Người Phật tử phương Tây và Lễ Tắm Phật

Lễ tắm Phật là một nghi thức quan trọng trong dịp kỷ niệm ngày Đản sanh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Tất cả các tông phái, các truyền thống Phật giáo khác nhau đều có thực hiện nghi thức tắm Phật trong dịp lễ Phật đản. Nghi thức này bắt nguồn từ Ấn Độ, và khi Phật giáo truyền đến các quốc gia khác thì nghi thức này cũng theo đó mà được truyền đi.


Nghi thức tắm Phật có lẽ xuất phát từ sự tích Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Trong Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều có các bản kinh ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da hạ sanh Thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước từ miệng rồng, một dòng nước ấm và một dòng nước mát, rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu và Thái tử.

Tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của sự xuất hiện lễ tắm Phật tại Ấn Độ, nhưng chắc chắn là nghi thức này được hình thành khá sơm, thậm chí là trước kỷ nguyên Tây lịch. Tại Lộc Uyển ở phía Bắc Ấn và tại Amarāvatī ở Nam Ấn hiện còn một số tác phẩm điêu khắc tả cảnh Đản sanh của Thái tử với những con rồng phun nước. Một tác phẩm điêu khắc thuộc trường phái Gandhara được lưu giữ tại bảo tàng Peshawar (Pakistan) mô tả cảnh hai cung nữ đứng hầu bên Thái tử, bên trên có trời Đế Thích và Phạm Thiên rưới nước từ cành hoa sen để tắm cho Thái tử, hai bên Thái tử lại có bốn vị chư thiên đang cung kính chiêm ngưỡng.

Tại Trung Hoa, sách Ngô thư có ghi lại rằng, vào thế kỷ thứ IV, Thạch Lặc, một vị vua nhà hậu Triệu (trị vì 319 - 333) đã từng đến chùa tham dự lễ tắm Phật vào ngày mồng tám tháng tư. Và đến thời Nam Bắc Triều thì lễ tắm Phật không những được tổ chức trong các tu viện Phật giáo mà còn được tổ chức long trọng trong hoàng cung.

Riêng tai Việt Nam, theo những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì dưới thời nhà Lý, lễ Tắm Phât đã rất phổ biến, không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà đã trở thành lễ hội dân gian.

Ngày nay, Phật giáo đã được truyền sang phương Tây. Bên cạnh những người phương Tây chủ động nghiên cứu và thực tập giáo lý đạo Phật, các vị Tăng sĩ và những người Phật tử nhập cư từ các nước châu Á đóng vai trò rất quan trọng việc đưa Phật giáo đến với cộng đồng người phương Tây. Họ đã gìn giữ và phát huy các nghi thức, sinh hoạt Phật giáo, trong đó có nghi thức tắm Phật. Nhờ vậy mà người phương Tây mới có cơ hội biết đến lễ tắm Phật. Những thập niên gần đây, khi cộng đồng Phật giáo ở phương Tây đã phát triển, vào mùa Phật đản hàng năm, lễ hội tắm Phật đã được tổ chức long trọng tại nhiều nơi ở các nước phương Tây. Mỗi địa điểm lễ hội như vậy thường thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn người tham gia.

Khi tham dự lễ Tắm Phật, nhiều Phật tử phương Tây đã ý thức được ý nghĩa của nghi lễ này. Họ biết rằng, khi chúng ta dùng nước thơm tinh khiết để rưới tắm lên tôn tượng Đản sanh của Đức Phật là chúng ta bày tỏ lòng thành kính đối với đức Từ Phụ của chúng ta, đấng Giác ngộ cao tột. Rưới tắm tượng Đản sanh của Đức Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm của mình, gội rửa dần tham lam, sân hận và si mê trong tâm chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta có thể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống. Đồng thời, lễ Tắm Phật còn là dịp để chúng ta cầu nguyện cho mọi loài chúng sanh đều được sống trong thanh bình, hòa hợp, được sống hạnh phúc, biết thương yêu, chia sẽ và cảm thông với nhau, đem lại lợi ích và an vui cho nhau. Cách bài trí không gian và những nghi thức trong buổi lễ Tắm Phật ở phương Tây không khác gì mấy so với các quốc gia ở châu Á. Ở đấy họ cũng tôn trí tượng Đản sanh của Đức Phật vào vị trí tôn nghiêm nhất. Người ta dùng một cái chậu hay cái bồn để đựng nước sạch, rồi họ ướp nhiều cánh hoa thơm vào trong nước để tạo hương thơm. Sau đó dùng nước này để rưới tắm lên tượng Đản sanh của Phật. Trong buổi lễ gồm có phần tụng niệm, và phần tắm Phật. Mọi người theo thứ tự đến trước tượng Đản sanh, múc nước và từ từ rưới tắm tôn tượng với lòng thành kính.

