II. Nội dung của Tứ nhiếp pháp
Tứ nhiếp pháp có nghĩa là bốn phương pháp dùng để nhiếp hóa mọi người, dẫn dắt mọi người xa rời đường mê, lối hiểm, trở về với chánh đạo, về với đời sống an lành, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Tứ nhiếp pháp gồm có: Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, và đồng sự nhiếp.
1. Bố thí nhiếp
Bố thí nhiếp có nghĩa là nhiếp hóa mọi người bằng phương pháp bố thí, cúng dường. Sự bố thí được thực hiện thông qua ba phương diện.
a. Tài thí:
Tài thí là bố thí tiền tài, vật chất cho người khác, làm lợi ích cho người khác bằng của cải, tài sản mà mình có được. Vả lại, tài sản thì gồm có nội tài và ngoại tài. Nội tài là những thứ thuộc về cơ thể mình, như là tay chân, tim, mật, thận, gan, máu, thịt, sức lực,… của bản thân mình. Còn ngoại tài là những thứ bên ngoài cơ thể như là tiền bạc, vật dụng, …
Chính vì tài sản gồm có nội tài và ngoại tài cho nên ai cũng có tài sản, ai cũng có thể thực hành hạnh bố thí được cả, vì không có ngoại tài thì cũng có nội tài. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà giúp đỡ người khác, đáp ứng nhu cầu của người khác.
Và điều quan trọng là trong khi mình bố thí thì không nên tự xem mình là quan trọng, không nên cho rằng mình hơn người, mình là người ban ơn, mình là người cho còn kẻ kia là người nhận. Phải biết rằng cả người cho và người nhận đều như nhau cả, đều đóng vai trò quan trọng trong việc tác thành sự bố thí. Vì nếu mình có của cải, mình muốn bố thì mà không có ai nhận thì làm sao thực hiện được hạnh bố thí của mình. Còn người kia muốn xin mà không ai cho thì cũng không có. Cho nên cả người cho và người nhận đều mang ơn nhau, chứ không phải chỉ có người nhận mới cần biết ơn người đã cho mình. Ý thức được điều này thì người bố thí sẽ không sanh lòng tự cao, ngã mạn và làm cho khoảng cách giữa người cho và người nhận được xích lại gần (khoảng cách ở đây là khoảng cách về địa vị, giá trị xã hội chứ không phải chỉ có khoảng cách về không gian vật lý).
b. Pháp thí:
Pháp thí là giảng dạy giáo pháp của chư Phật cho mọi người, giúp cho mọi người nhận ra được giá trị của đạo đức, của chân lý, hiểu được lẽ phải của cuộc sống, nhờ vậy mà họ có thể tạo dựng một đời sống lành mạnh và hạnh phúc.
Chân lý ở đây chính là pháp bảo, là giáo lý của chư Phật đã dạy. Giáo lý của chư Phật đã dạy thì rất là nhiều, phong phú và đa dạng vô cùng. Tùy theo khả năng, hoàn cảnh và đối tượng mà chúng ta dẫn dắt người khác tìm về nẻo thiện, xa rời chốn mê. Không nhất thiết phải là giảng sư lên lớp giảng dạy mới là bố thí pháp, hoặc là không nhất thiết phải là người có bằng cấp, có học vị, viết những bài báo hay, những cuốn sách dày mới là bố thí pháp. Có thể trong những lúc nói chuyện bình thường với vài ba người, lúc tâm sự với, bạn bè, người thân, mình lồng ghép giáo lý của Phật vào trong những câu chuyện của mình, chỉ bày cho người khác hiểu và thực hành theo thì cũng được xem là bố thì pháp. Đôi khi làm như thế mà lại dễ đi vào lòng người hơn, có nhiều lợi ích thiết thực hơn.
