Mời đón đọc cuốn sách "chuyển hóa khổ đau"

Lời mở đầu: 
Từ khởi thủy cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, nhân loại vẫn luôn tìm cầu hạnh phúc. Mọi người đều muốn được hạnh phúc, đều hướng đến một cuộc sống lý tưởng ở đó con người luôn đối xử với nhau bằng tất cả chân tình, tôn trọng thương yêu lẫn nhau, đem niềm an vui và hạnh phúc đến cho nhau.
Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống cho chúng ta thấy rằng, con người vẫn còn khổ đau nhiều.Có những nỗi đau thuộc về thể xác, có những nỗi khổ thuộc về tinh thần. Và hẳn nhiên là có những đau đớn về thể xác dẫn đến khổ đau về tinh thần; có những nỗi khổ về tinh thần khiến cho thân thể suy nhược, tiều tụy và phát sinh bệnh tật. Bởi vì, thể xác và tinh thần là hai phần có sự kết nối chặt chẽ và liên hệ mật thiết với nhau trong con người. Thiếu một trong hai thành tố ấy thì sự sống con người không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, đáng quan tâm nhất vẫn những khổ đau về tinh thần.
Những khổ đau về tinh thần, những tâm bệnh, nếu không được hóa giải, không được chuyển đổi thì sẽ khiến cho con người đau khổ triền miên, không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.
Trước thực trạng khổ đau ấy, nhiều nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo tôn giáo, nhiều triết gia, nhà khoa học đã luôn tìm kiếm các giải pháp cho hiện thực đau khổ của con người, đã đề xuất nhiều giải pháp. Điều này diễn ra từ rất xa xưa chứ không phải bây giờ mới có.
Cách đây gần 26 thế kỷ, có một người đã để lại cho đời nhiều giải pháp để chuyển hóa tâm bệnh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người rất thiết thực, hiệu nghiệm. Đó chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, khi nhân loại còn chưa ra khỏi bóng đêm của sự lạc hậu, khi con người đang còn đớn đau bởi vô số những bất công, vô lý của xã hội thì Đức Phật đã giũ bỏ tất cả những lợi danh, những thú vui thường tình để lên đường tìm chân lý, tìm những biện pháp giúp con người thoát khỏi khổ đau, đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống.
Và Ngài đã thành công. Chẳng những bản thân Ngài đã đạt được cuộc sống an vui chân thật, mà những phương pháp tu tập, những liệu pháp tâm lý Ngài đã chỉ dạy từ thuở ấy cho đến bây giờ vẫn còn phù hợp, vẫn rất hiệu quả, thậm chí là rất có tính khoa học. Chính vì lẽ đó, các nhà khoa học về tâm thức trong khoa học hiện đại đang hướng về Phật giáo, hướng về kho tàng giáo lý đồ sộ của đạo Phật để mong tìm ra những giải pháp hiệu nghiệm, để tìm ra những biện pháp khắc phục và vượt qua những vướng mắc, những giới hạn mà họ đang phải đối mặt.
Cụ thể và gần gũi nhất chính là các nhà tâm lý học. Họ dựa vào những lời Phật dạy để đưa ra những giả thuyết khoa học phục vụ cho vấn đề nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận, đồng thời đưa ra những liệu pháp điều trị tâm bệnh có tính kết hợp giữa tâm lý học hiện đại và Phật pháp, hoặc những liệu pháp điều trị thuần túy Phật giáo. Tuy vậy, những liệu pháp ấy không hề mang tính “tôn giáo”, ngược lại, chúng rất rõ ràng và có tính khoa học cao.
Việc phối hợp giữa tâm lý học hiện đại và giáo lý đạo Phật trong nghiên cứu và thực hành trị liệu là một xu hướng ngày càng phổ biến. Cũng trong xu hướng đó, tập sách “Chuyển hóa khổ đau: Ứng dụng lời Phật dạy để chữa trị những vấn đề tâm lý” đã ra đời.
Tập sách này là tập hợp những bài viết về vấn đề tâm lý. Có những vấn đề thuộc về tâm bệnh của cá nhân, có những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã hội. Trong mỗi vấn đề, người viết đã phân tích dưới quan điểm của tâm lý học hiện đại cũng như dưới nhãn quan của Phật giáo, giúp bạn đọc hiểu được khái niệm của vấn đề, chỉ ra nguyên nhân của nó, những biểu hiện hoặc triệu chứng, và điều quan trọng hơn nữa là đưa ra những liệu pháp để chữa trị, để chuyển hóa những tâm bệnh, những bất ổn trong các mối quan hệ xã hội ấy.
Đồng thời, tập sách này cũng có thể là tài liệu tham khảo cho những ai muốn nghiên cứu về các chứng bệnh tâm lý, vì những vấn đề được đề cập đến trong tập sách này đều rất gần gũi và thiết thực trong cuộc sống hiện tại và là những vấn đề phổ biến, chẳng hạn như: sự tức giận, lòng thù ghét, lo âu, căng thẳng, sợ hãi, trầm cảm, vấn đề nghiện ma túy, nỗi đau mất người thân, và cả những rắc rối trong gia đình, bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu…
Hy vọng tập sách này sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều điều bổ ích. Biết đâu, trong một vài đoạn nào đó của tập sách, bạn đọc sẽ thấy được bóng dáng những vấn đề của mình thấp thoáng trong đó, thấy mình đang gặp phải những triệu chứng, những biểu hiện đúng như trong sách diễn tả, và từ có thể thực tập theo những liệu pháp mà sách nàyđưa ra để giải quyết một cách tốt đẹp những bất ổn của mình. Nếu được nhưthế thì đóchính là niềm hạnh phúc vô cùng lớn, là món quà cao quý nhất mà quý vị dành tặng cho người viết.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vì người viết còn hạn chế về nhiều phương diện nên tập sách này không tránh khỏi ít nhiều khiếm khuyết. Người viết rất mong nhận được sự chỉ dạy và góp ý xây dựng của tất cả mọi người để cho tập sách được hoàn thiện hơn, để những liệu pháp đưa trong tập sách này được gần gũi và thiết thực hơn trong tương lai. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ email: vnminhnguyen@yahoo.com.
Tập sách này tuy là thành quả của cá nhân, nhưng để có được thành quả ấy thì không ít người đã phải dày công giáo dưỡng, dành nhiều tình yêu thương, sự giúp đỡ, cũng như đã đổ mồ hôi và cả nước mắt cho quá trình học tập và trưởng thành của người viết. Xin thương kính tri ân mẹ cha, các bậc minh sư, quý thầy cô giáo và chân thành cảm niệm ân tình của tất cả bạn bè, người thân.
Sài Gòn, tháng 12 năm 2010