Lễ Phật đản, và lễ Tắm Phật đã thu hút nhiều sự chú ý của người phương Tây, và được các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm. Trong tờ nhật báo Free Lance-Star, tờ báo của Fredericksburg, thuộc bang Virginia, Hoa Kỳ, ấn bản ngày thứ 7, 25-5-2002 đã có một bài viết khá chi tiết về việc tổ chức lễ Tắm Phật của cộng đồng Phật tử tại thành phố Kansas, Hoa Kỳ. Vào dịp lễ Phật đản năm 2007, Đài BBC Luân Đôn và Đài tiếng nói Czech đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại đức Chueh Yann, Trưởng ban điều hành Phật Quang Sơn tại Luân Đôn, về lễ Phật đản. Rồi báo Time Out London, Metro Newspaper cũng đã đưa tin về lễ Phật đản được tổ chức tại Luân Đôn vào năm 2007 này.
Cô gái phương Tây trong tranh phục truyền thống của phụ nữ Nhật đang làm lễ tắm Phật tại Nhật
 Bản
Ngày nay, với sự bùng nỗ của báo điện tử, hàng năm, đến mùa Phật đản, có rất nhiều trang web giới thiệu, đưa tin về lễ Phật đản, lễ Tắm Phật của cộng đồng Phật tử khắp nơi trên thế giới. Thậm chí là có cả những trang web chuyên về lễ Phật đản, lễ Tắm Phật, chẳng hạn như trang web www.buddhaday.org.au của Phật tử ở Melbourne, Australia, trang www.bbfperth.com.au, trang www.buddhabirthdayfestival.com.au, trang www.llf.or.kr của Phật giáo Hàn Quốc,… Đấy là chưa kể đến các trang web Lễ Vesak quốc tế của Liên hiệp quốc: trang www.unvesak.org và trang www.vesakday.net được chính thức thành lập kể từ tháng 12 năm 1999, khi Liên hợp quốc công nhận ngày lễ Vesak là Ngày lễ quốc tế của Liên hiệp quốc.

Sau đây là một vài cảm nhận của các chính khách phương Tây về lễ Phật đản, lễ Tắm Phật đã được tổng hợp lại trên trang web www.buddhaday.org.au:

Ông Robert Doyle, Thị trưởng thành phố Melbourne, Australia, phát biểu rằng: “Lễ Phật đản là một dịp tốt để cho người Phật tử ở Melbourne gặp gỡ và cử hành các nghi thức của buổi lễ. Đồng thời đấy còn là cơ hội để cho mọi người chia sẽ những thông điệp của mình đến người khác thông qua các nghi thức, các tiết mục văn hóa, văn nghệ,…”

Bà Kate Brennan, Giám đốc điều hành Liên bang, đã nói: “Lễ Phật đản tạo cơ hội tuyệt vời để nhiều người đến với nhau và học hỏi lẫn nhau về sự khác biệt văn hóa cũng như lối sống.”

Ông George Lekakis, Chủ tịch Ủy ban đa văn hóa Victoria, đã phát biểu: “Lễ Phật đản là một ví dụ điển hình trong sự bày tỏ niềm tự hào về di sản văn hóa của cộng đồng và là mô hình tuyệt vời về sự giao lưu văn hóa.”