Trong sự thực hành hạnh bố thì pháp, chúng ta không nên tự ty, cho mình là người mới học đạo, sự thực tập còn nông cạn rồi không giám mở miệng trước người khác. Nhưng cũng không nên quá khoe khoang, khoác lác, nói toàn những chuyện đâu đâu, những giáo lý cao siêu, không ai hiểu nổi.
c. Vô úy thí:
Vô úy thí có nghĩa là làm cho mọi người không còn lo âu, sợ hãi, đem sự an bình đến cho người khác. Xung quanh ta có rất nhiều người đang sống trong nỗi phập phòng lo âu: người mẹ già sợ cô đơn khi con cái đi làm ăn xa, em bé sợ tai nạn khi đi qua đường, thí sinh lo sợ trước lúc đi thi, những thiếu nữ sợ những chuyện chẳng lành xảy ra cho họ khi phải đi một mình trong đêm tối, những trẻ em lo sợ trước đòn roi của người lớn,… Nếu như chúng ta để tâm đến, thương yêu mọi người và muốn giúp đỡ người khác thì với khả năng của mình, ai cũng có thể làm cho cuộc sống xung quanh chúng ta được bình an hơn, hạnh phúc hơn, chứ không phải chỉ có những người có quyền cao chức trọng, có sức mạnh mới thực hiện được vô úy thí.
Cốt yếu của sự bố thí là ở lòng thương người. Nếu không có lòng thương yêu thì không thể thực hiện được sự bố thí, không thể nào làm lợi ích cho mọi người được. Tát cả mọi người ai cũng sẵn có điều kiện để bố thí, đôi khi chỉ cần ánh mắt dịu dàng, nụ cười hiền từ của chúng ta cũng đã đủ để làm cho người khác được an lòng rồi, như thế tức là chúng ta cũng đã bố thí rồi đó. Vì thế, mỗi một người hãy cố gắng nỗ lực thực tập bố thí để cho cuộc sống ngày thêm tươi vui.
Một khi chúng ta biết thực hành hạnh bố thì, chúng ta đem tất cả khả năng của mình để bố thí, giúp đỡ người khác thì chúng ta rất dễ tạo được thiện cảm đối với người khác, dễ dàng thiết lập mối quan hệ thân thiện đối với họ, nhờ vậy mà họ có thể lắng nghe chúng ta, gần gũi với chúng ta hơn, thông qua đó chúng ta dẫn dắt cho họ đến với đạo Phật, giảng dạy cho họ những giáo lý của chư Phật đã dạy và hướng dẫn họ tu tập.
2. Ái ngữ nhiếp
Ái ngữ nhiếp có nghĩa là nhiếp hóa người khác bằng những lời nói dịu dàng, hòa ái và hợp tình, hợp lý của mình. Trong trường hợp sự giao tiếp được diễn ra thông qua ngôn ngữ viết thì ái ngữ ở đây được hiểu là những câu văn mạch lạc, dễ hiểu, ý tứ hoa mỹ và hợp chân lý.
Ngôn ngữ rất quan trọng đối với con người. Chính ngôn ngữ giúp cho con người truyền đạt thông tin cho nhau, tìm hiểu về nhau, chia sẽ nỗi niềm tâm sự với nhau, gần gủi với nhau hơn, thương yêu nhau và đem lại hạnh phúc, an vui cho nhau. Và đôi khi cũng chính ngôn ngữ mà con người làm khổ nhau, tạo nên sự bất hòa, làm cho nước mất, nhà tan, gia đình ly tán, anh em thù hận nhau đến nỗi dẫn đến cảnh máu đổ, thịt rơi.
Chính vì thế, chúng ta phải sữa đổi làm sao để cho miệng của chúng ta lúc nào cũng nói ra những lời dịu dàng, hòa ái, hợp tình hợp lý. Tay chúng ta lúc nào cũng viết những câu văn mạch lạc, ý tứ rõ ràng và đúng chân lý. Nhưng miệng nói, tay viết là do ý dẫn dắt, vì vậy chúng ta phải xây dựng trong lòng mình tình thương yêu, lòng vị tha. Mỗi khi tình thương yêu và tâm vị tha đã ngự trị trong lòng chúng ta thì tự nhiên chúng ta sẽ nói những lời hòa ái, sẽ viết những câu chân tình chứ không còn gượng ép nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta thường giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ nói nhiều hơn ngôn ngữ viết, cho nên chúng ta phải thận trọng suy nghĩ trước khi nói. Ông cha ta đã dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Khi nói thì phong cách diễn đạt cũng không kém phần quan trọng, cùng một câu nói mà người này nói thì khiến người nghe vui vẻ, trong khi người khác nói thì khiến cho người nghe lo sợ, buồn phiền, hay là sanh lòng hờn giận. Tuy nhiên, phong cách diễn đạt cũng xuất phát từ tâm của chúng ta mà ra.