8 nhận xét:

ngocdung nói...

“Chuyển hóa khổ đau”, một tập sách khi đã đọc qua, chúng ta “thấp thoáng thấy bóng dáng tâm trạng mình trong đó …”. Và tôi đã nhiều lần cảm thấy mỏi mệt vì những bất ổn, vì những lo âu bởi cuộc sống đời thường.
Cám ơn tác giả đã dâng tặng cho đời, cho người một tập sách có thể “nương nhờ lúc thở than”, và cũng có thể ví von rằng: “Chuyển hóa khổ đau” dù không là thần dược, nhưng có thể xem là viên linh đơn giúp cho người bớt khổ giữa cõi đời tạm bợ này.

Minh Nguyen nói...

Chị quá khen rồi!
Dù sao cũng cảm ơn chị, sẽ có hậu tạ sau, hihi.
Chúc chị luôn khỏe.

Lưu Ly nói...

Con đi mua liền quyển sách này. Dịp nào rảnh, con sẽ xin được đàm đạo cùng thầy. Dạo ni con cũng nhiều khổ đau lắm thầy ơi!

Minh Nguyen nói...

Vâng, lúc nào có thời gian thì chúng ta trò chuyện ha. MN rất vui được trò chuyện với mọi người.

Nặc danh nói...

Thầy, nhớ để dành sách cho con =.=

Minh Nguyen nói...

Uh. lúc nào em về nước, nhớ ghé lấy sách nhé.

Nặc danh nói...

de danh cho con mot quyen nua nha. ko duoc quen phan cua con dau do. quen la nghi choi su huynh luon. hehe

Minh Nguyen nói...

Không biết rõ người nào dặn để dành sách mà không để lại tên, MN thật sự không biết. Mà thấy cách xưng hô cũng ngộ ngộ, xưng là "con" mà lại gọi MN là "su huynh". Xin cho biết một chút thông tin cá nhân nhé.

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates
Khi sử dụng tài liệu từ blog này, vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn tài liệu. Cảm ơn!