Và đây là những cảm nhân của người dân phương Tây về lễ Tắm Phật:

Violentz, một người phương Tây, đã viết trên trang Flickr cá nhân rằng: “Tôi không phải là một Phật tử, nhưng tôi phải thừa nhận rằng, lễ tắm Phật thật sự có sức cuốn hút và khiến tôi rất xúc động. Tôi xem một cách thích thú và không quên ghi lại những bức ảnh đẹp của buổi lễ.”

Vidyananda, một blog chủ của trang blog Beyond Buddhism đa bày tỏ cảm nghĩ của mình trên trang blog rằng: “Tôi đã bị cuốn hút bởi tượng Đản sanh của Đức Phật, và tôi thích tắm Phật. Đặc biệt tôi thích loại nước với mùi hương dịu dàng của các loài hoa mà nhà chùa đã dùng để tắm Phật. Tôi lớn lên cùng với lễ Tắm Phật và những đứa con của tôi cũng đã được dẫn đi tham dự lễ Tắm Phật khi chúng còn rất nhỏ. Chúng được tự mình múc nước thơm rưới tắm lên tượng Đản sanh của Phật và hát những bài ca mừng Phật đản. Tôi đã có được sự trải nghiệm tuyệt vời về lễ Tắm Phật khi còn là một cậu bé và tôi muốn những đứa con của tôi cũng có được những cảm nhận tuyệt vời ấy.

Tôi nhận thấy rằng, không chỉ trẻ em thích lễ Tắm Phật mà người lớn cũng thích. Trong lúc tôi rơi vào tình cảnh khó khăn, lễ Tắm Phật đã đem lại cho tôi sự đổi mới, làm cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa và giúp tịnh hóa tâm hồn tôi khi tôi rưới nước thơm lên tượng Phật trong ngày Đản sanh. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng, tẩy sạch bụi bẩn ở bên ngoài thì dễ, nhưng để tẩy sạch những vết nhơ của tham, sân, si ở trong tâm chúng ta thì khó hơn rất nhiều. Việc tắm Phật nhắc nhở chúng ta chuyên cần tu tập để thanh lọc thân tâm.”

Bên cạnh những người đến với lễ Phật đản, với lễ Tắm Phật bằng tâm thành kính và sự hiểu biết thấu đáo về ý nghĩa của lễ hội, vẫn có những người Phương Tây tham gia lễ hội với lòng hiếu kỳ, họ đến vì sự hấp dẫn, sự mới lạ của những hoạt động, những nghi thức của lễ hội, hoặc chỉ đơn giản là vì sự hấp dẫn của các món ẩm thực được phục vụ trong lễ hội. Những dòng cảm nghĩ để lại trên trang web www.bbfperth.com.au đã cho chúng ta thấy được điều đó. Andrea, một Phật tử người Úc viết: “Tôi rất thích các món ăn, các hoạt động giải trí và pháo hoa trong lễ Phật đản. Lễ Phật đản là dịp để mọi người từ những nền văn hóa khác nhau được gặp gỡ và giao lưu. Đấy là một lễ hội mà chúng ta không nên bỏ lỡ.” Và đây là những dòng cảm nghĩ của ông Lim, một người Úc: “Tôi đã tham dự lễ Phật đản hơn 3 năm nay, và lễ hội lúc nào cũng hấp dẫn cho đến phút cuối cùng. Tôi luôn luôn có mặt tại lễ hội bởi vì những món ăn đặc biệt mà chúng ta không thể nào tìm thấy trong các nhà hàng, và tôi đang chờ đợi ngày lễ Phật đản sắp đến.”

Nhìn chung, lễ Phật đản và nghi thức Tắm Phật đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người phương Tây, là một lễ hội thu hút được sự tham gia của nhiều người và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của khách tham dự. Hy vọng là lễ Phật đản, nghi thức tắm Phật sẽ được tổ chức ngày càng nhiều ở các nước phương Tây và càng có nhiều người hiểu rõ hơn nữa về ý nghĩa của lễ Phật đản và nghi thức tắm Phật. Làm được điều này có nghĩa là cộng đồng Phật giáo chúng ta đã góp phần vào việc phát triển xã hội và gìn giữ nền hòa bình cho nhân loại.

Minh Nguyên giới thiệu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!