Người Phật tử khi đã hiểu được những đặc điểm của ngôn ngữ rồi thì nên tự tu sữa mình, rèn luyện tâm thương yêu, lòng vị tha, dùng những ngôn từ hòa ái, dịu dàng, hợp chân lý trong khi giao tiếp với người khác để tạo sự thân thiện, ấn tượng tốt đối với người để rồi đi đến việc chuyển hóa người đi theo con đường chân thiện mỹ.
3. Lợi hành nhiếp
Lợi hành nhiếp là những cử chỉ, những hành động, những việc làm của chúng ta nhằm đem đến lợi ích cho mình và người, khiến người khác sanh lòng kính tin mà theo ta học đạo, tu tập.
Bằng khả năng của chính mình chúng ta làm lợi ích cho mình và người như là dùng sức mình để đắp đường, xây cầu, xây những nhà vệ sinh công cộng làm cho mọi người đi lại dễ dàng hơn; năm tay dắt một em bé đi qua đường cái quan, nhường chỗ cho người già, người ốm yếu trên cùng chuyến xe buýt, dùng tiền của xây dựng nhà tình nghĩa, trại mồ côi, viện dưỡng lão, hay dùng tri thức của mình để truyền đạt lại cho người khác,… đấy là những sự lợi hành. Từ sự lợi hành đó khiến cho người khác tôn trọng mình, mếm thương mình, tin tưởng mình và phát sinh thiện cảm đối với mình. Khi đó chúng ta khuyên bải điều gì thì người khác rất dễ lắng nghe và thực hành theo.
4. Đồng sự nhiếp
Đồng sự nhiếp là nhiếp hóa người khác bằng cách cùng làm việc với người, giúp đỡ người khác và làm tấm gương mẫu mực để mọi người noi theo.
Trong trường hợp này, để nhiếp hóa người khác quay về với chân lý, về với thiện pháp thì chúng ta phải thường xuyên tiếp cận với họ bằng cách làm việc chung với họ trong một khu vực, một nông trường, một cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hội đoàn, … để tìm hiểu cuộc sống của họ nhằm giúp đỡ họ và đặc biệt là thông qua lối sống, cách ứng xử và giao tiếp của chính chúng ta, chúng ta thể hiện được mình là một người đệ tử Phật và những giáo lý của đạo Phật thật sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống của mình, giúp cho mình chuyển hóa được những khuyết điểm, những tâm niệm hẹp hòi, ích kỷ, những việc làm trái đạo thành những tâm niệm vị tha, độ lượng và làm những việc nhân nghĩa, lợi mình lợi người. Chính tấm gương tốt của mình đã cảm hóa được người khác, làm cho cảm mếm mình, cảm mếm đạo Phật, đạo đã giúp cho mình trở thành một con người tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Với đồng sự nhiếp thì chúng ta dễ dàng chuyển hóa người khác hơn các phương pháp khác, vì trong quá trình làm việc và tiếp xúc với họ, chúng ta hiểu về họ nhiều hơn nên sự tác động, góp ý của chúng ta dễ đem đến hiệu quả hơn, và họ dễ dàng tiếp nhận hơn. Mặt khác, vì cùng làm việc chung nên họ cũng tiếp xúc với mình, hiều về mình, phát sinh thiện cảm đối với mình nên họ dễ dàng nghe theo những lời động viên, góp ý và khuyên bảo của mình hơn. Đó là những mặt lợi của phương pháp đồng sự nhiếp, nhưng nó cũng có hạn chế là phạm vi áp dụng không được rộng, đối tượng tiếp xúc không được nhiều như các phương pháp khác.
Để có thể đạt đến mức tối ưu kết quả của sự nhiếp hóa người khác bằng Tứ nhiếp pháp thì chúng ta phải biết phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển giữa bốn phương pháp chứ không nên thực hành một cách đơn lẽ, cứng nhắc.
III. Lợi ích của Tứ nhiếp pháp
Nếu chúng ta thực hành Tứ nhiếp pháp thì sẽ đem đến lợi ích cho mình cũng như cho người khác không phải là ít.
Đối với tự thân, nếu chúng ta biết thực hành Tứ nhiếp pháp, áp dụng tự nhiếp pháp trong cuộc sống hàng ngày, xem Tứ nhiếp pháp như là những nguyên tắc đạo đức của mình thì chúng ta sẽ là những người tốt trong xã hội, là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Đồng thời khi ta thực hành tứ nhiếp pháp thì chính chúng ta sẽ được mọi người tôn trọng, quý mếm, tin tưởng nên chúng ta dễ dàng thu phục được nhân tâm, làm gì cũng được nhiều người ủng họ, nói gì cũng thường được nhiều người nghe theo, do đó mà dễ dàng đem đến thành công trong mọi công việc.
Đối với người khác, khi chúng ta thực hành Tứ nhiếp pháp thì chúng ta sẽ đem đến lợi ích, hạnh phúc cho nhiều người và giúp đỡ người khác sống đúng với chân lý, với luân thường, đạo lý của cuộc sống, nhờ vậy mà họ có thể tìm thấy được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống của họ. trong xã hội càng có nhiều người thực hành theo Tứ nhiếp pháp thì xã hội đó càng được bình an, hạnh phúc, và phồn thịnh. Sở dĩ nói là phồn thịnh vì khi thực hành Tứ nhiếp pháp thì người ấy sẽ được an vui, khi tâm an vui thì hăng hái lao động, sản xuất, cho nên của cải, sản phẩm làm ra được nhiều, năng xuất cao và chất lượng tốt. Nhờ vậy mà đưa nền kinh tế của xã hội phát triển, cuộc sống vật chất được sung túc. Hơn nữa, khi có nhiều người sống theo Tứ nhiếp pháp, sống đúng với luân thường, đạo lý thì xã hội sẽ bớt đi những người phạm pháp, sẽ ít diễn ra xung đột, chiến tranh, các tệ nạn xã hội cũng giảm đi, do vậy mà các khoản chi phí cho vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội sẽ được cắt giảm đi nhiều. Tại vì một khi chúng ta thực hành tứ nhiếp pháp thì chúng ta luôn nghĩ đến lợi ích của người khác, không muốn tổn hại bất cứ một ai nên chúng ta không làm những việc phi pháp, không buôn gian bán lận, không làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường. Điều này đưa đến sự giảm dần trong chi phí cho việc chữa bệnh, cho ngành y tế,… Chính vì những lý do như vậy nên thực hành tứ nhiếp pháp chúng ta thì sẽ đưa xã hội ngày càng phát triển, càng phồn vinh.
IV. Kết luận
Tứ nhiếp pháp là phương pháp chuyển hóa mọi người, hoàn thiện xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Người tu theo Tứ nhiếp pháp lấy lợi ích tha nhân làm căn bản, lấy việc đem hạnh phúc đến cho tha nhân làm lẽ sống. Mỗi chúng ta ai cũng muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, xã hội ngày càng văn mình hơn, tiến bộ hơn, do vậy chúng ta nên thực hành theo bốn phương pháp nhiếp hóa này.
Đồng thời, giáo lý Tứ nhiếp pháp là một lời phản biện hung hồn cho những lời chỉ trích của một số người cho rằng, đạo Phật là đạo tiêu cực, yếm thế. Bởi vì trong Tứ nhiếp pháp chúng ta thấy rõ tính chất thiết thực, sâu săc và hữu ích của đạo Phật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!